• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 7: Bông hoa và đồng vàng (2)

Độ dài 4,036 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-07-27 23:48:00

6

Hai ngày sau, ông chú vẫn chưa quay trở lại. Có chuyện gì xảy ra chăng? Mà không, nếu như không có chuyện gì, ổng đã không đi lâu đến thế. Vậy thì cái gì đã xảy ra nhỉ?

Bởi chẳng có manh mối nào, tôi không thể đoán được có chuyện gì xảy ra với ổng, trong lòng càng thêm lo lắng.

Tuy nhiên chuyện này chẳng liên quan gì đến các thực khách của quán. Để có thể phục vụ họ như bình thường, tôi đã không để lộ ra sự bất an của mình, vẫn lau cốc chén và pha cà phê cẩn thận như mọi khi.

Anh báo đen Tooya đang đọc một cuốn sách dày trên quầy bar. Hôm nay anh được nghỉ và không mặc bộ đồ trắng thường thấy nữa. Chị gái tộc tiên đang ngồi mơ màng trên ghế, mắt gần như nhắm nghiền. Ông già người lùn thì đục đẽo một tảng đá màu đỏ sậm với một cái búa nhỏ xíu ở tít phía sau.

Vẫn là khung cảnh thường nhật, và tôi là một phần ở trong đó. Nhưng thi thoảng, tôi lại áp trán lên cửa sổ và nhìn ra ngoài giống như ông chú vẫn hay làm.

Đường phố trông vẫn như mọi khi, chỉ có điều thiếu mất một phần quan trọng.

Cô bé bán hoa không có ở đó.

Hôm sau ngày ông chú đi, cô bé không đi bán hàng. Tôi chẳng biết hai sự kiện này có liên quan đến nhau không.

Không, tôi không nên cứ nghĩ đến tình huống tệ nhất.

Tôi lắc đầu. Cái tính bi quan của tôi cứ luôn làm tôi tưởng tượng đến tình cảnh xấu nhất, thật là một tính cách đáng ghét.

Tôi nên suy nghĩ thực tế hơn. Ví dụ, ông chú đã gặp được vợ mình, nhưng họ cãi nhau to vì ổng đi biền biệt mấy năm liền. Ổng bị vợ đánh cho vài phát, nhưng rồi họ làm lành và cùng chờ cô con gái đi bán hàng về, và cô bé đã bất ngờ khi ông chú trong vụ việc hôm ấy lại là cha mình - chỉ là một câu chuyện tầm thường phổ biến thôi, nhưng miễn mọi người đều vui vẻ là được. Ông chú đơn giản là quên báo tin cho tôi biết sau khi đã hội ngộ với gia đình mình.

Tôi thấy câu chuyện mình tự nghĩ ra này nghe ổn phết.

Chỉ nghĩ đến thôi đã khiến tôi cảm tưởng như đó là sự thật vậy, khiến tâm trạng tôi tốt hơn hẳn.

Tuy nhiên, tâm trạng tôi lại lập tức rơi xuống đáy vực.

Khi nhìn ra cửa sổ, tôi trong thấy cô bé bán hoa đang đi ở phía bên kia đường. Cô bé cầm theo một giỏ hoa, lạng quạng bước từng bước nặng nề, rồi ngồi phịch xuống một băng ghế và gục đầu xuống.

“Anh Tooya, phiền anh trông quán giúp em.”

“Hả? Ơ kìa, cậu đi đâu đấy?”

Bỏ lại anh Tooya đang bối rối, tôi liền chạy ra khỏi quán.

Tôi bước xuyên qua đám đông để lại gần băng ghế. Cô bé bán hoa vẫn đang gục đầu xuống khi tôi lên tiếng gọi.

“Em có sao không?”

Cô bé uể oải ngẩng đầu lên, nụ cười trên mặt đã không còn. Trông con bé thật yếu ớt, mắt thì sưng húp lên đỏ ngầu.

“A… anh chủ quán cà phê đấy ạ.”

“Ừ, đúng rồi. Chào em. Sao trông mệt mỏi thế, em ốm à?”

