(Kết) Thong dong với cuộc sống ở Kamusari
Độ dài 2,651 từ - Lần cập nhật cuối: 2024-01-01 17:16:10
Thế là những ghi chép dài dòng của tôi về năm vừa qua tại làng Kamusari cũng đã đến hồi kết. Cảm ơn mọi người vì đã đọc nhé! Ấy chứ tôi cũng chẳng có ý định trưng cái này ra cho ma nào xem cả. Cái này là bí mật. Nhưng cứ tự nghĩ rằng biết đâu lại có ai đó đang đọc thì câu chữ nó tuôn ra dễ hơn nhiều.
Khoan đã. Ông Yoki chắc không lén đọc được cái này đâu đúng không nhỉ? Hy vọng là không. Ổng mà biết hết những ý nghĩ nội tâm đáng xấu hổ của tôi thì chết mất.
Tôi vừa ngó qua phòng sinh hoạt chung để kiểm tra. Anh Yoki và bà Shige đang vừa xem TV vừa gặm bánh gạo. Chắc họ chưa nhận ra là gần đây tôi đang bận viết lách. Dù sao thì Yoki ổng không biết dùng máy tính đâu. Phù.
Giữa lúc gõ bàn phím, tôi liếc nhìn bàn tay mình và chợt nhận ra nó đã dày lên và chai sần hơn nhiều. Bây giờ tôi đã sử dụng cưa máy trên núi như một thói quen. Hồi mấy nốt rộp tay vỡ đau khóc tiếng mán luôn, nhưng giờ thì như kiểu tôi được lắp hai cánh tay mới rồi ấy. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi hăng say với một thứ đến nỗi nó khiến cho người tôi thay đổi hẳn về mặt thể chất. Nếu như hồi đó tôi đã chăm chỉ học đến mức viết rộp cả tay thì có khi chưa chắc đã bị gửi đến đây.
Nhưng mà chẳng có gì là hối tiếc cả. Tôi rất vui vì đã đến sống ở Kamusari. Trước khi tuyết bắt đầu rơi, tôi đã rủ chị Naoki lên núi chơi mấy lần đấy. Dã ngoại ấy mà. Chúng tôi mặc áo khoác và đeo găng tay (găng của tôi là găng bảo hộ nặng trịch), cùng nhau đi dạo quanh sườn đồi. Những lớp vỏ cây lúc chớm đông đã cứng lại, song chúng tôi bắt gặp được một chú hươu đang gặm cỏ. Lớp lá rơi dày khiến cho đất xốp hơn. Trên những cành cây trơ chọi, những chú chim mà tôi không biết tên xù lông lên để giữ ấm.
Chúng tôi ngồi dưới tán một cây sồi lớn và ăn miếng onigiri to đại của chị Miki, uống thứ nước trong vắt của dòng suối núi. Bầu trời xanh trong vời vợi, bọc ngôi làng Kamusari trong một tấm màn sáng dịu. Chúng tôi không nói với nhau nhiều, nhưng tôi thấy khá vui. Tôi nghĩ chị Naoki, người đang ngồi kế bên, cũng cảm thấy vậy. Cái biểu cảm đừng nói gì cả, tránh xa tôi ra đã dần dần giảm bớt.
Đây không hẳn là hẹn hò, nhưng chúng tôi dành thời gian bên nhau hơi bị nhiều đối với hai người chỉ gọi là quen nhau trong làng. Chị Naoki cũng không hẳn chỉ là một người quen thân. Một kiểu mối quan hệ khó xác định.
Ở nơi thành phố đất chật người đông, chắc tôi sẽ bảo với mình rằng chị ấy khó theo đuổi quá, bỏ đi thôi. Nhưng ở Kamusari này, giống như lời bà Shige nói: “Bây đã tiến xa lắm rồi. Gần lắm rồi. Quanh đây không có ai cạnh tranh với bây cả, không việc gì phải nóng vội. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.”
Tôi không cho rằng nó bén dễ đến vậy, nhưng chuyện không có đối thủ cạnh tranh thì không sai. Đối thủ đủ tư cách ấy, chứ tôi biết là lòng chị Naoki vẫn hướng theo anh Seiichi. Tôi nghĩ mình sẽ để cho mọi thứ tự nhiên và chờ đợi thôi.
