• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Để rồi trang tiếp theo được lật ra(6)

Độ dài 2,741 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-06-24 08:30:16

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy trước cả khi mặt trời thức giấc, cơ bản là do giấc ngủ liên tục bị gián đoạn. Tôi đã phải trằn trọc suốt cả đêm, lần nào dậy cũng là để kiểm tra vết thương và lấy thêm gỗ để duy trì lửa trại. Thế nên giờ toàn thân đang ê ẩm là điều dễ hiểu. Tôi quyết định nằm lại và nghỉ thêm một chút. Cơn buồn ngủ khiến tôi mơ màng nên không biết lựa chọn vừa rồi là hợp lý hay lười biếng nữa, nhưng tôi cầu mong là vế trước.

Tôi rất cần protein. Bản thân đang thèm những con rắn ngon lành mà tôi thưởng thức trong giấc mơ tối qua. Ngoài ra họng cũng khát nữa. Nhưng bây giờ tôi phải đi tìm và hái thêm cái thứ tựa tựa nha đam kia.

Dù tối qua khi ăn thử xong tôi đã biết chắc đó là nha đam rồi.

Sau khi làm nóng nó bằng lửa trại để cho vào bụng, tôi ngẫm lại và nhận ra rằng mình cần kiếm một nguồn nước tốt hơn. Thứ nước chảy từ nha đam là vừa đủ để chống lại cơn khát lúc tôi nằm lì một chỗ, nhưng để tìm đường ra khỏi rừng thì từng đấy thôi là chưa đủ. Hơn nữa nha đam vốn là cây dùng để trị các vết thương ngoài da nên việc ăn quá nhiều có khi lại tự hại mình. 

Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như cũng có vài loại cây có khả năng trữ nhiều nước trong mình. Ví dụ như nước trong cây xương rồng ở sa mạc cũng có thể được dùng để bồi bổ cho cơ thể. Tôi tự hỏi trong khu rừng này có cây nào đại loại như thế không. 

Tôi với tay tới cuốn sách thân thương trong ước vọng được cứu rỗi đang tràn trề thì chợt nhận ra— rằng có khi một cái nồi có thể làm ra từ cuốn sách này. Tôi không đùa làm gì cả—đang nghiêm túc lắm đây. Nhớ lại thì ở tiền kiếp mình từng nghe có một thứ gọi là nồi lẩu giấy. Bất chấp việc được làm bằng giấy, nó vẫn đủ bền để chứa nước hay súp bên trong và có thể đặt trên lửa để nấu tới khi sôi. Giấy được sử dụng cũng không cần gia công theo phương pháp đặc biệt gì; chỉ đơn giản là nó dùng được.

Nói thế thôi chứ tôi không có suy nghĩ dùng cuốn sách quý giá này để làm đâu. Nếu nồi lẩu có thể làm được bằng giấy, khả năng cao nó cũng có thể làm được bằng lá cây vốn khó bắt lửa hơn. Suy luận này hợp lý quá đi chứ! Tôi sẵn sàng để bắt đầu thí nghiệm nho nhỏ này rồi. Trong khu rừng này thì lượng lá dùng được cũng nhiều hơn số trang giấy trong cuốn sách này nữa.

Tôi quyết định chọn một lá của một loại cây trông như thia ma [note51871]. Nếu ở thế giới này nó vẫn giống bên kia thì cây này sẽ không có độc, thậm chí còn mang kháng khuẩn nữa. Nếu nó biến thành loại nào khác rồi thì tôi chỉ biết cầu mong ít nhất mình không trúng độc thôi.

Không biết có phải do tinh thần suy kiệt cộng thêm cơ thể đã nằm đất nguyên một đêm hay sao mà tôi cảm thấy tiêu chuẩn gọi là an toàn của mình đang bị tụt đi rất nhiều. Cơ thể của một đứa nhóc chín tuổi đã bị tôi đẩy tới giới hạn. Tôi phải cố tìm cách để bồi bổ bản thân nhiều nhất có thể trước khi tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.

Cần chút nỗ lực để tạo ra một bề mặt chứa đủ lớn để đựng nước từ lá tre vì vốn chúng không to cho lắm. Mà lần uống đầu cũng nghĩa là thử độc, có khi nhỏ thôi lại hay nhỉ. Tôi sẽ lo về kích thước cái nồi sau, phải làm ra được cái đã.

