Chương 21: Lớp bên ngoài
Độ dài 3,625 từ - Lần cập nhật cuối: 2024-10-26 11:15:20
Để thiết kế một sơ đồ áo giáp cho một chiếc chiến cơ cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Ves thực sự ấn tượng với khả năng của chàng trai trẻ Jason Kozlowski đã thiết kế một sản phẩm vừa hoành tráng vừa hoạt động đúng như mong đợi. Đương nhiên, anh sở hữu vô số nguồn lực và trợ giúp khác nhau. Với khả năng xử lí và gia công áo giáp tiên tiến, Jason có thể dễ dàng sắp xếp các tấm áo giáp một cách tối ưu và giảm thiểu khoảng trống giữa từng lớp.
Ves đời nào có thể sở hữu một căn phòng đầy ắp các bộ xử lí tinh vi để tính toán các vấn đề hóc búa như vậy, nhưng Hệ Thống Thiết Kế Chiến Cơ lại mang đến lợi thế riêng của nó. Hệ Thống có thể thực hiện một vài mô phỏng để quan sát liệu một vài bộ phận trên chiến cơ có thể chống lại tia laser hoặc các loại vũ khí khác hay không. Nó cũng mô phỏng khả năng sát thương tối đa của chiến cơ. Và nó thậm chí còn sở hữu công cụ hướng dẫn cách vô hiệu hóa chiến cơ bằng cách tối ưu nhất nữa.
Việc sử dụng những công cụ hỗ trợ này đã giúp Ves tiết kiệm được rất nhiều công sức. Cùng với kỹ năng phụ Tối Ưu Hóa Giáp Hạng Trung I, cậu đã có đủ năng lực để bắt tay vào công đoạn luyện giáp. Thay vì sao chép các đường viền bên ngoài như áo giáp của Jason, Ves quyết định loại bỏ phần lớn sắc nét riêng của anh ta và chỉ giữ lại một phần ở mức tối thiểu, chỉ đủ để giữ lại những giải pháp khéo léo mà Jason và trợ thủ của anh ta đã giúp bảo vệ các khớp nối trên chiến cơ.
Cậu bắt đầu từ phần chân trước. Đối với chiến cơ, đôi chân không chỉ dùng để di chuyển, chúng còn đảm bảo chiến cơ luôn ổn định và thăng bằng. Mặc dù động cơ của chiến cơ dành phần lớn công suất để hỗ trợ đôi chân, nhưng đôi chi này còn phải chống đỡ toàn bộ trọng lượng cộng với lớp giáp của chiếc cơ nữa. Chúng cực kì quan trọng với khả năng vận hành của chiến cơ. Chỉ cần phá hủy một chân thôi cũng đủ để vô hiệu hóa cỗ máy rồi, và cũng không khác gì bị đánh bại trên chiến trường. Thế nên bảo vệ đôi chân luôn là ưu tiên hàng đầu.
Chiếc Caesar Augustus sở hữu một bộ giáp xa xỉ ngay trên đôi chân của nó. Công ty Động Học Hàng Không Quốc Gia đúng chuẩn là chuyên gia về kinh doanh với cách họ tự phát triển loại áo giáp độc quyền của mình. Nó cung cấp khả năng phòng thủ tuyệt vời với trọng lượng vừa phải. Bây giờ Ves phải tìm cách bảo vệ đôi chân của Marc Antony mà không lắp quá nhiều lớp giáp lên nó, nếu không thì ắt sẽ làm giảm tính linh hoạt và tốc độ của chiến cơ.
“Chiếc Marc Antony là một ngọn giáo đâm xuyên qua chướng ngại vật. Nó cần cơ động hơn là áo giáp. Đôi chân của nó phải thật linh hoạt tìm cơ hội tấn công. Chúng không cần phải quá nhanh nhẹn. Chiếc Antony không cần phải giả vờ là một chiến cơ hạng nhẹ.”
