Arslan Chiến ký
Tanaka Yoshiki
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Hồi 4 : Con đường mồ hôi và máu (4)

Độ dài 1,469 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-08-29 23:46:19

Cuộc công thành Saint Emmanuel nổ ra theo cách không ai hình dung được.

Với người Lusitania, đây là một cuộc tấn công bất ngờ. Khói bụi cuồn cuộn từ phía nam pháo đài. Lính canh trên tường thành ban đầu còn tưởng đội kỵ binh của họ quay về sau chuyến đi săn, nhưng lại cảm thấy khói bụi thế này có phải hơi dữ dội quá không? Đến khi lại gần hơn thì họ đã thấy kẻ địch và đồng đội đang hỗn chiến với nhau, không phân biệt được bạn hay thù.

Vào lúc này, nếu chúa thành, bá tước Barcacion là kẻ tàn nhẫn, ông ta đã đóng ngay cổng thành để cho quân Pars không thể xâm nhập, bỏ mặc thuộc hạ kêu cứu bên ngoài. Nhiệm vụ của ông là canh giữ thành này, cầm chân quân Pars theo mệnh lệnh của công tước Guiscard, em trai nhà vua. Thế như Barcacion lại do dự. Cứ nghĩ đến cảnh đồng đội bị nhốt ngoài cổng thành, sau lưng là kẻ địch truy đuổi, không đường thoát thân, ông không sao đành lòng. Mà một khi đã do dự thì ông không còn cơ hội quyết định lại nữa.

Dariun xông pha tuyến đầu quân Pars, định dừng trước cổng thành. Ngay khi thấy đối phương không đóng cổng, anh đã lập tức thay đổi kế hoạch. Sự quyết đoán của anh trái ngược hẳn với sự bối rối của bá tước Barcacion.

“Narsus, ta sẽ công thành !”

Sau khi nhắn lại những lời này, Dariun lao vụt về phía trước như một trận gió lốc. Anh chen qua những người lính Lusitania đang cố gắng xô đẩy nhau để vào được pháo đài, chém gục bất cứ ai cản đường, cứ thế xông thẳng qua cổng thành.

Âm thanh sợ hãi vang vọng trên tường thành và tháp canh.

“Đóng cổng ! Đóng cổng lại!”

Bấy giờ bá tước Barcacion mới khổ sở ra lệnh. Khi người lính chuẩn bị làm theo mệnh lệnh và vung rìu cắt dây, một mũi tên từ đâu bay tới đâm xuyên cổ họng, khiến anh ta ngã khỏi tường thành mà không thể nói một lời. Trong sự hỗn loạn của đao kiếm chói lòa, tiếng hét cuồng nộ, chẳng ai để ý tới sự việc trên. Từ một ngọn đồi cao chót vót gần bức tường pháo đài nhất, chàng trai trẻ vừa thực hiện xong cú bắn tầm xa ấy khẽ huýt sáo, đôi mắt xanh ánh lên vẻ tự mãn.

Trở về thành Saint Emmanuel lúc này, cuộc chiến khốc liệt vẫn diễn ra.

Dariun vung thương hất văng hai kỵ binh Lusitania khỏi yên ngựa. Các cổng của pháo đài, cả trong lẫn ngoài đều chật kín trong cơn lốc áo giáp, kiếm và giáo, không thể đóng được nữa.

Khi ngọn thương của Dariun đâm xuyên một kỵ sĩ Lusitania, tay cầm bằng gỗ của cây thương gãy đôi do lực quá mạnh. Ngọn giáo gãy chìm vào làn khói cùng thi thể của hiệp sĩ kia.

Mất thương, Dariun rút thanh trường kiếm. Nó lóe sáng như một chú diều hâu đã phát hiện ra con mồi, lao vút từ bầu trời xuống mặt đất, cắt đôi cổ tay một kỵ binh Lusitania.

Những người lunhs Lusitania có lẽ không biết đến danh tiếng của Dariun trước đó nên xông vào một cách liều lĩnh, cố gắng hạ gục chiến binh đen kinh hoàng này. Kết quả chỉ khiến cơn bão máu mà thanh kiếm của Dariun quét qua càng dữ dội hơn.

Quân Pars theo sau Dariun, áo giáp chật như nêm.

“Người Lusitania các ngươi không có quyền gì trên mảnh đất này. Đất Pars chỉ để chôn cất người Pars.”

Zaravant thốt lên lời tuyên bố. Với giáo trên tay phải và khiên trên tay trái. Anh ta tiến vào giữa đội hình quân Lusitania. Trong trận chiến ở pháo đài Chasum, những hiệp sĩ Pars trẻ tuổi này không có cơ hội thể hiện kỹ năng của mình, cuối cùng họ cũng có đợ cơ hội mới. Không còn gì phấn khích hơn.

Không chắc những người lính Lusitania có hiểu câu tiếng Pars anh vừa nói hay không, có tức giận không, nhưng một trong số họ đã lao tới với ngọn giáo của mình.

Zaravant cũng cầm giáo lên, đâm thẳng vào tấm giáp trước ngực hiệp sĩ vừa xông đến. Tốc độ và uy lực của cú đâm khiến áo giáo vỡ toang, mũi giáo đâm xuyên đến tận lưng.

