Một Câu Chuyện Em Viết
Sugaru MiakiMayumi Konno
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 09 - Người kể chuyện

Độ dài 11,323 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-29 06:01:43

Có thể nói bệnh Tân Alzheimer’s đã sản sinh ra cái nghề “kỹ sư Phỏng Ức.” So với dạng Alzheimer đã tồn tại trước đó, sự khác biệt đáng chú ý nhất là cách bạn mất đi trí nhớ.

Nếu coi những tổn hại ký ức gây ra bởi bệnh Alzheimer’s cũ giống với chứng viễn thị, thì phiên bản mới này là chứng cận thị. Với Alzheimer’s, sự tác động đến trí nhớ tức thời có thể được nhận thấy từ sớm, nhưng những trí nhớ xa xăm chỉ bắt đầu bị ảnh hưởng sau khi căn bệnh đã tiến triển một chút. Trong khi đó, bệnh Tân Alzheimer’s hoàn toàn ngược lại, chứng mất trí nhớ dài hạn là một biểu hiện sớm, và đến những giai đoạn cuối thì chứng mất trí nhớ ngắn hạn mới xuất hiện. Alzheimer’s khiến cho bạn không nhìn thấy những thứ ở gần, còn Tân Alzheimer’s khiến cho bạn không nhìn thấy những thứ ở xa - tất nhiên đây là khái niệm đã được đơn giản hóa đến mức tối đa, nhưng là cách thường được dùng để giải thích về tính chất của bệnh Tân Alzheimer’s.

Và cũng giống như việc cận thị ở trẻ con không phải là hiếm, bệnh Tân Alzheimer’s có thể bị mắc phải ở độ tuổi thấp hơn cả so với những người bị Alzheimer’s từ sớm. Thậm chí có những trường hợp đã được công bố là xảy ra ở độ tuổi vị thành niên (thực ra thì, tôi là một trong số đó). Alzheimer’s giờ vẫn là một căn bệnh vô cùng bí hiểm, nhưng bao quanh bệnh Tân Alzheimer’s là một bức màn còn kín hơn. Giống như bệnh Alzheimer’s thông thường, nó được phỏng đoán là một căn bệnh di truyền đa nguyên nhân, với nhiều tác động từ gen và môi trường, nhưng một số thì lại phao tin rằng chính những con nanobot nổi loạn mới là thủ phạm. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một dạng bệnh lây nhiễm mới đã trực tiếp gây ra nó. Có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không có giả thuyết nào chắc chắn. Tóm gọn lại, chúng tôi chẳng biết gì cả. Và chắc cũng không cần phải nói về việc có cách chữa trị hay không.

So với bệnh Alzheimer’s cũ, sự mất trí nhớ của dạng bệnh mới tuân theo trình tự hơn hẳn. Tương tự như một tập tin nhật ký đã hết chỗ chứa, thế là nó tự động xóa đi những dữ liệu từ thời điểm xa nhất, trí nhớ cũng vậy, bị nuốt mất theo thứ tự từ cũ đến mới. Bạn quên đi lúc sơ sinh, bạn quên đi thời thơ ấu, bạn quên đi tuổi dậy thì, bạn quên đi tuổi trưởng thành, bạn quên đi tuổi trung niên. Đến cuối cùng, bạn chỉ có thể nhớ về những sự kiện của mấy ngày gần đây.

Tất nhiên, vạch kết thúc của dạng bệnh mới cũng giống như bệnh cũ. Khi sự phá hủy trí nhớ đạt tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân sẽ mắc hội chứng Apallic và ra đi không lâu sau đó. Người ta chỉ chú ý vào phần mất trí nhớ, nhưng chúng là căn bệnh trực tiếp dẫn đến cái chết, khi có ai đó mắc phải một trong hai căn bệnh này thì không còn hy vọng nào về việc cứu sống họ nữa. Tỷ lệ tử vong đang là 100%. Tuổi đời còn lại dự kiến sau khi bạn mắc Alzheimer’s là 7 hoặc 8 năm, nhưng không đến một nửa con số đó nếu là Tân Alzheimer’s.

Bệnh nhân mắc Alzheimer’s mất đi khả năng tự nhận thức ở giai đoạn cuối và rơi vào trạng thái giống như bị hôn mê, nhưng bệnh nhân Tân Alzheimer không biểu hiện ra bất cứ thương tổn nào ngoại trừ việc mất đi trí nhớ về các sự kiện cho đến lúc chết. Không gây ra hư hại gì lên những chức năng cao cấp của não bộ, chức năng định hướng, quy trình suy nghĩ thông thường, và không có gây ra khác biệt nào đáng chú ý lên tính cách. (Có những nghiên cứu khẳng định trí nhớ ngắn hạn còn được cải thiện, nhưng có lẽ chỉ là do việc mất đi trí nhớ dài hạn đã làm giảm đi số lượng trí nhớ tranh giành chỗ của nhau.) Đời sống thường nhật sẽ không bị ảnh hưởng, không gây trở ngại trong hầu hết các công việc, và sẽ không có chứng ảo giác hay loạn trí - những người xung quanh bạn sẽ rất biết ơn về điều này.

Nhưng đối với bản thân những người mắc nó, đây chẳng khác nào địa ngục. Trong lúc tri giác của bạn vẫn hoàn toàn sáng tỏ, bạn buộc phải chứng kiến con người của bạn tan biến đi. Nếu Alzheimer’s là một loại bệnh ăn mòn bạn từ bên trong với một cơn đau âm ỉ, thì có thể nói Tân Alzheimer’s là thứ đang chậm rãi xẻo đi tay chân của bạn mà không có thuốc tê gì hết. Bản chất nỗi sợ là khác nhau, nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ đồng tình rằng cái vế sau đau đớn hơn nhiều.

Bởi vậy, có một số lượng kha khá các bệnh nhân Tân Alzheimer’s đã tự sát trước khi các triệu chứng phát triển đến giai đoạn cuối. Tôi muốn kết thúc tất cả khi còn là chính mình, họ nói vậy.

Thuốc có thể phần nào làm chậm đi tiến triển của các triệu chứng, nhưng bệnh Tân Alzheimer’s vốn bị phát hiện muộn bởi tính chất của nó. Bạn có thể nhận ra ngay khi có vấn đề với trí nhớ tức thời hoặc trí nhớ ngắn hạn của mình, nhưng không một ai có thể liên hệ việc không nhớ nổi thời bé tí hoặc tuổi thơ của mình với một căn bệnh. Trừ phi bạn có ai đó để thi thoảng nhắc lại về thời xa xưa, còn không thì rất khó để nhận ra bệnh Tân Alzheimer’s ở giai đoạn sớm. Hầu hết chỉ chạy vội đến bệnh viện khi họ bắt đầu mất đi những ký ức vào cuối giai đoạn thiếu niên.

Do vậy, phần đông các bệnh nhân không có trí nhớ về tuổi thơ. Đây có thể được coi là một bi kịch còn lớn hơn cả việc liên tục quên đi những người mà bạn yêu quý nhất. Một bệnh nhân mô tả trạng thái tinh thần của họ là “liên tục lạc vào một thành phố mà tôi không biết.” Hóa ra là, những ký ức thực sự quan trọng nhất của chúng ta, và một trong số đó là cảm giác an toàn tuyệt đối, chỉ có thể được tìm thấy khi còn bé. Cảm giác an toàn tuyệt đối - một trạng thái bình tâm hoàn hảo, không tì vết, mà theo như nhân vật Charlie Brown đã gọi là “chợp mắt ở ghế sau xe ô tô trong lúc bố mẹ cầm lái.” Dù sao thì tôi cũng chẳng có cái diễm phúc ấy lúc ban đầu.

Trong trường hợp của tôi, việc phát hiện ra căn bệnh là hoàn toàn ngẫu nhiên. Tay thuận của tôi có cảm giác tê tái, nên tôi đã đến bệnh viện để chụp não, vậy là họ tìm ra triệu chứng của bệnh Tân Alzheimer’s. (Nhân tiện, nguyên nhân của chứng tê tay đơn giản chỉ là do mệt mỏi.)

Trên đường về nhà sau khi được thông báo về căn bệnh của mình, tâm trí tôi hoàn toàn thanh thản. Tôi biết Tân Alzheimer’s là loại bệnh như thế nào. Tôi cũng biết, dĩ nhiên rồi, rằng rất nhiều người mắc nó đã tự tử. Căn bệnh này sẽ dẫn đến cái chết. Bất kể có ra sao, tôi không hề chìm vào tuyệt vọng, không than van về số phận của mình, không chảy một giọt nước mắt nào hết, và cũng không có hơi đâu để mà cảm thấy có sự trống trải nào trong lòng.

Cũng phải nói rằng, tôi có ngờ rằng là rồi nỗi sợ rồi cũng sẽ thấm vào bên trong và khiến cho tôi không còn là chính mình nữa, nên đã xin nghỉ phép một tháng. Do tôi đã làm việc quần quật suốt từ khi vào, nên họ sẵn sàng chấp nhận đề nghị của tôi.