Tôi quỳ gối xuống trước băng ghế để tầm mắt nằm ngang với cô bé.

“Không ạ, ừm… em không sao.”

Mặc dù nói như vậy, trông con bé chẳng có vẻ gì là ổn.

“Cũng phải ha, tự nhiên có người hỏi đột ngột thế thì cũng khó trả lời.”

Tôi cố gắng cười tươi nhất có thể. Nụ cười có khả năng khiến người khác thấy dễ chịu hơn.

“Nhưng anh biết em đang có chuyện không vui. Có lẽ em sẽ cảm thấy khá hơn nếu nói ra đấy, và chưa biết chừng anh còn có thể giúp em. Nếu không, cứ để anh cùng buồn với em cũng được. Nếu có điều gì muốn giãi bày, sao em không chia sẻ nó với anh nhỉ?”

Trên mặt cô bé là một biểu cảm nặng trĩu, như thể đang bị những nỗi niềm bên trong đè nén.

Người ta có thể dần làm quen với những gánh nặng của mình bằng cách điều chỉnh cách họ mang vác chúng, như là cố gắng từ bỏ hoặc nhờ cậy những người họ tin tưởng giúp đỡ phần nào. Tuy nhiên, với ai không có kinh nghiệm trong việc này, họ có thể sẽ bị đè bẹp nếu như gánh nặng ấy quá lớn. Vào những lúc như thế này, người lớn xung quanh cần phải dạy cho cô bé cách đối phó với căng thẳng, gánh vác chúng thay cho cô bé..

Liệu tôi có thể làm việc ấy không? Có khi tôi đang quá tọc mạch chăng?

Mặc cho lòng vẫn bất an, tôi nói chuyện với cô bé bằng sự chân thành hết mức có thể.

Con bé nhìn tôi một lúc, cắn môi, rồi mặt nhăn lại và nước mắt bắt đầu chảy ra từ khóe mi.

“Mẹ em…”

Giọng nói run run của cô bé nghe thật yếu ớt, ngập trong nỗi sợ và bất an. Những cảm xúc ấy cứ vang vọng trong lỗ tai tôi.

“Mẹ em mắc phải Cái chết Trắng… đang ở trong bệnh viện, nhưng mà chẳng có thuốc, lại còn…”

Cô bé tuyệt vọng lau nước mắt. Bờ vai run run kia trông thật nhỏ bé, không thể chịu nổi cái gánh nặng này.

“Nhà em, cần rất nhiều tiền, để mua thuốc. Nhưng mà, em chẳng thể làm gì, ngoài bán hoa. Nên…”

Tôi lấy ra một chiếc khăn tay trong túi tạp dề và thấm nước mắt cho con bé, dần dần chiếc khăn đổi sang màu sậm hơn.

À, thì ra là như vậy.

Tôi nghĩ bụng.

Ông chú hẳn đã biết chuyện này. Ổng về nhà gặp vợ mình, biết được về căn bệnh của vợ và bắt bà ấy phải vào bệnh viện, rồi sau đó… ổng đi đâu nhỉ?

Kìa, ông chú, tại sao chú lại không ở đây? Con bé đang cần có chú ở bên! Chú là cha nó kia mà, làm gì có ai thay thế được chứ.

Tôi không thể gánh vác thay chuyện này, nhưng tôi muốn làm dịu đi nỗi đau của con bé nhiều nhất có thể, nên bèn ôm chặt lấy nó.

Nhìn tấm thân run rẩy liên hồi của con bé mới đau lòng làm sao.

_ _ _ _ _

Tôi quay trở lại quán, anh Tooya ngước ra nhìn và định nói cái gì đó. Ảnh chắc là muốn phàn nàn về chuyện tôi bắt ảnh phải trông quán, nhưng mặt tôi hẳn là trông đáng sợ đến nỗi ảnh không dám nói gì.

Sau khi con bé ngừng khóc, nó cố rặn ra một nụ cười và cảm ơn tôi, rồi đứng dậy lịch sự cúi đầu.

