• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 7: Hoa và tiền vàng (1)

Độ dài 8,568 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-07-26 23:16:57

1

Có một câu nói như thế này: đàn ông có ba thói xấu lớn - trăng hoa, cờ bạc, rượu chè.

Muốn làm kẻ trăng hoa cũng cần có tài năng nhất định. Bởi suy cho cùng, nếu không có ngoại hình hay ưu điểm gì quyến rũ được phụ nữ thì làm sao mà trăng hoa. Dĩ nhiên, trên đời cũng có những người độc thân bất đắc dĩ.

Người ta bảo rằng những tên nghiện rượu rất phiền phức. Có kẻ uống vào thì tính nết thay đổi hoàn toàn, kẻ khác lại làm chuyện tồi tệ rồi quên hết sạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống rượu, nên đây không phải một thói xấu phổ biến.

Cờ bạc còn gượng ép hơn. Không có thói xấu nào hòa trộn vào đời sống thường ngày nhiều như nó cả. Ai cũng sẽ dị nghị khi thấy có người quá lậm vào cờ bạc, nhưng hầu hết mọi người đều tham gia những ván cược nhỏ trong suốt cuộc đời. Một ví dụ điển hình chính là xem bói.

Tiện nhắc đến, thì thủy tổ của cờ bạc chính là xem bói. Bắt nguồn từ việc dự đoán những gì sẽ xảy đến trong tương lai, nó dần dần tiến hóa thành cả một nền văn hóa cá cược.

Thực ra, bản chất chỉ là vấn đề về khả năng.

Người ta nói rằng không nên quá xem trọng bói toán, cho dù là đoán đúng hay đoán sai. Tuy nhiên khi đã dính dáng đến tiền bạc và lợi ích, cảm xúc của ta sẽ khó mà rạch ròi được như thế. Giả dụ buổi sáng mở TV lên, ta nhận được lá số tử vi kém may mắn nhất, thì cho dù có không tin vào tử vi cũng sẽ cảm thấy không vui.

Cá cược từ xưa đến nay vẫn là đam mê của loài người.

Chính vì cờ bạc gây nghiện đến như thế nên giới lãnh đạo luôn tìm cách cấm cản, nhưng không bao giờ thành công bởi chính họ là những kẻ ham mê đỏ đen nhất.

Sự hồi hộp khi không biết điều gì sẽ xảy ra, cảm xúc hưng phấn của chiến thắng, hay sự hối hận khi thua cược. Với những cảm xúc và lợi lộc nó mang lại, cờ bạc là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn đối với đàn ông.

Tuy vậy, những kẻ ham cá cược rồi một ngày nào đó sẽ nhận ra điều này.

Để có được phần thưởng, họ cần phải đem một cái gì đó ra đánh cược, để rồi mất đi những người hay những thứ quan trọng đối với mình lúc nào không hay.

Khi họ nhận ra lỗi lầm, lúc ấy thường là đã quá muộn.

2

Dạo này trời mưa nhiều, nhưng thời tiết cuối cùng đã tạnh ráo hơn và tâm trạng của tôi cũng tốt lên theo. Đi ra ngoài chuẩn bị các thứ để mở cửa quán, tôi thấy đường phố đông vui hơn do trời đã nắng đẹp sau mấy ngày mưa gió. Đồ đạc đã được bày biện trên những tấm vải trước các quầy hàng. Có một ông già tai mèo đang kéo xe, bán cháo làm bữa sáng.

Một vài mạo hiểm giả đi Mê cung từ tận sáng sớm, và có rất nhiều quầy bán đồ ăn đang chực chờ họ mở hầu bao. Các chủ hàng gân cổ lên hò hét nhằm át tiếng của những kẻ khác.

Thành phố vẫn sôi động như mọi khi.

Tôi gật đầu một cái, rồi bỗng nhiên, có ai đó giơ bông hoa trước mặt tôi.

“Anh có muốn mua hoa không ạ?”

Hạ ánh mắt xuống nhìn, tôi thấy một bé gái tay xách theo giỏ hoa đang mời tôi mua một bông hoa màu xanh lam. Trông nó tươi sáng như bầu trời trong veo ngày hôm nay vậy.

“Đẹp thật, anh chưa bao giờ thấy loại hoa này luôn.”

“Vâng ạ! Hoa này nở trong Mê cung, trông nó xanh như màu trời ấy, anh nhỉ?”

Cô bé cười tươi đầy tự hào.

“Em bán hoa hái từ trong Mê cung à?”

Tôi nhìn xung quanh, thấy rằng người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi hay bán mấy bó hoa nhỏ mọi khi hôm nay vắng mặt.

“Bình thường thì mẹ em bán, nhưng hôm nay em đi bán hàng thay mẹ ạ.”

Ra thế, cô bé này là con gái của người bán hoa mọi khi, bảo sao tôi chưa gặp con bé bao giờ.

“Vậy à, thì ra đây là hoa lấy từ Mê cung, chắc là đắt lắm nhỉ.”

Tôi cẩn thận quan sát bông hoa.

Tôi vốn không am hiểu về hoa nên cũng chẳng biết bình luận gì, chỉ có thể nói mấy câu dạng như ‘Trông nó rất đẹp và cánh hoa có hình dạng thật độc đáo.’ Nếu như hoa này chỉ nở trong Mê cung, hẳn là nó phải hiếm lắm.

Chắc do cảnh tôi chăm chú săm soi bông hoa trông kỳ khôi quá, cô bé liền bật cười.

“Hoa này hái ở tầng thứ hai của Mê cung anh ạ, nó không giá trị đến thế đâu.”

“Hmm, vậy ư?”

“Vâng, ngay cả người không phải mạo hiểm giả cũng có thể xuống đến tận tầng ba mà. Nhưng người ta hiếm khi nào vào Mê cung chỉ để hái hoa, nên mẹ em bảo là có thể bán hoa ở đây.”

Ra thế, ra là người thường cũng có thể xuống đến tầng ba.

Máu tò mò trỗi dậy làm tôi muốn đi xem thử, nhưng mà liệu cái ngày mà tôi làm một chuyến thăm thú Mê cung có bao giờ đến không đây? Chắc không đâu.

“Vậy cho anh mua một bông đi.”

“Thật ư? Em cảm ơn ạ!”

Tôi lấy ra mấy xu bằng đồng từ trong ví và nhận về bông hoa đến từ Mê cung.

Bởi không thể tự mình đi hái nên tôi phải chọn lấy cách gián tiếp thôi. Tuy chỉ là một bông hoa, nhưng sự thật nó vẫn là một phần của Mê cung.

Cô bé cúi đầu cảm tạ rồi chạy đi tìm kiếm khách hàng khác. Tôi nhìn theo bím tóc đung đưa sau lưng con bé, rồi giơ bông hoa lên trước mặt trời quan sát.

Tôi thấy ấn tượng trước việc những cánh hoa nở dưới lòng đất lại có cùng màu sắc với bầu trời vô tận kia.

“Hmm, giờ nghĩ kỹ mới thấy, nhìn nó có cảm giác gì đó rất đặc biệt.”

“Mới sáng sớm mà cậu đã đứng ngoài cửa làm gì thế?”

Nghe thấy ai đó gọi mình, tôi bèn quay lại và thấy Linaria đứng đó với vẻ hiếu kỳ hiện rõ trên mặt.

“A, chào buổi sáng, hôm nay lại đến sớm nhỉ.”

