Chương 4 - Chia xa đâu có tốn sức, và thế là khoẻ
Độ dài 11,276 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-29 08:46:40
1. Hiện tại: 14.3km; còn 5.7km
Quanh cái thời điểm khoảng mười năm trước, tôi nhớ mình đã có một chuyến đi bộ dài với bà chị yêu dấu. Người ta định dỡ bỏ một trung tâm cộng đồng cũ kỹ và chị quyết định dắt tôi đi xem, đầy mong đợi rằng họ sẽ phá hủy bằng chất nổ. Thực tình mà nói khi đó tôi cũng háo hức chẳng kém. Nếu được quay về quá khứ tôi sẽ vịnh vai cậu bé ngây thơ đó mà nói: “Đừng có mơ”. Dù sao thì chị em tôi cũng đã đi… và đi. Thậm chí đến khi tôi sắp khóc tới nơi chị vẫn bảo “Sẽ rất là vui đó!” rồi tôi lại đi tiếp. Một cậu nhóc ngoan cường nhỉ.
Kết quả họ chỉ dùng xe cơ giới hạng nặng để phá. Chẳng có vụ nổ nào nhưng không hẳn là tôi đã thất vọng. Có lẽ khi ấy cảnh tượng một tòa nhà lớn bị nghiền vụn, bị ngấu nghiến là đủ thỏa mãn một đứa trẻ như tôi.
Tuy nhiên điều nhớ rõ nhất là đoạn đường về nhà đầy khắc nghiệt. Sự háo hức trên đường đi đã là quá khứ, nên lúc này tôi chỉ tuyệt vọng lết thết trên con đường xa lạ mà chẳng ý thức nổi là đi đâu về đâu. Nhìn tôi đứng thừ lại, chị nói:
“Nếu dừng lại khi đang đi chân nhóc sẽ đau đấy. Cố gắng bắt kịp chị nào.”
Lúc đó tôi có tự thân về nhà được không nhỉ? Chả nhớ.
Lý do duy nhất khiến tôi nhớ lại việc đó là vì cặp chân của bắt đầu đau khi liên tục chuyển từ đi sang chạy và ngược lại. Cụ thể hơn là cẳng chân phải như muốn bốc hỏa. Thà là bàn chân, bắp chân hay thậm chí là xốc hông đi thì tôi còn dễ chấp nhận, chứ cẳng chân mà đau là thế nào?
Đoạn dốc xuống vẫn chưa kết thúc.
Khung cảnh khi tôi ngẩng mặt lên là những ruộng lúa bạt ngàn nối đuôi nhau với lốm đốm những ngôi nhà nhỏ. Là lười chưa thu vào hoặc vốn họ định kết hợp Lể hội Bé Trai[1] cùng với Lễ hội Quả đào mà trước mỗi nhà vẫn lất phất những phiến cờ cá chép. Những chú cá uốn lượn theo nhịp điệu của gió cũng mang lại sự thư thái cho cơ thể. Mặt trời đã lên cao nhưng sức nóng của nó không làm tôi khó chịu. Lần đầu tiên kể từ vạch xuất phát tôi ít nhiều muốn chạy, nhưng thời điểm thực sự mà tôi phải chạy là lúc cơn đau ở cẳng chân đã không chịu đựng nổi.
Tình hình có lẽ không tệ đến thế, nhưng cho chắc ăn tôi chạy chậm rồi lại dừng. Bên đường nở một bông hoa trắng. Vẻ đẹp của thiên nhiên hóa ra là một thứ mà kẻ vô lo vô nghĩ như tôi cũng cảm nhận được. Loa kèn lily. Dán mắt vào bông hoa nhưng không dành cho sự chú ý, tôi lấy bàn tay ấn mấy cái rồi từ từ đấm vào cẳng chân bị đau.
“Nếu chỉ có thế...”
Cơn đau không tuyên giảm nhưng ấn mấy cái cũng không làm nó tệ hơn. Cũng chẳng có dấu hiệu căng cơ. Sau khi chắc chắn rằng đã có thể chạy tiếp, tôi bỗng nghe một giọng nói lỗ mãng.
“Khi nào mới định chạy đàng hoàng hả thằng khốn!”
Chưa hiểu chuyện gì xảy ra tôi nhìn thấy Nanigashi, bạn cùng lớp năm trước, chạy ngang qua.
Tôi không biết nhiều về cậu chàng. Cùng lớp là thế nhưng chả mấy khi nói chuyện. Nghĩ lại thì cái giọng thô lỗ ấy không phải mới được nghe lần đầu. Trước kỳ nghỉ đông năm đó, khi học sinh phải tổng vệ sinh lớp học tôi để ý thùng rác đã đầy. Vừa định mang đi đổ thì bị cậu ta quát đầy hung tợn: “Mày cứ ở yên đó!” nên tôi rời đi mà không nói gì, nghĩ bụng chắc là mình vừa tranh việc của người khác.
Nếu biết tôi học ở lớp A hẳn là cậu chàng cảm thấy khó chịu khi tôi vẫn còn thơ thẩn ở đây, còn điều làm tôi khó chịu lại là cái giọng điệu thô lỗ đó. Phải chăng cậu chàng có thâm thù với tôi từ trước? Không chút trí nhớ nào về việc này cả, nhưng đó phải là một thứ khiến hắn bực dọc đến vậy. Hay là chạy nhiều quá rồi mất khôn? Giờ mà chạy thì chỉ tổ bám đuôi cậu ta và tôi tuyệt đối bác bỏ cái ý tưởng ấy. Chân đã bớt đau nhưng đi bộ thêm một khoảng là một quyết định nên làm.
Tiếp tục bị những toán học sinh vượt mặt, tôi nghĩ về “lẽ ghét”...
Tôi không coi mình là loại người thích chơi trội mà tự tạo ra kẻ thù nhưng cũng nằm ngoài loại dễ được người ta quý mến. Nếu khảo sát một trăm người hay cỡ đó thì sẽ có vài người tuyệt đối không chịu đứng chung thuyền với tôi. Nhưng ghét hay thương, dù ở mức độ nào người ta gán cho mình, thì tôi biết mình chảng bao giờ nắm thế chủ động trong bất cứ mối quan hệ với tập thể nào. Không ít lần trốn những hoạt động trong lớp nhưng những cái lườm lạnh tanh từ bạn bè không làm tôi... nói sao nhỉ, quan tâm lắm. Tôi thấy mình cứ trơ ra thôi. Người nào ghét từ trứng thì chả nên lại gần họ làm gì, và việc tôi đi bộ là bằng chứng. Đó cũng điểm khác biệt với Satoshi.
Hắn không bao giờ trốn tránh những mối quan hệ, và luôn chường mặt ở bất kỳ nơi nào có thể để giúp đỡ đôi khi chỉ bằng lời nói. Nói là vậy nhưng hắn không phải loại tọc mạch. Thay vì là kiểu nhân vật “Để đấy cho tớ,” hắn chỉ đi xa đến mức “Hãy để tớ giúp một chút.” Không bao giờ nói nhiều làm ít. Có những khi ý tốt bị hiểu lầm vì cái thói ưa bông đùa của mình, để rồi đến cuối dù biết là bị ghét hắn vẫn ngẩng cao đầu mà cười tươi rói. Có thể nói hắn còn ít bị tác động bởi người ngoài hơn tôi. Đó cũng có thể coi là một sự trơ lỳ.
Nhưng tồn tại những người cực đoan đến mức xa lạ với sự trơ lỳ như vậy. Nhờ câu nói lỗ mãng của Nanigashi tôi chợt nhớ lại một chi tiết. Một câu chuyện tương tự đã xảy ra vào hôm qua, trừ việc người có thể kể về nội dung là hai nhân vật trực tiếp dính dáng đến.
Bên đường xuất hiện một trạm dừng xe buýt.
Ơn trời là có mái che ở một khoảng. Những tấm sắt làm tường lốm đốm vết hoen gỉ cùng một tấm biển có phông chữ xưa được tráng men bóng loáng. Hàng ghế là đồ nhựa, và dù trông như được thiết kế để chịu được bão nhưng sự hà khắc cảu thiên nhiên khiến nó trông mềm yếu đến tội nghiệp. Thực tế là có vết nứt lớn chạy dọc và phai màu nhưng không có miếng nào bị rời ra cả. Có lẽ không phải mới nứt đây.
Đây là một địa điểm lý tưởng để quan sát những học sinh Cao trung Kamiyama chạy qua. Tôi thơ thẩn bước vào rồi dựa lưng vào phần bóng râm như muốn ẩn nấp. Cứ chờ như vậy và Chitanda rồi cũng sẽ tới.
Bị Nanigashi ra lệnh chạy là thế nhưng rốt cuộc cả đi bộ tôi cũng chẳng làm, ít nhiều vì một lý do.
Sáng nay, trước cả khi rời vạch xuất phát tôi đã có một ý tưởng. Ba người ở trong phòng Địa Chất hôm qua chỉ có tôi, Chitanda và Oohinata. Ibara đến sau đó thông báo rằng Oohinata sẽ rời khỏi CLB. Đến lúc này đó vẫn là những thông tin đúng. Trí nhớ tôi dừng ở đó, tuy nhiên câu chuyện của Satoshi và Ibara mới đây lại phục vụ cho mục đích thể hiện rõ những phút giây sau giờ tan trường quan trọng đến dường nào. Nói rằng “Tôi đang đọc sách nên không nhớ gì cả” là một sai lầm, bởi vừa có một chi tiết tôi đã từng coi là vô nghĩa chợt nổi lên trở lại. Không cần biết đúng hay sai, Chitanda đã một mực tin rằng quyết định của Oohinata là do lỗi của nhỏ và chính nhỏ sẽ phải chịu trách nhiệm. Dù tôi có bất cần đuổi theo nhỏ mà tuyên bố rằng “Tớ có thể giúp, nên cậu hãy kể toàn bộ câu chuyện,” thì nhỏ có chăng cũng chỉ lắc đầu trong im lặng. Nhỏ chưa boa giờ nao núng trước những quyết định của mình.
