• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Vị Thần Của Kamusari

Độ dài 15,388 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-06-15 12:00:14

Dần dần tuyết trên các ngọn núi cũng tan đi hết, và mùa xuân hối hả tìm đến ngôi làng. Ngoài ruộng hoa tử vân anh phủ kín. Mỗi khi có cơn gió ấm thoảng qua, tôi lại có cảm giác như đang bước ngang một đám mây màu hồng nhạt. Sau này tôi mới biết, hoa sẽ bị cày xuống đất làm phân bón.

Mấy khóm hoa violet bé tí teo nở khắp lối đi bên ruộng. Trong những khu vườn ở mọi nơi, cả phía những chân đồi xanh xanh, hoa đỗ quyên đang khoe sắc nhiều vô kể như những đốm lửa trăng trắng. Năng lượng thuần thúy của mùa xuân thật mãnh liệt. Giống như một màn hình đen trắng sáng lờ mờ bỗng chốc bừng lên đủ màu sắc. Không có công nghệ kỹ xảo nào có thể thể hiện được sự sống động trong những thay đổi ấy.

Vào mùa đông, dòng sông phát ra tiếng lạnh và cứng, nhưng khi lá non bắt đầu trổ mầm, âm thanh biến thành một tiếng thì thầm nho nhỏ. Một đàn cá cơm trong suốt phủ bóng xuống đáy cát lấp lánh ánh vàng. Trông thấy thế, tôi hú lên một tiếng.

Mùa xuân làm cho mọi thứ thật sống động. Nếu mùa đông mang lại cảm giác như đang bị bủa vây bởi một hội các bà Shige, thì mùa xuân giống như hàng trăm Naoki đang phóng vèo vèo quanh những ngọn núi trên xe gắn máy - ầm ĩ và đầy năng lượng.

Yokohama không thể mang lại điều gì như vậy. Tôi vẫn cứ giễu thầm Kamusari là chốn quê mùa, nhưng hóa ra quê mùa cũng có cả đống nét hấp dẫn riêng. Tôi hay tựa người vào lan can trên cây cầu nhỏ và miên man ngắm nhìn những ngọn núi đang xanh dần theo từng ngày, hay những cụm mơ trân châu trắng ngần đang nở rộ trên mấy ngọn cây đang xà xuống thấp đến mức thiếu chạm vào mặt nước sông.

Giờ đây khi đã ở Kamusari hết một năm, nếu có ai hỏi rằng tôi thích mùa nào nhất, câu trả lời sẽ là mùa xuân. Mùa đông có dọn tuyết, mùa hè cũng được nhưng mà công việc vất vả quá, mùa thu có thức ăn ngon và cảnh cây thay lá đẹp ngất ngây, nhưng lại có một cái lễ hội điên khùng là… À mà khoan, để tôi kể sau. Dù gì thì mùa xuân cũng tuyệt vời nhất. Niềm hân hoan mà xuân mang lại, vị ngọt của không khí lấp đầy bởi hương thơm của hoa cỏ, của đất xốp, của nước sông quyện lẫn, không điều gì có thể sánh được với nó.

Vấn đề duy nhất của mùa xuân là phấn hoa. Tất cả các ngọn núi chung quanh đều trồng liễu sam và bách – những nhà cung cấp phấn hoa khổng lồ. Kamusari luôn bị đe dọa bởi một mạng lưới phấn hoa vây kín.

Từng chút từng chút những cây liễu sam trên núi bắt đầu sản sinh ra một thứ giống như quả màu nâu ở chóp cành. Tôi thấy hơi hơi tò mò về chúng, và chẳng bao lâu sau màu quả đã thẫm lại cho đến khi nhìn từ xa trông cây như đang héo. Thế rồi chú Iwao bắt đầu hắt hơi, còn anh Seiichi bắt đầu đeo cặp kính bảo hộ dày bịch mỗi khi làm việc, trông anh vẫn bình thản, song nước mũi cứ chảy ròng ròng. Ngày càng có nhiều phụ nữ trong làng đeo thêm khăn bịt mặt.

Phấn hoa đã bắt đầu tấn công. Có khi cũng nhờ thế mà sau vụ bỏ trốn không thành của tôi, những người trong đội vẫn chấp nhận cho tôi quay lại với không một lời quở trách. Có thể là cơn viêm mũi dị ứng đã khiến cho họ quên béng mất.

“Mấy cái nâu nâu đó không phải là quả,” chú Iwao nói giữa mấy tràng hắt hơi. “Hoa đực của cây liễu sam đấy.”

“Đều là hoa hết ấy ạ?” Tôi nhìn những sườn núi trông tàn úa bao quanh ngôi làng mà sửng sốt.

“Giờ còn chưa đến nỗi,” anh Yoki bảo, “mấy hôm nữa bọn này mới chuyển sang màu vàng tươi, xong mỗi khi có gió thổi là cành lá sẽ rung rinh và cho ra cả mây phấn vàng ấy. Phiu, phiu.”

“Đừng nói nữa, Yoki,” anh Seiichi nói giọng nghẹt nghẹt.

“Gì, em nói sự thật mà. Phấn nhiều cứ như mưa ấy. Phấn chỗ này phấn chỗ kia ở đâu cũng thấy phấn.”

“Có thôi nói cái từ đó không thì bảo?” chú Iwao bàu nhàu. Dường như chỉ cần nghe thấy ‘phấn’ thôi cũng đủ để chú cảm thấy khó thở hơn.

Lão Già Saburo, dường như không bị ảnh hưởng bởi phấn hoa, hít một hơi thật sâu và thực hiện vài động tác thể dục khởi động. “Yuuki, bây không bị dị ứng hở?”

“Không ạ.” Vào thời điểm ấy thì không. Tôi cười tươi, không hay điều đang chờ đợi phía trước.

“Bây may mắn đấy. Ngày nay hầu như ai trong làng cũng bị. Rõ khổ.” Lão trông buồn rầu.

Anh Yoki thì thất vọng khi biết tin tôi không bị dị ứng phấn hoa. “Chán thế nhỉ.” Đương nhiên, loại quái thú như ổng nếu thích khéo còn cho được cả bông hoa đực vào mồm mà vẫn chẳng hề hấn gì. Dị ứng phấn hoa là biểu hiện của một người có học thức, tôi sẽ chỉ nói vậy thôi.

Tuyết xuân đã làm trì hoãn việc trồng cây non. Bây giờ tất cả mọi người ở công ty gỗ Nakamura đều phải khẩn trương để chuẩn bị đất rừng.

“Thiếu người quá,” một hôm khi đang ở giữa chừng núi Tây, anh Seiichi nói. “Chặt trắng hết chỗ này rồi cũng chẳng có thời gian để mà quay lại làm gì khác.”

“Chặt trắng là gì ạ?”

“Là chặt hết cây trong một khu vực nhất định,” chú Iwao giải thích. “Làm thế khiến cho công việc dễ dàng hơn, nhưng sẽ khiến cho sườn núi trơ trọi như gà bị vặt lông ấy. Dạo này người ta cũng hay nói về bảo vệ môi trường. Chặt trắng còn có nguy cơ gây ra lở đất. Bây giờ tỉa thưa là cách làm phổ biến hơn. Chọn ra cây nào cần chặt bỏ, còn lại thì để nguyên.”

Giờ tôi đã trông thấy, tại một khoảng sườn núi không còn một cây liễu sam hay bách nào; đó là một khoảng đồng không thì đúng hơn là rừng. Chim chóc chắc hẳn đã mang hạt tới từ nơi khác, bởi khắp nơi đều thấy cây lùn và bụi rậm đang mọc. Không giống như những hàng liễu sam thẳng thớm phi tự nhiên với cành lá xanh biếc, khu vực này mang một cảm giác thoái mái, không bị gò bó.

Một chiếc cây nhỏ cao chưa đến thắt lưng tôi có mấy chùm hoa trông như những hòn bi ve màu vàng nhạt mọc ra cuối cành. Cuống hoa đỏ thẫm tạo nên sự tương phản nổi bật.

“Đẹp chưa kìa?” Tôi nhận xét.

“Đấy là cây cơm nguội.” Anh Yoki cầm lấy cái rìu và chặt lìa nó ra gần đoạn rễ.

“A-Anh làm cái gì đấy!”

“Làm việc phải làm. Dọn đất.”

“Chặt nó đi khi nó đang cố hết sức để sinh trưởng, thật là tàn nhẫn.”

“Chú mày ấm đầu chắc?” Đung đưa cái rìu trên tay, ổng trợn mắt nhìn tôi. “Chả có gì tàn nhẫn hết! Dọn đất để trồng cây là phải dẹp hết mấy thứ cỏ cây vớ vẩn. Không dọn thì làm sao mà trồng. Không trồng thì lấy gì mà ăn.”

Anh Yoki tiếp tục tiến lên dốc, vung cái rìu như con quỷ, vừa đi vừa đốn hết sạch mấy cây con. Tôi thấy hết sức bàng hoàng. Làm lâm nghiệp thì nghĩa là hòa làm một với thiên nhiên, tôi vẫn cứ mường tượng vu vơ như vậy, thế mà ở đây anh Yoki lại nhăm nhe phá hết.

“Nếu để dương xỉ chiếm đất sau khi chặt trắng, cây sẽ không mọc được,” anh Seiichi nói. “Chúng ta bảo vệ môi trường bằng cách đều đặn trồng cây. Hôm nay em nhìn chú Iwao làm mà học hỏi. Đây là sở trường của chú ấy.” Anh cũng bắt đầu vung cái liềm cán dài trong tay với sự hăng say. Không có tí thương xót nào.

Lão Già Saburo thì đi gom cành rụng.

Chú Iwao vỗ vào vai tôi. “Hoạt động của con người đã giúp bảo tồn cho mọi khu rừng ở Nhật Bản. Đốn gỗ, sử dụng, rồi tiếp tục trồng nhiều cây hơn – đấy là cách để chúng ta gìn giữ đất rừng. Đó mới là điều thiết thực. Và đó là công việc của chúng ta.”

Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục lắm, nhưng cũng bắt đầu vào việc. Rễ của mấy cây liễu sam mà họ đã chặt vẫn còn nguyên trên đất. “Thế sau có phải đào nó lên không ạ?” tôi hỏi.

Chú Iwao cười. “Đương nhiên là không. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của đất. Mấy cái rễ cứ nằm ở đó. Chúng sẽ sớm mục và trở về với đất.”

Rồi tôi hỏi chúng tôi sẽ làm gì với mấy cái cây bị chặt hôm nay, chú đáp rằng chúng cũng sẽ được để nguyên tại chỗ, sau khi đã gọt sạch cành lá. “Cây cỏ ở đây mọc không quá rậm. Bỏ nhiều quá sẽ khiến cho đất khô, không tốt cho liễu sam non.” Tất cả được chú giải thích trong lúc chặt cành lia lịa. Tôi quan sát và cố gắng bắt chước. Chân tôi đang xỏ jikatabi, loại ủng lao động xẻ ngón làm từ vải bố và đế cao su, và tôi cứ lo là sẽ cắt lìa chính chân mình.

“Còn với những cây gỗ cứng như dẻ hay du, chúng ta sẽ lăn.”

“Lăn kiểu gì ạ?”

“Nhìn nhé.”

Chú Iwao cầm lên một cây sào dài khoảng mét tám, làm từ gỗ sồi cứng – chú cho biết; bề mặt đã mài nhẵn bóng loáng do dùng nhiều. Chú chọc nó vào một đống gỗ nhỏ, dùng nó như một cái đòn để bẩy chúng lên và bắt đầu lăn chúng xuống dưới đồi, vừa đi vừa gom và xếp chúng lại như một cuộn sushi vĩ đại.

“Hay quá!” tôi la lên.

Chú Iwao đưa cho tôi cái sào. “Làm thử đi.”

Dĩ nhiên là không suôn sẻ rồi. Tôi không thể giữ cho đống gỗ dính vào nhau, cũng chẳng thể điều khiển được hướng lăn của chúng.

“Một khi biết cách làm rồi thì dễ thôi.” Chú Iwao an ủi. Rõ ràng chú tự biết tài năng của bản thân là hiếm có. Mũi chú nở ra một tí vì hãnh diện. “Giờ thấy không, chúng ta lăn xuống theo từng đống như vậy, chúng sẽ tạo thành từng tầng trên sườn núi, giúp chống lở đất.”

Vậy là đám cây nhỏ bị chặt bỏ hôm nay sẽ không bị uổng phí. Chúng sẽ thêm dinh dưỡng vào cho đất và còn ngăn sói mòn nữa. Tôi ngẫm nghĩ trong lúc đi theo chú Iwao quay trở lên.

Từ trên cao, anh Yoki quát vọng xuống: “Ê! Yuuki! Đừng có phá đất nữa! Lớp phía trên toàn là dinh dưỡng – sinh khí của cả cái núi này đấy! Thằng ngốc nào lại cứ vừa đi vừa xới hết sinh khí lên vậy hả!” Ổng la đủ to để gây sạt lở.