“Cậu cũng dậy sớm còn gì, lại còn cầm cái gì trông chẳng hợp tẹo nào thế kia.”

“Ồ, cái này á? Tớ vừa mua của một cô bé bán hoa lúc nãy. Con bé bảo đây là hoa hái trong Mê cung, nhìn có vẻ hay hay nên tớ mua thử.”

Linaria hơi cúi người xuống, đưa mắt lại gần bông hoa tôi đang cầm. Tôi nheo mắt trước cái cách cô ấy vén tóc ra sau tai, một cử động sáng chói đến lạ kỳ. Chắc là do lâu lắm trời mới lại nắng đây mà.

“Đây là hoa Caelum. Chỗ nào mà có cả trảng hoa nhìn ấn tượng lắm, cứ như bầu trời trải ra dưới chân mình vậy.”

“Thế à.”

Tôi gật đầu, cố gắng tưởng tượng ra hình ảnh ấy nhưng không thành.

“Chắc là đẹp lắm nhỉ.”

“Đấy là một trong những điểm hút khách tham quan nhất trong Mê cung mà.”

Hmm?

“Có cả tham quan cơ à?”

“Có chứ.”

Linaria nói chắc nịch.

“Dù sao thì đâu phải ngày nào cũng có thể vào trong ấy, nên là có rất nhiều người đến đó ngắm cảnh, có thể là khách du lịch hoặc những người có nhiều tiền nhiều thời gian. Chính vì lý do này nên họ đã xây dựng cơ sở vật chất đến tận tầng thứ ba.”

“Ra là thế, họ biến nó thành điểm tham quan.”

“Tầng thứ nhất lúc nào cũng chật cứng khách du lịch với một đống quầy hàng bán đồ lưu niệm.”

“Chẳng biết nữa, thế này có hơi khác so với những gì tớ nghĩ.”

Tôi tường tượng Mê cung là một nơi tối tăm, ảm đạm, chỉ có nguy hiểm và chết chóc rình rập những ai dám bước vào.

Tuy nhiên, quả đúng là nếu có một nơi độc đáo như Mê cung thì rất nhiều người sẽ muốn tới chiêm ngưỡng. Những người quản lý Mê cung cũng muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch, rồi thu phí vào cửa và kiếm bộn tiền. Nên nói chung, biến nơi đó thành một điểm du lịch là hợp lý.

“Cơ mà, biết nói sao nhỉ…”

Tôi đã hy vọng nơi kỳ ảo như Mê cung sẽ có một không khí mộng mơ, lãng mạn hơn.

“Cậu lẩm bẩm gì thế?”

Linaria ném cho tôi một ánh mắt tò mò, tôi bèn lắc đầu.

“Không, không có gì, mình vào trong đi.”

Đang định mở cửa quán đi vào, tôi chợt nhớ ra bông hoa đang cầm trên tay.

Nghĩ ngợi một lúc, tôi chìa nó ra trước mặt Linaria.

“Gì thế?”

“Chỉ là hứng lên thôi, nhưng dù sao cũng hiếm khi có dịp nên tớ muốn tặng nó cho cậu. Tớ nghĩ bông hoa sẽ vui hơn khi ở trong tay cậu thay vì một thằng đàn ông.”

“Ơ, cậu tặng nó cho tớ à?”

Thấy tôi gật đầu, Linaria bèn rụt rè đưa tay ra nhận lấy bông hoa.

Cổ giơ bông hoa ra trước ngực và chăm chú quan sát, rồi ngẩng đầu lên với hai gò má ửng đỏ.

“Ừm, c-cảm ơn cậu, tớ vui lắm.”

Biểu cảm ngượng ngùng của cô ấy khiến tôi chết lặng. Tôi chỉ nhất thời hứng lên vậy thôi, không thể ngờ lại được thấy vẻ mặt dịu dàng đó của Linaria.

Chẳng hiểu sao, tôi bỗng cảm thấy bồn chồn lạ thường. Tôi trả lời thật tự nhiên, cười to để át đi cảm xúc rồi bỏ chạy vào bên trong quán, vừa nghĩ thật là mất mặt quá đi.

Chắc chắn là lỗi tại thời tiết lâu lắm rồi mới lại đẹp đây mà. Bầu trời thực sự rất là xanh.

3

Là một chủ quán cà phê, đôi khi tôi gặp phải những vị khách lạ kỳ. Họ có thể mang ngoại hình độc lạ hoặc thái độ bất thường, kiểu gì cũng có hết. Ngay lúc này đây, một người như vậy đang ngồi ở bàn cạnh cửa sổ.

Đó là một ông chú với mái tóc vàng nhạt rối bù được buộc cao thành búi. Quần áo ổng cũng lôi thôi, trên cổ áo có dính một vệt màu vàng và hai ống tay sờn cũ được xắn lên.

Chỉ vậy thôi thì không có gì đáng chú ý, nhưng ông chú lại cứ dí trán lên cửa sổ và nhìn ra bên ngoài. Ổng gọi một ly nước trắng, rồi cứ như vậy trong suốt ba giờ liền.

Bộ bên ngoài cửa sổ có gì thú vị lắm sao?

Khung cảnh trông vẫn như mọi ngày. Có những quầy hàng dọc con phố, có người qua lại mua đồ, thêm một đám đông đang vào mấy hàng bán đồ ăn. Cảnh tấp nập này tôi ngắm mãi cũng được, nhưng chẳng có lý do gì để mà nhìn chúng với vẻ chăm chú như vậy cả.

Tôi tiễn hai quý bà sang trọng đi sau khi họ trả tiền, giờ chỉ còn lại tôi và ông chú kia trong quán.

Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng bụng sôi ùng ục.

Tôi liếc nhìn ông chú.

Ổng vẫn đang áp trán lên cửa sổ, tay xoa xoa bụng. Chắc là ông ta đang đói lắm, tôi có nên hỏi xem ổng có muốn gọi đồ ăn không nhỉ? Hay là cứ mặc kệ thôi? Chẳng biết làm sao nữa.

Vừa nghĩ như vậy, thì ông chú ngồi như bức tượng từ lúc vào quán đến giờ vẫy tay gọi tôi.

“Vâng, chú muốn gọi thêm gì ạ?”

Nhìn gần hơn, ông chú có một khuôn mặt gầy gò và cằm lún phún râu, trông không sáng sủa cho lắm, duy chỉ có đôi mắt là rất sáng.

“Hmm, xin lỗi đã chiếm giữ chỗ ngồi lâu như thế nhé, cho ta cái gì ăn được không?”

Giọng ông chú hơi khàn, nhưng tông giọng và biểu cảm trên mặt cho thấy một người tràn đầy năng lượng.

Ổng lấy ra một đồng tiền vàng, trên mặt đồng xu chạm khắc những ký tự tôi chưa thấy bao giờ.

“Thực ra ta là người miền nam và mới đến thành phố này chưa lâu, nên là vẫn chưa có loại tiền dùng ở đây.”

Ra là vậy, nếu như vừa phải trải qua một hành trình dài, trông ông ấy mệt mỏi như vậy cũng phải thôi.

“Thế, muốn đánh cược với ta không?”

“Đánh cược?”

Tôi bất ngờ trước lời đề nghị đột ngột ấy.

“Đây là…”

Ông chú lấy ngón cái búng đồng vàng, làm nó bay vút lên với một âm thanh giòn tan trước khi rơi xuống thành một vệt sáng trở lại bàn tay ổng.

