Mở Đầu
Độ dài 7,959 từ - Lần cập nhật cuối: 2019-10-29 04:58:59
C.E Ngày 18 Tháng 7 Năm 1914, Thủ đô Berlun/Đế Quốc/Tại một nơi nào đó
Thứ đầu tiên mà “nó” cảm nhận được là một ánh sáng chói mắt. Được bao quanh bởi cảm giác dịu dàng và ấm áp đến siêu thực khiến "nó" cảm nhận được cảm giác ngắn ngủi của hòa bình. Sự ấm áp, dù hơi gai người, có thể làm cho con người ta lãng quên chính mình. Quên bản thân? Phải, như thể có cái gì đó đã mất đi, nhưng đó là gì? Điều gì đã bị lãng quên?
Trước khi kịp suy nghĩ kĩ hơn, “nó” bất ngờ run rẩy. Sau một khoảng khắc của sự trì hoãn, tâm trí “nó” bắt đầu cảm nhận được lạnh lẽo; cái lạnh đến thấu da thấu thịt. Giống như đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên cảm thấy cái lạnh. Thế nhưng, “nó” cũng không đủ thời gian để tiếp tục cảm thụ.
Đột nhiên vướng phải sự tấn công bất chợt của một điều gì đó đã biết, nhưng lại bị lãng quên từ lâu, “nó” trở nên hoảng loạn trong cơn căng thẳng đến ngộp thở, rồi bắt đầu giẫy giụa.
Phổi, cơ thể, mọi tế bào đều cất tiếng thét đòi hỏi oxy, một nỗi đau không thể chịu đựng. Mất bình tĩnh và nghĩ rằng, điều duy nhất “nó” có thể làm là đấu tranh.
Không thể kiểm soát cơ thể, điều duy nhất “nó” có thể làm là khổ sở vùng vẫy. Tất cả những đau đớn và thống khổ gắng che khuất ý thức của "nó", và rồi, như thể cuối cùng cũng được giải phóng khỏi những gì còn sót lại của người đàn ông đã cạn khô nước mắt từ lâu, cơ thể ấy bắt đầu cất tiếng khóc theo bản năng.
Với nhận thức mù mờ và giác quan lộn xộn về bản thân, “nó” mở mắt nhìn lên bầu trời màu xám. Một thế giới mơ hồ… Không, có lẽ là do tầm nhìn của "nó" đã bị mờ chăng? Đó là một thế giới bị bóp méo khi nhìn qua những thấu kính không phù hợp. Các đường nét bị làm mờ và màu sắc hỗn loạn đến nỗi ngay cả “nó”, người không dễ gì xúc động trong từng ấy năm cũng phải thấy lo âu.
Sau khoảng 3 năm trôi qua theo cảm nhận khách quan, ý thức của “nó” cuối cùng cũng bắt đầu khôi phục về hình trạng, kèm theo đó là một cảm giác nhầm lẫn tinh khiết.
Cái quái gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra với mình vậy? “Nó” đã bước chân vào con tàu của sự vô tri trong một thời gian dài, và không thể nhớ được chính xác vì sao. Do đó, “nó” không thể hiểu vì sao tiếng khóc của một đứa trẻ mà hầu như không thể nghe được mỗi khi ý thức của nó bắt đầu tiêu tan lại có thể khiến “nó” cảm thấy mất mặt.
Không tính người trưởng thành, một em bé thường xuyên sẽ khóc. Được trao cho thiện ý và sự che chở xứng đáng với quyền lợi của mình, một em bé không nên cảm thấy “mất mặt” mới đúng. Vì lẽ ấy, dù giác quan và ý thức vẫn còn xáo trộn, “nó” bắt đầu thả lỏng, và ném cảm giác hổ thẹn không rõ ràng ấy vào vực sâu của ký ức.
Dù rằng vẫn còn bối rối, “nó” cuối cùng cũng lý giải được tình cảnh của mình, song điều đó chỉ làm “nó” thêm rối rắm. “Nó” nhớ rõ ràng rằng mình đang đứng trên sân ga đợi Tuyến Yamanote, nhưng là, khi quay lại thực tế, “nó” lại thấy mình đang ở trong một căn phòng có lớp tường đá dày, xây dựng theo phong cách phương Tây cùng một bảo mẫu – trông giống như một bà sơ đang lau miệng cho mình. Nếu đây là bệnh viện, thật dễ để hiểu được rằng đã có một tai nạn xảy ra, và giải thích được lý do mà tầm nhìn của "nó" trở nên mờ ảo bởi chấn thương.
Thế nhưng khi mắt "nó" cuối cùng cũng có thể nhìn xung quanh rõ ràng hơn, để rồi nhận thấy dưới ánh sáng lờ mờ là những bà sơ mặc trang phục cổ xưa. Còn về nguồn sáng tù mù kia… nếu không nhìn nhầm, hẳn đó là những chiếc đèn gas - thứ thuộc về một kỷ nguyên khác.
"Nào, Tanya-chan, nói ahhhh-!"
Đồng thời, “nó” phát hiện ra một tình huống khác thường; không có thiết bị điện trong căn phòng. Trong một xã hội hiện đại hóa năm 2013, căn phòng “nó” ở quá đơn sơ, toàn những thứ đồ cổ đã sớm bị đào thải và thiếu khuyết thiết bị điện. Những người này thuộc phái Mennonite hay là Amish à? Ngay cả như thế… tại sao? Tại sao mình lại ở chỗ này?
"Tanya-chan? Tanya-chann?"
Tình huống không thể giải thích được. Quá nhiều câu hỏi nghi vấn ngày thêm chồng chất.
"Ngoan, hãy nghe lời và há miệng nào, Tanya-chan."
Câu hỏi hiện tại cần được trả lời là: “Chuyện gì đang diễn ra vậy?” Do đó, “nó” dời tầm nhìn của mình đến chiếc thìa trước mặt. Ý nghĩ rằng chiếc thìa này dành cho “nó” không bao giờ xuất hiện trong tâm trí, chỉ tự hỏi rằng tại sao người tên “Tanya” này vẫn chưa ăn.
Dường như bà sơ trước mặt “nó” (người đang lâm vào trầm tư) rốt cuộc cũng hết kiên nhẫn. Với một nụ cười hòa ái không cho phép từ chối, bà đẩy chiếc thìa trong tay mình vào miệng “nó”.
"Đừng kén ăn như vậy chứ. Nào. Ahhh---!"
Đó chỉ là một thìa rau hầm, nhưng không nghi ngờ rằng chiếc muỗng cũng đồng thời kéo “Tanya” trở lại hiện thực.
