Hồi 2 : Núi Bashur (1)
Độ dài 1,966 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-08-22 16:30:56
Giờ chúng ta hãy quay ngược dòng sự kiện, năm năm trước trận bình nguyên Atropatene, năm 315 theo lịch Pars. Khi đó, ba nước Turan, Sindhura và Turk kết liên minh, tập hợp một lực lượng gồm hơn năm mươi vạn quân dọc theo biên giới phía đông của Pars, bắt đầu chiến dịch xâm lược. Trong quá khứ, Turan đã từng giao chiến với Pars nhiều lần bất phân thấng bại, là đối thủ truyền kiếp của Pars. Sindhura, người láng giềng chung biên giới thì bắt đầu giao tranh với Pars không ngừng kể từ sau khi Công quốc Badakhshan sụp đổ. Turk lại thèm khát quyền kiểm soát con đường thương mai và nguồn cống nạp trên Đại lục vương lộ.
Mỗi nước đều có động cơ riêng, nhưng mục tiêu chung là gây rắc rối cho Pars. Thế là họ thống nhất sẽ cùng lúc tấn công Pars : Turan từ đông bắc, Turk từ phía đông, còn Sindhura từ phía đông nam. Ngay cả vị quân vương nổi tiếng dũng cảm là Andragoras cũng không thể không bối rối. Ông ta không chỉ huy động toàn bộ binh lực mà còn triệu tập lãnh chúa của các thành chư hầu, các shahrdaran thuộc dòng dõi quý tộc, yêu cầu họ tập trung lực lượng về kinh đô Ecbatana.
Trong số đó, có một vị shahrdaran tên Teos, lãnh chúa vùng Dailam, một vùng đất hướng ra biển nội địa Darband ở phía bắc. Ông ta là một người bạn cũ của nhà vua, hứa sẽ mang năm nghìn kỵ binh, ba vạn bộ binh đến góp sức.
Nhưng ngay khi chuẩn bị lên đường, Teos trượt ngã ở bậc thang trong chính dinh thự của mình, đập đầu vào bờ đá và mất mạng. Khi nhận tin này, nhà vua rất sốc, nhưng lập tức phong Narsus, con trai Teos làm người kế vị. Dù Teos đã qua đời, binh lực của ông ta vẫn rất quan trọng với nhà vua.
Không lâu sau, Narsus xuất hiện ở kinh thành Ecbatana với đội quân của mình.
"Sao ngươi chỉ mang bấy nhiêu quân? Con số cha ngươi đã hứa hẹn đâu?"
"Xin gửi tới bệ hạ lời xin lỗi chân thành nhất của thần."
Vị lãnh chúa 21 tuổi khoan thai cúi chào, nhưng cử chỉ nho nhã ấy cùng lắm chỉ khiến nhà vua không hét lên chứ chẳng ngăn được cơn thịnh nộ.
"Không cần lời xin lỗi. Ta muốn biết lý do."
"Thực ra, thần đã giải phóng toàn bộ nô lệ trong lãnh thổ của mình."
"Cái gì?"
"Bệ hạ biết đó, bộ binh đều là nô lệ, do đó thần không còn bộ binh nữa. Thần hứa sẽ trả công cho những ai tình nguyện, cho nên đã xoay sở được năm nghìn quân và mang đến đây góp sức với bệ hạ."
"Vậy còn kỵ binh thì sao?"
"Không chấp nhận được điều này, họ đã rời bỏ thần. Thần e là chẳng còn cách nào khác." Dù câu trả lời của anh ta lịch thiệp đến nỗi không thể moi nổi một sai lầm, nhưng dáng vẻ hổ thẹn kia thật ra vô cùng thờ ơ, "Điều này không thể tránh khỏi, thần hiểu cảm giác của họ."
Vua Andragoras là người nóng tính và cố chấp. Sự không hài lòng toát ra từng mọi nơi trên thân hình vạm vỡ của ông ta như những mũi giáo nhọn hoắt chĩa thẳng vào Narsus. Ấy thế nhưng ánh trước mắt khiến những người chiến binh dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải run sợ ấy của nhà vua, chàng trai trẻ vẫn điềm nhiên như không. Từ nãy đến giờ, anh ta đã dõng dạc tuyên bố những điều mà không một người bình thường nào dám mở miệng.
"Hay là thế này? Nếu bệ hạ mong muốn, thần có thể hiến kế để liên quân ba nước rút lui."