Tôi nằm chơi trong khoảng mười ngày đầu, song vẫn không thấy một giọt sợ hãi hay tiếc nuối nào. Điều duy nhất tôi cảm nhận được là sự băn khoăn. Tại sao mình lại bình tĩnh về chuyện này đến vậy? Mình đang nhầm lẫn cơ bản về điều gì chăng? Hoặc tôi vẫn chưa chấp nhận được đây là thực tại.

Tôi ở yên trong phòng và thờ ơ ngó qua những chương trình TV mà mình không quan tâm. Là một người ham công việc đến luôn nghĩ về nó 24/7 - kể cả trong những giấc mơ - tôi không có ý tưởng nào về việc đáng ra bạn nên dành thời gian rỗi ra làm sao. Trong những năm gần đây, tôi dành những ngày nghỉ của mình tìm thêm tài liệu để làm cho Phỏng Ức đa dạng hơn. Sách truyện, phim ảnh, âm nhạc và những chuyến nghỉ mát đều chỉ là những hoạt động nghiên cứu cho việc viết Phỏng Ức, không hơn. Bỏ những thứ ấy ra khỏi phương trình, và thế là tôi hoàn toàn lúng túng trước việc phải làm gì. Giờ tôi mới thấy mình thực sự chưa từng nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài công việc.

Sau ba ngày tiếp theo, nỗi băn khoăn trở thành cảm giác ưu phiền. Nằm trên giường, tôi suy tư về những thứ có thể diễn giải cảm xúc này. Đến cuối cùng, tôi nhận ra.

Nghĩ lại thì, gần đây tôi ngày càng có ít hồi tưởng hơn. Trước đây trong lúc tắm hoặc khi chờ cơn buồn ngủ ập tới, thường thì tôi sẽ đột ngột nhớ lại một điều gì đó từ quá khứ và trở nên sầu não, nhưng giờ thì nó không còn xảy ra mấy nữa. Lý do cho việc này không đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều - là bởi vì tuổi thơ đau thương của tôi đang dần bị xóa bỏ bởi căn bệnh kia. Đây là sự thật về cái tâm trạng cứ tiếp tục quanh quẩn trong đầu tôi: mất đi ký ức của mình không làm tôi cảm thấy sợ hãi – trái lại, nó khiến cuộc đời dễ sống hơn.

Nhìn lại cẩn thận một lượt cuộc đời tôi sẽ cho thấy kết quả là chẳng có một thứ gì mà tôi không muốn quên đi cả. Không có ai mà tôi không muốn quên, không có khoảnh khắc nào không muốn quên, không có địa điểm nào không muốn quên, không có gì cả.

Sự thật ấy làm tôi choáng váng. Suy cho cùng, nếu một người bình thường được cho biết rằng họ sẽ mất đi trí nhớ của mình, thì điều đầu tiên là người đó sẽ làm là viết hết ra mọi thứ mà họ không muốn quên. Rồi họ sẽ đọc đi đọc lại chúng như muốn khắc ghi hết vào trong hộp sọ của mình. Nhưng tôi không làm thế. Không cần thiết. Nếu bạn bỏ đi mọi ký ức cay đắng mà tôi sẵn sàng quên đi nếu có thể, sẽ chỉ còn lại những ký ức như rác rưởi đọng lại.

Tôi có nên vui mừng vì không phải sợ cảm giác mất mát trong phần đời còn lại của mình không đây? Hay là tôi nên thấy nuối tiếc vì mình chẳng có gì để mất? Thật khó mà quyết định. Điều mà tôi có thể chắc chắn là, việc mất đi trí nhớ đã làm lành lại những vết thương lòng của tôi, và một niềm mong mỏi đối với con người bắt đầu nảy nở. Tôi xem TV mà không quan tâm chương trình đó là gì đơn giản chỉ vì tôi muốn nghe được giọng người nói..

Cô đơn. Bây giờ, tôi có thể thẳng thắn mà thừa nhận cảm giác ấy. Hay nói cách khác: trước khi biết được về bệnh tình của mình, tôi không có thời gian để mà nhận ra nỗi cô đơn của bản thân. Việc mất đi những đau khổ tinh thần mở ra những khoảng không trong trái tim của tôi, và đây là lần đầu tiên mà tôi có thể thừa nhận sự thật: tôi không chọn sự cô đơn, mà nó đã chọn tôi. Có thể nói rằng không còn lý do gì để dành dụm những cảm xúc cho tương lai nữa, và cũng chẳng có lý do gì để tiếp tục ra vẻ vô cảm nữa.

Việc đi ngược lại mong muốn ấy là vô ích. Theo lời khuyên của bác sĩ riêng, tôi đăng ký một buổi gặp gỡ được tổ chức bởi một trung tâm điều trị Tân Alzheimer’s trong thành phố. Mục đích là để các bệnh nhân chia sẻ những lo âu và muộn phiền của họ, nên bạn có thể quen với rất nhiều người có cùng mắc bệnh ở đó.

Nỗi đau khổ là một thứ riêng tư cho dù bạn có trải lòng ra đến đâu đi nữa, nên thậm chí cả những người cùng chung một căn bệnh chưa chắc đã hiểu nhau, những cơn hen đã dạy tôi điều này. Riêng về căn bệnh mà nói, tôi chẳng có hy vọng gì rằng nó sẽ khiến tôi tích cực hơn, hay lấy đi sự lo lắng của tôi, hay đem lại bất kỳ sự thay đổi nào. Nhưng tôi không quan tâm. Đơn giản là tôi muốn lấp đi cái sự cô đơn mà lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được bằng một cách tích cực. Chứ không phải bằng cái cách trái khoáy là nằm trên giường mà mơ mộng.

*

Kỹ sư Phỏng Ức chúng tôi không sử dụng phép so sánh. Khác với độc giả tiểu thuyết hoặc khán giả xem phim, người dùng Phỏng Ức chỉ cảm nhận được sự vật nào đó là chính nó. Họ không diễn giải sự việc như thể đấy là một câu đố, như là “khung cảnh được mô tả ở đây có phải là một sự ẩn dụ nào không?” hay là “sự kiện diễn ra ở đây là thứ biểu tượng nào đó?” Họ không tìm hiểu sâu để thấy những ý nghĩa được thêm thắt vào câu chuyện được đưa cho họ, chấp nhận Phỏng Ức theo cái cách mà họ chấp nhận cuộc đời. Thế nên chúng tôi cũng không có tâm hồn nghệ sỹ cho lắm, đơn giản chỉ là xếp chồng những đoạn ký ức vui vẻ lên nhau mà thôi. Bởi vậy, trong số những người kể chuyện, kỹ sư Phỏng Ức được coi như một loại đồ ăn nhanh.

Chẳng sao cả, tôi nghĩ vậy. Chính tôi cũng thích ăn mì đứng và sushi băng chuyền mà. Chúng mà không còn nữa là tôi sẽ buồn lắm lắm.

Nói đi cũng phải nói lại, rõ ràng là tôi không xem nhẹ các phép so sánh. Đôi khi chúng có thể đi đến cốt lõi của sự vật vượt trên cả ý muốn của người kể chuyện. Những từ ngữ mà ta sử dụng khôn ngoan hơn ta nhiều.

Lấy ví dụ, khi tôi bước vào một căn phòng kích cỡ giống một phòng học và trông thấy mười chiếc ghế được xếp thành vòng tròn với chín bệnh nhân lo âu đang ngồi trên chúng, tôi đã nghĩ rằng “giống như chúng ta sắp được kể chuyện ma ấy nhỉ.” Đây không hoàn toàn là một phép so sánh đúng nghĩa, thế nhưng nó đã chạm đến được với cái sự thật mà tôi không hề có ý định vươn tới. Câu chuyện mà họ sắp kể sẽ làm tôi lạnh toát xương sống và làm tôi sợ hãi đến mức quay cuồng. Và đến cái lúc người thứ mười kể chuyện, một thứ không nên thuộc về thế giới này sẽ được triệu hồi.

Thành viên nhóm gồm đủ mọi độ tuổi và giới tính. Đúng như dự đoán, tôi là người trẻ nhất. Tôi có hơi e dè, nhưng vẫn hít một hơi thật sâu rồi ngồi xuống, nhanh chóng chào hỏi mấy người xung quanh. Sau đó tôi nhìn ngắm từng người một thật cẩn thận. Họ đều có một vẻ mặt ưu phiền, không có nghi ngờ gì rằng những đôi mắt ở đây là những đôi mắt bất hạnh nhất thế giới. Một điều bật lên trong tâm trí, những thứ tương tự như thế tôi đã thấy trong một bộ phim. Tôi suy nghĩ khoảng 20 giây, rồi nhớ ra tên nó là Fight Club. Tôi xem nó hồi 17 tuổi, có nghĩa là ít ra tôi vẫn còn những ký ức cho đến tuổi 17.

