Arslan Chiến ký
Tanaka Yoshiki
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Hồi 2 : Đoạt lại kinh đô (1)

Độ dài 1,656 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-09-17 23:40:26

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thế sự liên tục xoay vần. Những người nằm trong vòng xoáy cuồng loạn này sẽ chẳng thể nhận rõ vị trí của bản thân giữa dòng chảy của lịch sử, chỉ có sau này nhìn lại mới thở dài, “Thì ra là thế.”

Đầu tiên, em trai vua Lusitania, công tước Guiscard không trốn về Ecbatana, kinh đô của vương quốc Pars mà tạm thời trốn lên tây bắc. Biết quân Pars đang chia rẽ và các thế lực đối đầu nhau, hắn cố tình bỏ lại Ecbatana làm con mồi để dụ địch. Lý tưởng nhất là các thế lực của Pars không ai nhượng bộ ai, lao vào cắn xé nhau, khiến ba bên đều tổn thất. Dù mọi chuyện có thể không suôn sẻ được như thế nhưng chí ít quân Pars sẽ suy yếu đi phần nào. Vua Innocentius đệ thất của Lusitania, anh trai của Guiscard sẽ chết, để cho em trai mình kế vị. Sau khi bị công chúa xứ Maryam đâm trọng thương, ông ta vẫn còn đang nằm trên giường bệnh. Nếu bất cứ phe nào của Pars xông vào chiếm cung điện Ecbatana, nhà vua chắc chắn không sống sót. Có nghĩa Guiscard có thể loại bỏ vật ngáng đường đến ngai vàng vĩnh viễn mà không cần làm bẩn tay mình. Sau đó, hắn sẽ thu thập quân số Lusitania còn lại, kích động quân Pars tự đánh lẫn nhau, lợi dụng tình thế đó để phản công. Lần này, Guiscard sẽ cầm quân với tư cách là vị vua thực sự.

Ngày 6 tháng 8, Hilmes, kẻ tự xưng là con trai vua Osroes đệ ngũ, vị vua thứ 17 của Pars đang ở cách kinh đô Ecbatana chừng 1 farsang. Chiếc mặt nạ bạc vẫn chưa từng rời khỏi gương mặt.

Dưới trướng hắn có 3 vạn binh sĩ tinh nhuệ được marzban Sam đích thân huấn luyện và từng kinh qua nhiều trận chiến thực tế trước kia. Có lực lượng này trong tay, nếu cộng thêm thành trì kiên cố của Ecbatana thì chiến thắng của Hilmes gần như được đảm bảo.

Nếu xông vào kinh đô, chiếm lấy thành phố, hắn sẽ ra lệnh đóng cổng và phòng thủ chặt chẽ, đồng thời tổ chức lễ đăng quang trong cung điện.

“Ta là hậu duệ của vua anh hùng Kai Khosrow, vị vua đích thực của Pars.”

Đó là niềm tự hào của Hilmes, thứ niềm tin đã giúp hắn vượt qua những tháng ngày đau khổ.

Ngày 30 tháng 7, Hilmes đã tiến đến vị trí cách Ecbatana 16 farsang. Hắn kìm nén sự nóng vội của mình, cẩn thận quan sát tình thế. Quân Lusitania do em trai vua Innocentius là Guiscard chỉ huy có tới 20 vạn quân, nếu đối đầu trực diện, họ sẽ không có cơ hội thắng. Nếu quân Lusitania và quân Pars giao chiến với nhau, họ cũng không có sơ hở nào để can thiệp. Cho nên Hilmes chờ đợi kết quả sau đó.

Lúc này, rắc rối mới xảy đến. Quân Lusitania rơi vào nguy cơ đánh mất kinh thành. Ecbatana trở thành miếng mồi bị các thế lực của Pars nhắm tới.

Cuối cùng lực lượng nào của Pars sẽ là bên đầu tiên chiếm lại kinh đô, giành quyền kiểm soát thành Ecbatana?

Phe của vua Andragoras cho rằng :

“Vua Andragoras là vị vua thứ 18 của vương quốc Pars, nên đương nhiên là chủ nhân của Ecbatana. Thái tử Arslan là con của nhà vua, đương nhiên phải tuân theo lệnh vua. Về phần gã đeo mặt nạ bạc đó, hắn chỉ là một tên giả danh hoàng tử Hilmes để xáo trộn tình thế, lợi dụng loạn lạc để cướp ngôi. Hắn không có vai trò gì cả. Dù là kinh đô hay vương quốc, Pars chỉ có một người cai trị, đó là quốc vương đương nhiệm!”

Còn phe hoàng tử Hilmes thì phản bác thế này:

“Hoàng tử Hilmes là con trai vua Osroes, vị vua thứ 17 của Pars và là người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Vua Andragoras là một kẻ ác độc, giết anh mình chiếm đoạt ngai vàng. Ông ta lên ngôi không chính đáng. Đương nhiên ngôi thái tử của Arslan cũng không có hiệu lực. Hoàng tử Hilmes mới là người cai trị đích thực của Ecbatana.”

Có vẻ như hai bên đều có những lý lẽ thuyết phục để khẳng định bản thân. Còn ý kiến của phe còn lại dưới sự dẫn dắt của thái tử Arslan thì sao? Vị quân sư Narsus nói:

“Ai thèm quan tâm? Họ muốn làm gì thì làm.”

Nghe có vẻ như là một câu nói vu vơ nhưng không chỉ đơn giản như vậy. Không nghi ngờ gì, anh ta muốn lợi dụng lúc vua Andragoras và Hilmes tranh chấp với nhau để giành quyền kiểm soát thực sự. Vị quân sư kiêm họa sĩ cung đình này không hề coi tính chính thống về huyết mạch là một lợi thế trong các chiến lược cai trị của mình.