Món rau hầm nhừ này là thứ đã được nhồi vào miệng "nó". Nhưng người duy nhất đã ăn trong tình huống không thể giải thích này đã khiến "nó" trở nên rối trí.
Nói cách khác.
Đó là... mình.
Người duy nhất được họ gọi là Tanya.
Và trong sâu thẳm trái tim, “nó” hay đã từng là “anh ta” hét lên: --------- “Tại saooooooo?”
A.D Ngày 14 tháng 8 Năm 1971, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1971, sau khi nhận được yêu cầu nghiên cứu từ Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR), nhóm nghiên cứu của giáo sư Philip Zimbardo đã tiến hành một thử nghiệm nhất định. Cuộc thử nghiệm được thiết kế để chạy thử trong hai tuần lễ. Mục đích để thu thập dữ liệu và tổng kết các vấn đề cơ bản mà Thủy Quân lục chiến thường phải đối mặt trong nhà tù quân sự.
Những người tham gia thí nghiệm này được chọn lựa từ các sinh viên đại học đều có thể chất và tinh thần khỏe mạnh.
Song, chỉ đến ngày thứ hai của thử nghiệm, họ đã vấp phải vấn đề nghiêm trọng về mức độ đạo đức. Những sinh viên trong vai tù nhân bị những sinh viên trong vai cảnh ngục xúc phạm và làm nhục, thậm chí còn thẳng tay sử dụng bạo lực thể chất. Hành động phi đạo đức như vậy thường xuyên lặp đi lặp lại trong suốt quá trình buộc nó phải ngừng lại sau 6 ngày thử nghiệm.
Sau này, thử nghiệm ấy được biết đến bằng cái tên thử nghiệm nhà tù Stanford. Mặc dù gây ra nhiều cuộc tranh cãi rộng rãi về tính đạo đức, khi nhìn vào kết quả thí nghiệm bằng quan điểm tâm lý học thuần túy, trớ trêu thay, nó đã trình bày những quan điểm giàu tính học thuật và sáng giá. Cùng với thí nghiệm Milgram trước đây, hai thử nghiệm này đã cho thấy nhiều quan niệm thú vị về bản tính người.
Trong môi trường bị cô lập, con người sẽ tuân theo sức mạnh cùng quyền lực; và những nhà cầm quyền sẽ lạm dụng điều này hết mức. Kết luận khi phân tích tình trạng phục tùng quyền lực đã chỉ ra một số tác động nhất định gây ra nó. Điều đáng ngạc nhiên là những tác động ấy không liên quan gì đến lý trí, lương tâm hay nhân cách của con người; mà do vai trò và vị trí của người đó.
Nói cách khác, hai thí nghiệm này tiết lộ rõ ràng rằng con người sẽ thay đổi theo hoàn cảnh sinh sống, thậm chí đến mức sẵn sàng vứt bỏ tính cách và lương tri của mình. Cực đoan mà nói, bất kì ai cũng có thể trở thành cai ngục trong trại tập trung Auschwitz.
Do đó, theo lý luận, con người luôn bị tác động bởi môi trường xung quanh; khiến họ cư xử khác xa bản tính gốc của mình.
Sau khi học được những gì liên quan đến bản chất của nhân loại khi còn ngồi trên giảng đường đại học, điều đầu tiên mà tôi cảm thấy không phải là phiền muộn, mà coi đó là lẽ đương nhiên, như thể tôi đã mong đợi nó sẽ như thế.
Lúc tiểu học, trong nền giáo dục bắt buộc của nước nhà, tôi đoán mọi người đều được dạy rằng tất cả con người đều giống nhau. Chúng ta được học rằng con người là bình đẳng và không thể thay thế. Dẫu vậy, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy những sự khác biệt.
Tại sao thằng nhóc ngồi trước tôi lại cao hơn tôi?
Tại sao một số học sinh trong lớp giỏi chơi trò Bóng né, trong khi một số khác thì không?
Tại sao cậu học sinh ngồi cạnh tôi không thể trả lời một câu hỏi đơn giản như thế?
Tại sao học sinh ngồi phía sau tôi không thể im lặng và vâng lời giáo viên?
Nhưng mà, thân ở hoàn cảnh “Hãy trở thành một đứa trẻ ngoan”, ngay cả khi mọi người không giống nhau, cũng phải nói mọi người đều quan trọng như nhau, bởi họ đều sợ mình sẽ bị coi là “Đứa trẻ hư” nếu không thừa nhận điều đó.
Vì vậy, “Đứa trẻ ngoan” phải làm việc chăm chỉ để không trở thành “Đứa trẻ hư”.
Chỉ khi chuẩn bị cho kì thi trung học, tâm hồn của “Đứa trẻ ngoan” mới trở nên coi thường “Đứa trẻ hư” và bắt đầu xa lánh chúng. Thành công bước vào một trường trung học cơ sở hạng ưu, tiếp đó là một trường phổ thông có tỷ lệ đỗ đại học cao, cuối cùng là vào một trường đại học nổi tiếng, họ liên tục phấn đấu nhằm đạt được sự hoàn hảo trong điều kiện cho phép.
Để tiếp tục diễn “Đứa trẻ ngoan” trong môi trường này, đòi hỏi phải tuân theo yêu cầu của người khác và không được phép phản bội mọi kỳ vọng trên vai.
Thường xuyên đọc sách tham khảo và sách giáo khoa mỗi ngày, so sánh kết quả của mình với các sinh viên khác, chìm đắm vào những cuộc cạnh tranh, họ đối xử với những kẻ chỉ biết chơi games như những kẻ thua cuộc. Trong môi trường coi trọng kết quả hơn mọi thứ khác, thái độ khinh thường những học sinh yếu kém là điều hiển nhiên. Mặt khác, họ cũng không bao giờ tự ngạo mình là kẻ thông minh. Bởi lòng tự kiêu ấy từ lâu đã bị nghiền nát dưới chân của những “thiên tài” thực sự.
Trong khi họ phải vùi đầu khổ học, những thiên tài này đã lấy được quyền tham gia vào các cuộc thi Olympics Toán hay Vật Lý quốc tế. Chung một phòng học với những “con nhà người ta” người luôn có câu trả lời đúng như một phần tự nhiên của cuộc đời, cạnh tranh bằng cách “làm việc chăm chỉ” là không khả thi.
Song, dù họ có nhìn vào điều này bằng quan điểm méo mó đến đâu, họ mới chỉ học được một vài điều tối thiểu nhất để lý giải hiện thực.
