Hồi 4 : Khải hoàn (3)
Độ dài 2,833 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-08-24 20:15:46
Quân Pars rời Sindhura, khải hoàn trong niềm hân hoan chiến thắng. Arslan hứa với các tướng sĩ sẽ ban thưởng cho họ sau khi quay về Peshawar. Mà kể cả không có phần thưởng nào, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi có thể sống sót.
“Không phải ăn mấy món Sindhura cay nồng kia nữa thật là mừng. Cứ ăn thế mỗi ngày chắc lưỡi ta cũng rộp lên mất.”
Gieve so sánh một cách khoa trương, nhưng Narsus cay đắng gật đầu đồng tình. Người Pars vốn không thích những món cay của Sindhura. Sau một lần vô tình ăn phải món óc cừu chưng ớt, Arslan và Elam không còn muốn ăn gì liên tục mấy ngày. Ngay cả Dariun nổi danh can đảm cũng chẳng muốn đụng đến nó lần thứ hai. Mỗi Farangis là cảm thất bình thường.
“Dù ta không đặc biệt yêu thích nhưng ẩm thực vùng này có hương vị độc đáo riêng, không tệ.”
Cô cho biết cảm tưởng.
Đêm đó là đêm đầu tiên 1 vạn kỵ binh Pars cùng 3 ngàn kỵ binh Sindhura do tướng Kendava dưới quyền Rajendra chỉ huy cùng nhau hạ trại. Bất chợt, ngọn lửa bùng lên lúc nửa đêm, gây náo động lớn.
Rajendra lập tức dẫn 2 vạn quân bí mật theo sau quân Pars. Biết tướng Kendava đã phóng hỏa thep lệnh của mình, hắn mở cờ trong bụng, ra lệnh cho quân lính.
“Xông vào doanh trại, bắt sống Arslan!”
Rajendra cưỡi bạch mã đi đầu. Quân Sindhura ầm ầm xông vào nơi quân Pars hạ trại.
Đó là một cuộc tấn công trong ngoài kết hợp, đáng lẽ phải rất hỗn loạn. Ấy thế nhưng khi lính vào đến nơi, chẳng có ai ải, chỉ có đống củi đang hừng hực cháy lớn.
“Chuyện gì xảy ra vậy….”
Bỗng có thứ gì đó nằng nặng rơi vào lòng Rajendra. Hắn cau mày, mò tay xuống xem thử thì cảm nhận được sợi tóc ram ráp cọ vào tay cùng thứ gì đó ướt át. Đó là cái đầu của tướng Kendava đang trợn trừng con mắt nhìn vị chúa trẻ.
Ngay cả Rajendra, người không mấy khi nao núng, cũng phải giật mình. Hắn hất cái đầu của vị tướng ra xa theo bản năng. Chuyển động của từng làn gió đêm khiến hắn ta run rẩy. Rồi bất chợt, hắn cảm thấy sát khí ngột ngạt từ một bộ áo giáp đen.
“Lũ Sindhura xảo quyệt ! Âm mưu nham hiểm của các ngươi đã bị nhìn thấy rồi. Nhờ lòng từ bi của hoàng tử Arslan, chí ít ta sẽ không lấy cái mạng hèn của ngươi!”
Bóng đêm đứng trước mặt Rajendra trong hình dạng một chiến binh dũng mãnh. Chiến bào đen lồng lộng trong gió và thanh trường kiếm trong tay anh ta vẫn nhỏ máu ròng ròng.
Rajendra không khỏi cảm thấy sợ hãi. Hắn biết kế hoạch của mình phá sản hoàn toàn rồi.
“Bắt chúng lại!”
Rajendra bối rối ra lệnh cho quân lính, còn mình thì thúc ngựa bỏ trốn trong tuyệt vọng. Binh lính xông lên chắn trước, tạo hàng rào phòng thủ bằng gươm và giáo để ngăn Dariun tiếp cận chủ nhân của họ. Nhưng chỉ trong chốc lát, cái bóng của Dariun đã lao vụt lên, qua những thi thể vừa mới đổ gục.