Tôi chẳng thể nói lời khen con bé lấy lại bình tĩnh nhanh quá. Nếu như tôi cứ xoa đầu và nói gì đó kiểu ‘em quả là một cô bé ngoan’, thì con bé sẽ cứ sống như thế mãi, cho rằng chỉ cần trưng ra cái mặt ngoài đẹp đẽ là xong.

Có khi như vậy lại là bình thường ở thế giới này.

Con người nơi đây trưởng thành sớm, và trẻ con chỉ được làm trẻ con trong một thời gian rất ngắn. Nhưng cho dù vậy…

Con bé bỏ đi sau khi nói rằng cần phải làm việc tiếp, và tôi chẳng thể ngăn nó. Điều ấy khiến ngực tôi nhói đau.

Tôi không quay lại phía sau quầy bar mà ngồi xuống bên cạnh anh Tooya. Ảnh vẫn không nói gì, chỉ ngồi đọc sách.

“Anh Tooya.”

“Gì thế.”

“Anh có biết bệnh Cái chết Trắng không?”

Ánh mắt anh tỏ vẻ thắc mắc bởi đây là kiến thức hết sức cơ bản, nhưng anh vẫn giải thích cho tôi.

“Đó là một căn bệnh còn được biết đến với tên ‘bệnh Mê cung’, chỉ có những người sống ở thành phố Mê cung mới mắc phải. Ma lực bên trong người bệnh sẽ dần tan biến hết, tóc và da họ sẽ chuyển sang màu trắng, và rồi tử vong. Không có nhiều người mắc phải căn bệnh này, và trong quá khứ những ai mắc phải thì cầm chắc cái chết, nó từng được coi là căn bệnh chết người vô phương cứu chữa.”

“Vậy là nó đã có thể chữa được?”

“Ở thời hiện đại này thì đúng, giờ chúng ta đã biết một loài hoa thảo dược mọc trong Mê cung có thể dùng làm thuốc.”

Ra vậy, thì ra đó là thứ thuốc cô bé nhắc đến.

“Cơ mà…” Anh Tooya nói tiếp. “Hiện tại không có thuốc đâu.”

“Không có thuốc?”

“Đơn giản là loài hoa đó không có nhiều, và hầu hết đã được chuyển đến các phòng nghiên cứu. Phần còn lại trên thị trường thì đã được bán hết từ lâu.”

“Bán hết ư… nhưng tại sao chứ?”

Thật là vô lý! Tôi muốn nói ra như vậy nhưng lại lắc đầu. Nơi này khác so với xã hội hiện đại, nó không hề có những quy định luật pháp toàn diện. Đây là một thế giới nơi những kẻ có quyền lực có thể dùng tiền làm bất cứ điều gì họ muốn để làm lợi cho bản thân.

“Có vô số người muốn mua mà. Chỉ cần đó là một bông hoa hiếm hái từ Mê cung đã đủ bán được mớ tiền rồi. Những người mắc phải Cái chết Trắng sẽ phải mua được bằng mọi giá để cứu lấy mạng mình. Hoặc là người ta có thể bán cho các nhà nghiên cứu, các tổ chức y tế, bởi nó có nhiều công dụng lắm.”

Vai tôi bỗng trở nên nặng trĩu. Tôi vốn đã có thể thấy trước tình cảnh này nhưng vẫn hỏi.

“Vậy thì những người mắc phải bệnh Cái chết Trắng…”

Tôi nhìn anh Tooya.

Ảnh nhìn lại tôi với cái mặt không cảm xúc hiếm thấy. Ồ, đây hẳn phải là cái mặt bác sĩ của anh Tooya, khuôn mặt khi phải báo tin buồn cho bệnh nhân đây mà.

“Tôi chỉ có thể nói rằng… tôi rất tiếc.”

“Ra là vậy.”

“Đây không phải là chuyện có thể giải quyết bằng tiền, bởi những người có thể vơ vét hoa không thiếu cái đó. Nếu chỉ có tiền thôi mà không có gì khác thì họ không chịu nhả ra đâu. Người bình thường như chúng ta không mua được đâu.”

Tôi nhìn lên trần nhà.

Tôi đã cầu trời phù hộ cho mọi chuyện được ổn thỏa.