Chiếc Marc Antony phô trương bộ giáp dày hơn một chút, đặc biệt là ở trục phía trước của nó. Mặc dù lựa chọn này khiến cho đôi chân dễ bị hư hại từ những đòn tấn công phía sau, nhưng nó vẫn có thể chống đỡ 75% sát thương so với mẫu nguyên bản. Mức phòng thủ như vậy đã là quá tuyệt vời nếu tính đến sự chênh lệch khổng lồ về giá thành giữa bộ giáp HRF cậu mới nhận và bộ giáp nguyên bản.
Kế đến là phần thân. Đây là cốt lõi của bất kì chiến cơ nào, là nơi có nhiều không gian dành cho các hệ thống thiết yếu của nó. Buồng lái, lò phản ứng và động cơ đều nằm bên trong phần thân, dẫn đến tầm quan trọng vô song trong việc bảo vệ khu vực này, đặc biệt là khả năng che chắn cho phi công của nó.
Chiến cơ thì khá đắt tiền, nhưng phi công thì còn hiếm hơn thế nữa. Chỉ có 3,5% tổng dân số nhân loại mới có tiềm năng điều khiển chiến cơ, nhưng không phải ai trong số họ cũng chủ động theo đuổi sự nghiệp quân sự. Ai cũng có thể bỏ ra đủ hiện kim để mang về một chiếc chiến cơ cho mình, nhưng số lượng phi công luôn là một nguồn lực hạn chế và khó mà nhanh chóng bổ sung vào quân lực. Cho nên mọi quốc gia luôn có chính sách nhất phi công nhì chiến cơ. Thế nên mọi sơ đồ áo giáp đều phản ánh nhu cầu này, khiến nó trở thành phần dày nhất trên chiến cơ của họ.
Để luôn bắt kịp với ý định mô phỏng ý chí bất khuất của chiếc Marc Antony, Ves bắt đầu thiết kế phần thân của nó táo bạo hơn trước. Cậu vẽ nên những đường nét hung hãn có chút phản ánh sơ đồ của Jason, nhưng cậu lắp thêm giáp ở phần thân dưới và lược bớt một chút giáp ở phần thân trên.
Phần thân trước của chiến cơ thường sẽ được đặt buồng lái cùng một vài bộ phận tinh vi lắp đặt bên cạnh. Được bao quanh bởi đôi vai và cánh tay của chiếc chiến cơ bọc thép hạng nặng, người ta khó mà tháo rời buồng lái khỏi chiếc chiến cơ này. Phần thân dưới được lắp lò phản ứng và động cơ. Vị trí trung tâm của hai bộ phận này đảm bảo mọi cơ quan đều được cung cấp năng lượng và lực đẩy như nhau. Đương nhiên, không phải tất cả chiến cơ đều tuân theo mô hình này. Một vài chiến cơ hạng nhẹ như là chiếc Fantasia 2R còn có thể hoán đổi vị trí các bộ phận xung quanh nữa.
Ở trường hợp của chiếc Marc Antony, Ves quyết định việc giữ cho động cơ và lò phản ứng hoạt động là ưu tiên hàng đầu. Độ cơ động của chiến cơ không được phép bị ảnh hưởng. Buồng lái vẫn được bảo vệ đầy đủ, nhưng không đến mức xa xỉ như mẫu nguyên bản. Khả năng bảo vệ ở mặt tiền của buồng lái bị giảm đến 50%, một kết cục không thể tránh khỏi do lớp giáp HRF không sở hữu các chức năng đặc biệt khác. Việc sắp xếp quá nhiều tấm áo giáp chất chồng lên nhau không chỉ lãng phí ngân sách áo giáp của Ves, mà nó còn có nguy cơ làm mất cân bằng cho cỗ máy nữa.
Tuy nhiên, nếu xét đến chi phí giảm thiểu của bộ HRF, thì đó là cái giá xứng đáng trong một số trường hợp.
