Suuji de Sukuu! Jakushou Kokka
Nobuori NagataBenio
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Công thức ước nguyện (1)

Độ dài 1,410 từ - Lần cập nhật cuối: 2023-12-06 22:45:26

“Không mấy người thật sự đam mê toán học…”

Ông nội tôi—một nhà toán học đã từng khẽ nói thế. Và cũng chính những lời buồn rầu khi ấy của ông đã từng khiến tôi cảm thấy bức xúc đến lạ thường.

Mang trên mình tấm bằng tiến sĩ toán học, ông từng là giáo sư tại một trường đại học và thậm chí còn có bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài.

Vậy nên trong tôi luôn dâng lên một cảm giác chán nản mỗi khi chứng kiến ông than thở về thực trạng hiện nay.

Toán học cũng na ná với khoa học, cơ bản nó là kỹ thuật.

Miễn là có mục đích đề ra, toán học (hay kỹ thuật) hoàn toàn có thể dẫn lối cho ta trên con đường đạt tới thứ bản thân mong muốn. Với tiền đề rõ ràng là “khiến cho mọi người yêu thích toán học”, những gì ta cần phải làm chỉ là tạo nên công thức thiết yếu. Không còn gì dễ hơn.

Chưa kể việc nhìn thấy bóng dáng lẻ loi của ông nội cũng khiến tôi có hơi nao lòng. Dù chỉ là chút ít thôi.

Thế nên tôi đã đề nghị với ông rằng:

“Hay cháu thử tạo một công thức để tìm kiếm giải pháp xem sao nhé, ông nội?”

Ông quay đầu lại với khuôn mặt pha lẫn bất ngờ.

“Hô, công thức toán học à… cháu nói nghe thú vị phết nhỉ. Naoki làm thử cho ông xem được chứ?”

“Đương nhiên là được rồi ạ. Dù sao thì cháu cũng chán phải đọc sách giáo khoa sơ trung rồi.”

Với sự tự tin khi chấp nhận thử thách, tôi liền bắt tay ngay vào làm.

Nhưng quả thật việc này không hề dễ dàng gì.

Đương nhiên vì vốn đó là một vấn đề mà ngay cả ông nội tôi—người có bằng tiến sĩ cũng đang phải chật vật. Nhưng bản thân quyết không bỏ cuộc.

Để rồi sau bao ngày thức trắng đêm suy nghĩ, làm việc và đọc qua những cuốn sách ông nội đã viết trong thư phòng, cuối cùng tôi đã đi đến một phương trình cụ thể.

Vào thời điểm tạo ra nó, tôi đã rất tự hào về tài năng của mình. Trong lòng chắc mẩm ít nhất một nửa dân số thế giới, tức tầm 3.5 tỷ người sẽ trở nên yêu thích toán học chỉ bằng phương trình này.

Với nụ cười vẫn còn trên môi, tôi giới thiệu công thức tuyệt hảo mang tính đột phá cho ông nội.

“Hoàn thành rồi ạ! Phương trình này chính là đáp án!”

Tôi phấn khích tuyên bố.

Tuy nhiên trái ngược với dự đoán rằng ông sẽ vui mừng kêu lên, ông tôi chỉ lặng lẽ lắc đầu.

“Người ta vẫn sẽ không thích nó đâu.”

Tôi chẳng thể tin vào tai mình.

“Là sao? ông đang trêu cháu đúng không!? Lý do nào để nói rằng phương trình này sẽ không được công nhận ạ? Với phương trình này, ta có thể vẽ… vếu!”

u69199-f06e4564-e849-4c76-8302-fc4ca78f1f63.jpg

Bằng việc vẽ đường cong dựa trên đồ thị hàm số, một cặp vếu tròn sẽ xuất hiện. Nhưng vấn đề là cớ sao nó lại không được yêu thích?

Ngay sau đó, một bàn tay tuy nhăn nheo nhưng cũng thật ấm áp được đặt lên đôi vai run rẩy của tôi.

Để rồi trước khi kịp nhận ra, ông nội đã nhìn tôi với ánh mắt chứa chan sự nghiêm túc với vẻ chững chạc.

“Có lý do cả đấy, Naoki. Khi ai đó bác bỏ ý tưởng của cháu, cháu nên tự đặt câu hỏi. Cứ cuống cuồng lên như vậy không phải phong thái của một nhà toán học.”

Sau câu thuyết giáo đó, tôi mới nhận ra thái độ vừa nãy của mình chắc chắn là không hợp lý. Hít một hơi thật sâu, bản thân cố gắng đối mặt với vấn đề một lần nữa.

“…T-tại sao, ông nội? Cớ gì「phương trình vếu」của con lại không thể khiến người khác thích toán học?”

Ông nội chăm chú nhìn vào đứa cháu đang chao đảo bước. Đôi mắt đậm dấu ấn thông tuệ của ông như thể thấu tận sâu thẳm tâm hồn tôi, không chút dao động. Rồi ông đáp:

“Vếu thật thì tốt hơn chứ còn gì nữa.”

