Chương 147: Cuộc chiến tìm việc của Cựu Anh hùng (2)
Độ dài 3,426 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-28 16:18:02
-Được rồi, để tôi nhắc lại, thời hạn cho các bạn sẽ là năm ngày, không kể cuối tuần. Lập kế hoạch và ý tưởng sản phẩm, lựa chọn đối tượng khách hàng, đồng thời là lên kế hoạch tiếp thị bằng một nhóm năm người. Cùng với đó là tính toán toàn bộ các khoản chi phí sản xuất, vận hành, số lượng sản xuất, ngày giao hàng, phương thức bán hàng, bảo hành v…v..v… Tất cả những thứ đó không thể nào có được đáp số ngay trong một lúc nên cần phải chuẩn bị rất nhiều.Sau đó, các bạn sẽ phải trình bày toàn bộ bản kế hoạch của mình vào thứ Tư tuần tới. Kết quả của bản kế hoạch đó không ảnh hưởng đến việc đánh giá thực tập, nhưng nếu ý tưởng tốt và được chấp thuận, những người tham gia nhóm đó sẽ có thể được nhận vào làm. Nếu các bạn muốn suy nghĩ thêm, hoàn toàn có thể kí hợp đồng thời hạn với công ty chúng tôi trong lúc đó.
Người phụ trách của chúng tôi trình bày toàn bộ những điều đó một mạch trong khi liếc qua toàn bộ những người hiện đang có trong phòng họp để xác định rằng chúng tôi không còn gì thắc mắc.
-Vậy thì, cuộc họp của chúng ta kết thúc tại đây. Chúng tôi không chịu bất kì trách nhiệm nào đối với việc quản lý nhân sự của các nhóm và nếu những rắc rối trong mối quan hệ giữa các thành viên không thể giải quyết được, nhóm đó sẽ bị loại. Ngoài ra, bất kì sự vắng mặt của bất kì thành viên nào cũng do nhóm đó hoàn toàn chịu trách nhiệm và họ sẽ không được bổ sung nhân sự. Vậy thì, tôi sẽ công bố danh sách các thành viên của từng nhóm.
Lần lượt những người tham gia thực tập được xướng tên, có vài tiếng xì xào bàn tán vang lên, nhưng nói chung là mọi thứ đều ổn. Vài người đến cùng bạn bè của họ, nhưng những nhà tuyển dụng không quan tâm đến việc đó, nên việc họ bị chia năm xẻ bảy vào các nhóm khác nhau là dễ hiểu mà thôi.
Còn tôi, do chỉ có một mình nên thế nào cũng được hết.
À quên mất, tôi chưa nói rõ tình hình nhỉ?
Như đã đề cập, tôi đã nhận một đề nghị đến thực tập tại một công ty sản xuất và kinh doanh thiết bị điện gia dụng.
Nói về thực tập thì đại khái là nó được chia thành ba loại, theo thời gian: ngắn hạn là khoảng 1-2 ngày, trung hạn là 1-2 tuần còn dài hạn là từ 1 tháng trở lên.
Tùy thuộc vào công ty mà họ sẽ có những cách tuyển người thực tập khác nhau. Đa số những đơn xin thực tập ngắn hạn sẽ được chấp thuận, người thực tập sẽ được đến công ty 1-2 lần trong tháng đó để tham gia những cuộc họp gần giống như họp giao ban của công ty. Trong nhiều trường hợp, họ không chỉ nhận được tài liệu thông tin về hoạt động của công ty mà còn được đi thăm quan nơi làm việc, quan sát nhịp độ công việc.
Các kì thực tập dài hạn thường được các trường Đại học tổ chức trong những kì nghỉ dài như nghỉ hè và nghỉ xuân, với mục đích chính là tích lũy kiến thức, kĩ năng cần thiết cho công việc sau này trong khi làm việc như một nhân viên bán thời gian cho công ty đó. Loại này có một khoản tiền nhỏ cho các thực tập sinh sau khi kết thúc chương trình.
Còn kì thực tập của tôi là loại trung hạn.
Thực ra cũng không hẳn là trung hạn, kiểu như kết hợp giữa ngắn và dài hạn vậy, mục đích chính là trải nghiệm thử công việc chứ không tiếp thu kĩ năng hay gì đó. Nhân tiện thì không có lương như thực tập dài hạn nhé. Thời hạn thực tập tùy vào nhu cầu của công ty và cũng diễn ra trong mấy kì nghỉ dài, nhưng cũng có vài công ty tuyển người trong giai đoạn mùa thu và mùa xuân đối với các sinh viên năm cuối đang muốn tìm việc làm.