Và đã thua ván cá cược mang tên là cầu nguyện ấy.

7

Màn đêm buông xuống, hôm nay tôi đóng cửa sớm.

Tôi không dọn dẹp và cứ để đèn sáng, ngồi xuống quầy bar nghĩ ngợi. Tôi biết là chỉ ngồi đây thì chẳng giải quyết được việc gì, nhưng vẫn cứ ngồi suy nghĩ.

Tôi nghĩ về chuyện…

Nhờ ai đó giúp đỡ.

Nếu như tôi hỏi ông Corleone, già Gol hoặc Aina, họ chắc sẽ giúp tôi đấy.

Nhưng rồi chính tôi lại dẹp bỏ suy nghĩ ấy.

Nội cái ý tưởng muốn giúp đỡ một cô bé đã là một dạng kiêu ngạo. Bộ mày muốn làm anh hùng sao? - tôi có thể nghe thấy một giọng nói trong đầu hỏi như vậy. Tôi muốn lợi dụng địa vị và quyền lực của khách hàng chỉ để thỏa mãn bản thân ư? Như thế là đi quá giới hạn mối quan hệ giữa chủ quán cà phê và khách rồi. Lợi dụng khách hàng để làm lợi cho bản thân là một điều tối kỵ.

Nhưng tôi vẫn muốn giải quyết những cảm xúc trĩu nặng trong lòng mình.

Tôi muốn giúp đỡ người mẹ của cô bé ấy.

Tại sao tôi lại nghĩ như thế ư? Tôi chẳng biết nữa. Tôi vốn luôn giữ khoảng cách với người khác, lẽ ra phải cảm thấy xa cách và nói những câu như ‘đáng thương quá’, ‘thật đáng tiếc’, ‘đành chịu thôi.’ Cái vụ này đang khiến tôi muốn phát bệnh.

Tôi cứ nghĩ mãi về chuyện ấy, như thể đang đi vòng tròn trong một mê cung không lối thoát. Đêm đã về khuya, và tôi chỉ nhận ra điều ấy khi cánh cửa khẽ mở ra.

“Chào.”

“Chú! Qua giờ chú ở đâu thế!?”

Tôi vừa nói vừa lại gần, để ý thấy dáng vẻ ông chú có sự bất thường.

“Chuyện gì xảy ra vậy?”

Căn phòng chỉ được thắp sáng bởi ánh trăng, nhưng tôi có thể thấy cánh tay trái của ông chú đẫm máu tươi từ phần vai đổ xuống. Có thứ chất lỏng gì đó chảy xuống từ vai ổng và nhỏ xuống sàn nhà. Lại gần hơn, tôi có thể thấy trên mặt và cổ ông đầm đìa mồ hôi, bờ vai nhấp nhô theo từng hơi thở nặng nề.

“Ồ, không có gì đâu, nhưng cậu cho ta vào được không? Chỉ một lúc thôi.”

Ổng nói với giọng điệu tươi tỉnh thường ngày, rồi bước ngang qua tôi vào bên trong quán. Tôi hốt hoảng theo sau.

“Kìa! Chú bị thương à!”

“Đừng làm ầm lên thế, những vết sẹo là huy chương danh dự của đàn ông đấy. Cơ mà hơi đau.”

“Chú nói câu cuối to lên xem nào. Nếu muốn tỏ ra ngầu thì làm cho đến nơi đến chốn xem.”

Ông chú vẫn vô tư lự như mọi khi, khiến tôi cảm thấy như muốn khuỵu. Ôi trời ạ…

“Thế, chú đã ở đâu vậy?”

“Đấy là một câu hỏi hay, nhưng mà chuyện dài lắm, để sau hãy nói. Giờ ta có việc cần nhờ cậu.”

Ông chú thò tay xuống hông và lấy ra một cái hộp dài và mảnh, rồi đặt chiếc hộp bằng kính lên quầy bar. Chỉ nhìn độ trong của nó cũng đủ biết đây là một thứ đắt tiền. Bên trong hộp là một bông hoa màu trắng với những cánh hoa đã bung nở.

