Hyouka
Yonezawa Honobu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phạm vào Bảy Tội Đồ

Độ dài 8,977 từ - Lần cập nhật cuối: 2019-10-29 04:58:45

Phần 1

=== Chúng tôi đang được học về lịch sử Trung Quốc trong tiết Lịch sử thế giới. Không may là tôi đã biết quá nhiều về thời Chiến quốc bên đó nên tiết học này chẳng mang lại gì ngoài sự buồn chán. Tuy nhiên không vì thế mà tôi buồn vẽ mấy cái hình vớ vẩn lên vở hay chơi trò ném thư với mấy đứa bạn xung quanh. Tôi không có thói quen, hay gọi là không xây cho mình hứng thú về một cái gì cụ thể thì tổng quát hơn nhỉ. Trong khi phớt lờ phần giải thích phán ngán về chiến lược của Hoành Liên và Tung Liên[1], nhằm giết thời gian tôi lơ đễnh nghĩ về sự may mắn khi không phải động tay hay lo nghĩ về điều gì. Mọi thứ cứ chây lì ra vậy. ===

=== Cao trung Kamiyama là một trường thu hút học sinh có hoài bão phát triển việc học lên cao hơn, thế nên chẳng lạ gì khi bầu không khí nơi đây dành cho việc học là khá nghiêm túc. Âm thanh to rõ của người giáo già vang vọng khắp phòng học mà chẳng bị bất cứ tạp ngôn nào xao nhiễu. Ngoài ra chỉ có tiếng rít của phấn cạ vào mặt bảng. Giờ đã là cuối tiết năm nên hình như tôi sắp sửa bị con “ma ngủ” ám tới nơi rồi. Một ngày đẹp trời trong tháng Sáu ẩm ướt và tôi đang hoài phí một phần cuộc đời học sinh ở đây. Ấn cây bút chì kim một cái tách. Không phải để viết, chỉ là tôi không thấy ngòi trồi ra. Chắc là gãy rồi. Mở hộp bút tôi từ từ dùng ngón cái và ngón trỏ rút ra một cây ngòi mới và thay vì bỏ vào từ thân, tôi lại muốn nhét vào từ đằng mũi như chơi trò xỏ lỗ kim. === Tuy nhiên, bầu im lặng đột nhiên bị phá vỡ.

Một âm thanh nguy hiểm vang lên, nghe như từ một thanh tre đập xuống bề mặt một vật cứng. Tôi co rúm lại vì bất ngờ. Mọi sự buồn ngủ đều “gãy gọn” hệt như cây ngòi mới bấy giờ đã thành hai. Chán. Mà thôi, thành hai như vầy vẫn còn xài được.

Dường như tôi không phải là người duy nhất ảnh hưởng bởi tiếng động khi nãy. Những tiếng xì xào đã ngập tràn lớp học. Cạnh tôi, một bạn nữ trao đổi với một người khác ở phía sau : “Cái gì thế? Hết cả hồn!” Đây quả là dịp có một không hai để mọi người tha hồ bàn tán.

Âm thanh không chỉ vang lên một lần. Nó đã trở thành một chuỗi chen lẫn những tiếng nói đầy bực dọc. Một giọng nam lớn và đáng sợ nhưng vì là từ phòng học bên kia nên không thể nghe rõ là nói cái gì, dù vậy chỉ cần thế là tôi và nhiều người khác trong lớp đã đoán được phần lớn tình hình đang diễn ra bên phía “hàng xóm”. Giáo viên dạy môn Toán – thầy Omichi – lại một lần nổi trận lôi đình.

Nghề giáo viên thường khiến người ta liên tưởng tới một con người đạo mạo luôn mang bên mình một cây tre, mặc dù thời này tôi cũng chẳng còn thấy mấy người cầm nó. Quá lắm thì chỉ là cây thước dẻo. Hồi xưa tôi có một thầy tên là Morishita trong Ban Quản Giáo luôn ôm một niềm tin mãnh liệt: “Dù không mang roi nhưng nếu được phép, giáo viên nào cũng sẽ muốn một cái.” Liên hệ qua đây, thầy Omichi sở hữu một thanh tre cứng cáp mang hình dạng rõ là một cây roi và luôn vác trên vai theo mỗi bước thầy đi. Tuy nhiên, dù có là ông thầy nghiêm khắc nhất trường thì thầy Omichi cũng chưa bao giờ dùng nó để đánh học sinh. Thầy chỉ đập nó hết xuống bàn thì cũng lên bảng để răn đe thái độ học tập của chúng tôi. Thầy Omichi thực sự là một nhà giáo cao cả, người đã dạy tôi biết rằng tấm bảng đen thực sự bền vững với tác động bên ngoài như thế nào.

Tuy “ấn tượng” là thế nhưng tôi chưa một lần ghét bỏ hay khinh khi thầy. Một giáo viên như vậy luôn tồn tại ở trường sơ trung, và thậm chí là trường tiểu học. Nếu phải nói rằng tôi thấy thế nào về thầy thì chắc cũng không khác gì cảm giác giành cho cô bạn ngồi bên cạnh. Biết mặt, biết tên, biết tính, nhưng chả quan tâm.

Dù sao tôi cũng không còn màng tới việc trận lôi đình của thầy Omichi tiếp tục làm nguồn cho những tiếng xào xáo trong lớp nữa, tới khi một âm thanh trong trẻo vang lên cắt ngang những tiếng phẫn nộ không dừng đó…

Một âm thanh nghe-là-biết-ai. Khi nhận ra điều đó, tôi lẩm bẩm mà trong vô thức.

“Không thể nào…”

Đó là giọng của Chitanda.

Tôi biết về nhỏ nhờ một sự kiện be bé xảy ra ngay sau khi tôi bước vào trường này, từ đó hai đứa ở cùng một CLB. Nhắc mới nhớ, đúng là lớp Chitanda ở bên kia. Phải nói là quá ngạc nhiên khi trong trường này có một học sinh dám đấu khẩu với thầy Omichi khi thầy đang hành hạ cái bảng bởi cây roi của mình, và người đó lại là Chitanda. Tôi căng tai ra nghe để xác nhận. Âm thanh vang qua đây đã thay đổi ít nhiều nhưng ngữ điệu thì chắc chắn là của Chitanda.

Tôi không thể thấu lời nhỏ đang nói, nhưng từng từ từng từ một đang được phát ra gãy gọn và đanh thép. Tôi đã nghe nhỏ nói chuyện không ít nhưng đây là lần đầu âm vực được đẩy tới độ này. Dường nhu chính Chitanda cũng đang không giữ được bình tĩnh mà phải lên giọng.

Có lẽ đã nói tất cả những gì mình muốn trong một lời, giọng nhỏ nhanh chóng tắt ngấm. Sự im lặng cũng hiện diện ở lớp tôi trong một quãng như thể tất cả đều nín thở chờ đợi. Phòng bên kia cũng không còn âm thanh. Chitanda đã làm thầy Omichi á khẩu thật rồi sao? Bầu không khí lo sợ một sự bùng nổ rồi cũng tan đi trong an bình, và vậy cũng có nghĩa là tôi lại trở về với tiết lịch sử chán ngán đó.

Lấy một thanh ngòi và lần này bỏ vào từ đằng thân, tôi xoay cây bút mấy vòng giữa các ngón tay.

Phần 2

Giờ tan học. Những tia nắng mặt trời đầu Hạ len thành những chùm xiên vào tổng hành dinh CLB Cổ Điển – phòng Địa Chất.

Cầm quyển truyện chữ giữa các ngón tay, tôi để ý tâm trạng bối rối của Chitanda. Hỏi vì sao thì hẳn là do trận cãi vã kinh thiên động địa ngay giữa phòng của Fukube Satoshi và Ibara Mayaka, một điều đối với tôi đã quá quen thuộc. Chín trên mười trường hợp là Ibara đơn phương chỉ trích Satoshi, còn hắn thì chống chế bằng mấy lời vô thưởng vô phạt hoặc cười cho qua chuyện. Thân là người chứng kiến cuộc cãi vã từ đầu nhưng chính tôi còn không hiểu nội dung là thế nào, hình như là tranh luận tại sao bốt điện thoại thì cao còn hộp thư thì đỏ…

Tôi, Chitanda và Satoshi là thành viên CLB Cổ Điển vốn-không-có-thành-viên vào tháng tư. Một tháng sau tới lượt Ibara, trong một nỗ lực cưa cẩm Satoshi, gia nhập CLB.