Ngăn Chitanda lại!
Để làm điều đó tôi tuyệt đối phải nhớ lại chính xác chuyện xảy ra ngày hôm qua trong căn phòng ấy và đưa ra cho nhỏ một kết luận. Đó là lời giải thích tại sao Chitanda lại nghĩ rằng nhỏ phải chịu trách nhiệm.
Tôi nghĩ rằng mình biết.
[1] Mùng 5/5 hằng năm trước các nhà sẽ treo các lồng đèn hình cá chép mừng lễ hội Bé Trai.
2. Quá khứ: Xấp xỉ mười chín tiếng ba mươi phút trước
Trời vẫn còn quá sáng cho một buổi chiều tà. Tôi rời phòng học lớp 2-A trên tầng ba rổi rảo bước hướng về tổng hành dinh của CLB Cổ Điển – phòng Địa Chất. Cuốn truyện chữ chỉ còn vài chương nên ngồi đọc cho hết là một lựa chọn không tôi. Hành lang ngày càng chật kín các học sinh. Tôi thấy một anh chàng đang đính áp phích lên bảng thông báo nhưng không thể nhìn ra là CLB nào. Một cô nàng khác thì hai tay bưng một cái thùng các-tông to kềnh, mắt hết đảo qua trái rồi qua phải để nhìn đường và né qua tôi. Một khung cảnh giờ tan học đã trở nên thân thuộc. Tôi nghe thấy những tiếng cười cao ngút cùng chất giọng hối thúc trầm đục như hòa vào xung quanh. Đút hai tay vào túi, tôi mân mê mấy đồng xu còn lại sau bữa trưa.
Để đến phòng họp CLB thông thường phải đi qua dãy hành lang nối liền dãy chính và dãy Chuyên biệt nằm ở tầng hai, nhưng vào một ngày đẹp trời người ta có thể đi từ sân thượng dãy chính để đi vào tầng ba bên đó. Bước trên sân thượng lộng gió tôi có thể nghe cây chày sắt đánh vào trái bóng chày tạo nên những âm thanh kin kít.
Thường thì giờ tan học ở Cao trung Kamiyama người ta sẽ được thết đãi bởi những bữa tiệc âm nhạc đến từ các buổi tập của CLB Kèn đồng và CLB Acapella. Hôm nay thì lại không. Tôi thấy một cô gái chưa từng gặp đang tựa mình vào thành lan can hoen gỉ, với gương mặt u sầu như thể chẳng còn chút niềm hạnh phúc nào còn lại trên trái đất. Mặt trời mà xuống thêm chút nữa thì cảnh tượng trông chắc còn đẹp hơn tranh vẽ. Có một bảng thông báo ở lưng chừng cầu thang tầng bốn. Đợt tuyển mộ thành viên mới đã qua từ lâu nên thậm chí mấy cái nút bần màu nâu cũng lộ ra. Tấm áp phích duy nhất còn lại có hình một cô diễn viên xinh đẹp tủm tỉm cười cùng dòng chữ “Đợi đấy! Có cách để bạn sống một cuộc đời tươi sáng hơn!” phía bên dưới. Từ CLB nào thì có trời biết.
Chỉ có hai CLB còn dùng phòng họp trên tầng bốn dãy Chuyên biệt trong năm nay: CLB Cổ điển và CLB Thiên văn. Tác nhân duy nhất gây ồn ào ở nơi này luôn đến từ CLB Thiên văn nên việc họ không như vậy khiến không gian lặng như tờ. Hướng về phòng Địa chât trên hành lang vắng tanh có một thứ đột nhiên khiến tôi khựng lại, đúng hơn là suýt ngã nhào.
Đó là phòng học không sử dụng được để mở. Một người đang bị treo lủng lẳng ở phía trên.
Nó kinh khủng tới mức trong một thoáng tôi đã nghĩ mình vừa chứng kiến một vụ treo cổ. Tại sao lại dại dột như thế? Trong khi “Có cách để bạn sống một cuộc đời tươi sáng hơn” ở giữa cầu thang kia mà?
Nhưng cũng nhanh chóng tôi nhận ra là không phải vậy. Người đó chỉ là bám hai tay trên phía trên khung cửa. Một cô gái trong bộ đồng phục nữ sinh nhưng mặt bị che nên đó là tất cả những gì tôi thấy. Dù vậy có thừa chứng cứ đễ nhận ra đó là ai. Nhìn xuống phần chân tôi để ý đôi tất màu xanh biển chẳng ăn rơ gì với sàn nhà. Có nên gọi cô bé hay không? Tôi do dự. Có lẽ đây là thứ cô bé không muốn ai nhìn thấy và tôi nên hiểu mà bước đi như không có gì xảy ra. Ý nghĩ tử tế đó đã quá trễ. Dù chắc rằng mình không gây tiếng động nhưng cô bé vẫn nhận ra tôi. Hét lên một tiếng mà buông tay, cô bé đáp xuống sàn nhưng rồi ngã ngửa về sau một cái ạch. Nhanh chóng đứng lên, cô bé đầy ngượng ngùng rồi giả ngây như đó là lẽ thường.
“Chào anh ạ.”
Lễ phép ghê.
“Ừ, chào em.”
“Hôm nay trời đẹp quá nhỉ.”
“Đẹp thiệt.”
Tại sao Oohinata Tomoko lại treo mình trên khung cửa tại một phòng học tầng bốn dãy Chuyên biệt? Rủi mà Chitanda ở đây thì nhỏ cũng sẽ biến nó thành bí ẩn được ưu tiên một. Cười toe, Oohinata đưa hai tay ra phía sau để phủi bụi trên váy.
Chắc chắn cô biết là tôi đã nhìn thấy nên sự tỏ vẻ cũng chỉ lưng chừng. Tôi cố gắng hỏi bằng một phong cách hiền hòa nhất có thể, nhưng vốn từ thì lại...
“Ưm...”
Tôi huơ ngón trỏ một vòng chẳng vì lý do gì, rồi một ý tưởng xuất hiện.
“Em đang thử... tập kéo dãn cột sống à?”
Cô bé chuyển sang cái cười áy náy với cố gắng an ủi dở tệ này.
“Em chắc chắn rằng cột sống sẽ chẳng dãn ra nổi, xương tay thì may ra ạ.”
“Vậy là em đang tập kéo dãn tay?”
“À, dạ… Đại loại vậy.”
Nói cho qua xong cô bé nhìn ra cửa sổ. Từ khóe mắt Oohinata nhìn tôi mà hỏi:
“Anh đang định đến phòng học phải không ạ?”
“Ừ.” “Ra là thế.”
Lời thì thầm của cô bé rất tự nhiên nhưng tôi nhận ra nó trái ngược với mong muốn thật sự. Cô bé hẳn là không ngờ tôi sẽ chường mặt ở đây. Ừ, thì ai đến đây vào lúc nào vốn là điều không thể lường trước nổi. Có hứng thì người ta đến, dù đã một năm trôi qua nhưng chân lý này vẫn không thay đổi.
Ở cuối hành lang tôi có thể thấy cửa phòng Địa chất đang mở, chắc là để thông thoáng.
“Có người trong phòng rồi nhỉ.”
Bước lên trước để kiểm chứng, cô bé đáp:
“Là hội trưởng ạ.”
“Chitanda à.”
“Anh Fukube có lẽ đang họp bên Hội học sinh. Ảnh có đến một chút rồi rời đi ngay ạ.”
Satoshi có cả một cái giải Hoshigaya ngày mai để phải lo. Không hiểu hắn còn tới đây làm gì nữa.
“Bận bịu như mọi khi.”
Oohinata gật đầu.
“Đúng là vậy ạ. Dù đã là cuối tuần rồi...”
Nhỏ chợt khựng lại giữa chừng, mà hỏi một câu với biểu cảm nghiêm trang như sắp đào sâu một bí mật nào đó.
“Anh Oreki là bạn thân của anh Fukube nên biết nhỉ?”
Dù không tệ như Chitanda nhưng tôi để ý Oohinata cũng có thói quen lược bỏ những chi tiết quan trọng khi nói chuyện. Với Chitanda thì nhỏ thường dẫn dắt câu chuyện quá nhanh rồi kết cái bụp trước khi người nghe kịp hiểu. Mặt khác Oohinata dường như luôn nghĩ rằng cô bé có thể lược bỏ những chi tiết vì phía bên kia sẽ hiểu chỉ vì chủ đề có liên quan đến họ. Tôi đề cập đến việc Satoshi là con người bận rộn, Oohinata đồng tình nhưng liền đề cập đến hai chữ “cuối tuần”. Không thể nói rằng tôi biết lịch của hắn nhưng sẽ có “việc” khiến hắn bận rộn. Nói thẳng ra là tôi biết ít nhất một trong số đó, nhưng lại là vấn đề khó nói ra.
“Hầu hết. Còn em?”
“Một bạn trong lớp kể cho em.”
“Bạn trong lớp?”
Dù có nghĩ kiểu gì thì một lớp năm nhất khó có thể là nơi dung dưỡng cho những tin tức kiểu này.
“Chẳng lẽ em kết bạn với em gái Satoshi à?”
“Gần như vậy ạ. Chỉ tới mức ngồi ăn chung thôi.”
