Cô gái khóc nhè (3)
Độ dài 2,163 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-29 03:06:53
Trưa hôm sau học xong rời khỏi phòng học, tôi thấy cựu hội trưởng cầm thư đứng bên ngoài đợi mình.
- Ủa? – Tôi ngơ ngác, - Sao anh lại phải đeo găng tay?
- Cho khỏi để lại dấu vân tay. – Anh ấy nói, - Lúc tôi viết thư cũng đeo găng tay mà.
- Anh viết thư khủng bố chắc?
- Không phải. Tôi sợ cô ấy đọc xong lại òa lên khóc, không khéo lại báo cảnh sát ấy chứ. – Anh ấy nói, - Tóm lại nhỡ may có chuyện gì xảy ra, cảnh sát cũng không thể dựa vào lá thư này mà lần ra tôi được.
Tôi mặc xác anh ấy, nói luôn tên bà chị khóc nhè kia cho ảnh nghe.
- Cậu em. – Anh ta nói, - Cậu có thể điền tên cô ấy lên phong bì giúp tôi được không?
- Gì cơ?
- Nếu tôi viết, cảnh sát vẫn có thể lần theo nét chữ để tìm ra tôi.
- Trong thư anh viết một đống như thế, còn thiếu mấy chữ này chắc?
- Oái! – Anh ta vỗ bộp vào trán, - Sao tôi không nghĩ ra nhỉ?
- Hơn nữa nếu có chuyện gì xảy ra, em sẽ ra làm chứng, nói người là do anh giết. Anh trốn không thoát đâu.
Tôi cười cười:
- Anh à, đừng có lo. Không có chuyện gì đâu.
Anh ta đành ngoan ngoãn viết tên bà chị khóc nhè ở dòng người nhận trên phong bì.
Năm giờ chiều tan học, năm rưỡi tôi gọi điện thoại.
- Xin hỏi Lý Thanh Liên có nhà không?
- Chà! Hôm nay gọi điện sớm thế nhỉ.
- Vâng. – Tôi hỏi lại một lần nữa, - Xin hỏi Lý Thanh Liên có nhà không ạ?
- Cậu gặp may đấy, nó ở nhà. – Chị ta nói, - Nhưng tôi muốn nói chuyện trước với cậu, có được không?
- Được chứ. Nhưng chị có cần đi vệ sinh trước không ạ? Để tránh lúc đang nói lại phải ngập ngừng.
- Vớ vẩn!
- Chị à, làm ơn đưa máy cho Lý Thanh Liên. Cảm ơn.
- A lô.
- 15 phút sau mình đợi bạn ở sảnh Hữu Nghị. Được không?
- Được. Đi xe cẩn thận.
Cúp máy xong, vẫn đúng 15 phút tôi sau có mặt tại sảnh Hữu Nghị trong ký túc của em.
Bước vào cửa, tôi đi thẳng tới chiếc ghế trước tivi.
Quả như dự đoán, em ngồi ở đúng chỗ lần trước.
- Ôi? – Thấy tôi em như thoáng giật mình, - Vừa rồi trong điện thoại mình chỉ nói “được” thôi, sao bạn biết mình ngồi chỗ này?
- Mình không đoán theo cuộc điện thoại vừa rồi, mà căn cứ theo thói quen cá nhân của bạn.
- Thói quen?
- Thói quen của bạn chính là không dễ dàng thay đổi thói quen.
- Hửm?
- Thời trung học, bạn luôn ngồi ở phía sau bên trái xe buýt, chưa từng thay đổi. – Tôi cười cười, - Dù sau này chúng ta có gặp nhau bao nhiêu lần, nếu có thể, thì bạn vẫn sẽ luôn ngồi ở vị trí này.
- Coi như bạn đoán đúng. – Em cười cười, - Hôm nay bạn đến để?
- Nhờ bạn chuyển hộ mình. – Tôi đưa thư cho em.
- Sau đó thì sao?
- Mình có thể mời bạn đi ăn tối không?
- Hả?
- Cùng nhau đi ăn tối nhé.
- Được thôi. – Em cười.
Tôi lái xe máy chở em, rồi dừng xe trước một quán cơm bình dân.
- Sao bạn lại chọn quán này? – Em hỏi.
- Ký túc của bạn ở gần cổng sau trường học, ra vào trường chủ yếu bằng cổng sau. Lấy cổng sau làm tâm, ngoài các quán mì và quán ăn nhanh thông thường ra, thì đây là quán bình dân gần cổng trường nhất.
- Tại sao phải chọn quán gần nhất?
- Bởi vì nếu bạn bè tụ tập, chắc sẽ không bỏ qua quán này, cho nên chắc chắn bạn đã từng tới đây. Mình không biết bạn thích quán như thế nào, chí ít là bây giờ chưa biết, nên chỉ có thể chọn quán mà bạn từng đến. Nếu đã từng đến, bạn sẽ thấy quen thuộc hơn, lúc ăn cơm sẽ không cảm thấy căng thẳng.