Những chai nước trà được phân phát cho tất cả mọi người, nhưng chẳng ai thèm đụng vô. Những người khác thường xuyên trao đổi những cái nhìn với nhau, nên chắc đây không phải lần đầu họ tham dự. Có lẽ tôi là người duy nhất không có người quen nào.

Mọi người ở đây đều ăn mặc gọn gàng, và chỉ cho đến lúc này tôi mới tự nhận thức được về bề ngoài của bản thân. Quần áo và đôi giày đã được tôi mua ba năm trước, ngoài ra chẳng có một món trang sức nào. Mặt tôi gần như không trang điểm, da dẻ tôi khô cứng do không chăm sóc và do thiếu ngủ, mái tóc đen chưa một lần đi nhuộm của tôi rối bù trông như con ma. Nhìn tôi không được đoan trang cho lắm.

Mình sẽ đi cắt tóc sau khi cái này kết thúc vậy, tôi nghĩ.

Một tiếng hắng giọng cất lên.

“Được rồi, chúng ta băt đầu được chưa nhỉ.” Một người đàn ông trong độ tuổi bốn mươi bên tay trái của tôi phát động. “Có ai muốn bắt đầu không?”

Một vài người liếc sang những người khác và khẽ khàng lắc đầu.

“Thôi được, thế thì tôi sẽ bắt đầu như mọi khi…”

Người đàn ông nở nụ cười mỏi mệt và bắt đầu kể câu chuyện của bác ta theo một giọng đều đều.

“…Tôi không còn nhớ được phân nửa điều gì về vợ mình nữa rồi.”

Ấn tượng chân thành của tôi: đây là một câu chuyện nghe rất quen. Ông bác này tốt nghiệp đại học và cưới vợ ngay sau đó, vay tiền để lập một cửa hàng, cùng người vợ của mình vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, ăn nên làm ra ít lâu sau đó, có một đứa con, và tưởng như mọi chuyện chỉ mới bắt đầu thì bác ta phát hiện ra căn bệnh của mình. Nỗi sợ chết là có, nhưng không nhiều bằng nỗi sợ quên đi người vợ và đứa con. Bác ta gợi lại người bà cô của mình do một rối loạn thần kinh mà không thể nhận ra mặt người trong nhà. Nghĩ về chuyện mình sẽ trở nên giống như vậy khiến cho ông bác này muốn kết thúc tất cả trước khi điều ấy xảy ra, vân vân…

Khi câu chuyện được kể xong, có vài tiếng vỗ tay lác đác. Tôi cũng lặng lẽ vỗ tay theo, nhưng thực lòng đang nghĩ “nghe giống như bác đã sống một cuộc đời rất hạnh phúc vậy.” Tôi thấy xấu hổ vì bản thân lại cảm thấy ghen tỵ thay vì thông cảm, nên đã vỗ tay to hơn.

Tiếp theo sau đó, mọi người đi theo thứ tự kim đồng hồ để nói về những âu lo của mình. Có thể họ đã cân nhắc đến tôi và chủ ý để tôi trở thành người cuối cùng, vì là người mới. Không phải ai cũng có thể nói gãy gọn như người đàn ông đầu; có mấy người run rẩy và gặp khó khăn xuyên suốt phiên của mình, khiến tôi thầm an tâm.

Câu chuyện của người thứ tư, một nữ thủ thư, có một vài phần gây ấn tượng với tôi. Trong khi nghe người phụ nữ ấy kể chuyện, tôi nhận thấy mình đang suy nghĩ rằng “chỉ cần chỉnh sửa một ít, mình có thể dùng cái này vào Phỏng Ức,” và thế là tôi nhanh chóng hất mấy ý nghĩ vô duyên ấy ra khỏi đầu. Sao tôi có thể suy nghĩ về công việc trong lúc này được chứ? Không có gì lỗ mãng hơn việc sử dụng những thú nhận chân thành của người lạ để làm nguyên liệu. Tôi ép mình phải ngắt những cái công tắc kỹ sư trong não bộ, và chấp nhận câu chuyện của họ theo cách mà một người chấp nhận Phỏng Ức của mình.

Sau câu chuyện của người thứ sáu là một quãng giải lao ngắn. Người đàn ông bên trái hỏi tôi cảm nhận về buổi gặp gỡ. Vì muốn trả lời một cách thận trọng, tôi nghĩ lại về sáu câu chuyện mà mình đã được nghe. Một thứ đột ngột hiện lên trong tâm trí tôi, kèm theo một cơn lạnh buốt.

Tất cả bọn họ chỉ nói về gia đình, bạn bè, người yêu.

Câu chuyện ma tiếp tục. Người thứ bảy nói về bạn bè và gia đình. Người thứ tám nói về người bạn tình và mấy người bạn khác. Người thứ chín nói về gia đình, bạn bè, và một con mèo. Giờ thì tôi đã bị thuyết phục. Cách thức có thể khác biệt, nhưng tất cả ngoại trừ tôi đều đi đến thống nhất với một kết luận: “phòng tuyến cuối cùng của một người là sợi dây liên kết của họ với những người thân thiết.”

Người phụ nữ già bên tay phải của tôi đã bắt đầu kết thúc câu chuyện của bà. Tôi nên nói gì bây giờ, không biết nữa. Lúc đầu, tôi định nói về sự trống trải của việc không có nỗi sợ nào về việc mất đi ký ức. Nhưng nếu tôi, người được giao trách nhiệm kết thúc buổi gặp mặt này, nếu nói như vậy, chẳng phải nó sẽ khiến tôi hứng chịu những cái nhìn oán trách của họ sao? Chẳng phải nó sẽ chỉ xới tung lên cái không khí đã được họ vun đắp cẩn thận từ đầu sao?

Nỗi tuyệt vọng của tôi sẽ vô tình mà trở thành lời chế nhạo tới nỗi tuyệt vọng của chín người kia sao?

Tôi mở lại những công tắc mà mình đã đóng, bật não tôi về chế độ viết lách, cố sáng tác ra một câu chuyện mới.

Tôi sẽ tạo ra một câu chuyện phù hợp với nơi này.

Tôi nhắm mắt lại và tập trung, xay chín câu chuyện của họ thành một đống lầy nhầy và chiết xuất ra tinh chất của chúng. Rồi tôi cho thêm vào một vài sự thật từ chính bản thân - hoặc có thể là những ham muốn được thêm thắt từ những sự thật ấy - làm cho nó có vẻ độc đáo, cho thêm cả những nhiễu động để che đậy sự giả dối và tôn thêm tính thực tế của nó.

Tôi xếp “cậu”, nhân vật mà tôi đã phát triển trong những mơ mộng kể từ ngày còn bé của mình, vào vai một chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng.

Tôi hoàn thành toàn bộ công đoạn này trong dưới 30 giây. Vẫn còn thời gian thừa, nên tôi còn đặt cho nó một cái tên khá hay.

Kể từ khi mắc Tân Alzheimer’s, khả năng kể chuyện của tôi không những suy giảm, mà còn trưởng thành hơn. Không rõ tại sao nữa, có lẽ đây là lý giải đứng đằng sau việc uống rượu hay hút thuốc có thể có tác động tích cực lên việc viết văn mặc dù chúng có hại cho bạn. Khi bạn quên đi những thứ không cần thiết, nó tạo cảm giác như mỡ thừa đang được xắt khỏi bộ não của bạn.

Hình như câu chuyện của bà lão kia đã xong. Lúc tràng vỗ tay lắng xuống, chín người họ hướng sự chú ý về tôi, như thể nói rằng “đến lượt nhóc đấy.” Tôi đặt tay trái lên lá phổi bên phải và hít một hơi ngắn nhưng sâu, và bắt đầu kể về một quá khứ giả tưởng mà mình vừa bịa ra - nhưng mặt khác, đã được xây dựng từ rất lâu kể từ khi tôi còn bé.

“Em có một người bạn ấu thơ…”

*

Đến lúc câu chuyện của tôi kết thúc, nửa số người ở đó đã khóc. Một số thậm chí còn lấy khăn mùi xoa ra giữa chừng để chấm lên mặt. Lời nói dối của tôi nghe thật hơn câu chuyện của bất cứ ai, làm rung động trái tim toàn bộ người nghe.

Khi tiếng vỗ tay đã dứt, một thành viên - người phụ nữ đã nói về con mèo - bảo rằng.

“Thật vui khi em đã đến đây hôm nay.” Cô ấy bỏ chiếc kính lão xuống để dụi mắt, rồi cẩn thận đeo nó trở lại. “Cảm ơn em vì đã kể cho chúng tôi một câu chuyện tuyệt vời. Có lẽ em thật bất hạnh, nhưng em cũng là một cô gái rất hạnh phúc. Em đã được ban cho một người bạn đời lý tưởng.”

Tôi không biết phải trả lời ra sao, nên chỉ cúi đầu cảm ơn. Rồi tất cả các thành viên đều đưa ra suy nghĩ của họ về câu chuyện của tôi, lần lượt từng người một. Cứ mỗi lần họ tặng cho tôi một nụ cười ấm áp, nỗi day dứt lại ẩn hiện dằng sau nụ cười cứng ngắc của tôi.

