• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 1: Saeki Sayaka: Lớp 5-3

Độ dài 17,710 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-06-23 19:45:30

u83554-c4562d98-17ed-495a-9613-4f84c3726d5a.jpg

u83554-54d94a30-383c-47f0-98b5-147d7000394f.jpg

“Cho dù thời gian đã trôi đi quá xa đến mức tôi chẳng còn nhớ được nhiều, thì nó cũng không bao giờ thật sự biến mất.

Những vết sẹo đó,

cái hơi ấm đó,

-tất cả.”

u83554-1e760068-c718-4758-89df-983c94803f4b.jpg

u83554-c46e4c86-0a24-42b3-8bd7-9faad0051a06.jpg

u83554-a5d382b8-f6a4-49c3-b66e-b35f726dad15.jpg

u83554-517efebf-a590-4025-8729-39d009b99dc6.jpg

Nói ra thì có vẻ hơi kiêu ngạo, nhưng từ lâu rồi tôi đã tự nhận thức được là mình rất tài năng.

Khi nói từ “tài năng,” thì ý của tôi là tôi có thể đạt được kết quả tốt với bất cứ chuyện gì miễn là tôi chịu đầu tư công sức vào đó, đồng thời cũng có thể duy trì kết quả đạt được. Tôi nghĩ là mình nhận thức được giá trị của hai thứ đó sớm hơn nhiều là lũ nhóc xung quanh.

Và vì lẽ đó, tôi chẳng mấy bận tâm việc thời gian biểu sau giờ học của tôi xếp đầy những lớp học khác nhau. Có lớp ikebana này[note41581], lớp thư pháp, lớp dương cầm, lớp học thêm này, và khi bắt đầu lên năm thứ ba của tiểu học, còn có cả lớp học bơi. Tôi đang dự tính là sắp tới đây mình sẽ tham gia vào lớp luyện nói tiếng Anh. Căn bản là tôi học tất cả những thứ mà mình có thể. Là một đứa trẻ, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi bản thân được đáp ứng một điều kiện giáo dục như thế này.

Kể cả một đứa trẻ con cũng có thể nhận thấy rằng căn nhà của tôi đáng ngưỡng mộ chừng nào. Nó có một cách cổng lớn với hai cánh cửa được sơn mài, phía bên cạnh có một cánh cửa phụ, kèm theo đó là nhiều cây cao ở trong vườn. Những bước tường bao quanh căn nhà đủ cao để có thể ngăn chặn mọi sự dòm ngó từ bên ngoài. Kích thước của nó còn lớn hơn cả khu chung cư sơn màu xanh lá mạ nằm ở phía đối diện. Ngoài tôi và bố mẹ tôi ra, còn có cả ông bà nội và hai con mèo của họ sống ở đây. Một khoảng không gian rất lớn chỉ dành cho từng đó con người.

Lớn lên trong căn nhà đó, tôi tự biết được rằng mình không có lựa chọn nào khác ngoài trở nên thật tài năng. Chẳng có ai trong nhà tôi nói ra chuyện đó, nhưng linh tính của tôi mách bảo rằng suy nghĩ đó của tôi là chính xác. Miễn là tôi còn tiếp tục hướng về phía trước một cách có chủ đích và mang về những kết quả đáng tự hào, thì bố mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ thấy phật lòng. Có bố mẹ nào mà lại không thấy vui khi có một đứa con tài giỏi hơn người?

Ngày hôm nay, cũng như mọi ngày, tôi về đến nhà và bắt đầu chuẩn bị cho các lớp học sau trong lúc đi cất chiếc cặp của mình. Bố mẹ của tôi đều đang đi làm nên trong nhà lặng thin. Ông bà tôi hôm nay có ở nhà, vì vậy cũng chẳng thấy bóng dáng của người quản gia đâu cả. Việc đi bộ từ trường về đến nhà cũng đủ làm tôi muốn chết khô, thế là tôi đi vào nhà bếp và uống một cốc nước. Âm thanh của tiếng ve kêu men theo đường ống thông gió len vào trong nhà.

Tôi cầm lấy cái túi chứa toàn bộ dụng cụ bơi lội của tôi và rời khỏi nhà. Tôi đã bắt đầu học bơi vào mỗi thứ Tư hàng tuần. Mặc dù không phải do cố ý, nhưng thời khóa biểu của lớp học bơi lại cực kỳ dễ nhớ, rằng tôi sẽ nhảy vào nước vào đúng ngày của nước.[note41582]

Song, thay vì đi thẳng đến lớp học, tôi quyết định đánh một vòng quanh ngôi nhà mò ra sân vườn.

Lũ mèo của nhà tôi thường chơi bời ở trên đoạn đường từ nhà chính đến khu nhà của ông bà nội. Và tất nhiên, hôm nay bọn chúng cũng ở đây: một con mèo đồi mồi và một con màu đen đốm trắng. Tuy mới chuyển đến ở cùng chúng tôi chưa được quá lâu, nhưng chúng đã làm quen với nơi này rất nhanh, giải thích cho vì sao chúng không nhúc nhích gì trong lúc tôi lại gần. Khi lũ mèo đang có tâm trạng tốt, thường chúng sẽ cho phép cho người chạm vào mình, nhưng ai mà biết được hôm nay có được như thế hay không?

Tôi khom người xuống và vuốt ve con mèo lông đen trắng, nó nhìn lên vẻ khó chịu rồi chỉ sau vài giây thì chạy mất. Con mèo đồi mồi thấy thế cũng chạy theo, rồi cả hai con đều đứng trốn trong bóng mát.

“Chán nhỉ.”

Tôi nhìn chúng chạy đi rồi sau đó cũng đi đến lớp.

Trong lúc đi bộ qua khu dân cư, tôi có thể nghe thấy tiếng kêu của đám ve sầu. Lắng nghe kĩ hơn, tôi còn có thể nhận ra hai sắc thái âm thanh khác biệt giữa bên trái và bên phải. Tôi tò mò nhìn sang hai bên đường để nhìn xem liệu có phải đó là hai giống ve khác biệt – cảnh sắc lung linh của khu dân cư chẳng mấy đổi thay hiện ra trước mắt tôi.

Vì lý do nào đó, có thể là do cái nóng của mùa hè, trong tai tôi luôn văng vẳng một tiếng vo ve.

Tôi bước ra con đường chính rồi tiếp tục lần lượt đi qua hai vạch kẻ qua đường cho khách bộ hành. Từ đó, chỉ cần mươi phút đi bộ thẳng về phía trước là tôi đến được nơi mình cần, một trường dạy bơi trong nội thành. Đó là một tòa nhà dài và hẹp, và có thiết kế khá lạ thường: quầy tiếp tân thì nằm ở lầu một và hồ bơi được sử dụng lại nằm ở tầng hầm, nên tôi chưa bao giờ biết được tầng trệt của tòa nhà này có gì, cũng như làm thế nào để xuống được đó.

Gắn liền bên cạnh tòa nhà là một bãi đỗ xe rộng có thu phí; nhân viên ở đây luôn nhắc nhở tôi rằng phải cẩn thận những chiếc xe ra vào. Hiện đang có hai chiếc xe buýt đậu dọc trước cửa ngôi trường, và tôi liếc mắt nhìn theo những người bình thường và người ngồi xe lăn đang kéo nhau bước xuống.

“Ồ! Saeki-san.”

Nghe có tiếng người gọi, tôi quay đầu lại nhìn. Đó là một con bé khác trong lớp học bơi của tôi. Hẳn là nó đã đi đến thẳng đây mà không về nhà, bởi trên vai nó hãy còn đeo balo đi học.

Con bé này học ở một trường khác, nên chúng tôi cũng chẳng lấy làm thân thiết – song cũng không có nghĩa là tôi có thân mật gì với đám trẻ cùng trường.

Con bé phóng nhanh lên cầu thang để bắt kịp tôi. “Xin chào” – tôi lạnh nhạt cất tiếng chào. Tôi không ưa gì con nhỏ này.

“Bộ cậu không đến trường hở, Saeki-san?”

“Sao cơ?”

Thật là một câu hỏi lạ lùng. Tôi trố mắt nhìn nó trong lúc cả hai bước qua cánh cửa tự động tiến vào bên trong tòa nhà. Cô nhân viên làm việc ở quầy tiếp tân chào đón chúng tôi bằng một nụ cười, và để đáp lại, tôi đưa cho cô xem tấm thẻ của mình.

Con bé kia cũng cùng lúc chìa tấm thẻ của nó ra, thế là cô tiếp tân nhận lấy thẻ của cả hai và đưa cho chúng tôi mỗi đứa một cái chìa khóa tủ trong phòng thay đồ. Tôi liếc mắt nhìn con số trên chiếc chìa khóa và mừng thầm rằng tủ đồ của hai đứa nằm ở cách xa nhau.

Điều hòa ở bên trong đang chạy hết công suất và làm mát cổ tôi. Mảng tường phía bên trái của quầy tiếp tân được làm hoàn toàn bằng kính, cho phép tôi nhìn xuống hồ bơi nằm dưới tầng hầm. Những gợn sóng ở giữa hồ bơi đang phản chiếu lại những luồng sáng nhỏ.

“Lúc nãy là sao vậy?” – tôi hỏi nó trên đường đi đến phòng thay đồ.

“Ừ thì, tại da của cậu nhợt nhạt quá đó.”

Vẫn chưa được bao lâu kể từ lúc con bé này tham gia lớp học bơi từ tháng Bảy, nhưng đúng thật là da của nó rất rám nắng. Tôi nghĩ là nếu đem đi so sánh với nó, thì da của tôi chẳng có mấy gọi là sắc tố.

“Nên tớ cứ tưởng đâu là do cậu không bao giờ ra ngoài” – nó nói thêm.

Mái tóc dài đến cổ màu đen nhánh, thứ mà tưởng đâu đã được thiết kế kĩ càng để phụ trợ cho làn da của con bé, đang khẽ đung đưa. Chúng tôi thậm chí còn chưa đến được hồ bơi, mà tóc của con nhỏ này nhìn đã hơi âm ẩm. Tôi vừa nhìn nó vừa trả lời, “Tất nhiên là tôi có ra ngoài.”

“Yeah, chắc là cũng hợp lý. Với lại, cậu lúc nào cũng siêu nghiêm túc.”

Con bé nhận xét từ một thứ ngẫu nhiên này sang thứ ngẫu nhiên khác, chẳng hiểu nổi là nó đang cố nói về cái gì, hệt như cái biểu cảm thay đổi theo từng giây của con bé này. So với tôi thì con bé có hơi thấp hơn một chút và da thì rám nắng cho đến tận phần chân tóc ở đỉnh đầu. Nếu tóc con bé này ngắn đi thêm một chút nữa, mọi người có thể sẽ nhìn nhầm nó thành một thằng nhóc hơi gầy.

“Và cậu cũng là người năng nổ nhất trong lớp bơi nữa đó, Saeki-san.”

Tôi bắt đầu phát bực với con bé này và những bình luận kỳ lạ của nó. Nó làm tôi cáu khi những người mà tôi chẳng mấy thân quen hành xử cứ như là họ biết tôi rất rõ.

Nhưng vẫn còn một lý do khác nữa khiến tôi không ưa nhỏ này.

“Có thể lắm. Còn cậu thì là đứa thiếu nghiêm túc nhất.”

“Yeah, đúng đó.”

Con bé này chẳng có vẻ gì là để tâm khi bị tôi chỉ ra thiếu sót của mình. Tôi nghĩ là mình chưa từng gặp một ai khác thiếu liêm sỉ hơn thế này.

Chúng tôi đi ngang qua cái máy bán hàng tự động và bước vào phòng thay đồ, bên trong có các dãy tủ khóa hai tầng đặt dọc các bức tường. Khu vực bồn rửa tay gồm có ba cái vòi, ở đó đang có một nhân viên vệ sinh chùi rửa chúng bằng một cái khăn. Tôi mở cánh cửa tủ có số giống với số in trên chìa khóa ra và đặt túi của mình vào trong. Con bé kia thì cũng làm tương tự với cái balo của mình, nhưng là nhét nó vào trong một cách thô bạo. Nó quay mặt về phía tôi, và ánh mắt hai đứa chạm nhau.

“Làm sao thế?” – nó hỏi.

“Không có gì.”

 Tôi cởi quần áo ra và thay sang bộ đồ bơi mà cái trường bơi này yêu cầu chúng tôi phải mặc. Nhưng, lần này, tôi bỗng có cảm giác mình bị dòm ngó. Khi đưa mắt trông sang, thì quả thật là con bé kia đang nhìn tôi, tay vẫn còn kẹt phía bên trong tủ đồ.

“Gì đấy?”

Bây giờ, đến lượt tôi hỏi ngược lại con nhỏ này. Tôi không thích cái cách mà nó nhìn mình.

“Cũng không có gì.”

Nó lập tức quay mặt đi, và bắt đầu lôi bộ đồ cùng với mũ bơi của mình ra. Vừa rồi là gì thế? Không phải là tôi có ý làm bạn gì với con bé này, nhưng mỗi lần nhìn thấy tôi thì nó lại bắt chuyện.

Tôi đi trước con bé xuống hồ bơi, mở ra một cánh cửa khác với cánh cửa mà chúng tôi dùng để vào phòng thay đồ. Tôi bước ngang cái luồng sáng phía trên đầu chỉ lối thoát hiểm, và bước xuống cầu thang. Với mỗi bậc cầu thang bước xuống, không khí lại càng trở nên ẩm ướt. Mũi của tôi ngửi thấy mùi của clorua vôi, đúng vào lúc quan cảnh của hồ bơi hiện ra trước mắt.

Khi tôi đặt chân trước cái máy khử trùng được lắp đặt ở lối vào, thì cơn lạnh của chất khí phun ra làm tôi ớn lạnh đến tận xương sống.

Nhiều đứa trẻ khác cùng lớp với tôi đã ở sẵn khu vực quanh hồ và bắt đầu căng cơ. Tôi cất tiếng chào bọn chúng và thầy hướng dẫn. Người thầy hướng dẫn này cao hơn bố tôi, có làn da sạm đen và đang mặc một chiếc áo màu cam tươi sáng. Và thầy ấy cũng là người có tính cách rất lạc quan, điều đó khiến các bài học thầy đưa ra khá dễ để tiếp thu.