- Sao bạn biết mình căng thẳng?
- Đây là lần đầu tiên mình mời bạn ăn cơm, mình rất căng thẳng, mình đoán bạn cũng sẽ căng thẳng.
- Bạn căng thẳng lắm sao?
- Từ giây phút mở miệng mời bạn đi ăn cơm, mình đã rất căng thẳng, cho tới tận bây giờ.
- Sao mình không nhìn ra là bạn đang căng thẳng nhỉ? – Em cười, - Mình thấy bạn nói năng trôi chảy lắm.
- Bạn nhìn tay phải của mình đi.
- Có gì đặc biệt đâu. – Em lại cười, - Vẫn đủ năm ngón mà.
- Xe dừng lại được một lúc rồi, nhưng chìa khóa xe mình vẫn cầm trong tay, chưa cho vào túi áo.
- Vậy nên? – Em cúi xuống nhìn tay phải tôi.
- Khi tâm trạng căng thẳng, hai tay thường không biết để vào đâu. Lúc này thứ cầm trong tay sẽ có tác dụng ổn định tâm lý, làm giảm căng thẳng.
- Vậy thì cất chìa khóa đi. – Em mỉm cười, - Đừng căng thẳng, đi ăn cơm thôi.
- Được. – Tôi nhét chùm chìa khóa vào túi.
- Còn căng thẳng không? – Em hỏi.
- Vẫn còn.
- Trùng hợp thật. – Em cười, - Mình cũng thế.
Tôi cảm thấy nụ cười của em còn có tác dụng hơn dùng tay phải nắm chặt chùm chìa khóa nhiều.
Chúng tôi đi vào trong quán, vừa ngồi xuống chưa kịp nhìn cách bố trí bày biện bên trong ra sao, em đã nói;
- Lần đầu mình đến đây là đi ăn cùng bạn cùng tiến, hồi năm ngoái. Sau đó chưa quay lại lần nào.
- Tại sao?
- Bởi vì… - Em hạ giọng, - Mình không thích quán này.
- Hả? – Tôi sửng sốt.
- Thực ra cũng không có gì cả. – Em nói, - Có thể là do bạn mình nói nhiều quá, thậm chí là hơi ồn ào, nên dùng bữa không được thoải mái, khiến cho mình có ấn tượng không tốt với quán này.
- Ồ.
- Lúc vừa vào làm sinh viên năm nhất, đàn chị yêu cầu bọn mình rút thăm chọn bạn cùng tiến, đối tượng là nam sinh khoa khác.
- Ừ.
- Nói là bạn cùng tiến, thực ra là để quen thêm nhiều bạn nam.
- Ừ.
- Bạn sao thế? – Em ngơ ngác, - Sao tự nhiên lại chỉ nói một chữ thế?
- Chẳng phải bạn không thích con trai nói nhiều sao?
- Bạn thì khác. – Em mỉm cười, - Hơn nữa bạn cũng đâu có nói nhiều.
- Thực ra bình thường gần như mình không mở miệng, thật sự nói rất ít, hồi nhỏ suýt chết đuối cũng không muốn mở miệng, gắng gượng hết ba phút mới kêu cứu. Lúc được cứu lên bờ, thà quỳ xuống khấu đầu, cũng không muốn mở miệng nói cảm ơn.
- Tốt nhất là như thế. – Em bật cười.
- Bạn cùng với anh chàng bạn cùng tiến kia, sau này thế nào?
- Sau đó cậu ta thường kiếm cớ hẹn mình ra ngoài, mình tế nhị từ chối mấy lần, rồi không hẹn mình nữa. – Em nói, - Nhưng Valentine năm nay cậu ta nhờ người tặng mình một con cánh cụt đồ chơi.
- Cánh cụt đồ chơi?
- Là con chim cánh cụt chỉ cần ấn vào cánh là sẽ rống lên hát ấy. – Em cười méo xệch, - Ồn chết đi được.
Nhìn vẻ mặt nhăn nhó khổ sở của em, tôi không nhịn được bật cười.
- Bạn đừng hiểu lầm nhé.
- Hiểu lầm gì cơ?
- Mình không có ý khoe khoang đâu.
- Ừ. – Tôi gật đầu, - Mình biết.
- Mình cũng không nên bình luận về bạn cùng tiến của mình trước mặt bạn, như thế chẳng hay ho chút nào. – Em le lưỡi, - Bạn cứ coi như mình chưa nói gì nhé.
- Được.
Tôi bất giác nhớ lại việc cùng ăn chocolate với Dương Ngọc Huyên trước cửa ký túc nữ dịp Valentine năm nay, khi đó cô ấy nói mời tôi ăn chocolate người khác tặng hình như không được hay ho cho lắm.
Cô ấy cũng nói hy vọng tôi không hiểu lầm rằng cô ấy đang khoe khoang.
Hình như tôi lại hiểu ra rồi, sở dĩ có cảm giác Dương Ngọc Huyên và cô gái hoa dành dành rất giống nhau, có lẽ là vì họ đều dịu dàng tao nhã như nhau.