“Có lẽ nào đây là…”

“Ồ, vậy là cậu biết rồi hả. Hoa này có thể dùng để chế thành thuốc chữa Cái chết Trắng.”

Ông chú hờ hững nói.

“Thế là thế nào? Có phải nó liên quan đến vết thương của chú không? Mà thứ này có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được. Có phải là…”

Tôi cuống lên ôm đầu. Có quá nhiều câu hỏi tôi muốn hỏi, khiến cho não không thể theo kịp.

Ông chú vỗ vai tôi.

“Được rồi, cứ bình tĩnh.”

“Là lỗi của chú đấy!”

Tôi không kìm nổi bèn hét lên, còn ổng chỉ cười xuề xòa, làm ngơ ánh mắt trợn trừng của tôi. Thế rồi ông chú ngưng cười và đẩy cái hộp kính về phía tôi.

“Cậu gửi cho con bé giùm ta được không?”

“Hả? Nhưng mà sao lại là cháu chứ?”

“Hmm, phải rồi, cứ bảo là cái này do cha cậu làm thủy thủ gửi về, hay gì đó kiểu như vậy. Làm ơn hãy gửi ngay nhé.”

“Sao chú không tự gửi?”

“Ta không nhờ cậu làm không công đâu. Ta chỉ còn đồng vàng này…”

“Chú thôi đi!”

Tôi giận giữ kêu lên, và nụ cười trên gương mặt ổng liền tan biến.

“Xin cậu đấy, ta không thể đi được.”

“Thì cháu đang hỏi tại sao đây.”

Tôi cũng biết câu hỏi của mình thật vô nghĩa.

“Chà, chắc cậu cũng đoán được, ta đang bị một đám rất hung hăng truy đuổi. Cơ mà ta quen rồi.”

Vết thương trên tay ông chú rõ ràng là do một người khác gây ra. Thêm nữa, ổng lại đang cầm trong tay một bông hoa vốn không thể có được bằng những cách thông thường.

“...Chú lấy trộm nó à?”

Tôi rụt rè hỏi. Nghe thấy vậy, ổng liền bật cười.

“Không đời nào! Ta làm gì có gan chui vào một nhà quý tộc nào đấy để trộm đồ chứ.”

“Thế làm sao mà chú có được nó?”

“Cậu có biết về ba thói xấu của đàn ông không?”

Ông chú đưa bàn tay ra trước mặt tôi, rồi giơ từng ngón tay lên một.

“Trăng hoa, rượu chè, và cờ bạc. Những kẻ giàu có vốn không thiếu phụ nữ và rượu thì thường thích cá cược.”

“Vậy là…”

Tôi nhớ lại điều mà ông chú đã nói trong quán ngày hôm qua, ổng nói sẽ cai đánh bạc, và cả biểu cảm trên mặt ổng lúc ấy nữa.

Ông chú vẫn cười.

“Ta tìm đến tất cả các sòng bạc trong thành phố, tìm kiếm một kẻ có sở hữu bông hoa để làm một ván cược với hắn. May mắn là ta chẳng tốn bao thời gian để tìm được hắn, và không may ở chỗ hắn là một tên quý tộc thất bại.”

“Thế tại sao chú lại bị thương?”

“Cậu phải đoán được ra chứ?”

Tôi nhớ lại những lời ông chú nói. Những kẻ có quyền lực muốn xóa sạch dấu vết chuyện đã xảy ra, và thường là bằng bạo lực. Đối với họ, cá cược là để thắng, nên họ sẽ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc.

“Thật phi lý, cá cược mà luật chơi chẳng công bằng gì hết.”

“Đó là bản chất của cờ bạc mà. Chắc chắn một ngày nào đó sẽ phải thua, chỉ khác là thua trên bàn hay thua ở ngoài bàn.”

Ông chú nói tiếp: “Nhưng…” và chỉ vào vật trên tay tôi.

“Ta thắng bởi vì ta có tài đánh bạc.”

Chẳng phải chú đã định từ bỏ cái tài năng ấy rồi sao?

Từ bỏ đánh bạc và quay lại sống tử tế, bắt đầu lại từ đầu… chẳng phải chú đã nói như thế sao?