“Ngươi vẫn muốn bỏ chạy như một con thú mắc bẫy sao? Ngươi không nhớ mình từng nói gì về Gadhevi à?”
Rajendra không đáp mà vẫn tiếp tục chạy thục mạng, không cần suy nghĩ. Giờ hắn mới bắt đầu hối hận khi đã chọn con bạch mã hào nhoáng nổi bật trong bóng đêm này, tiếc là đã quá muộn. Ngay lúc đó, hàng chục kỵ binh Pars bất ngờ xông ra chặn đường.
“Bậc thầy chiến lược luôn kiểm soát được mọi thứ trong tay. Kế hoạch bé nhỏ của ngươi chỉ như trò hề cho bọn con nít mà thôi. Ngươi nên biết mình biết ta, dùng loại mưu hèn kế bẩn ấy ở Sindhura chắc vẫn có đất dụng võ đấy.”
Gieve cười lạnh, kỵ binh bảo vệ hai bên Rajendra bị chém gục chỉ sau vài nhát.
Lợi dụng khoảng trống này, Rajendra lại quay ngựa chạy. Sau khi chạy chừng trăm bước, hắn lại bị quân Pars chặn đứng. Tiếng vó ngựa vang lên cùng giọng nói lảnh lót.
“Hoàng tử Rajendra, ngài định đi đâu vậy?”
“Tiểu thư Farangis? Xin đừng cản đường. Ta không muốn làm hại một phụ nữ xinh đẹp như nàng đâu….”
“Ta rất cảm kích, nhưng với tư cách là thuộc hạ của hoàng tử Arslan, ta không để ngài trốn khỏi đây.”
“Vậy thì đi theo ta luôn đi!”
“Thứ cho ta thất lễ!”
Rajendra nghĩ đấu với Farangis kiểu gì cũng lợi hơn so với Dariun hay Gieve. Tất nhiên hắn cũng đã biết khá rõ về khả năng kiếm thuật của Farangis, nhưng quả thực hắn không muốn ra tay với một cô gái.
Rajendra phi nước đại về phía nữ tư tế Pars xinh đẹp.
Kiếm của hắn vung lên với một lực khá nhẹ nhàng. Thông thường hắn sẽ không nương tay như thế. Farangis không chống đỡ mà né tránh. Cô tung ra một nhát kiếm với góc độ hoàn hảo, tạo ra một trận mưa những tia lửa đỏ khi hai lưỡi kiếm quét qua nhau.
Rajendra bị mất thăng bằng, khó khăn lắm mới có thể ngồi vững lại trên yên ngựa, nhưng lúc này hai kẻ thù hùng mạnh đã áp sát từ hai bên trái phải. Hắn đã là một tù binh.
“Hoàng tử Rajendra, thật sự không muốn gặp ngài trong tình cảnh này chút nào.”
“Ta cũng vậy, hoàng tử Arslan.”
Rajendra thành thật đồng tình, dù cái hắn muốn là điều ngược lại. Vị vua kế nhiệm của Sindhura được Gieve áp giải tới gặp Arslan với hai tay bị trói chặt vào nhau.
Narsus đứng cạnh hoàng tử trẻ.
Khi nghe tin đã bắt được Rajendra, Arslan đã thảo luận với vị quân sư về đối sách tiếp theo.
“Narsus, ta không thực sự ghét hắn, cũng không định giết hắn. Có phải ta đã quá ngây thơ không?”
Nghe chàng nói, Narsus bật cười vui vẻ.
“Không thưa điện hạ, ngây thơ là khi người ta không giết những kẻ đáng phải giết. Còn hiện giờ, điện hạ có thể tùy ý quyết định.”
“Vậy thả hắn đi có ổn không?”
“Đương nhiên rồi. Nhưng vì hắn không biết cách cư xử cho đúng mực, thần nghĩ nên để hắn hiểu rõ vị trí của mình. Thần đã chuẩn bị một trò đùa ác, xin điện hạ cứ im lặng quan sát.”
Thế là Narsus trò chuyện với Rajendra trong khi Arslan làm khán giả.
