Chương 1
Độ dài 4,142 từ - Lần cập nhật cuối: 2019-10-29 05:00:23
Mặt biển sáng lấp lánh dưới ánh bình minh vừa ló dạng nơi chân trời. Trời xanh ngăn ngắt. Người tôi như nhẹ bỗng trong làn nước ấm áp. Những lúc thế này, trôi nổi một mình giữa biển ánh sáng, tôi thấy mình thật đặc biệt và lòng khuây khỏa hơn đôi chút. Những điều vẫn hay vướng bận giờ chẳng thể làm phiền tôi được nữa.
Tôi dồn hết sức chèo qua hết đợt sóng này đến đợt sóng khác vì, tôi thầm nghĩ, có lẽ căn nguyên của chuyện khiến mình lo lắng là do tính cách quá lạc quan và quá dễ vui. Biển buổi sớm thật đẹp. Thật khó mô tả màu sắc những con sóng mỗi khi xô vào nhau, từng nhịp, từng nhịp một. Tôi nhận ra ngay lúc ván chớm trượt trên bề mặt cơn sóng tiếp theo. Đúng lúc chuẩn bị đứng dậy trên ván, tôi mất thăng bằng và ngã nhào xuống nước. Lại hỏng. Tôi nuốt phải mấy ngụm nước biển còn một ít lọt vào mắt cay xè.
…Băn khoăn đầu tiên, tôi chưa bao giờ đứng được trên ván suốt sáu tháng qua.
Tôi quay lại chỗ chiếc xe đỗ dọc bờ biển (kì thực, là một bãi đất trống với cỏ dại mọc um tùm), tìm chỗ cỏ mọc cao và cởi bỏ bộ đồ bơi bó sát, lau khô và thay lại đồng phục học sinh. Khu vực này còn khá hoang vu. Đón nhận những cơn gió mạnh từ phía biển thật là khoái sau khi tập luyện nóng bừng cả người. Mái tóc ngắn ngang vai khô cong trong phút chốc. Mặt trời lên cao, bóng cỏ đổ dài, cao quá bộ đồng phục thủy thủ màu trắng. Tôi yêu biển, nhất là vào tiết trời này, vì thay đồ vào mùa đông chẳng thoái mái chút nào.
Vừa lúc thoa ít son dưỡng, tôi nghe thấy tiếng xe tải nhỏ của chị gái đang đến, bèn xách ván trượt và túi thể thao về hướng chị. Chị tôi mặc đồ thể thao màu đỏ, vừa kéo kính xe xuống vừa gọi với về phía tôi.
“Kanae, hôm nay thế nào?”
Chị gái tôi rất đẹp. Tóc chị dài và suôn thẳng. Chị luôn giữ vẻ điềm đạm và là giáo viên cấp ba. Chị hơn tôi tám tuổi và một thời gian dài trước đây, tôi không khoái chị lắm. Có lẽ tôi hơi mặc cảm khi suốt ngày so sánh bản thân tầm thường, nhỏ bé với bà chị thông minh, giỏi giang. Nhưng giờ tôi thích chị hơn. Từ hồi chị tốt nghiệp đại học và trở về quê hương, tôi thành ra nể trọng chị. Nếu không vận bộ thể thao cũ đó, chắc chắn chị xinh đẹp hơn nhiều. Có thể chị không muốn quá nổi bật ở hòn đảo bé nhỏ này.
“Hôm nay em vẫn không làm được. Ngoài khơi, trời nổi gió suốt.” Vừa trả lời, tôi vừa cất ván trượt vào cốp xe.
“Đừng lo, cứ tập từ từ. Tan học em có muốn ra đây tiếp không?”
“Tất nhiên rồi. Vậy có phiền chị không?”
“Không sao. Nhưng nhớ phải học hành cẩn thận đấy.”
“Rồi, rồi.”