Tôi treo cái nồi lá tre bằng một cành cây mà tôi đặt ngang phía trên bếp và nhóm lửa—thế là mọi thứ đã xong. Tôi cảm thấy ấm áp và dễ chịu khi nghĩ về việc bằng cách nào mà mình nảy ra ý tưởng này, cũng như việc mình đã dùng hết chín năm kinh nghiệm ở thế giới này để thành công. Nhưng cái ấm lòng ấy sao mà ấm hơn trong nồi tre được—vì nước ở trong đã sôi rồi. Dù cho đây là ý tưởng tôi nghĩ ra nhưng nhìn vẫn lạ thật đấy.

Sau khi để nó sôi thêm tý nữa, tôi dập lửa cho nguội dần trước khi bắt đầu uống, cẩn thận cảm nhận bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào trong lúc nếm hương vị của nó. Tôi chưa từng được huấn luyện thử độc nên phán đoán về độ an toàn hiện tại chỉ dựa trên việc nó có làm tôi bị tê liệt hay không.

Cảm giác như một lần nữa sống lại vậy. Dường như chất lỏng chảy ra từ nha đam và nước đọng trên lá mùi tây đúng thật là không thể đủ cho tôi. Tôi chờ thêm một lúc để xem có triệu chứng gì không trước khi bắt tay vào làm thêm vài cái nồi lá tre nữa. Thật không thể chờ nổi tới lúc tôi uống no nê mà.

Sau khi treo nhiều nồi nhất có thể lên bếp, tôi tự hỏi mình nên làm gì trong lúc chờ nước sôi. Tôi đang nghĩ đến việc kiếm thêm đồ ăn, bất cứ ai chưa được ăn một bữa đầy đủ trong thời gian dài đều sẽ làm thế thôi. Đi loanh quanh với cái bụng đói, tôi để ý tới lũ cá dưới sông. Sao mình không nghĩ về cái này sớm hơn nhỉ? Tôi có thể nướng cá lên rồi ăn mà. Làm thế có khi còn an toàn hơn ăn cây cỏ hoang nữa. Chỉ việc phải nghĩ xem làm sao để bắt chúng thôi.

Trong người lúc này đang có cái rổ dùng vốn để đựng rau, tôi hình dung về phương pháp bắt cá ở làng và cố tái tạo nó. Thật ra việc này khá là dễ. Đầu tiên tôi phải thiết lập sao cho cái rổ nằm trong một đoạn hẹp. Nếu không tìm ra được điểm nào hẹp thì tôi có thể tự chia dòng chảy bằng cách thả vài cục đá hay cành cây. Bước tiếp tôi cần tạo ra tiếng ồn ngược hướng với dòng chảy bằng cách vỗ nước trước khi đuổi lũ cá về hướng cái rổ. Bước này khó hơn bình thường vì tôi phải một mình lùa chúng và cái rổ khá nhỏ, nhưng kể cả vậy tôi vẫn bắt được hai con cá. 

Chào người bạn protein của tôi. chúng ta cùng hòa làm một về thể xác lẫn linh hồn nào.

Nhảy bật lên sung sướng như một đứa trẻ. Dùng nhánh cây làm xiên, tôi đi nướng cá ngay lập tức.

Mặt trời đang ở ngay trên đỉnh đầu. Cũng có nghĩa rằng tôi đã thử nước được một lúc rồi, cơ thể vẫn cảm thấy ổn. Ít nhất giờ tôi biết rằng mình đã tránh được nguy cơ chết khát lẫn chết đói. Lòng nhẹ nhõm hơn một tý rồi. Phần còn lại của ngày, tôi dành ra để tập trung kiếm thêm thức ăn và nước để ngày mai có thể lên đường trở về làng.

Đang giữa lúc lạc trong suy nghĩ, tủm tỉm cười mỗi khi nhìn về con cá nướng, đột ngột có một cánh tay túm lấy vai tôi từ đằng sau…

“Đừng dọa tôi như thế chứ!”

Tôi nhìn người đàn ông đang rón rén phía sau và suýt chút nữa ném thẳng cái xiên cá vào mặt anh ta. Tôi chưa bao giờ nói chuyện qua, nhưng bản thân biết người đàn ông trông vạm vỡ ở độ tuổi cuối hai mươi này là ai.

“Trùng hợp thật đấy anh Ban nhỉ!”

Tôi đang nói chuyện với Ban, thợ săn của làng.

Môi anh ấy mím chặt lại, mặt anh hiện lên vẻ sắc bén. Anh ấy ngồi xuống bên tôi mà không nói một lời nào.

Thôi nào, nói gì đó đi.

“Anh muốn ăn một xiên không?”