Ves chỉ dành một ít thời gian cho phần thân sau, đủ để làm dày nó lên một chút. Chiếc Caesar Augustus sở hữu lớp giáp hậu dày trên mức trung bình, nhưng nếu Ves thay thế nó với lớp HRF với cùng độ dày, cậu sẽ khiến cho phần lưng của chiếc Marc Antony trở nên trơ trụi đến mức nguy hiểm. Cậu không còn cách nào khác ngoại trừ tăng cường thêm giáp phía sau, trong khi lựa chọn kết hợp với một số góc độ thích hợp để làm chệch hướng đạn bắn về phía buồng lái hoặc động cơ, nhưng về mặt khác thì cậu vẫn giữ nguyên như cũ.
Phần bả vai được chú ý đặc biệt. Chiếc CA-1 của Jason được lắp đặt hệ thống phóng tên lửa tầm xa trên vai của nó. Chả có gì bất thường khi nhà thiết kế chiến cơ muốn đưa ra giải pháp tầm xa để khắc phục nhược điểm của chiến cơ trong lĩnh vực đó, nhưng rõ là Jason chỉ làm cho có lệ. Chiếc Caesar Augustus không phải là chiến cơ chuyên dụng dành cho các cuộc giao tranh kéo dài ở tầm xa, cho nên nó không đủ chỗ để mang theo tên lửa dự trữ. Nói ngắn gọn, bệ phóng chỉ bắn tên lửa hết trong ống đựng để rồi biến thành một đồ trang trí vô dụng.
Cậu đã cân nhắc đến việc loại bỏ nó. Ừ thì, bệ phóng cũng khá nhỏ và nhẹ cân, và cũng không cản trở đến khả năng di chuyển là nhiêu. Mặt khác, nó chỉ bổ sung thêm hỏa lực cỏn con cho loạt đạn ban đầu, nhưng rồi lại thêm vào một loạt hệ thống khác nhau cho chiến cơ khiến cho áp lực hậu cần trở nên nặng nề hơn, khó mà biện hộ cho được.
“Ừ thì, đâu phải ai cũng muốn dùng tên lửa đâu. Họ có thể dễ dàng đổi sang vũ khí khác thích hợp hơn mà.”
Ngày nay, hệ thống tên lửa cũng đã được tiêu chuẩn hóa hơn rất nhiều so với trước đây, một thời mà các nhà sản xuất cứ phát minh đủ dạng tên lửa khác nhau để độc quyền kinh doanh tái nạp tên lửa của riêng họ. Bệ phóng tên lửa mà Jason sử dụng xuất nguồn từ một nhà sản xuất uy tín, cho nên nó có thể sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau. Tên lửa tầm ngắn hơn tuy thiếu khả năng dẫn đường nhưng lại mang sức hủy diệt khá lớn, và mang lại kết quả chiến lược nếu được sử dụng đúng thời điểm.
Cậu dành nhiều thời gian để tinh chỉnh phần thân trước khi chuyển sang cánh tay. Hầu hết các chiến cơ nhân dạng đều sử dụng cánh tay để cầm vũ khí chính. Chúng cần được bảo vệ trước hỏa lực địch do chúng đóng vai trò thiết yếu trong việc phản kích và tấn công. Nhưng chúng cũng cần phải đủ nhanh nhẹn để sử dụng vũ khí của mình một cách trơn tru như cánh tay thật của con người.
Về việc sử dụng vũ khí, các nhà thiết kế chiến cơ thường lựa chọn từ ba phương án khác nhau. Một là giữ cho các cánh tay có khớp nối như của con người, giúp chiến cơ sử dụng vũ khí cầm tay như súng lục và súng trường. Việc thiết kế cánh tay chiến cơ bắt chước chức năng sinh học của cánh tay con người mang tầm quan trọng khổng lồ, với tiêu chuẩn đôi khi phải đạt sự đồng bộ lên đến 99%. Điều này cho phép các xạ thủ khai hỏa vũ khí của họ chính xác nhất có thể, như khi dùng chính tay họ để bắn mà không cần phụ thuộc vào hệ thống hỗ trợ ngắm và các thiết bị dẫn đường khác. Đôi lúc việc này có thể mang lại lợi thế đáng kể trong chiến trường.
