Alliance of the 15s
Masahiro Mita
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phần cuối

Độ dài 13,189 từ - Lần cập nhật cuối: 2021-11-28 14:01:27

Tôi bước qua những hành lang nối liền vắng lặng tới phòng chờ dành cho bệnh nhân ngoại khoa. Ở đây dù là một phần của bệnh viện nhưng lại vô cùng nhộn nhịp, từ những tràng thông báo đến bệnh nhân không ngừng nghỉ cho tới tiếng người đi lại xung quanh. Tôi cảm thấy hơi ấm ôm lấy trái tim mình bỗng tan biến mất tăm. Khó lắm tôi mới thở được khi phóng vội qua phòng chờ.

Tôi va phải Tetsuya ở trước lối vào bệnh viện.

“Ê!”

Cậu ta phô ra một nụ cười hồn nhiên về phía tôi.

“Cuối cùng ông cũng đi thăm Naomi hả? Đến giờ mới đi. Chắc nó phải phát khùng lên ấy nhỉ?”

“Chắc vậy…”

Tôi đáp mập mờ.

“Ô thế thì… giờ này ông đã về rồi á? Này, sao lần này ông không đi cùng tôi đến thăm Naomi luôn đi?”

“Tôi không đi được. Muộn rồi.”

“Ờ thế hả?”

Nụ cười của cậu ta vẫn còn nguyên trên mặt trong lúc giơ tay lên vẫy nhẹ. “Ừ, thế thì hẹn gặp lại.”

Tôi chào tạm biệt trước khi quay đầu bỏ về.

Tôi băng qua khu vườn trước sân. Ra đến đường lớn, tôi quay lại và thấy Tetsuya vẫn đang đứng trước lối vào. Cậu ta đứng đó vẫy tay như đứa trẻ con. Sự vô tư của cậu ta khiến tôi cảm động. Một người mang trong lòng những bí mật như tôi đây không thể nào nhìn thẳng vào sự vô tư ấy.

Tôi không tài nào chú tâm vào việc học. Mặc dù tất cả những lớp tôi đang học đều quan trọng cho việc thi cử như tiếng Anh hay toán, đầu óc tôi cứ mãi vẩn vơ nghĩ đến Naomi và Tetsuya, thành ra những điều thầy cô giảng cứ trôi đi đâu mất.

Kể cả đến giờ ăn trưa, tôi vẫn cứ như đang mơ ngủ.

Dù không tập trung được trong lớp là thế, nhưng mấy mẩu chuyện vặt của bọn bạn cùng lớp lại thu hút sự chú ý của tôi. Một nhóm con trai ngồi gần chỗ tôi đang bàn tán về chuyện đất đai. Chúng nó đang nói đến chuyện nhà chúng nó ở bây giờ là nhà riêng hay đi thuê, hoặc chuyện chúng nó là con cả hay con thứ, sau này liệu có tiếp tục sống trong nhà cha mẹ chúng nó hay không. Chúng nó đang trao đổi với nhau về giá cả của mấy khu chung cư và căn hộ đang được quảng cáo trên các tờ rơi kẹp cùng với báo. Kết luận mà chúng nó rút ra được là dù sau này có tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu thì cũng không thể mua được một căn nhà nằm ở trung tâm thành phố. Tất cả đều ghen tỵ với một thằng là con trai của một chủ cửa hàng rượu có cả một kho chứa sau cửa hàng; những đứa sống trong căn hộ do nhà chúng nó thuê thì than vãn rằng ôn luyện để thi cấp ba cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Được một lúc thì câu chuyện đổi hướng sang thành làm cách nào để đối phó với thuế thừa kế. Có một thằng tỏ ra biết tuốt khuyên thằng con trai chủ cửa hàng rượu kia nên ủi cái nhà kho đi, ra ngân hàng vay tiền rồi xây một tòa căn hộ ở đó để hạ mức thuế xuống.

Nghe chúng nó nói chuyện, tôi chỉ muốn bịt tai lại.

Có một thứ gì đó đang bùng cháy trong sâu thẳm lòng tôi; tuy không đau, nhưng có cảm giác như một vết nhiễm trùng… một nỗi râm ran mà tôi cảm nhận được ngay trước khi cơn hen bùng phát.

Tôi đang ở đâu vậy…

Giữa tâm trạng của những người xung quanh và cảm xúc đang lưu giữ trong lòng tôi có một sự đối lập tương phản đến mức tôi có thể trông thấy rõ những dấu hiệu lờ mờ của một cơn đau thắt ruột đang tới.

Sau khi ra khỏi thang máy, tôi đi một mạch tới phòng bệnh của Naomi.

Tôi không muốn phí thêm một giây phút nào nữa trước khi gặp cô ấy.

Những bước chân vội vã của tôi dừng lại trước cánh cửa của căn phòng. Cánh tay tôi đã với đến nắm cửa khi tôi nghe thấy giọng nói bên trong. Đó là tiếng thở gáp của một người đang cố kìm nén những cảm xúc của mình.

Bàn tay đã gần chạm đến cửa của tôi khựng lại, tôi đứng đó như trời trồng.

Tôi nhận ra Tetsuya hẳn đang ở trong đó.

Tôi lùi xa ra khỏi cánh cửa như thể nó là một tấm thép nung đỏ, sau đó tôi quay lại phía thang máy.

Kết quả của bài thi thử đến vào tháng chín. Những tấm thẻ nhỏ in ra từ máy tính được phát cho tất cả mọi người trong lớp.

Lạ thay, tôi thấy chuyện điểm số xếp hạng của tôi có là bao nhiêu thì cũng chẳng quan trọng nữa, nhưng vì một phần trong tôi vẫn tò mò được biết, nên tôi bèn liếc qua chữ số được in trên mặt thẻ.

Thứ hạng của tôi vẫn chỉ ở mức quanh quanh đó.

Tôi không thể nào không nghĩ về chuyện mình đã cố gắng học hành đến thế nào vào mùa hè. Dù gì thì những đứa khác cũng đi học thêm và dốc sức ôn luyện cả, nên nếu như chỉ có thứ hạng của tôi là tiến bộ lên thì còn kỳ quặc hơn.

Nhưng tôi đoan chắc rằng đối với một người như mẹ tôi, lời giải thích cho việc điểm số của tôi không khá khẩm hơn là vì tất cả những người khác cũng đều đang cố gắng sẽ nghe như một lời biện hộ.

Tiếng chuyện trò hào hứng vang khắp lớp học.

Kết quả thi thử là điều tối quan trọng đối với lũ học sinh lớp chín của một trường công lập. Nhưng bất kể có được thứ hạng cao hay thấp, chúng nó vẫn cất giọng nói oang oang. Sự chộn rộn này đã đạt ngưỡng không thể chịu nổi.

“Ê, làm gì mà trông ỉu xìu thế?”

Higashiyama, ngồi chéo góc bên phải trên tôi một bàn, quay lại hỏi. Cậu ta là người duy nhất vẫn đang tỉnh bơ trước tất cả nỗi cam go này.

“Tao chẳng có tâm trạng nào cả, chẳng có lý gì mà phải bị dao động bởi một thứ như thế.”

“Ờ, tao cũng nghĩ vậy đó. Mà dù đến lúc thi thật be bét đi nữa thì cũng đâu có nghĩa là cuộc đời mày sẽ chấm dứt đâu.”

Có khi cậu ta nói vậy theo kiểu nửa đùa nửa thật, nhưng chỉ mỗi việc nhắc đến từ “cuộc đời” đã khiến cho lồng ngực tôi có cảm giác như đang bị một thứ rất nặng đè lên.

Có lẽ cậu ta thấy sắc mặt tôi tái đi, nên đã nhìn chăm chú với vẻ lo ngại.

“Trông mày đúng là không có tâm trạng cho chuyện này nhỉ.”

Tôi chỉ gật nhẹ một cái để đáp lại.

“Mày vẫn đang suy nghĩ về chuyện có nên thi vào một trường dạy nhạc không à?”

“Ừ, một phần là thế, có điều…”

Câu trả lời của tôi lửng lơ ở đó, nhưng cậu ta không gặng hỏi thêm.

Higashiyama là một tên nhanh trí và có phản xạ rất bén. Chưa biết chừng cậu ta đã nhận thấy có một lý do sâu xa hơn khiến tôi không muốn nói hết câu, bởi cậu ta mau chóng đổi chủ đề.

“Nhắc mới nhớ. Cả thằng Funabashi dạo gần đây cũng cư xử trái tính.”

Nói xong, cậu ta quay sang nhìn Funabashi, ngồi ở bàn cạnh cửa sổ.

Funabashi đang ngồi nhìn trời. Vào những dịp khác, nếu hắn trông thấy chúng tôi nói chuyện, hắn sẽ xen vào giữa câu chuyện để nói giỡn một câu hoặc phàn nàn chuyện gì đó. Đây là một người sẽ không bao giờ chịu vừa ý trừ phi hắn là trung tâm của sự chú ý, nên tôi không thể không thấy tội khi thấy hắn ngồi một mình như thế.