Tôi trả lời với giọng cáu kỉnh rồi bước về phía chiếc xe máy dựng ở góc bãi đỗ xe ô tô. Chiếc Honda Super Cub này chị tôi từng dùng trong thời gian thực tập. Đảo quê tôi không có xe ô tô con và hiếm xe buýt nên hầu hết học sinh thi lấy bằng lái xe lúc mười sáu tuổi. Đi lại bằng xe máy rất tiện dụng và thoải mái, nhưng mỗi lần ra biển, chị thường lái xe tải theo vì xe tôi không đủ chỗ chở ván. Sắp đến giờ vào học rồi. Tôi về lớp tôi còn chị dạy lớp khác. Vặn chìa khóa khởi động xe, tôi kiểm tra lại đồng hồ. Mới 7h45, tôi vẫn còn thời gian, đang lúc cậu ấy luyện tập. Sau đó, tôi lái xe rời bãi biển cùng chị gái.
Tôi bắt đầu học lướt ván từ năm đầu phổ thông, phần ảnh hưởng từ chị, phần vì cảm giác phấn khích ngay buổi đầu chơi thể thao. Chị tôi tham gia câu lạc bộ lướt sóng hồi đại học. Bộ môn này không thời thượng hay nặng nhọc (suốt ba tháng đầu, học viên tập những bài cơ bản như chèo ván và lặn dưới sóng[1] cả ngày đến tận tối!) và dù không hiểu tại sao họ muốn đương đầu với thứ vĩ đại không tưởng như biển cả, tôi nghĩ việc đó khá thú vị. Thế rồi, trong một ngày nắng đẹp năm hai phổ thông, tôi tự dưng cũng muốn lướt sóng đôi lần. Điều đó đồng nghĩa với việc phải học cách đứng trên ván ngắn hoặc ván dài, và do bản tính ưa phiêu lưu mạo hiểm, tôi chọn ván ngắn cho thoải mái xoay sở. Lúc mới tập, tôi may mắn cưỡi sóng được vài lần nhưng bẵng một thời gian từ dạo ấy, tôi không thể đứng lướt ván lại nữa, không hiểu vì nguyên do gì. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc bỏ dùng ván ngắn vì khó, nhưng không chắc có nên buông bỏ dễ dàng một điều tự quyết định cho bản thân thế không, và trong lúc tôi còn chần chừ, loáng một cái đã đến năm cuối cấp ba và hè đã sang.
Thụp! Tiếng động êm tai vang lên, hòa cùng tiếng chim ríu rít buổi sớm. Đó là tiếng mũi tên bay xuyên qua bia giấy. Giờ là 8h10 và tôi đang hồi hộp đứng nấp sau một tòa nhà ở trường. Tôi mới len lén ngó trộm ra một phút trước, và như thường lệ, anh vẫn đang luyện bắn cung.
Sáng nào anh ấy cũng đến trường tập bắn và đó là một trong những lí do thực sự khiến tôi hứng thú lướt ván vào buổi sáng. Nhìn anh tràn đầy khí thế, tôi cũng thấy cơ thể ngập tràn sinh lực cho ngày mới. Ngắm anh giương cung với vẻ nghiêm trang luôn là một điều tuyệt vời. Ngắm nhìn anh ở gần thì xấu hổ lắm, nên lúc nào tôi cũng đứng xem cách xa cỡ một trăm mét. Nói là nhìn trộm cũng không ngoa.
Tôi hít một hơi sâu, chỉnh váy áo ngay ngắn, khéo sửa lại bộ đồng phục thủy thủ. Được! Cứ hành xử tự nhiên, tôi thầm nhủ và tiến về phía khu tập bắn.
“Chào buổi sáng.”
Cậu ấy dừng tay, cất lời chào khi nhác thấy bóng tôi bước tới. Aaahhh!!! Cậu ấy lịch sự ghê! Giọng lại còn cuốn hút nữa!
Tim đập liên hồi mỗi bước tôi lại gần anh, nhưng cố ra vẻ bình tĩnh như tiện đi ngang qua. Tôi đáp lại, gắng giữ giọng không run.
“Chào buổi sáng, Tohno-kun. Hôm nay lại đến sớm à?”
“Cậu cũng vậy mà, Kanae. Vừa từ biển về hả?”
“Đúng thế.”
“Cậu chăm chỉ ghê.”
“Mình…” Lời khen bất ngờ của anh làm tôi ngạc nhiên. Thôi chết, không ổn rồi. Mặt tôi sắp đỏ bừng lên mất!