“Một đồng vàng đến từ Salashred, đất nước của cát và tuyết. Nếu dùng nó đem đổi ra tiền ở đây, cậu sẽ được một khoản kha khá đấy.”

“Thế ạ.”

Ông làm ngơ lời đáp cụt lủn của tôi và nói tiếp.

“Sấp hoặc ngửa, cậu chọn lấy một mặt, ta sẽ tung đồng xu. Nếu cậu đoán đúng thì nó thuộc về cậu. Nếu đoán sai, cậu sẽ phải để ta ăn cho đến khi no thì thôi. Thấy sao hả?”

Ông chú nhoẻn miệng cười, trông có vẻ rất hào hứng.

Tôi đã gặp qua đủ loại khách hàng, nhưng đây là lần đầu có người rủ cá cược như này.

Đúng vậy, cá cược.

Và luật chơi còn có lợi cho tôi nữa. Đồng xu hẳn là có giá trị rất lớn, nhưng với mức giá của đồ ăn trong quán tôi, cho dù ổng có ăn nhiều đến thế nào thì cũng không thể hết được quá nửa giá trị đồng xu.

“Cháu xin phép từ chối ạ.”

“Ơ, tại sao? Cậu không muốn đồng vàng này ư?”

Ông chú ngước lên nhìn tôi như muốn nói thật đáng tiếc, nhưng tôi thường rất thận trọng mỗi khi nào dính tới chuyện cá cược.

Hay đúng hơn là…

“Hiển nhiên là vì nó rất đáng ngờ.”

“Không, có gì đáng ngờ đâu! Ta tiêu hết tiền đi đường rồi nên đang cần phải kiếm thêm thôi!”

“Nhưng chú có một đồng vàng kia mà.”

“Thiếu đồng vàng này ta không thể kiếm ăn được.”

“Vậy mà chú lại đem nó ra đánh cược?”

Nghe thấy vậy, khóe môi ổng liền nhếch lên. Đó là một nụ cười đầy tự tin ẩn chứa lòng gan dạ không thấy đáy, và chẳng hiểu tại sao nhưng nó khiến tôi lạnh cả sống lưng. 

“Bởi vì ta nhất định sẽ thắng.”

Câu nói ấy khiến tôi tò mò.

Tung một đồng xu và đoán xem mặt nào sẽ ngửa.

Theo logic thông thường thì khả năng sẽ là 50-50, nhưng ổng lại nói mình nhất định sẽ thắng.

“Thôi được rồi, cháu sẽ cược với chú.”

Tôi nói với ý định thách thức ổng. So với chuyện thắng thua thì tôi tò mò muốn biết căn nguyên sự tự tin của ổng hơn.

“Phải thế chứ, đàn ông lên.”

Ông chú giơ đồng xu lên.

“Sấp hay ngửa?”

“Ngửa.”

Ổng dùng ngón tay giữ đồng xu để cho tôi xem. Đó là những hình chạm khắc tôi trông thấy ban nãy.

“Đây là mặt sấp, nếu như ta tung đồng xu lên mà ra mặt này, ta thắng. Còn nếu là mặt còn lại thì cậu thắng. Ổn chứ?”

“Vâng, được ạ.”

Ông chú từ tốn đặt đồng xu lên ngón tay rồi búng lên bằng động tác giống hồi nãy, như thể ổng đang muốn trình diễn vậy. Tôi dõi theo vệt sáng vàng lướt đi trong không trung rồi rơi xuống tay ông chú, sau đó ổng đặt bàn tay còn lại lên.

Tôi bất giác rướn mình ra trước. Có lẽ đó là tính chất tự nhiên của trò cá cược, ta không thể nào không tò mò về kết quả của nó được. Ông chú chậm rãi bỏ tay ra, như thể muốn tận hưởng phản ứng của tôi.

“Sấp, ta thắng.”

“Ughh.”

Ngạc nhiên chưa, tôi thua thật kìa. Tôi vẫn chưa thấy phục, lòng những muốn nói ‘Thêm lần nữa’. Tuy xoay sở kiềm chế được mình, nhưng tôi vẫn không thể từ bỏ nên bèn nói:

“Cho cháu xem đồng xu đó được không?”

“Ồ? Cậu cũng nhanh mắt ghê nhỉ.”

Mặc dù nói vậy, ổng vẫn đưa đồng xu cho tôi không do dự.

Đó là một đồng vàng cũ, trên thân có vô số những vết trầy xước. Tôi quay mặt sau ra và thấy những hình chạm khắc khác.

“Chỉ là một đồng vàng thông thường.”

Tôi lẩm nhẩm, trả lại đồng xu cho ông chú. Nghe thấy vậy, ổng liền phì cười.

“Cậu nghĩ ta dùng đồng xu này để gian lận ư? Như thế tầm thường quá.”

“Nhưng không phải chiêu trò đó phổ biến sao ạ? Như kiểu mấy đồng xu mà cả hai mặt đều là ngửa ấy.”

“Trò đấy vớ vẩn, nếu như bị đối phương đòi xem đồng xu là lộ hết.”

Hmm, cũng đúng.

“Thế thì tại sao chú lại tự tin như vậy? Khả năng chiến thắng của chú chỉ là 50 phần trăm thôi mà, phải không?”

“Đấy là…”

Ông chú giơ ngón tay trỏ lên.

“Một bí mật.”

Tôi những muốn khuỵu xuống.

Tôi cứ nghĩ ổng sẽ giải thích thủ thuật của mình.

“Vậy thì như đã thỏa thuận, cậu sẽ phải đãi ta ăn. Gì ta cũng ăn được hết!”

Thấy mặt cười của ông chú, tôi chẳng còn lòng dạ nào chất vấn thêm nữa.

“Rồi, rồi” tôi trả lời và đi vào trong bếp.

Đồ ăn biến đi đâu hết rồi nhỉ? Không ngờ tôi lại diễn màn tsukkomi ấy. Ông chú ăn hết tất cả mọi thứ tôi mang ra, món nào cũng khen ngon.

Tôi đã không nghĩ ổng lại ăn tốt như vậy.

Ông chú ngồi bên cửa sổ nhìn ra phố, trông có vẻ đang rất say sưa tận hưởng bữa ăn, và đó là một cách quảng cáo rất tốt. Ổng khiến những người qua đường phải ngước nhìn.

Lấy món thịt làm ví dụ đi. Gà thì phải nướng cho đến khi da thật giòn, sau đó rưới sốt teriyaki lên trên. Khoai tây hấp bốc hơi nghi ngút sẽ được dùng làm món ăn kèm, có thể nghiền ra rồi ăn kèm với nước sốt. Thịt gà cũng có thể cho vào kẹp bánh mì nữa. Trông thấy ông chú ngồi ăn như vậy, một người thú liền đẩy cửa vào và nói:

“Cho tôi món ông kia đang ăn.”

Sau đó quán bắt đầu trở nên bận rộn. Tuy nhiên, thế này thì lại thành một nhà hàng thông thường chứ đâu còn là quán cà phê nữa. Tôi chỉ nhận ra điều đó sau khi vị khách cuối cùng đã rời đi.

Nhìn đống xoong nồi bát đĩa chồng chất, tôi thở dài.

Trời đang tối dần.

Trong khi tôi bận bịu nấu nướng, ông chú vẫn ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ.

Không biết ổng ngắm cái gì vậy nhỉ?

Cảm thấy ánh mắt của tôi, ông chú bèn quay ra. Gương mặt tắm trong ánh hoàng hôn có một vẻ gì đó cô đơn.

