Chương 2: Lột xác ngoạn mục! Before ~ after!
Độ dài 1,730 từ - Lần cập nhật cuối: 2025-05-27 22:30:16
Sau khi hoàn thành thói quen buổi sáng, tôi bắt đầu chuẩn bị trang phục.
Như đã nói, tôi là trưởng nam của một gia tộc bá tước, lẽ ra sẽ có hầu gái đến giúp tôi thay đồ, nhưng tôi đã từ chối với lý do “đã năm tuổi rồi”.
Tôi tùy tiện lôi ra một chiếc quần và áo sơ mi trong tủ, thay xong thì rung chuông nhỏ đặt trên bàn đầu giường.
Ngay sau đó, từ phòng chờ bên cạnh bước ra một người phụ nữ mặc đồng phục hầu gái, tóc búi gọn, đeo kính dày cộp, trông có vẻ nghiêm khắc, tầm khoảng cuối tuổi hai mươi.
Đó chính là vú nuôi Rottenmeier.
Dường như khoa học kỹ thuật của Đế quốc Kiou này tụt hậu khá xa so với thế giới trước của tôi, nên cặp kính của Rottenmeier dày đến mức tôi không thể nhìn thấy mắt cô ấy từ phía này.
Cô nhẹ nhàng đẩy gọng kính lên bằng tay phải, rồi khẽ “hừm” một tiếng, đưa ánh mắt sắc bén lướt từ trên xuống dưới người tôi.
“Cúc áo không cài lệch. Cậu chủ mặc rất chỉnh tề. Đạt yêu cầu.”
“Vâng, cảm ơn chị đã kiểm tra."
“Đó là bổn phận của tôi.”
Rottenmeier cúi đầu chào nhẹ. Cuộc hội thoại với cô ấy luôn mang phong cách công vụ, rành rọt và lạnh lùng như vậy.
Tôi bước theo sau khi cô rời khỏi phòng, được dẫn tới một phòng ăn rộng lớn có thể sánh ngang sảnh tiệc của một khách sạn.
Chỉ mình tôi ngồi vào chiếc bàn dài đủ chỗ cho khoảng mười lăm người mỗi bên.
Đã gần một năm nay tôi chưa từng thấy mặt cha mẹ mình.
Bữa sáng được dọn ra theo thực đơn do chính tôi yêu cầu, một thực đơn ăn kiêng, được tôi tận dụng triệt để từ kiến thức kiếp trước.
Vốn dĩ việc này không được chấp nhận, nhưng hình như Rottenmeier đã đứng ra thương lượng giúp tôi.
Khi tôi đến bếp để cảm ơn, bếp trưởng run rẩy nói:
“Dù tôi không đồng ý, nhưng… vì cô Rottenmeier bảo nên… tôi đành phải làm theo…!”
Tôi nhớ mình từng là một đứa trẻ bướng bỉnh, hay nổi cơn thịnh nộ vô cớ.
Việc bị dè chừng như vậy có lẽ là do thực đơn mà tôi nhờ chị Rottenmeier truyền đạt quá đỗi đạm bạc, khiến họ nghĩ mình đã chạm phải vảy ngược của cậu chủ khó chiều và tôi đến để nổi giận.
Tôi thật lòng xin lỗi vì đã khiến họ hiểu lầm.
Nhân tiện, những điều tôi nhờ là:
hãy áp dụng nguyên tắc ăn uống “Ma-Go-Wa-Ya-Sa-Shii”, còn khẩu phần ba bữa chính thì như những đứa trẻ bình thường, đồ ăn vặt chỉ nên là trái cây, so hoặc daigo thôi.
So là thứ tương đương với phô mai ở thế giới trước, còn daigo thì giống như sữa chua vậy đó.
“Ma-Go-Wa-Ya-Sa-Shii” là cụm từ viết tắt từ chữ cái đầu của: đậu các loại, mè, rong biển (tảo biển), rau củ, cá, nấm (đặc biệt là nấm shiitake), và khoai.
Đây đều là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho việc phát triển và cả giảm cân.