Một cách khác là lắp đặt vũ khí vào cổ tay. Tuy chúng thường nhỏ hơn và yếu hơn vũ khí chính cầm tay, nhưng nó giúp cho cánh tay tự do sử dụng vũ khí khác, đồng thời cung cấp thêm hỏa lực mà không ảnh hưởng nhiều đến trọng lượng và khả năng chuyên chở. Tuy nhiên, những hệ thống vũ khí đó cần được cung cấp năng lượng hoặc từ các nguồn lực khác từ cơ thể. Đáp ứng cho nhu cầu này đồng nghĩa với việc làm suy yếu cánh tay từ bên trong và tạo ra nhiều điểm yếu hơn. Vũ khí cổ tay cũng làm cánh tay mất cân bằng và khiến cho khả năng sử dụng vũ khí cầm tay kém chính xác hơn.
Cách thứ ba, là cách cực đoan nhất trong việc sử dụng cánh tay chính là thay thế bì cẳng tay trong hoặc toàn bộ cánh tay để lắp đặt vũ khí chuyên dụng. Cách này không cho phép chiến cơ sử dụng vũ khí bên ngoài nữa, nhưng giờ nó chỉ có một vũ khí cường kích được cấy vào cơ thể chiến cơ một cách ổn định. Các thiết kế gia thường coi những mẫu thiết kế này như đang cố gắng biến xe tăng thành chiến cơ vậy. Những giải pháp như thế thường được áp dụng rộng rãi trong các chiến cơ tiền tuyến sản xuất hàng loạt. Các Quân Đoàn Chiến Cơ thường tận dụng số lượng lớn các chiến cơ được thiết kế đồng bộ với nhau và cũng có nhiều nhu cầu lắp đặt vũ khí cỡ nòng lớn vào chính cánh tay của chiến cơ họ.
Trong trường hợp của chiếc Caesar Augustus, Jason đã sử dụng vũ khí cổ tay. Khẩu pháo laser thực sự là một vũ khí chất lượng cao ngay cả ở thế hệ hiện tại. Chúng mang lại khả năng công kích tầm gần và trung miễn là chiến cơ vẫn cung cấp năng lượng cho nó. Đúng là pháo laser có xu hướng làm chiến cơ quá nhiệt, cộng với bộ HRF thay thế cho áo giáp chịu nhiệt của mẫu nguyên bản, chiếc Marc Antony giờ đây còn chịu nhiệt kém hơn nữa. Ves chỉ có thể điều chỉnh cài đặt mặc định của khẩu pháo xuống mức thấp hơn bình thường, cho phép nó hoạt động lâu hơn một chút.
Mẫu nguyên bản sử dụng kiếm và khiên làm vũ khí cận chiến, làm giảm thiểu nhu cầu khớp nối, cho nên Ves liền vui vẻ tăng cường giáp cho cánh tay để cải thiện phòng thủ và khả năng hấp thụ nhiệt. Việc này khiến cho cánh tay bị cứng đơ hơn trước, nhưng Ves không đặt nặng yêu cầu chuẩn xác cho lắm. Các khẩu pháo laser vẫn hoạt động hiệu quả ở tầm trung, và chỉ gặp chút vấn đề ở tầm gần do chiến cơ hạng nhẹ khác có thể quay vòng ra sau nhanh hơn so với khả năng xoay của chiếc Antony.