Ổng đứng dậy và đi ra trước tôi.

“Này, trong quán có còn nhân viên nào khác không?”

“Không, chỉ có cháu thôi. Có vấn đề gì ạ?”

“Muốn thuê ta không? Ta đang cần tìm việc gấp, trả lương thấp cũng được.”

Hiển nhiên, câu hỏi bất ngờ này khiến tôi bối rối.

Tôi không có kinh nghiệm thuê người khác, và việc kinh doanh cũng chưa khá đến mức tôi đủ tiền để trả lương.

Thấy tôi lưỡng lự, ông chú bèn mỉm cười. Khóe miệng ổng cong lên trông giống hệt như hồi nãy.

“Muốn cá cược với ta không?”

Mặt tôi bỗng cứng đờ.

“Thỏa thuận vẫn như trước.”

Tất nhiên là tôi muốn từ chối. Cờ bạc là không tốt tí nào. Đúng, chẳng hay ho gì cái trò ấy cả.

“Ta chắc chắn sẽ thắng đấy.”

Tôi khịt mũi trước sự kiêu ngạo của ổng.

Chú nghĩ tôi đã không học được bài học gì và sẽ bị khiêu khích dễ dàng thế ư? Coi thường nhau quá đấy. Phiền chú hãy lập tức thay đổi suy nghĩ và đừng đem tôi ra làm trò đùa nữa.

“Rồi nhé, cậu cứ ngồi đấy, để ta rửa bát cho. Cậu là ông chủ kia mà.”

Tôi lại thua rồi…

Nhưng tại sao chứ? Lần này tôi chọn mặt sấp mà, sao lại vẫn thua nhỉ?

Ông chú miệng huýt sáo, dường như đang có tâm trạng tốt. Tôi ngồi phịch xuống ghế, cảm thấy mỏi mệt và lấy tay ôm đầu.

Lẽ ra tôi không nên cá cược.

“À phải rồi, muốn cá với ta không? Thực ra, ta vẫn chưa tìm được chỗ nào để nghỉ tối nay…”

“Dạ thôi, đủ lắm rồi…”

Tôi giơ hai tay lên xin hàng.

4

Cuối cùng, ông chú được ngủ trong căn phòng trống ở trên tầng hai, bắt đầu làm việc cho tôi kể từ hôm đó.

“Ồ, thưa quý khách, ngài bị mệt do tối qua uống say quá ư? Xin hãy thử món cà phê đá của chúng tôi ạ, chỉ cần một ngụm thôi là hết ngay.”

“Có thứ như vậy sao? Cho tôi cái đó đi.”

“Đến ngay ạ. Sếp ơi, quý ông này gọi một cà phê đá!”

Ông chú hóa ra lại bán hàng rất tốt, khiến tôi phải ngạc nhiên luôn. Ổng rất tinh ý về tình trạng của khách. Ví dụ như sức khỏe của họ, hay là ai đó muốn một ly nước sau khi đã ăn được nửa bữa, hay lý do mà cặp đôi kia cãi nhau là gì, ông chú đều có thể đoán được hết. Đối với tôi, đó có thể coi là một tài năng đặc biệt luôn rồi.

Tôi hỏi sao ông chú lại hiểu biết nhiều đến thế, ổng bèn trả lời:

“Đấy là một thói quen của ta thôi. Bí quyết của cá cược là phải quan sát đối thủ của mình. Nếu có thể biết được tình hình của của đối phương, ta sẽ không bao giờ thua.”

Những lúc không có việc gì, ông chú thường đi ra cửa sổ, áp trán lên kính và nhìn ra ngoài.

Mỗi khi tôi tò mò về chuyện ấy, ổng sẽ chỉ cười và đánh trống lảng rồi bước ra khỏi đó. Tôi cũng thử nhìn ra ngoài nhưng chỉ thấy khung cảnh đường phố thông thường, chẳng hiểu ông ấy nhìn cái gì nữa.

Dạo này ở đây thấy xuất hiện nhiều hàng quán hơn. Có người xếp mấy tấm ván gỗ lại với nhau, khéo léo tạo thành một cái khung và treo lên những bộ quần áo đủ màu sắc. Một người đàn ông trong trang phục kỳ lạ bày bán những miếng gỗ bí hiểm. Một cậu bé tầm tuổi học sinh cấp hai đang mài dao làm bếp trên một cục đá mài. Cô bé bán hoa tôi gặp mấy hôm trước giờ vẫn bán thay cho mẹ mình.

“Ahh.”

Trong khi tôi đang quan sát, cô bé bị ai đó va phải và ngã ra đất. Đó là một mạo hiểm giả, người dường như đã quá mải mê ngắm các quầy hàng. Cái giỏ của cô bé rơi xuống, làm hoa bên trong vãi ra khắp xung quanh.

Phải ra giúp mới được.

Tôi vừa nghĩ như vậy thì chuông cửa reo, ai đó đã thô bạo đẩy cánh cửa ra. Tôi nhìn qua và thấy ông chú vừa lao ra khỏi quán. Trong khi tôi còn đang ngẩn ngơ ở đây, ổng đã lao đến chỗ cô bé bán hoa với một tốc độ phi thường. Ổng đỡ cô bé đứng dậy, nói cái gì đó, rồi nhanh chân bước tới gần tay mạo hiểm giả đã va phải cô bé, định túm lấy cổ áo của hắn.

“Giờ không phải lúc đứng xem.”

Tôi cũng vội vàng hớt hải chạy ra ngoài.

“Đấy là lý do ta ghét bọn mạo hiểm giả!”

Ông chú vốn luôn điềm tĩnh đang gắt gỏng lớn tiếng.

“Ư-Ừm, chú ấy đã xin lỗi rồi ạ, ch-cháu không sao mà.”

Cô bé vẫy vẫy hai tay, rụt rè nói với ổng.

“Nhưng mà con bị một tên to xác đến vậy đẩy ngã mà, thật sự không vấn đề gì chứ?”

Ông chú tỏ vẻ lo lắng và kiểm tra khắp người cô bé. Tôi có thể hiểu sự lo lắng của ổng, nhưng mà một gã đàn ông trung niên săm soi một cô bé như vậy trông thật khó coi, và cô bé cũng đang né đi nữa.

“Kìa ông chú, đừng vô ý tứ như vậy.”

Tôi ngăn ổng lại. Nghe thấy thế, ổng liền thẳng đứng người lên như thể một đứa trẻ nghịch ngợm bị cha mẹ bắt quả tang.

“X-Xin lỗi, ta làm quá rồi…”

“K-Không, không sao ạ.”

Hai người họ cùng chỉnh lại tư thế cạnh nhau trông thật dễ thương.

“Này, đừng có cười.”

Ông chú lườm tôi, nhưng mắt chẳng có vẻ gì hăm dọa hết.

Ổng tý nữa là đánh nhau với gã mạo hiểm giả, nhưng đã hạ nhiệt do được tôi hòa giải. Tay mạo hiểm giả kia cũng đã xin lỗi khi nhận ra mình vừa va phải ai đó, và cô bé cũng đã nói mình không làm sao cả.

Ông chú kéo cô bé vào trong quán, hỏi có bị đau ở đâu không, có trầy xước chỗ nào không, rồi lóng ngóng phủi bụi trên áo quần cô bé.

Trông cô bé có vẻ bối rối do bị một người đàn ông mình chưa gặp bao giờ kéo vào trong quán. Khách quan mà nói, lúc này con bé nên gọi cảnh sát.