Có vẻ như tôi đã hơi quá đà một chút. Nghĩ lại thì, đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp chứng kiến những phản hồi với một câu chuyện mà tôi tạo ra. Tôi không nghĩ là sẽ lại nhận được phản ứng lớn đến vậy. Không thể tin nổi là tôi lại được nhắc nhở về ma thuật mà những câu chuyện chứa đựng ở đây.

“Thật xót xa cho một người vẫn còn trẻ như vậy.” “Hay là cháu thỉnh thoảng dẫn cậu ấy đến đây? Chúng ta sẽ đều chào đón cậu ấy.” “Thật an tâm rằng cháu có một ai đó thấu hiểu gần bên cạnh. Nếu chú không có người vợ của mình, chú nghĩ mình đã rơi vào đường cùng rồi.” “Nghe được câu chuyện của em cũng làm chị nhớ về bạn trai của mình.”

Tôi gật đầu với những câu nói của họ với một nụ cười khô khan trên môi. Tôi gật càng nhiều thì cảm giác khốn khổ càng tăng, thậm chí còn thắc mắc: nếu những người này phát hiện ra câu chuyện của mình là giả, không phải là họ sẽ nghĩ mình đang lấy họ làm trò cười sao? Và thế là tôi lại phát chán với bản thân vì đã có những suy nghĩ tự hành hạ mình sau khi lừa dối những người tốt bụng này.

Tôi bịa ra những lý do để từ chối trao đổi thông tin liên lạc với bất kỳ ai, rồi bỏ lại nơi ấy sau lưng. Tôi hoàn toàn lơ đãng trên chuyến tàu điện ngầm đi về nhà. Bóng tôi trên cửa sổ kính trông xấu xí, như một cái vỏ bị vất đi. Trông nó như đã dầm sương dãi nắm qua cả mùa hè, và đang nứt ra từng mảnh.

Tôi thầm nhủ rằng sẽ không bao giờ đi tới một buổi gặp mặt nào như vậy nữa.

*

Từ khi mùa hè bắt đầu cho đến khi nó kết thúc, tôi chỉ có một mình.

Tôi không còn bật TV hay radio lên nữa, không còn nhìn vào cuốn sổ tiết kiệm đã từng một thời cho tôi động lực tinh thần nữa. Tôi không còn cảm thấy bất kỳ sự an ủi nào ở đó. Tôi hài lòng với số tiền đủ để trang trải cho cuộc sống và một đồng xu lẻ để đi đò sang thế giới bên kia, nên tất cả quá là thừa thãi.

Con số trên sổ tiết kiệm của tôi minh họa cho việc tôi có thể làm bất cứ điều gì và cùng lúc đó, chẳng thể làm được điều gì. Nếu một người bình thường có nhiều thời gian và tiền bạc rảnh rỗi đến vậy, chắc hẳn họ đang đi chơi với bạn bè, dành thời gian bên gia đình, hoặc các buổi hẹn hò. Để tận hưởng những năm tháng còn lại trong đời, họ sẽ có những kỳ nghỉ thả ga, tổ chức tiệc tùng hoành tráng, hoặc làm một lễ cưới tuyệt hảo.

Tôi hoàn toàn không có đầu ra nào cho số tiền của mình. Tôi đã cân nhắc về việc chuyển tới đâu đó cho phép thú cưng và nuôi một con mèo, nhưng nhanh chóng suy nghĩ lại khi xem qua những cuốn catalô. Một người chưa sống nổi đến ba năm nữa thì không nên nuôi một con vật. Một người không tự chăm sóc được chính mình không nên nhận một vai trò quan trọng như vậy.

Bên cạnh đó, quả là một động lực thiển cận khi tìm kiếm sự hồi phục từ một con mèo chỉ vì tôi không thể kết giao được với người. Tôi thấy tệ cho con mèo nào phải kết thân với tôi. Mèo là loại sinh vật sống tự do. Chúng tạo cho tôi cái cái cảm giác những người nào có thể sống thiếu chúng thì mới nên nuôi mèo. Một người chủ nhân không thể sống thiếu một con mèo như tôi sẽ làm cho chính nó thấy không vui.

Khi cảm thấy cô đơn, tôi sẽ ra ban công căn hộ của mình và ngắm dòng người qua lại. Giống như đi ngược thời gian để quay trở lại những ngày tôi mắc kẹt trong phòng và nhìn ra ngoài bậu cửa sổ. Hóa ra là, tôi chẳng thay đổi gì kể từ ngày ấy.

Cả mùa hè ấy tôi chủ yếu dành để suy nghĩ về những cách thỏa mãn các nhu cầu cơ bản nhất của bản thân.

Tôi dựa vào góc tường trong phòng nghe những đĩa nhạc cổ suốt cả ngày, lật qua lật lại đĩa nhạc hoặc hoán đổi chúng để giết thời gian. Sau khi bắt đầu cảm nhận được thời gian mà mình còn lại để sống, tôi chợt cảm thấy mê say cái thứ âm nhạc yêu thích của mình còn nhiều hơn trước. Cụ thể hơn, tôi tìm thấy nét duyên dáng trong những bài hát xưa cũ mà mình cảm thấy tẻ nhạt trước đây. Nền nhạc và giai điệu càng đơn giản, tôi càng cảm thấy những nốt nhạc đang thấm sâu hơn vào trái tim khô héo của mình. Khi đã mệt mỏi với chúng, tôi ngắm những đường viền trên đĩa và vỏ bìa, để đôi tai mình nghỉ ngơi.

Trong các buổi tối, tôi đi bộ tới siêu thị gần nhà ga, đi một vài vòng trong cửa hàng để cẩn thận chọn ra nguyên liệu, rồi đi thẳng về căn hộ của mình. Trở lại phòng, tôi mở một cuốn sách nấu ăn mà mình đã mua theo cảm hứng ở một hiệu sách cũ trong xóm, chế biến theo từng công thức từ trang đầu. Tôi mù quáng tuân theo những chỉ dẫn về số lượng và thời gian, không thêm thắt không bỏ bớt, nấu đúng y như công thức. Khi nấu xong một món, tôi trang trí nó mặc dù chẳng để đưa cho ai xem cả, và ngắm nghía nó từ mọi góc độ. Rồi tôi ngồi ở bàn, thưởng thức mùi vị và thỏa mãn cái bụng của mình.

Sau bữa ăn, tôi tắm một lúc lâu để kỳ cọ cơ thể từ đầu đến chân. Không hoàn toàn là để cảm thấy sạch sẽ, mà để ngủ dễ chịu hơn. Sau khi ra khỏi bồn tắm, tôi lên giường trước khi màn đêm buông xuống; cộng thêm mấy tiếng ngủ nướng buổi sáng, tôi có mười tiếng dài để thỏa mãn nhu cầu ngủ của mình.

Có một nhu cầu nữa mà tôi không muốn nghĩ về nó quá nhiều. May mắn thay, vì sống một cuộc đời bình lặng một mình, nên tôi có thể quên đi sự tồn tại của một ham muốn như thế.

Tôi chỉ uống thuốc vào lúc nhớ ra, nên triệu chứng của bệnh Tân Alzheimer’s cứ dần dà mà tiến triển. Chẳng mấy chốc tôi đã hoàn toàn quên đi cái tuổi thơ hen suyễn đã làm tôi đau đớn như thế nào. Không có cảm xúc mãnh liệt nào về chuyện đó cả.

Cái kết của tôi đang lừ lừ tiến tới. Mặc dù vậy, tôi sẵn lòng giang cánh tay ra. Đây có thể coi như một dạng tự tử gián tiếp, từ từ.

Khi nghe đĩa, khi nấu ăn, khi tắm, khi nằm trên giường, tôi càng cố không nghĩ về thứ gì, bộ não tôi càng hoạt động nhiều hơn.

Câu chuyện về “cậu” mà tôi đã sáng tác ra ở buổi gặp gỡ bệnh nhân vẫn luẩn quẩn quanh đầu.

Do có một vài chi tiết mà tôi đã thêm vào câu chuyện để cho nó có vẻ thực tế, nên sự tồn tại của “cậu” cũng trở nên giống thật hơn bao giờ hết. Một phần lớn có lẽ là do lần đầu tiên “cậu” được tôi kể ra với người khác. Tôi nghe câu chuyện được phát ra từ miệng mình như thể đó là chuyện của một người lạ. Hoặc một cách diễn đạt tốt hơn là, tôi đã nghe câu chuyện ấy qua đôi tai của những người có mặt. Sự phản hồi này khiến cho “cậu” có một sự hiện diện khách quan và xã giao, nuôi dưỡng cậu ấy thành một thực thể rắn chắc hơn. Cậu trở nên gần giống với một người đang sống.