“Đâu… đâu có… Hì, gặp cậu sau, Tohno-kun.” Tôi chạy vội đi chỗ khác, vừa xấu hổ lại vừa hạnh phúc. “Ừ, hẹn gặp sau.” Chất giọng trầm ấm của anh vang lên sau lưng.
…Vấn đề thứ hai, tôi yêu đơn phương Tohno-kun. Thực ra, chuyện này kéo dài được năm năm rồi. Tôi gọi anh ấy là “Takaki Tohno-kun”. Tôi chỉ còn gặp Tohno-kun sáu tháng nữa trước khi tốt nghiệp phổ thông.
Và về vấn đề thứ ba, mảnh giấy trên mặt bàn tôi nói lên tất cả. Giờ là 8h35, giữa ca học buổi sáng. Tôi không mấy để tâm đến lời thầy Matsuno. Thầy nói, nghe này, đã đến lúc các em phải có quyết định cho bản thân, hãy bàn bạc với gia đình… đại loại thế. Tiêu đề của mảnh giấy ghi chữ “Bảng câu hỏi Tư vấn Hướng nghiệp lần thứ ba”, và tôi mới trả lời được non nửa.
12h50, đã đến giờ ăn trưa. Một bản nhạc cổ điển vang lên trong lớp học mà tôi chắc chắn đã từng nghe qua. Tự dưng, giai điệu ấy gợi tôi nghĩ đến một chú chim cánh cụt đang lướt sóng. Chẳng hiểu bài nhạc đã kết nối kí ức thế nào trong tâm trí tôi? Cuối cùng, tôi thôi cố nhớ tên giai điệu và cắm đầu vào món trứng rán mẹ chuẩn bị từ sáng. Tuyệt hảo. Tôi cảm nhận vị ngon như tan ra, cảm giác sung sướng lan ra toàn thân. Ngồi cạnh tôi là Yukko và Saki-chan, hai đứa đang bàn luận về nghề nghiệp tương lai.
“Mình nghe Sasaki-san đang ôn thi đầu vào Đại học Tokyo.”
“Sasaki-san? Ý cậu là Kyoko?”
“Không, ý mình là Sasaki-san ở nhóm Một.”
“À, Sasaki-san ở câu lạc bộ văn học. Chẳng ngạc nhiên mấy!”
Nghe nói đến nhóm Một không khỏi làm tôi bồn chồn. Đó là nhóm của Tohno-kun. Mỗi năm, học sinh trường tôi chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất và thứ hai đều được dạy các môn cơ bản nhưng nhóm một dành cho những người muốn nộp hồ sơ vào đại học. Nhóm thứ ba học kỹ thuật là chính, nhiều học sinh sẽ thi trường nghề hoặc đi làm ngay sau tốt nghiệp. Tôi ở nhóm ba. Dù chưa hỏi Tohno-kun nhưng nhiều khả năng cậu ấy sẽ chọn đại học. Tôi cứ có cảm giác cậu ấy muốn quay lại Tokyo. Nghĩ đến điều ấy. món trứng tôi đang ăn mất hết cả ngon.
“Thế còn cậu, Kanae?” Yukko bất thần hỏi.
“Chẳng phải cậu tính kiếm việc làm luôn à?” Saki-chan tiếp lời. Tôi ngập ngừng, không rõ nên nói gì. Tôi chưa biết mình nên làm gì sắp tới.
“Cậu chưa suy tính gì về tương lai sao?” Saki-chan hỏi, giọng kinh ngạc. “Trong đầu nó chỉ có Tohno-kun thôi,” Yukko đáp thay, “Nhưng chắc cậu ấy có bạn gái ở Tokyo rồi.” Saki nói.
“Không đời nào!” Tôi gắt lên.
Hai đứa cứ rúc rích cười. Bọn nó biết thừa tình cảm tôi đang cố giấu.
“Ôi dào, mình chẳng quan tâm. Mình ra máy bán hàng tự động mua sữa chua đây.” Tôi đứng dậy khỏi ghế, giọng bực bội. Biết hai đứa chỉ đùa nhưng “Câu chuyện Bạn gái của Takaki Tohno” thật quá sức chịu đựng của tôi.