“Anh không có dịp nói chuyện với em ấy nhiều, nhưng thực sự là một cô bé không bình thường nhỉ.”
Oohinata nghiêng đầu suy ngẫm.
“Cậu ấy đúng là hơi kì lạ nhưng chưa đến mức ‘không bình thường’ ạ. Em nghĩ từ đó hợp với anh Satoshi hơn.”
Cô bé không nói thêm gì nữa.
Rồi, vậy chính xác Oohinata đã nghe được gì từ cô em gái “hơi kỳ lạ” của Satoshi đây.
Hai chúng tôi đang nhìn sắc mặt nhau. Tôi đang cố đo đếm lượng thông tin Oohinata có và lượng tôi có thể cho cô bé biết trước khi chuyện trở nên rối mù, và đó là lý do cho sự yên lặng nghẹt thở giữa tôi và cô bé...
Mệt thật. Tại sao phải xem chuyện của thằng cà bất cà bơ đó như chuẩn bị chạm vào ấm nước sôi nhỉ? Tôi đành nói thẳng.
“Về Satoshi và Ibara đúng không?”
Oohinata thở phào một cái nhẹ nhõm.
“Đúng vậy ạ. Em biết là anh biết mà.”
Ibara đã mến Satoshi từ lâu. Ít nhất khi tôi biết điều đó là hồi năm ba sơ trung. Satoshi luôn tránh né chủ đề này, còn tôi vì không định cỗ vũ cho ai trong hai bên nên cũng chẳng xoi mói làm gì cho mệt. Thế nhưng sau kỳ nghỉ xuân tôi được biết rằng Satoshi cuối cùng cũng thôi cái trò trốn tìm, từ đó cuối tuần nào hắn cũng bận.
“Đây chỉ là cậu ấy nói thôi, nhưng...”
Đến trước thời khắc này tôi chưa từng có cơ hội tán gẫu với một nữ sinh về lời đồn đại. Chắc hẳn ai ở vị trí này đều sẽ háo hức như thể mình đang phạm một tội lỗi vui vẻ nào đó. Tôi để cho cô bé tiếp tục.
“Từ ngày hai anh chị ấy quen nhau, ba ngày rồi, anh Fukube đã trở thành một sinh vật tội nghiệp hết sức khi chỉ biết nói ‘tớ xin lỗi’ bất cứ khi nào có thể với chị Ibara. Chẳng biết có chuyện nghiêm trọng gì không nữa.”
Ôi trời ạ. Nghĩ về việc để lộ bí mật sâu kín của mình cho em gái rồi bạn của em gái biết mà xem, đáng thương thật. Ít nhất thì Oohinata may thay chưa biết điều gì sâu hơn thế. Về phần xin lỗi thì... dĩ nhiên. Để bù cho thực tế là hắn đã cố tình tránh né hơn một năm thì hẳn là cần tạ tội với Ibara về nhiều thứ lắm.
Tôi không quá hứng đến thế đâu. Một câu trả lời như thế này là đủ để Oohinata thôi nhìn bằng cặp mắt trông mong như lúc này.
“Có lẽ là xin lỗi vì đã bắt chờ quá lâu trong khi tên đó tự nhận mình không đáng được thế.”
Lời đáp của tôi khiến Oohinata ngây ra trong một hồi.
Tôi đã nghĩ rằng cô bé sẽ hạch hỏi thêm nữa, nhưng thay vào đó cô bé chỉ mỉm cười rồi nói:
“Tuyệt thật. Em thích cái cảm giác thân thiết của bạn bè khi anh nói vậy.”
Tôi chẳng biết đáp làm sao. Oohinata cứ thế nhìn thẳng vào tôi trước khi từ từ bỏ đi nụ cười. Vừa định gượng để lái cuộc trò chuyện sang hướng khác, tôi bị cô bé ngắn lại.
“Ưm, anh này.”
“Hở?”
Tôi quay mặt đi. Oohinata tiếp tục giọng điệu ngượng ngùng “Ưm, dạ...” rồi tiếp tục như thể vừa chịu từ bỏ một điều mình vốn định nói ra.
“Anh chờ chút ạ.”
Đoạn nhỏ tiến đến chổ cảnh cửa hồi nãy vừa treo mình lên, rồi nhảy lên một lần nữa.
Hiển nhiên là tôi bất ngờ, kết quả là chỉ biết đứng ngây ra như mệnh lệnh mà chẳng có gì để hỏi. Tôi nhìn vào tấm lưng của một Oohinata-toòng-teng. Váy cô bé vẫn còn chút bụi trắng do cú ngã lúc nãy. Việc vệ sinh cho sàn phòng này cần phải được coi lại.
“Treo người thế này mệt thật đấy.”
Tôi đồng tình, nhưng thắc mắc: “Nhưng đó là quyết định của em mà?”
“Vâng, đúng ạ. Em nghĩ là mình thích làm như vậy.” Cô bé đáp một cách bí ẩn.
Tôi bèn hỏi một câu nữa:
“Hay là có cái gì đang khiến em ‘bị treo’ như vậy?”
“Em cũng nghĩ thế ạ.”
Tôi suy tư một chút. Nếu vì một ai đó mà tự bắt bản thân phải chịu cảnh “treo lủng lẳng” thì cô bé đáng được thông cảm, vì tôi đã liên tưởng ngay đến tình cảnh tương tự với bà chị yếu dấu. Tôi hiểu điêu đó khó chịu như thế nào.
“Vậy thì sao em không nâng cả người lên?”
Oohinata quay mặt xuống để nhìn tôi.
“Tay em không đủ khỏe ạ. Xin lỗi vì đã để anh chờ.”
Tôi chắc rằng sự việc chỉ xảy ra vỏn vẹn một chục giấy, sau đó Oohinata buông tay và đáp xuống đất một cách hoàn hảo. Cô bé nhìn tôi bằng một nụ cười rạng rỡ.
“Buông ra quả là đơn giản hơn ạ. Xin lỗi anh nhé.”
Đó là lúc một cảm giác kỳ lạ dâng lên trong tôi. Vào Ngày hội tuyển mộ, khi Oohinata đến trước bàn của CLB Cổ Điển và ký vào đơn gia nhập tạm thời tôi đã có ấn tượng về một cô bé năm nhất cao bất thường. Tôi có lẽ thậm chí còn xem những cái cười không ngớt, gương mặt sạm màu và sự hào hứng quá mức của cô bé như là một rắc rối. Thế nhưng, vào lúc này, giờ tan học trên tầng bốn dãy Chuyên biệt chứng kiến một Oohinata chẳng khác nào một cô bé bình thường, thậm chí còn như một học sinh sơ trung. Cô bé thật nhỏ.
“Rồi, vậy mình đi tiếp chứ?”
Sự dũng cảm giả vờ từ lời nói thản nhiên của cô bé càng làm tôi nghĩ rằng cảm giác đó không xa sự thật là mấy.
Tôi tự hỏi Chitanda một mình trong phòng làm gì, hóa ra nhỏ đang ôn bài với những quyển vở cùng một cuốn từ điển trong một phong thái rất hợp với học sinh ưu tú. Nhận ra chúng tôi, nhỏ ngước lên đóng cuốn từ điển lại mà cười tươi.
“Hai cậu đang nói về đề tài gì thế?”
Tôi chẳng ngạc nhiên. Không chỉ việc cửa phòng Địa chất đang để mờ mà Chitanda còn sở hữu một thính lực phi phàm. Dù không biết được chi tiết nhưng nhỏ có lẽ cũng nhận ra là ai đang nói chuyện. Không định nói dối, tôi trả lời:
“Tụi này đang nói về việc gân đây Satoshi rất bận rộn.”
Không hẳn là đúng mà cũng không hề sai. Chitanda gật đầu đồng tình.
“Đúng vậy, mai là Cúp Hoshigaya rồi nhỉ.”
Đây là lần đầu tôi nghe ai đó ngoài Satoshi gọi cuộc thi marathon này là “Cúp Hoshigaya”.
“Ba ngày rồi chị mới lại gặp em nhỉ.”
“Ơ... vậy ạ?”
Oohinata đáp một cách bâng quơ trong khi mắt thì đảo khắp phòng. Cô bé từ từ lại gần Chitanda.
“Ưm, em ngồi cạnh chị được không ạ?”
Chitanda có hơi bất ngờ, nhưng liền thể hiện một biểu cảm thân mật.
“Ừm, em cứ tự nhiên.”
Tôi nghĩ rằng cánh cửa đúng là chỉ mở nhằm thông gió mà thôi. Nhiều cửa sổ hướng về sân trường cũng được mở như thế khiến những tấm màn chao động. Đã là cuối tháng năm nên gió cũng bớt lạnh. Đến chiếc ghế ở hàng thứ ba từ dưới lên và cách ba ghế từ cửa sổ, tôi ngồi xuống và lấy từ trong cặp một cuốn truyện chữ. Âm thanh của một chiếc ghế khác được rút ra vang lên. Oohinata đã chọn chiếc ghế ngay phía trước Chitanda. Tìm ra cái trang mình đang đọc dở, tôi bắt đầu dán mắt vào câu truyện trong khi vẫn nhận thức về một cuộc đối thoại. Bắt đầu từ lúc nào rồi nhỉ, tôi tự hỏi.
“Vâng.”
Sự tập trung của tôi tan vỡ ngay sau cái từ đó.