Trước ngày 5 tháng 8, Hilmes đã luôn phải đè nén trái tim đang sục sôi như dung nham của mình. Cuối cùng thời điểm đã tới. Rạng sáng ngày 6, sau khi gián điệp mang về tin tức vua Andragoras và công tước Guiscard đụng độ nhau trên chiến trường, Hilmes liền dẫn toàn quân đi. Guiscard không thể quay về kinh đô được vì hắn sẽ bị vua Andragoras tấn công sau lưng, dẫn đến toàn quân bị diệt.

Sam chỉ huy 3 vạn binh sĩ, di chuyển khắp chiến trường nhanh như một cơn gió. Họ không tiến về phía tây kinh đô Ecbatana, nơi trận chiến diễ ra, mà đi đường vòng quay về phía bắc kinh thành, với sự thận trọng ngàn năm không đổi của Sam. Lúc này, Sam cử 100 kỵ binh bảo vệ khách quý của họ là công chúa Irina, đồng thời dặn cô ẩn náu trong khu rừng cách đó 2 farsang về phía bắc, tránh chiến tranh. Sau đó, khi nhận được báo cáo của Sam, Hilmes chỉ im lặng gật đầu.

Hilmes dự định tiến và Ecbatana một cách đường hoàng giữa thanh thiên bạch nhật. Đúng, hắn sẽ bước vào với phẩm giá và lòng kiêu hãnh. Hắn không phải là kẻ lén lút chiếm đoạt kinh đô, mà phải hiên ngang quay về lãnh địa của mình. Hắn lẽ ra phải cưỡi ngựa qua cổng, đầu ngẩng cao.

Nhưng tiếc rằng phải nói, chỉ với 3 vạn quân thì không cách nào xuyên thủng tường thành Ecbatana. Trước kia lực lượng của Lusitania còn lên tới 4 vạn quân mà còn không chiếm nổi thành khi đối đầu trực diện. Bây giờ Hilmes vừa không có quân vừa không có thời gian, chỉ có một cách duy nhất tấn ôcng thành phố. 10 tháng trước, khi quân Lusitania cố chiếm thành Ecbatana, Hilmes đã dùng một đường ngầm bí mật để đột nhập.

Lần này, Hilmes không tự mình vào đó mà chờ bên ngoài thành. Người phụ trách đột nhập và Zandeh. Với cây chùy có nhiều mũi nhọn trong tay, hắn xông vào đường ngầm cùng 50 chiến binh tinh nhuệ được chọn lựa cẩn thận. Một tay cầm bản đồ do Hilmes vẽ, hắn lội qua đoạn nước sâu tới mắt cá chân. Qua và khúc quanh, hắn bắt đầu nghe tiếng người Lusitania nói chuyện ở phía trước. Đám lính đồn trú từ từ hiện ra trong bóng tối.

Chiếc chùy khổng lồ trong tay Zandeh đập vỡ đầu một tên lính. Máu và nước bắn tóe lên cùng âm thanh chói tai, răng gãy văng khắp nơi. Khi một tên nằm xuống, tên thứ hai đầu chùy giáng thẳng giữa mặt, chịu chung số phận.

Zandeh tiếp tục vung chùy. Vật thể kim loại khổng lồ với nhiều gai sắc nhọn phát ra âm thanh khủng khiếp khi phang vào áo giáp lính Lusitania, khiến khiên giáp vỡ tung, xương gãy, họp sọ nát vụn, máu phun ra từ những lá phổi rách. Dù anh chàng to xác này không giỏi kiếm thuật như Dariun nhưng sức mạnh cơ bắp của hắn có thể nói là thiên hạ vô địch.

“Bắt đầu giết chóc thôi!”

Zandeh hét vào mặt các thuộc hạ, cây chùy trong tay đã ướt đẫm máu người, xoay tròn như chiếc cối xay gió. Thêm một tên lính Lusitania nữa gục xuống.

“Đừng để bất cứ ai sống sót rời khỏi đây!” Zandeh ra lệnh, không phải vì bản chất hắn thích tàn sát mà bởi nếu lực lượng chính của quân Lusitania biết chuyện, kế hoạch sẽ thất bại.

Zandeh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ngay sau đó, một cuộc náo động xảy ra ở cổng thành phía bắc kinh đô. Cánh cổng nặng nề mở ra từ bên trong. Thấy cảnh tượng đó, các hiệp sĩ hoảng hốt chạy xuống bậc thang, nhưng lập tức đụng độ một đoàn binh mã đang ầm ầm tiến vào thành phố. Bọn họ biến sắc.

“Mặt…mặt nạ bạc!”

Một hiệp sĩ Lusitania hét lên, và đó là lời cuối cùng trong cuộc đời chinh chiến của gã. Thanh trường kiếm của Hilmes vung lên giữa không trung, máu phun ra từ cổ gã hiệp sĩ, rồi gã lăn lông lốc xuống bậc thang.

Cuộc tàn sát chính thức bắt đầu. Ngày khủng khiếp nhất của các binh sĩ Lusitania trong thành Ecbatana là đây. Hilmes vung kiếm, và với mỗi tia chớp, máu người Lusitania vấy bẩn các bức tường.

Cổng thành mở rộng hoàn toàn. Thực hiện xong nhiệm vụ, Zandeh lại cầm chùy lên, cùng Hilmes gây ra một trận bão đẫm máu. Một hiệp sĩ người Lusitania bị kiếm đâm vào cổ, khi ngã xuống đã trông thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Hàng vạn quân Pars tràn qua cổng thành, che khuất tầm nhìn của gã.

Bình luận (0)Facebook