Nỗi cô đơn và tuyệt vọng của tôi càng lún sâu hơn xuống đáy vực, câu chuyện về “cậu” lại tỏa sáng càng rực rõ. Tôi cứ lặp đi lặp lại việc lần theo câu chuyện từ đầu tới cuối, tạo ra những thay đổi vụn vặt lên các chi tiết, chỉnh tới rồi chỉnh lui, đọc nó lại từ đầu, nhìn ra khoảng không nào đó và mỉm cười.

Đây là một dạng tự hành hạ tinh thần. Những mộng tưởng là thứ thuốc chết người; đổi lại một niềm vui nho nhỏ là một thứ chất độc không màu dần dần tích tụ trong cơ thể.

Một ngày nọ, nhờ vài thứ trùng hợp xảy ra, tôi thành công trong việc nấu ra một món rất khó. Kết quả tốt đến nỗi tôi muốn chụp một tấm ảnh, vị của nó cũng rất ngon. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng “cậu” có lẽ sẽ rất vui nếu ăn được món này. Trong giây phút ấy, tôi hoàn toàn quên mất rằng “cậu” là một người không có thật.

Chỉ thoáng sau, tôi nhớ ra sự thật rằng “cậu” không tồn tại, và đầu óc bỗng nhiên trống rỗng.

Vài giây sau, có thứ gì đó bên trong người vỡ vụn.

Chiếc thìa tuột khỏi đầu ngón tay của tôi, rơi xuống sàn và tạo ra một thứ âm thanh khó chịu. Tôi cúi xuống để nhặt nó lên, nhưng cả cơ thể đột ngột trở nên mềm nhũn, và tôi đổ gục xuống sàn.

Tôi đã đạt tới cực đỉnh của sự trống trải, và không thể chịu đựng nổi nữa.

Trước khi kịp nhận ra, tôi đã khóc nức nở.

Tôi không muốn chết như thế này. Mọi thứ kết thúc như thế này thì hết sức tàn nhẫn. Tôi vẫn chưa có được một thứ gì có thật.

Trước khi tôi chết, tôi muốn được ai đó khen ngợi dù chỉ một lần. Tôi muốn được cảm ơn. Tôi muốn bị thương hại. Tôi muốn được chấp nhận vô điều kiện và chở che thật nhẹ nhàng như cách bạn đối xử với một đứa bé con. Tôi muốn chàng trai hoàn hảo 100%, người có thể hiểu sự cô đơn của tôi 100%, làm tôi đắm chìm trong 100% tình yêu. Và sau khi tôi chết, tôi muốn cậu ấy đau khổ vì cái chết của mình, có một vết thương không bao giờ lành được khắc sâu vào trong trái tim. Tôi muốn cậu ấy căm thù căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của tôi, căm thù những con người đã không đối xử tốt với tôi, nguyền rủa cái thế giới không còn tôi nữa.

Tất nhiên là tôi không thể hài lòng chỉ với những mộng tưởng. Con người ở trong tôi vẫn cứ khóc mãi. Tôi khi mới lọt lòng, tôi 1 tuổi, tôi 2 tuổi, tôi 3 tuổi, tôi 4 tuổi, tôi 5 tuổi, tôi 6 tuổi, tôi 7 tuổi, tôi 8 tuổi, tôi 9 tuổi, tôi 10 tuổi, tôi 11 tuổi, tôi 12 tuổi, tôi 13 tuổi, tôi 14 tuổi, tôi 15 tuổi, tôi 16 tuổi, tôi 17 tuổi, tôi 18 tuổi, tất cả bọn họ đều đang ôm đầu gối và thút thít như tôi bây giờ. Kể cả nếu ký ức của tôi về họ biến mất, tiếng khóc của họ sẽ còn mãi vang vọng. Tôi cần một sự cứu rỗi thực tế cho họ, nhưng tìm đâu cũng không thấy.

“Tôi chẳng sợ vì chẳng có gì để mất” là một câu bốc phét trắng trợn. Chết mà không có gì đáng sợ lắm. Đáng sợ tới nỗi tôi không thể ngăn mình khỏi run rẩy.

Nhưng giờ thì tôi có thể làm gì đây? Kể từ khi sinh ra tôi chưa từng kết bạn với một ai, làm sao mà tôi có thể làm gì đây? Chưa kể đến chàng trai hoàn hảo 100%, liệu tôi có thể có một người bạn thường thường 50% không đã?

Hay là nói chuyện với đồng nghiệp? Tôi có nên liên lạc với ai đó trong ngành nghề của mình và nói cho họ biết sự thật hay không? Ngay cả khi làm vậy, điều tôi nhận được có lẽ là sự cảm thông ở mức tiêu chuẩn. Thật ra, nếu không gặp may, khéo tôi còn làm người mình nói chuyện cùng mừng thầm ấy chứ. Tôi đã loáng thoáng nghe đâu đó lời đàm tiếu của họ. Ngay cả nếu may mắn chọn được một người không thù địch với mình, nội việc tôi lo sợ rằng “người này có thể coi mình là kẻ thù” cũng đủ làm cho việc thiết lập một mối quan hệ tin tưởng chân thành không thể xảy ra. Thú thực là, tôi e sợ bọn họ.

Hay tôi cứ nói với mấy người lạ mặt trong thị trấn? Tìm kiếm bạn bè trên mạng xã hội? Không đời nào. Làm như tôi sẽ tìm ra người nào thực sự thấu hiểu bằng cách ấy vậy. Sẽ chỉ như mò kim trong sa mạc mà thôi. Lại thêm một rủi ro nữa: đó rất có thể sẽ là một trải nghiệm cực kỳ khó chịu.

Nếu như 30% cảm thông, 40% thấu hiểu, 50% sự yêu thương là đủ, có thể tôi sẽ tìm thấy điều đó nếu cố gắng bục cả mặt ra. Nhưng không đủ đâu. Để cứu tôi, để cứu chúng tôi, chắc chắn sẽ cần đến chàng trai hoàn hảo 100%.

Mọi người có thể gọi đó là một mong muốn vô lý. Họ sẽ xỉa xói, nói rằng một người vốn phó mặc việc giao tiếp cả đời mình sao có thể tự dưng có được một tình yêu hoàn hảo cơ chứ. Họ sẽ nói rằng “ngay cả 50% sự cảm thông cũng đã là quá đủ đối với cô em rồi.” Nhưng trực giác của một người kỹ sư Phỏng Ức đang cho tôi biết điều gì đó: chỉ có việc bám chặt vào một chàng trai lý tưởng mới có thể cứu được mi thôi. Chắc chắn không còn cách nào khác để gỡ ra sự cô đơn đã được bện chặt vào trong tôi từ rất lâu rồi.

Tôi dành ra mấy ngày tiếp theo để khóc, nhưng cho dù vậy, tôi vẫn không ngừng việc nghĩ về “cậu”. Đã đi xa đến nhường này, tôi nghĩ, thôi thì mình hãy lột hết mớ da kia đi, để nhìn thấy vào tận xương tủy.

Tôi hoàn toàn quên mất việc uống thuốc, nên triệu chứng bệnh lan nhanh chưa từng thấy. Tôi mất đi ký ức cho đến khi 15 tuổi, quên đi khoảng thời gian bức bối của ba cấp học. Ba phần tư cuộc sống của tôi đã bị sự hư vô nhấn chìm, và thực sự đang tiến tới số không.

Tôi cứ nghĩ về “cậu”.

Tôi ngừng nghe nhạc, ngừng nấu nướng. Việc đứng khóc quá tốn sức, nên tôi ôm theo một cái gối và bò quanh căn phòng như một con sâu đo, nằm trên giường, trên sàn nhà, trong bếp, ngay trước cửa ra vào, trong phòng tắm, ngoài ban công. Sự uể oải không chịu bỏ đi.

Tôi vẫn nghĩ về “cậu”.

Tôi cảm thấy ghê tởm cả những tác phẩm Phỏng Ức mà mình đã rất ưng ý trước đó, thậm chí còn cảm thấy chóng mặt khi nhìn vào hồ sơ cá nhân của một ai đó. Nhìn đâu cũng chỉ thấy sự ghen tỵ. Tôi thù ghét những người sống không cần nhu cầu gì mà vẫn muốn có những Phỏng Ức vui vẻ.

Tôi tiếp tục nghĩ về “cậu.”

Và rồi một ngày, một cơn điên ngây thơ nảy lên trong tôi.

Trong lúc lục lọi những ký ức về “cậu” như thường nhật, nó chợt nảy đến với tôi.

Một người có thể tưởng tượng ra ai đó mà họ chưa từng gặp sống động như vậy sao?

Một người có thể yêu mến ai đó mà họ chưa từng gặp bằng cả trái tim như vậy sao?

Tôi có đang nhầm lẫn cơ bản không?

Liệu rằng.

Có thể nào.

Có khả năng đó chăng?

Có phải “cậu” không là một nhân vật tưởng tượng, mà là một người có thật?

Có phải căn bệnh đã đơn thuần lấy đi những phần quan trọng trong ký ức của tôi? Phải chăng tôi thực sự từng có một người bạn từ nhỏ, nhưng lại tin rằng đó chỉ là hư cấu?

