Hyouka
Yonezawa Honobu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Lời bạt

Độ dài 487 từ - Lần cập nhật cuối: 2019-10-29 04:58:45

Xin chào, Yonezawa Honobu đây.

Tôi rất hân hạnh mang đến các bạn tập bốn của series. Lần này là tuyển tập các truyện ngắn.

Nhìn lại khoảng thời gian còn đi học tôi luôn có suy nghĩ rằng, cũng giống như sau ngày hôm nay là ngày mai, đó là một vòng lặp vô tận khi kết thúc học kỳ ba năm nay sẽ là học kỳ một năm tới. Tôi biết rằng mình đã không sống cuộc đời của một học sinh đủ tốt, nhưng áp lực về tính giới hạn về thời gian luôn khiến tôi quay lưng lại mà để gió cuốn đi. Tôi rất sợ thời gian.

Về mặt sáng tác, tôi biết mình không giỏi trong việc thay đổi mốc thời gian cũng như những quan hệ đã xây dựng từ trước. Tôi luôn muốn Đường Tam Tạng mãi bị yêu quái mai phục trên đường đi thỉnh kinh cũng như Yajikita sẽ tiếp tục chuyến phiêu lưu hài hước và ngốc nghếch của mình, mà không hy vọng họ sẽ đến được Thiên Trúc hay Ise.

Tuy nhiên, các nhân vật trong cuốn sách này phải thay đổi. Không tính khoảng thời gian khi các nhân vật làm quen nhau thì diễn tiến truyện sẽ được chia ra về mặt thời gian gồm Học kỳ một, Nghỉ hè, Học kỳ hai, Nghỉ đông, Học kỳ ba rồi Nghỉ xuân. Nếu phải viết một giải thích chi tiết về lý do cho sự thay đổi trong suy nghĩ, cảm nhận của từng nhân vật thì đây không còn là lời bạt mà chỉ là bài đánh giá chủ quan chính những gì tôi viết mà thôi. Nói đơn giản thì lý do nằm ở thời gian và sự thỏa hiệp. Một năm trải qua cùng nhau, khoảng cách giữa các nhân vật sẽ có sự thay đổi. Sự đổi thay là cái tôi muốn thể hiện ở đây, và nó cần chậm rãi một cách tự nhiên hơn là đùng một cái. Đó cũng là cảm hứng cho tôi lấy tên của câu chuyện “Búp bê đi đường vòng” làm tựa sách.

Đồng thời, với việc viết những câu truyện ngắn tôi đã có cơ hội tận dụng nhiều tình huống khác nhau. Kết quả là nhiều kiểu mẫu truyện trinh thám đã được thử nghiệm. Nếu quan tâm đến series này nói riêng và toàn bộ thể loại huyền bí nói chung thì tôi nghĩ bạn đã nhận ra “vụ án sô-cô-la tự làm” có thể xếp vào kiểu mẫu “bí ẩn ngược” (reverse mystery).

Nếu cuốn sách này khiến bạn quan tâm hơn việc mở rộng vốn hiểu biết về thể loại huyền bí thì tôi sẽ rất cảm kích nếu “Ai biết điều gì” có thể khiến bạn tìm đọc “The Nine Mile Walk” của harry Kemelman, và “Năm mới zui zẻ” với “The Problem of Cell 13” của Jacques Futrelle.

Tháng sáu, 2010

Yonezawa Honobu

Bình luận (0)Facebook