Arslan Chiến ký
Tanaka Yoshiki
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Hồi 3 : Hai cuộc đào thoát (1)

Độ dài 2,071 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-09-02 23:25:45

Ecbatana đẹp tươi.

Hoa thơm từ đất mẹ.

Khiến ta quên mọi đau thương trên đời.

Người đến người đi như mây trôi.

--Thơ tứ tuyệt số 1029, tác giả giấu tên--

Không chỉ Pars, những nhà thơ nước ngoài cũng dành nhiều lời ca tụng sự phồn vinh của Ecbatana. Có những người già đã đi cả chặng đường xa, tích góp của cải nửa đời để đến định cư tại thành phố này. Hàng hóa của cải, văn hóa nghệ thuật của cả phía đông và phía tây đều tụ hội tại đây. Nào trà nào rượu, giấy, len, lụa, ngọc, vàng, bông, gai dầu….được thương nhân bốn phía mang tới. Buôn bán xong, người người uống rượu hát ca, yêu đương, nhảy múa thỏa thích, tận hưởng mật ngọt đêm ngày.

Bản thân Pars cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất cập, nhưng sự phong phú và vẻ đẹp tổng thể che lấp đi những khiếm khuyết ấy. Dù sao thì tranh giành quyền lực, âm mưu chốn cung đình, phân biệt giai cấp…đâu chỉ tồn tại ở Pars mà nước nào cũng có. Dù đâu đây vẫn có những tiếng nói phê phán sự bất công, nhưng đa số mọi người đều được hưởng sự trù phú và tự do của đất nước này.

Trước năm 320 theo lịch Pars, Ecbatana là một thành phố giàu có, xinh đẹp. Nhưng kể từ khi kỵ binh Pars được xem là bất khả chiến bại bị tiêu diệt trên bình nguyên Atroptene, Ecbatana tiêu điều suốt mùa đông giá lạnh. Quân Lusitania xâm lược, đốt phá nhà cửa, tịch thu tài sản, cướp bóc lương thực, tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ… Bọn họ hoàn toàn không có hiểu biết về vệ sinh hay quy hoạch đô thị. Họ phóng uế bừa bãi ở hành lang hay dọc đường, say rượu thì nôn mửa khắp nơi, phố phường sặc mùi hôi hám.

Nhưng sự kiêu ngạo của người Lusitania chỉ tồn tại nửa năm trước khi gánh chịu thất bại nặng nề.

Vua Andragoras đệ tam của Par từng bị giam trong ngục tối sau khi bại trân ở Atropatene, nay đã thoát ra ngoài. Nếu chỉ thế thôi cũng không sao, nhưng gay go nhất là ông đã bắt được một con tin quan trọng. Con tin này chính là công tước Guiscard, em trai vua Lusitania. Guiscard có thể goi là rường cột quốc gia này, danh tiếng và uy quyền của hắn vượt xa người anh bất tài, Innocentius đệ thất. Không có Guiscard, Lusitania dần rơi vào cảnh khốn cùng.

Dù Andragoras anh dũng vô song cũng không thể nào một mình đương đầu đại quân Lusitania. Muốn an toàn trước mũi kiếm của hàng vạn binh lính, ông ta buộc phải giữ Guiscard bên mình để uy hiếp. Điều đó cũng có nghĩa tính mạng Guiscard tạm thời không bị đe dọa.

Đối với người Lusitania, sự yên ổn hiện nay là điều họ khao khát nhất.

Sau khi rời khỏi quê nhà, họ đã tiến hành một cuộc viễn chinh kéo dài và gian khổ, rất nhiều máu đã đổ xuống. Cuối cùng, Lusitania đã chinh phục được Maryam và Pars. Dù động thái này gây ra bao nhiêu đau thương nhưng với người Lusitania thì đó là vinh quanh vô hạn, là quả ngọt sau những tháng ngày nếm mật nằm gai. Nếu dừng lại lúc này, họ sẽ không còn đường lui nữa. Xứ Pars trù phú là nơi ta không ăn thịt ngươi thì ngươi ăn thịt ta. Để tránh rơi vào kết cục ấy, họ phải cứu Guiscard cho bằng được.

Với cá nhân Innocentius đệ thất, Guiscard là người em trai không thể thiếu bởi hắn sẽ giải quyết thay ông ta bất cứ vấn đề gì. Từ khi còn nhỏ, mỗi lần Innocentius nói “Làm sao đây? Làm thế nào bây giờ?” Guiscard sẽ lập tức hóa giải nỗi lo ấy. Dù hắn có hay phàn nàn, hay cau có nhưng cuối cùng cũng sẽ ổn thỏa hết thôi. Không có gì đứa em này không làm được.