Do đó, tôi đã nộp đơn xin thực tập ở vài nơi và quyết định chọn hai công ty sau khi tham khảo ý kiến của Kanzaki-senpai/.
Đầu tiên là công ty sản xuất đồ điện, một công ty thuộc loại vừa.
Và thứ hai là một công ty sản xuất và mua bán các thiết bị linh kiện ô tô, sản xuất cả hàng điện tử và thiết bị điện tử theo đơn hàng của các doanh nghiệp lớn hơn nữa.
Cả hai đều hướng tới việc giúp các thực tập sinh nắm bắt được những công việc cơ bản như lập kế hoạch, bán hàng, lên kế hoạch cho sản phẩm mới, thuyết minh về sản phẩm…v..v.. tóm lại là những kĩ năng cơ bản để bắt đầu từ khi lên ý tưởng đến khi bán được một sản phẩm.
Nói cách khác, nó giống như một trò chơi đóng kịch công ty của đám trẻ con mẫu giáo, nhưng lại sâu sắc và chuyên biệt hơn vì có liên quan đến công việc thực tế.
Nhân tiện thì dù công ty này không nói rõ, nhưng theo lời Kanzaki-senpai, kết quả thực tập không ảnh hưởng trực tiếp đến việc họ có từ chối tôi hay không, nhưng nếu để xét ưu tiên nhận vào làm việc thì nó cũng là một yếu tố.
Sau khi nhận được thông báo phân chia đội, tôi di chuyển tới căn phòng được chỉ định cho đội của mình.
Có vẻ chúng tôi, những người xa lạ được chỉ định, sẽ phải làm việc chung với nhau ở đây trong năm ngày tới.
Căn phòng của chúng tôi rộng khoảng 10 tấm tatami, ngay bên cạnh hội trường lớn ban nãy.
Một tấm bảng mica trắng lớn, máy chiếu và màn hình máy tính, một chiếc bàn hình bầu dục giống như bàn trong phòng hội nghị là tất cả những gì có trong này.
-Ma…ma…tại sao chúng ta không tự giới thiệu bản thân trước nhỉ? Tôi là Akabashi Yutaka, năm ba Cao đẳng kinh tếsở thích của tôi là thể thao bãi biển và trượt tuyết. Mong mọi người giúp đỡ.
-Tôi là sinh viên năm ba, Đại học khoa học A, Midoriyama Megumi. Mong mọi người giúp đỡ.
-T…tôi là…etto…Sinh viên năm ba khoa kinh tế của Đại học H, Kusunoki Marina. Sở thích của tôi là ani…à không phải, là xem phim và light…à không, là đọc sách. Hân hạnh được gặp mọi người.
-A…đến tôi à? Etto…Năm bốn khoa kinh tế đại học D, gọi tôi là Itagaki được rồi. Hân hạnh.
-Đại học S khoa kinh tế năm ba, tôi là Kashiwagi Yuuya. Sở thích của tôi là xe máy. Từ nay nhờ mọi người chiếu cố.
Sau khi vào phòng và ngồi xuống ghế, người đàn ông tên Akabashi đứng dậy phá tan bầu không khí.
Một thanh niên với vẻ ngoài điển trai và mái tóc cắt ngắn. Khuôn mặt khá là thu hút với nụ cười và bầu không khí hiền hòa xung quanh. Anh ta khá là giống với cậu bạn Shido của tôi, một tên Ikemen.
Nhìn chung thì cậu ta là kiểu người hòa đồng nhưng để làm lãnh đạo nghiêm túc thì…
Tiếp đến là Midoriyama-san, một cô gái đeo kính nhìn khá trí thức. Cùng với cách ăn mặc khiến cô ấy nhìn khá giống một thư kí ở các công ty lớn.
Kusunoki-san có vẻ ngoài và tính tình khá trẻ con giống như Ayumi vậy…tôi có hơi lo rồi đấy.
Itagaki-san là người duy nhất học năm bốn, mà khoan, tôi dùng –san có được không nhỉ? Trái với lời giới thiệu có phần cục cằn của mình, anh ta nhìn lại khá hiền lành. Có vẻ cũng như tôi, anh ta chưa quyết định được mình sẽ làm gì dù đã học tới năm bốn nhưng trông vẫn tương đối bình thản.
Năm người, tính cả tôi sẽ cùng làm việc theo nhóm để lên kế hoạch tạo ra một sản phẩm mới. Tất nhiên là chưa chắc ý tưởng của chúng tôi đã được chấp nhận, nhưng chúng tôi vẫn sẽ làm hết sức mình.