“Hình như nó từ bỏ hẳn chuyện học cấp ba rồi, nhưng nhìn bạn bè bàn tán thế này chắc cũng đau. Giá mà Shimoma vẫn ở đây…”

Shimoma là một người có vai trò như là đàn em của Funabashi, thậm chí đôi lúc còn bị đối xử như người hầu.

Hồi chúng tôi còn học năm đầu, Shimoma và tôi rất hay bị Funabashi kiếm chuyện. Cả hai đều là kiểu hay bị bắt nạt, nhờ vóc dáng nhỏ con và tính tình rụt rè.

Nhưng không lâu sau, tôi không còn bị bắt nạt nữa. Đó là vì tôi bắt đầu cho hắn cóp bài về nhà nên đã được hắn coi trọng hơn. Thành ra Shimoma bị bắt nạt thậm tệ hơn. Tôi cũng thấy thương cậu ta, nhưng biết làm gì bây giờ.

Sau một thời gian, Funabashi trở thành đầu lĩnh, số lượng đàn em cũng tăng theo. Chính bọn đàn em đó cũng coi thường Shimoma và kiếm chuyện với cậu ta, chẳng bao lâu sau thì Shimoma thôi không còn đến trường nữa.

Shimoma hoàn toàn vô phương cứu chữa trong chuyện học hành. Nếu cậu ta vẫn còn ở đây, Funabashi sẽ không đến nỗi đứng cuối lớp.

Tôi cũng có thể hiểu đôi chút tại sao cậu ta lại không đi học nữa.

Tôi đồng cảm và còn cảm thấy mắc nợ Shimoma. Tôi hối hận về việc mình đã không thể làm gì để ngăn Funabashi khỏi bắt nạt cậu ta.

Nhưng nhìn Funabashi cư xử như thế này thì cũng thật tội nghiệp.

“Nó không hẳn là người xấu,” tôi nhận xét.

Higashiyama trả lời, “Ờ, nhưng với tình hình này thì tương lai nó không sáng sủa lắm đâu.”

Đúng là thế. Hầu hết học sinh trong lớp này sẽ học lên cấp ba. Những đứa đã bỏ cuộc sẽ phải chịu đựng thứ không khí này thêm nửa năm nữa.

“Mai là ngày Naomi phẫu thuật đấy. Ông sẽ đến chứ hả?”

Tetsuya nói ngắn gọn qua điện thoại như vậy.

“Ờ, tôi sẽ tới,” tôi trả lời trước khi cúp máy.

Sau khi buổi học kết thúc, tôi hướng thẳng tới bệnh viện. Tetsuya đã xin nghỉ học ngày hôm đó. Tôi hỏi đường tới phòng phẫu thuật tại quầy y tá rồi đi tới đó. Trong hành lang, tôi thấy cha mẹ của Naomi và Tetsuya.

“Lần phẫu thuật này mất thời gian hơn dự tính.”

Cậu ta nói nhỏ.

“Có vẻ như khối u đã lan tới phổi. Bây giờ nó là một cuộc đại phẫu thuật rồi.”

Tâm trạng của cậu ta đang vô cùng sốt ruột. Tôi tới bên cha mẹ của Naomi. Mẹ cô ấy trông lo âu ra mặt, không nhìn về phía tôi ngay cả khi tôi đã bước đến gần. Cha Naomi chỉ khẽ cười và gật đầu lấy lệ. Tôi lặng lẽ gật đầu chào lại.

Khi trở lại chỗ Tetsuya đang đứng, cậu ta nói vội như thể không thể chịu đựng thêm nữa: “Đứng mãi ở đây chẳng được tích sự gì. Đi dạo một lúc cùng tôi nào.”

Chúng tôi bắt đầu đi cùng nhau quay lại hành lang.

“Ra quán cà phê không?”

Có một quán cà phê nằm ngay đối diện phòng chờ khám của bệnh nhân ngoại khoa. Trông nó từa tựa như phòng nghỉ mà bạn có thể tìm thấy ở những trạm dừng chân trên đường cao tốc với những chiếc bàn nhựa và ghế sắt. Trông không ra dáng quán cà phê mà giống như một cái căng tin hơn. Từ bên ngoài nhìn vào, có vẻ như họ đang phục vụ một vài món đơn giản.

Tetsuya nói trong lúc ngắm nghía mấy món được bày trước cửa để minh họa: “Tôi đói lả rồi, trưa nay chẳng ăn gì cả. Tôi gọi cơm thịt rán đây.”

Còn tôi thì gọi một tách cà phê.

Nơi này chắc chỉ đông vào giờ ăn trưa, còn bây giờ thì đang vắng lặng. Tetsuya bắt đầu lặng lẽ tọng đĩa thức ăn vào miệng.

“Ông đang nghĩ làm sao mà tôi có thể có tâm trạng để mà ăn vào lúc này phải không?”

Cậu ta nói thế sau khi đã ăn xong và thở ra một tiếng mãn nguyện.

Tôi vẫn không nói gì. Thế là cậu ta tiếp tục: “Không đừng được, thế thôi. Là người thì cứ phải ăn uống để rồi tiếp tục sống. Đến tôi cũng không khỏi cảm thấy thế là thảm hại. Đây không phải là lúc để ăn một bát cơm thịt rán, nhưng tôi có nhu cầu phải ăn, và cuối cùng thì ăn hết sạch. Tôi không thể tha thứ cho mình khi đã làm thế.”

Gương mặt cậu ta lộ vẻ đau đớn. Những sắc thái trên gương mặt ấy liên tục thay đổi, cậu ta đang cố gắng làm chính mình vui lên bằng cách cho thấy sự can đảm, song vẫn có một vài khoảnh khắc cậu để lọt ra sự mệt mỏi của mình.

“Lần này có thể là dấu chấm hết cho nó.”

Hai vai cậu ta chùng xuống. Ngay cả khi đội bóng để thua trận đấu chia tay, cậu ta cũng không cho thấy cái dáng vẻ này. Mà có khi dáng vẻ của tôi cũng y hệt. Trong mấy ngày vừa qua, tôi đã né tránh và không đến gặp cô ấy. Giờ đương nhiên là tôi thấy hối hận vì hành động của mình.

Quán cà phê ngồi trông ra khoảng sân nhỏ. Nói là sân, nhưng nó không có vườn hoa mà chỉ được lát sỏi cùng với đống đường ống thông khí và dẫn nước cho tầng hầm được lắp lộ thiên. Một khoảng không gian tẻ ngắt. Không có thứ gì chuyển động. Chỉ có những vật vô tri giác như sỏi đá, bờ tường và ống thép là đang nhợt nhạt phản chiếu lại thứ ánh nắng đều đều.

Thời gian trôi đi. Chưa biết chừng trong lúc chúng tôi ở đây, tình hình đã chuyển biến theo hướng xấu nhất. Nhưng kể cả thế đi nữa, chúng tôi cũng chẳng ai làm gì được cả.

Chúng tôi giết thêm chút thời gian nữa ở quán cà phê trước khi quay lại hành lang bên ngoài phòng phẫu thuật. Ca mổ vẫn đang diễn ra. Chúng tôi ở đó một lúc. Không biết liệu ngoài kia có một vị thần thánh nào không, nhưng vào những lúc như thế này, tôi không thể nào không cầu nguyện.

Tôi chẳng phát hiện được âm thanh nào cho thấy có người đang di chuyển ở bên kia cánh cửa, nhưng có loáng thoáng nghe ra một tiếng động đều đặn. Nó giống như tiếng tim đập; Naomi đang dùng đến những năng lượng cuối cùng của cô để tiếp tục làm cái việc giữ cho cô được sống: hít thở. Tiếng đập của con tim đó khẽ khàng nhưng chắc nịch. Tôi nhớ đã nhìn thấy trên chương trình truyền hình hoặc bộ phim nào đó một thiết bị giúp khuếch đại nhịp tim của bệnh nhân. Trong kho chứa của bệnh viện này tôi cũng đã nhìn thấy chính cái thiết bị ấy.

Liệu đấy có phải là nơi phát ra âm thanh đó? Liệu đấy có phải là tiếng tim cô đập, được máy móc khuếch đại lên mà vang đến cả dãy hành lang này? Hay đây là nhịp đập của chính trái tim tôi? Hay tôi đang nghe thấy một thứ âm thanh chỉ có thể nghe thấy nhờ một hiện tượng kỳ lạ nào đó?

Không biết Tetsuya có nghe thấy nó không…

Như thể không đứng yên được nữa, Tetsuya bắt đầu bước dọc xuống hành lang. Tôi cũng đi theo. Một lần nữa cậu ta lại đi về phía lối vào bệnh viện. Quán cà phê đã đóng cửa và họ đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại khoa từ lâu. Trong phòng chờ chẳng có lấy một bóng người. Đèn huỳnh quang trên trần đã tắt hết. Ngọn đèn điện nho nhỏ của hiệu thuốc và ánh sáng từ hành lang soi tỏ mờ nhạt những góc cạnh của căn phòng rộng rãi.