Nhưng tôi không có khoanh tay ngồi im đấy. Tôi đã lên sẵn kế hoạch để phô ra những phẩm chất tốt đẹp của mình. Mỗi ngày tôi đều sắn tay vào công việc, quyết tâm để biến mình thành một người thợ rừng có hạng. Đầu tiên là tỉa cành và góp một tay khuân những khúc gỗ đã khô, rồi sau khi tuyết đã rơi dày, tôi sẽ dọn chúng và lấp rơm rạ lên trên rễ của những cây liễu sam non trên lâm trường. Có khá nhiều việc cần làm.
Tưởng như những công việc chúng tôi làm theo từng mùa đều lặp đi lặp lại y chang nhau, nhưng cũng chưa đúng lắm. Trải qua một năm nay tôi đã hiểu được điều đó. Núi rừng mỗi ngày lại khoác lên mình một tấm áo mới. Ở mỗi khoảnh khắc luôn có một cái cây đang sinh trưởng hoặc khô héo đi. Sự thay đổi có thể kín đáo, song nếu bỏ qua chúng, bạn sẽ không thể giúp cho cây khỏe mạnh và duy trì khu rừng ở trạng thái tốt nhất. Tôi học hỏi được bằng cách quan sát anh Yoki, anh Seiichi, Lão Già Saburo và chú Iwao làm việc.
Cảm giác tìm thấy được những thay đổi nhỏ nhoi của núi rừng thật là vui, bên cạnh niềm vui khi nhận ra rằng dạo gần đây, Naoki đã mỉm cười với tôi nhiều hơn.
Hôm nay là ngày mồng 7 tháng 2, ngày bị cấm đi lên núi. Từ xa xưa, rất nhiều người đã bị thương nặng vào đúng ngày này, nên dần dần họ đặt ra luật không được làm việc vào mồng 7 tháng 2.
Thay vào đó, mọi người trong làng đều được mời đến nhà anh Seiichi ăn tối và uống rượu. Sáng nay tôi vừa qua nhà anh để phụ giúp việc chuẩn bị. Các bà cô trong làng đang vào hết trong bếp, đun nấu xào xáo cho ra những món mỹ vị như là chirashizushi - cơm sushi trộn cùng với sashimi, trứng, dưa chuột và những của ngon khác. Naoki cũng có mặt, nên tôi định canh chừng cơ hội để nói chuyện với chị trong lúc gọt ngó sen trong một góc bếp… nhưng chị Miki nhanh chóng đuổi tôi ra ngoài.
“Thôi thôi, đàn ông vào đây làm gì. Phụ nữ bọn chị có nhiều thứ để tâm sự với nhau lắm. Em cứ về đi.”
Mấy cô trong bếp cười khúc khích. Họ đều biết tôi mê Naoki nên cũng hơi ngại.
Tôi không phải là người duy nhất bị đuổi ra khỏi bếp. Anh Seiichi đang ngồi trong phòng khách xem TV cùng với Santa.
“Ở làng này phụ nữ chỉ đạo hết, em ạ,” anh bảo. “Anh em mình chỉ có chờ đến lúc được ăn thôi.” Giọng anh có vẻ chán. Không có việc trên rừng thì điền chủ cũng mất hết quyền lực.
Do đó tôi dành cả chiều để ghi lại mấy dòng này, anh Yoki và bà Shige thì xem TV. Dám chắc là tất cả những cái TV trong làng đều đang bật vào lúc này. Và những người đang ngồi trước màn hình là cánh đàn ông không có việc gì hơn để làm.
Giá mà thời gian trôi nhanh hơn. Tôi nóng lòng chờ đến buổi tiệc, để được ăn ngon, để được gặp chị Naoki.
À đúng rồi, để tôi kể về ngày đón năm mới. Kỳ nghỉ ở đây kết thúc vào ngày mồng 2, nên tôi không về nhà ăn Tết. Đây là lần đầu tiên tôi không đón giao thừa cùng với gia đình, tôi cứ ngỡ mình sẽ nhớ nhà cơ, hóa ra là không. Tôi cứ ngỡ là họ sẽ nhớ tôi cơ, nhưng hóa ra là tôi cũng nhầm. Họ đi tận Hawaii nghỉ tết. Cứ như là đại gia không bằng.
Sau kỳ nghỉ, có một gói đồ được gửi đến cho tôi. Một hộp hạt mác-ca phết sô cô la. Hình như thế. Sao ai đi Hawaii cũng mua cái này vậy? Hawaii thiếu gì quà lưu niệm khác đâu. Có một lá thư được gửi kèm theo: “Bố với mẹ đang đi tuần trăng mật lần hai! Yuuki, ở đấy làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết sức nhé. Cho bố mẹ gửi lời chào đến mọi người.”
Hai cụ vui nhỉ. Cũng tốt. Đống sô cô la anh Yoki đớp hết.