Tôi tự nhủ thầm sẽ bán đứng ổng nếu như có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ nói ‘tôi không thể ngờ là ổng lại làm như vậy.’ Đúng lúc đó, ông chú hỏi cô bé:

“Có đói không?”

“Cháu không đói.”

“Không phải cậu! Sao ta lại phải hỏi cậu có đói không chứ!?”

Tôi chỉ trả lời vu vơ thôi, nhưng ông chú tay đập thình thịch lên bàn.

“Lạnh lùng quá đi, chú thích hỏi cháu lúc nào cũng được mà.”

“Xong rồi sao hả? Ta có biết nấu ăn đâu.”

“Có một quầy bán đồ ăn khá là ngon ở đằng kia kìa…”

“Đừng sai một lão già đi chạy việc vặt cho cậu chứ…”

Một tràng cười như tiếng chuông reo vang lên từ bên cạnh ông chú, đó là cô bé bán hoa đang nheo mắt cười. Thấy thế, ổng bẽn lẽn lấy tay gãi đầu, như thể cuối cùng mọi sự đã xảy ra theo ý muốn.

“Ờm, con có đói không?”

Ổng nhìn cô bé và hỏi lại lần nữa.

“C-Cháu ạ? Cũng hơi đói, nhưng vẫn ổn ạ.”

“Trẻ con thì không cần phải ngại.”

Ổng xoa đầu cô bé, còn cô bé thì kêu “uwah” khi cả đầu và thân người chao đảo do bàn tay ông chú.

“Cậu làm cái gì cho con bé ăn được không?”

“Dám sai bảo cả ông chủ của mình cơ đấy.”

“Thôi tha cho ta đi. Cậu có thể trừ nó vào lương của ta, được chứ?”

“Thấy chú tha thiết xin xỏ như vậy, cháu sẽ chiều chú vậy.”

“Hở, lạ nhỉ… ta có tha thiết gì đâu.”

Sau khi tán nhảm mấy câu với ông chú, tôi chuẩn bị vào bếp nấu ăn.

Nên làm gì đây nhỉ? Mở tủ lạnh ra, tôi thấy bên trong có thịt gà và trứng. Mấy thứ này vừa mới được giao đến sáng nay. Hmm, cũng lâu rồi chưa làm, hay là mình làm cái đó đi.

Tôi lấy ra vài nguyên liệu rồi bày ra trên bàn bếp.

Thịt gà, bốn quả trứng, nấm hái trong Mê cung - chỉ là một món ăn đơn giản với ba thứ này cùng một ít gia vị.

Đầu tiên, cho nước vào nồi và đun lên. Trong khi chờ nước sôi, tôi lấy dao ra thái thịt gà.

Thịt thường được tạo thành từ nhiều bó cơ kéo dài. Nướng lên hoặc luộc sẽ giữ được kết cấu của sợi cơ, nên một số loại thịt sẽ bị dai. Bí quyết thái thịt đó là phải quan sát hướng của sợi cơ và cắt ngang thớ thịt. Bằng cách đó, khi ăn ta sẽ thấy thịt mềm hơn nhiều.

Sau khi thái xong hai phần ăn, tôi cho một nắm to nấm Mê cung vào nồi nước sôi.

Ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ trong Mê cung, và nấm ở đó thì có vô số loại với vô vàn những đặc tính thú vị. Nấm trong Mê cung giống như một kho báu vậy, chúng được các đầu bếp sử dụng rộng rãi vì có thể nấu được ra nước dùng có hương vị rất đậm đà. Tôi thì có kiến thức về ẩm thực hiện đại nên thấy nước dùng đó vị như súp tảo bẹ với cá bonito bào vậy.

Mê cung có vô số điều bí ẩn, và con người ở thế giới này rất ấn tượng trước những sản vật và quái vật bên trong nó. Về phần tôi, việc nấm hái trong ấy lại tạo ra hương vị giống như hải sản đã khiến tôi rất bất ngờ, nhưng quả thực nó hết sức tiện lợi và đã giúp đỡ tôi nhiều.

Sau khi nấm đã làm cho nước dùng đổi màu, tôi vớt chúng ra. Nếu như đây mà là tảo bẹ và cá bào, tôi có thể nấu được nồi nước thứ hai có hương vị còn ngon hơn cả nồi đầu tiên, rất hợp để hầm rau củ hay ăn lẩu. Tuy nhiên, nấm Mê cung sẽ tạo ra vị đắng nếu như đun quá lâu, nên tôi chỉ có thể nấu được một nồi nước thôi.

Tôi cho nước dùng vào chảo, thêm đường và nước sốt tương tôi mới pha chế thành công gần đây. Sốt tương là một thành quả đầy tự hào của tôi, nhờ có nó mà món cơm trộn trứng tôi làm mới được nâng tầm lên thành một kiệt tác.

Nước dùng sậm màu đã cô đọng trong chảo, tôi bèn rải thịt gà đã thái mỏng vào.

Đúng vậy, món này chính là oyakodon.

Điểm then chốt trong công thức của tôi đó là dùng ít nước hơn oyakodon bình thường.

Tôi để lửa to hơn, khuấy đều cho đến khi nước dùng sôi lên. Sau đó tôi vặn lửa vừa trong khoảng ba phút trước khi nếm thử.

Hmm, mặn và ngọt, hương vị của biển cả đúng là ngon tuyệt.

Khi đã xong được khoảng phần ba công việc, tôi đập trứng, đánh đều lên và rót vào chảo theo một chuyển động vòng tròn. Bởi vì có ít nước dùng hơn, trứng sẽ chỉ chín một nửa và không bị cứng lại. Trứng sủi bong bóng bên trên nước dùng trước khi từ từ đông đặc. Phần trứng lỏng chảy xuống đáy chảo nhanh chóng đông lại, tôi bèn dùng một cái thìa để tập trung trứng vào trung tâm của chảo nước nhằm tránh làm cho trứng bị chín quá.

Tôi cho nốt phần trứng còn lại vào những chỗ còn trống của chảo, tạo ra một âm thanh xì xèo vui tai. Sau đó, tôi dùng cổ tay lắc chảo để trải trứng đều ra. Tôi quan sát trứng lẫn với nước dùng dần đông lại, rồi từ từ đẩy trứng vào trung tâm chảo.

Món oyakodon này dùng ít nước hơn bình thường, và kết cấu của nó mềm mại hơn so với dùng trứng rán.

Nhiệt độ là nhân tố quan trọng nhất. Nó phải đủ mềm để tan ra trong miệng nhưng lại không được quá nát.

Tôi tính toán thời gian, rồi bắt đầu bày trứng ra đĩa. Nếu như phải cắt nghĩa ra, thì đây là món oyakodon theo phong cách trứng omelette.

Tôi lấy ra một ổ bánh mì lớn từ trong chạn và cắt thành lát mỏng.

Lát bánh mì nằm trên đĩa như một sân khấu, để oyakodon trứng omelette được được đặt lên trên. Do dùng ít nước hơn, trứng có thể giữ được hình dáng bông xốp của nó bên trên lát bánh mì, trong khi phần trứng lẫn nước dùng chưa đông đặc hoàn toàn thì đã thấm vào bên trong bánh.

Thịt gà và trứng rất hợp ăn với cơm, nhưng ăn với bánh mì cũng là một sự kết hợp tuyệt hảo.

Tôi chuẩn bị hai phần ăn, rồi đặt chúng xuống trước mặt ông chú và cô bé bán hoa.