Không phải chú đã ngắm nhìn con bé ăn với đôi mắt dịu dàng đó sao? Chẳng phải chú định làm tròn trách nhiệm người cha sao?

Những lời trong đầu tôi trở thành một dòng chảy cuộn lên trong lồng ngực.

“Kìa,” ông chú vỗ vai tôi và nói, “là đàn ông thì đừng khóc chứ.”

“Cháu không khóc.”

“Cậu không lừa được ai đâu.”

“Mà kể cả có muốn khóc, cháu cũng chỉ làm điều đó trước một chị gái xinh đẹp thôi, chứ không phải trước một ông già như chú đâu.”

“Thế thì ta yên tâm rồi.”

Ông chú liền đứng dậy.

“Hãy cá với ta nào.”

Ổng nói và lấy ra đồng vàng mọi khi.

“Nếu ta thắng, cậu phải gửi bông hoa này đi thay ta. Nếu cậu thắng… chà, sao cũng được, vì ta sẽ không thua đâu.”

“Khoan, cháu đã nói gì về vụ cá cược này đâu.”

“Đừng nói thế chứ, ta chọn mặt sấp nhé.”

Ông chú mặc kệ tôi và tung đồng xu lên. Đồng xu vàng lấp lánh phản chiếu ánh trăng mờ nhạt.

Ổng tóm lấy nó bằng tay phải.

“Đưa tay cậu đây.”

“Hả?”

“Tay trái ta đang đau, nên đưa tay cậu đây.”

Tôi lưỡng lự chìa tay trái ra, ông chú liền đập bàn tay phải của ổng lên tay tôi trước khi bỏ ra.

“Ta thắng.”

Tôi thở dài, chẳng còn lòng dạ nào để cự cãi chuyện này nữa.

“Sao lúc nào chú cũng thắng được nhỉ?”

Nghe câu hỏi của tôi, ông chú chỉ cười đầy ẩn ý.

“Đó là bí mật, nhưng mà ta sẽ nói cho cậu biết, coi như là quà tặng kèm. Bí quyết để thắng một ván cược đó là phải tự mình thực hiện - tung đồng xu bằng chính tay mình. Sấp hay ngửa, cậu muốn chọn mặt nào cũng được nếu như luyện tập đủ lâu.”

Tôi sững sờ, lặng người nhìn ông chú.

Nó quá đơn giản, đơn giản đến nỗi làm tôi thất vọng.

“Cuối cùng thì ai cũng phải chết, cầu nguyện thần linh sẽ chẳng được tích sự gì đâu. Nhưng ta có thể tự quyết mình muốn tung ra mặt sấp hay ngửa.”

Sau đó ông chú bước tới bên cạnh tôi, vỗ vai tôi, rồi bước đi.

“Chú!”

Tôi ngăn ổng lại, nhưng chẳng biết phải nói gì.

Bước tới cửa, ông chú ngoảnh mặt ra sau.

“Cảm ơn cậu đã chăm sóc ta. Lương của ta cậu cứ giữ lấy, lần sau gặp lại ta sẽ nhận.”

Nghe thấy giọng nói lạc quan ấy, tôi liền nuốt vào lại những lời đang nảy ra trong đầu. Những lời ấy không phù hợp với giây phút này, tôi không nên cau có trước nụ cười của ông chú.

Tôi bèn cười lại. Tôi cố ép mình phải nở nụ cười và nói:

“... Cháu chờ chú đấy.”

“Ừ, tạm biệt.”

Thế rồi ông chú quay lưng và bỏ đi.

8

Một ngày nắng đẹp.

Bầu trời mang màu xanh tươi sáng, với những đám mây lớn và làn gió mùa hạ khẽ lướt qua thành phố.

Chỉ bước ra ngoài đã đủ làm tôi thấy khoan khoái. Không chỉ tôi, mà cả bước chân của người qua đường cũng nhẹ nhàng hơn. Và vào những hôm như thế này, người ta sẽ dễ dàng mở hầu bao hơn.

Tiếng hò hét của những chủ sạp hàng khiến thành phố nhộn nhịp hơn.