Tôi cố để trò chuyện, nhưng anh chỉ đáp lại bằng sự im lặng đi kèm một cái lắc đầu. Cũng do Ban quá trầm lặng và khó gần nên đa số trẻ con đều nghĩ rằng anh ấy rất đáng sợ. Cũng không lạ gì khi anh ấy vẫn còn độc thân dù có vẻ ngoài khá điển trai.

“Chuyện gì đã xảy ra?”

Nghe được một giọng trầm vang lên, tôi liền quay đầu nhìn xung quanh. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra giọng đó là từ Ban. Hóa ra tôi không những chưa bao giờ nói chuyện với anh, mà còn chưa nghe anh nói chuyện với người khác bao giờ. Trong lúc tôi suy tư, Ban gãi đầu bối rối, hẳn là đang tự hỏi sao tôi không đáp lại anh ấy.

“À, em xin lỗi. Anh nói đúng nhỉ, khá là lạ khi em lại ở chốn này một mình.”

Ban gật đầu đồng ý.

“Đơn giản mà nói thì em đã vướng vào tai nạn gì đó và giờ đã hoàn toàn lạc đường. Anh có thể dẫn em về làng được không?”

Sau khi chớp đôi mắt sắc bén vài lần, anh gật đầu lần nữa.

Cuối cùng tôi đã tìm ra cách để về nhà. Với tư cách là thợ săn thì Ban là người thạo rừng bậc nhất và cũng là duy nhất quanh đây. Những dân làng khác chỉ dám quanh quẩn bìa rừng để thu hoạch, nhưng anh thợ săn đây đã bước vào tận nơi sâu thẳm nhất trong rừng hoang.

Lòng nhẹ nhõm, tôi bình thản nhấm nháp con cá nướng. Không có chuyện tôi sẽ bỏ phí đồ ăn chỉ vì biết mình có thể về nhà đâu.

Vừa nhai tôi vừa nói chuyện với một Ban trầm lặng. 

“Anh cứu mạng em rồi. Hôm qua em đang đi hái rau với mọi người, nhưng để tìm ra cây nha đam em đã quyết định tự mình trèo lên một thân cây đổ, để rồi sau đó không còn nhớ gì nữa. Em chỉ nhớ là mình đã ngất đi và rồi tỉnh dậy ở giữa rừng, hoàn toàn không biết nơi này là đâu.”

Ban lại gãi đầu một lần nữa khi nghe đến từ ‘nha đam’.

“Anh đang thấy lạ về thứ gọi là ‘nha đam’ ạ?”

Ban gật đầu đáp lại câu hỏi của tôi.

“Đây là thứ gọi là nha đam.” 

Tôi cho anh ấy xem phần còn lại từ bữa sáng của tôi.

“Thuốc mỡ,” 

Anh ấy lẩm bẩm với vẻ hài lòng trên mặt.

“Ồ?”

Khoan chút đã nào. Anh biết nó có thể dùng như một loại thuốc mỡ ư?

“Anh có biết về loại cây này không?”

Vị thợ săn gật đầu.

Quào. Sao anh ấy không nói cho làng về giống cây đa dụng này nhỉ. Đặc biệt là khi nó còn có thể mọc ngay ở bìa rừng nữa.

“Cho em hỏi anh đã học được nó ở đầu không ạ? Có vẻ làng mình không ai khác biết về nó cả.”

“Bài dạy.”

Có vấn đề gì đó với lời giải thích thì phải? Có phải anh bị nguyền rủa sẽ chết ngay khi nói quá dài không.

“Của nghề thợ săn.”

Anh ấy tiếp tục giải thích sau quãng nghỉ dài khi nhìn thấy gương mặt khó hiểu của tôi.

“Bài dạy của nghề thợ săn? Ý anh là kiến thức được truyền lại từ các thế hệ thợ săn trước?”

Một lần nữa, anh ấy đồng ý với một cái gật đầu.

Tôi không rõ tại sao anh ấy trông hài lòng như vậy, nhưng tôi đã hiểu lời anh ấy muốn nói. Mặc dù ta vào rừng hái rau thật đấy, nhưng gốc ta vẫn là nông dân; kinh nghiệm của ta là trên cánh đồng chứ không phải rừng cũng chẳng phải núi. Thợ săn thì ngược lại, họ lại thân thuộc hơn với hai vế sau. Là những người dành phần lớn cuộc sống hàng ngày trong rừng rậm, quá là tự nhiên để nói rằng họ có rất nhiều kinh nghiệm, khác hẳn với người nông dân chưa bao giờ dấn thân vào trong. Tôi muốn họ chia sẻ những kiến thức này rộng rãi hơn cho mọi người, nhưng chắc là sự sẽ vẫn đâu vào đó như cách nó vốn có thôi…

“Có khi nào anh biết nhiều về những loại cây được kể trong cuốn sách này không?”