Mặc cho thí sinh có nguyện ý hay không, cũng phải hiểu được điều này. Muốn thu nhập cao được như cha mẹ, thì tối thiểu cũng phải vào được một trường đại học danh giá và tìm được một công việc xuất chúng. Vậy nên họ dần trở nên giống như những đứa trẻ khác, đầy dục vọng cải thiện bản thân. Càng sợ mình sẽ tê liệt khi bị trượt ngã, họ càng bám víu chặt chẽ vào bàn học.
Phải sống trong thế giới, nơi họ phải vật lộn để vượt qua những cuộc cạnh tranh, vừa chạm chân vào ngưỡng cửa đại học tiếng tăm, luật chơi lại thay đổi. Dù muốn hay không, hầu hết những người trong nhóm này buộc phải nhận ra rằng thế giới sẽ đánh giá bạn bằng “Những gì bạn làm được” thay cho “Thành tích tối ưu”.
Đối mặt với sự thay đổi của luật chơi, chỉ những ai có khả năng thích ứng tốt với môi trường mới có thể thích nghi với nó.
Một mặt phục tùng, lợi dụng kẽ hở và đùa bỡn quy tắc, một mặt lại bị trói buộc bởi quy tắc.
Cuối cùng, họ học được rằng quy tắc là sự hiện diện không thể thiếu trong việc tối ưu hóa hệ thống. Tự do không ràng buộc chỉ là sự hủy diệt mà quy tắc không có chỗ cho tự do chính là độc tài. Vì lẽ ấy, dù cho có căm ghét việc bị trói buộc, anh cũng sợ hãi thứ tự do không ràng buộc.
Anh không thể hiểu được ý nghĩ của những người đi học muộn, không thể hiểu giá trị của những kẻ say xỉn bên đường, không thể hiểu được bộ não chỉ cần kích lệ tinh thần của những người trong ban Thể Dục.
Liên quan đến điều này, anh đã rất vui mừng khi có cơ hội nhận được một lời giải thích hợp lý về mối quan hệ giữa tự do và luật lệ trong buổi gặp mặt của học phái Chicago. Miễn là tuân theo luật lệ, bạn sẽ tiếp tục đi đúng hướng. Hành động như một học sinh siêng năng nhằm ẩn thực tế rằng mình là một kẻ quái đản, theo quan điểm của anh, đó hẳn là ý nghĩa của cái gọi là tự do trong khuôn khổ.
Những người tương tác thú vị với anh, ngoài những người bạn trung học, đều là những đồng học đại học có chung một quan điểm. Cùng xây dựng những mối quan hệ khả quan với người khác, cùng lãng phí thời gian rảnh rỗi với nhau. Dĩ nhiên việc siêng năng mài giũa kĩ năng và học tập nhiệt huyết sẽ giúp ngôn ngữ cùng phép xã giao của anh đạt tiêu chuẩn cần thiết. Cứ như thế theo Lý Thuyết Tín Hiệu, chắc chắn anh sẽ được ca ngợi như là một sinh viên xuất chúng.
Nhu cầu cho loại người trên, đáng ngạc nhiên không phải vì tài năng, mà do lý lịch của họ. Tôi đoán những người lấy được kết quả xuất sắc trong kì tuyển sinh, tốt nghiệp từ những trường danh giá, quen biết người phỏng vấn, là những ứng cử viên phù hợp nhất với nhà tuyển dụng. Dựa trên lý do này, làn sóng thất nghiệp của các sinh viên mới ra trường không phải là lạ.
Dẫu sao mỗi người khởi đầu đều không giống nhau. Nếu bạn một mực muốn theo ý mình, đó là một cuộc đua bất lợi. Điều cần làm trước khi tham gia phỏng vấn là hãy đi thăm hỏi những người có thâm niên trong công ty. Không chỉ có vậy, bạn còn cần nâng cốc và trò chuyện được với nhà tuyển dụng.
Nếu người phụ trách tuyển dụng nhân sự là đàn anh cấp ba hay tiền bối thời đại học của bạn. Họ sẽ lập tức cho bạn lời khuyên “Hiện công ty chỉ tuyển những người có khả năng như thế này, muốn đậu phỏng vấn hãy trả lời như thế này”. Với cơ hội như vậy, ngay cả khi bạn chỉ có trình độ trung bình, vẫn có thể thông qua một cách trót lọt. Miễn là không kén cá chọn canh, có khi bạn còn nhận được một mức lương khá. Trở thành một bánh răng trong xã hội, ngoan ngoãn thực hiện đơn đặt hàng và bảo đảm công việc được hoàn thành. Để rồi từ “boku” mà ta vẫn tự gọi mình đã trở thành “watashi” lúc nào không hay.
Đạo đức nghề nghiệp? Phong cách cá nhân? Sự sáng tạo? Chừng nào còn được trả lương xứng đáng, mọi thành viên hữu ích trong xã hội sẽ không bao giờ đặt câu hỏi về việc mình phải làm. Đối với các công ty, họ sẽ trả lương cao cho những người đủ tài năng có thể thỏa mãn được đòi hỏi của họ. Tùy tùng và tuân phục quy tắc công ty mà không chút nghi ngờ, đặt lợi ích lên hàng đầu. Tạo thành thói quen làm tay sai, quả thật không chút khó khăn.
Vô cảm? Sinh vật cơ khí? Máu lạnh? Vô nhân đạo? Bạn sẽ chỉ lo lắng về những điều như thế lúc đầu. Tiếng thét thảm hại đến khó hiểu hay nỗi sợ hãi trước những kẻ rơi vào sự điên rồ, chênh vênh bên bờ vực của bạo lực, khi đã trở nên quen thuộc, thì với tôi, nó chỉ như việc phải đi học mỗi ngày.
Con người là những sinh vật dễ thích nghi. Cái được gọi là “thích ứng môi trường” có thể hiểu là thực hiện đúng vai trò được trao, nếu bạn là một cai ngục, chỉ cần làm tốt việc canh giác, còn nếu bạn là một tù nhân, thì phải chấp nhận chịu đựng những thứ mà một tù nhân phải chịu đựng.
Anh giống như vậy, chuyển đổi giữa thế giới công việc và cá nhân, một cuộc đời yên bình. Dĩ nhiên, công việc phải được tiến hành một cách hiệu quả. Để tránh lãng phí thời gian nhàn hạ, anh làm theo mọi yêu cầu của xí nghiệp, gắng hết sức mình để tránh khỏi thất bại.
Bởi lẽ đó, tại tuổi ba mươi, anh đã đạt đến mức lương của cha mẹ mình, thuận lợi bước vào con đường thẳng tắp dẫn đến sự thành công. Nhờ cam kết với công ty và lòng trung thành dành cho cấp trên, anh được thăng chức và tiến vào bộ phận nhân sự, một vị trí đưa anh đến gần hơn với mục tiêu của mình, chiếc ghế trưởng phòng.