Ổng nói thì dễ, tôi chua chát nghĩ. Cả đội đều bước đi dễ dàng dọc theo sườn dốc bằng ủng jikatabi, nhưng tôi thì không. Tôi cố học theo cách đi của chú Iwao, song đất vẫn cứ vỡ nát dưới chân với mỗi bước tôi đi.

“Đất mềm là dấu hiệu của sườn núi được chăm sóc cẩn thận và giàu dinh dưỡng.” Chú Iwao cười với sự tự hào.

Núi rừng không chỉ là nơi sống của cây cối. Còn có đủ loài côn trùng và động vật nữa. Mùa xuân đang ghé đến cũng là lúc sâu bọ và muông thú bắt đầu cựa mình, nên tôi liên tục bị đe dọa bởi đủ các loài vật hoang dã.

Khu vực mà chúng tôi đang chuẩn bị giờ đã sẵn sàng, đến lúc bắt tay vào trồng cây non.

“Em hỏi tí,” tôi nói. “Giờ ta phải trồng hết bằng tay à? Từng cây một?”

Anh Yoki cười khẩy. “Chứ gì nữa? Có phải là cấy lúa đâu mà đòi có máy. Tít trên cao này thì thử hỏi còn có cách gì nữa?”

Đầu tôi bỗng đổ chuông báo động. Sẽ phải làm mất bao nhiêu ngày đây? “À thì, chẳng qua là có nhiều diện tích phải làm quá.”

“Nhiều á? Có hai tan chứ mấy.”

“Hai gì cơ?”

Chú Iwao giải thích về cách đo ngày xưa. “Một tan là ba trăm tsubo, tổng cộng là sáu trăm tsubo.”

Sáu trăm tsubo! Một cái nhà bình thường được xây trên bao nhiêu, bốn mươi tsubo chứ mấy? Nghe to khiếp.

“Mỗi tan ta trồng độ bốn trăm rưỡi đến năm trăm cây,” Chú Iwao ước chừng. “Trên khoảng đồi này, thế là khoảng một nghìn cây. Chia ra năm người, mỗi người hai trăm. Chẳng có gì ghê gớm.”

Chẳng có gì ghê gớm? Tôi không tin. Rồi cả ngày tôi sẽ có cảm giác như đang gánh mấy cục đá tảng trên vai cho mà coi, nhưng bằng cách nào đó tôi triệu hồi được sức mạnh và lăn xả vào trồng.

Anh Seiichi dường như cũng đã nhận ra rằng anh Yoki không có khiếu dạy dỗ cho lắm. Thế là chú Iwao cũng dạy tôi cách trồng luôn.

“Nếu trồng cây theo từng ô vuông, càng lên cao khoảng cách giữa chúng sẽ càng hẹp, đúng không?”

Tôi cố hình dung ra một sườn núi tam giác và tưởng tượng ra cách đặt cây vào các hình vuông. “Đúng rồi.” Tôi gật đầu.

“Khi hai hàng trở nên quá sít, cây không có đủ ánh sáng, thế nên chúng ta sẽ trồng theo hình chữ nhật, chừa lại nhiều khoảng trống giữa các hàng với nhau.”

Chú Iwao dùng một cái cuốc để cào đi đám cành lá vương trên mặt đất. Kế đến chú đào một cái hố và chất đất xung quanh, dùng cuốc để nén nó xuống. Thế rồi chú đặt một cây liễu sam non cao độ sáu mươi phân thẳng vào trong hố. Sau đó, khi đã vùi hết rễ cây dưới lớp đất mịn bằng tay, chú dùng cuốc đẩy đám đất chất quanh miệng trở lại hố. Xong xuôi chú dẫm lên lớp đất đã lấp và kéo thử để xem cây đã được trồng một cách chắc chắn hay chưa.

Tôi quan sát cách chú làm, thán phục thao tác trơn tru của chú. Anh Yoki, anh Seiichi và Lão Già Saburo cũng đều đã trở thành những cỗ máy trồng cây trong dạng người.

“Đây, thử đi.” Bước sang một bên, chú Iwao đưa cho tôi một bịch vải lớn chứa cây non. Tôi cong lưng và bổ nhát cuốc. Cuốc cắm xuống đất một cách dễ dàng, khơi dậy mùi đất xốp, ẩm. Khơi cả ra một con giun đất bự chà bá nữa.

“Úi!”

“Đừng có rối tít cả lên thế vậy.” Chú Iwao nhặt cái thứ đang bò lồm ngồm ấy lên bằng tay không và vứt nó sang một bên.

Tôi nổi cả da gà. Đấy là một phần của thiên nhiên mà tôi không muốn hòa mình vào tí nào. Tôi bèn đeo găng tay bảo hộ và cố tập trung vào đào đất và trồng cây, rồi lại đào đất và trồng cây.

Buổi sáng mùa xuân thanh bình ngập tràn tiếng cuốc xới đất, tiếng anh Seiichi xổ mũi, tiếng chú Iwao hắt xì. Chốc chốc lại có thứ gì động đậy trong mấy bụi rậm gần đó. Mỗi lần tôi đều nhảy dựng lên.

“Chắc mấy con thỏ,” chú Iwao nói. “Quanh khúc này không có gấu đâu.”

“Chưa chắc đâu chú,” anh Yoki chen ngang. “Một con gấu già khó tính vừa mới ngủ đông dậy có thể mò tới tận đây ấy chứ. Rồi thỉnh thoảng vẫn có vụ lợn rừng húc người, cộng thêm lũ khỉ nghịch ngợm ném đá. Không khéo thằng em Yuuki này còn bị đến cả hươu cắn nữa, trông mặt mũi cứ ngơ ngơ thế kia.”

Chợt lúc đó Noko hớn hở chạy đến và đặt thứ gì đó dưới chân anh Yoki. Trông cứ như sợi dây nhựa. Tôi dí gần mắt vào và tí nữa thì ngã ngửa về sau. “Á! Là rắn! Là rắn!”

Anh Yoki ngồi xà xuống để xem con rắn mà Noko vừa tha về. Trong nỗi thất vọng của ổng, đấy không phải là rắn lục đất. “Bình tĩnh. Không độc đâu mà sợ.”

Sau này tôi biết được là dân làng Kamusari vẫn thường khấp khởi mỗi khi thấy rắn lục đất. Dù là rắn độc nhưng họ vẫn quyết tâm bắt chúng cho bằng được. Vào mùa hè, mỗi khi đi qua mấy lùm cây um tùm là bạn phải đặc biệt cẩn trọng để không bị cắn. Mặc dù theo tôi thì ở Kamusari, lũ rắn mới là phải cẩn trọng. Anh Yoki lúc nào cũng hếch mũi lên để canh tìm một con. Chúng có mùi cay cay như hạt tiêu, và chỉ cần ngửi thấy thôi là ổng sẽ ngó dáo dác, vạch vạch mấy bụi cây. Ở quanh đây họ cho rắn sống vào mấy bình đựng rượu shochu hoặc rạch chúng ra và nướng cùng nước sốt. Lão Già Saburo cam đoan rằng thịt rắn lục đất nướng còn ngon hơn cả thỏ, nhưng tôi không vội gì mà thử.

“Gì thế này Noko?” anh Yoki nói. “Mày vừa giết một con rắn trắng đấy! Sứ giả của sơn thần đấy!”

Noko vẫy đuôi như muốn được khen. Khi anh Yoki vỗ lên đầu, nó trông khoái chí và lại định ngoạm con rắn lên.

“Không được!” anh Yoki đẩy đầu nó ra xa. “Không được ăn sứ giả của thần linh.”

Anh Yoki nhặt con rắn chết lên tỉnh bơ và bước đi, để cho nó đung đưa trên tay. Tôi nhìn ổng chôn nó cạnh một cái gốc cây liễu sam to đã chặt. Noko nhất thời trông có vẻ dỗi khi bị tước đi chiến lợi phẩm của mình, nhưng một giây sau đã quên sạch và lại hớn hở chạy nhảy quanh sườn núi.

Chúng tôi thu xếp công việc buổi sáng và ngồi xuống cùng nhau để ăn trưa.

Anh Seiichi lấy đầy nước suối vào một cái ấm. Sau đó anh đốt một đám lửa nhỏ để đun nước pha trà. Bữa ăn ngon hơn hẳn trong không khí của núi rừng - mặc dù lúc nào cũng chỉ là một viên onigiri to khổng lồ.

Anh Yoki bốc ra một ít cơm, để trên một cái lá và đặt lên gốc cây nơi ổng chôn con rắn trắng. Lão Già Saburo đổ đầy một đốt cây tre với trà và rót lên gốc cây để kính thần. Họ dành ra một ít thời gian để mặc niệm cho con rắn, thành kính chắp tay vào nhau. Ngay cả anh Yoki cũng nghiêm trang nhắm mắt lại. Thì ra ổng cũng là người sùng đạo.

“Em có thấy chuyện đó lạ không, Yuuki?” anh Seiichi hỏi, quay trở lại với bữa trưa của mình. Thấy tôi không trả lời, anh mỉm cười. “Khi lên núi tai họa có thể ập đến lúc nào không hay. Cuối cùng thì chỉ có thể trông chờ vào sự phù hộ của thần linh thôi. Thế nên bọn anh luôn hạn chế tối đa việc sát sinh.”

Noko trong lúc đó đang chăm chú ngấu nghiến bữa trưa mà chị Miki đã chuẩn bị đặc biệt cho nó (thức ăn khô cho chó đựng trong một cái bọc vải).

Lá xanh của hàng cây liễu sam vừa mới trồng rì rào trong gió. Những đám mây xuân mịt mờ trôi lững thững trên bầu trời xanh lơ.

Nhờ vào công sức của những cỗ máy trồng cây hình người bên cạnh nên công việc tiến triển nhanh hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. “Với đội mình trồng một nghìn cây đúng là chuyện cỏn con.”

“Lừng khừng là không theo được khối lượng công việc đâu.” Lão Già Saburo nhặt một cành cây lên để xỉa răng. “Suy cho cùng, điền chủ sở hữu nhiều đất lắm – những một nghìn hai trăm héc ta!”

Anh Yoki và chú Iwao đều gật gật và lẩm bẩm tán đồng, mặt mũi trông tự hào ra trò.

Tôi nghệt ra. “Một nghìn hai héc ta là to cỡ nào?”

“Một nghìn hai héc ta là một nghìn hai héc ta chứ còn to cỡ nào nữa?” Anh Yoki cáu kỉnh xoa xoa mái tóc vàng của ổng.

“Biết là thế, nhưng mà em không hình dung ra được. À đúng rồi, tính ra bằng bao nhiêu cái Tokyo Dome?”

“Sao mọi người lúc nào cũng lấy Tokyo Dome ra để miêu tả diện tích lớn vậy?” Anh Seiichi hỏi.

Hỏi hay đấy.

Lão Già Saburo khoanh tay. “Có ai nào ngồi đây đã từng thấy Tokyo Dome đâu, làm sao mà nói được?”

“Tokyo Dome có diện tích bao nhiêu?” chú Iwao hỏi.

Anh Yoki lấy điện thoại ra. “Để cháu xem.”

“Ơ! Em tưởng anh bảo trong làng này không có sóng.”

“Trên đỉnh núi thì có.” Ổng làu bàu trong lúc tay bấm bấm điện thoại.

Hóa ra là từ bấy đến giờ ổng có dùng điện thoại, thế mà lại vứt pin của tôi đi! Đồ miệng lưỡi không xương.

“Nó lúc nào cũng lén lén để gọi cho bồ nhí ở quán rượu,” Lão Già Saburo tiết lộ.

Đúng là không thể mất cảnh giác với tên này. Tôi phải bảo chị Miki tịch thu điện thoại mới được.

“Đây rồi.” Anh Yoki ngẩng lên. “Diện tích Tokyo Dome là 46.755 mét vuông.”

“Nghĩa là…” Chú Iwao mắt nhìn ra xa, nhẩm tính. “Một héc ta là mười nghìn mét vuông, thế thì một nghìn hai trăm héc ta bằng… hơn 256 cái Tokyo Dome một tí.”

Hai trăm năm mươi sáu cái Tokyo Dome! Tôi kinh ngạc thốt lên.

“Một nghìn hai héc ta là 1.210 cho. Một cho là mười tan, hoặc bằng ba nghìn tsubo. Thế nên đất của điền chủ rộng đến ba triệu sáu trăm ba mươi nghìn tsubo.”

Tôi lại kinh ngạc kêu lên. Đồng thời chịu thua. Cho dù họ có dùng đơn vị đo nào, tôi cũng không thể nào mường tượng được độ rộng lớn của đất đai nhà anh Seiichi. Không chỉ có diện tích đất, đến cả khả năng tính nhẩm của chú Iwao cũng khiến tôi phải há mồm.

“Lúc nhỏ chú có được học cách dùng bàn tính.” Chú Iwao có vẻ mắc cỡ trước con mắt thán phục của tôi.