-Được rồi, vậy giờ chúng ta sẽ quyết định các vị trí trong nhóm nhé.
-Tôi không quan tâm lắm đâu, nên các cậu muốn làm sao thì làm.
-Tôi cũng thế.
-Eh? Vậy cho tôi tham gia được không? Được không?
-Tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nếu có ai đó với thái độ tích cực hơn ở vị trí đó.
Midoriyama-san nêu ra ý kiến, nhưng ngay lập tức Itagaki-san và Kusunoki-san tỏ ra không quan tâm đến nó lắm. Akabashi cũng lắc đầu, còn tôi thì ủng hộ cô nàng làm nhóm trưởng luôn vì dù sao trông cô ấy có vẻ nghiêm túc nhất nhóm.
-Cảm ơn sự tin tưởng của mọi người, tôi sẽ cố gắng hết mình. Vậy thì, trước hết chúng ta phải quyết định hướng đi cho sản phẩm mới đã.
-Tôi sẽ viết lên bảng cho…
-Để tôi ghi biên bản họp.
Akabashi xung phong ghi bảng còn Kusunoki lấy ra quyển sổ tay đại học của mình và bắt đầu lúi húi ghi biên bản.
Theo tôi thấy thì hai người này chỉ đang cố tỏ ra là mình có ích thôi…
-Vậy thì, việc đầu tiên chúng ta cần quyết định là sẽ nhắm đến loại thị trường nào…thị trường phổ thông hay thị trường đặc biệt?
Midoriyama nói trong khi khoanh tay trước ngực và chống chằm.
-Các thiết bị điện gia dụng hiện đang chiếm lĩnh thị trường phổ thông đều là của các hãng đồ gia dụng lớn, nên chúng ta khó mà cạnh tranh nổi với họ nếu dấn vào thị trường này.
Cái này trong kinh tế học gọi là Độc quyền, khi đã nắm thị phần lớn trong một lĩnh vực nào đó, một công ty lớn sẽ làm mọi cách để ngăn cản những công ty nhỏ hơn lấn sân vào lãnh thổ của mình để tối đa hóa lợi nhuận.
Như Akabashi có nói, thị trường thiết bị điện gia dụng ngày nay phần lớn được thâu tóm bởi một số công ty lớn, và người dân cũng sẽ chỉ tin dùng những thương hiệu uy tín đó trên thị trường bởi họ đã quá quen với nó rồi.
Do đó, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đồ gia dụng đều đã chuyển sang các sản phẩm theo kiểu “nhiều người sẽ mua” chứ không phải “nhiều người khen tốt” để thu về lợi nhuận tức thời.
Lấy ví dụ ở các công ty sản xuất máy nướng bánh mì là dễ hiểu nhất. Mấy loại máy nướng hiệu suất cao nhưng giá rẻ thường chỉ đắt hàng một thời gian trước khi lại mất thị phần vào tay nhưng loại máy xịn và đắt tiền hơn. Đó là bởi dần dần chất lượng của những chiếc bánh nướng ra mới là thứ được mọi người quan tâm chứ không phải số lượng.
Tuy nhiên chỉ một khoảnh khắc đó, nếu bạn nắm được nhu cầu của thị trường, bạn sẽ thành công cực lớn chỉ với một sản phẩm.
Xét cho cùng, Nhật Bản có tới 127 triệu dân và 58 triệu hộ gia đình, chỉ cần 1 người trong mỗi 100 người mua sản phẩm của những công ty nhỏ như chỗ chúng tôi thì đó cũng là một doanh số rất lớn rồi.
-Được rồi, vấn đề thị trường đã xong, giờ chúng ta sẽ bàn đến chuyện thiết bị đó thuộc lĩnh vực nào?
-Eto…một sản phẩm phục vụ quá trình chăm sóc điều dưỡng người già thì sao?
-Chăm sóc điều dưỡng à? Nghe cũng được đó, xét trên hoàn cảnh xã hội siêu lão hóa hiện nay, nhất định sản phẩm loại đó sẽ có tiềm năng trong tương lai.
-Hm..nghe thì hợp lý đó, nhưng không phải giờ thị trường đó cũng đã rất sôi động với nhiều thiết bị hỗ trợ và giúp đỡ người già dần trở nên phổ biến đó sao?
-Hm…
Kusunoki phản bác ý kiến của Itagaki-san khiến anh ta phải cúi mặt xuống.