À, phải rồi. Tôi vẫn còn việc quan trọng phải làm. Mặc cho hiểu lầm nghiêm trọng đến đâu, tôi sẽ không cho phép bà sơ này tống chiếc thìa chứa đầy thứ rau hầm chết tiệt vào miệng mình một lần nữa.
Một thực tế phiền nhiễu khác là bà ta gọi tôi là Tanya-chan. Dù vậy, như cách một quý ông sẽ cư xử , tôi sẽ không la hét. Chỉ là khi tôi bắt đầu bồn chồn phản đối bà tiếp tục, “Tại sao bạn vẫn còn gọi tôi là…”-
Cơn đau đột ngột tấn công vào não tôi, gợi lại những ký ức khó chịu ngày nào.
A.D Ngày 22 Tháng 2 Năm 2013 Tokyo/Japan.
"Tại sao? Tại sao lại là tôi!?"
Tại sao ấy hả? Dĩ nhiên là bởi bạn không còn “giá trị” để lợi dụng rồi, hơn nữa, bạn nghỉ làm quá nhiều. Cuối cùng, trong báo cáo điều tra, bạn đang phải gánh một khoản nợ lớn có nguồn gốc không rõ ràng. Và bạn còn kiên quyết bác bỏ giải pháp được công ty đề nghị. Tóm lại, bạn là cái của nợ. Nếu có gì xảy ra với bạn, thì danh tiếng của công ty trong lòng công chúng sẽ bị ảnh hưởng. Vậy thì tại sao mà công ty phải tiếp tục thuê bạn? Tôi thực sự muốn nói ra câu đó. Nhưng nó là chống lại quy định, nên tôi chỉ có thể nhủ thầm và tiếp tục trả lời một cách chu đáo.
"Điểm PIP của cậu đã hai lần không đạt yêu cầu. Thông cảm cho điều này, căn cứ vào chính sách của công ty, chúng tôi đã cho cậu một cơ hội tập huấn để giúp cậu vượt qua nhưng cậu lại từ chối nó. Chưa kể đến việc cậu thường xuyên lấy đủ loại lý do để đi làm muộn."
Nói tôi xem thường người khác? Sao cơ? Quy định đâu cấm tôi làm thế. Doanh nghiệp là tổ chức tìm kiếm lợi nhuận, không phải trại tế bần chuyên cưu mang những kẻ vô dụng.
"Vì vậy, theo đánh giá của tôi sau khi xem xét đến công lao đóng góp cho công ty hơn chục năm của cậu, thay vì phải sa thải cậu bởi lý do “không đạt yêu cầu”, tôi sẽ để cậu chủ động từ chức."
Dẫu đây là một cuộc nói chuyện phí thời gian, nhưng đó cũng là một phần của công việc.
"Cái kiểu tập huấn gì chứ?! Tôi đã làm nhân viên tiếp thị thị trường bao giờ đâu mà có thể thành công ngay được?!"
"Theo công ty, đây là biện pháp để ngăn hiệu suất tương lai của bạn giảm xuống. Đó là một phương thức đào tạo không thể thiếu đối với vị trí quản lý nhân sự, giúp họ có thể hiểu rõ về công việc của cấp dưới và đưa ra biện pháp quản lý tốt hơn."
Thật mệt. Vừa phải đối phó với những kẻ chỉ biết gào khóc, vừa gắng nén cảm giác muốn đá chúng ra khỏi cửa ngay lập tức. Loại người như thế đúng là rắc rối. Bộ tưởng rằng chỉ cần khóc là có thể thay đổi kết quả à? Một phần tôi thừa nhận đây là một chiến thuật khá tốt. Song lúc nào cũng lăng mạ ai đó là một con quái vật vô cảm, thằng sếp hách dịch, chó đẻ, d~o phải người, etc. Oán trách tôi như vậy, đến khi có việc lại sáp vào nhờ vả thì thật là ---
Tôi thừa nhận mình là một con người thấp kém. Không thể so sánh được với những “thiên tài”, cũng không thể vươn tới ngưỡng cửa của giới tinh anh dù cho có chăm chỉ ra sao, ngay cả nhân cách cũng méo mó. Nói chung, tôi là tập hợp của sự tồi tệ đến bất thường.
Nhưng có một loại người mà tôi ghê tởm hơn bản thân mình. Chúng là lũ đạo đức giả, dù được xã hội tán đồng ở một mức độ nhất định nhưng lại thường xuyên than thân trách phận, một đám giả nhân giả nghĩa.
Bất chấp việc xấu xa đến mức nào, tôi vẫn có niềm kiêu hãnh hơn thằng bất tài chỉ biết gào khóc trước mặt. Về mặt "giá trị”, tôi luôn duy trì thành tích tốt nhất. Vì lẽ đó, dẫu cho việc phải gặp gỡ những kẻ bị “tái cơ cấu” có phiền phức đến đâu, tôi cũng sẽ làm nó một cách triệt để. Tôi đoán bước tiếp theo trong chặng đường đời của mình là trở thành lãnh đạo cốt cán.
Một cuộc đời thuận buồm xuôi gió.
…Lẽ ra là như vậy.
Mỗi lần nghĩ về những điều đó, anh lại nhớ lại trải nghiệm khó chịu ấy.
Dẫu nói con người là loài có tính chính trị cao, song đối với kẻ mới bị sa thải, ngay cả khi có đạo đức và xã hội làm chuẩn mực, họ càng giống như lũ động vật bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời. Có thể là do môi trường của họ khác biệt với những đứa trẻ tinh anh, song cuối cùng bao nhiêu người có thể tự nhận rằng họ không bao giờ bị điều khiển bởi cảm xúc? Trưởng phòng đã nhiều lần cảnh báo tôi rằng nên để ý sau lưng mỗi khi chờ đợi tại sân ga, nhưng mãi đến lúc này tôi mới hiểu được ý nghĩa của những lời nói đó.
<Bộp>
Ai đó đột nhiên đẩy tôi về phía trước. Bay khỏi thềm ga chậm đến khó hiểu. Trong khi nhìn đoàn tàu đang lao đến, ý thức của tôi đột nhiên xẻ làm đôi.
Khi ý thức trở lại, tôi lập tức nhận ra một chuyện hoang đường.
[Ngươi thực sự là một sinh linh sao?]
[Xin lỗi, nhưng ông là ai vậy?]