Ibara học cùng lớp với tôi từ lớp một nhưng chúng tôi không giao thiệp với nhau mấy. Cuối cùng tôi và nhỏ cũng được tách ra tại trường Cao trung nhưng rồi cũng đưa đẩy để vào cùng CLB. Rốt cuộc sợi dây ngu ngốc gì của số phận đã ràng buộc hai đứa vậy? Thực tế thì Ibara hiện đang là thành viên của tận ba tổ chức: Thư viện, CLB Nghiên cứu Manga và CLB Cổ Điển. Về phần mình Satoshi cũng chẳng chịu thua, hắn thầu một chân trong Hội Học Sinh, CLB Thủ công và CLB Cổ Điển. Quả là tiên đồng ngọc nữ.

CLB Cổ Điển này đã từng rất yên bình, thanh nhã với chỉ ba chúng tôi.

Satoshi luôn bàn luận với đầy lòng đam mê, nhưng khi không có gì để nói hắn sẽ im lặng rất giỏi. Chitanda thì vốn đã thuần chân như bất kì ai nhìn vào đã kì vọng, chí ít là khi “quả bom” hiếu kỳ của nhỏ chưa phát nổ…

Đó từng là một nơi yên bình khi chúng tôi ai làm chuyện người đó. Chẳng biến cố nào xảy ra cả. Dần dà tôi lại có thói quen lui tới phòng Địa Chất sau giờ học. Chẳng phải vì háo hức với những hoạt động biết-hỏi-ai của CLB, mà vì tôi đã coi nơi này là một điểm thư giãn dễ chịu.

Nhưng rồi mọi thứ xoay một trăm tám mươi độ khi Ibara gia nhập. Nếu để một mình nhỏ sẽ chẳng hòa đồng với người ta hơn tôi là mấy, nhưng khi đặt chung với Satoshi thì…

“Cậu chính là người đã nói sẽ làm ngay từ đầu có lẽ cậu có lý do của mình nhưng điều đó không quan trọng vì chẳng phải hiển nhiên rằng cậu nên liên hệ tớ rằng liệu có ổn không nếu không làm được hoặc ít nhất thì gọi tớ một cuộc cậu có điện thoại cơ mà và tớ sẽ cố gắng xoay xở dù biết thế nghĩa là có thêm việc để làm nhưng cậu đã không và nhìn với ánh mắt thế nghĩa là gì cậu nghe rõ mà mà phải không có hiểu vị trí của cậu ảnh hưởng tới tụi này không vậy chẳng có gì sửa được nếu chỉ nói xin lỗi thôi đâu!”[2]

Thế đấy.

Đã bao nhiều lần rồi nhỉ? Hồi đầu Chitanda còn tỏ ra hoang mang cực độ. Nhỏ luôn cố làm trọng tài và thậm chí còn dỗ ngon dỗ ngọt để hai con người ấy hạ hỏa nhưng tất cả đều vô ích. Giờ thì nhỏ không còn chen vào nữa, nhưng dường như vẫn muốn chờ một thời điểm thích hợp để hỏi sự tình ra làm sao. Ngẩng mặt lên tôi bắt gặp ánh mắt lo âu ấy khi Chitanda chỉ ngón trỏ vào vùng “chiến sự”.

Cuốn truyện chữ tôi đang đọc thuộc thể loại khoa học giả tưởng, và dù mở đầu có vẻ thú vị nhưng càng về cao trào thì càng khó hiểu. Tôi biết một thứ gì đó không tốt đã xảy ra nhưng chính xác là cái gì thì chịu. Có lẽ việc đã đọc lại lần thứ hai vẫn không hiểu đã khiến tôi cảm thấy trận cãi vã kia trở nên khó chịu. Đặt sấp cuốn truyện xuống, tôi thở dài.

“… và tớ biết cậu cũng không phải dạng chậm tiêu cậu nhận thức được nhưng lại chẳng có lấy một chút đứng đắn gì khi chuyện thành ra thế này cậu lại chỉ biết im lậng trời thì mưa gió bão bùng thậm chí cái áo này còn bị đứt một cái khuy nhưng cũng vì phải gặp cậu ngày hôm nay mà bộ đồ tớ cất công lựa chọn giờ chẳng hơn gì cái giẻ rách và đó là lỗi tại ai?”

Ibara tiếp tục màn sỉ vả bằng-một-hơi của mình.

“Mệt chưa?”

Ibara, bấy giờ đang nhìn Satoshi với ánh mắt sắc như dao cạo quay mặt về phía tôi. Nhỏ đáp gọn lỏn:

“Rồi.”

“Vậy thì nghỉ đi.”

“Ừ.”

Nhỏ ngoan ngoãn ngồi lên cái bàn gần đó, xét về cơn thịnh nộ vừa rồi thì đó đúng là điều bất ngờ. Satoshi nhìn tôi mà giơ ngón cái kiểu-Mỹ lên ra vẻ biết ơn. Hắn tỉnh bơ nói:

“Ôi, cậu có quyền nổi giận mà. Nãy giờ chắc là xả được nhiều lắm nhỉ?”

“Nếu Fuku-chan đứng đắn hơn thì từ đầu tớ đã không có gì mà xả.”

“Ờ, nhưng mà…”

Như tìm kiếm đồng minh, Satoshi quay sang Chitanda.

“Cậu nhìn Chitanda-san xem. Tớ chưa từng thấy cậu ấy nổi giận bao giờ.”

Chitanda thở ra một cái thượt khiến lồng ngực nhỏ xẹp xuống khi chứng kiến cảnh ngừng chiến. Tôi chưa từng thấy nhỏ như vậy. Nhưng ngay khi bị kéo vào cuộc đối thoạt nhỏ đã nhanh chóng trở nên hoảng hốt.

“Ơ, tớ à?”

Ibara cau mày.

“Thật sao? Nhưng chẳng phải cậu ấy cũng không vui khi Oreki tới trễ ư?”

Đúng là từng có chuyện đó xảy ra, nhưng sự nổi giận của Chitanda hoàn toàn không thể so sánh với Ibara. Nên dùng từ nào cho hợp nhỉ?

“Tớ có thấy. Nhưng nó giống trách móc hơn là sỉ vả.”

Chính nó. Nghe Satoshi nói tôi cũng chợt cảm thấy việc bị quở trách bởi một cô bạn cùng tuổi thật là đáng ngượng.

“À, ờ, đúng thế. Đúng là chỉ giống như phê bình thôi.”

Dùng từ đó cũng chẳng xoa dịu vấn đề đâu.

Cười ngượng ngùng, Chitanda khẽ nghiêng đầu.

“Nếu nói về người không biết nổi giận thì tớ cũng đã bao giờ thấy Fukube-san hay Oreki-san đâu…”

Như là phản xạ vô điều kiện, Ibara và tôi phản đối cùng một lúc.

“Nó mà không biết giận.”

“Fuku-chan biết bực tức đấy chứ.”

Khi bị công kích từ hai phía lẽ thường là một con người sẽ khó mà chống cự nổi. Chitanda cũng thế. Đôi mắt to tròn của nhỏ hết hướng về Ibara, tôi, rồi cuối cùng là Satoshi đang ngồi giữa.

“Thật vậy à?”

Satoshi trả lời với một nụ cười cay đắng.

“Ừm, tớ nghĩ vậy. Chắc chắn là không thể hiện nhiều bằng Mayaka nhưng tớ vẫn hay bực bội về đủ thứ.”