“Dĩ nhiên, năm người chúng ta không chịu trách nhiệm quản lý hết tất cả,” anh Seiichi đưa câu chuyện về với chủ đề. “Các ngọn núi được chia đều cho toàn bộ các nhân viên của Công ty Gỗ Nakamura. Khi nào từng đó vẫn chưa đủ, đôi khi anh sẽ thuê ngoài ở các hợp tác xã lâm nghiệp gần kề.”

“Không có nhiều chủ đất lớn làm lâm nghiệp trực tiếp như điền chủ của chúng ta đâu,” chú Iwao nói. “Tám mươi phần trăm chủ đất rừng ở Nhật Bản sở hữu ít hơn hai mươi héc ta đất. Họ chia các sườn núi ra, mỗi người được một phần nhỏ.”

Lão Già Saburo lên tiếng. “Có những kẻ bần tiện còn không cho người nào sống phía trên rừng đi qua mảnh đất của họ. Thành ra không có cách nào vận chuyển gỗ từ trên núi xuống cả.”

“Thế ạ.” Tôi chưa có ý định mua lại quả núi nào trong tương lai gần, nên lời cảnh báo này không đặc biệt có ích lắm, có điều quyền sử dụng đất cũng là một yếu tố khá rắc rối trong quan hệ giữa con người ở quanh đây nhỉ.

“Chỉ có ba phần trăm chủ đất sở hữu nhiều hơn một trăm héc ta thôi.” Chú Iwao tuyên bố với niềm tự hào hiển hiện. “Giờ đã thấy một nghìn hai trăm héc ta đặt điền chủ của chúng ta vào một thứ hạng vượt trội thế nào chưa?”

“Ồ,” tôi trầm trồ.

“Chủ đất lớn như thế mà lại thích đến tận nơi ra lệnh cho đàn em,” anh Yoki cười khẩy. “Phải thích ra mồ hôi cơ. Quái đản thế chứ lại. Hơi bị dở.”

“Đủ rồi đấy Yoki,” anh Seiichi đậy lại nắp hộp cơm. “Người ta vẫn cứ nói từ lâu rằng nghề lâm của Nhật Bản đang chết dần. Đã qua rồi cái thời mà một chủ đất lớn có thể ngồi chơi xơi nước.”

Theo thời gian, tôi học được rằng anh Seiichi không những chỉ là một người thợ lâm nghiệp hạng nhất, mà còn là một chủ rừng hết sức tháo vát. Anh cực kỳ chu toàn trong việc quản lý những khu vực gần người dân sinh sống, những nơi mà việc đốn cây là khá dễ dàng. Với quy hoạch khéo léo và có phương pháp hiệu quả, nếu chu kỳ khai thác được thực hiện trơn tru, kể cả những cây liễu sam mới ba mươi tuổi cũng có thể đem lại lợi nhuận. Việc gỗ nội trượt giá đã giúp nó cạnh tranh hơn so với gỗ ngoại, vốn tốn rất nhiều chi phí vận chuyển. Bạn chỉ cần duy trì được một nguồn cung số lượng ổn định với chất lượng đồng nhất. Diện tích đất mênh mông mà anh Seiichi sở hữu đặt anh vào một vị trí lý tưởng cho việc đó.

Trong nghề lâm, một cái cây ba mươi tuổi vẫn còn quá là non, hay như anh Yoki bảo: “lìu tìu”. Anh Seiichi, một doanh nhân khôn ngoan, đương nhiên đang nhắm đến những cây gỗ có giá trị hơn. Anh là một trong những chủ sở hữu đất rừng đồi lớn nhất của Nhật Bản. Vào những ngày xa xưa, họ nói rằng có thể đi bộ từ Kamusari cho đến tận Osaka trên đất của nhà Nakamura. Hay nói cách khác, gần như toàn bộ núi rừng từ miền tây tỉnh Mie tới Osaka đã từng có thời thuộc về nhà Nakamura. Một quy mô không tưởng. Đất đai của họ thu nhỏ dần sau mỗi lần bán đất, nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác của nhà Nakamura vẫn tiếp tục làm trong ngành lâm nghiệp. Gia tộc họ vẫn sở hữu một số lượng lớn những đồi núi với những khu rừng liễu sam và bách mọc trù phú.

Việc chặt cây sam hoặc bách từ bảy mươi, tám mươi hoặc đến hơn một trăm năm tuổi cần thời gian, sức lực, tay nghề và cả sự vững dạ. Thiếu nhân công đồng nghĩa với việc thường xuyên không có cách nào để kiếm tiền dựa vào những cây gỗ cổ thụ có giá trị trên những vùng núi cao.

Tuy nhiên, Seiichi lại nhắm đến phục vụ cho một nhóm khách hàng sành sỏi. Anh hợp tác với các doanh nghiệp kiến trúc và nhà thầu xây dựng, bảo đảm cho họ nguồn gỗ chất lượng cao. Nói cách khác, anh tự tạo thương hiệu cho chính mình. Ý tưởng tạo thương hiệu cho gỗ nghe có vẻ lạ, song những người bị mắc chứng bệnh nhà kín hoặc mong muốn xây nhà thân thiện với môi trường đều chọn Công ty Gỗ Nakamura kể cả giá thành có cao hơn. Mặc cho đơn giá cao, công ty vẫn ngập trong đơn đặt hàng. Tầm nhìn của anh Seiichi đã mang lại kết quả. Anh đã có thắng lợi chiến lược.

Anh Seiichi có một con át chủ bài trong tay: Núi Kamusari, đỉnh núi cao nhất quanh làng, có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu. Một ngọn núi thiêng nơi mà… úi, cái đó phải kể sau.

Dù sao thì ngày hôm đó, khi đã xác định được rằng đất đai của nhà Nakamura rộng ngang với 256 cái Tokyo Dome, chúng tôi kết thúc buổi nghỉ trưa. Sau một vài động tác uốn người và vươn vai để thả lỏng, cả nhóm quay về với việc trồng cây, mỗi người một túi đựng cây non quàng trên vai.

Chẳng bao lâu sau anh Yoki nhận được một cuộc gọi. Tiếng chuông điện thoại kêu trong rừng nghe thật lạ lẫm. Người gọi không biết có phải là chị gái nào ở quán rượu mua vui không? Tôi đã hứa với chị Miki là phải trông chừng ổng nên bèn vểnh tai nghe ngóng. Tôi nghe được giọng nói chói lói của chị Miki.

“Yoki, có chuyện rồi mình ơi! Santa mất tích rồi! Về nhà ngay!”

Chúng tôi thu xếp lại công việc và quay về làng chỉ sau ba giờ chiều. Chị Yuuko chạy ùa ra khỏi nhà và vùi mặt vào ngực anh Seiichi. “Phải làm gì bây giờ? Phải làm gì bây giờ anh ơi?” Như thể hình bóng của người chồng đã làm sụp đổ mọi sự đề phòng, chị òa khóc nức nở. “Nó đang chơi ngoài sân. Em chỉ quay đi một phút mà nó đã biến đâu mất rồi.”

“Không sao đâu. Mọi người sẽ tìm thấy nó thôi.” Anh Seiichi vỗ lên lưng chị và nói ôn tồn.

Dân làng đang tụ tập tại nhà anh Seiichi. Santa đã mất tích kể từ mười giờ sáng. Trông thấy chị Yuuko hớt hải kiếm con, mọi người cũng góp công đi tìm. Kể từ giờ ăn trưa, cả làng đã tham gia tìm kiếm.

Bà Shige cũng ở đó. Được cõng bởi chị Miki, bà đã có mặt ngay lập tức, miệng tuyên bố “con trai của điền chủ gặp chuyện rồi!” Nhưng một bà lão già thì không thể làm được gì. Bà ngồi im lặng trong một góc của gian phòng lớn.

Ai nấy mặt mũi cũng đều đăm chiêu. Một đứa nhóc tì như Santa không thể đi xa được. Vậy không thấy nó đâu tức là thằng bé hoặc đã ngã xuống sông hoặc đã bị bắt cóc. Nhớ lại nụ cười tươi roi rói của Santa, lòng tôi thắt lại. Anh Yoki ngồi bên cạnh lặng lẽ châm hết điếu này đến điếu khác. Người trên núi thường không hút thuốc, có lẽ là vì họ sợ cháy rừng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ổng phì phèo điếu thuốc.

Mọi người thay phiên nhau đi tìm theo từng nhóm nhỏ, để rồi quay lại với nỗi thất thểu. Cuối cùng một người lên tiếng, “Có lẽ là nên báo việc này cho cảnh sát.” Người đó là bác Yamane sống bên kia sông. Thế rồi tất cả cùng đồng loạt nhao lên.

“Có ai tìm ở đầm Hyoroku chưa?”

“Santa không thể tự đi xa đến thế đâu.”

“Biết đâu đấy.”

“Đừng nói thế. Gở lắm.”

“Có thấy vết chân nào ở bờ sông không?”

“Thôi đủ rồi! Thế có ai thấy cái xe khả nghi nào không?”

“Nếu có ai rình rập thì radio đã thông báo chứ.”

Ngôi làng có một cái radio cho tình huống khẩn cấp, song phần lớn nó được dùng để thông báo những chuyện như, “Có một cái xe lạ vừa vào làng. Bà con nhớ đóng cửa cài then cẩn thận.” Thế mới thấy Kamusari hiếm có người đến như thế nào.

Tràng bàn tán cứ thế tiếp diễn. Dĩ nhiên là ai nấy cũng đều lo phát ốm vì Santa, nhưng tôi có cảm giác là họ cũng thấy hơi có chút lý thú khi có chuyện khác thường như thế này xảy ra. Hơn nữa người mất tích lại là con trai duy nhất của vị điền chủ giàu có. Tôi cảm nhận được một ít sự tò mò và vô tâm của những người đã quen với những chuỗi ngày bình dị dài đằng đẵng.

Anh Yoki có vẻ bất mãn với sự chộn rộn này. Ổng đùng đùng bật dậy. “Cứ luyên tha luyên thuyên làm cái gì. Ra ngoài kia mà tìm lại lần nữa đi!”

“Xin lỗi vì đã phiền lụy đến mọi người.” Anh Seiichi đặt hai tay lên chiếu và cúi thấp đầu. “Xin hãy giúp gia đình chúng tôi.”

Căn phòng bỗng lặng như tờ. Những người nãy giờ ăn nói vô tư nhìn nhau hổ thẹn.

“Đúng rồi, đi tìm cháu nó đi.”

“Điền chủ đừng lo, cứ để chúng tôi.”

Nói rồi mọi người đứng dậy.

“Phải thế chứ!” Giọng anh Yoki phấn chấn. “Bây giờ hãy chia ra theo từng nhóm để tìm cho dễ.”

“Gượm đã,” một giọng khàn khàn cất lên. Hóa ra là bà Shige. “Không sao phải tìm trong làng nữa. Bọn bây ngồi cả xuống.”

Bà Shige là người già cả nhất làng. Không một ai dám cãi. Chúng tôi đều ngồi xuống và hướng con mắt chờ đợi về phía bà.

Sau khi chóp chép miệng một hồi, bà nói với một vẻ rất đỗi nghiêm trang, “Santa đã bị… thần bắt.”

Ui, chưa nghe thấy cái lý giải nào phản khoa học như thế luôn. Tôi tí thì phì cười, nhưng những người khác đều coi đó là sự thật. Căn phòng rộ lên tiếng thì thào bàn tán và những cái gật đầu căng thẳng.

“Bị thần bắt! Thảo nào.”

“Năm nay là năm đại lễ đây mà.”

“Đại lễ của ngài Oyamazumi.”

“Ừm…” tôi ngập ngừng giơ tay lên. “Đại lễ là gì thế ạ? Với cả ngài Oyamazumi là ai?”

Câu chuyện ngừng lại. Mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi.

“Không liên quan gì đến mi,” bác Yamane nói. Ai nấy cũng đều gật đầu.

Tôi chợt nhận ra rằng: cho dù có đổ mồ hôi sôi nước mắt tới đâu bên cạnh anh Seiichi và những người khác, tôi cũng sẽ không bao giờ giống như một người sinh ra và lớn lên ở Kamusari.

Nhưng anh Seiichi và anh Yoki thì không gật đầu. Cả chị Yuuko, chị Miki, bà Shige, Lão Già Saburo và chú Iwao nữa. Nếu cả họ cũng gật thì tôi sẽ đứng dậy và bỏ đi, đi bộ cho tới sân ga dù mất bao lâu chăng nữa, rồi gửi lời chào thân ái Kamusari.

Không liên quan gì á? Nói lại xem nào. Ruột gan tôi sôi sùng sục, song tôi không thể hiện ra mặt. Đây không phải là lúc để hờn dỗi. Santa vẫn còn đang ngoài kia.

Như để khỏa lấp cho sự khó xử, bà Shige cất tiếng còn lớn hơn: “Cứ mỗi khi đến dịp đại lễ, thần linh sẽ ra tay bắt đi một đứa trẻ. Để mang đứa trẻ về, các người đầu tiên phải gột rửa bản thân.”