- Bạn có nhớ hoạt động tin nhắn tình yêu trên xe buýt hồi cấp ba chứ?
- Nhớ.
- Người viết viết nên những dòng tự sự đơn giản, ấm áp, nhưng lại không bận tâm tới việc có được lắng nghe hay không. – Em nói, - Mình cảm thấy hoạt động như vậy rất hay. Bạn thấy sao?
- Có lẽ vậy. – Tôi nhớ lại tấm thiệp tình yêu của mình, tai bắt đầu nóng rực lên.
- Có phải bạn cũng đã viết tin nhắn tình yêu?
- Khụ.. – Chắc mặt tôi đỏ nhừ rồi, - Ừ.
- Xin lỗi. – Em nói, - Mình không nên hỏi.
- Mình trả lời thật lòng rồi bạn mới nói.
- Bởi vì bạn trả lời thật lòng nên mình mới biết là không nên hỏi mà. – Em bật cười.
Lần này đến lượt tôi cười khổ.
- Thế bạn viết cho ai?
- Bạn nghĩ trước xem câu hỏi này có nên hỏi không.
- Nên hỏi. – Em nói, - Bởi vì chắc chắn bạn sẽ không thành thật trả lời.
- Chuyện này… - Tôi lưỡng lự, - Sau này bạn sẽ biết là mình viết cho ai.
- Có lẽ trước đây mình đã biết rồi. – Em cười cười.
- Trước đây?
Em không đáp, chỉ cười đầy ẩn ý.
Mặc dù có ấn tượng sâu sắc với tấm thiệp tin nhắn tình yêu kia, nhưng sau khi viết xong tôi không nhìn thấy nó nữa. Giờ có lẽ nó đã biến thành rác vùi sâu trong lòng đất, hoặc đã bị đốt thành tro bụi rồi.
Sau này nếu có cơ hội nói cho em biết, tôi đã từng viết tin nhắn tình yêu cho em, liệu rằng em có tin?
Đã mất tăm mất tích không chứng cớ gì, có lẽ em chỉ nửa tin nửa ngờ thôi.
Cô gái hoa dành dành ơi, cho dù tấm thiếp tình yêu kia có biến mất vì bị chôn vùi hay thiêu đốt, nhưng ký ức tuổi 17 gặp em, chắc chắn sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi.
- Quán ăn này không tệ. – Lúc chuẩn bị ra về, em nói.
- Chẳng phải bạn nói không thích quán này sao?
- Đó là trước đây. – Em nói, - Giờ mình bắt đầu thích nó rồi.
- Thật không?
- Ừ. – Em cười, - Sau này nếu chúng ta cùng đi ăn cơm, thì hãy tới đây nhé.
- Được.
Lá thư đầu tiên của cựu hội trưởng hình như hiệu quả rất khá, bởi vì anh ấy viết tổng cộng ba lá.
Cũng vì thế mà tôi ăn cơm ba lần với cô gái hoa dành dành, đều ở quán cơm bình dân đó.
Trong quá trình gọi điện hẹn em, thái độ nghe điện thoại của bà chị khóc nhè càng lúc càng bình thường hơn.
Cảm giác căng thẳng khi ăn cơm cùng em cũng càng lúc càng mờ nhạt.
Nhưng chỉ cần một nụ cười hay một câu nói của em, cảm giác căng thẳng của tôi hoàn toàn tan biến.
- Xin hỏi Lý Thanh Liên có nhà không?
- Có. – Bà chị khóc nhè nói, - Xin đợi một lát.
Tôi sững người, chưa từng nghĩ rằng một câu xin đợi một lát đơn giản lại có thể khiến người ta xúc động như vậy.
Tới lúc cô gái hoa dành dành a lô nghe điện thoại, tôi mới hoàn hồn.
- Hình như cuối cùng mình không cần phải vượt qua năm sáu ải nữa rồi. – Tôi nói.
- Ừ. – Em cười, - Tốt thật.
- Hôm nay mình không đưa thư hộ ai, chỉ đơn giản là muốn nói chuyện với bạn thôi.
- Vậy gặp nhau rồi nói. – Em nói, - Vẫn 15 phút sau gặp nhau ở sảnh Hữu Nghị chứ?
- Ừ.
- Đi xe cẩn thận.
Trèo lên xe, tiến về phía có em, cảnh đêm ven đường thật dịu dàng và nên thơ.
Đến trước cửa sảnh Hữu Nghị, mới đi được 5 bước, đã bắt gặp ánh mắt em đang quay đầu nhìn sang.
Em mỉm cười, tôi như có thể ngửi thấy mùi hương nhàn nhạt đang tỏa ra từ nụ cười của em.
Tôi bất giác dừng lại, lẳng lặng ngắm nhìn em, quên cả cất bước, cũng quên không mỉm cười đáp lại.
Tôi thật sự thích em, tôi cảm nhận điều này một cách sâu sắc.
Rất sâu rất sâu, sâu thẳm như biển khơi.