Tôi chỉ vừa nhớ ra là mình chưa từng thấy Satoshi nổi giận trước mặt Chitanda. Ờ… cũng chỉ mới hai tháng mà. Điều gì cũng có thể xảy ra.

“Dù vậy tớ cũng không tưởng tượng ra cảnh Fukube-san nổi giận trông như thế nào.”

Cũng dễ hiểu cho Chitanda. Vì Satoshi luôn thích khoe mẽ tài năng của hắn ở những lĩnh vực ít ai đụng tới nên hiếm khi nào hắn bộc lộ cảm xúc mà không quan tâm tới suy nghĩ của người khác, đặc biệt nếu đối tượng là người khác giới. Cứ xem Ibara là một ngoại lệ đi.

“Cậu ấy chẳng đáng sợ chút nào khi nổi giận cả.”

Đồng tình. Cơn thịnh nộ của hắn chẳng có cái cao trào nào cả. Hắn chỉ nói ít đi, không nhìn vào mắt người đối diện và yêu cầu chuyển đề tài bằng câu nói “Đừng nói về vụ này nữa.” Với kinh nghiệm của tôi thì thực tế không hiếm khi hắn phải xài câu này chút nào.

“Không đáng sợ sao? Đánh giá tớ thấp thế…”

Nhìn Satoshi đang càu nhàu, Chitanda lẩm bẩm:

“Tớ nghĩ là mình hiếu kỳ.”

Cứ như nhỏ muốn chọc tức Satoshi vậy. Tôi chờ hắn phản ứng thế nào.

“Vậy còn Oreki?”

Nói xong Ibara quay sang nhìn tôi.

Ngay khi định nói rằng gần đây tôi không có chút nỗi bực dọc nào, có thể do tôi vẫn đang tận hưởng cái tình trạng ổn định của những ngày mùa xuân thì Ibara mỉm cười. Một nụ cười là một nụ cười, nhưng cái cười của nhỏ khó có thể phân biệt được với một sự chế nhạo. Ibara sau đó quay sang Chitanda, và với âm điệu như muốn nói “Chuẩn bị nhé!” nhỏ lên tiếng:

“Oreki sẽ không bao giờ nổi giận.”

“Vì cậu ấy quá lịch thiệp sao?”

Ibara lắc đầu.

“Không, chỉ vì cậu ta là một thực thể cô đơn tới nỗi không có lấy một niềm thỏa mãn để mà biết buồn bực.”

…Này, nói như thế trong tình huống nào chẳng phải cũng hơn quá đáng sao?

A, nhưng ngay lúc này tôi có buồn bực đâu? Lần gần nhất tôi mất bình tĩnh đã là khi nào nhỉ? Mà thôi, không cố nhớ tới mấy thứ đó. Kết luận mạch lạc của Ibara lúc nào mà chẳng chính xác… không. Đúng là có một phần sự thật nhưng tôi không nghĩ là hoàn toàn đúng. Dù gì cũng có cách giải thích là vì tôi quá lịch thiệp cơ mà... khoan, cũng chẳng phải nữa. Nói chung tôi có thể bực lúc nào tôi muốn.

“Haha, Chính Houtarou còn không chắc kia kìa.”

Tôi có hơi khó chịu khi Satoshi cứ huỵch toẹt những gì hắn đoán trúng phóc ra. Nè, giận rồi đấy!

Không quan tâm, Satoshi tiếp tục màn giỡn của hắn.

“Để cái tật lãnh cảm của Houtarou qua một bên đi. Tớ nghĩ việc Chitanda-san không bao giờ nổi nóng mới là trường hợp đặc biệt. Giống như là kế thừa “gien hòa nhã” có truyền thống lâu đời từ gia đình ấy. Mayaka nên cố gắng điềm tĩnh nhé, không phải kiểu Houtarou mà như Chitanda-san ấy.”

“Cậu có nói vậy thì tớ cũng đâu thể thay đổi chỉ bằng cách cố gắng đúng không? Như Oreki chắc chắn chẳng ai thèm, và tớ cũng không thể so với Chii-chan được.”

Đôi mắt của Chitanda như bị hàng mi che sầm lại. Nhỏ nói với giọng gần như là không nghe nổi.

“Ưm… tớ đang được khen à?”

Tôi cũng không rõ, điều chắc chắn duy nhất tôi là người bị xài xể nãy giờ. Ánh mắt của tôi lần lượt giao với Satoshi và Ibara. Đầu tiên, Ibara lên tiếng.

“Đúng là vậy thì phải.”

Tiếp đến là tôi.

“Chỉ là ý kiến dựa trên sự quan sát mà thôi, tớ thấy là vô thưởng vô phạt.”

Nhưng Satoshi thì cười phá lên với một biểu cảm đầy vui thú.

“Không, không, quên cái tên không biết buồn này đi. Tớ tin rằng khả năng của cậu là một nét tiêu biểu tuyệt với. Thịnh nộ là một Tội Đầu mà. Đó cũng là lý do tớ hổng muốn Mayaka phạm vào đâu.”

“Tội Đầu là gì vậy? Rồi mình có bị phạt không, như là gây tiếng ồn nơi công cộng à?”

Satoshi lắc đầu nguây nguậy ra vẻ rất ta đây, còn Chitanda thì giải đáp với gò má hơi ửng đỏ.

“Bảy Mối Tội Đầu đúng không? Tớ nhớ rằng phải là Thù hằn…”

Nhưng rồi nhỏ nói ngay.

“Nếu cậu muốn khen tớ thì đừng nhé!”

Chitanda hẳn là đang xấu hổ, nhưng khổ cái với âm lượng quá bé của mình lời phản đối đã không được ai đồng thuận. Có lẽ đây là lần đầu tôi thấy nhỏ ngượng đỏ mặt như vậy. Ở đầu bên kia, Satoshi gật đầu đầy thỏa mãn.

“Đúng vậy. Không hổ danh là Chitanda-san. Vì đây là đề tài khá đại chúng nên tớ tin rằng Mayaka cũng từng nghe đến Bảy Mối Tội Đầu rồi nhỉ?”

“Ừ, dĩ nhiên là tớ biết.”

Tôi thì không.

“Chẳng phải có tới một trăm lẻ tám sao?”

“Đó là Tâm Rối Loạn[3].”

Sao cũng được.

“Bảy Mối Tội Đầu là một cơ sở trong giáo lý Công Giáo, nhưng sau này với được hợp thành để truyền dạy cho con chiên chứ không được Kinh Thánh ghi lại. Ơ, ngoài Thù hằn ra còn có…”

Satoshi nói trong khi gập từng ngón tay. Theo thứ tự, hắn tiếp tục.

“Kiêu ngạo, Tham lam, Tham ăn… Ưm, tớ chỉ nhớ bốn cái đó…”

Satoshi, kẻ đang nhìn nắm tay của chính mình như một thằng ngốc được cứu bồ bởi Chitanda.

“Đố kỵ, Ham muốn và Lười biếng, tớ nghĩ vậy.”

Khi nói đến cái “tội” cuối cùng hình như Ibara có liếc qua tôi mà cười… Mà thôi, cả nghĩ là không tốt. Hiện tại cứ xem như nhỏ cứ đang dán mắt vào Chitanda đi.

“Vậy đó là bảy cái tội. Như thế chẳng phải Chii-chan là pơ-phẹc hay sao? Cậu siêng năng này, cũng không ăn nhiều nữa.”

“Tớ cũng không tưởng tượng ra nổi cậu trở nên tham lam như thế nào, và chắc chắn là cậu không lười biếng như ai kia.”

“Và, ờ… cậu cũng đâu có suy nghĩ đen tối đâu ha.”

“Cũng chẳng nghĩ ra ai khiến cậu phải ganh tị nữa.”

Hai cái tên này rõ là đang chọc chứ khen gì. Đôi gò má vốn đang màu anh đào đã trở thành đỏ au. Nhỏ vung vẩy hai tay cốt muốn phủ nhận tràng luận điệu vừa rồi và nói như chạy đua.

“Đừng nói nữa mà! Với lại, khi đói tớ ăn nhiều lắm ấy!”