Thật là một ý nghĩ đáng xấu hổ. Nếu ai đó đã bảo với tôi điều này trước khi căn bệnh được phát hiện, tôi sẽ đáp lại bằng một tràng cười.

Nhưng trong khoảnh khắc ấy, tôi xem nó như một sự khai sáng của thần linh. Tôi đã mất đi sự minh mẫn từ lâu rồi. Tôi bấu víu vào giả thuyết ấy. Bây giờ, hy vọng cuối cùng của tôi nằm ở những trang ký ức đã bị tẩy trắng bởi căn bệnh của mình.

*

Tôi quay trở lại nhà sau hơn một năm rưỡi.

Bị trói buộc bởi cái ý nghĩ rằng “cậu” thực sự tồn tại, tôi đứng ngồi không yên, đi lên chuyến tàu sáng sớm để quay trở lại thị trấn cũ.

Tất nhiên, là để gặp lại “cậu”.

Tôi mang theo cuốn kỷ yếu từ thời cấp hai để trong túi, và lấy nó ra đọc tới đọc lui trên đường đi. Cảnh tượng một cô gái 19 tuổi ngồi giở qua cuốn kỷ yếu một mình trên toa tàu thật là quái đản, nhưng chuyến tàu sáng sớm khá lưa thưa, và không ai dừng lại để quan sát cả.

Tôi đóng đinh tất cả gương mặt và những cái tên trong cuốn kỷ yếu vào não bộ của mình. Không có một gương mặt nào quen thuộc, như thể tôi đã vớ nhầm phải một cuốn kỷ yếu của ngôi trường hoàn toàn xa lạ nào đó.

Tôi lùng tìm những tên con trai có nét tương đồng nhất với ấn tượng của tôi về “cậu”, nhưng việc tìm kiếm trong những bức ảnh mà mọi người đều có nụ cười y chang nhau tỏ ra có phần khó khăn. “Cậu” không mang một hình dạng chắc chắn nào trong ký ức của tôi, duy chỉ có một ấn tượng và một bầu không khí phát ra từ người cậu ấy. Để phân biệt được, tôi sẽ cần nguồn thông tin tiếp nối như các hành vi hoặc sự thay đổi trong nét biểu cảm.

Trong số những bức ảnh chụp lớp học và sự kiện của trường, tôi không thể tìm ra chính mình. Tôi luôn luôn cúi gằm đầu và mang một vẻ mặt ưu phiền, nên chắc hẳn không phải là đối tượng thích hợp cho những tấm ảnh. Những đứa học sinh cấp hai trong cuốn kỷ yếu trông rất sống động, và tôi thấy có một thứ tồn tại trong họ mà mình đã hoàn toàn mất đi. Trong chưa đầy một năm nữa, tôi sẽ bước sang tuổi 20 – nếu như tôi sống lâu đến thế.

Con tàu đi tới thị trấn cũ của tôi vào trước buổi trưa. Đó là một thị trấn hẻo lánh phát chán nằm ở một góc của tỉnh Chiba. Khi bỏ đi lúc 18 tuổi, tôi phân vân kinh khủng về việc đi quá xa khỏi nơi này, nhưng khi quay lại, tôi nhận ra khoảng cách ấy không hề lớn. Tôi bước qua cổng soát vé và đi ra khỏi khu nhà ga chật chội.

Có cảm giác như tôi chỉ mới đến thị trấn cũ của mình lần đầu. Bầu trời, khung cảnh, bờ biển, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với tôi, nên cũng là lẽ tự nhiên khi tôi chẳng có cảm giác bồi hồi nào cả. Đúng là có một chút dĩ vãng đọng lại khi nhìn qua mấy cửa hiệu cà phê lụp xụp và cửa hàng đóng kín, nhưng cảm giác ấy giống với một thứ mà tôi đã biết qua sách vở hoặc TV, hơn là nhìn thấy trong đời thực, bởi tôi không thể vạch ra bất kỳ sự liên kết nào với quá khứ của bản thân.

Sau khi kiểm tra vị trí của mình trên bản đồ điện thoại và phác ra một con đường để đi, tôi đặt tay trái lên lá phổi, hít một hơi sâu và bắt đầu cất bước. Tôi lo phát sốt vì phải nghĩ xem sẽ làm gì nếu tình cờ chạm mặt bố mẹ mình, nhưng cũng có cảm giác hân hoan vì đã có một mục tiêu nhất định trong đầu sau khoảng thời gian rất lâu.

Ngôi trường tiểu học, ngôi trường cấp hai, khu phố mua sắm, công viên, nhà văn hóa, thư viện, con đường mòn, bệnh viện, siêu thị. Tôi dựa theo bản đồ để đi đến chỗ này chỗ kia. Mặc dù là ngày chủ nhật, tôi hầu như không gặp một ai. Có thể là do dân số ở đây thấp, hơn là vì người ta không chịu đi ra ngoài. Tôi đã quá quen với cuộc sống thành thị, nên bây giờ có cảm giác như mình đang bước qua một thị trấn đã đến giờ giới nghiêm. Nó cũng tạo cho tôi cảm giác như thể đây là một thành phố nhân tạo sắp được đám người máy chuyển đến sinh sống.

Bầu trời là một màu trong xanh, tôi có thể trông thấy những đám mây vũ tích khổng lồ đằng xa xa. Khi đi qua những khung cảnh hoài niệm bị nắng hè làm phai đi này, tôi thấy mình đang mơ màng về một câu chuyện giả tưởng lấy bối cảnh từ chính nơi đây.

Giá mà tôi không phải chia xa “cậu”, mà đã tiếp tục sống ở thị trấn này.

Chắc chắn tôi sẽ không trở thành một kỹ sư Phỏng Ức, và có thể tận hưởng một cuộc đời sinh viên bình thường vào lúc này. Tôi sẽ lấy học bổng và đi làm thêm, sống gần chỗ “cậu”, và theo một cái cách gần như là ở cùng nhau, tôi sẽ nấu cho cậu ấy những bữa ăn, phụ giúp cậu ấy việc nhà và nhập vào vai một bà nội trợ trẻ.

Rất nhanh chóng, tôi bắt đầu trông thấy bóng dáng của mình trong những thế giới khả dĩ ấy suốt dọc thị trấn. Trong những thế giới kia, tôi là một người hạnh phúc. Tôi hồi tiểu học đang ngồi trên yên xe đạp, bám chặt vào tấm lưng cậu ấy mà cười đùa. Tôi hồi cấp hai đang nắm tay “cậu” trong một bộ yukata. Tôi hồi cấp ba, trên đường từ trường về nhà, lén trao cho “cậu” một cái hôn vụng trong bóng râm của một bến xe buýt. Phiên bản tôi đang học đại học đang đi siêu thị cùng “cậu”, xách một nửa chỗ đồ ăn và đi bên cạnh nhau như một cặp vợ chồng.

Có thể chúng không phải là tưởng tượng, mà là hồi tưởng. Tôi có thể hình dung ra rằng chúng khả thi, như thể đang đánh giá kết quả của một thí nghiệm. Một tâm thái thật điên khùng. Dường như tôi đã bị một con quái vật của trí tưởng tượng trú ngụ tại vùng đất này ám ảnh.

Thị trấn khá là bé, nên tôi có thể đi qua những khu nhà và cơ sở đáng đến thăm trong có nửa ngày. Khỏi cần phải nói, tôi chẳng tìm ra thứ gì. Người duy nhất nói chuyện với tôi là một cụ già. Người đó hỏi đường tới đồn cảnh sát, và tôi trả lời rằng mình không sống ở đây nên không biết. Tôi cũng chỉ trả lời được có thế.

Hoàng hôn có màu khiến tôi liên tưởng đến những bông hướng dương héo quắt. Ngồi trên bờ kè vẫn nóng từ cái nắng ban ngày, tôi phóng mắt về phía biển. Tôi cởi giày ra và để chúng qua một bên, duỗi đôi chân đã chai đi vì cuốc bộ ra hóng gió. Chai nước khoáng vừa mua được từ máy bán hàng tự động, tôi uống một nửa, nửa còn lại đổ lên chân mình. Dòng nước lạnh thấm vào vết thương. Một khi nó khô đi, tôi dán vào đó một cái băng y tế của hiệu thuốc.

Hầu như chẳng có lấy một người trẻ tuổi nào để mà nói chuyện. Tôi có thấy hai đứa trẻ con học cấp một hoặc cấp hai, nhưng chẳng thấy bóng dáng một người nào quanh lứa tuổi của mình. Thị trấn này giống như một người đã chết lâm sàng, chẳng còn hy vọng nào cho việc bình phục, và giờ chỉ còn đợi để mà mục nát đi thôi. Tất nhiên, tôi thậm chí chưa chắc đã có nhiều thời gian hơn cái chốn này.

Cả người tôi đau chức, đầu óc thì mù mờ. Nhưng tôi không thể cứ ngồi mãi ở đây được. Tôi xỏ giày vào chân, chống tay lên đầu gối và lảo đảo đứng dậy. Tôi vớ lấy chiếc cặp có đựng cuốn kỷ yếu và lẳng nó ra sau vai.

