Ngày thứ 39: Anh có biết nấu ăn không, senpai?
Độ dài 1,476 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-27 07:45:20
# # #
“Chào buổi sáng.”
“Chào.”
Tôi vốn đã quen bắt đầu ngày mới bằng việc chào hỏi Kouhai-chan ở sân ga. Xin nhắc lại, là tôi đã quen với em ấy rồi.
“Tuần sau là tuần đại hội thể thao, đúng không ạ? Anh không cần chuẩn bị gì sao, senpai?”
“Anh chỉ phải làm một bài phát biểu năm giây ở lễ khai mạc.”
“Đấy còn không phải một bài phát biểu, chỉ là kêu một tiếng…”
Phiền ở chỗ là tôi biết em ấy nói không hề sai. Mấy thứ kiểu này chỉ là nghi thức, chỉ là nghi thức mà thôi.
“Nhưng người tổ chức đại hội thể thao là hội học sinh mà? Chủ tịch lại không làm gì hết thì có ổn không vậy?”
“Cái ghế chủ tịch hội học sinh chỉ là để trang trí thôi em. Giống như chủ tịch hội đồng quản trị ấy, xong bên dưới còn có giám đốc, trưởng bộ phận, rồi quản lý bên dưới đó nữa.”
“Hội học sinh của mình cũng kiểu như vậy sao?”
“Không, nhưng công việc chủ yếu do những thành viên phụ trách trực tiếp làm.”
Tại sao cái tổ chức này nó lại như vậy nhỉ? Tôi không biết liệu có ai quan tâm đến chuyện đó không nữa.
“Haa…”
“Senpai, tóm lại thì ngày mai anh sẽ tham gia vào cái gì?”
“Đua mượn đồ…” (Chú thích: một trò chơi mà trong đó các đấu thủ sẽ chọn một tấm thẻ, bên trên viết một loại đồ vật gì đó, và họ sẽ phải chạy đi tìm nó và mang về để có thể chiến thắng.)
Ah… Tôi đã cố không nhớ lại vụ đó rồi, vậy mà…
‘Thân là chủ tịch của hội học sinh, cậu cần phải nhận lấy trách nhiệm và tham gia đội đua mượn đồ’, chẳng biết là kẻ nào đã nói như vậy nữa. Mấy người xung quanh tôi cũng hùa theo cái ý tưởng đó, đúng là độc ác mà. Mặc dù họ thường chẳng bao giờ hợp tác trong chuyện gì cả, nhưng khi có những vụ thế này, họ sẽ trở thành một đội với nhau để đẩy bất kỳ ai ngày thường không nổi bật ra đứng mũi chịu sào.
Đua mượn đồ là phần thi diễn ra cuối cùng trong ngày hội thao trường tôi. Tất cả mọi người đều sẽ theo dõi nó. Hội học sinh sẽ bốc thăm để chọn ra một chủ đề trong danh sách “đồ mượn” được đề xuất bởi toàn thể học sinh của trường, ngoại trừ những thứ vi phạm luật pháp hay đạo đức, hoặc là không thể mượn được.
Nói cách khác, bất kỳ chuyện gì được phép xảy ra sẽ xảy ra. Một sự hỗn loạn tuyệt đối. Nếu có thể, tôi chẳng muốn dính dáng gì đến vụ này hết. Không đời nào tôi muốn vật lộn với hai mươi đứa khác để tranh giành cả.
“Senpai ghét trò này đến thế ư? Không phải chỉ cần mượn đồ xong chạy thôi à?”
“Ít nhất thì em phải có chút may mắn lúc bốc thăm…”
Tôi đã kiềm chế tham gia bốc thăm thi thoảng tổ chức ở cửa hàng tiện lợi, bởi vì không muốn sử dụng may mắn của mình quá nhiều. Nếu không làm thế, tôi sợ độ may mắn của mình sẽ bị đè bẹp mất.
“Với cả, đại diện từ tất cả các lớp đều sẽ bắt đầu cùng một lúc.”
“Từ cả ba khóa năm nhất, năm hai và năm ba luôn à?”
“Ừ, tất cả mọi người sẽ bốc thăm đồng thời.”
“Uwahhh…”
Bình luận trực tiếp cũng sẽ cực kỳ phiền phức. Họ cần phải chọn cái chủ đề nào mà nghe thú vị nhất, rồi gào lên ngay lập tức. Bình luận viên, các bạn sẽ vất vả đấy.
“Nhưng mà, thế nghĩa là em có thể bắt đầu chạy cùng với senpai à.”
“Thì sao?”
“Em có thể thi đấu với anh.”
“Thì?”
“Nhân tiện, mình làm trò đó nữa nhé? Một cuộc thi mà người thắng sẽ được yêu cầu kẻ thua làm bất cứ cái gì, phần 2.”
“Lại nữa?”
“Cũng là ý hay mà.”
Ngoài việc chúng tôi mỗi ngày được hỏi người kia một câu hỏi, không có luật nào về việc yêu cầu hay nhờ giúp đỡ cả.
Tôi không biết em ấy sẽ yêu cầu mình làm gì nữa, để mà phải cố gắng đến mức này. Thật là đáng sợ.
“Anh không nghĩ thế, nhưng mà cũng đâu được từ chối đâu, phải không?”
“Anh hiểu chuyện đấy, senpai. Vậy quyết định thế nhé.”