Cuốn truyện rất hay nhưng đôi lúc có những chỗ nhạt nhẽo. Khi dần mất hứng thú vì đụng tiếp một chỗ như vậy, một tiếng nói đột ngột kéo tôi về thực tại. Nhìn lên tôi chỉ thấy lưng của Chitanda. Cứ như là nhỏ đã giữ tư thế này một hồi rồi ấy. Có lẽ chỉ là tưởng tượng... không, chắc chắn là tôi đã nghe từ “Vâng” và là giọng của Chitanda. Tôi cũng nhận ra một sự thật khác – Oohinata đã biến mất. Thực ra cũng không có gì bất ngờ lắm, chắc là cô bé về nhà. Tuy vậy tôi cũng thử gọi Chitanda.
“Sao vậy?”
Giọng tôi không được to lắm, nhưng không thể nhỏ đến mức không nghe nổi nhưng đến một ly nhỏ cũng không dịch. Ban đầu tôi còn nghĩ có khi nhỏ ngủ quên nhưng chẳng con người nào có thể ngủ với cột sống dựng thẳng như thế ngồi của nhỏ lúc này. Tôi bèn gọi một lần nữa, để chắc ăn thì nên âm lượng lớn hơn.
“Sao vậy?”
Chitanda giật bắn người. Từ từ nhỏ quay lại, với một gương mặt tôi chưa từng thấy trước đây. Không một chút ánh sáng nào trong đôi mắt ấy cả. Nhỏ lắc đầu như thể sợ sệt điều gì rồi quay lại tư thế lúc nãy. Chắc chắn có chuyện rồi, nhưng liệu một cái gì đáng sợ có thể diễn ra trong căn phòng lúc này ngoài nhỏ chỉ có tôi hay không? Chitanda rồi sẽ tuyên bố rằng “Tớ hiếu kỳ!” và mọi chuyện lại như trước.
Tôi cũng nhận ra những luồng gió bên ngoài trở nên thật vũ bão. Những cơn gió như đang muốn quét sạch căn phòng. Mặt trời chưa lặn nhưng nhiệt độ đã từ từ hạ xuống. Tôi đúng dậy đóng cửa sổ, trong khi Chitanda vẫn ngồi đó mà nhìn chằm chằm vào cái bàn phía trước.
Trở về ghế tôi tiếp tục hòa mình vào những đoạn văn, để rồi thêm một chương kết thúc khi tôi ngẩng đầu một lần nữa. Thời gian qua nhanh thật. Định là đọc cho hết nhưng trời đã chuyển tối từ lúc nào. Đặt cuốn truyện xuống bàn, khi tôi nghĩ rằng mình nên về thì cánh cửa đột ngột trượt sang bên. Người bước vào là Ibara.
“Này, có chuyện gì vậy?”
Sau khi nghe lời thì thầm “không” của Chitanda, Ibara hướng mắt vế phía hành lang rồi nói như thể đang ẩn giấu điều gì.
“Tớ mới đi ngang qua Hina-chan, cô bé bảo là... sẽ không gia nhập nữa.”
3. Hiện tại: 14.5km; Còn 5.5km
Một vài học sinh Cao trung Kamiyama khác lại băng qua khi tôi ẩn mình trong bóng râm của trạm chờ xe buýt. Vài người trông như vừa rời vạch xuất phát, một số thì trông như họ đã chi đến nguồn sinh lực cuối cùng sau những đợt lên và xuống dốc đầy khốc liệt mà thở lấy thở để. Thậm chí còn có người tập tễnh đi như thừa nhận mình bỏ cuộc.
Thực tình những lúc thế này tôi chỉ muốn cúi đầu xuống mà suy nghĩ trong yên lặng, nhưng làm thế thì sẽ để vuột Chitanda khi nhỏ chạy qua mất. Vậy nên tôi cứ thế ngồi trên dãy ghế bạc màu và giữ cái cằm đưa lên.
Tôi đã bị thuyết phục rằng lý do Oohinata quyết định rời CLB được ẩn giấu đâu đó trong hơn bốn mươi ngày từ Ngày Hội Tuyển Mộ đến chiều hôm qua. Cứ nghi ngờ như thế đồng thời dò lại dòng ký ức chắc chắn tôi sẽ nhớ ra nhiều sự việc khiến chuyện bắt đầu rẽ sang con đường kỳ lạ. Lời nói của cô bé trong những cuộc tán gẫu liên quan đến Ibara và Satoshi càng khẳng định khả năng đó. Còn phía Chitanda thì sao? Nhìn sắc mặt thì xem ra nhỏ có ý tưởng về việc tại sao Oohinata lại như vậy. Có lẽ nhỏ nghĩ lý do là thứ bị dồn nén trong suốt bốn chục ngày, hoặc chỉ bất thần xuất hiện vào hôm qua. Nếu là cái đầu thì nghĩa là: Chitanda đã tự nhận mình là người dồn Oohinata vào chân tường. Có thể chẳng mang tính thù địch hay gì, nhưng ít nhất Chitanda đã nhận thức về vấn đề này đến mức nhỏ lập tức cho rằng “Vì tớ đã làm đến như vậy nên Oohinata mới bỏ.” Như vậy những gì nhỏ làm từ đó giờ hóa ra chỉ càng làm cô bé thêm xa cách. Còn nếu là cái sau, thì nghĩa là trong khi tôi đang mải mê với cuốn truyện chữ về cuộc đời gian truân của một điệp viên siêu hạng Chitanda đã khiến Oohinata tức giận. Ví dụ như vắt chanh lên phần cơm gà của cô bé mà không báo trước chẳng hạn. Thế là Oohinata nổi xung, rồi nói những lời như “Em không thể ở gần một người như chị thêm một giây nào nữa!” rồi nhất mực đòi rời khỏi. Nghĩa là căn bản đó là nỗi bất mãn mang tính bộc phát…
Là cái nào đây?
Chắc chắn phải là cái thứ nhất. Một nỗi bất mãn đã hình thành suốt bốn mươi ngày trong lòng Oohinata. Chỉ như vậy mới giải thích được việc tại sao cô bé lại chỉ trích Chitanda bằng cách ẩn ý rằng nhỏ “giống như Bồ Tát ở bên ngoài.” Như vậy Chitanda thực sự là một Dạ Xoa? Nhỏ thực sự đã liên tục uy hiếp tinh thần của Oohinata đến mức khiến cô bé không chịu nổi?
Việc tôi nên tập trung vào như ngày càng rõ ràng hơn.
Chờ đợi thật mệt mỏi. Không giống như Oohinata hôm qua, nhưng cái cảm giác “treo giữa chừng” này quá là hao phí năng lượng.
Chẳng cần nói thì ai cũng biết tình huống tệ hại nhất là bỏ quên Chitanda khi tôi bận suy nghĩ. Lỡ mà vậy thì sẽ có một người cứ đứng ở trạm xe buýt vắng tanh ấy mà chờ một người không bao giờ xuất hiện, rồi cứ chờ, chờ mãi, đến khi được phát hiện thì đã lạnh cóng mà chết đói vào một sáng mùa đông, kết quả là truyền cảm hứng cho một bộ phim chiếu rạp nhan đề “Hoài vọng Chitanda”... Nói chung là tôi không thể ước lượng khoảng cách giữa tôi và nhỏ nổi. Thay vào đó là một ý tưởng khác.
Nếu không trở về Cao trung Kamiyama thì đường chạy của tôi sẽ không thể kết thúc. Phải chạy sao? Mệt thật. Hay chính xác hơn là tôi đã kiệt sức. Mặt khác tôi lại đang ở một trạm chờ xe buýt. Buýt cũng là một phương tiện đi lại. Như thế tôi có thể bắt một chuyến trở về trường rồi. Trong túi có vài đồng lẻ vốn định dùng để mua nước từ máy bán tự động trong trường hợp khát giữa đường. Một ý tưởng quá tuyệt đúng không? Không biết tính nhẩm thì dùng máy tính. Không rành Anh ngữ thì dùng phần mềm dịch thuật. Như vậy không chạy nổi thì chẳng lý gì người ấy lại không tìm một phương pháp di chuyển tốc độ cao khác. Đó là suy nghĩ rất thường tình. Chẳng phải người ta luôn cần thích nghi để sống sao? Hôm nay lại dạy cho tôi một bài học mới.
Nghĩ thơ nghĩ thẩn thế nào mà Chitanda chạy qua.
Trong một thoáng tôi như không muốn tin vào điều mình nhìn thấy. Một phần liên quan đến sự thật rằng tôi vẫn chưa quen với việc nhìn nhỏ trong chiếc áo thun ngắn tay trắng cùng quần short huyết dụ tạo nên bộ đồng phục thể dục. Mái tóc dài được cột cao cũng để lại cho tôi một ấn tượng khác hẳn. Thậm chí so với hồi chúng tôi đi viếng đền ngày đầu năm, khi phải cột tóc cho hợp với bộ kimono thì nhỏ cũng không cột cao đến thế. Việc quá quen cử chỉ một ai đó rõ ràng đã phản phé khi họ thay đổi. Nhỏ cứ thế chạy ra xa tôi, môi hơi mở một chút.
Đứng dậy tôi liền bắt nước rút. Sự bối rối đã khiến tôi phản ứng chậm và tốc độ là thứ cần để bù lại. Những đường dốc nối tiếp nhau dường như chẳng tạo nên một chút gì mệt mỏi trong những bước chạy của Chitanda. Hai cánh tay bó vào thân trong khi bờ eo liên tục trồi lên và xụp xuống. Đôi chân thì đạp lên lớp nhựa đường mà vẽ nên một tia song song với thứ vạch kẻ màu trắng.