“Chờ đợi thế này khó thật đấy.”

Cậu ta thở dài rồi quay sang phía tôi.

“Này, sao ông không nói gì đi?”

Tôi không trả lời; tôi không biết mình phải nói gì. Đột nhiên, cậu ta với tay ra nắm lấy tay tôi.

“Ê, làm tí su mô nào.”

“Su mô?”

“Đúng, su mô. Cứ đứng yên thế này thì tôi phát điên mất.”

“Nhưng mà…”

Tôi chưa vật nhau lần nào trong đời. Kể từ khi còn nhỏ tôi đã luôn không dây vào mấy vụ ẩu đả. Không chỉ có vậy, khoảng cách về sức mạnh thể chất giữa tôi và Tetsuya là quá lớn.

Nhưng có vẻ như, Tetsuya đang cực kỳ nghiêm túc về chuyện này.

“Võ đài sẽ là từ cái ghế này đến bức tường. Chạm vào một trong hai là thua, rõ chưa?”

Dứt lời, cậu ta đặt hai tay xuống sàn và ngồi chồm hỗm vào tư thế. Không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo cậu ta. Tôi đã xem su mô trên TV trước đây nên cũng biết đại khái phải làm gì. Tôi bắt chước theo cậu ta và cũng vào thế chuẩn bị.

Chúng tôi vẫn còn đang vận bộ đồng phục trên người – quần dài xanh hải quân và áo trắng. Thắt lưng được chúng tôi dùng thay cho đai vật. Ngay khi cả hai bắt đầu, trận đấu đã rơi vào thế migiyotsu. Có một sức khác biệt đáng kể trong sức mạnh của chúng tôi, nên tôi phải thủ thế bằng cách lùi lại.

“Uây, ông cũng khá đấy chứ!”

Cậu ta kêu lên. Tôi rất tệ trong môn chạy bộ, nhưng mấy bài thể dục trên thảm thì tôi lại rất khá. Ngón tay tôi cũng đã được tôi luyện qua việc tập piano, nên tôi cũng tự tin với sức nắm của mình. Tay tôi bám chặt vào thắt lưng của cậu ta và lấy hết sức bình sinh để kéo. Tôi cảm thấy cơ thể mình bắt đầu nghiêng đi.

“Úi!”

Cậu ta la lối trong khi vặn vẹo người để thực hiện một cú quăng người qua đầu bằng tay trái. Tôi cố giữa cho chân mình đặt vững trên mặt đất, nhưng cú quăng của cậu ta rất hung hăng kéo tôi về phía trước, và sau vài lần xoay tròn, tôi đã nằm thẳng cẳng dưới đất trước khi nhận thức được đầy đủ chuyện gì đã diễn ra.

Một cơn đau tê tái xuyên thẳng qua vai và đùi trái của tôi.

Cậu ta hỏi, “Làm ván nữa không ông?”

“Được!” tôi đáp.

Lần này, cậu ta là người ra tay trước. Cánh tay dài giơ ra nhanh đến mức tôi không thể nắm được vào thắt lưng cậu ta. Tôi bị lôi về phía sau và suýt thì để chạm vào bức tường. Tôi nhanh chóng di chuyển qua phải. Đây không phải là một vòng đấu hình tròn như sumo thật. Giới hạn chỉ tồn tại giữa cái ghế trước mặt và bức tường sau lưng, tôi có thể thoát khỏi cậu ta bằng cách né tránh sang hai bên.

Cậu ta tiến đến với vẻ muốn ăn thua đủ. Tôi bỏ chạy. Nếu cuộc đấu này trở thành cuộc đua thì tôi cũng chẳng có cơ nào với cậu ta. Sau khi đuổi nhau một vòng dài quanh võ đài hình bầu dục, cậu ta tóm được tôi ngang hông và quẳng tôi về phía cái ghế.

“Ê, có sao không?”

Lực quẳng của cậu ta lớn đến nỗi tôi bay ngang qua cái ghế và rớt thẳng xuống mấy cái nệm trên ghế sô pha trước khi ngã nhào xuống sàn.

Tôi cũng không chắc là mình có bị sao không, nhưng vẫn đứng dậy: “Thêm một lần nữa đi.”

“Ồ? Chơi được không đấy?”

Cậu ta có vẻ hơi ngạc nhiên.

Lần này, tôi không cho cậu ta cơ hội để có lợi thế bằng cách nhanh chóng nhoài tới trước nắm lấy thắt lưng cậu ta. Tetsuya vật lộn để cố thoát ra khỏi sự đeo bám, nhưng tôi đã hạ thấp trọng tâm và bám ghì lấy.

Tôi nghe tiếng cậu ta thở hổn hển. Hơi thở tôi cũng đang đứt đoạn. Tâm trí tôi trống rỗng. Miễn là tôi còn đang di chuyển loanh quanh thế này, tôi chẳng phải suy tư về bất kỳ chuyện gì. Tôi có thể quét sạch mọi ý nghĩ ra khỏi đầu óc, đổ dồn toàn bộ sự tập trung vào chuyển động của đối thủ. Tetsuya nắm lấy vai và cánh tay của tôi, cố gắng dùng sức ném tôi đi bằng cẳng tay. Tôi bám chặt vào thắt lưng cậu ta, căng mình chống đỡ.

Khi Tetsuya nhận ra làm thế chẳng làm được tích sự gì, cậu ta lại cố gắng đẩy tôi ra. Tôi không chịu suy chuyển một bước. Cái ý nghĩ lùi lại hay thực hiện một đòn ném dưới vai chưa bao giờ lướt qua tâm trí tôi. Tôi muốn đối chọi lại sức mạnh của cậu ta bằng tất cả những gì mà mình có.

Có thể cậu ta cũng đã cảm nhận thấy điều này, bởi cậu ta không còn cố thực hiện kỹ thuật ném hay kéo nữa, mà chuyển thành đẩy về phía trước. Mặc dù trời buổi tối đã lạnh, mồ hôi vẫn đổ đầm đìa trên mặt chúng tôi. Tiếng thở của Tetsuya càng trở nên rõ ràng hơn nữa.

Cả hai đều nắm lấy thắt lưng hoặc tay của người còn lại, và chẳng mấy chốc, tôi mất thăng bằng, người nghiêng hẳn sang một bên. Tôi bám lấy thắt lưng của Tetsuya. Cậu ta thử đẩy tôi về phía sau nhưng chân hai thằng đã quắp vào nhau. Cậu ta cố gắng ném tôi đi trong một nỗ lực cuối cùng. Tôi thấy người mình bị nhấc bổng khỏi mặt đất, song vẫn tiếp tục bấu víu vào thắt lưng cậu ta. Chúng tôi vẫn còn đang vướng chân vào nhau trong lúc ngã nhào xuống đất. Không biết ai thắng hay thua, chỉ biết là khi tôi hoàn hồn trở lại, tôi đang nằm ngửa cổ lên trời còn cậu ta đang nằm một đống trên người tôi. Tôi không thể nhúc nhích nổi.

Người tôi nóng bừng sau quãng thời gian vận động. Sàn nhà bên dưới lạnh khác thường, hoàn toàn tương phản với thân người Tetsuya đang tỏa nhiệt, và đang hơi run rẩy. Cân nặng của cậu ta khiến tôi khó mà thở được. Tôi dịch sang một bên, cho đến khi cuối cùng cũng bỏ được tay trái ra. Vừa mới định đẩy cậu ta ra thì tôi phải khựng lại.

Tôi nhận ra tại sao cậu ta lại đang run.

Cậu ta đang úp mặt vào ngực tôi và khóc không thành tiếng. Tôi cảm nhận được toàn bộ sức nặng của thân hình đang run rẩy, nóng rực của cậu ta.

Tôi bèn quàng một tay qua vai cậu ta.

Chúng tôi đi qua lối cửa sau thường chỉ dành cho bảo vệ để đi ra ngoài. Trong lúc đang hóng mát, chị Izumi bước đến chỗ chúng tôi.

“Hai em đây rồi! Chị cứ đi tìm mãi!”

Tôi nuốt nước bọt, sợ phải nghe kết quả.

“Ca mổ đã kết thúc.”

“Xong rồi ạ?” Tetsuya hỏi lại.

“Vậy Naomi có…”

“Em ấy vẫn đang bị gây mê nên bây giờ không nói chuyện được.”

“Thế bạn ấy không sao rồi ạ?”

“Tất nhiên là thế! Chắc vẫn sẽ phải truyền dịch trong một thời gian ngắn, nhưng việc phẫu thuật đã thành công.”

Hai chúng tôi trao đổi ánh mắt.

“Bạn ấy đang ở đâu ạ?”