Nếu cứ bàn lùi thế này thì chừng nào mới ra được thành quả đây…
-Không hẳn. Về cơ bản thì những thiết bị đó đều có giá rất cao và mất khá nhiều thời gian để cài đặt, vì vậy việc trở nên phổ biến sẽ rất khó. Tôi đoán là chúng ta sẽ thành công nếu tìm được thứ gì đó mà mọi người già đều cần. Phủ định ý tưởng cũng là tốt, nhưng cũng nên nhìn xa một chút.
-U…Um….Xin lỗi vì đã hơi quá khích…
Itagaki nhìn tôi sau khi tôi đứng dậy phát biểu quan điểm của mình. Kusunoki có hơi ngạc nhiên nhưng sau đó cũng hiểu điều tôi muốn nói và im lặng gật đầu.
-Dù sao thì chúng ta cũng đều thấy đây là một ý tưởng khá tốt. Có điều tất cả chúng ta đều chẳng có kinh nghiệm gì trong công việc đó, như vậy sẽ rất khó trong vấn đề xác định thứ chúng ta cần là gì.
-Đúng thế, ở đây có ai từng làm hoặc quen biết ai đó làm nghề điều dưỡng không?
Cái này lại là một vấn đề khác của thị trường đặc biệt, bởi sẽ chỉ có một lượng người nhất định cần sản phẩm của chúng tôi. Vì thế sẽ rất khó khăn để xác định nhu cầu của họ nếu bạn không biết về công việc đó.
Những thách thức này hầu hết đều sẽ nằm ngoài khả năng giải quyết của các sinh viên mới ra trường, tuy nhiên lần này tôi muốn tạo ra thứ gì đó thật đột phá để gây kinh ngạc cho công ty.
-Bà nội của tôi chỉ có một mình và tôi đã phải chăm sóc bà suốt 4 năm qua. DO đó suốt năm ngoái và năm nay tôi vẫn chưa thể hoàn thành chương trình học của mình để đi tìm việc. Cuối cùng thì sau khi bà mất hai tháng trước, tôi mới có thể đi kiếm việc làm.
Itagaki-san nói trong khi nhìn lên trần nhà, như là đang cố che đi những giọt nước mắt chảy ra vậy.
Akabashi nhíu mày sau khi nghe điều đó. Tôi cũng chỉ biết thông cảm trong lòng cho anh ấy vì nói ra nghe có vẻ hơi giả tạo quá.
Bản thân tôi chưa từng có kinh nghiệm chăm sóc người thân của mình, nhưng cũng dễ tưởng tượng ra rằng, một điều dưỡng viên sẽ phải vất vả thế nào cả về thể chất, kinh tế và tinh thần khi chăm sóc người già. Đã có vô số báo cáo về nhu cầu điều dưỡng viên với cái nhìn bi quan về tương lai của nghề này, có những người thậm chí không chịu nổi áp lực nên đã tự sát hoặc giết người….
Itagaki-san hẳn cũng đã có khoảng thời gian khó khăn. Tôi nghĩ vậy vì anh ấy đã phải bỏ ra thời gian quan trọng nhất của mình trong con đường đại học để chăm sóc người thân của mình. Do đó có thể hiểu được sự thất vọng từ anh ấy khi nhận được lời phản bác từ Kusunoki.
-Chia buồn với gia đình anh. Nhưng tôi có thể hỏi, liệu anh có ý tưởng nào từ công việc đó không?
-Tôi không chắc. Hầu hết việc chăm sóc bà đều do những người giúp việc phụ trách, tuy nhiên tôi không thể rời mắt vì bà bị mất trí nhớ và có thể trở nên hoảng loạn bất kì lúc nào. Tôi hầu như không có khái niệm ngủ đúng giờ, bất kì khi nào có vấn đề gì tôi đều phải thức dậy. Haa…nếu được thì tôi muốn một cái máy nào đó giúp tôi ngủ 5 phút nhưng hiệu quả thì như 5 tiếng vậy…
-Cái này…
-Tôi cũng muốn có cái đó..
Chắc chắn là, nếu có cái máy đó thật, thì ngành y học thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn.
Tôi có thể làm được đó, nhưng là bằng phép thuật cơ….
-Liệu chúng ta có nên trực tiếp đến phỏng vấn các điều dưỡng viên không? Nhưng nếu phỏng vấn xong rồi vẫn không ra vấn đề thì sẽ rất khó bắt đầu lại đó.