“Trông hay đấy.” Ổng chăm chú nhìn cái đĩa.

“Ta đã thấy đủ kiểu cho thức ăn lên trên bánh mì ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng… Đây là lần đầu ta thấy món này. Mà nhân tiện, cậu sang quá đấy, dùng hết mấy quả trứng vậy?”

Ở thế giới cũ tôi muốn mua bao nhiêu trứng trong siêu thị cũng được, nên hơi bối rối trước câu hỏi của ông chú. Trong thành phố này, trứng tương đối đắt hơn nhưng cũng có thể mua được rất dễ dàng. Từ giọng của ông chú mà nói, thì hẳn là ở đây nhờ có Mê cung nên mới được như thế. Trứng có lẽ không phải là một nguyên liệu phổ biến, và không phải một thứ ta có thể ăn tùy thích.

Khi trông thấy đĩa bánh mì oyakodon to bằng cả cái mặt mình, cô bé bụm miệng ngỡ ngàng.

Thế rồi con bé rối rít hết nhìn tôi lại quay sang ông chú.

“Ừm… cháu có thể ăn nó ạ?”

Tôi chỉ sang ông chú.

Ông ấy là người gọi món mà, nên phải hỏi ổng chứ.

Cô bé nhìn ông chú, làm ổng cười bẽn lẽn.

“Ừ, ăn đi, đừng ngại.”

“N-Nhưng mà tiền…”

Cô bé thất vọng chùng vai xuống ủ rũ. Thấy vậy, ông chú liền cau mày, gương mặt thoáng nét buồn.

“Trẻ con không cần phải lo những chuyện đó.”

“Uwah.”

Ổng dịu dàng xoa đầu cô bé.

“Nh-Nhưng…”

Cô bé ngước mắt nhìn ông chú lưỡng lự.

“Ôi trời ạ, con bé này được nuôi dạy thành một đứa cứng đầu ghê nhỉ. Hay thế này đi, con muốn cá cược với ta không.”

“Ơ kìa.”

Chú đang định làm cái gì với một cô bé ngây thơ vậy?

Thấy tôi phản ứng, ông chú liền giơ cả hai tay lên.

“Được rồi, được rồi. Vậy cứ lấy hoa của con đưa cho ta thay cho tiền ăn đi.”

“Hoa ấy ạ? Nhưng mà…”

Có một giỏ hoa đang đặt trên chiếc ghế bên cạnh cô bé, nhưng sau khi bị tay mạo hiểm giả va vào, hoa đã rơi hết xuống đất và bị người ta giẫm lên, một số cánh hoa đã rụng cả ra.

 Ông chú cầm lấy giỏ hoa và nhặt ra những bông không thể bán được.

“Thế này là đủ rồi, ta đang muốn một ít hoa.”

Ổng cười với cô bé, giơ ra bó hoa nhỏ trên tay.

“Mấy bông này…”

Cô bé cũng nhận ra điều đó.

“Đồ ăn sắp nguội rồi kìa.”

Cảm thấy mọi thứ sắp sửa lặp lại, tôi bèn xen vào.

Chợt bừng tỉnh, cô bé nhìn đĩa oyakodon trước mặt, quay sang ông chú, rồi lại nhìn đĩa bánh lần nữa.

Con bé cứ nhìn chằm chằm đĩa thức ăn như thể muốn đục một lỗ xuyên qua nó vậy, trước khi hạ quyết tâm và nói với ông chú.

“Vô cùng cảm tạ chú, cháu xin phép ăn ạ!”

Khóe môi ổng giật giật.

“Ồ, trẻ con thời nay biết nhiều từ khó nhỉ.”

“Con bé còn lịch sự hơn cả một ông già nào đó.”

“Đừng nói trắng ra thế chứ…”

Cô bé cầm miếng bánh mì với hai bàn tay nhỏ và ngoạm một miếng lớn, nhưng không cắn được tí trứng nào. Sau khi nhai một lúc, cô bé lại làm thêm miếng nữa.

“...!”

Đôi mắt cô bé liền mở lớn rồi nhắm nghiền lại, cái đầu rướn lên khẽ đung đưa, giống như đang muốn truyền tải cảm xúc bằng cả cơ thể của mình vậy.

Sau khi nuốt xuống, cô bé cười rạng rỡ.

“Ngon cực kỳ luôn! Nó vừa ngọt lại vừa mềm, ưm… ưm…”

Cô bé rối rít quay sang ông chú và tôi, cố gắng thể hiện rằng mình đã xúc động đến thế nào. Tôi thấy vậy không khỏi mỉm cười.

Thế rồi con bé nhiệt tình đánh chén.

Ông chú ngắm nhìn cô bé phùng má lên nhai nhồm nhoàm, cằm ngả lên tay và miệng mỉm cười dịu dàng. Tôi đã từng trông thấy biểu cảm này của ổng rồi, nhưng mà lúc nào ấy nhỉ? Dường như là từ lâu lắm rồi.

Khi cô bé đã ăn hết một nửa chiếc bánh oyakodon, ông chú cuối cùng cũng cắn miếng đầu tiên.

“Ồ, cái này ngon nhỉ.”

“Đúng thế!”

Thế rồi ông chú và cô bé bán hoa nhìn nhau, cả hai cùng cười hạnh phúc. Sau khi đã ăn đến miếng thứ ba, ông quay sang cô bé và hỏi:

“Này, mẹ con thế nào rồi?”

“Mẹ đang bệnh nằm liệt giường ạ.”

Cô bé nói mà không nhìn lên, nhặt thức ăn rơi trên đĩa với chiếc dĩa và cẩn thận đặt chúng lại lên miếng bánh mì.

“Cổ bị ốm à?”

“Cháu chẳng biết. Mẹ không chịu nói, cứ bảo là không sao đâu.”

“Vậy à, cũng đáng lo nhỉ.”

“Cháu lo lắm.”

Một lúc sau, ổng nói.

“Trong nhà con còn có ai không? Như cha con hay họ hàng gì đó?”

“Cha con đang ở một nơi xa lắm, bởi vì ông ấy là thủy thủ.” Cô bé ngước nhìn lên. “Ông ấy hay gửi thư về từ khắp nơi trên thế giới! Còn gửi cả những thứ đặc biệt như là tiền ở đất nước đó nữa.”

Một thủy thủ chu du khắp thế giới à. Quả là một công việc đầy lãng mạn.

“Chẳng biết bây giờ cha đang ở đâu nữa. Con mong cha sớm về nhà.”

Cô bé cười tươi nói, nhét nối miếng bánh cuối cùng vào miệng và nhai. Trên đĩa của ông chú là chiếc bánh mì oyakodon ổng mới chỉ ăn vài miếng.

Ông chú trở nên im lặng kể từ lúc cô bé ra về. Ổng cứ ngồi ở quầy bar ngắm nhìn mấy bông hoa, chẳng buồn để ý ngay cả khi có khách vào. Tôi tự hỏi có nên nhắc ổng quay lại làm việc không.

Cuối cùng thì tôi đã không làm thế bởi quán cũng chẳng bận rộn cho lắm. Quán cà phê này vốn không phải một nơi đông khách. Tuy nghe vậy có hơi buồn, nhưng cũng nhờ thế mà nó duy trì được bầu không khí thoải mái. Nếu trở nên đông đúc, nó lại thành ra ồn ào và mất đi cảm giác thanh bình.