Thế là Ves chỉ cần lo đến vũ khí chính. Chiếc khiên nặng cân làm từ cùng vật liệu với áo giáp có thể chịu đòn tốt với trọng lượng có thể chấp nhận được. Còn thanh kiếm anh dũng kia sở hữu đủ công lực để chém xuyên áo giáp kẻ thù đã được gia công hơi khác một chút ở cuối quá trình sản xuất.
Ves không tài nào giữ vẹn nguyên thiết kế của chiếc khiên được. Nó phòng thủ quá yếu so với trọng lượng quá khổ của nó. Ở mức này, Ves chỉ có thể tăng hoặc giảm kích thước của tấm khiên mà thôi.
“Bộ HRF cũng rẻ, hay là mình biến tấm khiên thành trang bị dùng một lần nhỉ. Mục tiêu chính của Marc Antony là khả năng đột kích kẻ thù và xuyên thủng phòng tuyến của địch, vậy mình nên làm nó dài và dày hơn một chút.”
Với công cụ hữu ích của Hệ thống, cậu liền tái thiết kế tấm khiên diều cồng kềnh của mẫu nguyên bản thành một chiếc lăng khiên dài và dày hơn một chút. Lấy cảm hứng từ trang bị của lịch sử La Mã cổ đại, Ves mô phỏng chiếc khiên biểu tượng hình chữ nhật cong tại bốn góc. Khi chiếc khiên được cầm lên ở tư thế sẵn sàng, nó có thể bao phủ gần như toàn bộ chiều dài của chiến cơ, bảo vệ nó từ đầu gối cho đến nửa dưới cái đầu của nó. Cái chiều dài cụ thể này giúp mép dưới của tấm khiên không bị va vào mặt đất và đồng thời tránh che khuất tầm nhìn ở mép trên của tấm khiên.
Hóa ra tấm khiên lại cực kì nặng và khó có thể di chuyển, nhưng nó cũng có thể bảo vệ đa phần chiến cơ ở đằng sau cho nên cũng không cần phải di chuyển gì nhiều cho lắm. Cũng vì nó được làm từ bộ HRF rẻ tiền, nên phi công cũng không cần ngần ngại mà vứt bỏ nó nếu nó đã bị hư hại nặng hoặc nếu họ cần bứt tốc lập tức. Ves cực kì hài lòng với kết quả cuối cùng. Chiếc lăng khiên chữ nhật phù hợp với bộ binh hơn là kỵ binh, nhưng Ves không buồn phân biệt mâu thuẫn này. Cậu chỉ mượn chủ đề La Mã cổ đại để khiến cỗ máy của mình trông ngầu lòi hơn mà thôi.
Về phần vũ khí, bộ HRF không đủ tiêu chuẩn để làm nguyên liệu luyện kiếm cho chiến cơ. Thành phần của nó chủ yếu tập trung vào phòng thủ chính diện, và nó cũng không thể tạo ra lưỡi kiếm phù hợp để đúc kiếm. Nó cũng dễ bị gãy hơn nhiều với tác động mạnh. Cậu hoặc phải đổi sang vũ khí khác hoặc là để tay không đánh mông địch.
“Bộ HRF chỉ được cái rẻ.”
Ves lại tiếp cận vấn đề như tấm khiên vừa nãy. Cậu tăng thêm lượng nguyên liệu vào vũ khí chính và cũng không thèm rèn lưỡi kiếm làm gì. Cuối cùng cậu có được một cây chùy ngắn với cái đầu tròn đầy cồng kềnh. Do chiếc chiến cơ đã gánh khá nhiều trọng lượng từ áo giáp và tấm khiên của nó nên Ves từ chối thiết kế thứ gì khác lớn hơn như búa hay quyền trượng. Bất chấp vẻ ngoài đơn giản của nó, nó vẫn có thể gây sát thương đáng kể nếu phi công dồn sức vào đòn tấn công của mình.
“Chán thiệt chứ. Mà xui, mình cũng có đủ tiền mua giấy phép khác đâu.”