Ai chả thế.

“Ôi, phải gọi là Thánh Eru chứ nhỉ?”

“Chẳng phải ‘Chitanda Eru’ vốn nghe đã như thiên thần rồi sao?”

“Uriel, Gabriel, rồi tới ‘Chitandael’[4]? Ahaha!”

Hai đứa này thật tình là trời sinh một cặp. Chitanda dường như đã bị dồn vào chân tường bởi đón công kích đôi vừa rồi. Nhỏ nuốt nước miếng, rồi tập trung mọi sự kiên cường và lòng tự trọng của mình để chống đỡ.

Đột nhiên sau đó…

“Tớ nói rồi, hãy dừng lại!”

Nhỏ hét lên rất dõng dạc.

“Thiên thần vừa giận…”

“Và mắng tụi mình kìa.”

Chitanda mỉm cười với hai người đang-tỏ-ra-hối-lỗi kia.

“Thực tình tớ không nghĩ việc chẳng bao giờ tức giận là tốt.”

Ibara và Satoshi đứng hình ngay lập tức và có lẽ tôi cũng vậy. Chitanda tiếp tục một cách trôi chảy cứ như từng con chữ đã có sẵn trong đầu.

“Vậy còn sáu cái kia thì sao?”

“Xin lỗi Chii-chan, nhưng tớ không hiểu lắm.”

“Vậy sao? Vậy thì tớ sẽ dùng từ khác hơn một chút vậy.”

Chitanda mỉm cười khi đáp lời.

“Tớ nghĩ rằng không ai lại không kiêu ngạo và tham lam. Dù đó là cơ sở của giáo lý nhưng chắc hẳn phải có những lý do và hoàn cảnh nhất định thì chúng mới thành những đại tội.”

Satoshi nghiêng đầu một góc rất kì dị.

“Ví dụ như?”

“Ví dụ như, nếu cậu không hề kiêu ngạo thì cũng có nghĩa là cậu chưa từng tin vào chính mình. Một người chưa từng biết tham của sẽ chẳng thể nuôi sống gia đình của mình. Hơn nữa nếu không ai trên thế giới biết ganh tỵ thì sẽ chẳng có công nghệ mới nào được phát minh ra cả.”

Chitanda dừng lại và tỏ ra hoảng hốt. Nhìn sắc mặt chúng tôi, nhỏ lí nhí:

“Ưm… tớ không định biến đây thành bài giảng…”

Satoshi, người đã rất chăm chú lắng nghe khoanh tay lại.

“Ừm, tớ hiểu rồi. Thú vị đấy…”

Tôi vui vì cách sống của mình dường như vừa được bào chữa, bèn hỏi:

“Cơ bản là cậu muốn nói tất cả phụ thuộc vào mức độ đúng không? Giống như Triết học Khổng giáo.”

“Tớ không thể giải thích trên tôn giáo được, chỉ là tớ nghĩ mình không nên xem những tội này là tuyệt đối và áp dụng vào cuộc sống thôi.”

Nhỏ tuyên bố không do dự. Tôi chưa từng thắc mắc về đức tin của nhỏ, nên nghe vậy khiến tôi khá hứng thú.

“Vậy Chii-chan có nghĩ rằng giận dữ không phải là xấu không?”

“Chắc chắn. Nếu một người có thể không trở nên giận dữ về bất kỳ thứ gì thì nghĩa là người ấy cũng chẳng có gì để thích cả.”

Tôi biết giận chứ bộ.

“Nếu thế tại sao cậu chưa từng tỏ ra tức giận?”

Chất vấn nhanh đấy.

“Vì nó làm tớ mệt, và tớ thì không thích mệt mỏi chút nào.”

Hở?

Satoshi ôm chặt cái đầu đã mất hết thần sắc bằng hai tay rồi đứng phắt dậy.

“Chi-Chitanda-san đã bị Houtarou đầu độc! Thế giới đang gặp chuyện gì thế này! Lẽ ra tớ đã phải triệt tiêu hiểm họa này từ trong trứng! Có một con ma trong trường Cao trung Kamiyama! Con ma Tiết-kiệm-năng-lượng!”

“Không, chỉ là đùa thôi.”

Im lặng bao trùm.

Bằng một giọng mỏng manh như sắp sửa tan biến, nhỏ xin lỗi.

“Xin lỗi nhé, tự dưng tớ bị thôi thúc để đùa một chút.”

Tôi có thể nói ngay rằng đó là hiển nhiên, nhưng đó chỉ là trốn chạy khỏi sự thật là tôi vừa bị Chitanda cho đi tàu bay giấy. Tôi đã nghĩ rằng mình vừa tìm được một người bạn tâm giao…

Chitanda trả lời câu hỏi một lần nữa, cứ như trò đùa vừa rồi chưa hề tồn tại.

“Không phải là tớ không thể tức giận đâu. Ví dụ như…”

Ba đôi mắt chúng tôi dán chặt vào từng cử chỉ của nhỏ như thèm khát câu trả lời.

“Khi thấy người ta phí phạm đồ ăn là tớ giận.”

…Ờ, tiểu thư nhà điền nông mà. Hẳn là nhỏ rất tôn thờ câu nói “Mỗi hạt gạo là một giọt mồ hôi.”

Nghĩ về điều đó tôi chợt nhớ đến sự việc xảy ra vào tiết năm mới đây. Không nghĩ nhiều tôi lên tiếng:

“À, tiện thể thì người nổi giận với thầy Omichi chiều nay trong tiết năm là cậu đúng không?”

Tôi nhận ra sự thay đổi trên nét mặt của Chitanda.

Thôi rồi!

Một cơn sóng mang tên “hối hận” đập vào lưng tôi khiến nó cứng đờ.

Chitanda, người nãy giờ đang tận hưởng vai trò nhân vật chính trong cuộc trò chuyện vô nghĩa bất giờ thu cằm vào và bặm môi lại. Nhỏ không có thói quen làm quá vấn đề như Satoshi và rất dễ phơi bày cảm xúc của mình cho người khác. Chitanda lí nhí:

“A, đúng rồi. Sao tớ có thể quên được chứ? Tớ đã nghĩ rằng có thể hỏi Oreki-san về vấn đề này!”

Tuyệt. Lại một lần nghịch dại.

Satoshi và Ibara hồi nãy đã xem Chitanda chẳng khác gì một vị thánh hay gì đó. Tôi thì không nghĩ hình ảnh đó hợp với nhỏ, xét đến chính cái phương diện “mức độ”. Một cái nhìn đầy sai lầm. Chintanda đúng là rất cần mẫn, nhưng một dấu tích làm nhỏ lệch xa khỏi một người “hoàn hảo” chính là cái tính hiếu kì này đây.

Tự ôm việc vào mình, tôi chỉ còn biết chép miệng thầm. Chứng kiến nỗi khốn khổ đó Satoshi trông rất khoan khoái.

“Có chuyện gì sao Chitanda-san?”

“Đúng thế. Vào tiết năm chiều nay tớ đã nổi nóng trong giờ học Toán.”

Chitanda gật đầu với Satoshi và Ibara rồi quay sang nhìn tôi. Giá mà tôi có thể quay sang hướng khác, nhưng thôi,  đừng tiếc rẻ con gà quạ tha.

“Nhưng tớ không rõ chuyện gì đã làm mình thành như vậy. Chính tớ biết việc nổi nóng là không cần thiết nhưng đã có cái gì xảy ra khiến tớ mất bình tĩnh. Tớ vẫn chưa biết được đó là gì…”

Tôi phải tập trung hết mức để nắm bắt ý nghĩa mớ tơ vò nhỏ vừa nói. Tóm lại, có lẽ là ba từ sắp rời khỏi miệng Chitanda…

“Tớ hiếu kỳ lắm!”

Phần 3

Tiết năm ngày hôm nay là môn toán, dạy bởi thầy Omichi.

Tôi tin rằng Oreki-san và Fukube-san biết thầy ấy là một nhà giáo như thế nào.