Nếu xây dựng thực đơn xoay quanh các nguyên liệu này, sẽ rất hiệu quả cho cả hai mục tiêu đó.
Khi tôi đang lặng lẽ dùng bữa, Rottenmeier rót nước ấm và mở quyển sổ ghi chép của mình ra.
“Xin được xác nhận lịch trình trong ngày của cậu chủ như sau: Sau bữa sáng, buổi sáng sẽ đi dạo và thêu thùa cùng thợ may Elise. Sau bữa trưa, cậu sẽ làm vườn cùng bác thợ làm vườn Genzo.
Sau khi dùng bữa nhẹ, sẽ đến giờ học.”
“Vâng, sau khi dạo xong, em sẽ chủ động gọi chị Elise, nên phiền chị nhắn lại với chị ấy cứ tự do làm việc trước đi ạ.”
“Vâng, tôi đã hiểu.”
Rottenmeier cúi đầu nhẹ một cái rồi lui ra khỏi phòng.
Còn lại một mình trong phòng ăn rộng lớn, dùng bữa trong cảnh vắng vẻ như vậy sao mà ngon miệng nổi.
Khi đã ăn xong hết, tôi để các hầu gái đến thu dọn bát đĩa rồi rời phòng đi dạo.
Vừa ngân nga bài hát chủ đề trong bộ phim có chiếc xe buýt hình mèo, có cô chị gái học tiểu học và cô em gái học mẫu giáo cùng những cuộc gặp gỡ kỳ diệu với các yêu tinh sống trong rừng, tôi vừa đi bộ vừa chạy trong khu vườn rộng lớn của biệt thự với tốc độ ổn định.
Người ta nói thay vì chỉ đi bộ, luân phiên đi và chạy trong một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp tăng cơ hiệu quả hơn, và nếu vừa vận động vừa hát, còn có tác dụng như một bài tập aerobic.
Hồi mới bắt đầu làm mấy chuyện này, mọi người đã náo loạn lên rằng “cậu chủ sốt xong điên rồi”, cũng vì tôi cũng không còn nổi cơn thịnh nộ nữa nên họ còn gọi bác sĩ, thậm chí còn gọi cả linh mục đến vì nghi ngờ tôi bị quỷ ám.
Nhưng mà, không phải vậy đâu.
Không phải bị quỷ ám, cũng chẳng phải phát điên. Nếu nói cho đúng thì là chuyển sinh.
Trước khi tiếp nhận ký ức kiếp trước, tôi một đứa trẻ rất hư. Tôi biết mỗi lần mình la hét và làm loạn lên, người lớn đều nghe theo. Vì thế tôi cứ thoải mái làm điều mình muốn, mỗi khi không vừa ý là lại phát cáu lên bắt họ phải làm theo ý mình.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với kiến thức và ký ức của “tôi” kiếp trước, tôi đã hiểu vì sao người lớn lại nghe theo lời mình.
Không có gì to tát cả. Bởi cha mẹ là người thuê họ, nắm giữ quyền sinh sát của họ mà thôi. Và chính cha mẹ đã lơ là việc dạy tôi điều đó.
Vì suốt gần một năm nay, tôi thậm chí còn chưa gặp mặt họ.
“Giáo dưỡng” (躾) - tôi đã được dạy rằng, chữ đó được viết bằng các bộ mang ý nghĩa “làm cho thân thể trở nên đẹp đẽ” ở thế giới trước.
Bởi vì việc dạy dỗ xuất phát từ tấm lòng của cha mẹ, mong muốn đứa trẻ trở nên đáng yêu trong mắt mọi người, trở nên đẹp đẽ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Quay lại nhìn cha mẹ tôi mà xem, họ chẳng hề dạy tôi lễ nghi phép tắc, thậm chí đến khi tôi cận kề cái chết cũng không một lần đến thăm.
Người đã làm điều đó thay họ là vú nuôi Rottenmeier. Những người lần lượt đến thăm tôi lúc tôi hấp hối cũng chỉ là các gia nhân trong dinh thự mà Rottenmeier đã nhờ vả.