“Em ấy đã được chuyển qua một phòng riêng, nhưng hiện giờ chưa cho người vào thăm. Phải làm thế để khỏi nhiễm trùng. Tốt nhất là hai em về đi. Cũng muộn rồi đấy!”

Chị chỉ lên đồng hồ đặt trên tường: đã gần tới nửa đêm.

Chúng tôi đi theo chị Izumi tới trước cửa phòng bệnh của Naomi. Cha cô ấy đang đứng đó, nên tôi dợm hỏi chuyện gì đã xảy ra khi chúng tôi không có ở đó. Bác bảo rằng mẹ Naomi bây giờ đang nói chuyện với các bác sĩ nên bác cũng không biết rõ. Bác cũng bảo đã thoáng nhìn thấy Naomi khi cô ấy được chuyển ra khỏi phòng mổ, tuy đang ngủ nhưng trên gương mặt là vẻ an lành. Mặc dù đang nở nụ cười, song điệu bộ mệt mỏi của bác đang lộ ra trong cách bác nói chuyện. Rất có thể chỉ nói chuyện thôi cũng đã tốn nhiều hơi sức của bác, thế nên chúng tôi cũng không muốn ở lại quá lâu để làm phiền. Chúng tôi chào tạm biệt và tiến về phía lối ra.

Chuyến buýt cuối cùng đã rời bến từ lâu. Tetsuya và tôi bước đi cạnh nhau qua phố đêm vắng bóng người. Cậu ta không nói một lời, tôi cũng vậy.

Chúng tôi cứ đi như thế trong một quãng thời gian tưởng như rất dài.

Chợt tôi trông thấy làn đường cao tốc, con đường ngầm chạy thẳng xuống dưới sẽ là nơi mà chúng tôi tách hướng.

“Kitazawa,” cậu ta bắt đầu nói ngay khi chúng tôi vừa đến giao lộ.

“Gì thế?”

“Ông bao nhiêu tuổi rồi?”

“Mười lăm.”

Ba ngày trước là sinh nhật của tôi. Có điều gia đình tôi không quá chú trọng chuyện sinh nhật. Cha tôi không về nhà như thường lệ. Mẹ tôi để một chiếc bánh sinh nhật trên bàn cùng với tấm thẻ quà tặng của nhà sách; năm nào cũng là món quà như vậy.

Kousuke tặng tôi một cái hộp bút. Bên ngoài bọc da màu đen, trông cũng khá bắt mắt. Nhờ đi qua ga tàu trên đường nên cu cậu cực kỳ am hiểm về mấy cửa hàng hay bán những món đồ như thế này. Khi tặng quà, nó vỗ lên vai tôi mà bảo rằng, “kể từ ngày hôm nay, anh hơn em hai tuổi rồi đấy.”

Mặc dù học cách nhau đúng một lớp, nhưng bởi vì nó sinh vào đầu năm, trong nửa năm nữa khoảng cách giữa chúng tôi sẽ là hai tuổi. Sinh nhật đến đây là hết. Mẹ tôi có lớp học, nên bữa tối hôm đó cũng giống như các bữa hàng ngày.

“Bây giờ ông mười lăm rồi hả? Vậy là cả ba đều mười lăm tuổi.”

Tôi không biết tại sao không dưng cậu ta lại nói đến chuyện này.

“Kitazawa, trước đây ông có nói về chuyện muốn tự tử nhỉ?”

Tôi không trả lời.

“Đừng chết, được chứ?” cậu ta bảo.

“Phải sống đến một trăm tuổi đấy, biết chưa? Cả tôi cũng vậy.”

Cậu ta nắm lấy cánh tay tôi.

“Có nghe không?”

Cậu ta nhìn tôi chăm chú dưới ngọn đèn giao thông.

“Tôi và ông, hãy cùng nhau lập ra một liên minh. Chúng ta đều mười lăm tuổi, thế nên đây sẽ là ‘Liên minh tuổi 15’. Đây sẽ là một lời hứa giữa hai người đàn ông, thế nhé?”

“Đồng ý,” tôi đáp.

Khi đã đi xa khỏi tuyến đường dành cho xe buýt, tôi không còn có thể nghe thấy bất kỳ tiếng xe nào, nên có cảm giác như tôi đang đi tới một vùng đất hoang, chỉ có tiếng bước chân làm bầu bạn. Trong lúc bước đi, tôi tiếp tục cầu nguyện. Không biết là tới ai, hay cho cái gì. Tôi không biết. Tôi bỗng thấy thoáng đượm chút cảm giác đã chiếm lĩnh tôi lúc còn đứng trong hành lang bệnh viện. Tôi nhớ lại những giọt nước mắt của Tetsuya. Tôi đã không khóc được như vậy.

Đột nhiên có tiếng xe lăn bánh đến gần. Ánh đèn pha chiếu xuyên qua màn đêm đến từ một chiếc taxi với tấm biển màu xanh lá vừa chạy ngang qua.

Nó dừng lại cách chỗ tôi không xa. Cửa xe bật mở, một bóng khách đen ngòm bước ra; trông có vẻ đã xỉn. Ông ta giơ hai cánh tay lên, làm động tác giống như một điệu nhảy nào đó. Sau khi loạng choạng tiến về phía trước vài bước, ông ta bắt đầu đi lên con đường riêng dẫn lên nhà tôi. Đến lúc này tôi nhận ra đó là cha mình.

Cha tôi trông rất giống là sắp lăn kềnh ra bất cứ lúc nào, nên tôi đành rảo bước và đuổi theo.

“...thế cái quái…”

Tôi nghe không ra, nhưng có vẻ như cha đang làu bàu chuyện gì đó. Nhưng chưa đuổi đến nơi thì cha tôi đã ngã bổ chửng. Có thể chỉ đơn giản là bị vấp chân, dù rằng hình như cha tôi đã cố tình làm thế.

“Tổ sư… nhà với chả nhiếc…”

Cha tôi quỳ gối đứng dậy và nhìn chằm chằm lên căn nhà. Mắt cha tôi ngấn nước. Tôi không hề biết cha mình khi uống vào thì lại hay sướt mướt thế này.

“Cha ơi.”

Tôi ngồi xuống và nói.

“Cha nào? Tao không phải là cha!”

Cha tôi lại nằm xuống và ngửa mặt lên trời.

“Cha, là con đây.”

“Ối giời Ryoichi đấy hả? Làm gì ngoài này thế?”

“Câu đó phải là con hỏi mới đúng. Cha không nên nằm ở một chỗ như thế này.”

“Chỗ này là chỗ nào?”

“Là đường trước nhà mình đấy.”

“Hả? Nhà á? Khỉ gió! Tao biết có cái gì đó không đúng mà!”

“Là sao ạ?”

“Tao đang định về cơ quan, nhưng chắc là tao đưa nhầm địa chỉ cho tay tài xế mất rồi. Ryoichi, mày gọi giùm cha mày một cái taxi với.”

“Taxi không đi qua đây đâu. Cha định làm gì? Nếu cha đi được ra đến đường cái, con có thể vẫy cho cha một chuyến.”

“Thôi bỏ đi. Về thì về. Mẹ mày có đang thức không?”

“Con không biết. Con cũng vừa mới về.”

“Đi đâu mà muộn thế? Đi chơi với bạn mày hả?”

Cha tôi cố gắng dò hỏi, nhưng vì đang nằm thẳng cẳng dưới đất thế này nên lời nói của cha tôi chẳng có tí trọng lượng nào.

“Thôi nào, đứng dậy đi.”

Tôi nắm lấy cánh tay cha. Cha tôi ngồi dậy mà không cự nự gì. Song cha tôi đứng không vững, không thể đi được một cách tử tế. Tôi vòng tay cha quanh vai mình để có thể đỡ ổng đi.

“Xin lỗi mày, con trai ạ. Càng già, tửu lượng tao càng chán. Đời tao đến đây coi như xong.”

“Cha à, không còn xa nữa đâu nên cố hết sức mà đi nào.”

Kousuke từ lâu đã vượt quá chiều cao của cha tôi, nhưng khi đi cạnh thế này, tôi mới nhận ra mình đã cao ngang bằng ổng.

“Tao đến ngưỡng rồi. Hồi trước tao có thể nốc cả một thăng rượu như uống nước. Đến gần đây thì cho dù đã rất cẩn thận, vẫn có những ngày tao thức dậy và chẳng nhớ gì về đêm hôm trước nữa. Tao cá là sang ngày mai thậm chí tao cũng sẽ quên luôn là mày đã dìu tao về nhà như thế này.”

Cha tôi trước đây cũng đã nhắc đến việc mỗi khi uống quá say, cha tôi thường có thói quên sạch những chuyện đã xảy ra. Tôi chứng kiến chuyện này lần đầu khi cha tôi mời khách đến chơi nhà, sau đó thì làm ầm ĩ lên đến mức hàng xóm phải viết đơn phàn nàn, sang đến ngày hôm sau thì chẳng còn đọng lại chút gì.