Sau khi đã xối nước sơ qua ở khu vực vòi sen và đội mũ bơi của mình lên, tôi cũng bắt đầu giãn cơ như những đứa còn lại. Do hiện tại vẫn chưa có ai bước xuống, nước hồ bơi hiện giờ tĩnh đến mức tưởng chừng như ta có vẻ bước đi trên cái bề mặt đang phát sáng nhẹ nhàng của nó.

Cái hồ hơi này có chiều dài hai mươi lăm mét bao gồm sáu làn bơi. Tôi trước đây đã từng một lần tính thử xem sẽ cần đến bao nhiêu người đứng kề cạnh nhau để bao phủ hết diện tích mặt hồ.[note41596]

Trong lúc co duỗi hai chân, thì con bé còn lại cuối cùng cũng bước vào, trễ giờ như thường lệ. Nó cũng chào một lượt tất cả mọi người, và rồi vì lý do nào đó lại tiến đến bên cạnh tôi. Mặc dầu con bé cũng đang mặc cùng một bộ đồ bơi, thì đôi tay và chân rám nắng của nó khiến nó trông như đang mặc một bộ đồ hoàn toàn khác. Những vết sạm trên da con bé đều màu đến mức làm người ta cảm tưởng rằng nó đã cố tình phơi mình ngoài nắng. Chỉ có một số ít phần da nằm ở mép rìa của bộ đồ bơi là có nhạt màu hơn một chút.

“Được ở trong một bể bơi trong nhà để không bị cháy nắng thích thật, nhể?”

“Tôi không nghĩ là cậu có bận tâm đâu.”

“Cậu nói trúng tim đen rồi đó.”

Nó cười trong lúc bước ra đằng phía vòi sen để đi tắm. Tại sao con bé này luôn kiên quyết bắt chuyện với tôi vào mọi lần có thể vậy? Chẳng nhẽ nó đang hiểu lầm rằng tôi với nó là bạn bè?

Sau khi đã xối nước sơ qua, thì nó cũng chẳng thèm căng cơ mà chỉ đứng cạnh mặt hồ bơi rồi nhìn xuống nước. Cái kiểu của con bé này là như thế đấy.

Hôm nay là ngày trong tuần, nên hiện tại chỉ có sáu đứa con nít, bao gồm cả tôi. Dĩ nhiên là vào cuối tuần thì số lượng cũng sẽ đông hơn. Đưa mắt liếc nhìn những đứa trẻ khác đứng vào hàng rồi tôi kẹp thử cánh tay mình. Da của tôi quả thật là có màu nhạt nhất trong tất cả con người ở đây. Tôi tự hỏi không biết có phải là do tôi không bao giờ đi chơi dưới sân trường vào giờ nghỉ trưa hay không.

Các giáo viên hướng dẫn sẽ sắp xếp các bài học của mình sao cho phù hợp với từng lớp theo trình độ khác nhau. Tôi đang được xếp vào lớp trình độ trung cấp. Nếu bạn thể hiện tốt ở lớp hiện tại, thì mặc nhiên sẽ được thăng chuyển lên lớp có trình độ cao hơn. Trong thực tế, những đứa con nít hiếm khi lên được lớp cao hơn cho đến tận thời điểm chúng lên học sơ trung.

Tôi chưa bao giờ có cảm giác thích thú với hai từ trung cấp. Nếu tôi định làm một thứ gì đó, thì tôi sẽ muốn đạt được đến trình độ cao nhất. Nhưng tôi lại không thể lớn lên nhanh hơn cho dù có làm gì đi chăng nữa. Tôi đang chẳng thể bắt kịp, nhưng cũng chẳng chịu được cảm giác phải đợi chờ.

Tôi nghĩ về đám mèo và ông bà nội của tôi ở nhà.

Trong lúc thầy hướng dẫn gọi tên từng học sinh đang tập hợp, thì tôi nghe được tiếng nước bắn tung tóe ở đằng xa. Tôi quay sang nhìn. Tất nhiên, lại là con bé đó. Không bao giờ nó chịu làm theo hướng dẫn – nó luôn tự ý hoặc là bơi hoặc là đi vòng quanh hồ. Những người lớn xung quanh ban đầu cũng đã nỗ lực khiến con bé tập trung, nhưng rồi quyết định để kệ cho nó muốn làm gì thì làm. Chúng tôi đang có thừa làn bơi, nên đây cũng chẳng phải vấn đề to tát. Theo lý thuyết thì là vậy.

Con nhỏ này không bao giờ chịu làm gì một cách nghiêm chỉnh. Nó thậm chí còn chẳng nỗ lực để có thể bơi tốt hơn, chỉ nghịch ngợm xung quanh sao cho thỏa ý mình. Vậy thì ngay từ đầu nó còn đến lớp học bơi để làm gì chứ?

Dù cố có thế nào, tôi cũng không thể ưa nổi con bé này. Nó làm tôi cảm giác bị quấy nhiễu, như một con ong cứ mãi vo ve xung quanh trong khi tôi đang cố tập trung. Nó luôn tươi vui và thờ ơ với tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình, đến mức tôi phải tự hỏi liệu trong đầu óc của con nhỏ này có lấy nổi một suy nghĩ nào đó hay không. Trông con bé có vẻ đang rất vui, nhưng tôi không dám tưởng tượng cảnh mình cũng hành xử tương tự.

Các lớp học bơi của chúng tôi thường kéo dài chừng một tiếng. Chúng tôi khởi động bằng cách đi bộ dưới hồ và rồi chuyển sang tập luyện các động tác kỹ thuật. Tôi không biết về lai lịch của thầy hướng dẫn, nhưng ông ấy đúng là một giáo viên rất cừ. Khi tôi làm theo lời hướng dẫn của ông, thì cảm giác như dòng nước cũng không còn kháng cự mình như trước nữa. Tôi đoán là chúng tôi đang học cách để cắt bớt đi những động tác thừa.

Động tác của những đứa trẻ khác cũng có phần thanh lịch hơn dưới sự chỉ đạo của thầy. Vì việc bơi lội sử dụng toàn bộ cơ thể, nên sự tiến bộ của tôi cũng dễ dàng nhận thấy hơn so với các lớp học khác.

Sau chừng bốn mươi phút đồng hồ tập luyện, mỗi người chúng tôi chọn lấy một làn và chuẩn bị tính thời gian bơi hết chiều dài của hồ sao cho thấp nhất có thể. Thầy hướng dẫn thường sẽ luôn chỉ định chúng tôi thực hiện một kiểu bơi cố định, và hôm nay sẽ là bơi kiểu ếch. Chúng tôi gồm có sáu đứa trẻ cho đúng sáu làn, nên tất cả đều có thể được bơi cùng một lúc. Kể cả cái đứa lúc nào cũng nghịch ngợm xung quanh trong giờ học và không lắng nghe hướng dẫn, hiện tại cũng tham gia.

Tôi không cố ý để chuyện này xảy ra, nhưng hai đứa cuối cùng lại ở hai làn bơi kề nhau. Sau một khoảng dài vận động, giờ tai tôi có chìm trong nước cũng cảm thấy ấm. Con bé kia thì lại chẳng có vẻ gì là mệt mỏi, nhe răng cười với tôi một nụ cười rất đỗi ngây thơ. Tôi thậm chí còn không biết tìm hiểu về khả năng bơi của con bé thì có ý nghĩa gì không. Sau cùng thì, cho đến giờ này nó cũng chỉ toàn là đi nghịch ngợm.

Có thể con bé này cười vì nó nghĩ rằng hai chúng tôi là bạn bè, nhưng điều đó chỉ làm tôi muốn thắng hơn thôi.

Phải nói thật lòng, tôi không nghĩ là mình quá giỏi thể thao. Nhưng, tôi đã tham gia lớp học này với một tâm thế rất nghiêm túc, nên việc để thua một đứa thậm chí còn không thèm cố gắng sẽ biến tôi thành một thứ đáng thương hại.

Nên tôi thật sự sẽ cố gắng bằng toàn bộ sức lực.

Thầy hướng dẫn cầm lấy đồng hồ bấm giờ và miệng ngoặm lấy còi, rồi ra tín hiệu xuất phát. Ông ấy thường thỏi còi cực kỳ đột ngột, nên rất khó để kịp phản ứng ngay. Tôi nhấn mình xuống nước, và vào lúc tôi dậm đà vào bức tường thì hai bên tai cũng điếc đặc. Tôi duỗi người ra, vươn dài hai cánh tay thẳng về phía trước, tưởng tượng rằng mình đang rẽ nước mà xấn tới.

Ở dưới nước, tôi chỉ còn thấy có màu xanh. Mảng trắng duy nhất còn hiện ra là tên của phòng gym được sơn dưới đáy hồ. Tôi đảo mắt nhìn nó trong lúc sử dụng lực trớn còn lại từ cú dậm đà để lao về trước xa nhất có thể. Rồi tôi bắt đầu thực hiện kiểu bơi ếch.

Khi tôi ngẩng mặt lên khỏi mặt hướng, thứ đầu tiên lọt vào tầm mắt tôi là một cái bóng vụt qua, nhanh như một con cá bơi ngang.

Con bé ở làn bơi bên cạnh đã dẫn tôi xa hơn và xa hơn nữa về phía trước chỉ trong nháy mắt. Tôi bị sốc trong chừng một giây, nhưng rồi lúc tôi nhìn thấy cách mà con bé đang bơi thì chỉ còn thấy tức giận. Tôi phun ra một hơi thở đầy bọt nước ra khỏi miệng. Con bé đó đang lội trên mặt trước bằng kiểu bơi trườn trước. Nên mặc dù nó đang bơi rất nhanh, nhưng trong đầu tôi chỉ nghĩ con nhỏ này đang làm cái gì vậy trời?

Những cử động nhanh nhẹn của con bé để lại một đường bọt nước đằng sau. Phần còn lại của chúng tôi băng qua mặt nước cứ như là chỉ đang theo sau con bé. Đây không còn là chuyện thắng hay thua nữa – đây thậm chí còn không được tính là một cuộc đua.

Tôi đang bơi chậm hơn cái con bé chỉ toàn làm theo ý mình, nhưng lại nhanh hơn toàn bộ phần còn lại. Và, khi con bé đó ra khỏi mặt nước, nó ngẩng mặt lên cao và giữ nguyên tư thế đó, vẻ mặt hài lòng. Nó thở dài ra một cái đầy thỏa mãn.

Con bé đó đang vui vẻ nhất trong tổng số sáu đứa trẻ có mặt ở đây. Phải đấy, tự ý làm bất cứ thứ gì mình muốn mà không thèm học tập cho tiến bộ hẳn là vui lắm, nhưng về lâu về dài thì chẳng làm nên cơm cháo gì đâu. Con bé rất nhanh, nhưng lại chẳng đi được về đâu cả.

Tôi buộc phải tin vào điều đó, bằng không, tôi sẽ bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình.

Chúng tôi đi bộ dưới nước thêm một lúc nữa và kết thúc buổi học bằng cách căng cơ. Sau khi bơi hết chừng đó thời gian, tôi cảm thấy bất ngờ với sự nặng nề ở tứ chi khi bước ra khỏi hồ. Cảm giác như, có một bàn tay vô hình nào đó đè lên vai tôi và kéo tôi ngược về sau. Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ là mình đã biết được vì sao lũ cá không chịu bước lên bờ. Ở dưới nước thật sự là thoải mái hơn nhiều.

Có lẽ đó cũng là lý do mà con nhỏ đó đang làm như thế kia, tôi nghĩ và quay về phía sau. Kể cả sau khi giờ học đã kết thúc rồi, thì nó vẫn còn đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước – chỉ nằm đó nhìn lên ánh đèn mờ ảo chiếu xuống từ trên trần nhà, như thể đã quên luôn cách đạp chân. Tôi tự hỏi không biết con bé đó đang nghĩ gì, hai chúng tôi khác nhau nhiều đến mức tôi thậm chí còn không thể đoán.

“Có vẻ như hôm nay em là người nhanh nhất nhỉ, Saeki.”

Cảm giác khá vui khi được thầy hướng dẫn khen như thế, nhưng có một thứ làm tôi hơi khó chịu. “Chỉ hôm nay ạ?” Thầy ấy cố tình nói thế ư? “Nhưng lần trước em cũng là người nhanh nhất mà.”

“Ồ, phải. Đúng vậy.”

Vì lý do nào đó, thầy hướng dẫn hướng mắt về phía hồ bơi, vẻ mặt hơi lo lắng. Tôi nhìn theo cái ánh mắt đang hướng về những đợt sóng nước đang làm nhiễu loạn mặt hồ, và tôi chỉ có thể thấy duy nhất một nguồn quấy nhiễu.

Nhưng chẳng có cách nào mà kiểu bơi ếch có thể nhanh hơn được so với trườn trước. Nó có làm tôi khó chịu một lúc, nhưng đến cuối cùng thì, con bé này coi như không tính.

Ít nhất thì hôm nay, tôi là người nhanh nhất. Đó là tất cả những gì tôi muốn nghe.

Khi đã quyết tâm làm cái gì đó, tôi phải là người giỏi nhất. Đây cũng là tâm thế của tôi trong toàn bộ lớp học khác.

Tôi chưa bao giờ thực sự trải qua cảm giác bị một ai đó vượt mặt.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Mùa hè đã đến, và trời cũng bắt đầu nóng dần lên, nhưng tôi vẫn ngồi yên trong lớp học vào giờ nghỉ trưa. Hầu hết khoảng thời gian sau khi tan trường của tôi đã được lấp đầy bởi các lớp học khác nhau, nên tôi dành phần thời gian có được vào giờ nghỉ trưa để tự học.

Bạn bè xung quanh tôi đã thôi không còn rủ rê tôi làm gì nữa. Tôi cũng không mấy bận tâm. Chơi đùa với bạn bè thì cũng vui, nhưng tự phát triển bản thân cũng có cái vui của riêng nó nữa. Nếu cả hai đều có mức độ vui vẻ là như nhau, thì thứ mà tôi nên chọn đã rất rõ ràng.

Hôm nay, tôi đã ngồi viết đúng một cụm kanji cho tên mình nhiều lần trong quyển vở. “佐伯沙弥香.”

Đó là cách viết tên tôi bằng kanji: Saeki Sayaka. Chúng tôi vẫn chưa học bất kỳ chữ kanji nào trong số đó bởi còn ở tiểu học, nên tôi buộc phải tự mình luyện nó.