“Có vẻ như ngài ở lại thủ đô nước mình không được thoải mái cho lắm. Vậy cũng được, ta thấy hoàng tử Rajendra đây rất quan tâm đến xứ Pars chúng ta. Ngài nghĩ sao nếu trở thành khách của chúng ta và cùng đi du lịch vòng quanh đất nước. Hãy giành ra vài năm thăm thú khắp nơi, sau đó ngài có thể quay về cố quốc nghỉ ngơi.”
“Ta e là không được rồi.”
Rajendra tỏ vẻ khiêm tốn.
“Sindhura chúng ta vừa mất quốc vương, vẫn còn nhiều người trung thành với Gadhevi. Nếu ta không có mặt, ngai vàng sẽ rơi vào tay kẻ khác ! Ta sẽ trả tiền chuộc, xin hãy thả ta về!”
“Ồ ngài đừng lo về điều đó. Chúng ta sẽ cử một sứ giả đến Turk để xin tiếp viện.”
“Turk ư?”
“Đúng rồi. Pars chúng ta còn phải tập trung đánh đuổi giặc Lusitania ra khỏi bờ cõi nên không có thời gian quan tâm đến tình hình ở Sindhura. Nhưng mà ta nghe nói vua Turk là một người rất độ lượng, nên ông ấy sẽ rất vui lòng gửi đại quân đến đây giúp ngài cai trị Sindhura đấy.”
Giọng nói lẫn vẻ mặt Narsus đều hết sức nham hiểm, chờ đợi phản ứng của đối phương.
Rajendra vùng vẫy như cá mắc cạn.
“Không, không đời nào để cho Turk tiếp quản Sindhura được ! Ta chưa từng nghe vua Turk là người độ lượng bao giờ!”
“Vậy ư? Đừng nên tùy tiện phán xét người khác, suy bụng ta ra bụng người chứ, vị vua nhân từ của Sindhura?”
Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt Rajendra.
“Hoàng tử Arlsan, ta xin lỗi. Ta đã vượt quá giới hạn, xin ngài rộng lượng….”
Rajendra cúi đầu trước chàng thiếu niên kém hắn 10 tuổi.
“Thế lần này ngài sẽ giữ giao ước chứ?”
“Đương nhiên rồi!”
“Vậy thì ký vào bản hiệp ước này, ta sẽ thả ngài về bình an vô sự.”
Tờ giấy trước mặt Rajendra liệt kê ba điều khoản : Không được xâm phạm biên giới của nhau trong vòng 3 năm. Sindhura sẽ trả 50000 đồng vàng cho quân Pars để tỏ lòng biết ơn. Lịch Sindhura phải rút ngắn lại 2 năm. Rajendra mặt tái mét khi thấy dòng thứ 3, nhưng Arslan mỉm cười và nói, “Thôi cái này không cần.” Rồi chàng lấy bút gạch bỏ.
P/s : Vấn dề lịch Pars và lịch Sindhura đã được nói đến ở đầu quyển 3. Tuy không phải vấn đề lớn nhưng xem chừng Narsus cực kỳ ghim vụ này thì phải lol
Sau khi được cởi trói, Rajendra vội vàng ký vào hiệp ước, từ chối tiệc thiết đã và quay về thủ đô Uraiyur. Chắc hắn sợ Narsus sẽ gửi sứ giả đến Turk nên vội vã tập hợp lại lượng quân đang phân tán của mình.
Nhìn bộ dạng hoảng hốt của Rajendra, Arsan hỏi vị quân sư.
“Narsus, có thể cho ta biết một chuyện được không?”
“Người không cần khách sáo thế đâu, thưa điện hạ. Xin cứ nói.”
“Tại sao ngươi chỉ yêu cầu Rajendra ký hiệp ước không xâm phạm biên giới trong vòng 3 năm. Chẳng phải đòi hắn 50 năm, 100 năm không hơn ư?”
Vị quân sư trả lời và giải thích.