Tôi đang nói đến đâu nhỉ? À phải rồi, đón năm mới.
Đội chúng tôi tụ tập đón giao thừa ở nhà anh Seiichi. Chị Naoki nữa. Santa cứ đòi thức đến nửa đêm, nhưng cu cậu chờ chưa nổi đến nửa sau của cuộc thi hát trên kênh NHK đã lăn ra ngủ rồi. Còn sớm chán.
Chị Yuuko bèn giải thích: “Santa ngày nào cũng tám giờ đi ngủ, năm giờ ba mươi dậy.” Sao mà khoa học quá vậy. Nhưng trẻ con như thế thì đúng thôi.
Còn một chuyện khác khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi vẫn hằng nghĩ chú Iwao sống độc thân, hóa ra chú đã có vợ. Vợ chú làm bên hợp tác xã. Tôi đã từng thấy cô rồi, nhưng đời nào tôi nghĩ cô là vợ của chú. Cô bảo với tôi, “Con trai cô chú không thích làm nghề rừng nên nó chuyển về Osaka rồi. Có cháu đến đây là chồng cô mừng lắm đấy.”
Quanh khoảng thời gian có tiếng chuông đền vang lên tiễn năm cũ đi, trước sân bỗng có một tiếng động. Bên nhà anh Yoki, Noko đang hú vang trời. Khi nhìn ra phía trước nhà, bên dưới cái bàn ván gỗ to đại tôi trông thấy mặt cặp mắt thú đang sáng lên.
“Có con gì ở kia kìa,” tôi nói.
Anh Yoki chạy lại ngó. “Đâu đâu xem nào,” giọng ổng ngà ngà. “Chồn tanuki đấy. Mặt đất bị tuyết phủ kín hết rồi, chắc nó đói.”
“Đúng lúc đấy,” chị Miki liền bảo. “Em vừa mới rán xong một ít tempura để ăn cùng mỳ đón năm mới đây. Cho nó một ít này mình ơi.”
“Không được!” Lão Già Saburo la lên.
“Sao thế ạ?”
“Khoảng hai mươi năm về trước, bọn ta từng cho một con tanuki ăn tempura, thế là nó bị ngộ độc, lăn quay ra chết.
“Hở?” Thấy tôi chưa tin, Lão Già Saburo quay ra viện đến bà Shige.
“Bà thấy tôi nói có đúng không?”
“Đúng là như thế.” Bà gật. “Tempura gói nụ kim tâm. Tự tay ta làm.”
“Đây là tôm với rau.” Chị Miki chìa cái khay ra cho chúng tôi xem.
“Tempura gì cũng thế thôi,” anh Yoki nói. “Không khéo con tanuki lăn ra vì đấy là đồ bà Shige làm.”
“Bây nói thế là có ý gì?” Bà Shige cốc cho ổng một cái vô đầu.
“Tóm lại là đừng cho nó ăn tempura!” Lão Già Saburo vẫn khăng khăng. “Chết nó đấy!”
Chẳng ai lại muốn trêu đùa với số phận cả, chị Yuuko bèn đem ra một vài quả quýt với trứng luộc.
Santa kể rằng đến sáng chỗ thức ăn đó đã biết mất. Trên tuyết xuất hiện mấy dấu chân tí hon và có mấy cánh hoa trà màu đỏ được rải trước ngưỡng cửa. Tôi dám cá đấy là trò của anh Yoki chứ không phải là lời cảm ơn của con tanuki đâu.
Lão Già Saburo góa vợ và sống một mình, nên Lão đón tết cùng với gia đình nhà anh Seiichi. Anh Yoki, bà Shige, chị Naoki và tôi cùng ăn món súp zoni chan cùng với miso, rồi cùng nhau đi thăm ngôi miếu tí hon ở chân núi Kamusari. Sau khi bị khúc gỗ nghìn tuổi phá tanh bành, nó đã được dựng lại vào đợt cuối năm. Mỗi bốn mươi tám năm khi đại lễ diễn ra, cái miếu lại tan hoang. Dân làng đã tính trước được điều đó và dành ra sẵn một quỹ dự phòng để trả cho việc khôi phục lại miếu.
Ngày mồng 2 là ngày kirizome – ngày khai rìu, ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Nhưng công việc chưa vào guồng. Mọi người sẽ lên núi và đào một cái cây nhỏ vừa tay. Tuyết rơi dày nhưng không phải đi lên núi sâu quá nên cũng dễ. Cây đào lên được chia ra đặt trước sân mỗi nhà, với đầy đủ cành nhánh.