Nếu không nhờ sách lược tài tình của Guiscard, Lusitania sẽ vĩnh viễn là một nước nghèo phía tây bắc lục địa. Các cận thần và tướng lĩnh đều biết rõ điều đó nên không ai ngoài Guiscard giám tranh đoạt binh quyền.

Bởi vì không cần thiết.

Khi hai tướng Monferrat và Baudin tiếp quản một phần quân đội từ tay em trai nhà vua và chuẩn bị cho trận chiến với hoàng tử Arslan xứ Pars, họ liền vấp phải khó khăn. Trước khi chiến đấu với kẻ thù bên ngoài, họ phải ứng phó với kẻ thù bên trong.

“Nhất định phải giải cứu điện hạ. Nếu không, Lusitania sẽ tan tành như bọt biển ở cái xứ xa lạ này, không còn lại gì hết. Dù có liều cả tính mạng cũng phải làm.”

Montferrat nói, và Baudin gật đầu đồng ý. Trước tiên, họ cử một đạo quân lớn bao vây cung điện nơi Andragoras và hoàng hậu Tahamine đang ẩn náu. Tuy nhiên, công việc tiếp theo lại chẳng hề dễ dàng.

Họ phải làm sao khi bên trong cung điện thì bị Andragoras kiểm soát, còn bên ngoài quân Pars liên tục tấn công? Nghĩ tới đây, cả Montferrat và Baudin đều không khỏi kinh hãi. Nếu thế thì toàn bộ quân đội Lusitania sẽ bị tiêu diệt trên đất khách ư? Và những vinh quang tích lũy được sau cuộc viễn chinh gian khổ sẽ như lâu đài cát trước thủy triều? Ẩn dụ của Montferrat không hề cường điệu.

Tóm lại, giờ họ chỉ có hai lựa chọn. Một là bỏ mặc em trai đức vua, hai là tìm mọi cách cứu hắn ta.

Nếu chọn phương án thứ nhất thì đơn giản rồi. Dù Andragoras thiện chiến đến mấy cũng không thể một mình địch lại 30 vạn quân Lusitania. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Lusitania không thể làm như thế. Cho nên mọi chuyện lại rơi vào bế tắc.

Lúc này, người đáng lẽ phải đứng ra chỉ đạo chiến dịch giải cứu phải là vua Innocentius đệ thất, anh trai con tin. Thế nhưng nhà vua sùng đạo chỉ biết trốn trong phòng, cầu nguyện các thần linh, không đưa ra biện pháp đối phó nào cả. Montferrat và Baudin đã không buồn để ý tới nhà vua từ lâu, nên không phát hiện một người mặc áo choàng xám đen đã lẻn vào phòng ông ta như một cái bóng. Baudin bồn chồn nói với Montferrat.

“Rốt cuộc thần linh đang làm cái quái gì vậy? Có phải Yadabaoth trơ mắt nhìn những con chiên Lusitania ngoan đạo phải chịu dày vò?”

Với người Lusitania, câu nói trên là cấm kị. Nhưng khi nghĩ tới tình cảnh trước mắt và sự bất lực của bản thân, khó trách người ta sinh lòng oán giận các vị thần.

Mình bị bắt làm con tin bao lâu rồi nhỉ? Guiscard hoàn toàn mất khái niệm về thời gian. Một công tước danh giá, một quý ông trong mộng tất cả các tiểu thư, vậy mà nay bị xích như một con thú, ném lăn lóc dưới sàn.

Toàn bộ cung điện nằm trong sự kiểm soát của quân Lusitania, nhưng riêng một căn phòng lớn với cửa sổ nhìn ra giếng trời và hành lang lại dưới tầm mắt Andragoras. Nói cách khác, căn phòng này giống như một cung điện hoàng gia Pars thu nhỏ giữa biển người Lusitania.

Thể chất và tinh thần đều rã rời mệt mỏi, Guiscard vẫn thôi thúc bản thân không ngừng suy nghĩ. Nếu chết trong tay Andragoras thế này thì nhục nhã chừng nào. Mọi người sẽ lãng quên hắn từng một tay chinh phục hai quốc gia vĩ đại là Pars và Maryam, lập nên thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Lusitania. Tên hắn sẽ chỉ còn được nhắc đến trong những lời chỉ trích, những câu chuyện cười. Guiscard không tài nào chịu đựng được.

Montferrat và Baudin chắc hẳn đang nghĩ cách giải cứu con tin, nhưng Guiscard sẽ không phó mặc sự sống chết của mình trong tay người khác.

Andragoras chẳng lẽ không có điểm yếu? Guiscard quan sát nhiều ngày nay để tìm kiếm sơ hở. Vua Andragoras vẫn sừng sững như một tòa tháp dù chỉ cách đây mấy ngày, ông ta còn đang bị tra tấn trong hầm ngục tối. Guiscard không bỏ cuộc. Hắn dùng đủ mọi cách để moi móc thông tin từ đối phương.