Tức là, không một ai yêu thương tôi cả.
Chỉ vì... chỉ vì bỏ mặc một đứa trẻ chết một mình không ai ngó ngàng đến quá đáng thương, nên họ mới đến thăm mà thôi.
Nhưng nghĩ tích cực cũng xem như chưa bị ghét bỏ hoàn toàn.
Cha mẹ kiếp trước của “tôi” đã yêu thương và nuôi dạy “tôi” bằng tất cả sự trìu mến. Giữa “tôi” và người bạn thân cũng có một tình bạn đích thực.
Chính vì đã chạm vào những ký ức đó, nên khi đối diện với sự thật tôi không hề được yêu thương... nó như hóa thành thực thể đâm sâu vào tim, và cơn đau ấy chỉ dằn xé tôi sau khi hồi phục sau dịch bệnh.
Ngay lập tức, tôi đã nói lời “xin lỗi” với chị Rottenmeier.
Tôi nói rằng: cảm ơn chị thật nhiều vì đã không bỏ rơi một đứa trẻ ngu ngốc như tôi, còn nhờ những người làm trong dinh thự tới thăm nữa.
Vì tôi không kể chuyện ký ức tiền kiếp, nên Rottenmeier rất sốc khi nghe cậu chủ mình nhận lỗi. Dẫu vậy tôi vẫn cố hết sức giải thích, dù cái lưỡi nhỏ kia vẫn chưa xoay cho tròn câu rằng tôi đã hiểu hết, rằng chị đã quan tâm chăm sóc một đứa trẻ đến cha mẹ nó còn chẳng thèm đến bên giường bệnh, rằng tôi trước đây thật sự quá ngu ngốc, rằng nếu vẫn còn kịp thì xin đừng bỏ rơi tôi, tôi sẽ thay đổi.
Dĩ nhiên, tôi cũng đã nhờ tất cả mọi người trong dinh thự tập trung lại, để nói lời xin lỗi với họ.
Và để chứng minh cậu chủ của họ đã thật sự thay đổi, tôi đã xin phép các gia nhân cho tôi học hỏi công việc mà mọi người đang làm trong dinh thự này.
Với tôi, với một người hiểu được nỗi vất vả khi lao động, đó là cách thể hiện thành ý trọn vẹn nhất.
Ban đầu, mọi người trong dinh thự vẫn còn nghi ngờ không thể tin, nhưng khi thấy tôi kiên trì học việc đến một hai tháng, họ dường như đã cởi mở hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc này lại mang đến một tác dụng phụ ngoài mong đợi.
Công việc trong dinh thự khiến tôi liên tưởng đến sở thích của kiếp trước.
Cứ như thể kỹ năng đã in sâu vào linh hồn vậy. Từ dọn dẹp, may vá, nấu ăn cho đến làm vườn, việc gì tôi cũng làm được kha khá.
Vừa đi vừa mải suy nghĩ, tôi chẳng mấy chốc đã đến được vườn hoa nằm sâu nhất trong khu vườn.
Đây là một nơi được coi là danh thắng ẩn giấu, không ai đến nơi này ngoài bác thợ làm vườn Genzo. Vô số hoa hồng dại mọc lan ra một cách tự nhiên mà không bị ai can thiệp.
Tôi liếc quanh một lượt để chắc chắn không có ai xung quanh, rồi siết chặt cơ bụng, hít một hơi thật sâu. Sau đó, tôi bắt đầu hát bài “Hoa hồng dại” của Schubert theo giai điệu.
Ba ngày trước, khi trông thấy một bông hoa hồng dại nở rộ đỏ thẫm như máu, tôi đã không thể kiềm lòng mà muốn cất lên bài ca đó. Kể từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng đến đây để hát.
Dù có mọc ở nơi đồng nội, hoa hồng vẫn là hoa hồng.
Dù ở dòng thế giới nào, việc ngợi ca vẻ đẹp của loài hoa ấy cũng chẳng có gì thay đổi.
***
Cuối tuổi 20 vẫn là chị ?