Chương 383 - Sách giáo khoa cảm xúc
Độ dài 919 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-10-22 23:45:57
Có đứa trẻ khóc lóc vì bị giành mất đồ chơi.
――Thì chơi đồ khác là được rồi mà.
Có đứa trẻ cười vui vì được giáo viên bế bồng.
――Chỉ được vác đi thôi mà lại thế.
Có đứa trẻ nổi cơn tam bành vì đồ ăn có món mình ghét.
――Thì không ăn cũng có sao đâu.
Có đứa trẻ buồn vì mẹ vẫn chưa đến đón mình.
――Cứ chờ thôi, kiểu gì chẳng tới.
......Hồi còn nhỏ, tôi chẳng thể hiểu được phản ứng của những đứa trẻ khác.
Tôi hờ hững bất kể chuyện gì có xảy ra, tôi cũng hay bị người xung quanh bảo là 『điềm tĩnh』, là 『lờ đờ』, nhưng thực chất tôi chỉ không biết cách để tạo ra biểu cảm.
――Vì sao những đứa trẻ kia lại làm vẻ mặt đó thế?
Tôi không hiểu.
Ngay cả khi đã cố lý giải theo cách trẻ con, quả nhiên tôi vẫn không thể hiểu được những 『cảm xúc』 vốn không tồn tại trong con người mình.
『Cứ đọc sách đi. Kẻ khờ học từ kinh nghiệm còn người khôn học từ lịch sử[note48124]...... Có điều tuổi mày đọc mấy cuốn sách khó không nổi đâu. Tầm này cứ đọc sách tranh rồi tạo thói quen đọc là được, kiểu gì sau này cũng có lợi cho mày』
Có lẽ đó là cái hồi mẹ vẫn còn kỳ vọng vào tôi.
Trong thời kỳ cố gắng nuôi dạy tôi thành tài, mẹ đã mua tặng tôi rất nhiều sách tranh để đọc.
Mới đầu tôi không hứng thú cho lắm.
Tôi chỉ đọc vì nghe theo lời mẹ chứ cũng chẳng quan tâm gì nhiều.
Nhưng chính nhờ sách mà tôi đã có thể hiểu được 『người khác』.
――Ra thế, người ta khóc là vì buồn, còn cười là vì vui.
Tôi đã biết được nguyên do cho những hành động mình không thể lý giải. Nhưng vấn đề tiếp theo là nguyên nhân dẫn đến hành động - 『cảm xúc』 thì tôi vẫn chào thua.
――Ơ thế người ta thấy vui buồn vào lúc nào nhỉ?
Tôi đọc Nàng tiên cá, đọc đến đoạn nàng tiên cá bật khóc vì không thể kề cạnh hoàng tử, tôi đã biết đó là buồn đau.
Tôi đọc Lọ Lem, đọc đến đoạn Lọ Lem mỉm cười khi đến được với hoàng tử, tôi đã biết đó là vui mừng.
Sách đã dạy cho tôi biết cảm xúc.
――Khi chuyện này xảy ra, cứ phản ứng như kia là được.
Và tôi đã hiểu được cảm xúc của người khác.
Nhưng nói thế chứ chuyện bản ngã chậm hình thành của tôi thì vẫn chẳng cải thiện được tí nào.
Rốt cuộc thì tôi vẫn không thể biểu cảm một cách năng động được.
Tôi chỉ có thể phản ứng khi có gì đó xảy ra trước, không khác gì một con robot được lập trình sẵn chỉ biết chờ mệnh lệnh.
Chính vì tôi như thế nên mẹ mới thất vọng.
『Trí nhớ mày kém...... hay là không có tinh thần ghi nhớ đây? Quá ít tham vọng đi. Ai mà nghĩ mày lại là con của mẹ được』
Và dưới con mắt những người xung quanh thì tôi như vầy đây.
『Chẳng hiểu Nakayama-kun đang nghĩ gì luôn ấy』
Dẫu vậy, tôi vẫn không biết mình nên làm gì mới được.
――Rốt cuộc Nakayama Koutarou là 『cái gì』?
Vậy nên tôi tiếp tục đọc sách, tiếp tục hành trình đi tìm xem bản thân là thứ gì.
Rồi sau đó tôi tìm được một kiểu nhân vật cho dù xuất hiện ở mọi quyển sách, họ lại chẳng để lại gì đáng nhớ ở bất kì đâu.
Tôi nhận thức rõ ràng được điều đó là vào hồi học trung học cơ sở.
Đó là cái thời cô bạn Kirari cùng lớp cho tôi mượn 『Light Novel』.
Và đó cũng là lần đầu tôi đọc loại sách mà người ta gọi là "Tiểu thuyết nhân vật".
Khi đọc được thể loại sách nơi mỗi nhân vật được quyết định trước vai trò này, tôi cuối cùng cũng hiểu.
――Nakayama Koutarou...... cứ như nhân vật nền vậy.
Như cái cách những nhân vật đó không để lại ấn tượng gì với ai.
Tôi chồng chéo hình ảnh bản thân lên những nhân vật nền kia, những kẻ cho dù có xuất hiện cũng chẳng được đóng vai trò tích cực trong bất kỳ tác phẩm nào.
Dẫu vậy...... hồi đó tôi vẫn chưa nghĩ mình là nhân vật nền.
Cũng tại không ít bộ Light Novel có nhân vật nền được làm nhân vật chính.
Đúng hơn là tôi còn trên đà nghĩ mình 『biết đâu lại là nhân vật chính』 nữa ấy.
Mà ừ, cái ảo tưởng đó đã tan tành khi tôi gặp được Ryuuzaki.
Và cũng kể từ đó, tôi bắt đầu coi bản thân sau khi lên cấp ba 『là một nhân vật nền』――