"Thật huênh hoang ! Không phải ngươi định yêu cầu ta giao cho ngươi cả đội quân mười vạn binh mã đấy chứ?"
"Không một binh một tốt. Tất cả những gì thần cần là chút thời gian."
"Thời gian?"
"Đúng vậy. Chỉ trong năm ngày, thần có thể đuổi hết quân địch ra khỏi biên giới nước ta. Tuy nhiên, phút cuối vẫn cần sức mạnh từ đội quân của bệ hạ giúp sức."
Andragoras đồng ý với chàng trai trẻ, chẳng phải vì tin tưởng anh ta, mà chỉ muốn thấy vẻ mặt ê chề của anh ta khi thất bại.
Vị lãnh chúa đã dẫn mười thuộc hạ của mình rời đi, biến mất khỏi doanh trại. Hầu hết các tướng lĩnh đều tin rằng anh ta bỏ trốn. Andragoras cũng nghĩ thế, và quyết tâm chiếm đoạt lãnh thổ Dailam, đưa mảnh đất này về dưới sự kiểm soát của hoàng gia. Chừng ba ngày sau, Narsus bất ngờ trở về và đưa ra một yêu cầu khác với nhà vua, đó là giao cho anh ta quyền cai quản những tù binh Shindhura bắt được từ liên quân ba nước. Một lần nữa, Andragoras đồng ý chỉ vì eran Vahriz khuyên rằng, "Dù sao cũng chẳng mất gì, chi bằng cứ thử."
Ngay sau khi tiếp quản hai nghìn tù binh Sindhura đó, Narsus liền thả họ đi. Những binh lính đã phải chiến đấu rất khổ sở mới bắt được số tù binh này lấy làm bất bình và yêu cầu Narsus phải giải thích, nhưng anh chẳng buồn để tâm.
Trước vẻ thờ ơ của Narsus, một đội trưởng kỵ binh nổi giận rút kiếm ra thách đấu tay đôi. Trận đấu nhanh chóng phân thắng bại. Vẻ ngoài của Narsus khiến người ta cho rằng anh chỉ là tên mọt sách, nhưng anh dễ dàng tước vũ khí đối thủ chỉ sau năm chiêu kiếm. Chĩa gươm vào những kẻ đang náo loạn, anh quát lớn, "Còn ai nữa không? Đêm nay, quân Turk sẽ tấn công Sindhura, còn quân Turan sẽ phục kích quân Turk. Nếu không chuẩn bị ra quân, các ngươi sẽ mất cơ hội trở thành người hùng."
Chỉ có Vahriz và Dariun, khi ấy mới chỉ là đội trưởng ngàn kỵ binh, tin tưởng anh.
Dự đoán không sai một ly. Ngay đêm hôm ấy, bất đồng nội bộ nảy sinh giữa ba nước liên minh. Quân Pars nhân cơ hội đó đánh tan kẻ thủ. Người vượt trội hơn tất cả và được tung hô hết lời chính là Dariun. Anh đã hạ gục vị thân vương em trai của vua Turk chỉ với một nhát kiếm.
Nghe lời khen ngợi của Dariun, Narsus chỉ mỉm cười đáp, "Thôi nào, chẳng có gì đâu. Đôi khi một lời đồn còn mạnh hơn cả vạn quân."
Trong ba ngày biến mất, Narsus cùng người của mình đã trà trộn vào quân địch, lan truyền những tin đồn khác nhau. Với người Turk, họ nói "Sindhura đã phản bội chúng ta và liên minh với Pars rồi. Nhìn mà xem, chẳng mấy nữa họ sẽ thả tự do cho những tù binh Sindhura đấy." Còn với Turan thì nói, "Turk đang âm mưu với quân Pars. Chúng sẽ lên kế hoạch phục kích Sindhura, và lấy cớ là Sindhura cấu kết với Pars. Đừng tin bọn chúng."
Những tù nhân Sindhra được thả ra thì thông báo là, "Thực ra vua của bọn ta và vua Sindhura các ngươi đã đàm phán làm hòa với nhau rồi. Nhưng hình như bọn Turk và Turan cũng đã nghe tin. Hãy cẩn thận kẻo bị tập kích nhé."
....Thế là, liên minh ba nước lao vào đánh nhau chỉ vì những nghi ngờ nhỏ nhặt nhất, rồi tự tan rã từ bên trong.