Cũng không rõ là bắt đầu từ đâu để các bạn hiểu, thế nên giải thích từ đầu vẫn là tốt nhất.

Thầy Omichi tới lớp ngay khi tiếng chuông báo hiệu tiết năm vang lên. Trông thầy không vui, nhưng ít nhất theo những gì tôi biết thì thầy luôn mang vẻ mặt đó trong chín trên mười trường hợp. Mở cửa, và ngay trước khi bước vào phòng thầy dừng lại một lúc để nhìn bảng tên lớp. Mọi chuyện cho tới lúc này vẫn bình thường.

Sau một cái cúi đầu vội vã, thầy liền viết lên bảng một phương trình bậc hai. Đó là một phương trình khá đơn giản : y = x2 + x + 1, nhưng thầy lại giới hạn x trong khoảng từ 0 tới 3. Và rồi, trong khi vỗ vỗ cây tre lên vai thầy gọi Kawasaki-san và bảo cậu ấy vẽ tầm giá trị của y. Cậu có biết Kawasaki-san không? Cái cậu cao cao, hơi ốm và bị cái tật nói lắp ấy… nhưng điều đó không liên quan gì tới câu truyện cả.

Kawasaki-san hiển nhiên trở nên lúng túng, tôi cũng vậy. Chúng tôi chưa được học điều gì về giới hạn các miền cả.

Tôi đã nghĩ rằng thầy Omichi đang thử khả năng tưởng tượng của chúng tôi, như kiểu có biết về giới hạn miền trước khi học thầy không. Thú thực là tôi không phải tài năng gì, chỉ là đã may mắn được trải nghiệm cách dạy này từ trước. Điều bất ngờ là thầy Omichi lại chọn cách này… nhưng hóa ra chẳng có gì bất ngờ cả, tôi đã lầm.

Kawasaki-san suy nghĩ về câu hỏi trong một lúc lâu, rồi trả lời rằng mình không biết làm.

Khoảnh khắc tiếp theo trái ngược hoàn toàn với dự kiến của tôi. Thầy Omichi trở nên giận dữ. “Sao? Không biết làm à? Vậy tiết trước anh để cái tai đi đâu vậy?” Thầy liên tục mắng nhiếc Kawasaki-san bằng những lời như thế… Tôi thật không muốn dùng từ này, nhưng lúc đó thầy chẳng khác nào đang hành hạ Kawasaki-san vậy.

Sau một tràng những từ ngữ cay độc về việc tương lai của cậu ấy không được xán lạn, thầy Omichi mới cho Kawasaki-san ngồi. Người được chọn tiếp theo là Tamura-san, người học Toán tốt hơn Kawasaki-san. Cậu ấy đứng dậy nhưng cũng không đưa ra được câu trả lời. Thầy Omichi gọi cậu ấy là đồ ngu và nạt ngồi xuống, rồi nhìn quanh lớp mà quát : “Chẳng lẽ không ai giải được sao!?”

Lẽ ra tôi nên chú ý sớm hơn, nhưng tại lúc này tôi mới nhận ra thầy Omichi đã lầm tiến độ học của lớp. Kiểm tra vở học, tôi phát hiện rằng lẽ ra chúng tôi chỉ mới được học về các phương pháp xác định phương trình bậc hai và hôm nay mới bắt đầu phần giới hạn miền. Thầy Omichi đã lệch với giáo trình không ít hơn một tiết.

Dường như những bạn khác cũng nhận ra điều đó và kết quả là lớp trở nên ồn ào. Điều đó chỉ khiến thầy Omichi càng phát điên mà đập cây tre mấy phát vào tấm bảng. Thầy chỉ trích thái độ kém cỏi của chúng tôi trong việc học tập, học hỏi và tính lễ độ trong cuộc sống bằng chất giọng không thể khó chịu hơn được nữa. Thầy còn phát ngôn những lời cay nghiệt về con đường sau khi tốt nghiệp và tương lai của chúng tôi. Đúng, vậy đấy, mỗi lần dừng lại là thầy lại gõ vào tấm bảng…

Tôi nghĩ rằng trong lớp có người vẽ được tầm giá trị của y. Tôi không đi học thêm, nhưng cũng biết rằng hầu hết các trường bổ túc đều dạy cho học sinh trước rất nhiều kiến thức so với trên trường. Tuy vậy những người biết câu trả lời chỉ giữ im lặng, không một ai giơ tay cả. Thầy Omichi bèn chỉ vào Tamura-san một lần nữa. Cậu ấy bị bắt đứng và không được ngồi cho tới khi giải được bài toán. Đó là lúc tôi đứng dậy. Tôi nói rằng có lẽ thầy đã lầm tiến độ học của lớp và yêu cầu thầy xem lại sổ giáo trình của mình.

Ể? Cụ thể tôi đã nói gì à

…Xin lỗi, nhưng đó là bí mật. Bất cứ thứ gì tôi nói trong lúc giận dữ đều không phải thứ tôi muốn nhớ lại.

Đúng thế, đó là lúc tôi đã nổi giận.

Phần 4

Trình bày xong sự tình, Chitanda nhẹ nhàng nuốt nước miếng. Có lẽ nhỏ cảm thấy xấu hổ vì đã kể cho người khác nghe về sự nổi giận của mình.

Chuyên gia thịnh nộ, Ibara, giục Chitanda nói tiếp.

“Rồi tiếp theo thì sao?”

“Thầy Omichi cầm quyển sổ lên, kiểm tra một chút rồi lẩm bẩm “À, ra vậy!” và cho phép Tamura-san ngồi xuống. Những gì sau đó là một giờ học bình thường.”

Ibara khoanh tay lại và làm một điệu bộ hống hách:

“Vậy ra thầy ấy là một người như thế. Tớ thấy thương cho Chii-chan và mấy bạn trong lớp quá, nhưng cũng vui vì mình không dính tới loại giáo viên như vậy!”

“Chính xác! Thiệt chứ, cũng nhờ ơn ổng mà tớ phải thức đêm ngủ ngày dù là mới thi giữa kỳ xong!”

Tôi phản pháo Satoshi, người vừa cất cao giọng như vừa đọc lời thoại trong một vở kịch.

“Điểm liệt của cậu không phải lỗi tại thầy Omichi. Cứ như thế thì coi chừng cuối kỳ đấy.”

Tiếp theo là Ibara.

“Thầy ấy không hẳn là tệ.”

“Đúng vậy, người ấy không phải là người xấu đâu.”

“Ừ thì… chắc là ổng cũng không tệ đến thế.”

Ôi những con người tuyệt vời gió thổi chiều nào theo chiều nấy.

Chitanda nhìn tôi.

“Vậy, tóm lại thì cậu nghĩ thế nào?”

Thế nghĩa là hết chuyện rồi sao? Tôi đổi tư thế bắt chân.

“Có cái gì lạ trong câu chuyện đó à?”

Chitanda đảo mắt từ phải sang trái, tỏ ra lo lắng với việc có nên lặp lại những lời vừa nói hay không. Một hồi sau, nhỏ mới lên tiếng:

“A, tớ quên mất chưa nói về điều tớ băn khoăn. Điều tớ cảm thấy bí ẩn nằm ở chỗ tại sao thầy Omichi lại mắc một sai lầm như vậy. Từ từng con chữ trên bảng đến chấm điểm bài tập, thầy chắc chắn không phải người dễ bị nhầm lẫn.”

“Ưm…”

Satoshi chen vào cuộc đối thoại.

“Có hai kiểu giáo viên nghiêm khắc : một là nghiêm với cả mình, hai là chỉ khoan dung cho mình.”

Chẳng phải điều đó đúng với mọi người trên đời sao? Mà kệ, cả tôi cũng biết rằng thầy Omichi thuộc loại một.

“Dù là vậy nhưng tại sao thầy lại nhầm một thứ hiển nhiên như vậy? Tớ thật sự không hiểu.”

Như mọi khi, nhỏ lại hỏi điều không thể trả lời. Tôi nhướn mày lên.