Cứ tiếp tục viết tên mình bằng hiragana sẽ rất là trẻ con, và mặc dù tôi đúng là trẻ con, nhưng tôi vẫn không thích cảm giác bị chậm chân.

Khi đã học xong thứ tự từng nét, thì vỡ lẽ ra chữ kanji này cũng không phải là quá khó. Nó giống như một trò chơi đồ theo hình mẫu, nên tôi vẫn chưa cảm nhận được rằng đây là tên của mình. Chữ dễ nhất trong số đó là 伯. Và, phần khó nhất là – cân bằng giữa bộ trên và bộ dưới của chữ 香. Nếu tôi để mất tập trung, thì một bộ sẽ lại được viết quá to[note41598]. Tôi cũng đã quyết định rằng vào lớp học thư pháp sắp tới đây, tôi cũng sẽ tranh thủ luyện cách viết tên mình bằng một cái cọ.

 Tôi tự hỏi ý nghĩa của cái tên của mình là gì[note41597]. Giờ khi đã viết được đường nét của nó, tôi lại tò mò về phần ý nghĩa, thế là tôi lại bắt đầu dò tìm.

Như thế đó, học hỏi một thứ này sẽ dẫn ra một thứ đáng học khác nữa. Tôi đã làm theo cái vòng lặp đó mỗi ngày. Chúng ta sẽ không bao giờ hết thứ để học.

Hôm nay thì tôi có lớp học piano sau giờ tan trường. Do đây là tiết học tại gia, nên sẽ chỉ có một mình tôi. Học đàn piano cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ có thể đọc được nhạc phổ trong tiết âm nhạc ở trường, nên thực lòng mà nói lớp học này có lẽ là có tính thực dụng cao nhất trong tất cả. Tôi không dám chắc là lớp ikebana thì có ý nghĩa gì cho việc học ở trường không.

Song, một ngày nào đó hẳn là nó sẽ có ích. Có lẽ là sau khi tôi đã trở thành một học sinh bậc sơ trung, rồi lên cao trung, và rồi là một người trưởng thành. Tôi đang làm tất cả những gì có thể ở hiện tại để chuẩn bị, cho một tương lai mà tôi sẽ không phải cảm thấy tiếc nuối một điều gì.

Tôi gấp quyển vở lại khi đã xong xuôi với việc luyện viết tên mình, và rồi tôi lại nghe tiếng kêu của đám ve sầu lần nữa, cứ như là chúng chực chờ sẵn để kêu lên vào đúng giây phút này. Tiếng kêu của chúng nghe có vẻ xa xăm hơn khi ở trường, chẳng giống với khi chúng kêu lên trong vườn nhà. Khi tôi lắng nghe kĩ hơn, thì tiếng cười vui của đám nhóc đang chơi dưới sân trường đã lấn át hết đi. Cả những đứa trẻ khác trong lớp học cũng đang rất ồn ào. Tôi là người duy nhất im lặng.

Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đạt được đến tầm vĩ đại chỉ bằng việc học hỏi thật nhiều. Nhưng tôi tin rằng ít nhất thì, mình cũng sẽ dẫn bước đám nhóc còn lại từ một đến hai bước.

Giữa lưng chừng của sự huyên náo kia, tôi tự nhẩm cái tên của mình. Tôi vẫn chỉ có thể tưởng tượng nó ra trong đầu thành một dãy hiragana.[note41599]

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Hôm nay tôi rời khỏi trường trễ hơn mọi ngày, nên đoạn đường về đến nhà tôi buộc lòng phải chạy.

Một ngày hè mà tôi lại cảm thấy da mình ươn ướt như một ngày mưa, tưởng đâu con đường phía sau lưng tôi lúc này là một vệt đồ hôi rơi xuống kéo dài. Trong lúc chạy, tôi nhận thấy hơi thở của mình trở nên ngắt ngãng, và mặt đất dưới chân sao có vẻ cứng hơn mọi ngày.

Khi tôi đang đeo giày ở cửa ra vào để chuẩn bị đi đến lớp học bơi, thì lũ mèo ở nhà bỗng tiến lại gần và cọ đầu bọn chúng vào hai chân tôi, hiếm khi tôi thấy chúng hành xử như thế này. Tôi chẳng thể cứ thế mà rời đi, thế là tôi ở đó vuốt ve chúng đến tận lúc tôi quên luôn cả ý niệm về thời gian. Chúng thật sự quá đáng yêu, và cảm giác này thật là dễ chịu – cho đến khi tôi phải vắt chân lên mà chạy thêm lần nữa. Vào thời điểm mà cơ thể tôi bắt đầu tiết mồ hôi, thì cảm giác thỏa mãn trước đó cũng đã vơi đi một nửa.

Khi đến trước tòa nhà của lớp học bơi thì áo của tôi đang dính cả vào lưng tôi rất khó chịu. Giữa lưng chừng lúc bước lên cầu thang, tôi bỗng đứng yên thôi cử động. Con bé đó đang ở trước cánh cửa để vào trong quầy lễ tân, vai đeo cái balo của nó như mọi lần. Nó đang đứng nghịch mấy cái dù nằm trong hai cái sọt đựng ô dù được đặt ngay bên phải lối ra vào, con bé cứ lấy chúng ta ngoài rồi lại đặt chúng về chỗ cũ.

“Ồ, chào, Saeki-san.”

Tay vẫn còn đang cầm một cái dù màu xanh lá, con bé ngẩng mặt lên nhìn tôi. Tôi quay người về sau và kiểm tra thời tiết thêm lần nữa, rồi quay về phía con bé với vẻ khó hiểu.

“Cậu đang làm cái gì vậy?”

“Tớ chỉ đang thắc mắc sao người ta lại để nhiều dù như thế này ở đây, mặc dù trời thì đang rất nắng.”

“Ờ nhỉ…”

Con bé nói đúng. Phải có đến chừng gần mười cái dù bên trong sọt chứa, với đủ kiểu mẫu mã và màu sắc, và tôi không dám chắc là chúng bị đám con nít bỏ quên hay là của nhà trường để đó làm dự phòng. Con bé đặt cái dù về chỗ cũ, và tiến đến bên cạnh tôi.

“Hôm nay cậu đổ mồ hôi ghê thật đấy. Chẳng lẽ cậu đã chạy đến đây vì sợ trễ học?” – con bé đoán, mắt nhìn vào trán tôi.

“Phải, chuyện là thế đó.”

“Hờ. Wow.”

Rồi con bé dí mặt mình sát vào mặt tôi, rồi lại thu về rồi lại nhìn tôi từ trên xuống dưới. Tôi khó chịu nhìn lại con bé, và đã định lên tiếng thắc mắc trước khi nó mở miệng trả lời luôn, “Chỉ là tớ đang nhớ lại là tớ chưa từng thấy cậu chạy bao giờ cả, Saeki-san, nên là tớ không thể hình dung ra cảnh đó được.”

“Ờ hớ?”

“Với lại, cậu hành xử có hơi giống như con gái nhà giàu vậy.”

Lời con bé nói không hẳn là sai, nhưng việc bị ai đó nói thẳng vào mặt mình như thế này làm tôi hơi khó chịu. Có thể việc bị người khác đánh giá mình dựa trên xuất thân hay môi trường nuôi dạy thay vì nhìn vào những thứ mà tôi đã tự mình đạt được làm tôi cảm thấy phiền lòng.

Con bé đi ngang hàng với tôi cứ như đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi nhíu mắt nhìn nó đến độ có thể coi như là tôi đang lườm. “Cậu cần gì à?”

“Không. Chỉ là tớ nghĩ hai đứa có thể cùng vào trong.”

Nó chỉ tay về phía đằng trước trong lúc cánh cửa tự động từ từ mở ra. Luồng khí lạnh bên trong như một cú tát thẳng vào mặt tôi lúc nó đi xuyên qua hai người.

Như thường lệ, chúng tôi đến đổi tấm thẻ của mình tại quầy lễ tân. Con bé so sánh số in trên chìa khóa của chúng tôi rồi cười. “Hình như tủ đồ của hai đứa ở cạnh nhau này.”

Thay vì đồng tình với nó, tôi chỉ quay lại đi. Hồ bơi nằm bên dưới chúng tôi khi nhìn qua cửa sổ có vẻ hơi xa hơn bình thường.

“Ồ, trông cậu có thể không vui” – con bé nói.

“Không có gì đâu” – tôi trả lời, nhưng mặt con bé hãy còn lo âu.

Hai chúng tôi bắt đầu bước đi cùng nhau mà không nói thêm lời nào, vào thời điểm mà chúng tôi đã ở trong phòng thay đồ thì con bé đã tươi tỉnh trở lại.

“Cậu biết đó, tớ luôn tự hỏi không biết liệu trực giác của tớ có đúng không.”

“Sao cơ?”

“Cậu không thích tớ à?”

Một lần nữa, con bé lại ném vào mặt tôi một câu hỏi khó cứ như đó là chuyện bình thường nhất trên đời. Tôi tưởng đâu cậu phải biết đọc hiểu tình huống và nói khéo về những chuyện như thế này, hay chẳng lẽ việc đó vốn chưa bao giờ là cần thiết?

“Cậu muốn tôi trả lời thật lòng ư?”

Con bé cười méo mó. “Khi cậu nói kiểu đó, thì cũng chẳng khác gì là cậu đã trả lời rồi.”

“Có lẽ là thế.” Đó cũng là lý do tôi nói theo kiểu đó ngay từ đầu mà.

“Wow. Tớ có hơi sốc.” Con bé dập trán lên cửa tủ đồ, vẻ buồn sầu thấy rõ. Nhưng do bình thường lúc nào nó cũng đùa cợt như thế này, nên tôi không hoàn toàn tin là nó đang thật lòng. Tôi tự hỏi liệu nó có biết chuyện đó không.

Chẳng màn gì đến con bé, tôi mở tủ đồ của mình ra, lấy đồ bơi và mũ bơi ra khỏi túi, và lôi cái kính bơi ra.

“Cậu không thích tớ ở điểm nào thế?” – con bé hỏi.

Nó đang không hề thay đồ. Lúc hỏi tôi thì ánh mắt con bé nhìn cũng cứng rắn và sắc bén hơn thường ngày, nên có thể thấy rõ là lần này nó đang thật sự nghiêm túc. Phải đến khi đó tôi mới có cảm giác mình cần tiếp tục nói chuyện với con bé.

“Mà cậu hỏi tôi câu đó để làm gì chứ?”

“Chà, nếu có là cái gì đó tớ có thể sửa chữa được, thì tớ nghĩ mà mình có thể cố.”

Con bé nhe răng ra cười ngượng. Đó lại chính là vấn đề đấy.

“Cái kiểu mà không bao giờ cậu chịu nghiêm túc.”

“Ồồ, ra là vậy.” Nó thôi không cười nữa.

“Nó phiền nhiễu lắm, cậu hiểu chứ? Tất cả mọi người xung quanh đều đang cố gắng làm sao cho thật đúng, còn cậu thì cứ thích chơi đùa.”

Tôi có đang hơi quá thẳng thắn. Ban đầu con bé còn hơi nhùn về sau như bị lời nói của tôi làm tổn thương, nhưng rồi nó cũng bình tĩnh lại, mắt đảo vòng quanh.

“Vậy là vì chuyện đó nhỉ” – con bé bình tĩnh nói.

“Phải đấy.”

“Hừm… Chà, tớ thì chẳng mấy bận tâm về mấy thứ diễn xa xung quanh mình.”

Nếu thật sự nó không quan tâm, vậy thì tại sao bây giờ lại bận tâm chuyện tôi có thích nó hay không chứ?

“Được rồi” – con bé nói nhanh rồi đóng cửa tủ đồ lại.

Tôi không biết có chuyện gì là được, nhưng thôi được, đã thế tôi cũng sẽ thay đồ rồi đi trước.

Trước khi rời khỏi phòng thay đồ, tôi có ngó về phía sau. Con bé đang yên lặng cởi quần áo, miệng khép chặt.

Tôi tiến về phía hồ bơi, tắm sơ qua rồi giãn cơ như thường lệ. Mặc dù tỏ vẻ khó gần, đôi lúc tôi vẫn cứ đảo mắt về phía lối vào từ phòng thay đồ. Tôi có hơi lo cho con bé đó. Chỉ một chút thôi.

Một lúc sau thì nó cũng đến. Sau khi đã tắm xong, con bé bắt đầu giãn cơ, đây là một chuyện rất hiếm thấy. Nó hiếm đến mức mọi người xung quanh nó đều hoảng hốt bao gồm có cả tôi. Nhưng con bé thì cứ tiếp tục giãn cơ như thể chuyện này với nó hoàn toàn bình thường.

Sau đó, khi thầy hướng dẫn ra hiệu lệnh, sáu người chúng tôi tập hợp lại thành một hàng ngang… Gượm đã, sáu người? Năm cặp mắt đồng loạt hướng nhìn về bên phải.

Gạt đi mọi lý lẽ thường tình, con bé thật sự đang làm theo hiệu lệnh. Mọi người như đứng hình, kể cả thầy hướng dẫn. Tôi hơi nghi hoặc, nhưng con bé chỉ đứng đó với một vẻ mặt nghiêm chỉnh.

Ngày hôm đó, nó làm theo hướng dẫn cùng tất cả mọi người. Nó không phàn nàn, không than vãn và chịu nhẫn nhịn giống như tôi thường làm. Tất cả chúng tôi đều ngầm cho rằng đó chỉ là một thứ ngẫu hứng nhất thời, nhưng đến tận giờ phút cuối cùng con bé vẫn chẳng hề lơ đãng một lần nào.

Tôi là người duy nhất ở đây ngờ ngợ được lý do khiến con bé thay đổi thái độ. Tôi như có thể nhìn thấy được một sợi dây, thứ kết nối cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ với tình hình hiện tại. Chẳng lẽ con bé làm toàn bộ chuyện này là vì tôi nói rằng tôi không thích cái cách mà nó thiếu nghiêm túc?

Nhưng tại sao? Tôi tự hỏi, hoàn toàn bối rối trước sự thay đổi quá bất thường. Tôi suy nghĩ về việc phải chăng đến tận giờ phút này, con bé đã luôn thật lòng xem hai chúng tôi là bạn.

Kể cả lúc tôi lặn xuống nước, con bé vẫn nổi lên trong suy nghĩ của tôi như bong bóng nước nổi lên trên mặt hồ.