Dù thế nào đi nữa, mưu kế độc đáo của Narsus đã thành công, không thể phủ nhận công lao to lớn của anh ta trong việc đánh lui kẻ thù. Andragoras chẳng còn cách nào ngoài khen ngợi, xác nhận lại quyền kế vị lãnh địa và thưởng cho anh ta 1 vạn đồng dinar vàng, sau đó còn bổ nhiệm anh ta làm dibir, một chức quan ghi chép cấp cao của triều đình. Người ta tin rằng một ngày nào đó anh ta thậm chí còn có thể leo lên chức tể tướng.
Với Narsus, cuộc sống gò bó trong triều không thoải mái bằng khi còn được tự do ở lãnh địa cỉa mình, nhưng nhà vua lại không cho phép. Bấy giờ, Andragoras coi sự uyên bác lẫn khéo léo của Narus như thứ tài sản bý báu. Thế là Narsus chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại kinh thành.
Hai năm trôi qua tương đối yên bình. Cả Dariun và Narsus đều vang danh tương xứng với tài năng của họ, người bên văn người bên võ, không ai kém ai. Tuy nhiên, vào năm 317 theo lịch Pars, một phái đoàn ngoại giao được cử đến phía đông để thiết lập quan hệ hòa bình với Serica, vương quốc tơ lụa. Dariun chịu trách nhiệm hộ tống và bảo vệ sứ đoàn. Narsus thông hiểu văn hóa Serica, cực kỳ ghen tị với người bạn của mình, nhưng vẫn tổ chức một bữa tiệc trọng thể để tiễn bạn đi.
Lúc này, triều đình của vua Andragoras bắt đầu suy đồi. Sự mục nát trong giới quan lại, quý tộc và tăng lữ lộ rõ hơn bao giờ hết.
Mà lúc đó, Narsus cũng đã chán ngấy với cuộc sống tẻ nhạt của một viên quan thư ký. Khi mở cuộc điều tra các vấn đề hành chính, anh đã trình lên Andragoras rất nhiều phương án cải cách khác nhau, nhưng rất ít trong số đó được thực hiện. Andragoras quan tâm đến chiến tranh hơn là chính trị, đặc biệt là với ngân khố đầy ắp của vương quốc, và chẳng có mối quan đe dọa hiện hữu nào từ ngoại bang. Việc tiến hành cải cách chỉ khiến giới quý tộc và đám tăng lữ ôm lòng oán hận. Nhà vua phớt lờ sự thỉnh cầu của Narsus, nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó. Giới tăng lữ bắt đầu gửi đơn yêu cầu vua trục xuất Narsus khỏi triều đình.
Narsus đã từng điều tra việc giới tăng lữ lạm dụng đặc quyền của mình để thực hiện những hành vi phi pháp. Họ được miễn đóng thuế, hay thậm chí được miễn bắt giam và xử tử kể cả khi phạm tội.
Họ cho nông dân vay tiền với lãi cắt cổ và tịch thu đất đai nếu không trả được tiền. Họ độc quyền khai thác những đường dẫn nước và hồ chứa nước trong lòng đất, rồi đánh thuế lên dân. Nếu ai chống lại, họ cử quân đội tư nhân đến đốt phá, cướp bóc rồi chia chiến lợi phẩm. Họ bán muối cho dân nhưng trộn lẫn cát. Nếu nông dân tự đào giếng, họ sẽ đầu độc giếng. Sau khi thu thập đủ bằng chứng về các hành vi sai trái này, Narsus yêu cầu nhà vua đưa ra hình phạt nghiêm khắc.
Đám tăng lữ tức giận đã phục kích Narsus trên đường về nhưng thất bại. Bốn trong tám tên sát thủ được cử đi bị Narsus chém hạ, hai tên bị bắt, hai tên chạy thoát thân. Thế nên bọn họ đành thay đổi chiến thuật, cáo buộc Narsus vì tội vu khống trước mặt nhà vua. Narsus nhận ra cũng đã đến lúc. Anh rời triều đình và quay về lãnh địa.
Sau khi quay về từ Serica, Dariun hết sức bất ngờ và tiếc nuối khi biết người bạn thân đã bị trục xuất khỏi triều trong lúc mình vắng mặt. Dù muốn đến thăm bạn một lần nhưng anh chưa có cơ hội thực hiện, vì sau đó trận Atropantene diễn ra.