“Hả? Lại hộp nữa? Hộp thứ hai rồi nha!”
“Thì sao? Tớ đang khát khô cổ đây!”
“Thế mới là cô-gái-lướt-sóng của chúng ta chứ.”
Bỏ ngoài tai lời nói đùa của hai cô bạn, tôi ra ngoài hành lan. Gió thổi hây hây nhẹ. Treo dọc tường là những khung ảnh lồng hình hỏa tiễn được phóng lên trời với đám khói lớn phía sau. “Tên lửa H2 bệ phóng số 4 – Năm Bình Thành[2] thứ 9 (2001), 10h53 ngày 17 tháng 8”, “Tên lửa H2 bệ phóng số 6 – Năm Bình Thành thứ 9 (2001), 6h27 ngày 28 tháng 11”… Người ta đồn rằng mỗi lần phóng thành công, nhân viên NASDA[3] lại đến và treo thêm một bức ảnh.
Tôi đã nhiều lần được xem phóng tên lửa. Bạn có thể nhìn rõ quả tên lửa phóng thẳng lên bầu trời với một chiếc đuôi dài bằng khói trắng phía sau, bất kể đang đứng đâu trên đảo. Tohno-kun mới sống ở đảo năm năm nhưng tôi tự hỏi, liệu cậu ấy đã từng xem phóng hỏa tiễn lần nào chưa? Tôi hy vọng một ngày chúng tôi có thể cùng ngồi xem với nhau. Nếu may mắn là lần đầu tiên của Tohno-kun, hẳn khuôn mặt cậu ấy sẽ xao động lắm. Nếu như chúng tôi có không gian riêng để xem cùng nhau – một nơi chỉ hai ta mà thôi, tôi nghĩ hai chúng tôi có thể gần gũi nhau hơn. Nhưng chỉ còn sáu tháng nữa là đời học sinh phổ thông kết thúc. Tôi tự hỏi liệu có lúc nào Tohno-kun và tôi có cơ hội được xem phóng hỏa tiễn? Ồ, và liệu mình có thể đứng lướt ván trước thời điểm đó chăng? Một ngày nào đó, tôi mong Tohno-kun được xem tôi lướt sóng và tôi không muốn để lại hình ảnh tệ hại trong mắt anh, mà ngược lại, tôi muốn anh ghi nhớ mặt tốt đẹp nhất của mình. Chỉ còn sáu tháng nữa… Chưa chắc, cũng có khả năng anh quyết định ở lại hòn đảo này. Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ có cả tá cơ hội để chứng minh cho anh thấy và chắc chắn tôi sẽ tìm việc làm trên đảo sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, tôi thấy khả năng đó quá nhỏ. Anh không giống kiểu người thích sống ở đảo. Haizzzz…
…Và như thế, tất cả vấn đề của tôi đều xoay quanh Tohno-kun. Mặc dù biết mình không thể bất an mãi, tôi không biết làm sao để ngừng những lo lắng này lại.
Vì thế, tôi quyết định sẽ thổ lộ tình yêu với Tohno-kun vào ngày cưỡi được sóng ngon lành.
***
7h10 chiều. Tiếng ve sầu của Nhật đột nhiên chuyển sang tiếng của loại ve sầu khác, phổ biến hơn. Không lâu sau là tiếng dế. Trời đã xâm xẩm tối nhưng ánh hoàng hôn vẫn chưa tắt hẳn và đương nhuộm hồng vầng mây cao. Nếu đứng nhìn chăm chú một lúc, bạn sẽ nhận ra mây đang trôi dần về phía Tây. Chỉ một lúc trước, gió vẫn thổi dạt vào bờ – gió thổi ngược từ biển vào nghĩa là sóng không lành – nhưng lại là cơ hội tốt để cưỡi sóng. Dù thế, thú thực tôi vẫn chưa đủ tự tin để đứng trên ván.