Thêm nữa, lúc này lại đang sắp sửa đến giờ ăn tối nên quán lại càng trở nên im ắng hơn. Thường thì tầm này không có khách, bởi mọi người đều đang trên đường về nhà, lòng tự hỏi không biết có món gì cho tối nay.

Tôi luôn cảm thấy cô đơn vào khoảng thời gian này, nhưng hôm nay thì ổn vì có ông chú ở đây.

“Chú định ngồi thẫn thờ đến bao giờ nữa?”

Tôi nói. Ông chú liền ngơ ngác ngẩng đầu lên.

“Sao cái mặt trông ngạc nhiên thế? Nhìn chú cứ như một người cha thấy con gái đã lớn hơn nhiều trong khi mình đi xa vậy.”

Câu nói ấy khiến ông chú tròn mắt, thế rồi ổng bẽn lẽn cười.

“Linh cảm của cậu nhanh nhạy đấy, mặc dù đánh cược thì dở tệ.”

“Có cần phải nhắc lại vụ cá cược thế không?”

“Bộ nhìn mặt ta dễ đoán đến thế à?”

“Chú đừng có né tránh câu hỏi nữa được không?”

“Ồ, cậu nhận ra rồi hả.”

“Nghe đây này.”

Ôi không, tôi không nên nói năng với người lớn tuổi như vậy chứ.

Tôi lấy một hơi thật sâu.

“Cháu cứ thắc mắc không biết chú ngó ra cửa sổ làm gì, hóa ra là chú nhìn con bé.”

Ông chú chống cằm lên tay, uể oải nói.

“Vợ tôi… chà, đấy là nếu như cô ấy vẫn chưa chán ngấy tôi. Cổ nói là đang bán hoa ở thành phố này, nên tôi đến đây tìm nhưng mà mãi không thấy. Thế rồi tôi trông thấy một cô bé nhìn quen quen đang mang một giỏ hoa, và nghĩ là… có lẽ chính là đây chăng?”

“Chú là thủy thủ à?”

Tôi dùng những thông tin cô bé nói để hỏi ông chú, ổng liền nhún vai.

“Trông ta có giống thế không?”

“Chẳng giống tẹo nào, trông chú như một gã vô công rồi nghề.”

“Này, hơi quá đà rồi nhé… Cơ mà cậu nói đúng đấy…”

“Sao con bé lại bảo chú làm thủy thủ?”

“Đấy không phải ta.”

“Hở?”

Ông chú mỉm cười.

“Ta không hề gửi thư, hay là quà với tiền từ khắp nơi trên thế giới. Ta chỉ gửi cô ấy tiền thôi.”

“Nếu vậy thì…”

Tôi muốn hỏi rằng ai gửi những thứ ấy, và rồi nhận ra điều đó quá hiển nhiên.

“Cô ấy đã thay ta hoàn thành trách nhiệm người cha…”

Ổng nhặt một bông hoa và xoay nó trên tay.

Người trên khắp thế giới đổ về thành phố này, nên những thương gia cũng sẽ mang tới những kỳ phẩm và tiền tệ đến từ mọi nơi. Mẹ của cô bé hẳn đã mua những thứ ấy và giả vờ rằng chúng được gửi từ người cha thủy thủ đang du hành khắp thế giới.

“Thay vì một kẻ nghiện cá cược, bỏ làng ra đi thề sẽ làm nên tên tuổi bằng cờ bạc, thì một thủy thủ có vẻ tốt hơn để làm cha chứ, phải không?”

“Chú đúng là không thể tệ hơn được nữa.”

Tôi không giữ ý tứ gì nữa.

“... Ta đã định quay trở về nhà ngay. Nhưng rồi ta nghe nói có một cuộc thi đánh bài ở kinh đô nên muốn trở về sau khi đã kiếm được chút tiền.”

“Nhưng không kiếm được gì, phải không?”

Ánh mắt ông chú lảng đi vẻ hối hận.

“... Ta thua trắng tay và quá xấu hổ không dám quay về. Ta cũng chẳng còn tiền để mà đi nữa.”

Tôi lấy tay ôm mặt và thở dài.

“Sau đó thì sao?”

“Ta làm đủ thứ việc ở thủ đô, và rồi… bị choáng ngợp trước sự phồn hoa của thành phố lớn. Đối với một tên nhà quê như ta, mọi thứ đều trông thật rực rỡ.”

“Chú nói thì nghe hay lắm, nhưng chẳng phải thế tệ lắm sao?”

“...Đúng.”

Ông chú chùng vai xuống.

“Vậy là suốt thời gian qua chú ở thủ đô à?”

“Không, một người bạn tốt của ta mắc nợ một khoản tiền lớn, nên bọn ta hợp tác với nhau để kiếm tiền.”

“Ra vậy, thế chú kiếm tiền bằng cách nào?”

Ông chú dang hai tay ra và nói:

“Sòng bạc.”

Ổng né tránh ánh mắt căm ghét của tôi, nói bằng giọng yếu ới: “Ta không có lựa chọn khác.”

“Ta chẳng có cách nào để kiếm thật nhiều tiền, và nếu như không trả đủ, bạn ta sẽ chết chắc.”

Để trả món nợ, ông chú đã lao vào cờ bạc và mạo hiểm cả tính mạng mình, cứ như trong mấy bộ phim truyền hình vậy. Tôi còn không thể tưởng tượng sòng bạc là một nơi như thế nào nữa.

“Thế, chú có kiếm được tiền không?”

“Cậu nghĩ ta là ai chứ?”

Ông chú gằn giọng nói.

“Chẳng phải chú thua hết tiền đến nỗi không thể về nhà sao?”

“Đúng, nhưng đấy là quá khứ rồi. Hồi đó ta thắng được nhiều lắm.”

“Vậy tốt quá rồi.”

“Cơ mà…”

Ông chú cười tươi.

“Thắng quá nhiều ở một sòng bạc cũng không phải điều hay.”

“Hả? Nhưng chẳng phải đấy là nơi để đánh bạc sao?”

“Đúng, thắng ít thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, ở sòng bạc thì nhà cái luôn là kẻ chiến thắng, và mất quá nhiều tiền không tốt cho họ. Những tay chơi lão làng đều biết điều ấy và sẽ giữ số lần thắng của mình ở mức chấp nhận được. Nhưng bọn ta lại là người mới, và nếu như bọn ta thắng quá nhiều ở nơi như vậy…”

“... Thì chuyện gì sẽ xảy ra?”

Tôi nuốt khan.

“Trên đường về, một tên vệ sĩ trông rất đáng sợ chặn bọn ta lại, bảo là việc sẽ xong xuôi nếu trả lại tiền. Nhưng bọn ta không biết chuyện gì đang xảy ra nên đã bỏ chạy. Thế là sòng bạc bắt đầu ra tay. Chúng là những kẻ làm ăn trong bóng tối, không cho phép mình bị kẻ khác coi thường. Chúng sẽ tìm ra bọn ta cho dù có phải lật tung cả thành phố lên. Cảm thấy tính mạng đang bị đe dọa, bọn ta liền bỏ trốn khỏi thủ đô.”

Đúng là một thảm họa.

Mặc dù cũng là lỗi của họ, nhưng bị đuổi giết chỉ vì thắng quá nhiều thì thật là vô lý.

“Nếu như chúng chịu từ bỏ sau khi bọn ta bỏ chạy thì tốt quá, nhưng chủ sòng bạc quyết làm tới cùng, theo dõi bọn ta và còn treo thưởng cho ai bắt được nữa. Mệt mỏi lắm, chẳng hiểu lỗi lầm của bọn ta lớn đến mức nào nữa.”