Ông già có vẻ ngoài bình thường mà có thể nhìn thấy ở bất kì cuốn tiểu thuyết nào, thở dài khi quan sát tôi. Có 3 câu trả lời khả thi nhất.
Đầu tiên, tôi đã sống sót một cách kỳ diệu, đang được cứu chữa bởi bác sĩ và tình trạng không giải thích được này là do mắt hoặc não tôi có vấn đề.
Thứ hai, đây là ảo tưởng hoặc áo giác lúc hấp hối. Kiểu cuộc đời đang nhấp nháy trước mắt tôi.
Thứ ba, tôi mơ một giấc “Trang Chu mộng điệp”, và tôi vừa tỉnh dậy trong thế giới thực. Có lẽ là tôi ngủ quên lúc nào không biết.
[…Ta thực sự cảm thấy ngươi nên vào bệnh viện tâm thần. Suy nghĩ toàn những thứ không đâu.]
Ông ta có thể đọc suy nghĩ của tôi? Nếu đó là sự thật, xét đến quyền riêng tư cá nhân và vấn đề bảo mật thông tin, hành vi này đã chọc tức tôi.
[Chính xác. Phải đọc tâm trí của những kẻ thiếu sự đồng cảm như ngươi thực bực mình.]
[Thật đáng ngạc nhiên… Tôi không bao giờ nghĩ rằng ma quỷ thực sự tồn tại.]
[Ta còn tưởng rằng ngươi muốn nói gì, nhưng cuối cùng lại là nó hử?]
Chỉ có tồn tại như Chúa và Quỷ mới vượt qua khỏi thế giới nhận thức thông thường. Giả như Chúa thực sự tồn tại, thế giới này đã không phi lý đến như thế. Vì lẽ đó, thế giới này không có Chúa. Nói cách khác, [Tồn tại X] trước mắt tôi là Quỷ. Chứng minh hoàn tất.
[…Bọn mi. Thực sự muốn Đấng Sáng Tạo mình mệt chết đến thế à?]
Bọn mi? Dùng đại từ nhân xưng số nhiều. Nghĩa là còn những người khác ngoài tôi. Tôi có nên cảm thấy nhẹ nhõm vì mình không phải duy nhất không đây? Một chút. Dù tôi không ghét nguyên tắc của bản thân cũng không có nghĩa là tôi thích phải như vậy.
[Liên tục như thế. Lũ linh hồn điên loạn như ngươi. Tại sao không chịu tín nhiệm rằng sự tiến bộ của nhân loại chỉ có thể đạt được thông qua việc cứu rỗi? Ngươi không muốn đi đến cõi Niết Bàn ư?]
[Nhân loại tiến hóa bằng sự tiến bộ của xã hội chứ?]
Công Lý Luận của John Rawl thực sự ấn tượng. Thế nhưng tuyệt đối không có khả năng ứng dụng vào thực tế. Con người vốn được chia thành kẻ sở hữu và kẻ vô hữu. Mệnh đề “nếu” của học thuyết này thú vị thật đấy, song thực tế thì kẻ sở hữu sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích của mình vì người khác. Tại sao phải lo lắng về tương lai khi con người chỉ theo đuổi lợi ích trước mắt? Ngay cả chuyện theo đuổi thế nào cũng gây đủ vấn đề rồi.
Đặt giả thuyết là tôi đã chết, linh hồn sẽ về đâu? Hãy tiến thành một cuộc thảo luận mang tính xây dựng hơn nào. Điều xảy ra sau đó vẫn trọng yếu hơn.
[Trở về bánh xe luân hồi và chờ đợi tái sinh.]
Câu trả lời được tuyên bố bởi kẻ tự xưng là thần như “X” thật đơn giản. Hiểu rồi, đây hẳn là cái gọi là “Ta đã hết bổn phận” < quan liêu > phải không. Dù có cơ hội lười biếng cũng không nên nhảy vào chứ. Dẫu vậy, tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ. Ngay cả khi có không hài lòng, là một thành viên của xã hội, là một phần của tổ chức, cũng nên biết cách tự mình hiểu lấy.
[Tốt thôi. Hãy làm thế đi.]
Chung quy là tôi đã quyết định mình sẽ cẩn trọng coi chừng phía sau lưng vào kiếp sau. Tôi cũng học được rằng con người còn có thể chia thành hai loại, một loại hành động hợp lý và một loại thì không, giống như loại thứ hai thì cần học lại môn Kinh Tế Học.
[…Quá đủ rồi.]
Trừ những lời lẩm bẩm của ông già làm tôi cảm thấy hơi bối rối.
[Ah?]
[Bọn mi không biết một vừa hai phải là gì sao? Không một ai trong số bọn mi, đừng nói đến cứu rỗi hay Niết Bàn, ngay cả chút đức tin cũng không có.]
Ông nói thế làm tôi khó xử lắm. Thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao “X” (tự gọi mình là Chúa) tức giận đến thế. Tôi có thể hiểu rằng càng cao tuổi thì người ta càng ít kiên nhẫn, nhưng người có địa vị cao như vậy mà có thể tức giận đến mức này khá là đáng sợ. Nếu chỉ là hoạt hình hay truyện tranh còn dễ bỏ qua, nhưng trong xã hội hiện đại, có những thứ không thể vẫy đi như một trò đùa được.
[Gần đây xuất hiện quá nhiều con người lạc lối khỏi chân lý, hoàn toàn không biết đúng sai!]
Cái này…Tôi bắt đầu bị quở trách về “lẽ thường” bởi “X” và trở nên bồn chồn. Trước tiên nếu thế giới này thực sự có cái “lẽ thường” như vậy, phiền ông báo trước để tôi chuẩn bị chứ? Bắt ai đó phải tuân theo điều họ không chấp thuận và chưa từng thấy bao giờ không phải là rất quá đáng sao. Ông không nói rõ ràng thì làm sao tôi hiểu được. Cho đến giờ, tôi không nhớ là mình còn có khả năng ngoại cảm.
[Không phải là ta đã đưa các ngươi Mười Điều Răn hay sao?!]
Điều 1: Ta là Thiên Chúa của các ngươi, trước mặt ta, ngươi chớ có thờ các thần khác.
Điều 2: Chớ có dùng danh thánh Chúa mà làm chơi.
Điều 3: Ngươi phải nhớ giữ ngày Sabbath <chủ nhật> đặng nên làm ngày thánh.
Điều 4: Ngươi phải hiếu kính cha mẹ mình.
Điều 5: Ngươi không được hãm hại kẻ khác.
Điều 6: Ngươi không được phạm vào dâm tà.
Điều 7: Ngươi không được trộm cắp.