Nếu như cha tôi không nhớ gì về việc này…

Tôi muốn nói với ai đó về tất cả những gì đang được cất giữ trong lòng, không cần biết là ai…

“Cha ơi… có một người rất quan trọng với con hôm nay vừa phải phẫu thuật. Chắc là… sẽ không qua khỏi.”

“Bạn mày hả?”

Cha hỏi trong lúc dựa vào tôi.

Bạn sao…

Tôi nghĩ ngợi một thoáng trước khi trả lời: “Vâng. Một người bạn rất quan trọng.”

Cha tôi dồn sức vào bàn tay để nắm chặt lên vai tôi.

“Ryoichi, một ngày nào đó mày sẽ nhận ra, rằng khi sống đến đủ lâu, những người quan trọng với mày sẽ lần lượt qua đời. Đây là điều không thể tránh được.”

Tôi không rõ là có phải cha tôi vừa trượt chân, bởi ông quàng cánh tay còn lại lên người tôi và ghé lại gần nói: “Và này… Ryoichi. Khi mày lớn lên đến mấy chục tuổi đời, những mơ ước của mày sẽ tan biến đi từng cái một. Con người ta ai cũng phải chịu như thế.”

Cha thì thầm vào tai tôi: “Tối nay tao đi uống với mấy thằng bạn từ hồi đại học.”

Giọng ông uất nghẹn kể tiếp: “Tao đã từng đi biểu tình cùng với tụi nó. Ban đầu nhóm tao còn hai thằng nữa, nhưng một thì đã chết trong một vụ đấu đá nội bộ, thằng còn lại thì tự sát. Những thằng chán đời còn sống đến bây giờ tụ họp lại với nhau để hồi tưởng nhớ nhung về quá khứ và than trách cho quãng thời gian đã đi qua; trung niên nó là một thứ có thể xấu xí như vậy đấy. Mày có hiểu không, Ryoichi?”

Ít nhất thì tôi cũng thấy cái việc cha tôi đứng trước mặt la lối những câu hỏi như vậy hoàn toàn không phải là một cảnh tượng đẹp đẽ chút nào.

Tôi không đáp lời cha mình. Một phần là vì chúng tôi đã đi được hết một phần bậc thang dẫn lên cửa chính, nên tôi nghiến răng đỡ cha tôi đi tiếp.

“Không, làm sao mà mày hiểu được.”

Ông gào lên.

“Tao làm cái công việc vô hồn này cũng chỉ là để nuôi ba mẹ con mày. Mày không thể nào hiểu nổi tao đã căm ghét bản thân và chịu đựng khốn khổ tới mức độ nào để xây được lên cái nhà này đâu… chui quách xuống địa ngục hết đi… chả được tích sự gì!”

Cửa trước bỗng mở, người bước ra là mẹ tôi.

“Ông làm cái gì thế? Nói bé thôi không đánh thức hết cả hàng xóm bây giờ!”

Mẹ đang lườm hai cha con chằm chằm. Tôi trông thấy Kousuke đang đứng đằng sau. Thế này thì tiếng la hét của cha tôi đã át được cả nhạc của Mahler.

“Kousuke, giúp tao một tay nào!”

Kousuke đi xuống đầu cầu thang và đỡ cha tôi ở bên kia. Có Kousuke giúp thành ra dễ hẳn. Chúng tôi đưa cha vào bên trong, cởi giày, sau đó thì đặt ông nằm xuống cái sofa dài trong phòng khách.

Cha tôi bắt đầu ngáy vang nhà sau khi chìm vào giấc ngủ sâu.

Hôm sau, tôi đến bệnh viện với dự định sẽ nghỉ học ngày hôm đó.

Tetsuya đã đứng sẵn trong hành lang lúc tôi tới nơi.

“Họ vẫn không cho người vào thăm,” cậu ta giải thích.

Cậu ta có hai quầng thâm dưới mắt như thể không chợp mắt được giây nào vào tối hôm trước.

“Ông cứ đi học cho xong.”

“Tôi cũng ở lại thôi, lo lắm chứ.”

“Không phải lo, tối nay ông sẽ được gặp nó thôi. Đi bây giờ vẫn còn kịp vào lớp đấy.”

“Nhưng ông vẫn ở lại hả?”

“Tôi muốn vào trường nào chả được, nhưng ông thì vẫn cần quan tâm đến thư giới thiệu của trường, phải không nào?”

“Naomi đối với tôi quan trọng hơn cái đó.”

Cậu ta cười.

“Đã bảo là không sao mà. Ông có ở đây thì cũng không giúp nó sống thêm được đâu.”

Khi thấy tôi không thèm nhúc nhích, mặt cậu hiện lên nét băn khoăn rồi nhìn quanh quẩn. Trông thấy chị Izumi, người vừa mới bước ra khỏi một phòng bệnh khác, cậu ta liền gọi to.

“Chị giúp em với, thằng này nó bảo không đi học này! Có phải là Naomi đang nguy kịch gì đâu phải không chị?”

“Tất nhiên rồi. Em nên đi học đi - và cả em nữa đấy, Tet.”

“Dạ, em nghe rồi.”

Và thế là, cậu ta kéo tay tôi về phía lối ra.

Nhưng Tetsuya chỉ đi với tôi đến hết cửa sau trước khi quay trở về hành lang.

Tôi quyết định tới trường. Tôi không nghĩ chị Izumi là kiểu người nói dối, và tôi nghĩ mình có thể tạm bỏ mọi thứ ra khỏi đầu nếu đi học. Mà còn, nói thật là, tôi cũng hơi lo về điểm số ở trường của mình nữa.

Tôi lên chuyến xe buýt cao điểm buổi sáng chật ních người, đến nửa đường thì xuống xe. Không dễ gì để tôi có thể len qua được rừng người trong lúc ra đến cửa.

“Kitazawa.”

Nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình từ bên đường, nên tôi bèn quay lại. Shimoma đang ngồi trên xe gắn máy dựng ở đó. Đó là loại 50 phân khối mà chắc chắn là không một đứa học sinh cấp hai nào có thể đủ tuổi để lấy bằng.

“Kiếm đâu ra con xe vậy?”

“Hết sảy chứ hả?”

Shimoma đắc chí nhe nhởn. Lần cuối tôi thấy nó là hồi bắt đầu học kỳ một. Sau có ngần ấy thời gian mà nó đã phổng phao, vóc dáng đã người lớn hơn hẳn, nhưng vẻ mặt thì vẫn non choẹt. Tôi lại nhớ về cái hồi khi chúng tôi mới lên cấp hai, hồi mà Funabashi vẫn còn bắt nạt cả hai thằng. Tôi có cái cảm giác rằng vì tôi mà Shimoma đã bị bắt nạt quá mức, nên cứ băn khoăn chuyện đó trong đầu.

Rõ ràng nó lái xe không có bằng, riêng con xe có khi là đồ ăn cắp; mặc dù vậy, tôi thấy không thích thú gì với cái việc lên lớp nó.

“Đi phân khối ngon bá cháy đó mày. Một em xinh xinh thế này thôi cũng lên được đến trăm đấy. Cưỡi cái là quên hết sự đời luôn. Làm vòng không?”

Tôi từ chối. Vì xe nhỏ nên không đủ cho hai người ngồi. Đằng sau chỉ có một cái yên bé tí.

“Sao? Sợ à?”

Nó nói như thể đang thách thức tôi vậy. Nó vốn luôn luôn là một đứa dễ dọa và không dám nhìn thẳng vào mắt đối phương, thế nên cái thằng trước mặt tôi đây không hề giống Shimoma chút nào. Nó có một vẻ tự tin trên khuôn mặt mà tôi chưa từng thấy trước đây. Nhưng cùng lúc, sự tự tin đó dường như bắt nguồn từ một điệu bộ cứng cỏi song mong manh dễ vỡ.

“Đừng có đâm vào đâu đấy.”

Khi tôi bảo vậy, nó khịt mũi: “Tao cóc sợ chết.”

Nói xong, nó vặn ga và phóng đi. Động cơ rống lên cùng với tiếng rít của bánh xe. Nó cắt qua dòng xe ô tô trước khi quay đầu ngược lại và lái về phía này. Đi xuống dưới được một đoạn thì nó lại dừng để rồi quay ngược đầu xe thêm một lần nữa.

Nó cứ phóng vòng vòng quanh một chỗ như vậy để khoe khoang. Những chiếc ô tô trên đường đang chạy với một tốc độ như rùa bò do tắc đường buổi sáng, nhưng những chiếc xe buýt và ô tô bị nó tạt đầu vẫn phải phanh gấp và bấm còi inh ỏi.

Bóng dáng Shimoma luồn lách giữa những chiếc xe tải và xe buýt trông thật quá đỗi nhỏ bé, khiến tôi không khỏi nghĩ cái sự nổi loạn mà nó đang bày ra quả là liều. Tôi tự hỏi nếu như mối quan hệ của tôi với Funabashi mà không tốt hơn, liệu tôi có mới là người sẽ không vác mặt đến trường.