“Vậy là cậu muốn biết tại sao thầy ấy nhầm lẫn đúng không? Xét kiểu gì cũng thấy là vô phương. Tại sao không đến thẳng phòng giáo viên và nhìn vào trong đầu thầy ấy?”

Chitanda lắc đầu.

“Không, xin hãy nghe này. Oreki-san và Fukube-san có lẽ biết điều này, vì thầy Omichi luôn luôn mở sổ giáo trình trong giờ học dù không phải lúc nào cũng dùng đến.”

Satoshi và tôi nhìn nhau và nhún vai cùng một lúc. Chả thằng nào thèm quan tâm ông thầy ấy làm gì trong lớp cả.

“Và thầy luôn dùng bút để chốc chốc lại viết vào sổ. Cậu nghĩ là để làm gì?”

À, tôi hiểu nhỏ muốn nói gì rồi.

“Để ghi nhớ tiến độ dạy học của từng lớp đúng không?”

“Tớ cũng nghĩ vậy. Thầy Omichi sẽ nhận ra ngay khi nhìn vào cuốn sổ luôn để mở, và tớ tin rằng điều này đã diễn ra mấy lần rồi. Hơn nữa thầy chắc chắn phải biết tụi tớ là lớp A vì theo thói quen thầy luôn kiểm tra bảng lớp trước khi bước vào phòng. Cậu có đang nghe không? Sau đó thầy Omichi sẽ nhìn vào cuốn sổ để kiểm tra và lại nhìn khắp căn phòng một lần nữa. Có thể nói là tuyệt đối hoàn hảo.”

“Đến vậy mà thầy ấy vẫn bị nhầm sao?”

Tôi đoán rằng kiểu ghi chú của thầy là “Ngày 1/6, lớp X, trang 15” rồi “Ngày 3/6, lớp X, trang 20” hay đại loại vậy. Nếu không thì làm sao thầy nhớ hết các trang? Tôi nói lên suy nghĩ của mình mà không nghĩ thêm gì:

“Có bao giờ thầy ghi lộn ngày không?”

Phải quay lưỡi bảy lần trước khi nói. Đòn trừng phạt dành cho những lời khinh suất của tôi đến trong chốc lát. Với một cái nhìn lạnh lẽo, Ibara phản pháo.

“…Nếu vậy thì thầy ấy chỉ có thể nhầm với những ngày trước đó, chứ không thể dạy vượt tiến độ được. Dùng não ấy, đừng suy nghĩ bằng cái cột sống.”

Có cần phải dùng đến “cột sống” không? Đúng là một Ibara với đầy đủ minh mẫn. Quả vậy, thầy có thể nhìn lộn sang những ghi chú trước đó nhưng chắc chắn thầy không thể làm vậy với những ghi chú trong tương lai chưa được ghi ra…

Ibara đầy-minh-mẫn nháy mắt với Chitanda mà nói:

“Tớ không định nói này nói kia, nhưng…”

“Vâng?”

“Tớ có hơi hiếu kỳ một chút. Có phiền nếu tớ hỏi một câu không?”

“Cậu hỏi à? Ừ, không sao đâu.”

Chitanda thay đổi thế ngồi. Thay vì tỏ ra nghiêm trọng, Ibara lại hỏi với một thái độ ung dung.

“Về câu chuyện của Chii-chan, tớ hiểu tại sao cậu lại tức giận. Có lẽ thầy đã nói những lời rất gay gắt và nếu là tớ thì thì chắc chắc cũng sẽ bực thôi. Nhưng tớ nghĩ mình sẽ không đáp trả lại giáo viên như thế. Làm vậy chẳng khác nào đưa tay vào lửa đúng không?”

Nhỏ nói lời cuối trong lúc nhìn tôi rồi Satoshi theo thứ tự. Ồ, một phê bình gay gắt đây, mặc dù sự dí dỏm xen lẫn thì không hợp với nhỏ chút nào.

Ibara có thể không biết thầy Omichi nhưng nhỏ biết rằng sẽ là một rủi ro khổng lồ khi dám “trả treo” với thầy khi ổng đang bực bội. Tôi và Satoshi trăm phần trăm sẽ không làm vậy, hay thậm chí tôi ngờ rằng sẽ có bất kì ai trong trường Kamiyama này dám làm thế. Đó là vì sao vào tiết năm khi nghe tiếng nhỏ tôi đã không dám tin.

Nhưng Chitanda đã đáp rất chi là tỉnh:

“Tớ không rõ tại sao mình nổi giận nữa.”

Nhỏ giận tới mức quên luôn lý do sao? Có phải Chitanda mà chúng ta đang nói không thế? Dù thế nào tôi cũng chẳng tưởng tượng ra nổi… Dòng suy nghĩ của tôi bị gián đoạn khi Chitanda tiếp tục.

“Nhưng tớ không nghĩ mình nổi giận vì việc thầy la mắng đâu.”

Sau một hồi Ibara hỏi:

“Vậy phải chăng thầy giận những người biết làm mà không giơ tay?”

“Không. KHÔNG ai mong muốn trả lời trong hoàn cảnh đó cả. Vả lại nếu có ai trả lời được thì bài giảng sẽ lại đi xa hơn so với những gì lớp phải học mất.”

“Hay là vì không ai khác ngoài cậu dám chỉ ra sai sót của thầy?”

“Không đâu.”

Ibara nghĩ thêm chút nữa.

“Hay vì cậu thấy cái cậu Tamura kia đang rất tội nghiệp?”

Đúng như kiểu của Chitanda…

Hay là quá đúng với kiểu của nhỏ. Người đang được hỏi nghiêng đầu qua một bên.

“Tớ đúng là tội nghiệp cậu ấy nhưng không nghĩ rằng mình sẽ nổi nóng vì điều đó. Tớ có thể không hiểu chính mình nhưng cũng hiểu vì sao thầy Omichi lại mắng những học sinh không nhớ chút gì về bài học hôm trước, dù lời lẽ thầy có hơi quá… Nhưng vậy thì tớ giận vì cái gì mới được nhỉ?”

Rồi nhỏ cười một cái rất nhẹ.

“Tớ còn không hiểu chính mình cơ đấy.”

“Ừm, tớ hiểu.”

Ibara cũng đáp bằng một nụ cười kì cục.

Tôi hiểu tại sao nhỏ lại hỏi như vậy. Ai đi trong giầy của Chitanda cũng sẽ bực tức, thậm chí có là tôi đi nữa. Nhưng vì chúng tôi đã có ấn tượng về một Chitanda không-bao giờ-mất-bình-tĩnh nên sẽ là rất lạ nếu nhỏ trở nên bực tức dù thế là bình thường với mọi người. Thế vẫn chưa giải đáp được câu hỏi. Như Chitanda đã đề cập, có thể là vì khó diễn tả thành lời hay cảm thấy xấu hổ… hoặc có thể do tốn năng lượng nữa. Mà khoan, nhỏ nào giờ có nói cái gì liên quan tới tiết kiệm năng lượng không?

Tôi không biết về Chitanda đủ nhiều để cảm giác được cái gì nhỏ thích cái gì không. Hơn nữa, tôi có hứng đọc xong quyển truyện chữ trong tay hơn…

“Cậu nghĩ thế nào Oreki-san?”

“Không biết.”

“Tớ cũng không biết, nhưng…”

Đến đây Chitanda khựng lại. Hít một hơi sâu nhỏ lại nhìn vào tôi, đôi mắt to tròn rực rỡ sự nhiệt tình.

“Nhưng cậu sẽ tìm ra chỉ bằng cách nghĩ một chút thôi!”

“Ổ?” Satoshi luyến giọng một cách bất thường, tôi thì bất giác lùi về sau. Đây là cái cảm giác được-người-ta-kỳ-vọng sao?

Và nhỏ có nhận ra là nãy giờ tôi thực sự chưa nghĩ ra cái gì nghiêm túc không?

Ibara, người ngồi phía bên kia cũng nhướn mày lên.

“Chii-chan đừng kỳ vọng quá vào Oreki. Kiếp trước hắn là con châu chấu đấy.”