Bà Shige oai quá, cứ như một vị tiên tri vậy.

Anh Seiichi ngồi thẳng dậy. “Mang Santa về từ trên núi Kamusari?”

“Phải.”

Bà nói đúng một từ đó rồi nhắm mặt lại và ngồi im không nhúc nhích, như thể đã xong việc. Tôi cảm thấy lo lo – liệu làng có cái quy tắc nào về việc mỗi một người sẽ đưa ra một lời tiên tri trọng đại trong đời rồi sau đó tử ẹo chẳng hạn? Tôi e là bà Shige đã trút cạn sức lực của mình, song miệng bà vẫn còn đang chóp chép. Ngoài ra thì trông bà như đang ngủ.

Anh Seiichi ra quyết định rất nhanh. “Tôi sẽ đi viếng núi Kamusari. Đội Nakamura sẽ đi cùng tôi. Yuuko, chuẩn bị nước làm lễ thanh tẩy. Chuẩn bị sẵn đủ quần áo sạch cho bọn anh.”

Anh Yoki đứng bật dậy. Tôi không rõ sắp sửa phải làm gì, nhưng cũng đứng dậy.

Cả căn phòng xôn xao.

“Điền chủ, đưa cậu Yuuki lên núi Kamusari có phải là ý hay không?” ai đó hỏi.

“Không phải là quá sớm sao?” người khác đế thêm.

Seiichi gạt ngay. “Hirano Yuuki là một thành viên của làng chúng ta. Hà cớ gì mà thần linh lại không chấp nhận?”

Không người nào có thể tranh cãi với quyết định của điền chủ. Bác Yamane và những người khác trông không được hài lòng, nhưng đành ngậm bồ hòn.

“Chú Iwao, nhờ chú đi đầu.”

Chú Iwao, cho đến giờ vẫn chưa mở miệng nói câu nào, lặng lẽ gật đầu. Trông chú hơi căng thẳng. Những lời thì thầm lại rộ lên.

“Đúng rồi, có Iwao cơ mà.”

“Nếu ổng đi mang thằng nhỏ về, chắc chắn thần linh sẽ…”

Dân làng nhìn trộm chú Iwao rồi nháy nháy với nhau an trí. Họ bắt đầu khiến tôi lộn cả ruột rồi đấy. Có gì nói với nhau thì sao không lên tiếng đi mà cứ thầm thì làm cái gì? Cảm giác bị tổn thương ban nãy càng góp phần vào sự khó chịu của tôi. Tôi vẫn chưa thực sự hiểu được về vai trò tối quan trọng của sĩ diện và ba cái chuyện ngồi lê đôi mách trong đời sống của một ngôi làng nhỏ.

Chị Yuuko, mặt mũi xám ngoét và thất thần vì âu lo, đẩy cánh cửa mở và thò đầu vào căn phòng. “Nước tắm đã chuẩn bị xong rồi anh.”

“Cảm ơn em.” Một lần nữa, anh Seiichi lại cúi đầu với cả phòng. “Vậy chúng tôi sẽ lên đường. Sẽ có rượu và bữa chiều được mang lên, mọi người nếu có thời gian có thể ở lại đây.”

“Bảo trọng!”

“Hãy bình an trở về!”

Người dân làng nồng nhiệt tiễn chúng tôi đi, cuối cùng hô lên “Banzai!” ba lần. Một số các bà các mẹ còn rơm rớm nước mắt.

Mèn ơi, cứ như chúng tôi là những người lính sắp ra chiến trường không bằng. Nghiêng mặt đi vì xấu hổ trước sự trang trọng quá mức này, tôi đi theo những người trong đội ra khỏi phòng khách và vào trong nhà tắm. Nằm ở bên trong cùng của ngôi nhà to tướng, nó rộng ngoác, cỡ phải bằng khu nhà tắm của quán trọ cao cấp, với bồn tắm làm từ gỗ bách.

“Nhà anh lúc nào cũng tắm ở đây ấy ạ?” Tôi ngạc nhiên hỏi anh Seiichi trong lúc cởi quần áo bên trong căn phòng thay đồ rộng ngang phòng thay đồ của một nhà tắm công cộng bình thường.

“Không, phòng tắm nhà anh hay dùng cũng bằng cỡ bình thường thôi,” anh đáp, nhanh chóng trút bỏ bộ quần áo lao động. “Cái này là để phục vụ cho mọi người tắm ở những dịp hội họp hoặc lễ lạc.”

Bản thân cái ý tưởng “phục vụ cho mọi người tắm” đã rất đáng kinh ngạc rồi, nhưng tôi cũng sửng sốt không kém khi biết rằng nhà anh Seiichi có tận hai gian nhà tắm. Cách sống xa hoa của anh thật giống như vua chúa ngày xưa.

Nước tràn vào bồn tắm gỗ bách từ ba cái vòi lớn. Nước lạnh. Tôi cảm thấy không ổn.

“Ơ kìa Yuuki, bây chờ gì thế?”

Bị Lão Già Saburo giục, tôi cũng cởi sạch đồ. Trần truồng, năm người chúng tôi bước ra khỏi phòng thay đồ và bước vào phòng tắm.

Không có hơi nước dâng lên từ bồn. Chắc như đinh đóng cột là nước lạnh. Vào buổi tối mùa xuân trời rét, chẳng mấy chốc tôi nổi hết cả da gà. Trong một góc là một ụ muối.

Bất thình lình, ai đó giội lên đầu tôi cả xô nước cóng. Tôi nhảy dựng lên vì sốc, không ú ớ được câu nào. Tay Yoki thì đang đứng đó với cái xô gỗ bách trên tay và cười khoái trí.

Tôi tìm ra được giọng nói của mình. “Lờ...làm cái gì đấy? Muốn em trụy tim mà chết à?”

“Chú mày không chết được đâu. Trông Lão Già Saburo kia kìa.”

Lão Già Saburo, lớn tuổi nhất trong đội chúng tôi, đang ngồi xổm dưới sàn cạnh bồn tắm, nhúng cái xô vào nước lạnh và đổ lên người hết xô này đến xô khác. Nội cái cảnh đó cũng khiến tôi sun cả vòi.

“Đây là tập luyện để khổ tu hả anh?”

“Không, là để thanh tẩy.” Anh Yoki vốc lấy một nắm muối và xát hết lên người. “Này, cầm lấy mà làm.”

Sao lại dùng muối? Tôi lờ mờ nhớ là đã đọc ở đâu rằng người ta có xát muối lên lá chàm để lấy màu nhuộm. Cảm giác như một cái lá, tôi run rẩy xát muối lên da, rồi đổ nước lạnh lên hết người một lần nữa. Giác quan của tôi chắc đã tê dại đi cả rồi. Những nơi mà tôi xát muối bắt đầu ấm lên từ bên trong.

Để kết thúc, chúng tôi bước vào bồn tắm giờ đã đầy nước lạnh đến miệng và ngâm mình ngập đến cổ. Tôi chỉ có thể cười vang, dù không muốn, bởi Santa đang mất tích, nhưng răng lợi của tôi không chịu ngồi yên mà cứ đánh lập cà lập cập nghe như đang cười.

Khi lễ thanh tẩy cuối cùng cũng xong, chúng tôi khoác lên những bộ kimono màu trắng được xếp trong phòng thay đồ. Hệt như yamabushi, các nhà sư tu khổ hạnh trên núi, chúng tôi mặc một loại quần dài hakama trắng, bó lại từ đầu gối trở xuống. Tôi không biết mặc vào như thế nào, nên Lão Già Saburo giúp tôi một tay. Tôi chợt nhớ trong truyện dân gian, các tengu quạ - sinh vật nửa người nửa chim sống trên núi rừng – cũng ăn mặc như thế này, nhưng thêm một cái hộp nhỏ màu đen trên đỉnh đầu mỏ chim của chúng. Thiếu mỗi cái hộp đội đầu đó thôi. Tạ ơn trời.

Trong những bộ quần áo lạc quẻ ấy, chúng tôi đi ra ngoài. Mặt trời sắp lặn. Nếu không khẩn trương, trời sẽ chuyển tối trước khi chúng tôi tìm được Santa. Nhiệt độ trên núi hay hạ thấp một cách bất thường. Chúng tôi không muốn đánh cược với chuyện đó.

Chú Iwao ngồi trên vô lăng chiếc xe bán tải, cả bọn còn lại trèo lên thùng xe sau. Noko chạy tới và sủa, tỏ ý muốn theo, nhưng anh Yoki bảo không. “Noko, hôm nay mày đã lấy đi một mạng trên núi. Coi chừng kẻo lại làm cho thần linh nổi giận.”

Với chú Iwao cầm lái, chiếc xe hướng về phía nam tới núi Kamusari. Anh Yoki, anh Seiichi và Lão Già Saburo lập tức bắt đầu gõ lên những chiếc cồng to như cái đĩa đeo quanh cổ, gõ bằng những cái dùi gỗ cỡ như cái đũa. Keng keng, boong boong. Tiếng cồng kim loại, khó mà cho là tao nhã, vang rền trong buổi hoàng hôn. Trên rừng, lũ chim giật mình đập cánh, quạ bay về tổ rúc lên ầm ĩ. Âm thanh nháo nhác đến mức át đi cả tiếng động cơ. Tôi phải lấy tay che tai lại.

“Sao lại phải gõ cồng ạ?” Chiếc xe tải vừa mới chui ra từ một đường hầm cũ và chạy lên một con đường mòn. Thùng xe rung lắc dữ dội, đầu tôi giật lên giật xuống tí thì cắn phải lưỡi.

 “Đến mà không báo trước là không phải phép,” Lão Già Saburo giải thích. “Phải cho thần linh biết chúng ta chuẩn bị đến thăm ngài.”

“Chú mày cũng làm đi,” anh Yoki nói.

Bất đắc dĩ tôi cũng đánh vào chiếc cồng đeo quanh cổ. Keng beeng boong. Chở theo sự ầm ĩ chói tai này, chiếc xe tải tiến băng băng về phía trước.

Chúng tôi lái trong khoảng mười lăm phút nữa rồi xuống xe và đi dọc một con đường rừng độ chừng hai mươi phút. Cuối cùng chúng tôi đến được lối vào của núi Kamusari.

Bên cạnh một ngôi đền lụp xụp bé tí tẹo là hai cây bách cao chót vót buộc shimenawa – sợi dây thiêng làm từ rơm rạ. Nằm quá chúng là một lối đi hẹp tí ti tôi còn tưởng là lối đi của thú rừng. Nó cứ kéo dài, kéo dài cho đến những nơi xâu thẳm nhất của ngọn núi.

Santa làm sao mà tự mình đi xa được tít đến đây. Tôi biết thế, nhưng không dám nói ra thành lời. Đây là hy vọng cuối cùng của họ.

Con người không thể nào lại bị thần bắt. Không đời nào Santa lại ở trên núi Kamusari, nằm cách nhà quá xa như vậy. Nhưng nếu không có ở đây thì có nghĩa là thằng bé đã ngã xuống sông, hoặc bị người lạ bắt cóc, hoặc đang đi lạc lang thang trên rừng núi. Dù có thế nào thì nó cũng đang gặp chuyện không hay. Chẳng ai muốn nghĩ như vậy. Thế nên tôi ngậm miệng và đi theo đoàn, cố tự huyễn hoặc bản thân rằng Santa đang ở trên núi Kamusari này, đang bình an vô sự.

Anh Yoki và những người còn lại có vẻ đinh ninh rằng thằng bé đang ở đây. Chú Iwao, bước thẳng người đi đầu và anh Yoki, tay vẫn đang gõ cồng, trông tràn trề tự tin và hy vọng. Không cần phải quay lại để nhìn Lão Già Saburo và anh Seiichi, tôi cũng có thể cảm nhận được sự tự tin tương tự đến từ họ.

Làm sao mà có thể chắc chắn như thế được? Lý trí sẽ nói rằng việc tìm thấy Santa ở đây là không thể.

Ấy vậy, mặc cho những nghi ngờ ban đầu, càng đi sâu vào trong khu rừng rậm tôi lại càng có cảm giác Santa thực sự như đang ở đâu đó quanh đây. Cả tôi cũng ngẩng cao đầu và bước tiếp, tay gõ cồng và gọi đi gọi lại tên thằng bé.

Nghĩ lại, tôi cho rằng sự kết hợp giữa tắm nước lạnh và xát muối, chưa kể tiếng cồng boong boong liên tục hẳn đã khiến cho tôi hơi đê mê. Liệu đây có phải là cái mà người ta hay gọi là ‘phê tự nhiên’ không nhỉ? Con đường mòn dốc, sự trang nghiêm của chốn linh thiêng, sự rậm rạp của khu rừng gỗ cứng, tất cả đều làm góp phần tạo nên một trải nghiệm bẻ cong thực tại.