Thắc mắc về việc này, tôi bèn hỏi chú Iwao. “Ừm, cây trước sân để làm gì thế ạ?”
“Làm gì á? Ờ… ông Saburo nói cho nó đi kìa.”
“Hử?” Lão Già Saburo đương mải rắc sa-kê đã qua tinh chế lên cây và tranh thủ rót cho chính mình một ít. “Có để làm gì đặc biệt đâu.”
“Giống kiểu Nô-en thì phải có cây thông hay là Tanabata thì phải có tre ấy mà nhỉ?” Anh Yoki đang chơi với Noko, nghe đến đây liền phủi gối đứng dậy. “Có điều cái này đặt nằm ngang.”
Anh Seiichi nhìn xuống cái cây đang nằm trong sân nhà anh và nói, “Thế hay là cũng trang trí nó bằng mấy dải giấy giống như lễ Tanabata vậy.”
Chú Iwao tổng kết lại bằng một câu. “Lý do thì chú không biết, nhưng nó là phong tục.”
Ở làng Kamusari có rất nhiều phong tục không ai hiểu rõ. Tôi buộc phải chấp nhận lời giải thích của chú Iwao.
Anh Yoki treo mấy dải giấy màu lên cái cây trước sân nhà chúng tôi thật, cùng với những kế hoạch dành cho năm mới được ghi trên đó: “Chặt được một vạn cái cây”, “(Cố) Không say”. Santa nhìn mấy dải giấy với vẻ thích thích, thế nên là nếu năm sau mọi nhà quanh đây cũng bắt đầu trang trí cây kirizome của họ như vậy thì tôi cũng không lạ.
Vừa nhắc đến xong. Hình như Santa đang sang đây gọi chúng tôi rồi. Trời đã tối hẳn nên buổi liên hoan chắc cũng sắp sửa bắt đầu.
“Ê, Yuuki! Đến giờ sang nhà thằng Seiichi rồi đấy!”
Anh Yoki gào lên. Rồi, rồi. Ổng lúc nào cũng cuống cà kê. Chị Miki cũng phải bực mình: “Chờ em chuẩn bị xong đã rồi hẵng ra khỏi nhà!” Tôi dám cá ổng đang cõng bà Shige đứng trước cửa, nhấp nhổm chờ tôi đi xuống.
Tôi vừa nhìn ra cửa sổ. Santa đang xoa đầu Noko, cu cậu trông thấy tôi thì vẫy tay. Tôi liền vẫy lại.
Tại buổi liên hoan tối nay, đội Nakamura chắc sẽ lại bày ra trò gì huyên náo cho xem. Nhưng tôi sẽ dừng những ghi chép của mình ở đây. Tôi đói rồi, cộng thêm anh Yoki đang gào “Mau lên!” liên tục nữa, rồi chẳng mấy chốc sẽ lại đến mùa xuân và lại phải tập trung vào công việc trên những ngọn núi.
Tôi nghĩ có khả năng mình sẽ ở lại Kamusari. Tôi vẫn chưa biết mình có phù hợp với công việc này hay không. Khó mà đoán định được tương lai mà tôi có thể có tại một ngôi làng với quá ít những người đồng trang lứa như thế này. Không biết tôi và chị Naoki có thể đi đến hôn nhân không nhỉ. Còn quá sớm để nghĩ về chuyện đó, tôi biết chứ. Và khi nghĩ đến chuyện cưới xin, tôi lại nhớ Yokohama, nơi có không thiếu đối tượng để lựa chọn.
Nói vậy thôi, vẫn còn rất nhiều điều mà tôi muốn biết về ngôi làng này, về con người sống tại nơi đây, và về những ngọn núi.
Có một điều mà tôi biết: ngôi làng Kamusari vẫn sẽ tiếp tục tồn tại đến muôn đời sau, giống như nó đã tồn tại đến tận bây giờ. Dân làng Kamusari sẽ vẫn tiếp tục với nhịp sống thong thả của họ, bao quanh bởi núi, sông, cây, cỏ mỗi ngày. Giống như những loài côn trùng, chim chóc, muông thú, thần linh và mọi sinh vật tồn tại ở đây, người dân nơi này vẫn sẽ tiếp tục là những con người giản dị, vô tư lự.
Khi nào có dịp, bạn nhớ ghé chơi. Lúc nào chúng tôi cũng sẵn lòng đón tiếp. Thế nên tôi sẽ không cho ai xem cái này đâu. Hê hê.
Hẹn khi khác nhé!