“Ể, Mayaka-san có thể nhìn thấy tiền kiếp của người khác ư?”

Ngay khi tôi nghĩ rằng sự hiếu kỳ của nhỏ đã chuyển hướng thì…

“Nhưng bây giờ tớ đang rất hiếu kỳ về thầy Omichi!”

Thế là chúng tôi quay lại chủ đề chính. Thấy ghét. Cơ mà… chẳng phải Satoshi hợp với con châu chấu hơn là tôi sao? Chúng thường chết đồng loạt vào mùa đông vì không biết tiết kiệm năng lượng mà cứ nhảy nhót khắp nơi để “tận hưởng cuộc sống” ở mức độ cao nhất.

“Oreki-san!”

Ôi, im lặng chắc cũng chẳng đi tới đâu cả…

Có lẽ tôi nên dẹp cuốn truyện chữ sang một bên và bắt đầu suy nghĩ vậy.

Phần 5

Sẽ là an toàn nếu giả định rằng thầy Omichi quả thực đã ghi chú tiến độ dạy học vào cuốn sổ giáo trình của mình. Dù gì thì thầy cũng đã dạy Toán ở trường này mười hay hai mươi năm rồi. Giống như những năm trước, thầy sẽ phụ trách nhiều lớp và khả năng bị nhầm tiến độ là điều chắc chắn nếu không có một chút ghi chú nào.

Tuy nhiên, dù kĩ càng tới đâu thì thầy cũng đã mắc sai lầm. Và không phải nhầm với nội dung dạy trong tiết học trước mà lại là những tiết sau. Lạ là ở chỗ đó.

Chờ đã! Thực sự không có khả năng nào để dạy vượt sao?

Muốn điều đó xảy ra thì phải có ít nhất một cái ghi chú xuất hiện sau cái đúng. Lớp X nào đó chưa học tới nhưng lại có ghi chú bảo rằng có…

Như vậy câu trả lời cho vấn đề có thể chỉ đơn giản thế thôi, tôi bắt chân và hỏi Chitanda:

“Lớp cậu chưa học về giớn hạn miền đúng không?”

“Đúng vậy.”

Chitanda trả lời một khẳng định đã xuất hei65n nãy giờ bằng một biểu cảm khó hiểu. Câu tiếp theo của tôi chỉ làm nhỏ rối thêm.

“Nếu tớ nói rằng lớp cậu đã học thì sao?”

“… Ý cậu là sao?”

“Mỗi năm thầy Omichi đều dạy Toán. Tụi mình không phải là những học sinh duy nhất của thầy… lớp A của năm trước kiểu gì mà chả phải học qua cái giới hạn miền đúng không?”

“A!” Chitanda bụm miệng. Nhầm lẫn ghi chú năm trước với năm nay chắc chắn là suy luận hợp lý.

Tuy nhiên, trước khi nhỏ kịp nói ra lời đồng tình thì Satoshi đã chậm rãi lắc đầu.

“Nếu cậu lo là thầy bị lẫn lộn giữa ghi chú năm trước và năm nay thì tớ sẽ cam đoan điều đó là vô phương.”

“Tại sao?”

Như mọi khi, Satoshi trông cực kỳ hạnh phúc khi có dịp chia sẻ mớ kiến thức tạp nham của hắn.

“Dễ mà. Mỗi giáo viên đều được phát sổ mới vào đầu năm. Họ cần những bản chỉnh sửa mới nhất để dạy cho học sinh đúng không nào? Tiện thể nói luôn là thầy Omichi đang giữ tái bản lần thứ tư đó.”

Chitanda cúi mặt xuống.

…Thế à, cũng dễ lường trước được điều này. Cái tôi thực sự muốn biết là bằng cách nào mà hắn biết được quyển của thầy tái bản lần thứ mấy.

Nhưng vì thầy Omichi có thói quen hở chút là ghi chú nên lỡ chính những ghi chú đó lầm lẫn với nhau… có thể lắm chứ, nhưng liệu Chitanda có chấp nhận câu trả lời hay không lại là câu hỏi khác. Thông tin mà thầy cần ghi lại ít nhất phải có ngày giờ và tên lớp ở trang hiện tại. Hay là có những chữ viết không rõ? Nhưng hiện tại không có cách nào chứng minh được là thầy viết ngoáy cả…

Hừm.

Nhìn tôi rầu rĩ, Satoshi đã quyết định rằng mình phải phá tan bầu yên lặng bằng nhận xét tỉnh bơ của mình:

“Tớ không tiêu hóa nổi cái giới hạn miền. Hổng phải chê chứ nội việc vẽ mấy cái trục x, trục y đã rối lắm rồi. Bị thầy Omichi chửi nữa chắc chết quá.”

Đã vậy thì sao không quên bớt một chút trong mớ kiến thức trên trời đi? Ôi giá như tôi nói ra điều đó nhưng không thể. Giống như bảo con chim đừng bay nữa vậy. Tôi tự hỏi từ lúc này hắn sẽ còn nhồi thêm thứ gì vào đầu nữa, gần đây nhất hắn có nhắc tới Kinh Dịch[5] thì phải.

A, khoan đã!

Một ý tưởng vừa chợt thoáng qua. Tôi hỏi Satoshi.

“Satoshi, vậy là lớp cậu học giới hạn miền rồi?”

“Hửm? Ừ.”

“Cậu học lớp nào?”

“Nè Oreki, ít nhất cậu nên nhớ bạn mình học lớp nào chứ.”

Tôi cố phản pháo lại Ibara.

“Vậy cậu có biết tôi học lớp nào không?”

“Ủa, chúng ta là bạn từ hồi nào vậy?”

Tôi không biết nói sao nữa.

Quan sát tình hình Satoshi cười nức nở.

“Không sao đâu Mayaka. Houtarou biết mà.”

Lời nói của hắn khiến tôi nghĩ là mình biết thật.

Lớp của Satoshi đã học qua giới hạn miền. Lớp tôi thì chưa, cả lớp Chitanda cũng vậy.

Ồ, thế thì hiểu rồi.

“Không bàn cãi rằng thầy Omichi đã thực sự viết một ghi chú mà nó vượt qua tiến độ học của lớp cậu.”

Tôi tuyên bố.

“Ừ, đúng thế. Tớ cũng nghĩ vậy.”

“Hơn nữa, cái ghi chú này phải được viết trong năm nay. Vậy nếu như nó được viết không phải dành cho lớp cậu, mà là lớp của Satoshi thì sao?”

“Lớp của Fukube-san sao?”

Không màng đến câu hỏi của Chitanda, Satoshi hỏi:

“Thầy Omichi phụ trách bốn lớp A, B, C và D mà. Không phải lớp Chitanda cũng đâu có nghĩa phải là lớp D của tớ?”

Ibara cũng không bỏ qua.

“Rốt cuộc tại sao là lớp D?”

“Vì sẽ không kì lạ nếu thầy lẫn lộn giữa D và A. C thì chắc chắn không giống A rồi.”

Ibara nhìn chằm chằm vào tôi như muốn nói “Lại lấy cái xương sống ra để suy nghĩ rồi hả”… Không, sai rồi. Nhỏ làm thật.

“Lại lấy cái xương sống ra để suy nghĩ rồi hả? A và D bộ không khác hoàn toàn à?”

Có hơi nao núng trước cái trừng mắt của nhỏ nhưng tôi làm bộ giữ bình tĩnh.

“Thầy Omichi dạy Toán.”

“Thì sao?”

“Một giáo viên dạy Toán có khả năng nhầm lẫn giữa A và D cao hơn. Giống như hai chữ katakana ツ(tsu) vàシ(shi) vậy.”

“Hả?”