Thật lòng mà nói, mọi thứ quyết định từ khâu bốc thăm rồi. Có thể cho rằng thứ hạng sẽ được quyết định bởi chủ đề mà thí sinh bốc được. Tôi chỉ còn cách tập hợp phúc đức của mình nhiều nhất có thể cho đến ngày mai, và hy vọng rằng mình sẽ bốc được cái chủ đề nào dễ làm nhất.
Tôi sẽ cố gắng hết sức.
* * *
Tôi đã một lần nữa thành công tạo ra cơ hội để được quyền yêu cầu. Lần này mà thắng thì hay quá.
“Nhân tiện, đây là ‘câu hỏi ngày hôm nay’ của em.”
Hôm qua trong khi nói chuyện với senpai, tôi đã thấy thắc mắc về chuyện này.
“Anh có biết nấu ăn không, senpai?”
“Ừm…”
Senpai đưa tay lên xoa cằm, đắn đo khoảng ba giây.
“Nếu mà hỏi là có thể hay không thể, thì anh nghĩ là có, nhưng nếu em hỏi có biết nấu tử tế không, thì không.”
“Haa…”
Cảm giác như tôi nửa hiểu anh ấy nói gì, nửa lại không hiểu.
Đành hỏi từng thứ một vậy.
“Mì cốc thì sao?”
“Không phải chỉ cần rót nước sôi vào là xong à?”
“Anh nấu cơm được không?”
“Không phải chỉ cần vo gạo, đổ nước lọc vào, rồi bấm nút à?”
Có vẻ như senpai ít nhất cũng biết làm những món đơn giản. Tạm thời, tôi cho anh ấy điểm đậu.
“Món tủ của anh là gì?”
“Anh không nấu ăn quá nhiều để mà có món tủ, và cũng không có cái gì đại loại thế cả. Trình độ của anh chỉ ở mức tối thiểu.”
Thử đổi cách hỏi xem sao.
“Ví dụ nhé, senpai có thể làm món gì? Anh đã từng làm món gì trước đây chưa?”
“Có lẽ là trứng chiên, hoặc là cơm chiên?”
“Anh biết đập trứng cơ à?”
“Đừng có coi thường, cái đó tất nhiên là anh làm được rồi.”
Tự nhiên tôi muốn khiêu khích anh ấy một tí.
“Mà nhân tiện, em có thể đập trứng được chỉ với một tay đấy.”
Mặt senpai trở nên cau có, nhưng có vẻ không thể phản pháo lại câu nào. Trông thật là thú vị.
# # #
“Trứng chiên à.”
Trong khi đang nói chuyện về những món tôi có thể nấu được, tôi nhớ lại một chủ đề gây tranh cãi về món trứng chiên.
“Câu hỏi ngày hôm nay’ của anh đây. Kouhai-chan, em sẽ cho cái gì lên trên trứng chiên?”
“Là nước tương, đúng không?”
“Hả?”
Ý kiến của chúng tôi lệch nhau.
“Tất nhiên là muối rồi. Em phải rắc muối lên chứ.”
“Không, phải là nước tương.”
Gì chứ, em đang định cãi nhau với anh đấy à.
“Này nhé, trứng chiên hẳn phải là một món đến từ phương tây, đúng không? Họ gọi nó là ‘sunny-side up’ và ‘turnover’. Thế nên là dùng gia vị như muối và tiêu sẽ hợp lý hơn nước tương, thứ mà chỉ có ở châu Á.”
“Không, không đúng. Ngay từ đầu thì Nhật Bản đã du nhập rất nhiều món của nước ngoài về và cải biên cho hợp với môi trường ở đây, rồi nâng cấp lên thành một món mới. Ramen là một ví dụ này, cả nikujaga cũng là một sự biến tấu của món bò hầm của người Anh.”
“Thì ra là vậy…”
“Vâng ạ. Đấy là lý do mà nước tương là bước đầu tiên trong việc biến trứng chiên thành món ăn Nhật. Bởi vì người Nhật rất là thích nước tương, thế nên chắc chắn là họ sẽ cho nó lên trứng chiên, không còn nghi ngờ gì nữa. Ngoài nước tương ra không có gì bằng hết.”
“Không đời nào, dù gì thì anh vẫn sẽ theo đội muối.”
“Nước tương.”
“Muối.”
“Tương.”
“Gà chiên xì dầu.”
“Chocolate.”
“Đậu phụ.”
“Parfait trái cây.”
“Fai… Fu… Fuee…”
Tôi không thể nghĩ ra thêm cái gì và bắt đầu lắp bắp như một cô bé vụng về. Nhưng bởi vì giọng tôi là nam trầm, thế nên chẳng dễ thương tẹo nào.
“Tại sao bọn mình lại chơi nối chữ vậy senpai?” (Chú thích: Bản gốc là “shiritori” - trò nối chữ theo ký tự kana. Do đó sau khi dịch nghĩa đen ra thì không còn ý nghĩa nối chữ nữa.)
“Em đúng là vẫn thích đồ ngọt như mọi khi nhỉ.”
“Hả?”
“Hết chocolate rồi lại parfait.”
“A.”
Con bé liền cúi mặt xuống, rồi bảo rằng đấy là vô thức buột miệng ra thôi.
--------------------------------------------
Những điều mình biết về senpai (39)
Có vẻ như anh ấy thích cho muối lên trứng chiên.