Tôi hy vọng mình có thể kiếm thêm nhiều khách.

Tôi gật đầu một cái, đúng lúc ấy thì có ai đó chìa bông hoa ra trước mặt.

“Anh có muốn mua hoa không ạ?”

Tôi nhìn xuống và thấy một cô bé nhỏ nhắn đang mang một giỏ hoa, mời tôi mua một bông hoa màu xanh.

“Ô, chào em.”

“Chào anh ạ! Hôm nay trời đẹp, anh nhỉ!?”

Cô bé cười rạng rỡ, sự tươi tắn của nụ cười ấy có thể thách thức cả bầu trời hôm nay.

“Hoa đẹp nhỉ, cho anh mua một bông nhé?”

Tôi đang định lấy ra mấy đồng từ trong ví thì con bé lắc đầu và chìa bông hoa cho tôi.

“Đây là món quà đặc biệt dành cho anh.”

“Anh nhận được chứ?”

“Được ạ! Nhưng mà đổi lại…”

Cô bé ra dấu, và tôi liền quỳ xuống. Đoạn, nó đưa tay lên che miệng và thì thầm vào tai tôi.

“Xin hãy giữ bí mật chuyện em đã khóc nhé.”

Tôi nhìn con bé, nhận ra rằng khuôn mặt nó đang cực kỳ nghiêm túc. Tuy cảm thấy hơi buồn cười, nhưng đây hẳn là chuyện mà con bé sẽ không chịu xuống nước.

Tôi bèn trưng ra khuôn mặt chân thành nhất và gật đầu quả quyết.

“Ừ, anh hứa.”

Con bé trông có vẻ nhẹ nhõm, rồi kiễng chân lên để nhìn ra sau tôi, dường như tò mò về điều gì đó trong quán.

“Sao thế?”

“Ưm, dạo này không thấy cái chú hôm nọ nhỉ.”

“À, ông chú ấy hả. Ổng có việc nên rời thành phố rồi, nhưng mà ổng nói là sẽ quay trở lại đấy.”

Ánh mắt cô bé bỗng chùng xuống.

“Em muốn gặp ông ấy à?”

“Không, không phải ạ!”

Con bé lắc đầu thật mạnh, khiến mái tóc tết rối bù lên.

“Nhưng mà, lúc chú ấy xoa đầu, em cảm thấy quen lắm. Tay chú ấy thật to và ấm áp, làm em nghĩ nếu như cha em mà ở đây, cảm giác cũng sẽ giống như thế. Chỉ vậy thôi ạ, ừm, em chào anh!”

Thế rồi cô bé cúi đầu và chạy đi.

Ở hướng mà con bé đang chạy tới, có một người phụ nữ cũng đang mang giỏ hoa giống hệt cái nó đang cầm. Vây quanh cô là những bà cụ già, những bà nội trợ đang bày tỏ sự lo lắng khi đã lâu không thấy cô.

Đang trò chuyện, người phụ nữ trông thấy tôi và liền khẽ cúi đầu. Tôi cũng hơi cúi đầu đáp lại.

Con bé chạy tới bên người phụ nữ và nói gì đó, cổ bèn cười dịu dàng và xoa đầu nó.

Hai người họ tắm trong ánh nắng trời ấm áp, tạo nên một hình ảnh thật tuyệt vời.

Tôi quay lưng và bước trở vào trong quán.

Đi ra sau quầy bar, tôi rót nước sạch vào trong một chiếc ly thủy tinh để làm lọ hoa. Tôi cắm bông hoa cô bé tặng vào đó, lập tức khiến nó trông sang trọng hơn nhiều.

Tôi để bông hoa trong buồng để trang trí, và đặt một đồng tiền vàng ở đó.

Ông chú đã nói là sẽ quay trở lại, nên trước khi ông ấy quay lại, tôi muốn để đồng vàng ổng đưa tôi ở đó. Đây là một ván cá cược nhỏ của tôi.

Bông hoa đứng cạnh đồng vàng đẹp như bầu trời trong xanh, nở rộ bên một đồng xu chằng chịt những vết xước.

Bình luận (0)Facebook