Điều 8: Ngươi không được làm chứng dối trá cho kẻ lân cận mình.
Điều 9: Ngươi không được chiếm đoạt vợ kẻ khác.
Điều 10: Ngươi chớ có thèm muốn của cải của kẻ khác.
Bằng một số loại khả năng ngoại cảm nào đó, những từ này đột ngột xuất hiện trong đầu tôi. Um, về điều này, nói sao nhỉ, nó thực khó khăn. Sau cùng, tôi đã được sinh ra trong một xã hội đa tôn giáo, cũng đã quen cái gọi là “khoan dung tôn giáo” rồi. Dù ông có nói với tôi về Mười Điều Răn lúc này, nó chỉ làm tôi thêm rối rắm. Không chỉ hiếu kính cha mẹ, tôi còn chưa bao giờ giết ai. Về mặt sinh học, tôi đã sở hữu bản năng tính dục đầy đủ của một người đàn ông kể từ lúc sinh ra. Một năng khiếu mà tôi không thể từ chối. Tôi sẽ im lặng thừa nhận nếu tôi là người đã gây ra nghiệp chướng, nhưng chính ông mới là “Đấng Sáng Tạo” chứ?
[Cả đời ta đều hối hận về sai lầm này!]
Tôi tự hỏi cuộc sống của thần sẽ trông như thế nào. Về mặt kỹ thuật, tôi thấy hơi hứng thú. Dầu sao, nó chỉ cùng một mức độ quan tâm và tò mò mà tôi từng dành cho những thứ khác. Tôi không hề có ham muốn hay khao khát giết người. Ah, cảm giác headshot khi chơi trò FPS tuyệt vời thật đấy, nhưng nó không đồng nghĩa với việc ham muốn giết chóc của tôi mãnh liệt hơn người bình thường. Chưa kể tôi còn mang áp phích bảo vệ động vật và kêu gọi giảm thiểu tỉ lệ đánh bắt của Bộ Y Tế trở về nhà.
[Coi như mi không hề làm, mi vẫn còn thưởng thức cảm giác đó!]
Tôi không bao giờ trộm cắp hay ngụy tạo chứng cứ, tôi cũng không có sở thích cưỡng đoạt người yêu của kẻ khác. Trên hết, tôi luôn là một người trung thực. Trung thực với nghĩa vụ của mình, tuân thủ pháp luật, không bao giờ làm bất cứ điều gì “vô nhân đạo”. Nếu chiến tranh bùng nổ, có khi tôi sẽ nhận được Mặc Khải của Chúa kêu gọi tôi về quê chăn vịt. Thật không may, kinh nghiệm làm lính của tôi chủ yếu giới hạn trong trò chơi trực tuyến.
[Đủ rồi! Vì ngươi không hề ăn năn chút nào, ta sẽ trừng phạt ngươi!]
Gây phiền phức có giới hạn thôi. Tại sao tôi phải chịu phạt? Bất quá theo kinh nghiệm cá nhân, nếu một mực làm bộ không hiểu gì sẽ là một ý tưởng tồi.
[Khoan, chờ đã]
[Câm miệng cho ta!]
Hy vọng ông đừng tức giận. Sau tất cả, nếu ông được coi là sự tồn tại toàn vẹn nhất, hẳn tinh thần cũng phải trưởng thành tương đương nhỉ. Hoặc ít nhất cũng nên ra vẻ một chút. Tôi biết một luật sư, dù nội tâm có khác xa kẻ đạo mạo ngồi trong phòng xử án, nhưng anh ta vẫn duy trì tốt cuộc sống xã hội. Tôi không mong đợi ông có thể hành động hoàn hảo như anh ta, chỉ cần tốt hơn một chút cũng được…
[Chỉ riêng việc quản lý 7 tỷ người đã vượt quá khả năng của ta!]
Các ngươi phải sinh sản để lấp đầy trái đất – đó không phải là những gì đã được viết trong Kinh Thánh sao. Xét đến việc giới hạn kiến thức của mỗi người, tôi e rằng nhân loại hoàn toàn tuân theo lời dạy này một cách trung thực. Thậm chí đến mức mà hình ảnh Malthus phiền muộn dưới địa ngục xuất hiện trong tâm trí tôi. Ông có thể nói rằng con người đang nhân bản quá nhiều. Nhưng với tư cách là người quản lý, chính hướng dẫn mà ông đưa ra đã gây ra chuyện này. May là ông không bị cấp dưới coi thường hay trở thành kẻ bị đào thải tiếp theo đấy. Nói thế nào đi chăng nữa, nếu đã là một người quản lý, tôi hy vọng ông hãy chịu trách nhiệm về những gì mình nói.
[Chuyện này…nếu thế gian tràn ngập những kẻ vô thần như mi, ta thực sự lỗ nặng!]
Thành thật mà nói, đây không phải là dấu hiệu của một mô hình kinh doanh thất bại ư?
[Vi phạm hợp đồng còn dám nói thế à! Bọn mi không thèm quan tâm mình có được cứu rỗi hay không chứ gì!]
Không thông cáo trước, làm thế nào tôi biết được? Chân thành mà nói. Nếu điều đó quan trọng như vậy thì ông nên gửi trước một lá thư đóng dấu xác nhận. Còn nếu là một bản hợp đồng hãy trao tận tay. Ít nhất cũng phải bảo lưu nó đúng cách.
[Các người không phải sẽ nghe theo lẽ tối cao à!?]
Không, bây giờ khoa học đã tiến bộ đến mức không khác gì ma thuật. Bất cứ công nghệ cao nào cũng có thể so sánh với sự kì diệu của ma thuật. Tự nhiên học vạn tuế! Thế giới vật chất là không thể nghi ngờ. Trong thế giới thịnh vượng này, chỉ cần không có nhu cầu cấp bách, cảm giác khủng hoảng thì đức tin sẽ không được sản sinh. Vì lẽ đó, không cần phải tìm kiếm điều gì để làm điểm tựa. Chừng nào nhân loại còn chưa đến hồi tận thế, chừng đó tôn giáo còn vô giá trị.
[…Nguyên do là vậy sao?]
Dù ông có nói này nói nọ, tôi cũng không hiểu đâu.
Đâu phải là tôi muốn cư xử tùy tiện với “X” như thế này. Tôi cũng khó xử vì không có cách nào để đối thoại bình thường lắm chứ. Nên làm gì đây? Nếu có dịch vụ phiên dịch nào ở đây, tôi sẽ bất chấp giá cả mà kí vào hợp đồng thuê ngay lập tức.
[Mi không có đức tin, bị điều khiển bởi dục vọng, thiếu tôn trọng ta và hoàn toàn vứt bỏ đạo đức.]
