Chương 2 - Phần 2
Độ dài 2,502 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-29 07:00:14
"Con về rồi đây... Ặc..."
Một mùi hôi nồng nặc của rượu rỉ ra từ khe cửa căn hộ mà tôi vừa mới mở hé. Không thể chịu nổi cái thứ mùi ấy, tôi đóng ngay cửa lại và rút lui về phía ban công. Sau khi lấy một vài hơi thật sâu để lọc đi cái không khí vẫn còn đang trong phổi, lần này tôi mở cửa ra hết cỡ.
Cùng lúc ấy, tiếng của ai đó vừa mới tỉnh dậy cất lên từ giữa căn phòng tối om.
"Về rồi đấy hả... Shoutaa..."
Mặc kệ nó, tôi bật công tắc đèn trong phòng,
"Ối... Đừng bật đèn đột ngột vậy chứ!"
Mẹ hét lên và lại gục mặt xuống bàn.
...Cái tình trạng này là sao đây?
Khung cảnh thảm họa, được soi sáng bởi ánh đèn huỳnh quang, khiến cho tôi không thốt nên lời.
Lại một lần nữa mẹ lại say khướt. Căn hộ một phòng khách, hai phòng ngủ và một phòng bếp vẫn còn ngăn nắp khi tôi ra ngoài, giờ đã bừa bộn như thể vừa có một cơn lốc quét qua.
"Lại nữa à mẹ?"
"Thôi nào ~ mẹ đâu còn cách khác ~~"
Mẹ uể oải ngẩng mặt lên trong khi còn đang gãi đầu, làm bộ tóc càng thêm rối. Mặt bà sưng hết cả lên và da mặt thì căng hết cỡ, chắc tại rượu. Cả hai hốc mắt đều đỏ hoe tới mức đau lòng khi nhìn vào. Chẳng còn chút bóng dáng gì của vẻ bề ngoài mà mẹ vẫn hay khoe là nếu ra tay, bà sẽ trông trẻ ra đến mười tuổi.
"Dĩ nhiên là còn... Mẹ uống nhiều quá rồi thì có..."
"Nào, là lỗi của con khi về muộn vật đấy, Shou-cưng~~ Mẹ quáááá là buồn thiu... sao mà chịu được nếu không uống cho thỏa hả?"
Sau khi nói vậy, mẹ liền chốc hết một hơi đống rượu trắng còn lại trong cốc.
"Oahaha~~ ngon đuấy. Ngon không~ tả. Không tả được, Shou-cưng ạ. Mẹ không thể nào rời bé yêu này được~~"
"Không phải là con bảo mẹ không được uống đâu? Con chỉ bảo là mẹ đừng có tùy tiện mang..."
"Hừm~, trẻ con không được lên lớp người lớn như vậy. Mà này, trẻ con như con làm gì tới tận khuya thế này? Đừng bảo là con lại tới chỗ làm thêm đấy nhé?"
"Tất nhiên là không. Con đã bảo mẹ là đi chơi với mấy thằng trong tổ bóng chày rồi còn gì?"
Tôi mở tủ lạnh, dùng cánh cửa để che người khỏi ánh mắt giận dữ của mẹ.
"Hừm, thế thì được. Dù gì thì mẹ cũng không cho con làm thêm đâu. Bỏ việc từ ngày mai đi. Lệnh của mẹ cấm được cãi~!"
"Mẹ lại lôi chuyện đó ra à?"
Tôi lấy bình trà mạch nha ra khỏi tủ, đổ nó vào một cái cốc và uống sạch.
"Bởi vì con không bao giờ nghe nên mẹ mới phải nói đi nói lại còn gì, Shou-cưng? Con đã lên năm ba rồi, mà vẫn đi làm thêm... Đến lúc chuẩn bị cho kỳ thi rồi, nên là tập trung mà học... Này, có nghe không thế, Shou-cưng? Con lần mò trong đó làm gì thế?"
"Con vẫn nghe đây. Nhưng mà căn phòng đang cần được dọn dẹp đó mẹ. Con dọn bàn đây, giúp con một tay nào."
Chuyện sẽ tiếp tục kéo dài nếu như tôi lỡ tỏ ý không muốn nghe mẹ nói. Trong trường hợp này, phẩy nó đi bằng một vài câu bâng quơ là lựa chọn đúng đắn.