Dariun thấy cảnh đó, quát lên.

“Cẩn thận đấy, Zaravant.”

Vì trước đó Dariun từng mất vũ khí vì cây thương ghim vào cơ thể kẻ thù nên anh nghĩ Zaravant cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tư.

“Cảm ơn lời khuyên, ngài Dariun.”

Zaravant lớn tiếng đáp lại, khóe mắt liếc thấy một kẻ địch nhảy ra từ bên trái. Anh ta vung chiếc khiên lớn của mình với sức mạnh khủng khiếp vào mặt người lính bất hạnh kia, đến nỗi hất anh ta văng xa tận 3 gaz, ngã xuống chết tại chỗ.

Quân Pars chiếm hết các cánh cổng. Số lượng mỗi lúc một đồng, và họ đã bắt đầu tổ chức đội hình chiến đấu với Dariun làm trung tâm.

“Hỡi thần linh xứ Pars ! Những tín đồ của các ngài đang chiến đấu quên thân để giành lại lãnh thổ. Xin hãy tiếp thêm sức mạnh cho chúng con!”

Ky binh Pars gầm lên.

“Toàn quân tấn công!”

Họ đồng loạt xông trận. Giáo đặt trên yên ngựa, tay cầm kiếm hoặc rìu, vó ngựa nện trên sàn đá. Quân Lusitania cũng gầm lên đón đầu họ.

Chẳng mấy chốc, tay cầm giáo, kiếm và rìu chiến cũng như áo giáp và yên ngựa, rơi xuống đẫm máu.

Lính Lusitania cũng trung thành và can đảm chẳng kém quân Pars. Họ hô vang tên chúa, khảng khái đối mặt kẻ thù.

Tuy nhiên, tình hình chiến trận không phụ thuộc vào đức tin. Quân Pars áp đảo về quân số. Lusitania chỉ có 1 vạn trong khi Pars đông gấp 10. Dù không phải toàn bộ đội quân đều tham gia cuộc công thành nhưng chênh lệch lực lượng vẫn là yếu tố chủ chốt quyết định thắng bại.

Pháo đài Saint Emmanuel giờ đã thành nơi người Pars thể hiện bản lĩnh cá nhân, tranh ghi công trạng. Ai nấy đều cố gắng chứng minh chiến binh Pars là những chiến binh hùng mạnh nhất trên Đại lục vương lộ.  Chưa kể đội quân này tập trung những binh lính tinh nhuệ hàng đầu Chẳng mấy chốc, người Lusitania đã bị đốn như cỏ dại.

Bá tước Barcacion tuy là người nhân hậu và được quân dân yêu mến, đáng tiếc ông lại không phải tướng lĩnh dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Những chỉ dẫn và mệnh lệnh của ông không thể theo kịp diễn biến của trận chiến mà chỉ gây thêm hoang mang.

Những người lính Lusitania dốc sức giữ thành với niềm tin mãnh liệt cho tới chết, bất chấp tình thế khó khăn, cuối cùng vẫn dần thất thủ trước thế công dữ dội của Pars.

Trận càng lên tới đỉnh điểm, máu trút xuống càng nhiều.

----------------------

Lời editor :

Điểm khác biệt lớn nhất giữa nguyên tác và manga chắc là ở nhân vật Etoile này.

Trong manga, Arslan đã gặp Etoile tận 2 lần trước thời điểm trận thành Saint Emmanuel.

Lần 1 : Khi Arslan 11 tuổi, Etoile bị bắt về Pars làm tù binh. Etoile trốn thoát, bắt Arslan làm con tin. Etoile cũng là người đầu tiên nói cho Arslan khái niệm về cuộc sống tự do cho tất cả mọi người.

Mình rất thích chi tiết thay đổi này. Bởi vì tư tưởng chính trị của Arslan, điều làm cậu ta khác biệt với những vị vua khác là ở việc trả tự do cho nô lệ. Trong nguyên tác, ý tưởng này do Narsus đề xuất với Arslan, còn trước đó, không có chi tiết nào thể hiện rằng Arslan quan tâm đến nô lệ. Còn trong manga, từ thời điểm Arslan chưa gặp Narsus, vẫn còn là một đứa trẻ, cậu ta đã bắt đầu suy nghĩ về sự tự do và sự khác biệt trong tín ngưỡng của mỗi người.

Lần 2 : Ngay sau khi bại trận ở Atropatene và kinh đô Ecbatana bị chiếm, Arslan gặp lại Etoile khi cậu ẩn nấp tại một ngôi làng hoang. Etoile đã tặng Arslan quyển kinh thánh Yadabaoth.

Chi tiết này cũng rất có ý nghĩa. Narsus chỉ nói với Arslan rằng mỗi người có một đức tin khác nhau, chứ không dạy Arslan phải hiểu điều đó như thế nào. Chính Arslan đã chủ động đọc kinh thánh Yadabaoth để hiểu đức tin của kẻ thù. Thay vì chỉ cố gắng tiêu diệt kẻ địch, Arslan cố gắng để hiểu họ.

Bình luận (0)Facebook