Đồ ngu…

Gần như thể tôi nghe được giọng nói ấy - giọng nói quen thuộc đã vang lên rất nhiều lần trước đây. Nhưng lần này, tôi không thể đồng cảm được. Tôi cũng không thể nào có tâm trạng để leo lên một con xe phân khối lớn. Nếu là tôi chỉ một quãng thời gian trước đây, chưa biết chừng tôi đã nhận lời đề nghị của nó.

Mặc xác Shimoma, tôi bắt đầu bước về phía cổng trường. Ra đến con đường dẫn thẳng đến trường, tôi trông thấy rất nhiều học sinh mặc cùng đồng phục cũng đang đi. Sắp đến giờ của tiết đầu, thế nên ai nấy đều rảo chân.

Shimoma cũng rẽ vào đường này, phóng về đầu cổng trường. Có mấy người nhận ra nó và vẫy tay hoặc chào hỏi qua. Tôi cúi thấp và đi qua như thể không quen nó.

Vừa lúc bước qua cổng, phía sau tôi bỗng vang lên một tiếng phanh két đến điếc tai. Ngay sau đó là một tiếng uỳnh và tiếng hét của mấy đứa học sinh nữ. Tôi liền chạy lại và trông thấy ngay con xe phân khối đã trở thành một đống méo mó dưới một cái xe tải.

Tôi không lập tức thấy được thân hình của Shimoma, thay vào đó lại thấy một vài học sinh cùng người qua đường vội vã chạy tới một điểm nằm không xa chỗ tôi đang đứng. Dường như người nó đã văng ra xa vào lúc đâm vào xe tải, giờ đang nằm úp mặt trên đường, đối diện với cái xe tải.

Đến lúc tôi tới được chỗ nó, có người đang thử lật nó nằm ngửa ra. Người đó nhanh chóng từ bỏ mọi hy vọng và đứng dậy. Hai con mắt vô hồn của nó mở thao láo, mái đầu gục xuống mềm oặt. Máu đang rỉ từ trên đầu xuống, nhưng trên gương mặt không có thương tích nào.

Cơ thể và gương mặt của Shimoma trông không khác mấy so với lúc nó còn sống, nhưng một điều nhanh chóng hiện rõ ra là linh hồn của nó đã không còn lại trong thân xác, thứ sót lại chỉ là một vật có hình dạng con người mà thôi.

Một nhóm người đã đứng thành vòng tròn xung quanh cơ thể bất động của Shimoma. Không lâu sau xe cứu thương và xe cảnh sát đi đến và nó bị chở đi. Tôi đứng chết lặng trong đám đông.

Khi gần tới bệnh viện, tôi bắt đầu thấy chùn bước.

Hình ảnh Shimoma nằm trên mặt đất vẫn còn đang thiêu đốt trong tâm trí. Khi đó mới là lần đầu cái chết cận kề với tôi như vậy.

Và rồi có lẽ bên trong những bức tường của bệnh viện này, cũng đang có vô số những bệnh nhân đang phải chiến đấu với thứ gọi là “cái chết” này.

Những bước chân của tôi vội vã hơn.

Trong hành lang trước cửa phòng bệnh của cô ấy không có ai. Tôi không chắc là mình có thể tự tiện đi vào. Tôi vừa mới nghĩ là nên quay lại quầy y tá để hỏi lại cho chắc thì bỗng nhiên cửa mở.

Tetsuya thò đầu ra ngoài.

“Biết ngay là ông mà! Nghe tiếng thở dài là biết.”

“Tôi đang không chắc có được đi vào trong hay không nên là…”

“Được chứ sao không. Vào đi.”

Cậu ta mở toang cửa.

Tôi trông thấy Naomi. Tấm mền trắng che lên tận cổ cô ấy. Mắt cô mở, nhìn chăm chú lên trần nhà. Tetsuya nói to đến vậy, hẳn cô phải biết rằng tôi đã đến, nhưng cô ấy không nhìn về phía tôi. Thế nhưng tôi mau chóng nhận ra rằng đấy không phải là tại vì cô ấy đang né tránh tôi.

Chỉ là cô ấy không còn chút sức lực nào, có cảm giác như toàn bộ sinh khí đã bị hút ra khỏi người cô ấy, như con sóng đang rút khỏi bờ.

Trong phòng ngoài tôi ra chỉ có Tetsuya và mẹ cô ấy. Bác gái trông thất thần, sự mông lung hiện lên trên hai mắt bác. Khi tôi gật đầu chào, bác chỉ nhìn qua về phía tôi rồi gật nhẹ một cái. Tôi thấp thỏm tới mức chỉ dám đứng ở bên mép giường.

Ánh mắt cô khẽ run rẩy. Nước mắt bắt đầu trào ra và chảy xuống hai bên má của cô ấy.

“Mình vẫn còn sống này.”

Cô ấy nói với một giọng khản đặc. Mắt cô vẫn dán chặt lên trần nhà.

“Mình chẳng cảm thấy gì ở ngực cả.”

Cô ấy nhắm mắt lại. Hai hàng nước mắt cứ thế tiếp tục chảy miết.

“Cuộc đời thật tàn nhẫn. Cho dù cơ thể mình có thành ra thế này, mình vẫn cứ sống.”

Khuôn mặt Naomi vẫn còn hơi sưng do hiệu ứng của thuốc gây mê. Tôi không thể đoán được cảm xúc ẩn sau đôi mắt đang nhắm nghiền kia. Dù cô ấy đang nằm đó trước mặt, tôi lại có cảm giác cô ấy đã đi đến nơi nào xa lắm.

“Naomi.”

Tôi gọi tên cô ấy như thể giữa chúng tôi có một khoảng cách rất lớn.

Cô hỏi, “Gì vậy?”

“Đừng đi đâu cả, được không?”

“Mình sẽ ở bên cậu.”

“Mình…”

Tôi có thể nói gì hơn đây? Dù chỉ vừa gặp gỡ, chúng tôi đã phải nói lời tạm biệt nhau rồi.

Có tiếng ai đó thở khẽ. Tetsuya đang quan sát chúng tôi. Tiếng thở hổn hển khó nhọc của Naomi khiến tôi cảm thấy đau đớn.

Quãng thời gian Tetsuya và Naomi đã dành bên nhau… những tháng năm họ cùng nhau chia sẻ mà tôi không có cách nào thay đổi chính là thứ lại một lần nữa đè nặng lên cõi lòng tôi.

Cả lớp râm ran tiếng bàn tán về vụ Shimoma. Một bài viết trên báo ra buổi sáng đã tập trung không chỉ về vụ tai nạn, mà còn về chuyện nó không đi học nữa.

“Quả này thì, chắc là thằng Funabashi hết cửa để vào cấp ba rồi nhỉ?”

Higashiyama nói nhỏ.

Tờ báo không nhắc gì đến việc bắt nạt. Mà cho dù vậy, Funabashi chỉ bắt nạt Shimoma hồi chúng tôi mới vào học cấp hai. Đúng là hắn vẫn cho thấy khả năng làm đầu lĩnh của bọn học sinh cá biệt kể cả sau khi đã trở thành cầu thủ chính thức trong tổ bóng chày, nhưng những thằng gây sự luôn luôn là đàn em của hắn.

Nói đi cũng phải nói lại, hắn vẫn là đầu lĩnh của chúng nó, nên vẫn gián tiếp có trách nhiệm với hành động của đàn em, nên cũng chẳng có gì bất ngờ khi nhà trường từ chối viết thư giới thiệu cho loại học sinh như thế.

Nhưng đứa khác trong lớp cứ liếc nhìn về phía Funabashi. Hắn không nói chuyện với ai, chỉ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Gần đây hắn cứ như vậy miết, khiến cho đến cả tôi cũng muốn an ủi hắn, nhưng tôi không nghĩ được ra câu nào.

Khi tôi đến bệnh viện, Tetsuya đã chờ sẵn.

“Bác sĩ đang khám cho Naomi bây giờ.” Cậu ta hạ giọng nói.

Bây giờ không phải là thời gian khám định kỳ của cô ấy; tôi có linh cảm xấu về chuyện này. Tôi vừa nói chuyện với Naomi chỉ mới hôm qua. Chắc chắn là mọi thứ không thể chuyển biến xấu đi trong một thời gian quá ngắn như vậy.

“Đi ra quán cà phê nào.”

Cậu ta đi trước mà không đợi tôi trả lời.

Trong lúc đi theo, tôi kể cho cậu ta về tai nạn của Shimoma, và về cách xử sự của Funabashi gần đây. Tetsuya im lặng lắng nghe.

Đến lúc tới được quán, tôi đã hết thứ để nói. Tetsuya không tỏ ra thèm ăn như hôm trước, cậu gọi đồ giống tôi: một cốc cà phê. Cậu ta không cố gợi chuyện nữa. Mãi tôi mới nhận ra là có gì đó không ổn.

“Sao vậy? Đã xảy ra chuyện gì?”