Kể cả giấy phép ảo đi nữa thì nó cũng quá sức đối với Ves. Cậu phải tích trữ tiền để chuẩn bị sản xuất một chiến cơ thực sự.
Bây giờ chỉ còn lại phần đầu thôi. Đối với chiến cơ hiện đại, thì phần đầu chứa các cảm biến tốt nhất của chiến cơ. Nó có hơi vô lí khi đặt bộ phận quan trọng như vậy ở vị trí như thế. Nó quá là nổi bật. Tuy nhiên, đa số chiến cơ dạng người đều giữ lại phần đầu vì phi công phần lớn đều thích tầm nhìn chính của họ từ trên cao như vậy. Những chiến cơ khác không có phần đầu và cảm biến của nó bị chuyển xuống phần thân đều được gọi là Pangu, và chưa bao giờ được ưa chuộng trên thị trường.
Chiếc Caesar Augustus có thiết kế trang trí phần đầu khá là công phu, phù hợp với tính thẩm mỹ của Jason. Nó được lắp đặt với các cảm biến khá xịn xò ở đằng sau một lớp giáp và lớp “trang điểm” vừa đủ để tránh bị trúng đạn lạc. Ves không dám táy máy với phần đầu cho lắm, nhưng cậu tạo thêm điểm nhấn cho nó bằng cách thêm một cái mũ chiến binh với chòm lông mào thẳng đứng, giống như loại mũ La Mã và Hy Lạp ngày xưa họ đội vậy.
Để bổ sung thêm nét chấm phá cho bộ lông vũ trên đầu, Ves gắn thêm Máy Phun Mây Lễ Hội vào phần cổ của chiếc mũ. Với một chút sáng tạo với hệ thống ống phun hơi, cậu đảm bảo hơi nước màu đỏ sẽ phun ra từ đỉnh đầu một cách đồng đều. Cậu lập trình cho chiến cơ cung cấp đủ năng lượng để nó phun ra hơi nước theo hình bán nguyệt trong gió kể cả khi cỗ máy có di chuyển xung quanh.
Sau khi hoàn thành phần bên ngoài, Ves lùi bước và ngắm nhìn toàn bộ chiến cơ. Nó đồng bộ với hình ảnh Ves hình dung cho Marc Antony. Một chiếc chiến cơ hạng trung mang tấm khiên hạng nặng để tạo tiền đề đối đầu, đột kích và tả xung hữu đột. Chiến cơ có thể vứt bỏ tấm khiên để lấy lại độ cơ động, tăng cường sự linh hoạt trong cận chiến và để trống một tay để cầm một khẩu súng lục hoạc dao tác chiến dự phòng.
Bất chấp hàng giờ loay hoay với lớp giáp và tìm cách sắp xếp tốt nhất cho nó, Ves vẫn tận hưởng toàn bộ quá trình với sự hăng hái của một đứa trẻ đang chơi một món đồ chơi mới vậy. Cùng với nhiều công cụ của Hệ Thống, nó giúp cậu bớt lãng phí thời gian với những tính toán nhàm chán kia, mà thay vào đó dành nhiều thời gian để sử dụng óc sáng tạo để thiết kế một mẫu chiến cơ đầy táo bạo. Tác phẩm của cậu đã là hiện thân của ý định của Ves, thể hiện sự hung hãn, sung sức, bùng nổ thể chất và một chút khoa trương.
Mặc dù Ves suy nghĩ rằng quá trình lắp đặt áo giáp sẽ là công việc khó nhằn nhất, nhưng phương pháp truyền tải ý định của cậu trong khi áp dụng nhiều giải pháp cho thiết kế của riêng mình cũng đã được đền đáp. Cậu khá chắc người khác có thể làm tốt hơn nhiều, nhưng cậu cũng đã rất nỗ lực để tự tin nói rằng mình đã không lãng phí thời gian vừa qua.
“Giờ thì, tới lúc quay lại với dây nhợ bên trong rồi.”