Khi đã trồi lên trên mặt nước, tôi quay sang nhìn, và quả thật là nó đang ở đây như thể đó là chuyện bình thường nhất trên đời. Và cả khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, nó cũng chẳng nói gì mà chỉ tiếp tục di chuyển như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nếu con bé có thể làm được thế này, thì đáng nhẽ nó đã nên làm thế từ đầu. Tôi tự hỏi bấy lâu nay nó đã nghĩ gì, tôi nghĩ nhiều đến mức hiện tại tôi mới là người nhìn con bé thay vì là nó nhìn tôi.

Nó giữ vững thái độ đó đến tận cuộc đua cuối buổi học. Tôi chắc mẩm rằng hôm nay con bé sẽ chịu bơi cùng kiểu với tôi. Trong trường hợp đó, tôi thật sự không thể để thua vào chính cái ngày mà con bé này quyết định làm mọi thứ một cách nghiêm túc.

Mặc dù đã chắc chắn không để lộ ra ngoài mặt, nhưng sự thật là tôi đang nổi tánh ganh đua. Nhưng mặt khác thì tôi cũng đang cảm thấy e dè.

Theo hiệu lệnh tiếng còi, tôi và con bé dậm chân vào thành hồ cùng một lúc và chìm xuống nước. Kiểu bơi chỉ định cho ngày hôm nay là bơi trườn trước, và khởi đầu của cuộc đua như một bản tái hiện chuẩn xác diễn biến của ngày hôm trước, như đang muốn phác họa trước luôn cái kết của cuộc đua này.

Lần này, khi cả hai đều đang bơi cùng một kiểu và rẽ nước theo cùng một cách, con bé dần dần bỏ xa tôi. Trong nỗ lực để thu hẹp khoảng cách, tôi khua chân một cách đầy hoảng loạn, và con bé lại càng được lợi hơn. Dù tôi có cố vùng vẫy, khuấy động mặt hồ hay vươn hay vai về phía trước như thế nào thì cũng không thể đuổi kịp. Đến cuối cùng, tôi chỉ có thể bất lực nhìn lòng bàn chân của con bé xa dần rồi mất hút.

Điều gì làm chúng tôi chênh lệch nhau như thế này? Tôi bắt đầu tự nghi ngờ khả năng bơi lội của bản thân trong lúc hoàn thành chiều dài hai mươi lăm mét. Trong lúc tôi tạo ra một trào sóng bọt khi xé nước mặt hồ, con bé đang ở đằng đó và theo dõi, cứ như là đang chờ tôi vậy.

“Từ bây giờ tớ sẽ cố gắng nghiêm túc.” Những giọt nước lăn xuống phân tách gương mặt con bé trong lúc nó nhìn tôi.

Tôi cũng nhìn con bé, và cũng không đưa tay để vuốt đi những giọt nước trên mặt mình. Tôi có thể cảm thấy một hơi ấm dần hiện lên trên hai má, cùng với một cảm giác gần giống như là nhục nhã. Tôi đã luôn nghĩ rằng miễn là tôi nghiêm túc, thì sẽ không bao giờ tôi có thể thua. Nhưng giờ thì tôi đã thua rồi. Từ giờ tôi phải làm gì đây?

“Nên nếu mà tớ làm được, thì… ừm… Cậu sẽ làm bạn tớ chứ?” Đây là lần đầu tiên tôi nghe con bé nói bằng một giọng the thẽ, cứ như là nó đang bộc lộ ra một phần yếu đuối của mình.

Tại sao con bé này lại muốn làm bạn với tôi đến thế chứ? Hai chúng tôi chỉ gặp nhau một tiếng vào mỗi tuần, và chúng tôi có lẽ cũng chẳng hề có điểm chung nào. Nhưng nếu như nó thôi không còn đùa giỡn, thì có lẽ tôi cũng chẳng còn lý do gì để mà ghét bỏ.

Song, chẳng hiểu vì sao, một phần trong tôi vẫn phản đối chuyện này. Một phần nào đó sâu thẳm bên trong, sâu như những trầm tích dưới đáy lòng sông.

“Được thôi.”

Tôi gạt sự chần chừ đó đi và nhận lời. Để đáp lại lời tôi, thì người-bạn-gặp-một-lần-vào-mỗi-tuần mà tôi vừa chấp nhận trao cho tôi một nụ cười nhẹ nhõm.

Đó là một nụ cười nhẹ nhàng, tựa mặt nước hồ bơi khi hãy còn chưa bị ai quấy nhiễu.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Chủ Nhật là ngày duy nhất mà tôi không có lớp học nào. Nhưng điều đó lại chỉ có nghĩa là thời điểm hiện tại thì chưa có lớp học nào dạy vào ngày này, và tôi sẽ chẳng hề bất ngờ nếu lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ thêm vào một cái gì đó mới. Sau khi đã làm xong bài tập, tôi bỗng nghe thấy tiếng moew ngoài hành lang, thế là tôi rời khỏi phòng mình.

Con mèo đồi mồi đang đi vòng quanh dãy hàng lang, và dù muốn dù không thì tôi cũng đang bị cái đuôi ngoe nguẩy của nó hớp mất linh hồn. Song, cái con mèo nhạy cảm ấy quay ngoắc lại khi nhận thấy tôi đang tiến lại gần nó. “Xin chào” – tôi gọi, dùng cả hai tay mà vẫy mà gọi nó lại gần. Nó ngẩng mặt lên nhìn tôi nhưng rồi lại quay ngoắc đi theo lần nữa.

Tôi đuổi theo nó. Mặc dù biết là mình có thể sẽ bị phạt vì chạy ngoài hành lang, nhưng lúc này có lẽ tôi hơi đang quá quấn khích vì cảm giác được trả tự do sau khi hoàn toàn xong đống bài tập. Thế rồi con mèo cua ra khỏi hàng lang và lòn qua một cái lỗ dẫn ra vườn. Nhà tôi không thật sự có quá nhiều khoảng trống, nhưng lũ mèo lại tìm ra được khá nhiều lối tắt.

Mang dép vào chân và tiến ra bên ngoài để đuổi theo, tôi nhìn thấy nó ngay. Hoặc ít nhất tôi đã tin là thế.

“Hở?”

Nhìn lại lần nữa, tôi mới nhận ra đây là con mèo còn lại, tức con mèo đốm. Và rồi con này thì cũng chạy thật nhanh qua vườn, cứ như vào một thời điểm nào đó nó đã đổi chỗ với con đồi mồi. Tôi cũng chẳng bận tâm. Và, vào lúc mà tôi cắm mặt đuổi theo bất kỳ thứ gì chuyển động, tôi bỗng thấy mình cũng như một con mèo.

Trong lúc lướt vụt qua từng cái cây để đuổi theo, tôi nhìn thấy bà nội đang một mình chăm sóc khu vườn. Khi bà nhận thấy con mèo thì bà cũng cuối xuống và mở rộng vòng tay, mời gọi con mèo đốm nhảy vào lòng mình. Thấy thế, nó bình thản tiến lại gần và chui vào hai cánh tay của bà đầy khoái lạc. Bà tôi đứng thẳng dậy với con mèo vẫn đang bồng trên tay, và hướng ánh mắt xuống nhìn tôi.

Trong mắt tôi bà nội khá cao, mặc dù lý do có lẽ nằm ở chỗ bà luôn luôn đứng rất thẳng. Ánh mắt bà hiện ra sắt bén, như không muốn để lộ ra cho ai thấy bất kỳ yếu điểm nào.

“Có vẻ như con bé này đã bắt đầu thích con” – bà nhận xét.

“Nhưng nó thấy con thì chạy mà.”

“Bà đang nói với con mèo.”

Mặc dù đã già, giọng nói của bà vẫn luôn vang lên rất to và rõ.

Song bà ấy đã nói không sai. Cho đến khi bọn chúng dọn đến sống cùng gia đình chúng tôi, thì tôi vốn không thật sự có hứng thú với mèo. Nhưng, đến khi ở gần chúng cũng như quan sát chúng, cảm giác của tôi đã thay đổi. Khi tôi chìa tay ra thì lũ mèo sẽ bỏ đi mặc dù mới một giây trước đó nó còn đang chơi với tôi. Có vẻ mèo thật sự là loài vật dễ thay lòng.

“Con không phải đi học à?”

“Không ạ. Hôm nay thì không.”

“Chà, lạ nhỉ” – bà nội nói. Con mèo đang nằm yên trên tay bà nhìn tôi trân trối. Tôi cũng đứng yên tại chỗ và nhìn lại nó.

Kể cả có đứng trong bóng râm, thì ở ngoài trời như thế này kiểu gì cũng không thể gọi là mát mẻ. Tiếng kêu của đám ve sầu rơi xuống từ những ngọn cây như những hạt mưa. Dẫu tiếng của chúng thật ồn, và thính giác của bà vẫn chưa hoàn toàn biến mất, nhưng cảm giác như bà chẳng hề nhận thấy. Thứ ánh sáng vàng xanh phát ra từ những cành cây phản chiếu qua đôi mắt bà.

“Con không định đi ra ngoài chơi với bạn à?”

“Dạ không, con mãi bận làm bài tập nên cũng không lên kế hoạch gì.”

“Con ngoan ngoãn quá mức đấy, cháu à.” Miệng bà nội thả lỏng hơn một chút. Nhìn tổng thể, hành động đó làm tăng lên số nếp nhăn trên mặt bà. “Chẳng trách sao hai đứa nó cứ hay đi vòng quanh khoe con gái cưng của mình với mọi người.”

“Ai cơ ạ?”

“Bố và mẹ của con.”

Khi bà nói từ mẹ bà nâng chân trái của con mèo lên cao, và khi bà nói bố thì bà nâng bên phải. Con mèo kêu lên khó chịu khi bị đem ra làm đạo cụ.

“Con chưa bao giờ nghe họ nói thế cả.”

“Chà, nếu nói thẳng với cháu chẳng phải sẽ rất ngượng ngùng sao?”

Giọng bà nghe có vẻ vô tư. Tôi đã định phản đối lại nhưng rồi lại tưởng tượng thử cảm giác sẽ ra sao nếu có người nói như thế về mình. Tôi cũng tưởng tượng luôn cảm giác sẽ ra sao khi nói thế với một ai đó khác. Nếu như tôi nói với đám con nít trong lớp tôi rằng, “Cậu là người bạn tuyệt vời nhất mà một người có thể có được,” Tôi khá chắc rằng chuyện đó sẽ gây một cảm giác ngượng ngùng kinh khủng cho tất cả những người có liên quan.

“Chắc là bà nói đúng.”

“Con hiểu chuyện nhanh đấy” – bà nội lẩm bẩm gì đó rất nhỏ nhẹ, và thế là nó bị tiếng kêu to như tiếng thác kia lấn ác đi, làm tôi chẳng thể nghe thấy được. “Nhưng hiểu chuyện càng nhanh, con người ta sẽ càng trở nên nhút nhát.”

 Tôi không dám chắc là bà đang ám chỉ đến ai.

Ông bà nội chăm sóc cho tôi vào những ngày trong tuần, hệt như cái cách mà họ trong nom hai con mèo của mình. Ông nội tôi thì mềm mỏng, còn bà nội tôi thì sắc bén, hoặc ít nhất đó là hình tượng hiện ra trong bộ não trẻ con. Song, sự sắc bén đó của bà nội không phải là để đối với những người xung quanh bà. Đúng hơn, cảm giác như bà đã cần phải trở nên nhỏ nhắn và góc cạnh hơn để có thể tự bảo vệ mình. Và với tôi, bà đúng là hình tượng mà một người trưởng thành cần hướng đến.

“Con không định đi chơi với bạn bè à?”

“Bà đã hỏi con câu đó rồi đấy.”

“Kể cả khi con không đến chơi với bạn, thì vẫn luôn có thể dẫn chúng về đây… Nhưng sau cùng thì con cũng chẳng dẫn bạn bè đến. Chuyện đó hơi đáng quan ngại đó, không phải sao?” – bà tôi nói thêm với con mèo.

Con mèo hướng mắt nhìn về đâu đó giữa những lùm cây, chẳng mảy may quan tâm về cuộc chuyện trò. Chắc là nó hướng mắt nhìn về những con ve sầu đôi lần vẫy cánh bên trong vườn. Con mèo cũng có cả bạn bè ư?

Không phải là tôi không có bạn. Hẳn là bà nội đang lo rằng việc tôi không đi chơi với bè bạn không phù hợp với danh nghĩa tôi là một đứa trẻ con. Nhưng điều đó lại chỉ có nghĩa là tôi sẽ trở thành người lớn nhanh hơn, và tất nhiên chuyện đó với tôi không hề là xấu.

“Con bận với các lớp học sau giờ tan trường.”

Bên cạnh đó, mặc dù không mấy thân thiết với bất kỳ ai ở trường, tôi vẫn có bạn ở các lớp học thêm. Người bạn gần đây nhất của tôi trồi lên trong đầu cùng với một tràn bọt nước, làm tôi thấy khó chịu.

“Bà biết bà là người giới thiệu mấy lớp học đó cho con, nhưng mà… đối với con chúng vui đến vậy sao?”

Bà ném cho tôi một cái nhìn đầy nghi hoặc. Tôi suy nghĩ một hồi rồi trả lời, “Dạ vâng. Khi cháu học được nhiều thứ thì mọi thứ cũng trở nên dễ hiểu hơn, và cháu cảm thấy mình như đã trưởng thành.”

“Hừm. Hừ-hừm.” Bà nội hít vào một hơi bình thản. Rồi bà chỉ gật đầu rồi khen tôi một cách bâng quơ. “Chà, ấn tượng thật nhỉ. Bà thì không phải là kiểu người hay gắn bó với việc gì, con biết đó.”

“Hở?”

“Ồ, ra là ở đây.” Ông nội tôi vừa tìm thấy hai người. Giống bà nội, ông cũng đang bồng một con mèo ở trên tay trong lúc bước lại gần. “Cái cậu này đúng thật là nghịch ngợm. Đuổi theo thôi mà tôi cũng đã thấy như chạy bằng sức cả năm trời.”

Ông nội đang thở hổn hển. Con mèo đồi mồi mà ông giữ trên tay có vẻ chẳng bận tâm điều gì cho đến khi nhìn thấy tôi và rồi làm mặt như đang cười.