Ngay lúc ấy, tôi nghe tiếng của mấy đứa thiếu nhi trên con đường mòn, và theo phản xạ quay lại phía chúng. Một cậu bé và một cô bé tầm 14 tuổi đang đi cùng nhau. Cậu bé ăn mặc bình thường cho một cuộc tản bộ, còn cô bé mặc một bộ yukata rất xinh. Chất vải màu xanh đậm, thêu trên đó là hoa văn hình pháo hoa đơn giản, và cô bé cài thêm một bống hoa cúc đỏ trên tóc. Tôi ngắm nhìn cô bé mất một lúc, trong lòng có chút ghen tỵ; tôi muốn được mặc một cái áo yukata như thế và được đi cạnh người yêu của mình.

Chắc đang có một lễ hội đang diễn ra tại một nơi nào đó trong thị trấn. Tôi quyết định đi theo hai đứa nó. Chúng bước qua khu phố mua sắm và rẽ phải, đi thẳng qua con đường hẹp cạnh ruộng lúa, vượt qua đường ray tàu hỏa và cuối cùng, một ngôi đền không lớn cũng không nhỏ hiện ra trước tầm mắt. Tôi nghe thấy tiếng của lễ hội và ngửi được mùi vị của nó.

Tôi nghĩ, nếu một cuộc hội ngộ định mệnh là có thật.

Không phải đây sẽ là khung cảnh thích hợp nhất cho nó hay sao?

Tôi lang thang quanh khu vực đó như một kẻ mộng du, tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào của “cậu.” Tất nhiên, tôi không biết mặt cậu ấy. Nhưng, tôi vẫn tin rằng mình sẽ biết chỉ với một cái liếc mắt. Tôi tin rằng cậu cũng sẽ biết tôi chỉ với một ánh nhìn. Có thể cậu ấy sẽ không tin ngay rằng vào một cuộc tái ngộ trùng hợp và cứ thế tiếp tục đi. Nhưng sau vài bước, tôi chắc chắn rằng cậu sẽ quay đầu lại.

Tôi di chuyển qua đám đông và cứ thế đi, tìm kiếm người tình trong mộng mà mình đã thổi phồng lên như một cục bong bóng xà phòng.

Đến lúc ngay cả những quầy hàng cũng đã bắt đầu thu dọn, trái tim tôi mới chịu từ bỏ. Âm thanh của lễ hội chìm đi như thể đã mệt lả, mùi hương bay đi theo gió, và ánh đèn bị nuốt chửng bởi bóng tối, để lại một khoảng không im lặng đến nhức cả tai. Tôi ngồi dậy từ những bậc thang đá và bỏ lại ngôi đền sau lưng.

Mặc dù luẩn quẩn trước mấy quầy hàng lâu lắc, nhưng tôi vẫn chưa ăn gì. Tôi đi xung quanh hòng tìm kiếm một nhà hàng, và tìm thấy một nơi vẫn còn mở cửa gần nhà ga. Bị thu hút bởi mùi cá rán, tôi bước vào trong.

Khi đã yên vị ở bàn của mình, sự mệt mỏi của cả ngày dài mới đùng đùng kéo tới. Tôi cảm thấy như mình không thể đi nổi thêm một bước nào nữa. Gần như không thèm nhìn thực đơn, tôi gọi món cá đặc biệt, rồi nhìn chăm chăm về phía trận bóng chày đang phát trên TV trong lúc nốc cạn cốc nước đá được phục vụ bàn mang đến.

Tôi nghe một thực khách ngồi gần quầy gọi sake, nên cũng nghĩ về việc uống vài chén rượu. Tôi gần như là né tránh nó trước đây bởi cái cảm giác rằng đó là thứ mà bạn uống với một nhóm nhiều người, nhưng nếu tôi có thể quên đi hết những điều tệ hại, dù chỉ trong khoảnh khắc, thì có lẽ cũng nên thử xem sao. Chắc chắn đến lúc này tôi không còn cần bận tâm về sức khỏe của mình nữa.

Tôi xoay người về phía quầy phục vụ và gọi một người nhân viên, đặt cùng một loại sake mà cô gái lúc nãy vừa đặt. Người phục vụ máy móc lặp lại yêu cầu của tôi rồi quay đi. Tôi cảm thấy có chút nhẹ lòng vì họ cần tôi xác nhận tuổi, nhưng cũng có chút buồn phiền. Tôi trông giống cái tuổi có thể uống thoải mái đến thế rồi sao?

Tôi rời khỏi ghế ngồi và đi vào phòng vệ sinh kiểm tra mặt mình trên gương. Có thể là do nhiều năm đã qua đi mà tôi không cần phải thay đổi biểu cảm của mình, nên tôi chẳng còn cảm nhận được một chút sức sống hay năng lượng nào từ đó, giồng như một bà mẹ đơn thân cuối đầu hai đã kiệt sức. Mặc dù tâm trí tôi mới chỉ dừng lại quanh ngưỡng 14.

Khi trở lại chỗ ngồi, một chai sake và một cốc rượu đã được đặt bừa lên bàn. Tôi nhút nhát nhấm thử một ngụm; nó có vị tệ đến nỗi không thể mô tả được. Tôi vớ lấy cốc nước đá để rửa trôi đi cái vị còn đọng lại. Nó đắng, nặng mùi nhưng lại ngọt, khiến tôi ngờ rằng nó được làm ra để càng khó uống càng tốt. Tôi không thể tưởng tượng nổi là tại sao lại có người chọn uống thứ này.

Dẫu vậy, tôi ép mình uống hết một nửa, và cơ thể tôi bắt đầu ấm lên. Chắc đây là cảm giác khi say, tôi nghĩ trong khi vẩn vơ ngắm thứ đang luẩn quẩn dưới đáy cốc.

Một thứ lóe lên từ sâu thẳm tâm trí, nhưng tôi không biết cái gì đã gây ra điều đó. Tôi quay lại phía quầy một lần nữa để gọi trà nóng. Tôi chụm bàn tay trái lên miệng để gọi bồi bàn, nhưng đông cứng lại trong tư thế đó.

Cô gái đang ngồi ở quầy có một gương mặt quen thuộc.

Tôi ngay lập tức so sánh gương mặt của cô ấy với những tấm ảnh trong cuốn kỷ yếu mà tôi đã xem lại trên chuyến tàu. Ngoại trừ những tác động của thời gian sau bốn năm, gương mặt đó trùng khớp với một người bạn cùng lớp của tôi vào năm thứ ba. Kiểu tóc và dáng vẻ của người bạn đó đã thay đổi đôi chút, nhưng không thể sai được. Đây là lớp trưởng khi ấy.

Cuối cùng thì tôi cũng gặp được một người từng quen biết.

Cơ thể tôi di chuyển trước khi kịp suy nghĩ. Tôi tiến lại gần cô ấy và hỏi.

“Ừmm… cậu còn nhớ tớ không?”

Cựu lớp trưởng chớp mắt, tay vẫn cầm cốc sake. Gương mặt của cô ấy dường như đang đánh giá xem trong chúng tôi thì ai là kẻ đã say. Tôi thoáng lo rằng mình đã nhận nhầm người, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chẳng qua là tôi đã để lại ấn tượng rất mờ nhạt hồi cấp hai.

Cô bạn cười khó xử.

“Ờ…, xin lỗi. Có gợi ý nào cho mình không?”

“Bọn mình học cùng lớp hồi cấp hai, năm thứ ba.”

Cô ấy thoáng ra vẻ nghĩ ngợi, rồi đập tay lên đầu gối. Nhưng cái tên chính xác không hiện ra, nên cô ấy chỉ nói được “Ờ, cái bạn bị hen…”

Tôi cười méo xệch và nói ra tên của mình, “tớ là đứa bị hen Touka Matsunagi.”

“À, à, bạn Matsunagi,” cô ấy gật gù, có vẻ đã nhớ ra.

“Tớ ngồi cùng được không?”, tôi hỏi. Bình thường khó mà tưởng tượng ra là tôi sẽ làm thế này, nhưng lúc đó tôi khá tuyệt vọng.

“Hở? À, được được.”

Tôi bảo với phục bàn đổi chỗ, rồi ngồi xuống cạnh cô ấy. Đống sake giờ đã bắt đầu ngấm. Tôi cố tỏ ra vui mừng quá đáng trước cuộc gặp gỡ người bạn cùng lớp mà tôi chỉ biết qua những tấm ảnh kỷ yếu, và cô ấy chắc chắn cũng đang tỏ ra như vậy khi gặp lại một người bạn cùng lớp để lại nhiều ấn tượng đến nỗi không thể nhớ nổi tên. Cả hai tỏ ra cực kỳ tệ trong việc giao tiếp với đối phương, nhưng tôi vẫn hạnh phúc khi gặp được một người vẫn nhớ tôi, dù có mờ nhạt ra sao.