“Họ có vẻ thù các chú ghê nhỉ. Bộ các chú thắng được nhiều tiền của họ lắm sao?”

“Chà… một phần lý do là bởi bọn ta đã gây thù chuốc oán với một quý tộc.”

Đây rồi, quý tộc - cái tầng lớp bí hiểm mà tôi vẫn chưa thể quen được.

“Thế nên là ta không thể quay trở về làng như thế này được. Dù sao đó cũng là lỗi của ta.”

Ánh mắt ông chú trở nên cô đơn.

Một ngày nọ, ổng phát hiện ra mình có một năng khiếu - cờ bạc. Chàng trai trẻ lớn lên nơi quê mùa muốn thử nghiệm kỹ năng của mình, nhưng rồi ước mơ tan tành mây khói và không thể nào bỏ trốn khỏi thành phố được. Ổng tiếp tục sống ở thành phố ấy, cố gắng dùng tài năng của mình để giúp bạn. Đến cuối cùng, ổng lại không thể trở về quê nhà được nữa.

Làm thế nào để tôi đồng cảm được với ông chú đây? Thế này thì khó quá.

Có thể trông ổng cô đơn, nhưng mà cảm xúc của ổng thì không hề đơn giản như thế.

“Vậy giờ thì sao?”

Nghe thấy câu hỏi của tôi, ông chú lắc đầu.

“Chẳng phải ta nói mình rỗng túi rồi sao? Ta cuối cùng đã trả được hết nợ. Trên giấy tờ, đấy là phí giải quyết mâu thuẫn, và chúng đã lấy đi số tiền lớn hơn nhiều so với khoản nợ ban đầu.”

Ông chú nhếch mép cười.

“Tốn năm năm trời đánh bạc ở nhiều sòng bạc khác nhau để có lại tự do, nên ta muốn quay về nhà gặp lại vợ con… mặc dù biết là mình có hơi lạc quan quá…”

Điều này thì hiển nhiên rồi, nên tôi bèn gật đầu.

“Thế tại sao chú lại làm việc ở đây?”

Cứ về mà gặp họ thôi.

“Không đơn giản thế đâu. Liệu ta có quyền được gặp họ không? Ta thi thoảng vẫn gửi thư và cô ấy có nói sẽ chờ ta quay trở về, nhưng mà ta vẫn cảm thấy vô cùng xấu hổ. Đến con gái ta còn chẳng biết mặt ta.”

Ông chú vục mặt xuống hai bàn tay.

Đúng là một gã yếu đuối.

“Chẳng phải cô ấy nói trong thư là sẽ chờ chú quay trở về còn gì? Vậy thì cứ gặp họ và nói xin lỗi thật chân thành thôi. Còn những chuyện khác tính sau.”

Tôi chống tay lên hông nói với ổng.

“Và chú không nghe con bé đó nói à. Nó bảo là rất nhớ cha. Chú không thấy mặt con bé sao? Chú còn định để nó mang cái mặt ấy thêm bao lâu nữa?”

“Ughh!”

Ông chú ôm lấy đầu rên rỉ.

Thế rồi ổng vò đầu với một tiếng gầm gừ, đập đầu mình xuống quầy bar đánh thịch một cái.

“Đúng, cậu nói đúng, chính là như vậy. Ngày mai ta sẽ về gặp họ và xin lỗi! Cứ để đó cho ta, gì chứ xin lỗi là việc ta giỏi nhất rồi!”

Tôi nhìn ông chú, lấy tay xoa thái dương. “Chẳng biết có ổn không đây.”

“Ta đã chán ngán cờ bạc rồi. Ta đã học được bài học và trả hết nợ, nên kể từ giờ sẽ sống thật tử tế. Ai thèm quan tâm đến tài năng đánh bạc chứ!? Ta muốn làm người tử tế cơ!”

“Thế chú vẫn chưa đi à?”

“Ta-ta vẫn cần phải chuẩn bị tâm lý.”

Cái gã này có thật sự ổn không vậy…

5

Ông chú cả buổi sáng nay như ngồi trên đống lửa, cứ đi từ đầu nọ sang đầu kia quán. Tôi kêu ổng cứ ngồi xuống và bình tĩnh lại, và ổng ban đầu cũng nghe theo. Nhưng rồi ổng bắt đầu run chân, run đến nỗi không chịu nổi và phải đứng lên đi đi lại lại.

Đã quá buổi trưa, và ông chú vẫn còn ở trong quán. Khách vào quán ném cho ổng những ánh mắt ngờ vực, nhưng ông chú chẳng thèm để tâm.

Tôi đang tự hỏi nên làm gì thì ổng đột nhiên dừng lại.

“Đ-được rồi… Nếu rơi trúng mặt ngửa ta sẽ đi ngay.”

Có những chuyện ta không thể nào tự mình quyết định và đành phó mặc cho thánh thần, nên thay vì cờ bạc thì nó giống xem bói hơn. Người ta thường trông chờ vào xem bói để cầu nguyện cho mọi thứ diễn ra thuận lợi, phụ thuộc vào một cái số phận không hình hài để có thể thu đủ dũng khí cho bước đi đầu tiên. Thế nên đây không chỉ là tung một đồng xu, mà ổng đang đặt tất cả nỗi sợ và nỗi âu lo của mình vào trong đồng xu ấy.

Ông chú nhìn đăm đăm lên đồng xu trên tay.

Một phút, ba phút… Năm phút sau, ổng vẫn chưa tung đồng xu lên, ngược lại nắm chặt lấy nó.

“... Thật sự luôn, thảm hại làm sao, ta đã quyết định sẽ không phụ thuộc vào thứ này nữa mà.”

Ông chú lẩm nhẩm và nhìn tôi.

“Ta sẽ quay lại ngay.”

Tôi gật đầu với ổng, miệng không khỏi mỉm cười.

Tôi đứng nhìn ông chú rời đi.

Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Tôi có cảm giác như vậy và cầu nguyện rằng đó sẽ là sự thật. Chỉ bởi vì cờ bạc, cuộc đời ông chú đã bị đảo lộn hết cả, và vợ con ổng có khả năng sẽ có một cuộc sống chẳng vui vẻ gì. Tuy nhiên, ông ấy có nói đã nhận ra lỗi lầm và muốn bắt đầu lại, nên tôi hy vọng rằng sẽ có những người đặt niềm tin vào ổng.

Tôi nhớ lại vẻ mặt ông chú khi ổng ngắm nhìn con gái mình ăn, nghĩ rằng đã từng trông thấy biểu cảm ấy trước đây. Đó chính là khuôn mặt của cha tôi hồi tôi vẫn còn nhỏ. Khi thấy tôi vất vả mãi mới xúc được cơm lên bằng thìa, cha tôi đã ngừng đũa lại và nhìn tôi.

Khuôn mặt cha tôi cũng thấp thoáng nụ cười như thế.

Nghĩ lại về chuyện ấy khiến tôi không khỏi mỉm cười.

Đúng vậy, đó chính là khuôn mặt của cha mẹ khi nhìn con cái, khi họ ngắm nhìn đứa con hết sức đáng yêu của mình.

Tôi dõi theo từng bước chân của ông chú bên ngoài.

Hy vọng rằng mọi chuyện sẽ thuận lợi.

Sự ấm áp của gia đình mới thật rực rỡ làm sao.

Ngày hôm đó, ông chú đã không quay trở lại.

Bình luận (0)Facebook