“Hôm nay là ngày mấy rồi?”

“Ngươi đâu cần phải biết, em trai vua Lusitania.”

Câu trả lời của Andragoras cộc lốc và tàn nhẫn như thể ông ta đang cố sức tránh nói chuyện với Guiscard hết mức có thể. Không thể để một con tin quan trọng như hắn mất mạng nên Andragoras cho hắn thức ăn, nước uống vừa đủ để sống sót. Tuy nhiên, Guiscard chỉ có thể cắm đầu ăn bằng miệng như một con chó. Đó là nỗi sỉ nhục vô cùng lớn giành cho hắn. Nếu không ăn thì không duy trì được thể lực, cơ hội trốn thoát càng mong manh. Guircard vứt bỏ sĩ diện, vừa ăn vừa suy nghĩ với tâm thế “hãy chờ mà xem.”

Dù bị tước đoạt tự do thân thể và tính mạng bị đe dọa, nhưng Guiscard cực kỳ để tâm đến một chuyện, đó là những lời hoàng hậu Tahamine nói với chồng mình, Andragoras.

“Trả lại con cho ta!”

Nếu hoàng hậu Tahamine nói tới con mình thì hẳn đó là hoàng tử Arslan. Nhưng bà ấy có ý ghì khi yêu cầu Andragoras trả lại con?  Chẳng lẽ vợ chồng nhà vua vẫn còn một người con khác ngoài Arslan và đứa trẻ đã bị đưa đi nơi khác theo lệnh nhà vua? Guiscard không sao đoán ra được, nhưng hắn vẫn ngoan cố động não để tìm hiểu về điều đó, bởi tư duy chính là bằng chứng cho sự tồn tại.

Đột nhiên, Guiscard nảy ra suy nghĩ khác. Đó là lời thú nhận về thân phận thực sự mà Mặt nạ bạc đã nói với Guiscard hôm trtước. Chính vì lẽ đó Guiscard mới vào tù nói chuyện với Andragoras, tạo cho ông ta cơ hội bẻ xích, bắt mình làm con tin. Cặp mắt Guiscard lóe sáng. Hắn điều chỉnh lại giọng điệu, nói với vua xứ Pars.

“Ngài đã bao giờ nghe đến tên Hilmes chưa, vua Andragoras?”

Nghe thấy tiếng Guiscard, cơ thể vua Andragoras bọc trong lớp giáp sắt dường như khẽ động. Guiscard muốn kiểm tra phản ứng của Tahamine nhưng tầm nhìn bị tấm lưng cường tráng của vua Andragoras che mất nên không thấy gì.

Lạ thay, Andragoras đang ngồi trên ghế, quay sang nhìn Guiscard một cách nghiêm túc. Guiscard nằm trên mặt đất, miễn cưỡng đắp lại ánh mắt ấy.

“Hilmes là cháu ta, nó vẫn cho rằng ta giết anh trai mình tiếm ngôi. Nhưng Hilmes chết rồi, ta đã nói với ngươi từ trước.”

“Có đúng là thế không?”

“Sao?”

Andragoras cố ý hỏi. Ông biết rõ Guiscard ám chỉ điều gì nhưng lại vờ như không nhận ra.

“Chuyện ngài giết anh trai….”

Andragoras dường như cố tỏ ra dửng dưng nhưng không che được giọng nói thoáng run lên. Đôi mắt ông ta đăm chiêu nhìn khoảng không.

“Người sống không cần biết.”

Có một khoảng lặng ngắn ngủi trước khi ông ta trả lời. Hoàng hậu Tahamine cũng đang ngồi trên một chiếc ghế khác, nhìn đăm đăm chồng mình qua tấm màn che nhưng không lên tiếng.

“Hilmes không biết sự thật. Hắn chỉ muốn tin vào những điều hắn vẽ ra trong đầu. Tính nết này cũng không khác anh trai ngươi là bao.”

Guiscard không còn gì để nói. Andragoras cố ý thay đổi chủ đề. Có phải ý là nếu ở địa vị ngang hàng, ông ta có thể cho biết thêm một chút thông tin khác? Tuy nhiên, Guiscard đành bỏ cuộc. Nếu hắn tiếp tục đặt câu hỏi, e rằng sẽ khiến Andragoras nổi giận.

Con tin rất quan trọng, cả kẻ bắt cóc lẫn bị bắt cóc đều biết rằng không nên giết con tin. Nhưng….

“Mất đi một cái tai hay một ngón tay thì giá trị con tin vẫn không thay đổi.”

Andragoras cười khẽ, dí lưỡi kiếm của mình vào một bên tai Guscard. Cuộc nói chuyện dừng ở đó, và Guiscard buộc phải chấp nhận.

Bình luận (0)Facebook