Lộ trình tiếp tục hướng theo đường thẳng về một mảng rừng rậm rồi những thửa ruộng mới gieo. Dựa vào màu đen của lớp nhựa tôi đồ rằng phần đường này còn mới. Trời còn lâu mới tới trưa nhưng mặt trời đã ngự trên cao vút. Vừa chạy tôi vừa đo khoảng cách đến với nhỏ. Nhanh chóng nước rút để bắt kịp nhỏ là nhiệm vụ đề ra. Người ta khi chạy thường ít để ý đến ai khác xung quanh, huống hồ trước và sau chúng tôi còn đầy học sinh khác. Bám đuôi phía sau thế này cũng kì. Tôi phải chạy càng nhanh càng tốt nhưng cũng phải tiếp cận nhỏ với thái độ điềm nhiên nhất có thể.
Với mong muốn đó tôi từ từ thu hẹp khoảng cách. Không cần phải gần tới mức chạm tới, chỉ cần nghe nhau nói là đủ rồi.
Tuy nhiên, vẫn còn xa quá…
Từng thanh âm bị tắc trong cổ họng tôi. Đôi chân trĩu nặng. Thậm chí nỗi đau ở cẳng chân cũng trở lại. Hơi thở thì càng ngày càng dồn dập.
“Tệ quá.”
Lời hiếm hoi thoát ra được khỏi miệng.
Không muốn bắt kịp.
Không muốn bắt kịp vì tôi không muốn thế. Đó là khi tôi sẽ tra tấn nhỏ bởi lý lẽ và suy diễn của mình. Nghĩ như vậy càng khiến tôi chùn chân. Đúng, quả là vậy. Nhưng đến nước này làm sao tôi có thể từ bỏ? Là năm mươi hay tận cả trăm mét? Có lẽ là nhiều hơn. Tôi cố gắng giữa nguyên khoảng cách hiện tại vì chậm hơn hay nhanh hơn đều không thể. Như vậy liệu có ổn không? Cứ mãi chạy mà nhìn mái tóc đuôi ngựa phất qua phất lại như thế?
Cắn răng, tôi quyết định nếu không bây giờ thì chẳng bao giờ nữa!
Cùng lúc đó, một điều không thể tin được đã xảy ra – Chitanda vẫn chạy, nhưng nửa thân trên để quay lại nhìn về phía sau.
Mắt chúng tôi giao nhau.
Không còn cách nào khác tôi điên cuồng ép mình nhanh lên. Dù có quay lại nhìn nhưng Chitanda hẳn là không hiểu lý do tôi có mặt ở đây. Mắt mở to, rồi nhỏ nhanh chóng quay về phía trước dĩ nhiên là để nhìn đường. Một học sinh coi cuộc thi này là giờ thể dục chính khóa như Chitanda chắc chắn sẽ không vì vậy mà chùn bước, nhưng nhỏ cũng chẳng dốc sức để cắt đuôi tôi.
Nếu quyết tâm đến gần nhỏ thì tôi sẽ làm được. Giữa làn gió dễ chịu cuối tháng năm, tôi chạy song hành cùng Chitanda.
Không phá vỡ dù chỉ một nhịp, nhỏ nhìn tôi từ khóe mắt và lên tiếng một cách cố tỏ ra bình thản.
“Xin lỗi, tớ định gọi cậu nhưng…”
Rõ là biết việc theo đuôi là rất kì cục nhưng chuyện cũng đã rồi. Dù có vẻ nhỏ chẳng cần giải thích nhưng tôi có thể thấy những biểu cảm lo lắng, cùng chút nghi hoặc dần bộc lộ trên gương mặt ấy. Như muốn kiệm sức nhỏ chỉ nói ngắn gọn:
“Sao cậu lại ở đây?”
Nhỏ hiểu rằng nếu chạy đàng hoàng thì tôi đã phải bỏ xa nơi này. Tôi không cần do dự nữa.
“Tớ muốn nói về Oohinata.”
“…”
“Đúng hơn tớ muốn được nghe câu chuyện của cậu.”
Lúc đó hơi thở của Chitanda như nông đi chút ít. Tốc độ thì vẫn thế. Chạy cách nhau khoảng mười cen-ti-mét tôi chờ câu phản ứng từ nhỏ. Cuối cùng Chitanda cũng nói, đôi mắt đầy sự dằn vặt.
“Đó là lỗi của tớ.”
“Chuyện hôm qua à?”
“Chỉ là giữa tớ và Oohinata-san.”
Một chút im lặng để hít thở, nhỏ tiếp tục.
“Xin lỗi vì để cậu phiền lòng, nhưng đây là chuyện của tớ.”
Mắt nhỏ long lanh như muốn bù nước cho việc quá khô. Nhìn về phía trước Chitanda không nói gì thêm. Tôi đã lường trước việc nhỏ sẽ nhận mọi tội lỗi về mình, nhưng giờ đây tôi thậm chí còn biết nhỏ còn từ chối cả việc dừng lại mà kể cho tôi nghe. Tuy nhiên con át chủ vẫn còn chưa tung ra. Tôi cố hỏi lần nữa.
“Tớ cần cậu kể chuyện xảy ra lúc đó. Oohinata có thể đã hiểu lầm điều gì.”
“Tớ biết ơn sự quan tâm của cậu, nhưng mà…”
Khẽ quay sang tôi, nhỏ nở một nụ cười nhẹ.
“Đây không phải là lỗi từ ai khác.”
Nếu không thở hì hục vì phải chạy thì tôi chắc là sẽ thở dài. Nhỏ luôn cứng đầu như vậy. Có một điều tôi biết và muốn nói… tôi muốn nắm lấy vai và bắt nhỏ dừng lại nhưng làm sao có thể. Dồn hết sức lực vào thanh quản, tôi lên tiếng trong khi nguyện cầu rằng nhỏ sẽ nghe được.
“Cậu sai rồi.”
Tôi cố gắng lý luận.
“Chuyện không phải như vậy. Oohinata không hề giận về việc cậu nhìn trộm điện thoại của em ấy. Cái đó vốn chả quan trọng gì cả!”
Lần đầu tiên nhịp chạy của Chitanda bị tan vỡ.
Càng vào sâu trong rừng quang cảnh trông lại càng bớt giống rừng đi. Chỉ còn là những trảng cây bao quanh một ngôi đến. Con đường băng qua mặt tiền của đền Mizunashi dẫn đến bờ một con sông. Không có ai khác ở đây. Tiếng chim mà tôi không biết là loài gì đang hót đằng xa. Có một cái máng nước loại không chảy vào dòng suối nào cả. Chitanda thản nhiên bước tới, lấy cái muôi gần đó hứng nước từ miệng ống tre cắt vát rồi uống.
“Tớ khá cừ trong việc chạy đường dài đấy.”
Chitanda lên tiếng. Bộ đồng phục thể dục vừa với cơ thể nhỏ một cách hoàn hảo.
“Mục tiêu ban đầu là chạy đến hết mà không dừng lần nào.”
“Xin lỗi.”
“Nước ở đây rất mát và ngọt. Cậu nên thử một chút.”
Nói xong nhỏ đứng qua một bên để tôi rửa tay rồi hớp vài ngụm. Thứ nước lóng lánh mát lạnh đến mức không biết uống một hơi có khiến tôi bị đau bụng hay không. Thế nên từng chút một tôi đổ vào miệng, để nước từ từ mà chảy xuống cổ họng.
Từ cổng torii của đền nhìn xa có thể thấy một dòng các học sinh Cao trung Kamiyama đang tiếp tục chạy. Không có ai ngước lên chiêm ngưỡng cái cổng này cũng như nhìn thấy chúng tôi đứng trên những bậc thềm cả. Chitanda đề xuất đến nơi này vì “đó không phải chuyện có thể kể khi đang chạy giữa thanh thiên bạch nhật.” Tôi đồng tình với quyết định đó. Một nơi yên ắng là phù hợp để người ta bình tĩnh kể chuyện.
Khẽ cúi đầu, Chitanda dùng bàn tay phải nắm chặt cẳng tay trái. Nhìn tôi từ từ uống nước nhỏ hỏi một cách điềm đạm:
“Cậu thấy rồi đúng không? Chuyện tớ đã làm…”
“Không. Đó là lý do tớ cần cậu kể tất cả.”
“Cậu không… thấy?”
Thì thầm là thế nhưng Chitanda không tỏ ra giục giã. Tôi rửa tay trong làn nước mát một lần nữa. Cảm giác thật sảng khoái.
“Tớ chỉ nhìn thấy cái lưng cậu cùng một tiếng ‘Vâng’, nhưng rồi cũng đoán được chút ít.”
“Tớ có nói như vậy sao?”
“Đó là phản xạ tự nhiên thôi.”
Tôi mỉm cười.
Một trong những trí nhớ còn lại của tôi vào ngày hôm qua là cái chữ “Vâng” ấy. Ban đầu tôi có để tâm tới sự đường đột của nó, nhưng vì Chitanda không đề cập đến nên tôi coi như đó là tiểu tiết mà bỏ đi. Tuy nhiên khi cái từ ấy vang lên đưa tôi trở về hiện tại thì bấy giờ trong phòng chỉ còn hai đứa. Nghĩ rằng nhỏ muốn gọi mình nên lời đầu tiên của tôi mới là “Sao vậy?”
Thế nghĩa là sao đây? Giả định là lẫn trong tiếng gió đi nữa thì chẳng lý gì thính giác của nhỏ lại không phản ứng trước lời gọi của tôi cả. Thế mà khi đó phải đến lần gọi thứ hai mới từ từ quay lại. Lẽ ra tôi phải hiểu ý nghĩa của nó. Khổ nỗi Chitanda đã không hướng sự chú ý về phía này, còn vì sao thì… Có lẽ nhỏ không thân với tôi đến mức có thể ngay lập tức giải bày cái gì.
“Cái ‘Vâng’ đó là âm thanh cậu luôn phát ra khi bắt một cuộc điện thoại.”