Đúng vậy, không giống như các ngọn núi bao quanh làng, núi Kamusari không được người dân dùng để trồng bách hay liễu sam. Ở đây có đủ mọi loại cây, cây nào cũng to khổng lồ đến hãi. Khi nắng hoàng hôn chiếu lên sườn núi, hàng loạt tia sáng vàng rực sẽ lọt qua tán cây. Những bụi lệ đường rủ xuống do sức nặng của những bông hoa vàng không kém phần tươi đẹp. Cả những bụi tường vi mọc dày, năm cánh hoa trắng của chúng xòe ra khép nép. Tôi ngửi thấy mùi thơm trong không khí. Kia là cây không mộc với vô vàn búp trắng bé tí mọc thành chùm, đung đưa trên đỉnh đầu tôi là cành lá của một cây tần bì cao chừng đâu mười lăm mét, phủ đầy nhụy hoa trắng như bọt. Hoa akebia mọc trên dây leo cuốn quanh một cây sồi phô màu tím tươi.

Dĩ nhiên, vào lúc đó tôi không biết bất kỳ tên loài hoa nào. Tôi chỉ cảm thấy sững sờ trước vẻ đẹp của muôn vàn sắc hoa ấy, và thật tiếc khi màn đêm sắp buông xuống, chúng tôi sẽ không thấy được chúng nữa.

Hương hoa nồng đến mức khó mà hít thở. Thính giác của tôi cũng trở nên nhạy hơn. Tôi từng nghĩ rằng trong rừng chỉ có sự im lặng, song tôi đã nhầm. Luôn luôn có tiếng lá rơi, tiếng cành cây xao động, tiếng gió rì rào ngọn cây và tiếng chim chóc gọi nhau qua lại, thông báo cho nhau rằng, “Sắp hết ngày rồi đấy!” Thậm chí tôi có thể nghe thấy cả tiếng của thú hoang, có thể là một con hươu, đang gặm vỏ cây. Từ đâu đó đằng xa vang lên tiếng róc rách của một dòng suối nhỏ.

Mặt đất xốp nằm dưới lớp lá rụng dày. Tôi có thể cảm nhận độ mùn và ẩm của đất qua đế giày jikatabi của mình.

Đây là một nơi như trong mơ. Tôi không thể tin nổi là lại có một nơi như vậy ở làng Kamusari. Tôi bước đi nửa như mê, hầu như đã quên mất vì sao lại đến đây, trong đầu ước muốn được ở lại mãi mãi.

Dần dà khu rừng bị bao trùm bởi một màu xám lờ mờ, chạng vạng, chú Iwao bèn bật đèn pin.

Đến đây tôi mới hoàn hồn. Tỉnh táo lại đi xem nào! Tưởng chừng như chúng tôi đã lang thang trong rừng lâu rất lâu, nhưng chừng đó mới chỉ là khoảng mười phút cuối của nắng chiều trên núi. Chúng tôi còn chưa đi hết nửa đoạn đường lên đỉnh. Nhận thức về thời gian của tôi sai hết cả.

Liệu có phải tôi vừa cảm thấy được ma lực của ngọn núi? Tôi bắt đầu hiểu được tại sao mà đến cả một người thô bỉ như anh Yoki cũng kính cẩn thanh tẩy bản thân trước khi đặt chân lên chốn linh thiêng này. Sự bí hiểm của ngọn núi, không thể lý giải bởi suy luận hay lẽ thường của nơi hạ du, khiến tôi có hơi chút hãi hùng, nhưng đồng thời cũng thấy thích thú. Sự hỗn tạp của một chiếc chăn vá chùm vá đụp, sự nề nếp của một dải lụa tơ: hai yếu tố đối lập này khéo léo hòa quyện với nhau trong đời sống ngôi làng. Lần đầu tiên tôi cảm thấy như thể mình đã chạm vào được điều làm nên gốc rễ cho cuộc sống ở Kamusari.

Anh Seiichi và những người khác ra sức gọi: “Santa ơi! Santa!”

Để rũ bỏ đi nỗi ngạc nhiên của mình, tôi cũng gọi thật to: “Santa, em ở đâu? Bọn chú đến đón này. Ra đây đi!”

Thế rồi, ngay đằng trước con đường, một bóng người tí hon lọt vào luồng sáng đèn pin của chú Iwao. Chúng tôi đồng thanh kêu lên. “Santa!”

Thằng bé trông thấy chúng tôi và chạy ào xuống lối mòn. “Ba ơi!” Anh Yoki với tôi mỗi người đã đứng dang tay chờ sẵn, nhưng nó chạy ngang qua cả hai để ôm chầm lấy anh Seiichi đang đi bọc hậu. Anh Seiichi quỳ xuống và giữ chặt lấy con mình.

“Santa của ba đây rồi. Con có sao không? Có đau ở đâu không?”

“Con không bị sao hết.”

Dẫu thằng bé nói vậy, anh Seiichi vẫn vuốt ve và xoa nắn khắp người đứa con cho cẩn thận. Mắt anh nhắm nghiền, người anh run lên vì nhẹ nhõm và mừng rỡ.

Lão Già Saburo tháo nắp chai rượu cúng mà lão đeo theo bên hông và vãi rượu lên khắp mặt đất. “Tạ ơn ngài. Tạ ơn ngài đã trả lại Santa cho chúng tôi.” Lão chắp tay lại và bắt đầu khấn vái. Chúng tôi đều bắt chước theo. Trước cái oai linh của núi rừng ban đêm, chúng tôi chỉ còn biết cúi đầu.

Nhưng làm thế quái nào mà Santa đi xa được vậy? Chắc chắn là không có ai lại bắt cóc một đứa nhỏ rồi mang nó tới tận đây để giở trò mèo với nó. Rốt cuộc là đã có chuyện gì? Tôi không khỏi lo lắng.

Những người khác dường như cũng có chung suy nghĩ. Trong lúc chúng tôi quay trở xuống núi (Santa được anh Seiichi cõng), anh Yoki hỏi, “Santa lên đây kiểu gì? Chơi gì mà lâu thế? Làm cho các chú lo sốt vó đây này.”

“Ừm.” Santa dụi dụi mắt ngái ngủ. “Có một cô rất xinh mặc váy đỏ đến hỏi cháu, ‘Có muốn đi chơi không?’”

“Cô nào mà lại rất xinh?”

“Cháu hông biết. Là người lạ.”

“Cháu đã được dạy là không đi theo người lạ rồi cơ mà. Phải nhớ chứ.”

“Nhưng cô ấy hiền lắm! Cháu bảo có, thế là viu một cái, tự nhiên có rất nhiều hoa đẹp. Bao nhiêu là quả nữa. Có tha hồ đào, hồng với nho ăn thỏa thích.”

Không phải trái cây dễ tìm mùa này. Anh Yoki và tôi nhìn nhau. Anh Seiichi chỉ im lặng bước đi không hỏi gì.

“Thế à.” Anh Yoki day day sống mũi. “Viu một cái là sao? Cháu với cái cô ấy viu như thế nào?”

“Bọn cháu bay!” Santa hớn hở xòe tay ra. “Nhà cháu trông còn bé tí.”

Yoki bỏ qua vụ bay và tiếp tục hỏi tới. “Ồ, sau đó thì sao?”

“Thế rồi cô mặc váy trắng nói rằng đã đến lúc cháu phải đi về.”

Lại có cô mặc váy trắng nữa hả? Tôi nghiêng đầu sang bên. Cô nào mà lại mặc mỗi màu trắng với mỗi màu đỏ. Có thể một người làm ở trạm cứu hỏa và người kia làm ở bệnh viện chăng?

Không biết anh Yoki nghĩ gì mà ổng trông có vẻ bối rối. “Cái cô đó có xinh như cô kia không?”

“Xinh thì…” Santa tần ngần. “Nhưng cô ấy là người tốt. Cô váy đỏ thì đi luôn, nhưng cô váy trắng ở lại chơi với cháu cả ngày. Cô ấy là người dắt tay cháu dẫn cháu đi đến chỗ ba và các chú.”

Không phải họ là một cặp chị em gàn dở có hứng thú với các bé trai đấy chứ? Thấy lo, tôi hỏi, “Thế cháu có sợ không?”

“Không. Cháu thấy vui lắm.” Ngay sau đó, thằng bé áp má vào lưng anh Seiichi và ngủ thiếp đi.

“Santa đã gặp hai con gái của ngài Oyamazumi.” Lão Già Saburo nói với giọng kính cẩn.

“Phải,” chú Iwao đồng ý. “Giống y như cháu đây.”

“Gì cơ?” Tôi kinh ngạc ngoái ra sau. “Ý chú là chú cũng bị… thần bắt á?”

“Nhìn về đằng trước đi Yuuki không ngã bây giờ,” Chú khoa tay cảnh báo, rồi trầm ngâm như thể đang gợi lại một ký ức xa xưa. “Chừng đó đến nay là bao nhiêu năm rồi nhỉ? Bỗng một ngày chú biến mất, y như Santa bây giờ. Mấy người lớn chạy đi tìm chú khắp nơi, cuối cùng tìm thấy chú đang cười ha hả trên núi Kamusari. Họ kể thế, còn chú không nhớ gì.”

“Đúng rồi, chuyện là vậy,” Lão Già Saburo nói. “Đấy cũng là năm đại lễ của ngày Oyamazumi. Cách đây bốn mươi tám năm.”

“Phải không nhỉ?”

“Đúng rồi.”

Họ bình tĩnh thật đấy, tôi nghĩ. May mà chúng tôi tìm thấy Santa bình an vô sự, nhưng làm thế nào mà nó lại mất tích thì hoàn toàn là bí ẩn. Vụ thần bắt là có thật à? Chứ không phải là thằng bé bị một cặp chị em ‘ấm dâu’ tóm lên đây à?

Những ý nghĩ này quẩn quanh trong đầu tôi, nhưng càng nhìn vẻ mặt Santa đang ngủ ngon lành, việc đó lại càng bớt quan trọng đi. Thằng bé chưa bị động chạm gì đến. Nó chỉ dành cả ngày với hai người phụ nữ kỳ quặc nào đó trên đỉnh núi thần. Hãy để câu chuyện ở đấy thôi.

Dù có gì lạ xảy ra trên núi thì điều đó cũng không lạ chút nào.

Mặt trăng to tròn nhú ra và thắp sáng lối đi ban đêm như thể đang trông chừng chúng tôi. Không còn cần đến đèn pin. Lá cây sáng lên màu bạc dưới ánh nguyệt.

Chị Yuuko đang chờ sẵn trước cửa, thấy chúng tôi chị kêu không thành lời và ôm lấy Santa - vẫn đang say ngủ. Anh Seiichi nhẹ nhàng dùng mu bàn tay gạt đi nước mắt trên má chị.

Nhà Nakamura vẫn đang sáng choang, cả làng phá cỗ suốt đêm để ăn mừng sự trở về an toàn của Santa. Lão Già Saburo tô một cái mặt lên cái bụng nhăn nheo của mình và nhảy một điệu. Bác Yamane thì trổ tài ca hát trong lúc bà Shige vỗ tay phụ họa, có điều trật nhịp. Ba mẹ chị Miki ngồi cạnh anh Seiichi và liên tục chuốc cho anh đồ ăn và rượu.

Chị Miki gật gù nói với anh Yoki, “Chồng thi thoảng cũng có ích đấy chứ,” và ổng vui vẻ nâng cốc đáp lại.

Chú Iwao đang tươi tỉnh ngồi ăn trong một góc. Tôi bèn tiến lại, ngồi xuống bên cạnh và đổ đầy cốc bia của chú.

“Chú cảm ơn. Uống với chú tí đi.”

“Thôi, cháu chưa đủ tuổi. Uống trà thôi.”

“Giữ kẽ quá đấy.”

Trong một lúc chúng tôi ngồi đó và xem mọi người hát hò nhậu nhẹt. Santa sau khi về đến nơi đã lên giường đi ngủ. Không thấy chị Yuuko đâu, chắc đã ngủ cùng với con.

“Chú Iwao, sau chuyện đó chú có hãi mỗi lần lên núi không?”

“Sao lại hãi?”

“Chú bị thần bắt cơ mà? Biết đâu hồi đó lại không về được nữa.”

Chú trầm tư lắc đầu “Chú chưa từng nghĩ thế. Bị thần bắt hay không bị thần bắt, rừng núi vẫn là một nơi đáng sợ. Đôi khi lúc chú làm việc, ông trời tự dưng đổi gió, suýt thì không lành lặn quay được về nhà. Nhưng chú có bao giờ nghĩ đến chuyện làm gì khác đâu. Chú đã được sơn thần chiếu cố, vậy thì đương nhiên là phải sống với núi rừng và chết với núi rừng thôi.”

Thật đáng nể. Với chú Iwao, lao động trên núi không phải là một công việc mà là một lối sống. Tôi chưa từng thấy người lớn nào có quan điểm tương đồng như thế. Cách chú ấy nói cũng rất thản nhiên. Thật là ngầu.

Liệu có đến một ngày mà tôi lại chỉ muốn sống chết cùng núi rừng hay không?