Ban lại nghiêng đầu. Trong khi nét mặt anh vẫn luôn như thế, đầu anh lại có vẻ di chuyển liên tục. Tôi bắt đầu tận hưởng được kiểu nói chuyện mà một bên gần như im lặng thế này rồi.

“Em chỉ nghĩ rằng nếu mình có thể tìm thêm nhiều loại cây có thể dùng làm thức ăn cũng như thảo dược, đời sống ở làng sẽ tốt lên thêm phần nào. Vì vậy bước đầu em đã chọn nha đam.”

Ban gật đầu.

“Nếu anh không phiền thì nhờ anh xem qua cuốn sách này được không ạ? Nếu có loại nào anh nhận ra thì anh chỉ em chỗ chúng mọc được không?”

Tôi nhanh chóng ngồi sát bên anh và mở cuốn hướng dẫn thực vật học ra. Đôi mắt sắc bén đã làm hầu hết trẻ em sợ hãi kia đang nhìn lướt khắp cuốn sách. Cứ mỗi trang sách tôi lật ra là anh lại chỉ vào những loài anh biết. Có nhiều hơn cả tôi dự đoán.

“Ồ, khó tin quá! anh tuyệt thật đấy anh Ban!”

Không cần nói cũng biết những cuốn sách là tạo vật diệu kỳ, nhưng những kiến thức thực tiễn cũng vậy. Cả hai đều là những thành quả xuất sắc từ trí tuệ loài người! Có nhiều loại cây tới mức làm tôi tự hỏi tại sao vẫn không cây nào trong số chúng được sử dụng rộng rãi tới tận bây giờ. Tất nhiên cũng có rất nhiều lý do đại loại như nói thì dễ hơn làm, nhưng kể cả thế đi nữa, cảm giác như một nguồn tài nguyên lớn đã bị lãng phí.

“Mà hơn nữa, anh giúp em một việc được không ạ?”

Tôi ném phần xương cá còn sót lại vào lửa rồi lịch sự cúi đầu.

“Trước khi về nhà thì em muốn đi thu hoạch vài loại cây anh vừa chỉ. Nếu anh không phiền thì có thể chỉ chỗ chúng cho em được không ạ?”

Sao mà tôi lãng phí cơ hội được chuyên gia đi rừng chia sẻ một phần vốn kinh nghiệm phong phú trên đường về được cơ chứ. Không cần phải nói cũng biết cách đó chắc chắn sẽ nhanh hơn lẫn an toàn hơn tự mình tìm tòi. Đây là một khẩn cầu vô cùng hợp lý—trong một nỗ lực biến sự bất hạnh của tôi thành một chuỗi khí vận của tôi.

Tuy nhiên, Ban trông khá bất mãn.

Thôi nào, đừng nói không chứ anh. Anh thật sự sẽ từ chối một yêu cầu từ một đứa trẻ dễ thương, vô tội như em nói ra bằng cả tấm lòng ư? 

Tôi không ép buộc anh ấy hay gì cả, ngoài ra tôi cũng hiểu rằng mình mới chỉ có một ngày dưỡng thương sau khi gặp nạn nhưng tôi vẫn không thấy việc thu hoạch đôi chút trên đường về có gì hại cả. Chỉ tiện tay hái là đủ với tôi rồi, ngoài ra khá chắc dân làng cũng sẽ hạnh phúc nhờ nó nữa.

Thấy tôi trưng ra vẻ mặt tuyệt vọng, Ban cuối cùng cũng chấp thuận rằng sẽ dẫn tôi về làng vào ngày mai trong lúc tiện đi kiểm tra bẫy mình đã đặt. Dĩ nhiên, anh cũng sẽ chỉ cho tôi tất cả những thảo mộc mọc hoang trên đường đi nữa. Có vẻ anh ấy không muốn làm ẩu công việc của một thợ săn, vì vậy cách sắp xếp đó cũng tốt cho anh luôn. Biết được một Ban trầm lặng vẫn luôn đề cao trách nhiệm, tôi có chút hối hận vì đã xin anh bằng cái giọng tuyệt vọng đấy, nhưng bản thân vẫn chọn tiếp tục im lặng.

Bình luận (0)Facebook