“Thần chỉ đánh giá xem hoàng tử Rajendra là người thế nào mà thôi. Dù hắn là kẻ không hoàn toàn là kẻ đáng khinh nhưng lòng tham lại quá lớn để có thể đối xử đàng hoàng. Thật ngu ngốc khi mong đợi kẻ như thế sẽ duy trì tình hòa hữu lâu dài.”
Dariun gật đầu cái rụp, cực kỳ đồng tình.
“Nhưng nếu hiệp ước chỉ yêu cầu tối đa hai hoặc ba năm thôi thì ngay cả một người như hắn ta cũng có thể tuân thủ được.”
“Ngài nghĩ liệu có thật sự duy trì được hòa bình trong ba năm này không?”
“Được. Hoàng tử Rajendra đang phải lo toan nhiều thứ. Trước hết hắn cần tìm cách ổn định tình hình nội bộ Sindhura, sau đó mới có thể tính kế với Pars. Chuyện này mấy hai đến ba năm là ít.”
“Ngĩa là trước đó, chúng ta cần đánh đuổi quân Lusitania và giành lại thủ đô?”
“Đúng vậy.”
Narsus nhẹ nhàng cúi đầu chào vị chúa trẻ. Elam cưỡi ngựa đến, báo rằng có một người đang lén đi theo quân Pars.
Farangis đi cùng 20 kỵ binh. Sau đó cô quay lại, và cặp mắt tinh anh của Elam đã trông thấy có thêm một người nữa tham gia vào đoàn của cô. Farangis ngoái đầu lại nói gì đó, và chàng trai Sindhura trẻ tuổi với làn da sẫm màu xuống ngựa, tới gần. Arslan hào hứng gọi.
“Jaswant, ngươi tới rôi!”
Chàng trai người Sindhura chống một tay xuống đất, ngước lên nhìn Arslan trên lưng ngựa và nói lớn bằng tiếng Pars còn có chút ngọng nghịu.
“Tôi là người Sindhura. Tôi không thể phụng sự hoàng tử của Pars được. Nếu sau này Pars và Sindhura chiến tranh, tôi vẫn sẽ quay về quê hương để chống lại Pars.”
Anh ta thú nhận một cách thẳng thừng.
“Nhưng tôi mang ơn hoàng tử Arslan vì đã tha mạng cho tôi ba lần. Từ giờ đến lúc trả xong ân huệ ấy, xin điện hạ cho tôi theo người.”
Gieve, người cưỡi ngựa bên trái Arslan, nở nụ cười cay đắng.
“Đúng là lắm lý luận. Cứ ngoan ngoãn đi theo ngay từ đầu có phải đỡ xấu hổ không.”
“Nhưng vẫn tốt hơn là một người không có lòng trung thành.”
Farangis lên giọng mỉa mai. Lúc này, Arslan xuống ngựa, nắm tay kéo Jaswant đứng lên.
“Jaswant, ta rất mừng vì ngươi đã tới. Đừng lo lắng, chúng ta đã ký hiệp ước không xâm lực Sindhura. Giờ kẻ địch ta cần đối phó là Lusitania.”
“Vậy thì tôi sẽ chiến đấu hết mình giúp hoàng tử Arslan chống lại người Lusitania mà không do dự.”
Vì cả hai đều quá đỗi nghiêm túc nên hai thuộc hạ của họ không thể không bật cười. Dariun nháy mắt với Narsus.
“Có khi sau này hoàng tử Arslan của chúng ta sẽ có thêm thuộc hạ người Turk khi đánh nhau với người Turk, có thêm thuộc hạ người Turan khi đánh nhau với người Turan không chừng.”
“Thế thì chắc thuộc hạ tiếp theo là người Lusitania rồi.”
“Chà, thế sao không bắt vua Lusitania quỳ xuống và thề trung thành với Pars nhỉ?”
Narsus nhìn thấy cặp mắt đen của Dariun lóe lên trong giây lát, nửa thật nửa đùa.
……
Thế là quân đội của Arslan một lần nữa vượt qua sông Kaveri, trở lại lãnh thổ Pars. Lúc đó là giữa tháng 3 năm 321 lịch Pars, đã ba tháng trôi qua kể từ khi họ rời thành Peshawar.