“Ông đang làm cái gì vậy hả?”

“Tôi không nhịn được…”

Khi bà nội tôi nói vẻ lạnh lùng, ông nội tôi phá lên cười. Thật sự thì họ là hai người duy nhất chăm sóc lũ mèo. Người giúp việc thì chăm sóc ngôi nhà và người trong gia đình, nhưng lại nói rằng chăm sóc mèo không nằm trong mô tả công việc. Song, đã đôi lần tôi trông thấy bà ấy chuẩn bị thức ăn cho mèo. Và đó chắc cũng không phải xuất phát từ lý do công việc.

Ông nội cởi cái mũ trắng trên đầu mình và đội nó cho tôi. “Cháu đi ra ngoài trời thì phải đội mũ chứ.”

Tôi chạm nhẹ vào cái mũ và ngước lên nhìn ông. Ông cũng ngước xuống nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn, và con mèo cũng thế. “Kể cả khi cháu chỉ ra ngoài một chút đi chẳng nữa. Chẳng cần biết là ngoài đường hay là ở trong sân – cái nắng bên ngoài sẽ đều như nhau cả.”

“Dạ, rõ…” – tôi lầm bầm. Vào những lúc thế này, tôi thường cố tỏ ra lịch sự. Có thể là tôi đang cố tỏ ra già dặn hơn bằng cách cư xử thật khiêm tốn.

“Vậy, hai bà cháu đang nói chuyện gì thế?” – ông nội hỏi, cứ như muốn hai người chúng tôi cho ông tham gia cùng. Tôi và bà nội đưa mắt nhìn nhau rồi cả hai đều cười nhẹ.

“Chỉ đang nói về cô cháu gái tuyệt vời này của chúng ta thôi” – bà nội trả lời.

“Sao? Nhưng lúc nào bà cũng nói chuyện đó rồi mà.” Ông nội thở dài thỏa mãn. Trong lúc ông lắc lư phần dưới con mèo qua lại, thì nó có vẻ đang nhăn nhó lại vì sức nóng.

Cái cách mà họ nói tốt về tôi một cách quá công khai làm tôi không thể xấu hổ hơn

Tất cả những gì tôi làm được là nhìn thẳng xuống mặt đất dưới chân và cảm thấy có chút tự hào.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Thứ Hai là ikebana. Thứ Ba là lớp thư pháp. Rồi đến thứ Tư sẽ là bơi lội.

Hôm nay khi tôi tiến vào trong tòa nhà thì thấy con bé đang tựa sát vào mặt kính, mắt nhìn xuống hồ bơi. Mái tóc đen nhánh của nó đong đưa ra phía sau như rong biển. Tôi đã định mặc kệ nó, nhưng rồi con bé lập tức quay sang.

“Ồ, Saeki-san bạn thân của tớ đây rồi!”

“Cậu thật sự phải gọi tôi như thế à?”

Liếc mắt nhìn sang, tôi có thể thấy được cô nhân viên quầy tiếp tân đang cười khúc khích. Tôi cảm thấy hơi xấu hổ. “Đừng có nói mấy thứ kiểu đó to vậy chứ.”

“Nhưng nếu nói nhỏ quá thì có thể cậu không nghe thấy!”

Làm như là tôi muốn nghe ấy. Nó vui vẻ chạy đến chỗ tôi, miệng cười to như thể chẳng màng gì đến sự đời. “Chỉ là tớ có hơi phấn khích thôi.”

“Cậu không còn bạn bè nào khác sau?”

“Ờ, tớ có bạn ở trường chứ. Nhưng, không biết sao, tớ thấy vui vì được làm bạn cậu, Saeki-san.”

“Ừm…”

Tôi nhớ đến cuộc nói chuyện của tôi với bà một vài ngày trước. Cảm giác có ai đó nói thẳng vào mặt mình những lời như thế thật sự rất xấu hổ – tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Không giống như người lớn, con bé này chẳng thèm giữ ý gì cả.

Trong lúc chúng tôi đi ngang qua cái máy bán hàng tự động thì con bé quay sang nhìn nó. Tôi nhận ra rồi quay ra sau nhìn cái máy vẫn đang rung rinh và lấp lánh như bình thường.

“Chắc là để sau đi. Quan trọng hơn, có vẻ là cậu có rất nhiều bạn, Saeki-san.”

“Sau cậu lại nghĩ thế?”

“Bởi vì cậu dễ thương mà.”

Con bé nói ra mặt không biến sắc, còn tôi thì suýt nữa đã theo phản xạ quay đi. Cảm giác như toàn bộ lượng khí trong phổi tôi đang xông thẳng lên đầu. Tôi cố gắng xả chúng ra mà không làm rồ lên bằng cách từ từ thở ra từng chút một.

“Thật sự thì tôi rất tệ ở khoảng kết giao.”

Gọi một ai đó là bạn thì rất dễ, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ đối xử với tất cả bạn bè của mình một cách công bằng. Một số người sẽ có những người bạn rất thân, nhưng đồng thời cũng có chừng số đó những người chẳng thể gọi gì hơn ngoài người quen.

Toàn bộ bạn bè của tôi chắc là nằm ở vế sau cùng.

“Thật á?” – cậu ta lẩm bẩm xong lại nở miệng cười, như vừa ra một ý gì hay ho lắm. “Vậy cậu hãy sửa chữa những mặt xấu của mình thôi.”

“Cho dù là chúng có xấu tôi cũng thấy không phiền.”

Tôi đang tiếp thu những kiến thức mà bạn bè không thể dạy mà chỉ có thể học qua sách vở và người lớn xung quanh. Chuyện đó với tôi đáng giá hơn nhiều. Tôi không có đủ thời gian cho cả hai.

“Hửm?” Con bé nghiêng đầu như thể chẳng thể hiểu nổi một cái gì. “Tất cả những thứ cậu nói đều nghe có vẻ thông thái thật.”

“Ừm.” Tôi muốn trở thành một người thông minh nói toàn chuyện thông thái, nên không sao cả.

“Chắc là điểm số trong trường của cậu cao lắm nhỉ?”

Con bé đổi chủ đề gần như là ngay lập tức. Mà khoan, tôi nghĩ chủ để vẫn là đang nói về tôi thôi. Có vẻ như nó muốn hiểu về tôi hơn, nhưng tôi không hiểu tại sao. Bởi vì hai chúng tôi là bạn? Nhưng như thế lại giống như sinh con rồi mới sinh cha.

“Tôi nghĩ là mình học khá ổn.”

Tôi không biết trả lời “phải, đương nhiên” thì có nghe chấp nhận được không, nên tôi quyết định nói một câu mơ hồ. Kể cả khi chúng tôi mở cửa phòng thay đồ và bước vào trong thì con bé vẫn chưa chịu im lặng. Ánh đèn bên trong phòng thay đồ với tôi có hơi quá sáng làm tôi nheo mắt lại.

“Tớ khá ngưỡng mộ những người thông minh đó, bởi tớ khá là ngu.”

Một lời tự giới thiệu bản thân không thể tệ hại hơn được nữa. Tôi mở tủ đồ của mình ra. Cái của con bé thì nằm cách bốn ô, tạo một khoảng cách kỳ lạ giữa tôi và nó.

Có lẽ tôi nên nghĩ ra câu gì đó để trả lời chăng? Tôi vừa mặc bộ đồ bơi vào vừa lưỡng lự. Cuối cùng tôi quyết định sẽ thử nói gì đó, thế là tôi mở miệng.

“Nếu cậu cố gắng hết sức, thì điểm số sẽ tự động tốt lên thôi.”

“Cậu nghĩ vậy à?” Con bé nhíu mũi lại. Rồi bỗng dưng nó nhìn lên trên. “Khoan, có khi nào tớ cũng chỉ cần nghiêm túc hơn không nhỉ?”

“Có thể lắm” – tôi đồng tình, và cảm thấy lo sợ cho tương lai của con nhỏ này.

Tôi đã thay đồ xong trước con bé, bởi suốt buổi nó chỉ toàn lo tám chuyện. Con bé ngừng sửa soạn và nhìn thẳng vào tôi. Khi hai mắt chúng tôi chạm nhau,  nó xấu hổ và quay mặt về lại tủ đồ mình. Tôi lại có cảm giác déjà vu.

Tôi tự hỏi chuyện vừa rồi là thế nào…

Cái kiểu con bé cứ lâu lâu lại nhìn tôi có hơi bí ẩn, đó là suy nghĩ của tôi trong lúc chuẩn bị đi xuống hồ bơi.

“Khoan, đợi với.”

“Đợi cậu làm gì trong khi hồ bơi thì ở ngay kia?”

“Ừm, hợp lý, nhưng cứ đợi đi.”

Rồi con bé như đánh nhau với cái áo đang dính chặt vào lưng nó vì mồ hôi. Tôi không có lý do gì để đợi nó cả, nên là tôi đi trước.

“Đợi tớớớớ, bạn hiềnnnn!”

Giờ thì tôi thật sự không có lý do gì để đợi nó cả.

Khi ra đến hồ bơi thì cái hơi ẩm xung quanh cũng bao trùm lấy làn da của tôi ngay lập tức. Đến gần hồ bơi thì cảm giác oi bức lại càng rõ nét hơn mặc cho điều hòa vẫn còn đang chạy. Tôi bước đến bên cạnh hồ bơi và hướng mắt nhìn lên khung cửa sổ kính trên đầu.

Ánh mắt tôi ngừng lại tại điểm mà con bé đã tựa người vào trước đó không lâu. Tôi tự hỏi lúc đó con bé đang hướng xuống nhìn cái gì. Thứ duy nhất đang bơi lội trong hồ bây giờ chỉ là những cơn sóng gợn. [note41828]

Con bé xuống vào ngay lúc tôi đang tắm sơ qua và rồi nó cứ như đang bay lượn vòng quanh trong lúc chuẩn bị. Tôi biết tôi nói ra điều này có hơi lạ, nhưng con bé đang cứ như một đứa trẻ, hoặc ít nhất là đang sung sức lạ thường. Tôi nghĩ chắc là tâm trạng của nó đang rất tốt.

Trong lúc tôi vừa đội mũ bơi lên vừa theo dõi con bé, thì một trong những giáo viên hướng dẫn đến gần tôi và gọi nhỏ, mắt thầy nhìn con bé tò mò. “Trò Saeki này, em đã nói gì đó với bạn ấy à?” Hẳn là ông ấy đang đề cập đến việc hiện tại con bé đã chịu vâng lời.

“Dạ không, không hẳn…” - tôi nói ra một lời nói dối vô hại [note41829]. Tôi thật sự không ngờ rằng lời nói của mình lại có sức nặng đến thế. “Em tưởng là do thầy đã cảnh cáo bạn ấy hay sao đó, sensei” – tôi nói thêm. Mặc dù tôi không hề tưởng thế, những  nghĩ lại thì lời giải thích đó lại hợp lý hơn.

Thầy hướng dẫn trả lời tôi thật lòng, “Không, không phải do thầy.”

Tôi có hơi sửng sốt. “Nhưng dẫu sao chuyện này cũng tốt mà nhỉ?”

“Phải… chỉ là thầy không thể dạy cho con bé trình độ trung cấp được.”

“Hở?”

“Bởi động tác của con bé vốn đã hoàn hảo rồi.” Thầy hướng dẫn gãi đầu như bối rối không biết nên làm gì. Sau đó thầy nhìn tôi một cái rồi cười, “À, nhưng tất nhiên là đám con nít chịu nghe lời thầy thì tốt hơn rồi.”

“Thế ạ…” Thầy ấy đã cố giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi nghĩ hành động đó chứng tỏ thầy ấy là một người lớn tốt.

Động tác của con bé rất hoàn hảo. Đó là những lời nói tốt đẹp mà tôi đã từng nghe qua trong các lớp khác nhưng chưa bao giờ là lớp học bơi. Chuyện này có lẽ không còn liên quan đến việc tôi có phù hợp với việc bơi lội hay không, mà là việc vốn đã có một người khác tốt hơn tôi ngay từ đầu.

Trong lúc được hướng dẫn, tôi đã thử dõi mắt nhìn theo con bé. Mỗi lần nó bắt đầu bơi thì tôi cũng lặn xuống nước và nhìn theo qua cặp kính. Tôi nghĩ là nhìn tôi hiện tại trông rất đáng ngờ. Tôi cũng quan sát nó khi chúng tôi bơi bên cạnh nhau và vượt qua nhau. Nó luôn vượt mặt tôi và để lại đằng sau là bọt nước.

Nhưng kể cả sau khi đã quan sát con bé suốt buổi, tôi vẫn không thể nhận thấy được điều gì trong động tác của nó là hoàn hảo. Chỉ đơn giản là tay chân con bé cử động rất nhanh lẹ. Như con bé không hề gặp khó khăn gì trong lúc kẽ xuyên qua dòng nước, vai con bé chỉ xoay một cách tự nhiên rồi đẩy nó về phía trước. Có lẽ vấn đề nằm ở việc con bé không bao giờ bị dao động.

Bởi do tôi tập trung quan sát con bé, ánh mắt chúng tôi chạm nhau rất nhiều lần. Chuyện đó cũng đồng nghĩa là nó cũng có nhìn tôi nữa, và mỗi lần như thế nó sẽ lại cười và vẫy tay. Còn tôi thì chẳng biết phải đáp lại như thế nào.

“………”

Ngâm mình dưới lòng vòng chìm cả hai vai, tôi đưa tay trái đến gần người tôi như là đang nâng niu nó. Tôi có thể cảm nhận được khoảng cách giữa hai chúng tôi – và càng ngày thì nó lại càng xa. Tôi phải đầu tư bao nhiêu công sức đây để có thể vượt qua được tài năng của con bé?

Tôi còn có quá nhiều lớp học khác nữa. Thời gian mà tồi có thể dành ra cho chuyện này là có giới hạn. Tôi không dám chắc là mình có thể vượt qua nổi nó, và giả dụ là có thể đi chăng nữa, vẫn còn đó khả năng tôi là tôi sẽ chỉ ở sau một người khác nữa. Nếu tôi cứ phải lặp lại chuyện đó mãi thì…

Có lẽ ngay từ đầu đã chưa hề có chuyện gì là chắc chắn.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

“Saeki-san này, cậu có muốn uống gì đó không?”