Tới rạng sáng, buổi ăn mừng kết thúc và ai về nhà nấy. Chị Miki cõng bà Shige trên lưng, còn tôi loay hoay lôi theo một tên Yoki đang say mèm.

“Thật là, cái thứ chồng vô tích sự này!” Sau khi chị Miki đánh vật cởi được đôi giày jikatabi của ổng, ổng lăn kềnh ra sàn phòng khách. Chị sút nhẹ cho ổng một cái vào mông, nhưng ổng vẫn chẳng có vẻ gì là tỉnh.

Tôi cũng đã mệt nhoài. Tôi chỉ làm được thêm mỗi một việc là mò về cái futon của mình. Vẫn ăn mặc như một yamabushi, tôi chui vào trong chăn và ngủ đến trưa.

Santa bị lên cơn sốt và nằm suốt ba ngày, song thằng bé hồi phục với năng lượng thậm chí còn nhiều hơn trước và chẳng mấy chốc đã lại chạy nhảy khắp cả làng. Nó không còn nhớ gì về việc bị thần bắt đi nữa.

*

“Đầu óc em cứ lờ mờ kiểu gì ấy.” Tôi bảo vậy với anh Yoki, ổng khịt mũi. “Đầu óc chú mày lúc nào chả lơ tơ mơ.”

Tôi lên cơn ốm và nằm rên rỉ trong cái phòng sáu chiếu của mình, hắt hơi liên tục, mũi chảy ròng ròng. Tai mũi mắt tôi ngứa ran.

Lởn vởn trên đầu tôi như ma trơi, bà Shige giúp tôi lau đi mồ hôi và mũi dãi. Chị Miki thì nấu cho tôi cháo ăn cùng với mận dầm. Tiêu hóa của tôi vẫn tốt, nên đáng ra chị ấy không cần phải mất công đến vậy, nhưng dù sao thì tôi vẫn ăn với một lòng cảm kích. Tôi hắt xì kể cả trong lúc ăn. Đau cả sườn.

Là tại dị ứng phấn hoa đấy. Tôi chắc đã hít phấn hoa đủ cho cả đời người nội trong mùa xuân ấy. Trong lúc chúng tôi làm việc trên núi, phấn hoa rơi xuống thành từng lớp từng lớp. Mưa phấn biến cả một sườn núi thành màu vàng. Đến tối đi làm về, người chúng tôi trông như đang tẩm bột và đã sẵn sàng để cho vào lò quay.

Anh Seiichi và chú Iwao bọc kín người trong quần áo bảo hộ, không để lộ ra một mảng da thịt nào ngoại trừ đôi mắt ẩn sau gọng kính chắn. Họ trùm đầu và hai tai bằng một lớp vải mỏng rồi đội nón bảo hộ lên trên. Thêm một cái khăn khác che quanh mũi và miệng, trùm bên ngoài cái khẩu trang chống phấn. Thậm chí họ còn quấn cả cổ tay và mắt cá chân lại để cho phấn khỏi chui vào ống áo và ống quần.

“Chỗ nào cũng ngứa chú ạ,” tôi than thở với chú Iwao. “Không chỉ có mỗi mũi với họng cháu, ngứa cả trên da nữa.”

“Đúng rồi đấy. Chưa thấy năm nào như năm nay.”

Người thì ăn mặc như quân du kích, người thì ăn mặc như thợ nuôi ong, tôi với chú kể khổ với nhau mỗi lần nghỉ giải lao. Anh Yoki, Lão Già Saburo và Noko thì vẫn tỉnh queo. Phấn có rơi như thác họ cũng kệ xác. Sống mũi tôi nóng bừng, còn đầu óc tôi nặng nề đến mức tôi còn tưởng mình bị trúng gió.

Nhưng tôi biết đó không phải là trúng gió, cũng nhờ cơn động đất.

Chúng tôi đang ở cao trên núi Tây, tỉa thưa một khoảng rừng liễu sam ba mươi năm tuổi. Rừng trên hai mươi năm sẽ được tỉa thưa khoảng năm năm một lần, bỏ đi hết những cây trông không có tiềm năng để lấy gỗ. Nếu không tỉa, rừng sẽ mọc quá dày, cây cối mọc lẫn vào nhau và che mất ánh sáng mặt trời. Song tỉa nhiều quá cũng không tốt. Liễu sam sẽ héo nếu chúng phơi quá nhiều dưới nắng.

Lựa chọn chặt cây nào và giữ cây nào không phải dễ dàng. Bạn phải nhìn vào vị trí và dáng rồi để lại những cây nào trông có cơ hội sinh trưởng cao nhất. Mục đích là để dự liệu trước cho đến khi chúng đủ năm mươi hoặc bảy mươi tuổi. Những cây bị tỉa sau khi đã trồng ba mươi năm cũng không hoàn toàn là vô dụng. Khi còn ở đó, chúng bảo vệ những cây khác khỏi mưa gió, đảm bảo lượng ánh sáng mặt trời vừa đủ và làm giàu cho đất. Còn khi thân cây đã đủ ba mươi vòng, chúng có thể được đem đi bán.

Tôi không biết phải chặt cây nào và dù sao thì cũng chưa thạo việc đến mức chặt được chúng xuống, nên công việc của tôi là kéo gỗ đi.

“Ngày xưa bọn ta dùng cả vỏ,” Lão Già Saburo nói. “Từ tháng tư đến tháng chín bóc cái là ra.”

“Thế còn những tháng khác trong năm thì không được ạ?”

“Không. Trời ấm lên thì cây bắt đầu lớn đúng không? Khi đó vỏ cây sẽ hơi lỏng ra, mềm dẻo hơn. Mùa đông lại là chuyện khác. Cây không lớn nữa, vỏ nó co lại và bám chặt vào thân.”

Con người ngày xưa có mắt tinh thật, để ý cả được những điều như thế.

Lão Già Saburo lấy ra một cái rìu cỡ nhỏ, khéo léo đẽo ra một đoạn vỏ từ một khúc gỗ liễu sam. Bên dưới lớp vỏ nâu xù xì, thô ráp, lớp mặt nhẵn mịn bên trong của thân cây hiện ra như có phép thuật, mùi gỗ mới sực lên.

“Bọn ta từng sử dụng vỏ gỗ dư lại để ước chừng xem đã chặt được bao nhiêu cây, từ đó mà tính tiền công.”

“Bây giờ người ta không lột vỏ nữa ạ?”

“Hầu như là không. Giờ không cần dùng vỏ để nhóm lửa nữa, nên không có nhu cầu. Hơn nữa bóc vỏ cây đi làm cho gỗ dễ bị khô và nứt hơn.

Lương ở công ty gỗ Nakamura không còn được tính bởi lượng gỗ đã chặt nữa, mà tính bằng số ngày công. Đương nhiên tay nghề và kinh nghiệm cũng góp một phần quan trọng. Là một nhân viên học việc, chắc lương của tôi không bằng một phần ba anh Yoki. Song được trả lương đã là mừng. Tôi còn chẳng làm nổi một phần tư khối lượng việc của ổng.

Lão Già Saburo cùng tôi khuân mấy khúc gỗ đầy đủ vỏ xuống dưới sườn núi và chất chúng thành từng đống. Gỗ vừa chặt nặng thấy mồ. “Khi đã xác định được điểm tựa rồi thì chẳng có vấn đề gì cả,” lão nói, nhưng tôi luôn luôn phải oằn cả người.

Để giữ cho mấy khúc gỗ dưới cùng khỏi chạm đất, chúng tôi rải cành cây và lá phía dưới. Thay vì sử dụng gỗ đứng để làm cột chống, chúng tôi xếp các khúc gỗ nằm chéo nhau. Chúng sẽ được để nằm phơi như vậy trong khoảng một trăm ngày, và chỉ sau đó, khi chúng đã khô hơn và nhẹ hơn, chúng tôi mới khuân chúng xuống dưới chân núi.

Cách đó một đoạn, anh Seiichi đang lựa cây để tỉa, chọn được cây nào thì lột một đoạn vỏ cây ấy ra để đánh dấu. Anh Yoki và chú Iwao sẽ buộc một cuộn dây thừng xung quanh, để khi anh Seiichi chặt nó xuống, họ có thể kéo dây nếu cần thiết để điều chỉnh vị trí rơi của nó.

Việc lựa chọn chặt bỏ cây nào trên sườn núi, theo thứ tự và hướng như thế nào là tối quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn cho người lao động và hiệu quả trong việc lấy đi những cây đã chặt. Ngay cả anh Yoki cũng mang một vẻ mặt căng thẳng trong lúc làm việc. Đôi khi anh Seiichi sẽ hỏi ý kiến Lão Già Saburo. Lúc nào cũng vậy, Lão Già Saburo sẽ đưa ra chỉ dẫn và đánh giá chuẩn không cần chỉnh như “Bắt đầu từ cái cây đằng này. Đốn theo oikoma rồi tiếp tục là komazaka rìu trái.”

Mới đầu tôi chẳng hiểu lão nói gì. Nghe như một loại mật mã. Chú Iwao giải thích rằng đó là các từ để cho biết hướng đổ của cây.

Chặt cây về bên phải khi áp mặt về hướng núi là “rìu phải”, chặt về bên trái là “rìu trái”. Có tám hướng tất cả. Chặt chéo về góc trên là oikoma, chéo xuống dưới là komazaka. Chặt đổ sang ngang là yokogi, “xà ngang”, thẳng về đằng sau là gombei, “nhà quê” và thẳng về phía trước là shombentare, “tè dầm”.

Kỳ diệu thay, anh Yoki chưa từng một lần không chặt cây đổ đúng hướng. Hơn nữa, ổng chỉ dùng mỗi cái rìu của ổng. Làm được thế không khác gì siêu nhân. Đó là biểu hiện của tay nghề có hạng. Dù ghét phải thừa nhận nhưng anh Yoki thật là tài giỏi.

“Chỉ có mấy thằng ngu mới chặt theo hướng yokogi với shombentare,” chú Iwao giải thích. “Chặt hai hướng đấy làm cho cây lăn thẳng xuống dốc. Vãi linh hồn. Shombentare là hãi nhất. Cây đập thẳng xuống đất, vỡ vụn. Mảnh cây văng vào người là đi tong.”

“Thế nên shombentare mới khiến cho bây bĩnh ra quần,” Lão Già Saburo lắc lắc cái đầu.

Chú Iwao nói tiếp, “Trừ khi có gì cản đường, còn không thì lúc nào cũng nên để cho cây đổ về phía trước. Đó là điều cơ bản. Dễ để chặt và khuân nó đi hơn bằng cách đó.”

Tôi đứng cách một khoảng an toàn về phía trên và đứng xem anh Yoki vung rìu. Trước khi chặt một cái cây, ổng luôn luôn tuyên bố hướng cây đổ ba lần.

“Oikoma! Oikoma! Oikoma!”

“Hoisa!” chúng tôi hô đáp trả. Đó là tín hiệu báo rằng, “Bọn này đã nghe rõ và đã ở nơi an toàn, anh có thể bắt đầu tùy ý.”

Với anh Yoki thì không cần phải lo, nhưng với người nào mới bắt tay vào việc thì không dám chắc được cây sẽ đổ đúng hướng hay không. Khi đó chúng tôi đều sẽ gặp nguy hiểm chết người.

Anh Yoki dùng cán rìu gõ vào thân cây hai lần.

“Làm thế để làm gì ạ?” tôi mới hỏi.

“Thói quen của thằng Yoki đấy.” Lão Già Saburo cười. “Trước khi chặt cây lớn, nó phải chào thần cây. Đó là cách để nó nói: với sự cho phép của ngài, tôi sẽ chặt cái cây này xuống. Bên cạnh đó, đôi khi gõ vào thân cây có thể phát hiện ra có hõm rỗng bên trong. Mấy cái cây còi mà ta chặt hôm nay thì không thực sự cần thiết, nhưng chắc nó không đừng được.”

Anh Yoki hít mấy hơi và cầm rìu sẵn sàng. Thế rồi, rắc… rắc – tiếng lưỡi rìu bổ vào thân cây vang lên rõ mồn một qua khu rừng. Ngọn cây lay động, đoạn chậm rãi ngả dần, đổ lên trên dốc. Không cái cây nào xung quanh bị xây xước.

Trong lúc tôi còn đang mắt tròn mắt dẹt, Lão Già Saburo lẩm bẩm, “Có gì đó không ổn.” Ngay tức thì, mặt đất rung chuyển. Tôi dợm nghĩ đó là chấn động do cây rơi xuống, nhưng không phải.

“Có động đất!” tôi la lên. Có thể chỉ là cấp độ 3, nhưng ở trên núi cảm giác dữ dội hơn nhiều.

“Cúi xuống!” Lão Già Saburo ấn mạnh lên nón bảo hộ của tôi. Anh Seiichi và chú Iwao thì đang mải đánh dấu lên thân cây. Chú Iwao ngước nhìn lên đỉnh và thấy tán cây rung rinh. Anh Seiichi hét lớn, “Yoki, chạy mau!”