---------------------
Lời editor :
Bạn có biết, đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất khó. Rõ ràng trong các ngôn ngữ khác đơn giản như vậy mà khi chuyển ngữ sang tiếng Việt lại mệt không thể tả. Sau đây mình xin phép giải thích các xưng hô mà mình lựa chọn cho các nhân vật. Ai có góp ý gì thì cứ comment nha.
Dariun, Narsus, Kishward… -> Arslan : Thần – người :
Những người này xưng “thần" với Arslan vì họ là thần tử phục vụ vua, là người có chức tước, nói đơn giản là họ biết mình sẽ làm quan trong triều đại của Arslan nên họ xưng “thần”. Họ gọi Arslan là “người” chứ không phải “ngài”. “người” có phần tôn kính và cũng thân thiết hơn, đối tượng được dùng cũng hạn chế hơn so với “ngài”. Gọi ai đó là “người” tức là đã xem người đó là chủ nhân, còn “ngài” thì gọi ai một cách trang trọng cũng dùng được.
Farangis, Gieve -> Arslan : Ta –> người
Lý do gọi Arslan là “người” thì giống như trên, không giải thích nữa. Còn về cách xưng “ta”, ấy là bởi Farangis và Gieve đều có địa vị cao (Farangis là giới tăng lữ thì khá cao. Gieve thì không, chẳng qua anh ta tự cao), cho nên họ không xưng “tôi” (“tôi” trong “tôi tớ”, là một cách xưng hô khiêm nhường hơn). Họ cũng không xưng “thần” vì chưa chắc họ đã làm quan trong triều Arslan
Elam, Jaswant -> Arslan : Tôi –> Người
Elam và Jaswant đều có xuất thân nô lệ nên họ xưng hô sẽ khiêm nhường hơn.
Arslan -> Dariun, Elam, Jaswant, Gieve : Ta – ngươi :
Arslan thân thiết hơn với cả ba người đầu về đời sống cá nhân. Dariun quen biết Arslan lâu nhất. Elam thì cùng tuổi, còn Jaswant là cận vệ, cho nên Arslan xưng hô với họ không quá khách sáo cũng được. Với Gieve thì bởi vì anh ta không có xuất thân quý tộc. Sau khi dịch một thời gian dài, mình nghĩ nên để Arslan xưng ta và gọi anh với người lớn tuổi hơn, xưng ta gọi cậu với những người nhỏ tuổi hơn, xưng ta gọi cô với phụ nữ. Cụ thể : Arslan -> Dariun : Ta -> anh, Arslan -> Elam : Ta -> cậu, Arslan -> Farangis : Ta -> cô.
Arslan -> Narsus, Kishward, Rajendra: Ta -> Ngài
Có 3 trường hợp Arslan xưng ngài với người khác : 1 là vì tôn kính như thầy (Narsus), 2 là vì đối phương lớn tuổi, có nhiều công lao (Vahriz, Kisward hay các marzban khác), 3 là đối phương có vai vế ngang hàng (Rajendra).
Còn về cách các thuộc hạ gọi Arslan, khi thì gọi hoàng tử, khi thì gọi điện hạ, đây là điều khiến mình cực đau đầu. Mình muốn hạn chế dùng từ Hán Việt. “Hoàng tử” là danh từ chỉ địa vị, nó có thể đứng trước tên người. Còn “Điện hạ” không phải danh từ mà đại từ cho danh từ “Hoàng tử”. Trong ngữ pháp Hán Việt thì nó phải đứng sau tên người. Mà tên người trong truyện lại là tên tây phương. Ghép một cái tên tây phương vào ngữ pháp Hán Việt, không lọt tai cho lắm. Trong nguyên tác, các thuộc hạ luôn gọi Arslan là “denka” (điện hạ), cho nên phải dịch là “điện hạ” mới đúng. Nhưng nếu có thể, mình luôn muốn dịch là “hoàng tử Arslan” hơn “Arslan điện hạ”. Thứ lỗi cho con người khó ở này, huhu.....