"Ếế, chờ tí... đừng có dọn bây giờ. Mẹ còn đang uống cơ mà. Hả... ối trời! Nhìn này, Shou-cưng. Cốc của mẹ hết rồi! Shou-cưng, nhanh nào! Đem đồ uống tới cho người mẹ tội nghiệp, mau mau!"
Xử lí theo cách này thì mẹ sẽ tự quên đi chính chủ đề ban nãy. Sau khi đã kết thúc cuộc nói chuyện do chính mình bắt đầu, bà vươn cánh tay đang cầm chiếc cốc và nắm chặt lấy một cái chai nằm ngay tầm với.
"Được rồi, được rồi..."
Tôi thở dài để cho thấy là mình không hề muốn làm mấy chuyện này, rồi nhặt lên cái chai rượu trắng đã gần hết, cất nó vào bếp và rót đầy cốc của mẹ bằng trà mạch nha thay thế.
"Aa~~ ngon đuấy. Mẹ biết là nó làm sạch cổ họng của mình hay gì đó, nhưng con biết đây không phải thứ mẹ yêu cầu đúng không? Nào, đừng để bị phân tâm bởi sai sót của mình và thử lại một lần nữa đi chứ?"
Mặc dù lúc nào về đến nhà mẹ cũng uống, nhưng chỉ mỗi tháng một lần là bà quá chén. Một dấu hiệu để nhận biết là khóc lóc, nên nếu tôi thấy mắt mẹ bắt đầu đỏ là ngay lập tức phải ngăn bà uống thêm. Nếu không thì căn phòng sẽ loạn hết cả lên, và tình trạng sức khỏe của mẹ vào hôm sau cũng vậy.
"Uống thế nào cũng không giúp mẹ trẻ lại đâu, nên là mẹ nên xem lại cách uống rượu của mình đi."
"Hểể~, lo lắng cho ngọc thể của mẹ hả? Ngoan lắm, Shou-cưng."
Mặc dù tôi đã cố hết sức để mỉa mai, nhưng không hiểu sao mẹ lại cười một cách hạnh phúc.
"Thật sự đấy, ước gì ông Miyata học tập con trong việc cư xử tốt một tý. Nghe này, Shou-cưng. Có một ông kế toán rất là khó chịu ở bệnh viện của mẹ..."
"Con biết rồi. Tối nào mẹ chẳng kể."
"Thế thì tiếp tục mà nghe. Cái ông Miyata này lúc nào cũng làm cao, bảo là, Koharu nếu cô không để ý kỹ hơn tới chi phí thì sẽ có vấn đề đấy. Trời ạ, ông ta nói cứ như đùa. Nghĩ gì mà lại nói là không để ý tới chi phí chứ? Trong bệnh viện ý tá quan tâm tới chi phí còn hơn cả bệnh nhân nữa đấy, đồ chết dẫm. Hy vọng ông sẽ rụng nốt mấy sợi tóc còn lại trên trán đi, đồ hói. Aa... thật bực mình. Còn một hôm khác nữa..."
"Chờ đã nào. Con sẽ nghe chuyện đó sau. Có cái thư nào gửi cho con không đấy?"
Tôi giơ tay về phía trước, ngăn mẹ lại trước khi bà nổi hứng làu bàu tới tận sáng.
"Cái thứ từ Z-Kai à? Ở kia. Trên bàn ấy."
Mẹ hướng mắt về phía căn phòng lát nền gỗ.
"Chỉ có vậy thôi ạ? Còn gì nữa không?"
"Hửm~, còn gì là còn gì? Mẹ con không biết đâu nếu con không nói rõ ra, phải không nào~~?"
...Đúng là có.
Mặc dù không nói ra, nhưng tôi có thể đoán được từ nụ cười rộng tới mang tai.
"Thôi nào, thôi nào. Phun nó ra, Shou-cưng~ Con nghĩ cái còn lại được gửi cho con là gì nào~~? ... T-H-Ư-T-Ì-N-H-C-H-Ă-N-G~~?"
"Ối, đủ rồi đấy. Nó cũng ở trên bàn à? Mẹ chưa nhìn vào bên trong đấy chứ?"