“Vậy… sao”
“Lúc đó cậu đang trả lời điện thoại phải không?”
“Đúng vậy, tớ chắc chắn là người nghe điện. Cũng không nhớ rõ là tớ có nói ‘Vâng’ hay ‘Xin chào’ nữa.“
Đó là chuyện có thể xảy ra. Người ta không thường dùng những từ ngữ lịch thiệp như thế. Đó là một cách biểu thị cho người ta biết mình đang nghe điện thoại.
“Dù lúc đó tớ có gọi cậu cũng không quay lại.”
“Tớ nhớ, nhưng là…”
“Là cậu không thể nghe vì đang bận nghe điện thoại phải không?”
Chitanda gật đầu.
Dĩ nhiên nhỏ không phải là người gọi mà là người nhận. Bởi chỉ có thế nhỏ mới mới không cần lời nào khác hơn một chữ “Vâng”.
Chitanda không sở hữu một chiếc điện thoại. Tôi không biết rằng có lý do gì không nhưng sự thật là thế. Vậy chiếc điện thoại đó là của ai? Nó phải được để lại bởi một học sinh khác đã từng ở trong phòng Địa chất vào ngày hôm đó, và để chặt chẽ hơn nó đã nhận một cuộc gọi đến vào sau giờ học.
Nhưng kỹ thêm chút nữa thì lại có mâu thuẫn.
“Nếu chiếc điện thoại được đặt ở vị trí khó nhìn thì cách duy nhất để cậu để ý chỉ là khi nó gây đủ tiếng ồn khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn. Thế nhưng tớ lại chẳng nghe một âm thanh nào.”
Lỡ mà điện thoại được đặt vào chế độ rung ấy, thì với người cũng chẳng có điện thoại như tôi cũng biết rằng nó sẽ vang những tiếng “Buzz… buzz” trầm đục khi bị đặt trên bề mặt cứng. Xét về độ gần thì nhiều khả năng âm thanh ấy có thể truyền đến bàn và tôi sẽ nhận ra ngay, y như bản thân đã phản ứng với cái “Vâng” của Chitanda vậy. Như thế thì hoặc là không có hoặc là âm thanh đó quá nhỏ, và tại sao lại như thế?
“Nếu chiếc điện thoại đó là của Oohinata thì mọi việc sẽ rõ.”
“Vì em ấy để điện thoại ở chế độ im lặng chăng?”
“Không phải đâu. Cố nhớ lại nào, điện thoại của Oohinata được đặt trên cái gì?”
Chitanda đáp ngay.
“Ở trên bàn. Oohinata-san đặt lên sau khi ngồi xuống.”
Nghĩ lại thì, một chuyện tương tự đã xảy ra trước đây khi chúng tôi được thưởng thức món snack khoai lang đặc sản Kagoshima của cô bé. Oohinata cũng đặt điện thoại lên bàn. Một dịp khác khi mặc đồ thường cô bé lại không làm thế. Có lẽ đó là thói quen chỉ khi mặc đồng phục mà thôi.
“Tớ nhớ là có một chồng tập vở trên bàn cậu. Nếu chiếc điện thoại được đặt trên bề mặt mềm hơn như một quyển vở thì âm thanh tạo ra khi nó rung sẽ dịu đi đủ để tớ không nghe được.”
Nếu đến chơi nhà một người khác thì bạn sẽ làm gì khi có chuông điện thoại nhưng không người nhà nào quanh đây? Một cách đơn giản là lờ đi cho đến khi nó ngừng. Tuy nhiên còn cách khác là nhấc máy và thông báo cho đầu dây bên kia rằng “ngoài tôi ra không ai có ở đây ạ.” Thực tế đã chứng minh ở quán cà phê của anh họ Oohinata, Chitanda là người đến trễ vì nhỏ đã mất thời gian trả lời dùm điện thoại của người khác. Khi nhận thấy tiếng rung của điện thoại hẳn là nhỏ cũng muốn bắt máy để thông báo như vậy.
Chỉ có điều chuyện lại không được hiểu theo ý tốt của nhỏ.
“Khi cậu trả lời điện thoại hiển nhiên là không có Oohinata ở đấy. Không phải là về nhà luôn mà chỉ là loanh quanh ví dụ như nhà vệ sinh chẳng hạn. Không lâu sau em ấy quay lại và thấy cậu đang cầm chiếc điện thoại ấy.”
Chitanda khẽ gật đầu.
Hôm qua, sau khi nghe vỏn vẹn một tiếng “Vâng” những luồng gió lạnh thi nhau quét qua phòng khiến tôi lạnh đến mức phải đóng hết cửa sổ. Lý do có sự dồn dập này một phần là vì cửa ra vào của phòng Địa chất được để mở. Thế mà khi Ibara bước vào tôi lại nhớ rõ cảnh nhỏ phải trượt cánh cửa sang bên.
Như vậy đã có ai đóng nó trước.
Người đó là Oohinata. Cô bé chỉ đi trong chốt lát rồi quay lại, chứng kiến sự việc rồi quyết định bỏ về. Cửa được đóng lại ngay giây phút đó. Cô bé cũng gặp Ibara đang trên đường đến đây và bảo rằng mình sẽ không gia nhập.
“Điện thoại của Oohinata-san rung lên trên quyển từ điển của tớ.”
Chitanda bắt đầu nói.
“Oohinata-san đi rửa tay nên đã không có ở đây. Tớ cũng biết là tự mình trả lời điện thoại người khác có thể dẫn đến hiểu lầm nhưng… nếu là chuyện hệ trọng thì sao? Rồi tớ cũng nhấc lên. Tớ nghĩ mình đã nhấn vào cái nút nào đó khiến nó không rung nữa. Không rõ lắm, nhưng nếu cậu đã nghe tớ đáp là ‘Vâng’ thì hẳn là cuộc gọi đã được kết nối. Tuy nhiên đầu bên kia không có ai trả lời cả. Vì không phải đồ của mình và cũng chẳng biết làm sao nên tớ chỉ đặt nó trong lòng bàn tay và chờ xem mình có thể nghe được gì không. Lúc đó tớ cũng hoảng lắm vì sợ phải chăng mình đã làm hư cái gì… tớ cũng nhớ rằng cậu đã gọi đến hai lần. Nghĩ lại thì tớ lẽ ra nên nhờ cậu giúp đỡ ngay khi đó.”
Nếu nhỏ nghĩ rằng cuộc gọi đã kết nối thì cũng đành chịu.
“Cậu để nó trong lòng bàn tay, và sau đó không ai nói gì cả.”
“Đúng thế.”
E là cô nàng chưa từng xài điện thoại di động thật.
Tôi đã từng rất nhiều lần thấy Satoshi biểu diễn với chiếc điện thoại của mình tới mức thừa khả năng xài nếu có một cái. Điện thoại của Oohinata đã không rung vì nhận một cuộc gọi mà là một tin nhắn. Chitanda có lẽ cũng chẳng nhấn một cái nút kỳ lạ nào cả. Khi nhận tin nhắn thì điện thoại chỉ rung trong một khoảng thời gian nhất định rồi dừng. Hoặc có là cuộc gọi thật thì sau một thời gian được người dùng định trước nó cũng sẽ dừng rung để chuyển cuộc gọi sang hộp thư thoại. Tóm lại là Chitanda cứ thế cầm trong lo lắng và chiếc điện thoại cứ thế nằm yên.
Người không biết điều đó là Oohinata.
“Rồi Oohinata-san trở về phòng. Tớ chưa từng bị em ấy nhìn với ánh mát như vậy bao giờ nên không thể nói thành lời… Giật chiếc điện thoại em ấy chỉ nói ‘Chào chị’ một cách lạnh lùng đến nỗi tớ đã nghĩ là em ấy sắp biến mất mãi mãi, rồi rời đi. Tớ thật ngốc đúng không? Tận lúc ấy mới nhận ra hành động của mình tai hại đến mức nào.”
“Chỉ là một chiếc điện thoại thôi.”
“Với tớ thì có thể chỉ là một chiếc điện thoại, nhưng…”
Chitanda gượng cười.
“Mỗi chúng ta ai cũng có những thứ mình quý giá.”
Giọng nhỏ giờ chẳng khác gì thì thầm.
“Có lẽ vì không có nên tớ chẳng thể biết được Oohinata-san quý chiếc điện thoại của mình như thế nào. GIờ thì đã khác. Có lẽ với họ chiếc điện thoại như là một quyển nhật ký vậy. Không, thậm chí còn hơn nữa. Nếu bạn của cậu đọc quyển nhật ký đó mà chưa có sự cho phép thì đã đủ lý do để cậu chấm dứt mối quan hệ đó chưa? Ai cũng có những bí mật, biết vậy nhưng tớ vẫn nông cạn… Oohinata-san giận là đúng.”
Tôi hiểu lý lẽ của nhỏ, chuyện như thế không phải là hiếm.
“Vậy cậu tính sẽ làm gì?”
“Tớ định sẽ đến xin lỗi khi em ấy trở về trường… dù lẽ ra nên là từ hôm qua.”
Từ góc nhìn của Chitanda thì đó là giải pháp hiển nhiên. Nếu cố gắng xin lỗi thì Oohinata có thể bị sự chân thành của nhỏ làm cho lay động mà đổi ý. Nhưng đó chỉ đúng khi chiếc điện thoại là vấn đề duy nhất.
Chuyện xảy ra hôm qua không phải là căn nguyên của mọi mâu thuẫn giữa họ. Hẳn là Oohinata có tức giận khi nhìn thấy Chitanda chạm vào chiếc điện thoại của mình và đó là giọt nước làm tràn ly chứ không phải là toàn bộ số nước. Tôi nói:
“Cậu không cần làm thế. Vô ích thôi.”