Tôi thực sự muốn phản đối. Tôi đâu có xấu xa đến vậy, xét theo nguyên tắc đạo đức của tôi và chuẩn mực xã hội hiện tại, tôi chắc chắn vượt quá tiêu chuẩn trung bình!
[Câm miệng! Từng người trong số bọn mi đều giống nhau, biết bao nhiêu lần ta phí công đưa bọn mi trở lại vòng luân hồi, vậy mà vẫn chứng nào tật ấy.]
Lại nói, đó là lý do tôi nói rằng việc gia tăng dân số của loài người có vấn đề, chí ít cũng là tuổi thọ của toàn nhân loại có vấn đề. Bây giờ chúng ta đã có khái niệm về tuổi thọ trung bình, cũng có Mô hình phát triển của Malthusian luận về dân số. Ông chưa từng đọc nó sao? Dân số loài người sẽ tiếp tục gia tăng như loài chuột, thật đáng sợ, đúng chứ? Chúng ta không cần làm gì đặc biệt, chỉ cần một phân tích đơn giản đã thấy rõ được lỗ hổng trong mô hình quản lý rồi.
[Điều này có thể bù đắp bằng việc tăng đức tin!]
Ugh, Tôi đã nói đó là mô hình quản lý sai lầm mà. Không chỉ không đủ khả năng để phân tích tâm lý khách hàng, ông còn mắc phải lỗi cấu trúc từ giai đoạn lập kế hoạch kìa.
[Tức là về cơ bản, ý của mi là, do mi sống trong thế giới hiện đại, là một người đàn ông, không biết đến chiến tranh và chưa đến mức cùng đường mạt lộ?]
…Eh? Tôi chưa bao giờ cảm thấy tệ hại đến rùng mình chỉ vì vài câu nói đến thế.
Được rồi. Bình tĩnh, bình tĩnh. Lúc này “X” cũng nguy hiểm như những nhân viên trong bộ phận nhân sự đang trù tính đào góc tường những nhân viên kỹ thuật có thâm niên từ công ty khác. Tôi phải nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra chính sách đối phó phù hợp.
[Vậy thì nếu ta ném mi vào một hoàn cảnh đảo ngược, đức tin và lòng thành kính của ngươi sẽ thức tỉnh?]
Err…chờ đã, ông không nghĩ mình kết luận quá nhanh sao? Bình tĩnh nào. Đúng là tôi có nhắc đến sự tiến triển của khoa học khiến cho niềm tin vào tôn giáo trở nên mơ hồ. Nhưng lạy Chúa. Xin đừng kích động như vậy chứ. Phải rồi, hãy bình tĩnh đã. Ý tôi là miễn chúng tôi còn được Chúa ban ơn, mọi thứ sẽ đâu vào đó mà. Tôi đã hiểu rồi. Tôi hiểu lý do ngài quản lý chúng tôi theo cách này. Đúng rồi, tôi hiểu cả mà, vì vậy ngài có thể vui lòng hạ tay xuống được chứ? Ah mà, nói tôi không biết chiến tranh là gì thì ngài nhầm rồi đấy ạ.
[Giờ mới tâng bốc ta thì trễ rồi!]
Không, làm ơn thưa ngài. Làm ơn nhớ cho. Thế giới này không hề có chút ma thuật hay phép lạ nào, những người khẳng định rằng họ đã tận mắt chứng kiến đều đáng ngờ. Liền ngay cả sự tồn tại của ngài cũng thế ạ! Ngoài ra, cả hai giới đều có nhu cầu tính dục như nhau.
[Tốt, tốt. Ta hiểu. Hãy làm một thử nghiệm...]
[Eh?]
[Với đối tượng là ngươi!]
Với loại ký ức như vậy, nếu có thể, tôi thực lòng muốn bị mất trí nhớ.
#Chú Thích:
1. Phái Mennonite và Amish:
Hệ phái trong Cơ đốc giáo, có nguồn gốc chung từ phái Anabaptis <Tái Rửa Tội> của Thụy Sĩ.
- Phái Mennonite: hay còn gọi là hệ phái Tin Lành Mennonite, ra đời vào năm 1525 trong Phong trào cải cách tôn giáo do đức linh mục Menno Simmons khởi xướng.
- Phái Amish: là một nhóm các tín hữu Kito giáo duy truyền thống, bắt nguồn từ Cuộc Ly giáo trong cộng đồng Anabaptis ở Thụy Sĩ và Alsace năm 1693 do Jakob Ammann dẫn dắt.
Về cơ bản, những tín hữu của hai hệ phái này đều có một cuộc sống đơn giản, trang phục giản dị, tự cung tự cấp và gần như tách khỏi cuộc sống hiện đại. Thậm chí phái Amish còn đi xa hơn khi cấm tín hữu sử dụng điện thoại, đồ dùng công nghệ, lái xe, đi máy bay, mặc quần áo trái quy định. Họ từ chối nghĩa vụ quân sự, không tham gia bảo hiểm cộng đồng. Mối quan hệ duy nhất của họ với chính quyền là đóng thuế.
Đọc thêm tại:
//vi.wikipedia.org/wiki/Anabaptist
//vi.wikipedia.org/wiki/Amish
//en.wikipedia.org/wiki/Mennonite
2. Văn Phòng Nghiên cứu Hải Quân Mỹ:
Là một tổ chức nằm dưới quyền của Bộ Quốc Phòng Mỹ, có nhiệm vụ thúc đẩy, thực hiện các nghiên cứu, công trình khoa học có tính ứng dụng quân sự cao thông qua các phòng, ban, phòng thí nghiệm, trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận hay tổ chức vì lợi nhuận...
Đọc thêm tại: //en.wikipedia.org/wiki/Office_of_Naval_Research
3. Thử nghiệm nhà tù Stanford:
Là một nghiên cứu về tác động tâm lý của con người khi trở thành tù nhân và cai tù, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của giáo sư tâm lý học Phillp Zimbardo dưới sự tài trợ của Văn Phòng nghiên cứu Hải quân. Nó đã thu hút sự chú ý từ Thủy quân Lục Chiến và Hải quân trong việc chỉ ra nguyên nhân mâu thuẫn giữa cai tù và tù nhân quân sự.