Ngay sau khi tôi rời khỏi phòng thay đồ thì con bé chạy đến bên cạnh tôi như vừa hối hả đuổi theo.

“Khoan đã. Áo của cậu…”

Phần dưới của áo con bé đã bị cuộn lên, để hở ra phần bụng phải. Rõ ràng là nó đã hối hả chạy theo. Tôi thở dài rồi với tay ra sửa lại cái áo cho chỉnh tề. Con bé cũng phẩy cho phần tóc ướt ra khỏi cổ.

“Thế nhé? Đi nào.” Con bé quay người lại vòng ra phía trước tôi rồi chỉ tay vào cái máy bán hàng tự động ở hành lang.

“Uống gì đó ư?” – tôi hỏi lại.

“Cậu thích uống cái nào?” Con bé lơ luôn câu hỏi của tôi mà chuyển sang câu kế tiếp.

“Thôi được rồi… mà vốn tôi cũng không có mang theo tiền.”

Thế rồi con bé ưỡn ngực ra như thể đã đoán trước tình huống này. Nó vỗ nhẹ vào cái máy cứ như muốn nói là cứ để cho nó lo liệu.

“Tớ sẽ trả cho.” Không hiểu sao trông con bé có vẻ khá tự hào cứ như đang chắc mẩm rằng mình vừa làm tôi ấn tượng. Mắt của nó sáng rực lên chói mắt hơn cả đèn từ cái máy bán hàng tự động.

Tôi chấp nhận thử thách này, và sẽ dùng chính cái balo của con bé để chống lại nó. “Cậu không được phép mang tiền đến trường đâu.”

“Không được á?” Con bé trừng mắt lên như thể đây là lần đầu tiên nghe thấy một thứ như thế này. Tôi thì đến giờ vẫn luôn cho rằng đó là luật, và mặc dù tôi nhớ là đã được ai đó nói tận tai, nhưng có lẽ là tôi đã sai. “Kệ đi, không sao đâu” – con bé buông lời dỗ ngọt, vỗ vỗ vào vai tôi như là thân mật.

Khi nó cử động thì có một giọt nước đã bay khỏi phần tóc mái của nó trúng vào mặt tôi. Giờ thì tôi có hơi khó chịu rồi đấy. “Thôi khỏi, cảm ơn.”

“Sao dạ?”

“Tôi không cần cậu mời tôi.”

Tôi không muốn bị nợ nần gì con nhỏ này, nói rộng ra là nợ bất kỳ ai. Hơn nữa, nếu chúng tôi cứ tiếp tục làm cho nhau những thứ nhỏ nhặt thế này, thì có khả năng là chúng tôi sẽ thật sự trở nên thân thiết.

“Được thôi, ừm, vậy thì tớ sẽ tự mua cái gì đó cho mình, và cậu có thể uống một chút.”

Con bé tóm lấy tay áo không cho tôi rời đi. Tôi không biết phải hiểu hành động này như thế nào, nên tôi chỉ còn biết đứng yên tại chỗ. “Một chút?”

“Ừm, hoặc nhiều chút nếu cậu muốn.”

Đó không phải là vấn đề.

Tôi nhìn con bé. Cái cảm xúc đang hiện hữu trên mặt của nó là bấu víu và van nài… Hiểu đơn giản là nó đang nhìn tôi bằng cặp mắt cún con. Ước sao lũ mèo cũng đối xử với tôi như thế này.

Tôi nghe thấy giọng nói của bà tôi văng vẳng trong đầu… Đượcrồi, bạn bè. Tôi thở dài một hơi rồi ngồi xuống cái băng ghế đặt cạnh cái máy bán hàng tự động. Nhận ra rằng đây là cách mà tôi trả lời, nó cười lên thật tươi.

“Cậu uống nước có ga được chứ?”

“Được.”

Con bé ấn một cái nút. Tôi nhìn qua thì thấy cái nút nó vừa ấn nằm bên dưới một cái hộp giấy màu đỏ.

“Chẳng phải cái đó là nước ép táo sao?”

“Chuẩn.”

“Vậy sao cậu còn hỏi tôi nước ngọt có ga?”

“Tớ chỉ tò mò thôi.” Con bé ngồi xuống bên cạnh tôi. Nó cắm ống hút vào hộp rồi uống một ngụm trước khi đưa sang. “Của cậu đây.”

“Cảm ơn nhé…” Tôi lưỡng lự. Đây là lần đầu tiên tôi làm chuyện như thế này với người không phải gia đình.

Cái hộp giấy màu đỏ tôi cầm trên tay dẫu lạnh nhưng cảm giác lại dễ chịu. Trên cái ống hút có vài đường sọc màu xanh. Tôi quay sang nhìn con bé rồi nó cũng nhìn tôi một cách kỳ quặc, thế rồi tôi đặt cái ống hút lên môi mình. Tức thì, một hương vị ngọt chua tuôn tràn khắp miệng. Tôi thật sự cảm thấy rất khát sau khi ra khỏi hồ bơi, nên cái vị ngọt quá độ này lại thành ra dễ chịu đến bất ngờ. Song, tôi vẫn cẩn thận không uống quá nhiều.

Trong lúc trả lại cái hộp giấy cho con bé thì một suy nghĩ vụt qua trong đầu, nên tôi cũng nhân tiện hỏi. “Cậu đã bơi lội được lâu chưa?”

“Hửm?”

“Bởi trông cậu có vẻ bơi rất khá.”

Mặc dù đến mãi về sau thì cậu mới học được cách vâng lời.

Nó nhận lại cái hộp nước ép và trả lời, “Tớ tới lui nơi này được gần một năm rồi. Đơn giản là tớ thích cảm giác ở dưới nước thôi.” Cả mắt và miệng con bé căng ra thành một nụ cười. Mái tóc bị ướt làm nó có thêm một chút cảm giác bóng bẩy kết hợp với làn da rám nắng của con bé tạo ra một hình ảnh rất hài hòa.

“Gần đây thì tớ còn thấy thích cảm giác đó hơn nữa.” Con bé dựa vào bức tường sau băng ghế và hướng mắt nhìn lên, rồi nó hít một hơi thật sâu rồi lại thở ra.

“Thế à?”

“Uống thêm chút không?”

Tôi nhận lấy hộp nước ép, uống thêm một chút, rồi trả lại. Cái cảm giác lạnh trôi dần dần xuống cổ, và khi hít lấy một hơi thì tôi cũng cảm thấy mình đã bình tĩnh hơn một chút.

“Cậu sống gần đây chứ, Saeki-san?”

“Khoảng chừng mười lăm phút đi bộ.”

“Chà, khá là gần đó chứ. Tớ cá nhà cậu cũng to nữa.”

Tôi không hiểu được hai chuyện đó thì liên quan với nhau ở điểm nào, song lời con bé nói không hẳn là sai. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt dò hỏi rằng tại sao nó lại có suy nghĩ đó.

“Bởi nhìn cậu có vẻ hơi giống gái nhà giàu.”

“Thật á…?” Tôi muốn hỏi điều gì khiến con bé nghĩ vậy. Nhưng rồi tôi nhớ về cánh cổng nhà mình và dù ít dù nhiều thì con bé đã nói đúng. Một nguyên nhân nữa, là dựa theo những gì mà tôi rút ra được từ những cuộc nói chuyện với bạn bè, thì việc trong nhà có người giúp việc không hề phổ biến.

“Cậu có bao giờ đến quán ăn gia đình chưa?”

“Cậu đang trêu tôi đấy à…?” Tôi hành xử như mình vừa bị xúc phạm, nhưng sự thật thì tôi chưa từng. Gia đình tôi chưa bao giờ dẫn tôi đến đó, và chuyện chỉ có thế. Tất nhiên là tôi vẫn từng nhìnthấy chúng rồi.

“Kỳ nghỉ hè sắp đến rồi. Có kế hoạch gì chưa?”

Giờ con bé thậm chí còn chẳng thèm uống hộp nước ép của mình nữa mà chỉ tập trung nói chuyện. Biểu cảm trên gương mặt của nó thay đổi theo từng khoảnh khắc một.

“Các lớp học và bài tập về nhà.”

“Nhưng chẳng đó là mọi thứ cậu vẫn thường làm sao?”

“Nè, cậu có còn định uống nước hay không vậy?”

Con bé hướng mắt nhìn xuống cái hộp giấy đang cầm trên tay, dần dần nâng nó lên miệng. Nhưng rồi có vẻ như nó đã đổi ý và hạ xuống.

“Cậu uống thêm không?”

“Cứ uống đi” – tôi bảo. Sau cùng thì vốn là của nó tự mua cho mình mà. Nhưng vì lý do nào đó, ánh mắt của con bé lại đảo vòng quanh như là đang lo lắng.

 “Ờ, phải ha” – nó trả lời tôi mơ hồ. Con bé dùng ngón tay mình đảo cái hộp tới lui, qua trái rồi lại qua phải. “Nhưng một khi mà tớ uống hết thì… chà, cậu cũng biết mà, nhỉ?”

“Biết gì cơ?” Tôi không hiểu những lời nó đang nói, cũng như lý do khiến nó chần chừ.

Con bé phũng phịu vẻ hơi buồn. “Khi mà tớ uống hết ấy, thì có lẽ là cậu sẽ bỏ về nhà.”

“Phải, tất nhiên là tôi sẽ về.”

Thế rồi con bé đưa mặt mình tiến sát gần mặt tôi. Mũi tôi bắt được mùi của clorua vôi ngay lập tức.

“Đây là lúc duy nhất mà tớ có thể gặp cậu, cho nên tớ muốn nói về thật nhiều thứ.”

Tôi có thể thấy được cái lưỡi màu đỏ của con bé đang chuyển động, một màu tương phản rõ rệt với làn da cháy nắng của nó. Con bé chỉ là muốn nói chuyện với tôi. Đã bao lâu rồi kể từ khi có ai đó ở trường tìm đến tôi với mong muốn như thế này?

“Chà, tôi…”

“Grừ, ước gì tớ có thể học cùng trường với cậu, Saeki-san.”

Trước khi tôi kịp nói gì, thì con bé đã lùi lại và duỗi người, miệng tuôn ra lời than vãn vừa rồi. Nó muốn đi học cùng một trường với tôi ư? Quá dễ để tưởng tượng ra cảnh tượng nó đến gần tôi trong lúc tôi đang học bài và nói chuyện không thôi. Nên có lẽ tốt hơn là con bé hãy đừng được học cùng. Nhưng khi hai mắt chúng tôi chạm nhau một lần nữa nó lại cười to, như nó chẳng thể biết được dù là một chút cảm nhận của tôi về câu nói vừa rồi. Nụ cười đó có hơi giống với nụ cười của ông nội tôi, nồng ấm và tươi vui.

Nhưng, vẫn còn một chuyện còn quan trọng hơn nữa, một chuyện mà tôi phải hỏi nó bằng mọi giá.

“Mà này, sao cậu lại thích tôi nhiều thế?”

Tôi chưa hề quen biết con bé này được quá lâu, và chúng tôi cũng không có mấy cơ hội để làm thân, ít ỏi đến mức cuộc nói chuyện ngay bây giờ đây là tiến triển xa nhất chúng tôi từng có. Những điều duy nhất mà tôi biết về con bé là nó thiếu nghiêm túc thế nào, nó tiến lại gần tôi gần đến khó chịu như thế nào và nó cư xử như vẻ tôi thân với nó như thế nào. Và tôi phải nói thật là tôi ghét tất cả những điều đó ở con bé… cho đến hai tuần trở lại đây.

Trái ngược hoàn toàn với tôi, nó yêu mến tôi ra mặt. Mỗi người chúng tôi cảm nhận về người kia theo hai hướng hoàn toàn khác biệt, nên tôi không thể không thấy tò mò.

Nghe câu hỏi của tôi, con bé nhìn xuống hai bàn tay của nó đang ẩm ướt vì những giọt nước đọng xung quanh cái hộp giấy lạnh lẽo.

“Chà, từ đó đến giờ…”

“Hở?”

Rồi con bé nhìn tôi. Không biết là con bé có nhận ra không, nhưng bây giờ cả mặt lẫn môi của nó đều đang căng hết lại như mặt kẻ bị đau.

“…mỗi lần nhìn thấy cậu, thì lòng bàn tay của tớ lại nóng rang. Từ lần đầu tiên tớ nhìn thấy cậu thì nó đã thế rồi. À, cả lưng của tớ cũng cảm thấy nóng nữa. Rồi tớ bắt đầu toát mồ hôi và tớ không thể ngăn lại nổi. Chưa từng có ai hay thứ gì làm tớ cảm thấy như thế cả, chỉ có cậu thôi, Saeki-san. Nên tớ nghĩ với tớ cậu nhất định phải có cái gì đó đặc biệt.”

Những lời nói cứ thế à hết ra, cứ như con bé đang giải thoát ra toàn bộ những thứ mà nó kìm nén bấy lâu. Câu chuyện về việc con bé cảm thấy nóng có vẻ là thật, bởi ngay bây giờ đây hai má nó đã mờ mờ ửng đỏ như đang cháy bừng.

Con bé nhoài người về trước như muốn khẩn xin điều gì. Nó gần quá. Hai vai tôi đơ cứng như vừa bị quật trúng bởi một cơn gió thật to.

Những cảm xúc mà nó đang cảm nhận, tôi chưa từng trải qua, nhưng tôi vẫn cảm giác là mình biết được chúng là gì. Nhưng đây là hai mảnh xếp hình vô phương có thể hòa làm một. Ý tôi là, con người ngay trước mặt tôi đây là con gái, và tôi cũng vậy.

“Vậy, ừm, cậu có biết vì sao tớ lại bị thế không?” Con bé trườn người về trước xa đến độ như chuẩn bị ngã nhào, mắt nhìn vào tôi mong mỏi một tiếng trả lời. Đừng có hỏi tôi chứ.

“Tôi không biết. Tôi có phải là người cảm thấy thế đâu, nên… làm sao mà tôi biết được?” Tôi nói dối rồi quay mặt đi. Nếu tôi là con bé, thì chắc là tôi cũng sẽ chẳng hiểu nổi cảm giác đó là gì.

“Ừ nhỉ?” Con bé cười nhẹ. “Tớ tưởng là cậu biết đấy, bởi cậu thông minh mà.”

“Đừng có đặt điều. Có thể là tôi biết nhiều, nhưng tôi vẫn còn nhiều thứ phải học nữa.”