“Vâng.”
Chitanda gật đầu.
“Oreki-san đã nói rằng vấn đề không nằm ở chiếc điện thoại đúng không? Nếu là vậy thì việc tớ đi xin lỗi cũng chẳng còn ích nữa… Nhưng, nếu thế thì…”
Nhỏ lại trầm ngâm trong dòng suy nghĩ. Với một cô nàng hơi chậm trong việc tiếp thu những thứ ngoài sách vở thì Chitanda lại khá nhạy cảm trong những lúc thế này. Chợt ngước mặt lên nhìn tôi, nhỏ thốt lên những âm điệu cô độc.
“Tớ đã không ít lần gây tổn thương cho em ấy mà chính mình cũng không biết ư?”
Có lẽ là vậy thật.
Hôm qua, trước khi cùng tôi vào phòng học Oohinata đã có một hành động rất lạ. Cô bé tự treo mình trên khung cửa trông như muốn một điêu gì đó. Nhưng giờ thì tôi nghĩ dường như cô bé chẳng muốn gì cả. Cửa phòng Địa chất được để mở nên ai cũng có thể nhìn vào. Biết rằng trong đó có mỗi Chitanda khiến Oohinata do dự, cũng giống như tôi đã do dự với ý định bắt kịp Chitanda ban nãy.
Khi bị gọi lên phòng Giáo vụ, đứng trước cánh cửa đang đóng đầy lạnh lẽo ấy mà không hiểu mình bị gọi vì điều gì, tôi sẽ lấy hai tay vỗ cái bốp vào má để tiếp thêm sự cương quyết rồi mới bước vào. Rồi mỗi lúc nhận được thư từ bà chị yêu dấu và tự hiểu là một thứ chết toi gì đó tôi lại nhìn lên trời mà thở một hơi sâu trước khi xé mép. Những hành động mang tính “thói quen” nhằm giúp mình tự tin hơn của tôi có lẽ cũng giống như việc ”treo toòng teng” của cô bé. Như vậy, Oohinata hướng về phòng họp ngày hôm qua nhằm mục đích giải quyết mâu thuẫn một lần cho xong với Chitanda. Nhìn thầy tôi hẳn là cô bé thất vọng lắm.
Đặt hai tay trước ngực, Chitanda nhìn xuống với ánh mắt không còn chút hy vọng. Đoạn nhỏ lí nhí một lời:
“Tớ không mong cậu sẽ tin.”
“Tin gì?”
“Rằng bất cứ điều gì tớ có lỗi với em ấy đều không phải chủ định của tớ. Có thể tớ không phải một người đàn chị đủ tốt nhưng chuyện như thế này… tớ hoàn toàn không hề mong muốn. Thậm chí làm sai gì cũng không biết. Vì vậy tớ không mong răng cậu sẽ tin.”
Đến nước này mà còn nói thế sao? Chịu. Đôi khi lời Chitanda chẳng có lý một chút nào.
“Đã trễ rồi.”
“Tớ biết.”
“Nếu thực sự muốn nghĩ về những gì đã khiến em ấy hiểu lần thì đó không phải là giữa cuộc thi này, và không phải trong một ngày mệt mỏi như hôm nay.”
Chitanda ngẩng lên trong bất ngờ và tôi phải quay mặt đi.
Trên tất cả đây là một canh bạc. Liệu Chitanda có cố tình như vậy? Liệu nhỏ bề ngoài thì ân cần nhưng bên trong luôn rắp tâm ám hại Oohinata, ép cô bé phải rời CLB?
Không có chứng cứ nào chống lại.
Nếu là một năm trước thì có lẽ tôi đã đi đến kết luận này. Ở góc nhìn chủ quan thì mọi dữ kiện rõ ràng đều chỉ về khả năng Chitanda đã thực sự gây áp lực lên Oohinata. Chẳng có manh mối nào lạc quẻ. Nhưng cái năm trôi qua đó đã diễn ra. Dù rằng không phải mọi thứ đều quay quanh nhỏ, hay tệ hơn, dù có là bất cứ thứ gì thậm chí chả liên quan tới một sợi tóc cũng đã khiến tôi hiểu thêm về Chitanda. Tôi đã được nghe câu chuyện về người cậu của nhỏ, được rủ đi xem review một bộ phim trinh thám rồi được đến một nhà trọ có suối nước nóng; chúng tôi cũng cùng nhau bán sạch hai trăm cuốn tuyển tập văn học và những buổi trò chuyện vẩn vơ sau giờ học. Từng bị nhốt trong một gian nhà cũ kỹ, từng cầm ô che cho một nữ hoàng búp bê…
Tôi phủ quyết sự buộc tội đó.
Dù Chitanda có khác người bởi quanh nhỏ là một nỗi yên bình đến kỳ quái, thì một thành viên khó khăn lắm mới chiêu mộ là thứ tôi đặt cược. Một canh bạc bắt nguồn từ lẽ “ghét thương” và cụ thể tôi sẽ kết luận rằng: Oohinata cảm thấy mình bị Chitanda gây áp lực trong suốt bốn mươi ngày với chúng tôi, nhưng không những Chitanda chưa hế có ý định đó nhỏ còn không nhận ra bất kỳ việc nào khác ngoài mối hiểu lầm khiến Oohinata tức giận vào ngày hôm qua.
Và bằng cách nào đó, tôi nghĩ mình thắng.
Đền Mizunashi nằm giữa những trảng cây tuyết tùng cao ngất. Chim vẫn chưa ngừng hót. Tôi trộm nhìn Chitanda. Khi nhỏ được tắm trong muôn vàn tia sáng lọt qua những tán cây tôi cảm thấy như mình đang chứng kiến một đứa trẻ bị lạc được người thân tìm thấy.
“Oreki-san, tớ…”
Không may là chẳng còn thời gian nữa. Tốp của Chitanda là lớp cuối cùng của năm hai nên tôi cần biết tất cả trước khi Oohinata bắt kịp.
“Vậy hôm qua cậu và em ấy đã nói những gì?”
Chitanda như còn muốn bình luận gì thêm, nhưng cuối cùng nhỏ cũng gật đầu một cách quyết đoán.
“Tớ hiểu rồi. Tớ sẽ nói hết chuyện xảy ra hôm qua.”
Ngay sau lời này tôi lại nghe một tiếng lẩm bẩm khác.
“Nhưng có nghĩ cỡ nào tớ cũng chẳng thấy nó khác gì một cuộc tán gẫu bình thường sau giờ học cả.”
4. Hiện tại: 14.6km; Còn 5.4km
Hôm qua tớ ngồi trong phòng họp để ôn bài tiếng Anh.
Tớ biết có người đang ở ngoài hành lang. Lúc đó rất im ắng nên từng bước chân cũng có thể nghe rõ. Tớ chẳng biết chính xác là ai cho đến khi cậu bước vào. Tớ cũng nhận ra người đã ở hành lang trước và nói chuyện với cậu là Oohinata-san.
Tớ cũng cảm thấy có một bức tường giữa mình và em ấy. Mọi cử chỉ cho đến cách chào đều lịch sự một cách quá mức. Đó là lý do tớ đã rất vui khi cô bé chủ động muốn trò chuyện cùng mình. Đầu tiên là về mớ tập vở trên bàn. Việc cô bé không giỏi tiếng Anh, về việc môn Toán lúc nào đó sẽ hữu ích và tớ giỏi môn gì nhất. Nói chung là một kiểu tán gẫu rất bình thường.
Sau đó tụi tớ nói về thời tiết. Ngày mai sẽ diễn ra Cúp Hoshigaya nên Oohinata-san nói rằng em ấy thực lòng muốn trời mưa quách cho rồi. Vi đã nghĩ em ấy là tuýp người ưa vận động nên tớ đã thể hiện rằng mình không tin nổi. Em ấy chỉ cười rồi nói rằng: “Chạy xuyên Nhật vì em thích thế với chạy hai mươi cây số vì trường bắt thế là hai việc hoàn toàn khác nhau ạ.”
Có cảm giác nội dung cuộc đối thoại này đã được định trước. Nghĩ lại tớ đồ rằng Oohinata-san có lẽ đã quyết định dẫn dắt công chuyện theo ý mình. Đột nhiên ngắt ngang, em ấy như muốn nói một lời quan trọng. Tớ không hối thúc em ấy phải nói nhưng cũng không nghĩ là sẽ làm gì ngăn lại. Hít một hơi sâu, em ấy lên tiếng với giọng điệu đầy hoan hỉ.
“Chị Ibara không có ở đây ạ?”
Tớ không biết Mayaka-san có đến đây không nên nói đại:
“Chắc thế. Có lẽ cậu ấy đang ở bên Hiệp hội nghiên cứu Manga.”
Vừa nói xong tôi liền nhận ra sai sót của mình.
“À không, cậu ấy bỏ rồi mà.”
Tớ nhớ rằng Oohinara đã rướn người lên trước trong sự hiếu kỳ.
“Sao ạ? Chị Ibara ở trong CLB Manga ạ?”
“Đúng thế. Cậu ấy vẽ đẹp lắm. Chị nghĩ trong CLB cậu ấy cũng có bạn, nhưng từ bỏ dường như là lựa chọn tốt nhất.”
Từ lúc này em ấy tự dưng trở nên căng thẳng.
“Chị Ibara gia nhập CLB Manga vì thích truyện tranh phải không ạ? Nếu còn có bạn ở đó thì tại sao chị lại bảo ‘từ bỏ’ là lựa chọn tốt nhất?”