Cậu ta dán chặt mắt xuống nền nhà và không đáp ngay.

“Đây không phải là kiểm tra định kỳ hả?”

Cậu ta lắc đầu.

“Naomi bắt đầu có dấu hiệu viêm phổi.”

“Viêm phổi sao?”

Cô ấy đã phải cắt bỏ một bên phổi trong ca phẫu thuật, giờ thì bên phổi còn lại đã bắt đầu viêm, đây là điều mà tất cả chúng tôi đều e sợ nhất.

“Dịch và mủ tắc lại trong họng khiến việc thở rất khó khăn. Họ vừa mới cắt mở khí quản để hút cái đống đó ra. Naomi không thể nói được nữa rồi.”

Giọng cậu ta run rẩy. Cảm xúc mà cậu ta vẫn cố giấu kín trong lòng chắc hẳn đã trào dâng ra ngoài khi nói với tôi chuyện đó. Mắt cậu ta đỏ ngầu.

Giọng nói của cô ấy…

Tôi không thể thở nổi, không thể nói gì.

Cậu ta dùng mu bàn tay dụi mạnh lên mặt.

“Chắc là tôi đã hơi mệt mỏi rồi.”

Ngày nào cậu ta cũng đến bệnh viện. Gương mặt rám nắng có được từ việc chơi bóng chày ngoài trời nhuốm trong mệt mỏi. Sự im lặng tiếp nối. Cậu ta thở một hơi thật dài.

“Tôi lúc nào cũng khỏe như vâm, thành ra chưa bao giờ biết mệt là gì. Còn nhớ hồi trước lúc tôi đùa ông với thằng Funabashi khi đang chạy bộ quanh trường không? Chính vì cái cơ thể lúc nào cũng cường tráng này nên tôi không thể nào hiểu được sự khác biệt ở những người quanh mình. Nhưng bây giờ, ngay cả những thứ nhỏ nhất cũng có thể gây ra những đau đớn chọc thẳng vào tim tôi. Cảm giác như một phần cơ thể đã bị cắt lìa, máu cứ thế mà chảy ra từ vết thương đó.”

Đến đây, cậu ta cúi về phía trước, khuỷu tay chống lên mặt bàn.

“Kitazawa, tôi thấy sợ hãi chính con người tôi.”

Vẻ mặt cậu khi thú nhận điều này trông giống như sắp sửa suy sụp và òa khóc tới nơi.

“Dòng máu của ông già tôi đang chảy trong những huyết quản này. Dòng máu của một gã thất thường và phóng túng. Giờ thì tôi chỉ nghĩ về Naomi. Nhưng sau mấy năm nữa, không chừng tôi sẽ quên đi Naomi và đuổi theo tà váy của một đứa con gái nào đó khác. Tôi sợ cái thằng Tetsuya của tương lai có thể sẽ làm như vậy…”

Cậu ta nhắm mắt lại.

“Bây giờ thì tôi đang khóc. Ngày mai chắc tôi vẫn khóc, cả ngày kia nữa. Nhưng sau này sáu tháng thì sao? Tôi không tin tưởng chút nào vào bản thân tôi cả. Sau nửa năm nữa khi tôi bước vào cấp ba, đợt tập bóng chày sẽ khởi động. Đám người hâm mộ sẽ vây thành một vòng tròn quanh tôi.

Nếu vào được giải vô địch toàn quốc, tôi sẽ trở thành một ngôi sao. Rồi sẽ có rất nhiều cám dỗ chờ đợi tôi ở đó, và đến một ngày tôi sẽ buông mình theo những cám dỗ ấy. Tôi có linh cảm rằng chuyện đó sẽ đến.”

Cậu ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt hết sức nghiêm túc.

“Kitazawa, đừng có quên lời hứa của chúng ta, được chứ? Ông là người duy nhất tôi có thể trông cậy được. Nếu cả ông cũng quên đi Naomi, tôi có cảm giác rằng những ký ức về Naomi sẽ biến mất hết khỏi Trái Đất này. Vậy nên không được quên, hiểu chưa? Và phải sống đến trăm tuổi đấy.”

Tôi gật đầu thật sâu, không nói gì thêm.

Khi chúng tôi trở lại phòng bệnh của cô ấy, có thêm mấy người đang đứng bên ngoài cửa. Cha Naomi đang nói chuyện với họ; tôi đoán họ là họ hàng của cô ấy. Nếu như họ hàng đã được gọi đến, rõ ràng là tình hình đã rất hiểm nghèo. Chúng tôi đứng lặng lẽ ở một bên hành lang.

Tôi về đến nhà gần nửa đêm. Tiếng nhạc Mahler vẫn còn văng vẳng trong phòng Kousuke. Không thấy mẹ, tôi đoán là mẹ đã đi ngủ.

Tôi đứng yên một lúc giữa căn phòng khách.

Có một cơn đau âm ỉ bỏng cháy ở những ngóc ngách trong trái tim của tôi. Rất có thể ngay lúc này, Tetsuya cũng đang trải qua cơn đau như thế. Cậu ta chắc sẽ đương đầu với nó bằng cách xơi cả một tô cơm… hoặc tập vung chày.

Tôi có cảm giác mình sẽ không thể ngủ được tối nay, sẽ là một đêm thật dài.

Tôi bước xuống lớp học dưới tầng hầm, ngồi trước cây đàn piano. Mỗi ngày không động đến đàn, tôi lại thấy ngón tay mình yếu đi. Mà không chỉ có thế. Nơi tôi cảm thấy thoải mái nhất chính là trước cây đàn.

Tôi không có tâm trạng để chơi một bản nhạc nào cả nên đã bắt đầu với một vài bài tập dành cho ngón tay của Hanon.

Ngón tay tôi có cảm giác nặng nề, không biết có phải là do tâm trạng của tôi không. Tôi vẫn có thể cảm nhận được các đầu ngón, nhưng dường như người đang chơi không phải là tôi. Những nốt nhạc mà tôi đang nghe được tưởng chừng đang vọng lại từ một nơi thật xa.

Tập xong Hanon, tôi suy tính nên chơi gì tiếp. Tôi linh cảm mình sẽ chơi được giai điệu máy móc của Beethoven trong tối nay. Tôi bèn chơi bài “Grosse Fuge” kế đó. Những nốt nhạc hòa quyện vào nhau, kéo đến như sóng trước khi rút ra xa. Đợt sóng âm thanh này vọng lại sâu bên trong trái tim, khiến cho cảm giác yên bình lan tỏa khắp người tôi.

Thậm chí tôi không nghĩ đến việc sẽ chơi nhạc Ravel. Tôi không muốn đắm chìm trong bi lụy. Tôi sẽ phó mặc mình vào dòng chảy của những thanh âm máy móc ấy. Tôi chỉ muốn tập trung vào lắng nghe tiếng nhạc, không phải nghĩ ngợi gì nữa… không phải cảm thấy gì nữa. Nếu không làm được như vậy, bức tường của thứ mà tôi đang tuyệt vọng kìm nén lại sẽ sụp đổ xuống mất.

Đúng rồi… Bản Sonata số 15 sẽ đáp ứng…

Nó có tên là “Pastoral - Đồng quê”. Một bản nhạc yên bình, không cảm xúc. Nó tô vẽ lên một khung cảnh bằng âm thanh. Bản nhạc này được giao cho tôi, nên ngày nào tôi cũng chăm chỉ tập luyện. Bản nhạc mà tôi chưa bao giờ yêu thích bằng cách nào đó đã trở thành bản nhạc mà tôi thấy hợp nhất với mình vào lúc này.

Tôi đặt ngón giữa của tay trái lên nốt Rê trưởng, và bắt đầu chạy ngón trên một giai điệu nhịp ba mà mới đầu nghe tưởng chừng như ẩu tả. Hợp âm phát ra bên tay phải của tôi cộng hưởng theo một tốc độ trễ hơn chút xíu trong lúc giai điệu đều đặn như máy đếm nhịp tiếp tục vang lên bên tay trái. Sự chuyển động nhẹ nhàng của âm thanh mà tôi không rõ có thể gọi là một giai điệu hay không trải ra một cách buồn tẻ. Dù những nốt đen đã đổi sang thành móc đơn, nhịp điệu đều đều thiếu đi những nốt chấm dôi hay đảo phách cùng giai điệu nhạt nhòa vắng bóng cảm xúc được chơi với một sự chính xác như dao cạo, không hề có dấu hiệu của cường độ khác biệt hay lệch nhịp.

Tôi thậm chí còn bỏ qua những ký hiệu crescendo hay sforzando được ghi rõ trong phổ nhạc.

Tôi cứ nghĩ cảm xúc của mình đã được chế ngự, nhưng nước mắt đã chảy thành dòng trên mặt mà tôi không hề hay biết.