Tôi đứng trong bóng râm của khu lớp học và ngó trộm vào chỗ đỗ xe. Không còn nhiều xe máy và chẳng thấy bóng dáng nào của học sinh gần cổng trường. Hoạt động ở các câu lạc bộ đã chấm dứt. Nói cách khác, tôi quay lại trường sau khi tập lướt sóng và nấp ở đây, chờ Tohno-kun ra bãi xe (nghĩ kể cũng hơi run), mà có thể cậu ấy về nhà rồi cũng nên. Tôi quyết định nán lại thêm một lát và thầm ước mình sớm lướt được sóng.
Tôi luôn lo liệu mình có lướt sóng nổi không, về quan hệ với Tohno-kun và tương lai trước mắt. Tất nhiên, nhiều chuyện khác làm tôi bận tâm nhưng đó là ba vấn đề lớn nhất. Ví dụ, một mối quan tâm nhỏ hơn là làn da rám nắng. Không hẳn tôi có mặc cảm về da ngăm ngăm (có vẻ như thế) nhưng bất chấp việc dùng bao nhiêu kem chống nắng đi nữa, da tôi vẫn đen hơn bạn cùng lớp. Chị bảo đó là chuyện bình thường vì tôi tập lướt ván, Yukko và Saki-chan thì bảo vậy mới dễ thương, còn tôi thấy thật tệ khi làn da mình sậm màu hơn của anh chàng mình thích. Da Tohno-kun thì rất trắng và đẹp.
Một vài chuyện khác nữa là ngực của tôi không phát triển lắm (tôi có cùng gien với chị mà vòng một chị đầy đặn mà tôi thì không là sao???), học lực không nổi trội, và hình như tôi không có gu thời trang ổn thì phải, đã thế tôi còn quá khỏe mạnh, ít khi ốm đau (khiến tôi ít dễ thương hơn các cô gái khác), v v… Cả tá vấn đề khiến tôi đau hết cả đầu.
Nhìn vào bãi xe lần nữa trong lúc tự nhủ rằng đứng lo lắng vẩn vơ chẳng giúp ích được gì, tôi bắt gặp một hình bóng thân quen đang chầm chậm bước lại từ đằng xa. Đấy! Biết mà! Bõ công chờ đợi nãy giờ! Mình giỏi quá! Tôi hít một hơi sâu và từ từ tiến về chỗ gửi xe.
“Kìa Sumida. Giờ cậu mới về à?” Giọng anh ngọt ngào thật. Tôi nhanh chóng trông rõ Tohno-kun nhờ ánh đèn của khu đỗ xe. Người anh gầy nhưng săn chắc, tóc anh dài che quá một phần mắt và dáng đi rất mực điềm tĩnh.
“Ừm…Thế còn cậu, Tohno-kun?” Tôi lắp bắp. Trời đất! Bình tĩnh lại ngay tôi ơi!
“Mình cũng thế. Cùng về nhé?”
Nếu tôi có đuôi như một chú cún, hẳn nó sẽ ngoáy tít vì sung sướng. Phù, may mà mình không phải cún, nhưng lời anh nói quả khiến tim tôi loạn nhịp, và tôi thầm cảm ơn vận may đã run rủi cho hai chúng tôi về cùng đường.
Chúng tôi lái xe dọc con đường nhỏ với đồng mía trải dài hai bên. Ngắ lưng Tohno-kun từ phía sau, lòng tôi vui mừng xiết bao khi may mắn mỉm cười với mình. Người tôi nóng bừng và phổng cả mũi, hệt như khi ngã lúc lướt sóng. Không hiểu làm sao mà cảm giác hạnh phúc và thất vọng lại giống nhau như vậy.
…Ngay từ ngày đầu gặp gỡ, tôi đã thấy Tohno-kun khác biệt với những cậu con trai khác. Cậu ấy chuyển trường đến Tanegashima từ Tokyo giữa mùa xuân năm hai trung học cơ sở. Tôi còn nhớ rõ dáng vẻ cậu ấy hôm khai giảng kỳ học mới. Đứng trước bảng đen là một cậu học sinh không quen biết, không chút ngại ngùng hay lo lắng, nở một nụ cười bình thản trên gương mặt điển trai.