“Matsunagi, thế bây giờ cậu đang làm gì rồi? Đi học đại học à?”

Tôi bảo là cô ấy đã đoán đúng. Đây là lời nói dối thứ hai của tôi kể từ khi tới thị trấn này. Cô ấy chắc sẽ không tin rằng tôi là một kỹ sư Phỏng Ức, mà tôi cũng không muốn gây ra ấn tượng quá kỳ quái cho người bạn học đầu tiên mà đến cuối tôi mới gặp được. Nói rằng mình là một sinh viên đại học về thăm nhà vào kỳ nghỉ hè có vẻ như sẽ là lựa chọn an toàn nhất.

“Một đại học ở Tokyo sao, mình ghen tỵ đó,” cô ấy nói, nghe chẳng có vẻ gì là ghen tỵ.

“Thế cậu đang làm gì?”

“Mình á? Mình đang…”

Rồi cô ấy nói một lúc về những thứ gần đây xảy đến với cô ấy. (Tôi biết là bất lịch sự, nhưng những câu chuyện được kể bởi những người chọn cuộc sống vô nghĩa ở những thị trấn thưa thớt quả là tầm thường và vô vị tới mức khủng khiếp.) Một khi đã nghe hết đến đoạn cô ấy xin được công việc hiện tại, bài Ánh sáng Đom đóm bắt đầu cất lên trong nhà hàng, báo hiệu giờ đóng cửa. “Hừm, đã đến giờ rồi sao,” cựu lớp trưởng nói, mắt nhìn đồng hồ đeo tay.

Trong lúc xếp hàng sau lưng cô ấy để tính tiền, tôi ngẫu hứng cố nhớ lại lời của bài Ánh sáng Đom đóm. Nhưng không thứ gì hiện lên trong tâm trí ngoài tên bài hát. Có lẽ tôi chưa bao giờ biết chính xác, hoặc là tại bệnh Tân Alzheimer’s.

Hai câu hát “ngắn ngủi và vô nghĩa, như trái tim em đây” dù sai rõ ràng, nhưng chúng cứ dính chặt vào đầu tôi, như thể một giai điệu lạ tai từ một đoạn quảng cáo.

Lúc chúng tôi tạm biệt, cựu lớp trưởng dường như chợt nhớ ra điều gì đó.

“Từ khoảng một năm trước, mấy đứa học sinh cùng lớp vẫn đang ở gần đây thường tụ tập để ăn uống. Giồng kiểu một buổi họp lớp nho nhỏ vậy. Matsunagi có muốn tham gia với bọn mình không?”

Do đang cảm thấy tệ hại khi bỏ lại cô ấy như thế này, nên tôi vui mừng khôn tả vì cũng đang nghĩ xem có cách nào để ngăn cô ấy bỏ đi không. Thật là một câu chèn hoàn hảo, đến nỗi vẻ mặt tôi rắn đanh lại trong phút chốc. Tôi vội vàng thiết lập lại nụ cười của mình và bảo rằng mình rất sẵn lòng tham dự

Cô ấy nói cho tôi thời gian và địa điểm, rồi hai người chào tạm biệt sau câu cảm ơn của tôi. (Rốt cục thì cô ấy lại bận và vắng mặt trong lần họp lớp tiếp theo.) Tôi đi lên chuyến tàu quay trở lại căn hộ của mình, tắm một cái, thay một cái băng gạc mới lên bàn chân, sau đó đứng trước tấm gương trong phòng tắm và nhìn vào mặt mình.

Tôi đau đớn nhận ra là mình đã quên bẵng đi việc trông cho đúng tuổi ra sao.

Hiếm khi nào tôi để ý đến ngoại hình của mình, bởi không coi vẻ bề ngoài của một người quan trọng hơn cái vỏ hộp là bao. Cũng giống như bìa của một cuốn sách hoặc một đĩa nhạc vậy, tôi hoàn toàn không thấy nó có liên quan gì tới tính chất thật sự của vật đó.

Nhưng khi mà bên trong bản thân đã gần như trống rỗng, tôi trở nên bận tâm hơn về cái vỏ hộp. Đúng là nó không phải là bản chất của mỗi người, nhưng tôi không thể chối là mình chưa bao giờ mua một cuốn sách dựa theo bìa của nó, cũng không thể khẳng định là chưa bao giờ mua một đĩa nhạc không vì bao đựng đĩa. Nếu bạn muốn mọi người biết về thứ bên trong thì những yếu tố thị giác cũng cần được quan tâm đến - sự thật này là không thể chối cãi. Và ngay từ đầu bên trong tôi đã chẳng có gì để mà khoe khoang. Quan trọng nhất, ngoại hình là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong tình yêu.

Phải làm mới lại bản thân mới được, tôi nghĩ vậy. Muộn mất gần hai mươi năm rồi, nhưng có còn hơn không.

Buổi họp lớp sẽ diễn ra sau hai tuần nữa. Trong hai tuần đó, tôi tập trung vào việc tân trang lại vẻ bề ngoài.

Ngày hôm sau, tôi ăn bữa sáng qua loa, rồi tìm kiếm những tiệm làm đẹp, lớp dạy trang điểm và các salon thẩm mỹ trên mạng, đặt lịch hẹn khắp mọi nơi. Rồi tôi đi tới hiệu sách và, đúng thế, mua hàng đống tạp chí thời trang và sắc đẹp nữa. Chúng được tôi đọc kỹ càng trong hai hôm sau như một học sinh ôn thi trước kỳ kiểm tra. Một khi đã hiểu được kha khá về các cách tạo kiểu tóc và khuôn mặt, tôi ghé qua một cửa hàng quần áo và bảo nhân viên ở đó chọn cho mình vài bộ quần áo và giày dép mới.

Tất cả chỗ này tích tụ thành một số tiền kha khá, nhưng chỉ làm tôi yên lòng vì cuối cùng đã có một lý do để mà tiêu tiền. Dù sao thì tiền cũng đâu có đem sang được kiếp sau.

Tôi thử gần như mọi thứ mà mình có thể nghĩ ra. Tiền không thành vấn đề, nỗi xấu hổ và niềm kiêu hãnh được vứt qua một bên, tôi chỉ chú tâm vào việc trở nên xinh đẹp. Sao cho tôi có thể chiếm được cảm tình của một ai đó có thể sẽ nhớ ra mình, sao cho tôi sẽ không làm “cậu”, người biết đâu đấy lại tồn tại, thất vọng.

Chắc tôi loạn trí mất rồi.

Tôi đạt được sự thoát xác thần kỳ trong hai cái tuần đó. Một phần là tôi vốn trông đã rất kinh khủng, nhưng ít nhất thì tôi không còn cảm thấy như bị xúc phạm nếu tình cờ trông thấy chính mình trong gương lúc đi loanh quanh trong phố nữa. Có lẽ chưa phải là một sự “xinh đẹp” hoàn toàn, nhưng tôi trông đã đúng với độ tuổi của mình hơn.

Tôi luôn luôn là một học sinh giỏi, và thành thạo trong việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong những điều kiện mà mình có. Nên một khi đã nắm bắt được chúng, ngay cả việc trang điểm và lựa chọn trang phục cũng không phải là khó đối với tôi. Việc trang điểm giống như vẽ tranh sơn dầu vậy, với mặt tôi là tờ giấy trắng, còn việc lựa chọn quần áo giống như gieo vần thơ haiku. Khi đã quen rồi thì những dè dặt mà tôi về chúng cũng biến mất, và khi những cảm xúc méo mó ấy được dẹp đi, việc sửa sang lại vẻ ngoài của mình đơn giản là rất vui. Tôi cuối cùng cũng hiểu được tại sao mọi người lại dành phần lớn tiền bạc của mình vào việc làm đẹp.

Tôi đứng trước một tấm gương và tập cười. Nụ cười của mình là thứ mà tôi cực kỳ chán ghét. Tôi có một nỗi sợ vô căn cứ rằng nụ cười của tôi tạo cho người khác sự khó chịu.

Nỗi sợ ấy cuối cùng cũng tan biến. Tôi đã có thể tặng cho mình một nụ cười vô tư trước gương.

Giờ đây, tôi cảm thấy rằng mình có thể gặp “cậu” mà không cần sợ sệt gì nữa.

*

Thế rồi, cái ngày ấy đến.

Để bạn khỏi phải nghe, tôi sẽ chỉ nói về kết cục của câu chuyện mà thôi.

Không có lấy nổi một người bạn nào mà tôi từng nhớ ở đó.

Từ đầu đến cuối buổi gặp mặt, tôi ngồi trong một góc, nhấm nháp thứ bia mà mình không uống quen.

Trên đường về, tôi cảm thấy chóng mặt và nôn ọe bên vệ đường.

Việc ấy đã đem một phần của sự sáng suốt quay trở lại.

Tôi nghĩ, mình sẽ dành tất cả cho công việc vậy.

Đó là thứ duy nhất mà tôi còn lại.

Bình luận (0)Facebook