Ánh nhìn khinh bỉ của nhỏ như lại tiếp tục hỏi “Nè, tâm thần có ổn không vậy?” Chẳng hiểu sao mỗi khi hạch sách tên Satoshi nhỏ có thể phấn chấn tới tận phút cuối, còn với tôi thì dường như nhỏ lại trở nên ỉu xìu…

Dù vậy tôi vẫn tiếp tục:

“Ví dụ nhé, thầy Omichi đã viết gì đó như ‘01/06, A’ ở trang mười và ‘01/06, D” ở trang mười lăm đúng không? Nếu bị lộn chữ D với chữ A thì sự việc hồi nãy sẽ xảy ra. Hơn nữa…”

Tôi dừng lại để lấy hơi.

“… có lẽ thầy Omichi đã quen với việc viết chữ thường.”

Sau lời chốt hạ cả bốn chúng tôi đều không nói gì.

Không biết họ có hiểu không nhỉ, ngay là đang suy nghĩ rằng “Cái thứ vớ vẩn gì đây?” … Tóm lại là một khoảng thời gian nặng nề giành cho tôi.

Cuối cùng cũng có người lên tiếng.

“A, hiểu rồi!”

Satoshi hét lên.

“Chính là kiểu chữ thường, a và d!”

Tôi gật đầu một cái mạnh. Chitanda đã chắc chắn rằng thầy Omichi kiểm ra bảng lớp trước khi bước vào phòng nên không có chuyện lộn lớp được. Như vậy cũng chẳng có cách nào khác để nhầm lẫn các ghi chú với nhau được vì thầy không thể đọc sai chữ “A”, nhưng nếu là chữ “a” thì lại là chuyện khác.

Ibara vẫn không nói gì.

Môi nhỏ bặm lại và vì lý do nào đó nhỏ quăng cho tôi một cái nhìn đầy căm ghét, nhưng điều bất ngờ xảy ra lại là lời đồng tình.

“… Ừ, cũng có thể.”

“Sao vậy, cò gì không vui à?”

“Ừ, trong bài kiểm tra tiếng Anh gần nhất tôi bị mất vài điểm chỉ vì thầy không phân biệt được chữ a và chữ d của tôi.”

“Ủa, cậu cũng vậy hả? Tớ thì bị chữ n và h.”

Tạ ơn trời. Hóa ra tôi không phải người duy nhất có trải nghiệm này. Trong trường hợp này thì không phải tiếng Anh mà là Toán, và tôi mất điểm bởi vì giáo viên đọc số 1 thành ra số 7. Nhớ lại hồi đó có lẽ tôi là một thằng nhóc lớp Một má hồng mũi lõ và đẹp trai, cảm thấy bực bội vì trả lời đúng mà không có điểm. Nhưng bây giờ tôi chả quan tâm nữa.

Rồi, cuối cùng là Chitanda.

Với nét chữ đầy nắn nót hẳn là nhỏ sẽ không gặp tai nạn như chúng tôi. Trầm ngâm một hồi, nhỏ gật đầu hai cái rồi nói:

“Ừm, thực sự hợp lý.”

Rồi nhỏ cười thật tươi.

“a và d… Tớ có thể hiểu tại sao thầy Omichi lại nhầm lẫn. Có lẽ tớ đã quá bất kính khi đáp trả thầy như vậy. Tớ sai rồi.”

Những lời này khiến tôi bị sốc. Đơn giản vì nó trúng phóc những gì tôi đoán là Chitanda đang nghĩ tới.

”Hả? Sao cậu lại nói thế?”

Sau một cái liếc về phía Ibara, người đang bảo vệ Chitanda rằng nhỏ không có gì bất kính cả vì thầy Omichi mới là người sai, tôi trộm một cái nhìn thoáng qua lên khuôn mặt của Chitanda. Trái ngược với những lời luận tội bản thân, sắc thái của nhỏ tươi tắn như ánh dương và thậm chí tôi còn cảm thấy nhỏ như vừa thở phào trong lòng…

Đó cũng là lúc tôi chìm trong suy nghĩ.

Một Chitanda luôn-điềm-tĩnh đã nổi giận, và nhỏ muốn biết tại sao. Nhỏ nghĩ rằng việc nổi giận không phải lúc nào cũng xấu nhưng sự thực nhỏ không muốn làm vậy. Có lẽ Chitanda chỉ mong có một lời giải thích hợp lý cho hành động của thầy Omichi, và muốn tin rằng việc nhỏ không giữ được bình tĩnh là lỗi của chính mình. Đó là cách giải thích khác cho câu hỏi “tại sao nhỏ lại nổi nóng” chăng?

Như vậy…

Phải chăng Chitanda là người đó?

Không.

Tôi lắc đầu để đuổi suy nghĩ cuối cùng đó đi. Làm sao mà lại nghĩ rằng “Phải chăng Chitanda là người đó?” trong khi chỉ mới biết nhỏ được hai tháng? Tôi có thể hiểu phần lớn những suy nghĩ và cảm xúc của Satoshi chẳng phải do hai thằng đã chung chạ từ hồi sơ trung hay sao? Cả Ibara cũng vậy, nhỏ bây giờ chẳng khác gì một “hàng xóm” sau khi đã học chung lớp với tôi tới chín năm liền…

Còn Chitanda thì tôi biết gì?

Đúng thế. Đôi khi tôi có thể đoán trước hành động của nhỏ, nhưng cũng chính cái lẽ đó – cái lẽ mà những động cơ của nhỏ được thể hiện quá rõ ràng kia, mà nghĩ rằng có thể đọc được hết những gì sâu kín nhất của nhỏ thì rõ là tôi đã mắc một Tội Đầu. Tội Đầu của Kiêu ngạo. Thận trọng là cách tốt nhất để hạn chế sự tự phụ và tốt hơn tôi nên thế. Chỉ hôm nay thôi, đã bao nhiêu lần Chitanda hành động khác với suy diễn của tôi rồi?

Cười cay đắng, tôi nhận ra cuộc nói chuyện Ibara và Satoshi đã trôi xa khỏi đề tài về thầy Omichi. Ở đây chắc không còn ích gì nữa. Tôi nhìn chiếc đồng hồ đã sắp điểm năm giờ và hướng mắt về ánh tà dương ngoài cửa sổ. Mình có nên về nhà không nhỉ?

“Tớ hiểu Chii-chan đang nói gì, nhưng cũng biết nữa, nếu là tớ thì…”

“Thì cậu cứ làm những gì như bình thường cậu làm thôi. Nhưng nghĩ về những thứ khi nãy Chitanda-san nói thì quả là…”

Mà thôi, bây giờ hẵng còn sớm. Cầm quyển truyện chữ lên tôi mở ra trang đang đọc dở. Cứ thế, từng phút giây trong đời học sinh của tôi qua đi trong vô ích. Cá nhân tôi nghĩ mang cái tội Lười biếng là quá đủ cho mình rồi.

[1] Hoành Liên : liên kết những các thế lực chống triều đình nhà Tần. Tung Liên : liên kết giữa nhà Tần và các thế lực khác nhằm bành trướng quyền lực.

[2] Việc không có chấm phẩy là chủ ý của tác giả.

[3] Theo giáo lý nhà Phật, con người được cho là có một trăm lẻ tám Tâm Rối Loạn. Những Tâm Rối Loạn này cấu thành từ sáu “giác” (thị, thính, khứu, vị, xúc và nhận thức) nhân với ba “ứng” (tích cực, tiêu cực, trung hòa) tạo nên mười tám “Cảm”. Mỗi “Cảm” có thể “gắn với nhục dục” hay “xa rồi nhục dục” tạo nên ba mươi sáu “Mê”, mỗi “Mê” lại biểu thị một hình dáng của “quá khứ”, “hiện tại” và “tương lai” tạo thành một trăm lẻ tám Tâm Rối Loạn.

[4] Phần “el” trong “Chitandael” đọc là “Eru” trong tiếng Nhật. Vì tên của nhiều thiên thần có chữ “el” đằng sau nên Satoshi muốn chọc rằng vốn cái tên Chitanda Eru đã nghe giống một thiên thần (Chitandael) rồi.

[5] Kinh Dịch là bộ sách kinh điển của người Trung Hoa, là một hệ thống triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng “thông qua đối kháng” và thay đổi.

Bình luận (0)Facebook