Anh Yoki khi ấy vừa chuyển sang một cây mới. Với một nhát chặt trên thân, cái cây đứng không còn vững, nếu cơn động đất khiến nó đổ sai hướng thì ổng bị đè bẹp như chơi. Trước khi rung chấn trở nên tệ hơn, anh Yoki phi như điên lên dốc, Noko phóng theo sau.

Anh Yoki vừa kịp chạy lên bên cạnh Lão Già Saburo và tôi thì cơn động đất đạt đến cực đại. Cả ngọn núi thét gào, chim chóc khuất tầm nhìn kêu chiêm chiếp ầm ĩ. Cành lá lắc lư dữ dội, khiến cho phấn bay như tuyết lở.

Tôi nghĩ ngay tức thì đến Biển Hủy Diệt – khu rừng rộng lớn bị nhiễm độc nuốt chửng mọi sự sống trong bộ phim Nausicaä. “Trông phấn hoa bay kìa…” tôi chưa từng nghĩ là sẽ được chứng kiến cảnh tượng nào kỳ thú như thế trong đời thực.

Tiếng gầm gào đã dứt. Những hạt ánh vàng cuồn cuộn bay trong không khí, rơi chất đống lên mặt đất.

“Động đất to thật đấy.”

“Chạy siêu lắm Yoki.”

“Đừng cười cháu. Cháu sợ teo cả bi lại rồi đây này.”

“Không sao là tốt rồi.”

Mấy gã đàn ông cười với nhau và phủi phấn rơi trên đầu. Bụi vàng phủ kín họ từ đầu đến chân.

Tôi không thốt lên lời.

Anh Seiichi ngó về phía tôi. “Sao thế Yuuki?”

Tôi đáp lại với một tiếng hắt xì hơi giòn giã. Đó chính là khoảnh khắc tôi bị dị ứng phấn hoa.

Đến khi công việc kết thúc, trán tôi đã hơi nóng nóng. Họ đưa tôi tới bác sĩ duy nhất trong làng, ông ấy cho tôi một liều antihistamine. Ông bác sĩ còn già hơn cả Lão Già Saburo, rồi thì trong lúc khám chữa ông ấy cứ run lên mà không hiểu vì lý do gì. Mỗi phen tôi hắt xì, khoảng ba giây sau ông ấy lại giật bắn lên một phát. Tôi không thể không nghĩ thầm: này ông ơi, ông có cần đi viện không vậy?

Bà Shige và chị Miki chăm tôi ốm, nhờ họ mà tôi hạ sốt khi sang ngày hôm sau. Không may thay, chứng dị ứng thì tồn tại vĩnh viễn.

Và đó là lý do tại sao tôi trở thành một lò sản xuất nước mắt nước mũi hàng loạt.

“Dính tí phấn hoa không tẻo được đâu. Dậy đi!”

Anh Yoki luôn ngập tràn năng lượng vào buổi sáng. Hầu như cả đội đều đeo đồ bảo hộ, nhưng ổng thì không.

Tẻo thì không tẻo, nhưng em đang ngứa muốn chết đây này! Đầu óc mụ mị, tôi quắc mắt nhìn anh Yoki, cầu cho ổng bị dị ứng phấn hoa đánh gục. Cứ bị đi rồi mới biết tay! Ổng không để ý thấy ánh mắt trù ẻo mà tôi dành tặng ổng. Ổng còn đang bận chơi đùa với Noko trong sân trước nhà anh Seiichi.

“Cái thứ dị ứng phấn hoa này quái ác thật đấy.” Lão Già Saburo ngúc ngoắc cái đầu. “Nó không từ ai già trẻ lớn bé. Sao nhiều người bị thế không biết?”

“Chắc do cơ địa.” Anh Seiichi hỉ mũi. “Được rồi, mọi người nghe đây. Kế hoạch thế này.” Chúng tôi đang ngồi tập trung quanh cái bàn lớn để điểm qua công việc trong ngày. “Mai là buổi tiệc ngắm hoa anh đào hàng năm trên núi hậu. Thế nên công việc hôm nay của chúng ta là quét dọn khu đất và làm đường đi lên đỉnh núi.”

Ngắm hoa anh đào? Bất ngờ nha. Mùa xuân tuy có đến muộn ở Kamusari, nhưng kể cả những cây anh đào Yoshino cũng đã hết hoa rồi. Tôi trông thấy chúng dọc theo con đường cạnh bờ sông, trong sân nhà của mọi người và dưới chân đồi, lung linh như mấy đốm lửa màu hồng nhạt. Làm sao mà còn hoa ở đâu để ngắm chứ?

Nỗi nghi ngờ chắc đã hiện trên mặt tôi. “À đúng rồi, chú mày còn chưa được trông thấy cây Anh Đào Kamusari.” Anh Yoki cười tự mãn. “Đẹp cực.”

“Sao không để Yuuki làm ở sườn dưới vào hôm nay,” Lão Già Saburo nói, “đợi đến mai hẵng cho nó chiêm ngưỡng cây anh đào?”

“Ý hay.” Anh Seiichi gật đầu. “Được rồi, vậy thì Lão Già Saburo và tôi sẽ dọn dẹp xung quanh cây anh đào, còn Yoki, chú Iwao với Yuuki, mấy chú cháu chịu trách nhiệm làm đường. Buổi họp kết thúc.”

“Núi hậu” là quả núi thấp đằng sau nhà anh Seiichi. Trong lúc đi đến khu vực làm việc, chú Iwao kể cho tôi nghe về buổi tiệc.

“Trên đỉnh núi hậu có một khoảng trống trồng một cây anh đào cổ thụ gọi là Anh Đào Kamusari. Mỗi năm một lần, cả làng sẽ tụ tập ở đó để ngắm hoa.”

“Nghe hay quá.”

“Được ăn uống thỏa thích,” anh Yoki nói. “Được tự do thư giãn. Vui đáo để.” Ổng nói thêm, “Cả năm chỉ có duy nhất một dịp này để chú mày có thể nói chuyện với con gái nhà người ta mà không bị cả làng chúi mũi vào.”

“Nhớ là chỉ nói chuyện thôi đấy,” chú Iwao nhắc. “Hồi thằng Yoki còn học cấp ba, nó đẩy Miki vào sau bụi rậm, ầm ĩ hết cả lên.”

Ổng là gì vậy, thú vật chắc?

“Sau đấy cháu đã sửa đổi và cưới Miki rồi còn gì?”

Chẳng có gì để mà phải ưỡn ngực cả.

Gò má anh Yoki hơi hồng. Ổng và chị Miki liên tục đấu khẩu, nhưng sống cùng với họ, tôi biết họ vẫn còn đang mặn nồng.

Chú Iwao đưa câu chuyện về với đúng chủ đề. “Ngắm hoa anh đào là dành cho tất cả mọi người từ già đến trẻ, nhưng để đi lên tới đỉnh núi, kể cả ngọn núi nhỏ như thế là việc khó khăn đối với một số người. Đó là lý do chúng ta sẽ làm một lối đi lên.”

Gỗ được tỉa sẽ được sử dụng cho con đường này. Trong lúc tỉa cây trên núi hậu người ta đã phơi khô gỗ rải rác khắp nơi để sử dụng cho các sự kiện trong năm. Chúng tôi sẽ dùng chúng để làm một đường đi bằng gỗ.

Chúng tôi đặt những khúc gỗ nằm thoai thoải, buộc chặt lại ở cả hai đầu vào gốc hoặc thân cây đứng gần đó để chúng không bị trượt đi, tạo nên một con đường uốn lượn tận lên trên đỉnh. Đối với những người làm việc trên núi hàng ngày như chúng tôi, leo cái núi hậu này dễ như ăn kẹo. Lối đi lát gỗ là để cho những ai đi lại khó khăn.

Chú Iwao và tôi làm việc từ giữa ngọn núi trở xuống, chú vừa làm vừa chỉ cho tôi. Anh Yoki một mình làm hết nửa bên trên. Đến bữa trưa ổng đến chỗ chúng tôi, nằm ngay cạnh con suối. Chúng tôi rửa mặt bằng dòng nước trong lành mát lạnh rồi ăn trưa. Anh Seiichi và Lão Già Saburo thì dừng tay nghỉ ngơi trên đỉnh núi.

“Phải làm gì với cái suối này?” tôi hỏi.

Bản thân tôi cũng gặp khó khăn khi lội qua con suối này lúc đi lên. Nó rộng khoảng ba mét, gọi là sông thì đúng hơn là suối. Đây đó có mấy viên đá trồi lên, nhưng chúng ướt át và trơn trượt. Tôi từng bị trượt chân rơi xuống nước. Tuy không đủ sâu và đủ siết để cuốn tôi đi, nhưng với một đứa trẻ nhỏ như Santa có thể sẽ nguy hiểm.

“Xây một cái cầu chứ sao.” Anh Yoki cắn cái miếng onigiri ngoại cỡ của ổng.

“Bằng mấy khúc gỗ này á?”

“Còn cái gì để dùng nữa đâu?”

“Làm thế nào mà xây được một cây cầu vững chãi bằng mấy khúc gỗ được?” tôi thắc mắc.

“Không phải lo.” Chú Iwao cười. “Thế làm thế nào để lôi cây từ tít trên cao xuống? Bằng cầu trượt.”

“Cầu trượt?”

“Cầu trượt chở gỗ, dùng trên mấy dốc núi cao. Đặt gỗ đã chặt lên trên đó và trượt nó xuống khoảng ba trăm mét hoặc hơn. Một cảnh tượng thật là hoành tráng.”

“Khi gỗ đã trượt xuống hết đến nơi, chú mày sẽ khiêng nó lên, khuân nó ra đường, xong là đi về,” anh Yoki nói. “Tất nhiên, thi thoảng vẫn có chướng ngại vật. Giữa đường tự nhiên lại mọc ra cái khe núi. Khi đó sẽ phải xây một cái đường trượt.”

“Gỗ được vận chuyển bằng một cái xe trượt.” chú Iwao nói. Cứ mỗi khi bàn về nghề lâm là mắt chú sáng lên. “Chất gỗ lên cái xe rồi kéo bằng tay. Nhưng đầu tiên là phải làm một cái đường bắc qua đấy. Đóng mấy cái cọc vào khe núi rồi để gỗ lên trên như đặt một cái thang nằm ngang ấy. Một cây cầu cạn bằng gỗ. Đường trượt qua khe núi là con đường ngắn nhất để vận chuyển gỗ từ trên đỉnh xuống.”

“Cái khe núi mấy chục mét còn làm được,” anh Yoki khoe. “Xây cái cầu qua cái suối con con này chẳng là gì. Nhắm mắt cũng xong.”

“Ở trên núi mất cảnh giác bất cứ giây nào là kiểu gì cũng có chuyện đấy nhé.” chú Iwao cảnh báo. Chú quay sang tôi và giải thích về cách phân chia lao động truyền thống. “Bình thường, mỗi đội sẽ đảm nhận một chuyên môn riêng. Bây giờ thiếu người nên đội nào cũng phải làm đủ loại việc. Đội Nakamura về cơ bản có trách nhiệm đốn gỗ. Chúng ta được gọi là thợ rừng. Những người dùng mỗi cái rìu để làm việc như thằng Yoki thì gọi là tiều phu. Thợ cưa là những người người chịu trách nhiệm lột vỏ và xẻ gỗ ra để bán. Rồi còn một chuyên môn nữa: vận chuyển gỗ từ trên núi xuống. Thông thường nghề của họ là dựng đường và cầu trượt.”

Tôi thấy ngạc nhiên về mức độ phân công công việc. Mỗi mảng đều đòi hỏi chuyên môn cao, có lẽ đó là lý do cần phải đào tạo bài bản. Liệu tôi có thể trở thành một thợ rừng lành nghề được không? Đến bây giờ tôi vẫn còn khó khăn trong việc mài sắc lưỡi cưa của mình cơ mà.

Anh Yoki dùng một hòn đá mài để giữ cho lưỡi rìu của ổng mỏng như dao lam. Song mỏng quá là nó sẽ bị gãy ngay và trở nên vô dụng; đạt được độ mỏng chính xác là hơi bị khó. Vào ban đêm lúc anh Yoki ngồi trên nền đất nung ngoài ngưỡng cửa mài rìu, tôi đều quan sát, nhặt về cho ổng mấy cái cành cây để kiểm tra. Dù đã tự nhủ là khỏi phải quan tâm làm gì, nhưng tôi lại cứ đến bên cạnh ổng để xem.

Đến với Kamusari vùng và vùng vằng, song từng chút từng chút tôi đã dần làm quen với cuộc sống của một anh thợ rừng. Khó mà tin được là khi mới tới làng tôi cứ tính đến chuyện bỏ trốn.

Chúng tôi ăn xong bữa trưa và bắt tay vào xếp gỗ bắc qua dòng suối.

“Thấy tảng đá nhô lên giữa dòng kia không?” Chú Iwao chỉ tay. “Ta sẽ dùng tảng đấy để làm chỗ đỡ.”