Tớ có hơi do dự. Mayaka đã tâm sự rất nhiều những kỉ niệm đau buồn khi cậu ấy còn ở trong Hiệp hội Nghiên cứu Manga. Có lẽ với Oohinata-san thì chưa, nên tớ tự hỏi việc giải bày tất cả mà chưa được sự cho phép của Mayaka-san là nên hay không. Rồi tớ quyết định kể cho cô bé một cách chung chung và thận trọng.
“Ừ thì… chị nghĩ Mayaka-san vẫn còn sự gắn bó nhưng… có vẻ là nhiều người trong đó không thỏa mãn cách nghĩ của cậu ấy. Nói cho công bằng thì vẫn có người đồng tình. Năm trước chị tin rằng cậu ấy đã phải chịu đựng rất nhiều. Việc đi đến sự đồng thuận khi mỗi người chỉ chăm chăm theo một hướng cũng có giới hạn của nó, nên dù không tránh khỏi nuối tiếc chị vẫn nghĩ việc từ bỏ là quyết định đúng.”
Oohinata-san lắng nghe những lời này bằng một sự chú ý qua loa. Cứ như nãy giờ em ấy chỉ soi xét vào trong mắt tớ mà thôi, rồi nhẹ nhàng cúi đầu trong khi tớ còn chưa kịp hiểu. Em ấy nói:
“Dù là vậy nhưng có nên vứt bỏ họ không?”
“Vứt bỏ” là một từ quá nặng.
Tớ nghĩ cậu phải biết điều này đúng không Oreki-san? Mayaka-san đã chủ động tách xa những con người thuộc về phe đa số kia. Nếu nói về vị thế thì dường như Oohinata-san xem việc bỏ rơi nhóm thiểu số vẫn luôn ủng hộ cậu ấy là việc không nên. Thế là tớ đáp lại:
“Đúng là không hay, nhưng Mayaka-san cẩn phải quan tâm về mình nữa. Giải quyết mâu thuẫn là thứ không một ai trong Hiệp hội Manga chịu dành cho cho Mayaka-san cả. Vốn dĩ cậu ấy không có nghĩa vụ phải chịu những điều đó. Có lẽ sẽ là tốt nhất nếu cậu ấy được tách ra và chỉ phải lo về sáng tác truyện tranh. Khả năng đó giờ đây đã muộn màng, nhưng dù có như vậy chị cũng không nghĩ Mayaka-san chấp nhận để được tách biệt như thế.”
“… Nếu chị ấy đã quyết dù gì cũng sẽ rời CLB thì chị cũng đồng tình rằng thời điềm đầu năm học là ‘tốt nhất’ sao?”
Oohinata-san bối rối thấy rõ. Tớ lại càng vui hơn khi em ấy quan tâm Mayaka-san đến vậy.
Một hồi sau em ấy nở một nụ cười mà tớ biết rằng đó chỉ là ngoài mặt rồi đứng dậy, nói rằng “Em nghĩ chị ấy chọn không tệ nhỉ?” Rồi thêm vào “Em ra ngoài chút ạ” và rời khỏi phòng.
Oreki-san, tớ không hiểu chút nào cả! Giờ tan học hôm qua rõ ràng tớ chẳng nói gì khác thường hết!
5. Hiện tại: 14.6km; Còn 5.4km
Tôi hiểu lý do cho nỗi thống khổ của Chitanda. Chắc chắn nếu chỉ có thế thì toàn bộ câu chuyện có thể tóm gọn thành “Chitanda lo lắng cho Ibara và đồng tình với quyết định từ bỏ.” Chưa nói tới việc có lạ hay không, ngay từ đầu câu chuyện này hoàn toàn chẳng dây mơ rễ má đến Oohinata. Tuy vậy tôi cũng được nghe những câu chuyện khác. Bản chất của bức tường vô tình mà Oohinata tạo ra dần dần đã hé lộ mà câu chuyện mới đây của Chitanda là một mảnh ghép vững chắc.
Oohinata nghĩ rằng Chitanda là một đàn chị đáng sợ. Chitanda nghĩ rằng mình đã khiến Oohinata không chịu nổi việc ở chung một CLB.
Thực tế tôi đã nhận ra sự kiện kỳ lạ đầu tiên.
Satoshi đã nói răng hắn kinh ngạc hết sức khi tôi có thể chiêu mộ một thành viên vào CLB Cổ Điển. Thực tế nơi đây chẳng làm việc gì ra hồn nên tôi đã không quan tâm lắm. Oohinata có vào hay rút cũng chả đáng bận tâm. Nhưng khi đã có hiểu lầm xảy ra thì tôi không định đưa nó vào quên lãng. Nếu chính mình là người bị hiểu lầm thì khác, chỉ tiếc là lại không như vậy.
“Tớ còn có thể giúp gì không?”
Những chuyện tuyệt đối cần thì đã có. Nhưng lấc cấc thì vẫn còn, thế nên tôi quyết định hỏi đến cùng. Trôi theo dòng ký ức từ đền Mizunashi về quá khứ, tôi nhận ra vẫn còn một điểm quan trọng cần xác nhận với Chitanda.
Đó là một câu hỏi chẳng biết từ đâu chui ra, nhưng giờ tôi bắt đầu thấy có lý.
“Có. Tớ còn muốn hỏi một câu nữa.”
“Cậu tiếp đi.”
“Vào cái ngày chúng ta đến quán cà phê của anh họ Oohinata, trước khi đi về em ấy có hỏi cậu một câu rằng có biết về một học sinh năm nhất hay không.”
Đúng như dự đoán nhỏ nhận ra ngay.
“Có, đó là Agawa-san.”
“Em ấy là ai”
Ngày đó, nếu không nhầm thì Chitanda cũng trả lời Oohinata nhanh như vậy. Theo tự nhiên tôi cho rằng Chitanda đã có giao thiệp với cô bé.
“Nhưng… tớ không thực sự là biết về em ấy.”
“Thật chứ?”
“Tất cả những gì tớ biết là em ấy học lớp 1-A.”
“Dù ‘không biết’ nhưng vẫn biết lớp ư”
“Cậu đáng ra cũng biết đấy Oreki-san.”
Thế à?
Chitanda có một trí nhớ về gương mặt và tên người siêu hạng. Đầu năm trước nhỏ đã có thể nhớ tên tôi dù chỉ gặp mỗi một lần khi hai lớp học chung môn Âm nhạc. Đó là lý do tôi không bất ngờ khi một người nào đó tên Sachi Agawa dù xa lạ nhưng vẫn được nhỏ nhớ đến. Nhưng tôi thì đâu có khả năng đó?
Có mấy dịp để một học sinh năm trên nhớ tên của đàn em mình nhỉ? Nhìn xuống đất tôi nghĩ ngợi.
Năm nhất. Lớp A. Sachi Agawa.
“Người là đáng ra cũng phải biết… Agawa… Agawa…”
“Thôi nào.”
Chitanda lên tiếng. Hẳn là nhỏ không định đùa cợt nhưng cùng lúc này tôi đã nhìn ra đáp án.
Agawa thuộc lớp A.
Với cái tên này hẳn là nhỏ sẽ được xếp thứ tự ở những ghế đầu tiên. Nhưng hơn thế, có các chỗ ngồi dành cho học sinh đạt số điểm trúng tuyển cao nhất.
“Có phải là đại diện học sinh mới lên phát biểu ngày khai giảng không?”
“Đúng rồi.” Chitanda gật đầu.
“Hai học sinh có thứ tự đầu tiên[1] cũng là những người giỏi nhất - nam là Naoya Aikura-san còn nữ là Sachi Aikawa-san, là hai học sinh đã đọc lời tuyên thệ trong ngày khai giảng. Dĩ nhiên đây là một câu hỏi đường đột, nhưng tớ cũng chỉ nghĩ em ấy có lẽ muốn kiểm tra trí nhớ của mình thôi.”
Không phải. Chẳng thể nào là một câu đố bình thường.
“Cậu còn biết gì nữa không”
“Em ấy có mái tóc rất dài. Nhưng vì chỉ được nhìn từ sau nên không còn gì khác.”
Quan trọng là Oohinata không nghĩ như vậy.
Rồi, những gì cân hỏi đã hết. Việc còn lại chỉ là nói chuyện với Oohinata. Tôi không hẳn là cảm thấy lo, nhưng có lẽ nên học theo cô bé mà đu lên dây cột nào cho tự tin.
“Vậy là được rồi, tớ nghĩ mình có thể lo được. Cậu nên trở về đường chạy đi.”
Nói xong tôi ngẩng đầu lên. Đối diện với đôi mắt to tròn của Chitanda tôi bất giác lùi về sau. Nhỏ nói:
“Tớ xin lỗi. Mọi chuyện xem như nhờ vào Oreki-san vậy. Oohinata-san có lẽ sẽ không muốn nghe bất cứ lời nào từ tớ, nhưng… Nếu em ấy thực sự đang đau khổ vì điều gì thì xin cậu hãy giúp. Nếu đó là một hiểu lầm đáng tiếc thì xin cậu hãy vén lên bức màn. Tớ sẽ không nhờ cậu đưa em ấy trở lại CLB Cổ Điển, nhưng ít nhất chuyện ấy… có được không?”
Đó là dự định. Là nhiệm vụ tôi đặt ra kể từ vạch xuất phát. Gật đầu tỏ ý đã hiểu, tôi nhận được cái cúi đầu cảm tạ từ Chitanda, rồi nhỏ quay đi mà trở lại đường chạy.
[1] Trong một lớp bên Nhật thì nam sinh và nữ sinh được đánh số thứ tự riêng, vì vậy sẽ có “nam sinh số 1” và “nữ sinh số 1”.