“Mình tên là Takaki Tohno. Mình chuyển đến đây từ Tokyo ba ngày trước theo yêu cầu công tác của bố. Mình khá quen với việc chuyển trường nhưng chưa thích nghi lắm với cuộc sống trên đảo. Rất mong được mọi người giúp đỡ.”
Cậu ấy không nói quá nhanh, cũng không quá chậm, không hồi hộp, mà điềm tĩnh với giọng điệu và âm sắc cực chuẩn, như phát thanh viên truyền hình. Nếu là tôi – chắc chắn sẽ cư xử trái ngược hoàn toàn, khi chuyển từ một thành phố siêu lớn về một vùng siêu nông thôn (thực ra là một hòn đảo) – mặt đỏ lựng, đầu óc trống rỗng và giọng nói, không phải nghi ngờ gì, khác hẳn thiên hạ luôn. Mặc dù chúng tôi xêm xêm tuổi nhau, tôi luôn băn khoăn về điều khiến cậu ấy tự tin và ăn nói dõng dạc như thể không có người trước mặt? Cậu ấy đã trải nghiệm những gì trong cuộc sống? Cậu ấy còn điều gì thú vị khác chăng? Lần đầu tiên trong đời, tôi muốn biết nhiều về một người đến thế, và rồi, yêu anh chính từ phút giây định mệnh ấy.
Kể từ đó, cuộc sống của tôi thay đổi. Tôi tập nhìn mọi thứ theo cách của anh, bất kể là thị trấn, trường học hay thực tế. Dù ở trong lớp, sau giờ tan học hay dắt cún đi dạo, tôi đều mải mê kiếm tìm hình bóng anh. Thoạt nhìn, anh có vẻ lạnh lùng nhưng thực ra anh là mẫu người hòa đồng, dễ kết bạn. Thật may mắn, anh không hay tụ tập theo nhóm, nên tôi cũng tiếp cận được anh kha khá lần nếu canh đúng thời điểm.
Lên cấp ba, chúng tôi học khác lớp nhưng kỳ diệu thay, vẫn cùng trường. Dù đảo này không có nhiều trường nhưng với điểm số của Tohno-kun, tôi nghĩ anh có thể chọn bất cứ trường nào. Cuối cùng, anh chọn trường gần nhà nhất. Kể cả khi học phổ thông, tôi vẫn yêu anh và trong suốt năm năm kể từ ngày anh đến, những xúc cảm trong tôi chưa phút giây nào nguội lạnh đi, trái lại, càng nồng nàn hơn theo thời gian. Tất nhiên, tôi mong trở thành người đặc biệt nhất với anh, nhưng thật khó để kiểm soát tình cảm đơn phương mãnh liệt ấy. Tôi không tưởng tượng nổi mình có cơ hội nào để hẹn hò với anh. Mỗi lần nhìn thấy anh trong thị trấn hay ở trường, tôi càng yêu anh nhiều thêm. Ngày qua ngày, tình yêu sâu đậm ấy khiến tôi mỏi mệt nhưng hạnh phúc, kèm theo một chút vô vọng.
…7h30 tối. Chúng tôi tạt vào mua đồ ở cửa tiệm tạp hóa “Ai Shop”. Tohno-kun đến đó tối đa bảy lần trong tuần, cũng có tuần không đến lần nào. Nếu may mắn, tôi sẽ về chung đường với anh một tuần một lần, nếu không thì nửa tháng một lần. Trước khi nhận thức được điều đó, ghé thăm “Ai shop” dọc đường về nhà đã thành thói quen hàng ngày của tôi. Dù cửa hàng có hơi hướm một cửa tiệm làm vườn, do bà chủ lớn tuổi hay bán hạt giống cây trồng trong nhà cho người dân địa phương, cửa hàng có rất nhiều loại đồ ăn vặt. Cửa tiệm đang phát nhạc J-pop và được chiếu sáng bởi những ống đèn tuýp dài treo dọc trần nhà.