Họ chọn ra ba khúc gỗ dài ba mét rưỡi đến bốn mét và đặt chúng ngang qua dòng suối, song song với nhau. Anh Yoki đứng thăng bằng bên trên, cố tìm ra góc tốt nhất để kê vào tảng đá. Trông cứ như nghệ sĩ xiếc.

Chú Iwao và tôi chất mấy hòn đá trên bờ, cố định ba khúc gỗ lại ở các góc để chúng không lăn mất. Anh Yoki đi vượt qua cây cầu mới xây và làm tương tự ở bờ bên kia.

“Khi đặt gỗ tốt nhất là nên đặt hơi chéo so với dòng nước chứ đừng đặt vuông góc,” chú Iwao dặn.

“Sao lại thế ạ?”

“Nghĩ thử mà xem.”

Tôi nhìn cây cầu và dòng suối rồi ngẫm nghĩ. Rồi tôi chợt hiểu ra. Nếu đặt vuông góc, gỗ sẽ phải chịu lực đẩy trực tiếp của dòng nước, còn khi đặt nghiêng, lực sẽ bị phân tán, cây cầu sẽ có được độ vững chắc hơn.

“Được rồi, đi thử xem nào.” Chú Iwao nhẹ nhàng băng qua cây cầu gỗ. Tôi đi theo chú, nhưng khúc gỗ cứ xoay trở, khiến cho việc đi lại khá khó. “Đừng dồn hết lực vào một thanh như thế,” chú bảo tôi, “xoay ngang hết cái bàn chân ra.” Tôi làm như chú chỉ, cẩn thận bước lên ít nhất hai cái cùng một lúc rồi đi qua cầu.

Anh Yoki đang bận rộn với một vài khúc gỗ tỉa khác, sử dụng cây rìu của ổng một cách khéo léo, trước hết cắt chúng thành từng mẩu dài nửa mét rồi bổ chúng thành hai nửa bán nguyệt. Ổng đặt lên cầu một vài miếng bắt chéo rồi đóng chặt chúng xuống, như vậy ba khúc gỗ đã được ghìm lại với nhau.

“Bây giờ cháu với Santa có thể đi qua suối mà không phải sợ rồi nhé,” chú Iwao nói. Tôi hơi xấu hổ khi bị gộp chung với một đứa trẻ con, nhưng trong giới lâm nghiệp, tôi cũng chả khác gì một đứa con nít, nên tạm thời bỏ qua vậy. Chúng tôi làm đường lát gỗ trên hết phần đồi còn lại, thế là xong công việc của một ngày. Anh Seiichi và Lão Già Saburo chạy như gió xuống con đường bằng gỗ của chúng tôi. Tôi chợt nghĩ họ và những dân làng Kamusari khác không biết chừng đều là tengu cả, những con yêu quái trong truyện dân gian có thể tự do bay nhảy trên rừng núi.

Khi chúng tôi về đến nhà, chị Miki đang khuấy một cái nồi to khổng lồ dưới sự giám sát của bà Shige, chuẩn bị đồ ăn cho bữa tiệc. Những miếng đậu rán vàng đẹp ơi là đẹp, được dành cho bữa trưa ngày mai. Không may là chị không có thời gian nấu gì cho bữa chiều hôm đó, nên chúng tôi ăn tạm giăm bông với trứng, hệt như bữa sáng hôm nay. Nhưng cả anh Yoki và tôi đều không phàn nàn gì.

Trời đẹp vào buổi sáng hôm sau. Chị Miki dậy sớm và chất đầy hộp đựng picnic nhiều tầng với đồ ăn đủ loại. Tiếp đó chị làm oinari-san, một loại sushi bằng cơm nhồi bên trong những túi đậu phụ nhỏ. Tôi cũng phụ một tay bằng cách nhét đầy những túi đậu đủ vị với cơm pha dấm trộn cùng với cà rốt luộc tẩm đường băm nhỏ, nấm shiitake và các gia vị khác. Tôi chú tâm nặn cơm trộn thành các hình trụ đều. Vui lắm.

Trong lúc hai chị em chuẩn bị, hàng xóm đi qua gọi cửa. “Nhà mình xong chưa?”

“Bác cứ đi trước đi.”

Chị Miki cau mày tập trung sắp xếp cho xong hộp đựng picnic. “Hai chị em thì ở đây quắn hết cả đuôi lên, còn ông chồng kia bỏ đi đâu rồi không biết nữa?”

Anh Yoki á? Đang ‘nhắm thử’ mấy chai rượu mà chúng tôi sẽ mang theo, cả sáng hôm nay ổng nằm ngáy khò khò ngoài hiên. Tôi không mách chị. Khi mấy cái hộp đã được chuẩn bị xong hết và được quấn trong những bọc furoshiki cỡ lớn, tôi mới lén đi dựng ổng dậy.

Ngọn núi hậu đông đến bất ngờ so với tiêu chuẩn của Kamusari. Chúng tôi có thể thấy lác đác người qua những tán cây đang trèo lên lối đi mà chúng tôi đã làm. Trên đỉnh núi lao xao tiếng nói.

Chúng tôi bắt đầu leo lên dốc. Anh Yoki cõng bà Shige trên lưng, chị Miki xách theo hộp picnic, mỗi cái một tay, còn tôi mang năm cái chai lớn đựng rượu, ba chai trong ba lô và hai chai hai tay. Khi đến chỗ cây cầu gỗ bắc ngang dòng suối, chúng tôi bắt gặp anh Seiichi, chị Yuuko và Santa. Anh Seiichi đang vác một thùng rượu và chị Yuuko cũng đang xách theo một cái hộp picnic nhiều tầng trên một tay, một cái nồi lớn trên tay còn lại. Ai cũng đóng góp đồ ăn thức uống như thế à? Họ nốc được nhiều đến mức nào vậy?”

Santa chạy lon ton qua cây cầu gỗ, chân vững hơn tôi nhiều.

Mấy chai rượu trên ba lô của tôi đè nặng lên vai. Vừa lúc tôi bắt đầu thấy mệt hết cả hơi, cả bọn cuối cùng cũng lên tới đỉnh. Khi khung cảnh hiện lên, tôi bất giác thốt lên kinh ngạc.

Trên đỉnh núi là một khoảng không tự nhiên phủ đầy cỏ xanh. Ngay chính giữa là một cây anh đào diễm lệ cao vĩ đại, đẹp hơn bất kỳ bức họa nào. Một cây anh đào rừng. Nhìn từ xa, những búp đào kép trắng mọc thành vô vàn cụm hoa ở khắp các đầu cành trông như một làn sương mù. Khi tôi đến gần hơn, tôi thấy những búp hoa đó được bao bởi một lớp viền xanh rất nhạt, như đang phản chiếu lại cỏ cây xung quanh. Thứ màu ấy thật nên thơ.

“Thế nào? Chú mày thấy sao về cây Anh Đào Kamusari?” Anh Yoki tự hào quay sang hỏi. Trên lưng anh, bà Shige mỉm cười sún răng.

“Đẹp tuyệt vời.” Tôi xúc động đến mức chỉ có thể thốt lên như vậy. Cái cây đã đứng đó biết bao năm trời trên đỉnh núi này, cắm những chiếc rễ rêu phong ngoằn ngoèo của nó xuống đất, vươn những cành nhánh của nó tới trời.

Người dân làng đang ngồi quanh gốc cây với những chiếc hộp picnic đựng đồ ăn trưa của họ. Dưới tán hoa anh đào, họ chia sẻ đồ ăn và đổ đầy cho nhau những cốc rượu. Có người hứng lên nhảy một bài; người khác hắng giọng ngâm một bài thơ cổ. Không khí nhẹ nhàng và thoải mái như anh Yoki nói. Người từ khắp cả ba quận Naka, Shimo và Kamusari đều cùng về đây để cùng nhau thưởng hoa trong cái lâng lâng của men rượu.

Được chị Miki rủ, tôi ngồi xuống thảm cỏ và nhập hội. Chú Iwao và Lão Già Saburo ngay lập tức tìm đến để chia sẻ oinari-san và các món khác của nhà họ. Anh Yoki tu rượu luôn từ chai. Anh Seiichi thì uống hết cốc rượu này đến cốc rượu khác, có vẻ như chả xi-nhê gì, trong lúc dân làng kéo đến xếp hàng để rót rượu. Ai mời anh cũng uống.

Chẳng ai quan tâm việc tôi chưa đủ tuổi. Có chú từ bên hợp tác xã lâm nghiệp thấy tôi và tiến đến. Mới đầu tôi chỉ thấy hơi quen quen, sau nhìn thấy bắp tay cuồn cuộn mới chợt nhớ ra đó là Chú Heo Rừng Hầm.

“Ái chà Hirano! Chú nghe nói cháu làm việc chăm chỉ lắm. Thật là đúng đắn khi cho cháu vào công ty Gỗ Nakamura mà!”

Chú mặt đỏ lừ và bước đi không vững. Chú hớn hở đổ đầy cái cốc giấy của tôi bằng rượu. Tôi đáp lại kỳ vọng bằng cách nốc sạch. Trông thấy thế anh Yoki bèn bảo, “Uống thêm đi!” đoạn nghiêng cái chai ổng đang cầm vào cốc của tôi.

Tôi bắt đầu cảm thấy rất vui và đứng dậy để đi về phía cái cây.

“Em bị làm sao à?” Giọng chị Miki lo lắng.

“Em không sao hết,” tôi bảo chị.

Tôi đi quanh gốc cây. Những đoạn rễ to hơn cả cành mọc thò lên dưới đất.

Sau khi đã thăm thú đủ một vòng, tôi suýt va phải một người phụ nữ. “Ối chết, xin lỗi…” tôi ngước lên và đông cứng người. Đó là Naoki. Lâu quá trời rồi mới gặp lại. Những ký ức hiện lên về cái hôm cô ấy lao xe dọc xuống con đường đèo và tôi bám trối chết phía sau; cả vòng eo mềm mại của cô ấy nữa.

Nghe cô ấy chào, trái tim tôi lộn tùng phèo, đập nhanh muốn vỡ cả xương sườn. “Nghe nói cậu có ở trong nhóm đã tìm thấy Santa vào hôm trước. Cảm ơn rất nhiều. Hôm đó tôi phải xa làng đi công tác. Sau này nghe kể mà bủn rủn cả tay chân.”

Sao lại cảm ơn tôi? Với tư cách là một người dân của ngôi làng này ư? Mà cô ấy đi công tác là sao? Làm gì mà lại đi công tác? Tôi muốn được biết. Tôi muốn được hiểu hơn về cô ấy.

“Tôi, ờm… tôi…” tôi bước đến gần hơn. “…là Hirano Yuuki.”

“Eo ơi, người gì toàn mùi rượu.” Gương mặt xinh đẹp của cô ấy nhăn lại, cô ấy quay người bỏ đi mất.

Tôi chỉ vừa mới giới thiệu thôi mà. Để tôi nói hết đã chứ. Sức lực tự nhiên bị rút cạn, tôi đứng đó như trời trồng. Tôi nghĩ là mình đã lăn ra mất một lúc.

Điều kế đến mà tôi nhớ là bầu trời đã có màu của buổi chiều tàn. Ai đó đã đỡ tôi nằm xuống ở một góc bãi cỏ, bà Shige ngồi kế bên. Tất cả mọi người khác đang ngồi đối diện với cây Anh Đào Kamusari. Lão Già Saburo đặt một chai rượu lớn ở dưới gốc cây, lấy ra một cái que có gắn hai mảnh giấy có hình tia chớp và cắm nó xuống đất. Trong lúc anh Seiichi cung kính chắp tay, ai nấy cũng đều cúi lạy.

“Bây thấy núi Kamusari hiện rõ khi nhìn từ đây chứ?” bà Shige hỏi. “Chúng ta cho thần linh thấy rõ sự yêu mến hoa anh đào. Nếu ta vui thì ngài cũng thấy vui. Và đến cuối buổi tiệc, chúng ta tạ ơn cây và tạ ơn thần.”

Vẫn nằm thẳng cẳng, tôi xoay đầu và nhìn về phương nam. Ở đằng xa, núi Kamusari vươn cao sừng sững dưới trời chiều. Tôi ngoảnh lại về phía người dân đang tụ tập dưới tán cây. Naoki đang ngồi giữa chị Miki và Yuuko. Người đâu toàn mùi rượu. Cô ấy nói vậy và bỏ tôi đi. Tôi hãy muốn biết quá nhiều điều: em sống ở đâu, em bao nhiêu tuổi… đã phải lòng ai chưa. Ngực tôi nhói đau, có điều không liên quan gì đến chứng dị ứng phấn hoa.

Tôi thở dài và ngước mắt nhìn bà Shige. “Bà ơi, sao phụ nữ Kamusari lại xinh đẹp đến vậy?”

“Ôi cái thằng cháu này.” Bà cười khúc khích và vỗ một cái vào trán tôi.

Bình luận (0)Facebook