Ví dụ như, tôi chưa từng học được rằng một người tưởng đâu ngang bằng mình thực chất vốn đã vượt mặt mình rất xa. Cộng thêm cái cách mà nó vừa mới phơi bày tâm hồn của mình với tôi… Tôi cảm giác càng ngày mình càng thấy sợ con bé này hơn.

“Ừmmm” – nó lại lẩm bẩm thêm lần nữa rồi ngẩng mặt lên. Hai chúng tôi chẳng ai uống phần nước ép còn lại cả. Con bé vén phần tóc ướt của mình sang một bên và gác chúng về phía sau vành tai.

“Tớ thích cảm giác ở dưới nước” – con bé nói thật khẽ.

“Cậu vừa mới nói với tôi khi nãy rồi mà.”

Nó khúc khích cười. “Thì, lúc mà tớ ở trong hồ bơi, thì tớ sẽ không còn nóng như lúc nhìn thấy cậu nữa.”

Nói xong nó nhắm nghiền đôi mắt lại, tưởng đâu nó thật sự định ngủ tại đây. Dường như con bé đã nói ra được tất cả những gì nó muốn và nó đang thực sự thấy thanh thản.

Nó thật ích kỷ làm sao. Tôi cũng đang ở đây, với cảm giác đắng cay và xấu hổ ngang bằng với cái sự thanh thản của nó.

“……..”

Nó nghiêm túc thật sao? Nó thật sự có thể thờ ơ đến thế thật sao?

Song, bây giờ thật khó để mình thẳng vào mặt nó. Tôi cũng không thể bỏ đi, nên chỉ còn lại cách cúi gầm mặt xuống và quay đi.

Giờ thì cảm giác như các thớ cơ quanh cổ của tôi cũng đang nóng dần lên.

Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi, lấp đầy cái cơ thể mỏi nhừ của tôi một cảm giác như là sợ hãi.

Ngồi đây, tôi có thể nghe thêm một âm thanh khác bên cạnh tiếng o o của cái máy bán hàng tự động: một tiếng rì rầm phát ra từ chính bên trong tôi, và nó vì con bé đang ngồi bên cạnh mà sinh ra. Cái tiếng nói đó, tôi không thể nghe ra, nó như âm thanh của những con sóng tấp vào một bờ biển thật dài đầy ấp cát. Thứ âm thanh đó tạo thành một hình thù kỳ lạ, chẳng phải hình vuông cũng không phải hình tròn trong lúc cố nói với tôi một điều gì.

Nhưng tôi chưa kịp nghe ra câu trả lời thì nó đã tan đi bởi cái sức nóng tăng dần.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Hệt như đã nói với con bé, tôi bắt đầu kỳ nghỉ hè của mình bằng việc làm bài tập.

Ngoại trừ việc không đi đến trường học thì cuộc sống thường nhật của tôi cũng không thay đổi quá nhiều. Tôi có nhìn thấy người giúp việc thường xuyên hơn, bởi bà ấy thường vào phòng tôi để dọn dẹp vào buổi trưa những ngày trong tuần. Bà hoàn thành rất tốt công việc dọn sạch ngôi nhà, và có vẻ như bà ấy cũng thường vào dọn dẹp phòng tôi vào những lúc tôi ra ngoài.

“Nếu cháu có ý định tự mình dọn phòng thì cứ nói cô nhé.” Bà ấy cười, rõ ràng là đang mong đợi rằng công việc của mình sẽ được giảm tải.

Sau khi hoàn thành bài tập thì tôi cũng giết thời gian bằng cách học thứ này thứ kia. Và khi cũng đã học xong luôn những thứ ngoài lề đó rồi, tôi bắt đầu cảm thấy chán và bỏ ra ngoài tìm lũ mèo. Con mèo đồi mồi vẫn sẽ thường chạy đi, nhưng con mèo đốm thì dần dà cũng đã quen với tôi và cũng đã đôi lần phóng lên đùi tôi rồi nằm yên trên đó. Tôi vuốt ve nó, nhận thấy mình đã đạt được một bước tiến thấy rõ.

Tôi tự hỏi người ta thường làm gì nữa vào kỳ nghỉ hè nhỉ? Mỗi lần tâm trí tôi trôi dạt, nó lại tấp vào những suy nghĩ thật khôi hài, và sẽ có đôi lúc suy nghĩ trong tôi chuyển hướng về con bé đó.

Nó là một con bé rất kỳ quặc, ấn tượng của tôi về nó chỉ dừng ở đó, nếu không kể đến sự cảnh giác vẫn luôn tồn tại trong tôi đằng sau tâm trí. Nếu quan sát con bé đủ lâu, tôi sẽ lại có cảm giác rằng mình sẽ lại nhìn thấy một cái gì đó hoàn toàn khác lạ. Nó như một phần khác trong tôi mà tôi chưa bao giờ từng nhìn thấy, cứ như tôi nhấn mình xuống vào sâu trong lòng nước và không thể trồi lên. Nhưng chắc chỉ là tôi đang hoang tưởng.

Tôi không biết mình muốn gì, tôi muốn những thay đổi đó diễn ra, hay là tôi muốn trốn chạy. Tôi tự hỏi không biết lòng bàn tay của con bé thật sự nóng đến chừng nào.

Và rồi lại đến thứ Tư, một ngày mà tôi chỉ có thể đau đớn chấp nhận là mình có chú ý đến nó.

Khi ra ngoài, cảm giác như tôi đang không phải đi đến lớp học bơi, mà là đang đến gặp con bé đó. Đây không còn là vấn đề tôi thích hay là tôi ghét nó nữa – nó giống như là vì lý do nào đó, tôi đang bị lực hút của nó kéo lại gần.

Đám ve sầu vẫn ngân vang suốt quãng đường đi như thường lệ, mặt trời hôm nay sáng rực và những đám mây cũng tề tựu lại ở trên đầu. Song chẳng biết vì sao, ánh sáng mặt trời hôm nay có phần trắng hơn bình thường. Rằng mọi thứ đều đang mờ mờ ở phần viền cạnh. Tôi chẳng thể nhìn rõ cảnh vật xung quanh kể cả sau khi đã đưa tay dụi mắt.

“Đừng bảo là…”

Tôi chạm ngón tay mình lên khóe mắt.

Thị lực của tôi đã hơi kém đi ư? Tôi nhớ lại hình ảnh của mớ tập sách trên bàn học mình. Có lẽ tôi đã lạm dụng đôi mắt của mình đến độ, giờ đây chúng đã quen thuộc với những thứ ở gần và đánh đổi lại chính là khả năng nhìn thấy những thứ xa hơn.

Bởi tôi đã quá tập trung phát triển mình trở nên tốt đẹp hơn, giờ đây một số thứ trong con người tôi đã trở nên tệ hại. Nó làm tôi nhớ lại cảm giác đặt hai ngón tay mình lên trên cán cân.

Tôi đến trước cửa trường dạy bơi. Cá là con bé cũng đã đến. Thậm chí trước khi thật sự bước vào trong, tôi cũng đã cảm thấy ngờ ngợ rằng con bé sẽ lại đang ở trong tiền sảnh. Hơi nóng ngoài trời đã tích tụ trong tóc tôi, nên tôi đã phủi hết chúng khi trước khi bước lên từng bậc cầu thang.

Việc tôi cứ liên tục chạm mặt con bé ở ngay cửa ra vào chẳng phải là tình cờ, bởi nó đã thật sự ở đó đợi tôi. Và lần này cũng thế, nó lại đang đứng đó tựa mình vào mặt kính. Ngay cạnh bên con bé có một cái ghế, nhưng nó lại chẳng có vẻ gì là muốn ngồi xuống đó. Và, đương nhiên là hôm nay con bé không khoác theo balo.

Tôi cứ đứng đó nhìn nó một hồi.

“Xin chào.” Có lẽ đây là lần đầu tiên mà tôi là người cất tiếng chào.

“Ồ, Saeki-san!” Con bé ngay lập tức quay sang.

Rồi nó hào hứng chạy đến bên tôi. Nhìn nó đưa tay vẫy chào tôi một cách thơ ngây, tôi tự hỏi, không biết liệu bàn tay nó có đang thấy nóng hay không, không biết lưng của nó đã toát mồ hôi chưa, không biết liệu cuối cùng nó có nhận ra được cảm xúc của mình chưa, và không biết liệu tôi có muốn biết cảm xúc của nó đi xa đến chừng nào.

Con bé đến kế bên tôi hệt như đó là nơi nó thuộc về. Tôi có thể thấy được cô tiếp tân đang nhìn chúng tôi vui thú, cứ như cô ấy đang hiểu nhầm rằng hai đứa rất thân nhau. Không hề nhé. Ít nhất, nó không phải một mối quan hệ đủ để khiến người khác nhìn vào chúng tôi mà cười.

“Được nghỉ hè sướng thật đấy.”

 “Vậy hả?” Tôi nghiêng đầu nhìn con bé trong lúc chúng tôi tiến về phòng thay đồ. Hình như là nó đang muốn nghe tôi đồng tình.

“Ý là, tớ thì không thích đến trường. Cậu thích đến trường chứ, Saeki-san?”

“Hừm…”

Nếu nói theo cách của con bé, thì có thể nói là tôi không ghét đến trường. Bởi tôi sẽ chẳng bao giờ phải lo bị chán. Tôi hoàn toàn chẳng biết mình phải làm gì trong suốt kỳ nghỉ hè.

Chúng tôi tiến vào trong và đứng trước tủ đồ như thường lệ, điều đó cũng đồng nghĩa là con bé đang nhìn tôi. Nó vốn vẫn luôn nhìn tôi trong lúc tôi thay đồ. Song, ánh mắt của con bé giờ đây như mang một hàm ý khác nữa, nhận thức được chuyện đó, chân tay tôi di chuyển cứng đờ. Tôi cố để không làm lộ nó ra ngoài mặt, giữ mắt nhìn thẳng trong lúc tiếp tục thay đồ.

Tôi khá cửa tủ lại, và đúng vào lúc tôi quay người để tiến về phía hồ bơi thì con bé xông đến đứng trước mặt. Dĩ nhiên là nó vẫn còn chưa thay đồ, và mắt vẫn còn dán chặt vào tôi.

“Tớ sẽ theo sau ngay.”

“Ừm.”

Tôi bước ngang qua. Chuyện này là bình thường – rất bình thường. Hai chúng tôi không phải là bạn bè keo sơn gắn bó hay cái gì sến súa như thế cả. Nhưng rồi, rõ ràng con bé xem tôi là một cái gì đó đặc biệt.

Lớp học bắt đầu, và chẳng giống như trong phòng thay đồ, bây giờ tôi mới là người theo sau con bé. Tôi bắt đầu nhận thức được sự khác biệt trong cái tư thế bơi thượng đẳng của nó. Con bé chẳng cần học hỏi từ bất kỳ ai mà vẫn có thể tiếp tục tiến về phía trước. Tôi bắt đầu nhận ra có một số người chỉ đơn giản là tài năng như thế.

Tất nhiên, điều đó có làm tôi khó chịu. Nhưng cái mát lạnh của nước hồ hơi cũng đã làm tôi thôi tức giận và bình tĩnh lại.

Tôi theo người hướng dẫn của thầy và thực hiện nhiều vòng qua lại theo chiều dài của hồ bơi. Tôi cố gắng hướng từng cử động của mình sao cho thật giống với những gì mình được dạy. Lưng chừng những đợt tiến và lùi [note42372], tôi quay sang kiểm tra làn bên cạnh, nhưng lại chẳng thấy con bé đâu. Chắc là nó đã vượt mặt tôi mà tôi không hề hay biết. Sau khi bơi hết một vòng, tôi chạm tay vào thành hồ và trồi lên trên mặt nước.

“Oái!”

Khi vừa ngẩng mặt lên trên mặt hồ, thì con bé đang ở sát bên cạnh tôi. Có thể thấy vào một thời điểm nào đó, nó đã chuyển hướng bơi qua làn của tôi. Nó đang gác cặp kính bơi trên trán, làm đôi mắt của nó lộ ra. Hệt như phần da xung quanh, chúng cũng đang dính đầy là nước.

“Ch-chuyện gì đấy?”

“Cậu là người cứ nhìn tớ mà. Tớ tưởng đâu là cậu đang có chuyện muốn nói.”

Tôi có thể cảm nhận ánh mắt của những đứa trẻ khác nhìn vào chúng tôi. Chúng tôi có nên tiếp tục nói chuyện như thế này không?

“Tôi chỉ đang ngưỡng mộ khả năng bơi của cậu thôi.”

Tôi ném vào con bé một lý do thẳng thừng, cố gắng xua con bé về lại làn bơi cũ. Nhưng con bé chỉ trả lời đơn giản “Ồ, thế à?” cứ như nó thích thú khi vừa được khen. Con bé như chẳng màng bận tâm gì đến bất kỳ ai ở xung quanh. Tôi đoán rằng ngoại lệ duy nhất là tôi – bởi vì tôi là người làm nó thấy nóng.

“Cậu bơi cũng giỏi mà, Saeki-san.”

“…cảm ơn.”

“Nhưng tớ thấy hình như vị trí tay của cậu lúc đẩy nước chưa được chuẩn.”

“Thật á?”

“Ừm. Thử làm như thế này này…”

Con bé tiến tới cầm lấy tay tôi và chỉ cho tôi cách làm đúng. Nhưng, đến giữa chừng thì nó dừng lại và rút tay về, rồi nó hướng mắt nhìn xuống bàn tay mình. Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ, cảm giác như thời gian xung quanh hai chúng tôi như ngừng đọng.

“Ơ, này…”

Khi tôi thì thầm nho nhỏ, thì con bé chẳng hề trả lời mà lại gấp rút quay về làn của mình. Sau lúc đó, con bé chẳng hề nhìn tôi, và tôi cũng cố gắng không nhìn về hướng nó. Thay vào đó, tôi nhìn xuống vị trí cánh tay trong lúc tôi đẩy nước. Chẳng có cảm giác gì là tôi đang di chuyển nhanh hơn.

Sau khi lớp học kết thúc và tất cả mọi người cất lời chào, tôi nhận ra con bé vẫn còn đang một mình đứng yên tại chỗ trong lúc tất cả đang quay lại phòng thay đồ. Ngay trước lúc tôi kịp hỏi con bé đang bị làm sao, thì nó nhảy thẳng xuống mặt hồ trơ trọi mà chẳng hề ngần ngại.