Hầu như lần nào Tohno-kun cũng mua đồ giống nhau. Cậu ấy thường lấy một hộp cà phê sữa không chút do dự. Còn tôi luôn đắn đo không biết nên chọn thức uống nào để trông có vẻ dễ thương. Nếu mua cùng một loại cà phê thì lộ liễu quá (mặc dù tôi đang theo đuổi anh ấy thật), sữa lại đơn giản quá, hộp nước trái cây màu vàng trông dễ thương đấy nhưng tôi không thích vị đó lắm, hoặc hộp dấm đen pha sữa cũng được, nhưng nghe tên có vẻ khá khó uống.
Và mỗi khi tôi bận suy nghĩ nên chọn loại nào, Tohno-kun đều bảo “Sumida, mình đợi ở ngoài nhé” trước khi ra quầy tính tiền. Thật tiếc vì tôi rất thích ở bên anh. Tôi nhanh tay lấy hộp sữa chua bơ như mọi khi. Đây là hộp thứ bao nhiêu tôi mua trong ngày rồi? Một hộp sau hai tiếng đến trường, hai hộp trong giờ ăn trưa, vậy đây là hộp thứ tư. Cứ thế này, phải đến một phần hai mươi cơ thể tôi làm bằng sữa chua mất.
Tôi ra khỏi cửa hàng và đúng lúc chuẩn bị xoay người lại, tôi nhìn thấy Tohno-kun dựa lưng vào xe, mải mê soạn tin nhắn trên điện thoại. Tôi vội rụt người lại vào bóng tối. Trời đã chuyển màu xanh thẫm và chỉ những đám mây đang trôi cùng gió còn vương lại sắc đỏ của hoàng hôn. Màn đêm sắp sửa buông mình xuống đảo. Tiếng côn trùng và tiếng đồng mía xào xạc trong gió vang lên xung quanh chúng tôi. Thoang thoảng đâu đây là mùi bữa ăn tối của một nhà gần đó. Trời tối nên tôi không nhìn rõ mặt anh, chỉ thấy ánh sáng nho nhỏ phát ra từ màn hình điện thoại LCD.
Tôi cố tròng một bộ mặt vui vẻ và bước về phía anh. Nhác thấy tôi lại gần, anh bèn cất điện thoại đi và hỏi, giọng quan tâm, “Sumida à, cậu mua gì thế?”
“Mình không chắc lắm, rốt cuộc vẫn mua sữa chua. Hộp thứ tư trong ngày rồi đấy. Ngạc nhiên chưa?”
“Gì cơ? Cậu không đùa đấy chứ? Nhắc mới nhớ, lần nào cậu chẳng mua loại đó, Sumida.”
Trong lúc trò chuyện, sự chú ý của tôi hướng về chiếc điện thoại trong túi thể thao đằng sau lưng. Tôi thầm ước hàng nghìn lần rằng người Tohno-kun nhắn tin là mình, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được thư của anh. Chính vì thế, tôi cũng không dám gửi gì cho anh. Tôi tự nhủ, bất kể sau này hẹn hò với ai chăng nữa, mọi suy nghĩ cũng chỉ dồn vào bạn trai khi hai chúng tôi bên nhau. Tôi sẽ không bao giờ động đến điện thoại và làm anh ấy lo rằng mình đang nghĩ về một người nào khác.
Sao bắt đầu lấp lánh trên nền trời đêm, trong khi tôi tiếp tục trò chuyện với chàng trai mình yêu nhưng không dám thổ lộ. Tôi buồn muốn khóc, nhưng vẫn quyết tâm tìm cơ hội tỏ tình với anh trong tương lai.
[1] Kỹ thuật lướt ván quan trọng, xem thêm: www.surfinghandbook.com/knowledge/duckdive/
[2] Nguyên tác: “平成” (Heisei), là niên hiệu hiện tại ở Nhật Bản. Thời kỳ này bắt đầu từ ngày 8 tháng 1 năm 1989, ngày đầu tiêu sau cái chết của Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) và cùng với sự việc con trai của ông, Akihito lên nối ngôi. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự kết thúc chiến tranh lạnh cho đó nó còn được gọi là thời kỳ Nhật Bản sau chiến tranh lạnh. Xem thêm: vi.wikipedia.org/wiki/Thời_kỳ_Heisei
[3] Viết tắt của “National Space Development Agency of Japan” – “Cục Phát triển Vũ trụ Nhật Bản”.