"Tất nhiên là rồi. Mẹ là mẹ của con. Thanh niên ngày nay vẫn gửi thư cơ à~~ cái loại thư này... khi còn là học sinh mẹ cũng từng gửi rồi. Lén đưa vào ngăn bàn của một anh lớp trên trong đội bóng rổ... Ưm, thế mới là tuổi trẻ chứ. Này, cô bé đó là ai? Xinh không? Hôn nhau chưa? Nếu chưa thì lần tới mang cô ấy về nhà đi. Mẹ sẽ trốn trong tủ quần áo."
"Được rồi, được rồi, lần tới chứ gì. Mẹ uống hết chỗ trà mạch nha đi đấy."
Tôi đóng đinh lời nhắc nhở tới mẹ, người không hề có chút ý định nâng cốc lên, rồi trượt mở cánh cửa dẫn vào căn phòng sàn gỗ.
Căn phòng rộng bảy tấm nệm được lát sàn màu tối. Thứ tôi tìm được xếp trên chiếc bàn viết nằm cạnh cửa sổ.
Một phong bì lớn chứa tài liệu học tập của Z-Kai, thứ còn lại là một phong thư nhỏ in hoa. Tôi nhặt lên chiếc phong thư trang trí ở bốn góc những bông hoa đồng tiền đỏ sẫm, nhìn kỹ bề ngoài của nó. Mặt sau được niêm phong bởi một hình dán trái tim, và không có dấu hiệu gì là nó đã bị mở trước đó.
Mẹ chắc chắn đã nói đùa là bà đã nhìn vào bên trong, bởi vì nếu thế thì mẹ đã không cười cợt thoải mái như vậy. Mặc dù biết thừa, tôi vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại.
Từ lúc trở thành học sinh năm ba, mỗi tháng một lần, một phong thư in hoa từ một người gửi giấu tên luôn được gửi tới thùng thư của chúng tôi. Mẹ đã đi đến kết luận rằng chúng là thư tình gửi cho tôi dựa trên một điều duy nhất là chúng có in mấy bông hoa.
Có vẻ như mẹ mới bật TV. Tôi có thể nghe thấy những tiếng thì thầm từ phòng khách. Kiểm tra lại rằng cánh cửa trượt đã đóng hẳn, tôi mới bật chiếc đèn bàn lên. Sau khi ngồi xuống ghế và xé niêm phong, tôi mở ra lá thư của bố, mở đầu bằng dòng chữ "Gửi Shouta," như mọi khi.
Một tờ giấy viết trắng tinh, không có chút màu sắc hay hình vẽ trang trí, hoàn toàn tương phản với gói bọc của nó, chứa đựng những ghi chép rất tỉ mỉ về tình hình mới nhất của bố, được viết bằng nét chữ độc đáo của ông. Vẫn như thường lệ, một tấm ảnh duy nhất được kèm theo. Tôi thắc mắc hòn đảo phía xa kia là đảo nào? Một hình dáng chữ thập trôi nổi giữa những con sóng, với mặt trời hoàng hôn trên khung nền. Tôi không biết chính xác đó là đâu, nhưng tôi biết đó là một nơi trên đất Nhật từ chiếc dây bện tả tơi treo ngang chiếc đảo chữ thập, còn nữa,
[Một hòn đảo đi đôi với Enka]
Những từ được viết ngoáy trên mặt sau tấm ảnh, làm sống động lên tưởng tượng trong tôi.
"...Chà, cái này mới đây."
Tôi lấy ra một xấp ảnh từ ngăn kéo, rồi lật qua chúng, từng chiếc một. Malaysia, Mông Cổ, Cộng Hòa Séc, Nam Phi, Mexico,... đúng như tôi nghĩ, đây là tấm ảnh đầu tiên chụp từ Nhật Bản.
"Vậy là... bố đã trở lại Nhật sao."
Bố, một nhà nhiếp ảnh tự do, dành phần lớn thời gian của ông ở nước ngoài. Cái tên Hazaki Wataru có vẻ khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật, nhưng tôi chưa từng nghe tên bố được ai đó nhắc đến trước đây.
Tôi nhìn xuống tấm ảnh một lần nữa. Đó là một bức ảnh gây tò mò lớn. Có lẽ bởi vì sức cuốn hút mãnh liệt của hòn đảo, hoặc có lẽ là do tay nghề của bố. Dù là gì thì tôi cũng không thể rời mắt khỏi nó. Khi dán mắt vào đó, tiếng gầm của những cơn sóng và mùi vị của bờ biển bỗng vơ vẩn trong không khí.