ĐÙNG! Con bé tạo nên một đường bọt nước, như nó đang cố vẽ ra một con đường bằng cách xé đôi mặt nước hồ. Thầy hướng dẫn hối hả chạy về. “Này! Em đang làm cái gì vậy hả?!”

Khi thầy hướng dẫn hét lên, thì con bé trồi lên. Nó nằm đó nổi ngửa lên trên, ngay chính giữa hồ. Nó cứ nằm yên ở đó, chẳng cử động cũng chẳng để tâm đến lời cảnh báo của thầy. Nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra con bé từ lúc nào đã cởi bỏ mũ và kính bơi của mình ra, để mặc cho chúng nổi lềnh bềnh đâu đó.

“Thế mà mình tưởng cuối cùng thì nó cũng chịu vâng lời…” – thầy hướng dẫn buông tiếng thở dài.

Tôi biết rõ chuyện gì đang xảy ra, và chuyện này ngoài tôi ra thì chẳng còn ai có thể hiểu được. Cả cơ thể của con bé đó hẳn đã nóng lên, nóng đến mức mà nó chẳng còn có thể nhịn nổi nữa.

“……..”

Tôi tự hỏi rằng con bé thấy nóng đến mức nào.

Tôi tự hỏi không biết liệu tôi có cảm nhận được không kể cả khi ở dưới nước.

“Saeki?”

Giọng nói của thầy hướng dẫn vang vọng phía sau tai tôi rồi mất hẳn.

Dẫu không hào nhoáng như con bé đã làm, tôi cũng nhảy xuống khỏi thành hồ bơi và nhấn mình vào lòng nước. Âm thanh phiền nhiễu của những bóng khí nổi lên phát ra xung quanh đầu [note42371]. Tôi đã định sửa lại cái mũ bơi vào đúng lúc nó vuột ra, nhưng rồi tôi nhớ lại cái mũ của con bé và để mặc nó cho dòng nước cuốn đi. Giống như con bé, mũ và kính của tôi đều đã tuột đi, và mái tóc tôi dần đần chìm xuống, kéo tôi theo về phía đáy hồ.

Đôi chân của tôi run rẩy trong lúc tôi dậm chân vào thành hồ và bơi ra chính giữa. Tôi cử động chúng cứ như đang đẩy nước ra xung quanh. Con bé thổi ra một tràn bóng khí để bản thân chìm xuống đáy, rồi nó chuyển hướng và bơi về phía tôi. Tôi cũng bơi về phía của nó, thế là hai chúng tôi chạm mặt nhau ở giữa hồ trước khi cả hai chúng tôi hết hơi.

Hai chúng tôi nhìn nhau khi vẫn còn chìm dưới nước. Kể cả khi không còn đeo kính, thì cái hồ nước trống không cũng đã là đủ để hai chúng tôi nhìn rõ khuôn mặt người kia. Đôi mắt của nó, đôi mắt lúc nào cũng như sáng rực lên kể cả khi ở dưới nước như hiện giờ, quyến rũ tôi. Xung quanh chúng tôi những bóng khí cứ thế nổi lên.

Thật kỳ lạ, nhưng giờ tôi chẳng hề có cảm giác sắp hết hơi.

Hai chúng tôi nhìn trừng trừng vào nhau, chẳng ai định nói. Tôi tự hỏi không biết thầy hướng dẫn có đang nổi giận với chúng tôi không ở trên kia mặt nước. Sao cậu lại xuống đây? Ánh mắt của con bé nhìn tôi hỏi.

Tôi đến đây để xem xem, tôi im lặng trả lời, thổi ra thêm một vài bóng khí. Để xem xem bàn tay cậu giờ đang nóng cỡ nào.

Tôi nắm lấy bàn tay con bé. Có vẻ hành động đó làm nó bất ngờ ; nó thổi ra một lượng lớn bóng khí. Trong lúc đạp chân để giữ nguyên vị trí, con bé nhìn vào bàn tay của mình đã bị tôi nắm lấy. Màu da của bàn tay hai chúng tôi tương phản, nên cả thị lực đang tệ dần của tôi cũng nhìn thấy những đường phân tách rất rõ ràng.

Bàn tay của nó thật sự ấm áp hệt như lời nó tả. Cái hơi nóng đó truyền ra khỏi bàn tay con bé một cách thật đều theo từng nhịp, như những tiếng gãy đàn dưới lòng nước hồ. Những đầu ngón tay con bé ghì chặt những đầu ngón tay tôi. Nó hết nhìn xuống đôi bàn tay của hai chúng tôi nắm chặt lấy nhau rồi nhìn vào khuôn mặt tôi rồi lại nhìn xuống, trong cái thế giới riêng này của chúng tôi mà cả hơi thở cũng không còn có thể bước vào.

Thế rồi, với vẻ mặt không hẳn là một nụ cười, con bé cầm lấy bàn tay còn lại. Hai bàn tay chúng tôi kết nối với nhau và những ngón tay đan vào nhau thân mật. Tôi cảm thấy, bàn tay tôi giờ hình như cũng đang nóng dần lên.

Giây phút này của chúng tôi ở cùng nhau thật lạ kỳ, nó như một quả bóng tròn căng hoàn hảo có thể vỡ tan chỉ với một cái chạm vào thật khẽ. Nó như một giấc mơ không bao giờ kết thúc. Nhưng cảm giác muốn lấy hơi của tôi cứ dần hiện rõ, cứ như muốn chỉ rõ ràng ra đó chỉ là ảo tưởng. Tôi dùng mắt mình ra hiệu, đề nghị với con bé rằng chúng tôi hãy trồi lên. Mặc cho toàn bộ số khí đã mất đi, con bé trông vẫn còn ổn. Nó nhẹ nhàng lắc đầu và đưa mặt nó sát gần tôi.

Con bé đang làm gì vậy? Tôi gồng người lại, nhưng cả hai tay tôi đều còn đan xen với bàn tay con bé, nên tôi không thể cử động mà ngăn nó lại được.

Con bé đưa mặt mình vào phần dưới cằm tôi. Tôi có thể cảm thấy cơ thể tôi đang nổi da gà, mặc dù cả hai chúng tôi đều đang ở dưới nước. Bất ngờ, môi con bé chạm vào da tôi. Thế rồi nó cử động nhẹ nhàng từng chút, và tâm trí tôi như một con xoáy nước quay cuồng.

u83554-8cf891da-ca10-4f63-ae9e-7599652fcbfb.jpg

Một thứ gì đó bắt đầu nổi lên từ khoảng không giữa môi con bé và cổ tôi.

Những bong bóng khí nổi lên ngay trước mắt tôi, kèm theo đó là thứ âm thanh mờ đụt của một người đang thở. Dẫu đang chóng mặt, tôi cuối cùng cũng nhận ra điều mà con bé đang làm.

Không khí – con bé đang trao cho tôi không khí.

Để hai chúng tôi có thể cùng nhau ở lại đây, dù chỉ là thêm một chút.

Những bóng khí từ con bé thoát ra lướt ngang môi tôi trong lúc chúng tìm đường ngoi lên bề mặt.

Tôi nhận lấy chúng, cứ như đang đưa không khí từ những bong bóng đó vào trong phổi mình.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Vào khoảnh khắc đó, trái tim tôi nứt rạn.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Đó là lời giải thích duy nhất tôi có thể nghĩ ra để miêu tả cơn đau nhói của tôi bên trong lồng ngực. Tôi có thể nghe rõ âm thanh đó, âm thanh như một cái gì đó trong tôi vụn vỡ.

Rũ bỏ khỏi hai bàn tay con bé, tôi hối hả bơi lên. Khi vừa nhào khỏi mặt nước, thì thứ âm thanh duy nhất tồn tại trong hai ống tai tôi là tiếng thở của tôi ngắt quãng. Tôi đưa bàn tay tôi ôm lấy ngực. Những ngón tay tôi run lên bần bật, cứ như lồng ngực tôi vừa nổ tung từ trong ra ngoài.

Vừa rồi là gì chứ?

Sự đau đớn trong tim làm một thứ gì đó trong tôi bùng nổ, và sâu hơn nữa bên trong, tôi lờ mờ cảm nhận được thêm một cái gì đó khác. Hoặc là ngược lại chăng? Liệu việc cố mãi kìm nén cái thứ lạ lùng kia đã làm trái tim tôi không còn chịu nổi mà nứt vỡ?

Con bé bối rối trồi theo sau. Tôi suýt thì kêu ré lên trong miệng mình.

“Saeki-sa—”

Tôi né tránh bàn tay con bé đưa lại gần và bỏ trốn về phía thành hồ. Trèo lên trên khỏi hồ bơi, tôi chạy vụt qua thầy hướng dẫn, bỏ ngoài tai điều mà ông ta đang nói và chạy lên cầu thang. Tôi chẳng hề lau khô cả cơ thể lẫn khuôn mặt tôi đãng ướt đẫm mà chỉ lôi cái túi của tôi ra từ trong tủ đồ, rồi lại chỉ tập trung xé toạc bộ đồ bơi của mình ra để mau chóng mặc lại quần áo. Cái cảm giác khó chịu của lớp vải bị ướt dính vào da không được màng đến trong lúc tôi hối hả chạy ra khỏi phòng thay đồ.

Một lúc nào đó trong quá trình này, tôi đã nhận ra mũ và kính của tôi vẫn còn đang lềnh bềnh đâu đó dưới hồ, nhưng tôi chẳng hề có ý định quay lại mà lấy chúng nữa. Thay vào đó, tôi ném chìa khóa của tôi xuống bàn lễ tân, chẳng đợi lấy lại thẻ của mình và bước ra ngoài, để lại tòa nhà của lớp học bơi lại phía sau lưng mình.

Và cứ như thế, tôi chạy đi. Một làn sóng cảm giác sợ hãi lướt qua tôi khi tôi nghe đâu có tiếng bước chân đuổi theo phía sau mình, nhưng tôi chẳng hề dừng lại.

Cái nắng của mùa hè không lan đến da tôi, cứ như những giọt nước đọng lại trên đó không cho phép nó lại gần. Một cái gì đó tối đen đè xuống lòng tôi nặng trĩu.

Tôi đã thấy gì chứ? Cái thứ mà tôi đã chấp nhận—mà đã làm hơi thở tôi hối hả đến mức tôi không thở nổi—mà đã làm tôi khiếp đảm. Nó là gì chứ? Là gì chứ? Những suy nghĩ đó quay vòng trong tâm trí tôi điên dại.

Da gà của tôi mãi chẳng lặng đi, và xương sống tôi vẫn chưa thôi run rẩy. Một cảm giác ớn lạnh mà có lẽ tôi chẳng thể gạt đi lấp đầy cơ thể. Cảm giác của môi con bé đó bên dưới cổ tôi vẫn còn đọng lại, mặc cho từng giọt nước lần lượt chảy xuống lướt qua.

Tôi chạy như muốn bay dọc theo mặt đất dưới chân, tầm nhìn của tôi cứ cao lên rồi lại hạ xuống. Có một cái gì đó khác ngoài những bóng khí mà tôi đã nuốt vào trong. Một cái gì đó mà tôi chưa có quyền được biết, mà những kiến thức trẻ con cùng kinh nghiệm sống hãy còn nông cạn của tôi không cho phép tôi lại gần. Chỉ có bản năng sâu bên trong tôi là ngờ ngợ về danh tính của nó.

Cái hình hài của cái cảm xúc đó, vốn tôi chỉ có thể miêu tả bằng các hình tam giác hay hình vuông đầy thô ráp, với tôi thật sợ rất ghê rợn. Bị nỗi sợ xâm chiếm, tất cả những gì tôi còn có thể làm chỉ là bỏ chạy.

Điều duy nhất mà tôi còn biết chắc, là tôi không bao giờ nên gặp lại con bé đó nữa.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Tối hôm đó, tôi đợi đến khi cả bố và mẹ tôi đều có mặt trước khi hắng giọng và nói.

“Con không muốn học bơi nữa. Thứ đó không hợp với con.”

Đây là lần đầu tiên mà tôi bảo với họ rằng tôi muốn từ bỏ một cái gì đó. Tôi căng thẳng chờ đợi họ trả lời.

Bố tôi khẽ lầm bầm, “Ừm-hứm,” và mẹ tôi thì chỉ nói, “Thế à? Vậy là chuyện này có thể xảy ra nhỉ?” Chẳng hề có lấy một tiếng rầy la hay bác bỏ. Họ ngay lập tức chấp chận chuyện này.

Tôi, vào lần đầu tiên chọn từ bỏ, và họ đơn giản là bỏ qua cho tôi. Chẳng lẽ cái niềm tin rằng tôi được sống trong một gia đình được tôn trọng nên phải hành xử cho phù hợp chỉ là do tôi tự vẽ nên trong đầu? Tôi không thể gạt bỏ cái cảm giác mình đang bị trôi dạt đi, như tôi đã lao mình xuống mặt nước và giờ đang bồng bềnh nổi trên đó.

Tôi không còn có thể hiểu nổi điều gì nữa.

Sau đó, trong lúc đang đi dọc hành lang quay về phòng, tôi vô tình đụng trúng bàn tay mình. Có một hơi ấm đang cháy sâu bên trong tách biệt hoàn toàn với cái nóng của mùa hè. Tôi ép hai bàn tay mình lại với nhau, chờ đợi cho hơi nóng đó tan đi.

Trong lúc nghiêng đầu xuống nhìn chúng, có gì đó rơi xuống từ ngọn tóc mái của tôi đang buông thả. Nó như một giọt nước vừa lăn xuống từ tóc tôi, mặc dù đã lâu rồi nó không còn ướt nữa.

Thứ đó chạy dọc xuống trên da tôi, trôi xuống cái cảm giác trên cổ tôi đến bây giờ vẫn còn ở đó chưa phai.

-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Tôi thường chẳng mấy khi hồi tưởng lại ký ức thời tiểu học. Có lẽ chuyện đã qua được quá lâu rồi, đến mức mà tôi đã quên đi tự lúc nào không để ý.

Nhưng dẫu thời gian đã trôi đi rất xa đến mức mà tôi chẳng còn nhớ được gì nhiều, thì nó cũng vẫn sẽ không bao giờ thật sự biến mất.

Những kỷ niệm đó, cái hơi ấm đó – tất cả.

Bình luận (0)Facebook