Đọc thêm tại: //vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%AD_nghi%E1%BB%87m_nh%C3%A0_t%C3%B9_Stanford
4. Thí nghiệm Milgram:
Được mệnh danh là một trong những thí nghiệm tâm lý ghê rợn và phi nhân tính nhất trong lịch sử tâm lý học. Nó xoay quanh việc mù quánh tuân theo mệnh lệnh và bản chất của cái ác. Đầu tiên, người thí nghiệm sẽ bị khóa vào hai phòng khác nhau và chỉ có thể liên lạc bằng bộ đàm. Những người trong vai "giáo viên" được yêu cầu giật điện trừng phạt nếu người đóng vai "học sinh" trả lời sai câu hỏi. Quá trình thí nghiệm sẽ buộc họ phải tăng mức độ trừng phạt từ mức giật điện 150 vôn lên 450 vôn. Dù nút ấn là giả, và hành động cầu xin tha thứ hay la thét trong đau đớn của "học sinh" chỉ là đóng kịch, nhưng những người "giáo viên" không hề biết điều này. Hơn 65% [trong tổng số 40 người] "giáo viên" khi nghe rằng không phải chịu trách nhiệm pháp lý, đã sẵn sàng nhấn nút 450 vôn ở cuối thí nghiệm mà không hề nháy mắt.
Đọc thêm tại: //en.wikipedia.org/wiki/Milgram_experiment
5. Auschwitz:
Là mạng lưới các trại tập trung và tàn sát người Do Thái được Đức Quốc Xã xây dựng trên lãnh thổ Ba Lan khi chiếm đóng nước này vào Thế Chiến thứ 2. Những tù nhân trong trại bị giết bằng phòng hơi ngạt, bóc lột sức lao động và bị thí nghiệm trên cơ thể. Ước tính có đến hơn 1.1 triệu người đã bỏ mạng tại đây.
Đọc thêm tại: //vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A1i_t%E1%BA%ADp_trung_Auschwitz
6. Học phái Chicago:
Là một hệ thống luận điểm, tư tưởng và triết lý quanh các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, kiến trúc, văn học, toán học mang tên trường đại học Chicago thuộc thành phố Chicago, Mỹ. Đối lập với nó là học phái Yale của đại học Yale.
<Ở đây sử dụng quan điểm về kinh tế học, cho rằng mọi thứ đều có thể sử dụng kinh tế học để giải thích, từ y tế, xã hội, giáo dục, thậm chí là dân số.>
Đọc thêm tại: //en.wikipedia.org/wiki/Chicago_school
7. Lý thuyết Tín hiệu:
Trong ngành Sinh học tiến hóa, lý thuyết tín hiệu là việc đưa ra các dấu hiệu liên lạc ám chỉ giữa các cá thể, bất chấp cùng hay khác loài. Nếu bạn cho thấy đủ tín hiệu ám chỉ, bạn có thể thuyết phục người khác tin vào điều bạn muốn. Chẳng hạn việc con linh dương nhảy lên nhằm báo cho kẻ săn mồi biết về sức bật và độ dẻo dai cho thấy nó không phải một con mồi tiềm năng.
Đọc thêm tại: //en.wikipedia.org/wiki/Signalling_theory
8. Xưng hô "boku" và "watashi":
Đại từ nhân xưng ngôi thứ Nhất trong tiếng Nhật, trong đó "watashi" là cách xưng hô trang trọng <"tôi"; "ta"> hơn "boku <"tớ"; "mình", "> hàm ý thay đổi từ trẻ con thành người lớn.
<đại từ nhân xưng tương tự khi chuyển sang tiếng Việt>
9. PIP
Viết tắt của "Price Interest Point" được dùng để xác định mức lãi của giao dịch dựa trên điểm của giá.
Đọc thêm tại: //forexful.vn/education/co-ban-ve-forex/pip-va-lot-la-gi#.WO_WCNKLSM8
10. Trang Chu mộng điệp:
Tên một điển tích về việc "vật hóa" trong sách Trang Tử, kể rằng có lần Trang Chu mơ thấy mình là bướm vui vẻ bay lượn, nhưng khi tỉnh dậy lại thấy mình là Chu. Rốt cuộc Chu mơ hóa bướm, hay bướm mơ hóa thành Chu?
Đọc thêm tại: //zh.wikipedia.org/wiki/%E5%BA%84%E5%91%A8%E6%A2%A6%E8%9D%B6
11. Công lý luận – J.Rawl:
Học thuyết này tập trung vào việc phân phối công bằng và đưa ra biện pháp giải quyết mâu thuẫn giữa tự do và bình đẳng được gói gọn trong câu: "cái gì hợp lý cho tất cả thì cái đó là công bằng".
Đọc thêm tại: //en.wikipedia.org/wiki/A_Theory_of_Justice
12. Mười điều răn:
Theo Kinh Thánh, 10 điều răn là một danh sách gồm quy định về đạo đức và tín ngưỡng được khắc vào hai phiến đá mà Thiên Chúa [Gia-vê] ban cho Môi-sê ở núi Sinai sau khi ông dẫn dắt dân tộc Do Thái vượt biển để đi đến miền đất Hứa. Nó có vai trò quan trọng trong Do Thái giáo và Kito giáo.
Đọc thêm tại: //vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%B0%E1%BB%9Di_%C4%91i%E1%BB%81u_r%C4%83n
13. FPS:
Trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất. Một vài trò được biết đến tại Việt Nam như Half Life (Háp Lai), Đột Kích....
14. Mặc Khải của Chúa
Việc Thiên chúa bày tỏ cho con người biết Chúa là ai, và người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với Chúa và hiệp thông với người.
< Tanya chế giễu "Chúa" một cách ngụ ý >
15. Kinh Thánh:
Từ dùng để chỉ các văn bản thiêng liêng của nhiều niềm tin khác nhau, nhưng chủ yếu dùng để chỉ văn bản của Kito giáo và Do thái giáo. Ở đây dùng với nghĩa của Kito giáo.
Kinh Kito bao gồm Cựu ước và Tân ước. Được xem là bộ sách bán chạy nhất thời đại và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa Phương Tây và lịch sử nhân loại.
Đọc thêm tại: //vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Th%C3%A1nh
14. Mô hình phát triển Malthus:
Là mô hình mô tả sự tăng trưởng của dân số theo hàm mũ dựa trên sự bất biến của tỉ lệ hệ số phức. Không chỉ có tác dụng nêu lên và nghiên cứu vấn đề dân số, mô hình này còn giúp báo động nguy cơ tăng nhanh của dân số và tạo nền tảng cho nhiều môn nghiên cứu khoa học.
Đọc thêm tại: //vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%B4_h%C3%ACnh_ph%C3%A1t_tri%E1%BB%83n_Malthus
#Tình hình:
|Cập nhập và sửa lỗi ngữ pháp: 31-5-2017|
|Cập nhập chú thích: 15-4-2017|
[Chú thích thuộc về dịch giả]