“Cái gì cơ ạ…!”

Quả thật không cần chối cãi gì cả, bởi lẽ kết luận đó là hoàn toàn hợp lý.

Phương trình mà tôi đã bao ngày đêm dày công nghiên cứu liền đổ vỡ chỉ bằng một câu phản biện duy nhất.

Dù lòng có đau nhói nhưng tôi vẫn hiểu rõ. Đấy là thực lực của một nhà toán học mang bằng tiến sĩ. Tuy đầu óc có chút sắc bén hơn người nhưng sau cùng bản thân vẫn chỉ là một thằng nhóc sơ trung, thế nên trình độ của tôi hoàn toàn không thể so sánh được với ông nội..!

“Chết tiệt…..!”

Thấy tôi nghiến răng, ông nội gượng cười mà nói:

“Muốn làm ai đó yêu thích toán học, trước hết ta phải giúp họ có được cái cảm giác như một nhà toán học. Hay nói cách khác là khiến cả hai chia sẻ cùng một góc nhìn và nghĩ nó đẹp. Thay vì cố gắng để nhiều người yêu thích, thà rằng chỉ có một người thật sự đam mê thì vẫn là hơn. Hãy để ưu tiên hàng đầu là phải nghĩ ra một công thức cho phép chúng ta chia sẻ cùng một góc nhìn và cùng một thế giới.”

“Để rồi họ tự nghĩ rằng thế giới đó thật đẹp…”

“Chính xác…. Thế rồi cháu biết lý do tại sao công thức này lại thất bại chưa?

“...Được tận mắt nhìn thấy vếu thật thì vui hơn chăng?”

“Đúng rồi, là thế đấy..”

“Vậy vấn đề không nằm ở mức độ hoàn thiện của công thức. Cái sai hẳn là việc cháu đã nhầm trong cách tiếp cận… công thức cháu tạo ra chỉ là để thoả mãn bản thân chứ không phải để dành cho người khác…”

Tôi đã xuất phát sai ngay từ ban đầu. Trời ơi là trời!

Một thất bại toàn tập luôn! Muốn đội quần lên đầu quá!

“Naoki, thất bại là điều hiển nhiên ở một đứa trẻ như cháu. Tuy nhiên, điều cần nhớ là không được bỏ cuộc. Mỗi nhà khoa học đều sẽ ít nhất một hai lần nếm mùi thất bại. Nhưng nghĩa vụ của chúng ta là hãy tiếp tục phấn đấu cho đến khi thành công.”

Tôi được ông mình an ủi.

“Ông ơi… nhưng mà…”

Có nói gì đi nữa thì vẫn là thất bại. Những lời đó cứ văng vẳng bên tai tôi.

Miệt mài cả ngày lẫn đêm, tôi đã phải cắt giảm thời gian ngủ và tuyệt vọng vắt kiệt chất xám của não bộ để suy nghĩ, và rồi nhận ra rằng sản phẩm của bản thân đã bị từ chối và coi là vô giá trị. Liệu những thất bại khác có khiến tôi phải tiếp tục đắm chìm trong cay đắng như thế này không?

Nhận thấy sự yếu đuối của cháu mình, ông nội nhún vai và cười khổ.

“Naoki, cháu không cần phải cố bám víu làm gì. Sẽ luôn có nhiều hơn một phương pháp cho một vấn đề mà.”

“T-từng này thì nhằm nhò gì! Đến lúc nào đó, cháu sẽ cho ông xem một công thức đỉnh của chóp đủ sức khiến ông phải co giật và giãy giụa trên mặt đất! Đến lúc ấy nếu ông không đứng dậy nổi thì chiến thắng sẽ là của cháu.”

“Định chờ cho tới khi ông mày đãng trí vì già hả!? Cái thằng cháu cố chấp này.!”

Đấy là một chiến lược cho phép ta tận dụng những năm tháng tuổi trẻ của mình.

“Mà thôi cứ thế đi, vậy còn hơn là giữ lấy tâm trạng suy sụp ấy. Cố gắng lên nhé, Naoki. Dù cháu không thành công bao nhiêu lần đi nữa, hay thậm chí có thảm bại cũng chẳng sao. Chỉ cần cháu… trở thành một người đàn ông không biết bỏ cuộc.”

“Vâng ạ.”

Khoảnh khắc thấy tôi gật đầu đáp lại, ông nội nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi rồi bảo:

“Tuy đây có thể được xem là thất bại – nhưng ít nhất cháu đã cố gắng hết sức, Naoki.”

Cuối cùng tôi đã được thấy khuôn mặt hạnh phúc của ông nội mà tôi luôn mong chờ. Và có lẽ đó cũng là lúc bản thân nhận ra tầm quan trọng của việc không bỏ cuộc.

Bình luận (0)Facebook