-Nếu vậy liệu chúng ta có nên chia thành hai nhóm, một nhóm tiếp tục đi theo ý tưởng đó, nhóm kia bắt tay vào tìm các ý tưởng tiềm năng hơn để phòng xa. Nếu chưa quyết định được sản phẩm, chúng ta sẽ chẳng có bản kế hoạch nào hết. Trong hai ngày tới, chúng ta sẽ lựa chọn và quyết định mọi thứ vào ngày thứ ba, tức sáng thứ sau. Sau đó tôi sẽ bắt đầu phân công mọi người xử lý các vấn đề liên quan để tập hợp lại vào cuối tuần.
Midoriyama đưa ra một phương án cực kì chi tiết trước lo lắng của Akabashi-san.
Sau đó đề xuất của Midoriyama-san được viết lên bảng và chia thành hai cột.
Chúng tôi quyết định sẽ dùng ba người để khảo sát về công việc điều dưỡng viên, hai người còn lại sẽ lo chuyện tìm kiếm ý tưởng mới.
May là Akabashi và Midoriyama-san có mang theo máy tính xách tay và bộ định tuyến di động, nên họ sẽ lo phần tìm kiếm ý tưởng.
Còn lại tôi, Itagaki và Kusunoki trong đội khảo sát.
Cơ mà chúng tôi phải làm gì đây??
À phải rồi, có lẽ tôi nên đến viện dưỡng lão mà Jii-san bên hàng xóm nhà tôi trước đây đang ở.
Hẳn là mọi người chưa quên ông ấy.
Trước khi nhà chúng tôi được xây lại, Jii-san sống cạnh nhà tôi, tôi và Ayumi từ bé đã được vợ chồng ông ấy quan tâm chăm sóc rất nhiều.
Sau khi bán lại mảnh đất cho gia đình tôi, ông ấy đã xin vào một viện dưỡng lão khép kín cách khá xa thành phố để tận hưởng tuổi già.
Thi thoảng tôi và Ayumi có tới đó chơi, khoảng một tháng một lần, nhưng gần đây ông đã kết bạn được với một bà lão sống cùng trong viện qua câu lạc bộ khiêu vũ. Mấy lần vào thăm gần đây chúng tôi hầu như đều phải ngồi một góc nhìn hai ông bà tâm sự với nhau.
Lạc trôi thế đủ rồi, quay lại chuyện chính.
Vì nơi đó có thể sẽ giúp chúng tôi tìm ra câu trả lời cho mình, nên hãy tới đó.
Nghĩ vậy, tôi lấy điện thoại ra gọi điện cho một người quen làm điều dưỡng viên ở đó và nhờ cô ấy sắp xếp một cuộc hẹn.
-Được, vậy chúng ta lấy xe của tôi đi.
Kusunoki và Itagaki lập tức đứng dậy và rời khỏi phòng sau khi nghe tôi nói lại mọi chuyện.
Ra đến cổng, tôi thấy Itagaki-san đã ở trên chiếc minicar của mình đỗ ở cổng sau.
Chúng tôi trèo lên xe sau hai cái vẫy tay của anh ấy.
Một con người lạnh lùng, đến giờ anh ta vẫn chưa nói câu nào.
-Ano…xin lỗi nhưng không phải anh không quan tâm tới chuyện chăm sóc người già nữa sao?
-Ah, là về chuyện đó, tôi thành thực xin lỗi, không phải vậy. Thực ra tôi không giỏi về chuyện đó cho lắm. Và có vẻ gương mặt đáng sợ này khiến mọi người hiểu lầm, nhưng tôi không hề tức giận hay phản đối gì đâu.
Kusunoki-san dường như không chịu nổi sự im lặng nữa mà lên tiếng phá tan nó, nhưng câu trả lời của Itagaki-san kèm cái gãi má khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ.
Hóa ra anh chàng này không hoàn toàn như tôi nghĩ.
-Nếu vậy thì tốt quá, Itagaki-san cũng sẽ hợp tác với chúng tôi sao?
-Tất nhiên rồi, mẹ, rồi cả tôi cũng đã phải vật lộn rất nhiều để chăm sóc bà tôi. Vì thế tôi muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh với mình. Với lại, cô không cần dùng kính ngữ với tôi đâu. Cách nhau có một năm thôi mà.
-Vâng!!
Nói xong, Itagaki, đột nhiên đảo tay lái và phanh gấp lại.
-Sao thế? Có chuyện gì vậy?
Kusunoki vội vàng lên tiếng hỏi.
-Ờ…tôi quên mất, nhưng chúng ta đi đâu ấy nhỉ?
Nãy giờ ông có nghe tôi nói không vậy????