Tiếng cười của mẹ vang lên ở căn phòng bên cạnh. Rồi một tràng ho lụ khụ, hắng giọng, và câu độc thoại, "uống thêm trà mạch nha nào~". Bên kia cánh cửa trượt, mẹ đang thu hút sự chú ý về sự tồn tại của mình một cách hơi quá đà. Tôi chưa bao giờ được nghe về việc một nhiếp ảnh gia lang thang khắp thế giới và y tá của một bệnh viện trung tâm Tokyo gặp gỡ rồi yêu nhau ra sao, nhưng cuộc sống sau hôn nhân của một người bố chẳng mấy khi ở nhà và một người mẹ dễ dàng rơi vào tình trạng cô đơn chẳng kéo dài lâu. Có lẽ như mấy người họ hàng của chúng tôi đã nói từ đầu, chuyện này quá dễ đoán.
Tôi được kể là mẹ luôn luôn uống rượu và khóc một mình mỗi khi bố xa nhà. Rồi sau khi một mình sinh hạ tôi trong bệnh viện, bà đổi thành khóc lóc trong lúc bế tôi trên tay. Vừa khóc vừa phàn nàn về bố. Mặc dù vậy, mẹ luôn rất vui mừng những lúc bố thi thoảng về nhà, cười nói hạnh phúc cho tới khi bố lại lên đường cho chuyến đi tiếp theo. Tôi chắc chắn rằng mẹ vẫn luôn thực lòng yêu bố.
Nhưng có lẽ rốt cục thì nó đã làm mẹ đau đớn hơn cả. Sau khi họ ly dị, mẹ từ chối mọi liên lạc từ bố. Không bao giờ nhấc máy, không bao giờ nhận tin nhắn hay thư từ, không bao giờ nhận tiền nuôi con, không bao giờ nói về chuyện quá khứ.
Lá thư này có thể tìm đến tôi là nhờ người bố vụng về tìm ra được một cách bằng tất cả những khôn khéo của mình, thế là ông viết mà không đề tên người gửi. Bố cá cược vào công thức [Phong bì in hoa = thư tình] của mẹ và đã thắng đậm, những lá thư nhờ vậy bay thẳng tới tay tôi.
Đột nhiên, ánh đèn trong phòng khách tắt đi.
"Mẹ đi ngủ đây."
Tôi có thể nghe tiếng mẹ nói khẽ, và cả tiếng cửa trượt kiểu Nhật bị kéo qua một bên.
"Chúc mẹ ngủ ngon."
Tôi đáp lại, ngắt công tắc của cây đèn đứng, rồi mở cửa sổ, cố gắng không để lọt ra một tiếng ồn nào.
Qua những cành lá của chiếc cây du, tôi nhìn về phía công viên lờ mờ ánh đèn.
Một công viên nhỏ hình tam giác được xây đằng sau khu căn hộ hai tầng.
Một công viên vắng vẻ, với chỉ một chiếc cầu trượt và một chiếc xích đu tồi tàn chiếm đóng ở đó.
Trong ký ức của tôi, bố vẫn luôn ở đó, người đàn ông đã dạy tôi bóng chày.
[Đi chơi ném bóng nào.]
Ông luôn rủ tôi bằng câu nói đó. Bố, người có sở thích với bia, thuốc lá, tảo bẹ, và trên tất cả, là bóng chày. Bởi vì ông chẳng chọn được một đội bóng yêu thích, nên lúc nào ông cũng đội một chiếc mũ đã sờn với những chữ cái chẳng thuộc tên đội nào cả.
Những cơn gió lay động và làm những chiếc lá du kêu lên xào xạc.
Được chiếu sáng bởi chiếc đèn đường độc nhất, khu sân chơi đổ bóng ngắn xuống nền đất. Ngay cạnh chiếc cầu trượt là chỗ của bố những lúc chúng tôi chơi ném bắt bóng. Trong thực tế, ông là một người du hàng khắp thế giới, nhưng vào lúc này, trong lòng tôi, bố vẫn luôn ngồi ở đó, sẵn sàng bắt bóng bằng chiếc găng của mình.
Tôi tưởng tượng ra mình nắm trong tay một quả bóng bằng tay trái và ném nó về phía bố. Quả bóng bay qua những cành lá du, rơi thẳng vào giữa găng.
"Bóng lỗi."
Nói rồi ông ném quả bóng lại về phía tôi.
Đánh giá của ông lúc nào cũng khắt khe.