Cũng giống như cách những giọt nước mưa dần dần tích tụ trong cốc thủy tinh đo lượng mưa trước khi nó bị đầy tràn, có điều gì đó đang chực chờ dâng trào trong tim tôi. Nén lại những cảm xúc đang muốn được giải phóng này, tôi tiếp tục ấn lên phím đàn một cách tự động. Đâu có cần cất ra tiếng nói. Mỗi một âm thanh tựa như tiếng máy đếm nhịp đều chứa đựng nỗi đau. Với mỗi tiếng vang, tôi đều bị lay động đến tận xương tủy.

Chuyện gần như siêu thực, tôi chưa từng chơi nhạc thế này bao giờ. Tôi vẫn đánh bản nhạc này như mọi khi vẫn làm, nhưng mỗi hợp âm đều dấu kín bên trong một điều gì đó. Giai điệu mà ban đầu tôi chơi hết sức hờ hững nghe rất khác. Tôi xấu hổ khi nghĩ lại cái cách mà tôi luôn cố gắng cho thêm một chút cảm xúc vào bản nhạc bằng cách thêm tiết tấu hoặc thay đổi nhịp độ.

Đến giờ tôi mới kịp nhận ra ẩn ý của bản nhạc này. Không giống như bản Giao hưởng Số 6 có cùng tên gọi, bản nhạc này thường bị bỏ qua và hiếm khi được biểu diễn trong ba mươi hai bài sonata mà Beethoven đã viết. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nó có thể được chơi thế này.

Tôi bắt đầu chương hai của bản nhạc hai phần. Phía sau âm vang của hợp âm, một âm thanh khác bắt đầu vọng lại. Đó là một nhịp điệu đang nhỏ dần nhưng vẫn kiên trì tiếp tục. Tôi đã nghe thấy nó trước đây. Nhịp điệu giống như trái tim đang đập, ăn sâu vào trong những ngóc ngách sâu thẳm ở tâm trí của một ai đó.

Giữa nhịp độ đều đặn không một lần dao động, có thứ gì mãnh liệt giấu mình trong đó. Tôi nhận ra đây là nhịp đập của cuộc sống. Chính sự đơn điệu và không đổi của nó là thứ khiến cho ta nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc được sống - bản nhạc này thâu tóm trong nó giai điệu của cuộc sống.

Những ngón tay tôi nhất quyết đuổi theo giai điệu này. Không một lần tôi lúng túng, hoặc chậm nhịp; bản nhạc cứ tiếp diễn trong sự đồng bộ hoàn hảo. Sau khi hợp âm cuối cùng của chương cuối cùng đã tan biến, một sự hài lòng sâu sắc mà tôi chưa từng cảm nhận trước giờ trìu mến ôm trọn tôi vào lòng.

Cuối cùng tôi cũng nhấc tay khỏi phím đàn và ngước lên, tôi thấy mẹ đang đứng ngay bên ngoài căn phòng với cánh cửa hé mở. Vẻ mặt mẹ nhìn tôi bàng hoàng. Có vẻ như mẹ đang định bước vào nhưng đã đứng trời trồng tại chỗ.

Tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế và trao đổi với mẹ bằng ánh mắt. Mẹ chăm chú nhìn tôi, trông vẫn như chưa hoàn hồn.

Có bốn nữ sinh cấp hai đang trò chuyện với Tetsuya trước phòng bệnh của Naomi. Họ mặc đồng phục và thắt khăn màu đỏ huyết – không phải áo học sinh trường tôi. Tôi đoán họ là bạn cùng lớp với Naomi.

Tôi biết là cô ấy theo học một ngôi trường tư, nhưng chưa từng tưởng tượng xem ở đó cô mặc đồng phục trông thế nào.

Nhưng cho dù đang thấy bộ đồng phục ấy trước mặt, tôi vẫn không thể hình dung ra Naomi mặc nó. Naomi mà tôi biết luôn luôn ở trong căn phòng bệnh, mặc pyjama màu hồng nhạt, đắp tấm chăn trên người và lừ mắt nhìn tôi với vẻ xưng xỉa.

Tôi không biết có phải Tetsuya vừa thốt ra một câu bông đùa hay không, nhưng đám con gái ấy cười ồ lên một tràng. Họ tức thì bụm miệng lại khi nhớ ra mình đang ở đâu, thế nhưng vẫn không tránh khỏi những cái nhướn mày của họ hàng Naomi cũng đang đứng trong hành lang. Cho dù vậy, tiếng cười của họ vẫn không lắng xuống.

Bản thân Tetsuya cũng đang cười cùng họ.

Tôi dừng lại một khoảng trước phòng cô ấy. Có lẽ tôi cũng đang mang một nét mặt tương tự như họ hàng của Naomi.

Lúc Tetsuya phát hiện ra tôi, mặt cậu ta đổi sang vẻ chua chát.

“Giờ này mới đến,” cậu ta lẩm bẩm.

Cách nói cấm cẳn của cậu ta như để chữa ngượng. Mặc dù đang cười nói với bọn họ thế thôi, nhưng tôi biết rằng ngay khi họ vừa đi khỏi, mắt cậu ta sẽ hoen đỏ trở lại. Cậu ta vốn là người như thế.

Tetsuya bước đến chỗ tôi và lảng mắt đi trong lúc giải thích: “Bọn họ học cùng lớp với Naomi. Tôi bảo với chúng nó là Naomi không cho ai vào thăm được nhưng sự thật là đã khá hơn so với hôm qua rồi. Naomi đang tỉnh đấy, và có thể hiểu được người khác đang nói gì. Hình như Naomi cũng muốn được gặp ông. Tôi sẽ dụ đám con gái ấy đi chỗ khác, khi chúng nó đi rồi thì vào trong đi nhé?”

Tôi nhìn theo cậu ta, lòng thắc mắc xem cậu ta định làm thế kiểu gì. Tetsuya nở nụ cười, hỏi liệu họ có muốn đi uống chút trà không và lùa họ về phía cổng trước. Sau khi họ đã rẽ sang lối khác, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng cậu ta pha trò cùng với tiếng cười nói râm ran.

Sau khi nhìn họ đi khuất, tôi quay đầu lại và bước vào bên trong phòng bệnh.

Lúc đóng cửa lại, tôi cảm nhận được sự im ắng nghẹt thở quấn siết lấy tôi. Tôi nghe thấy tiếng xì xì của máy móc. Một vật phản chiếu ánh sáng trắng thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một cái buồng ô xy dùng để theo dõi dưỡng khí cho bệnh nhân. Chất nhựa được làm trong suốt. Trông nó hơi mờ, có lẽ là do hơi nước. Bên kia màn sương trắng, tôi có thể trông ra khuôn mặt của cô ấy.

Mẹ Naomi và chị y tá Izumi đang ở trong phòng. Mẹ cô ấy trông như một người bệnh do lo lắng cho con gái. Bác dường như còn không để ý thấy tôi đã đi vào phòng. Thấy tôi nán lại ở bên cửa, chị Izumi mới ra hiệu cho tôi đến gần hơn.

Naomi đang tỉnh giấc và đã nhận ra ngay khi tôi tiến đến đứng bên cạnh giường cô ấy.

Cô ấy không thể nói được nữa; cổ họng cô có một vết khâu, quấn sau lớp gạc màu trắng.

Tay và chân của cô cũng không thể cử động nữa. Làn da cô trắng phi tự nhiên và khô héo cả đi. Trông cô ấy như một con búp bê vô hồn vậy, hoặc cũng có thể là do tôi đang nhìn cô ấy qua buồng ô xy, không biết nữa. Chỉ còn đôi mắt cô ấy là vẫn giữ được sự lanh lợi.

Naomi chăm chú nhìn tôi như đang gắng sức thổ lộ với tôi một điều.

Tôi chạm vào mép giường rồi cúi xuống gần cô ấy hơn. Đôi mắt cô dõi theo trong lúc tôi làm vậy. Còn tôi vẫn cứ im lặng mà ngắm nhìn cô ấy như thế.

“Cậu vẫn mãi lặng lẽ như thế nhỉ.”

Đôi mắt cô nói thế với tôi. Tôi gật đầu đáp lại.

Sắc mặt cô không đổi, nhưng tôi cảm nhận được cô vừa khẽ cười qua ánh mắt. Rồi trong khoảnh khắc tiếp theo, như một đoạn phim quay chậm, bờ môi cô bắt đầu cử động:

Mình… yêu… cậu.

Tôi không thể nghe thấy giọng cô ấy. Nhưng có một điều chắc chắn là cô đang nói.

Sau một thoáng ngừng lại, môi cô lại bắt đầu cử động:

Mình… yêu… cậu… đến… hết… đời… này.

Ánh mắt cô lấp lánh. Tôi không thể nói gì. Cô ấy biết rằng cái chết đã đến thật gần.

Khi bước ra ngoài hành lang, tôi trông thấy cha của Naomi. Tetsuya thì chưa thấy quay về.

Khi bác nhận ra tôi, một nụ cười hiện lên trên gương mặt bác. Một người luôn hòa nhã và hay cười, hôm nay bác đã trở về với phong thái thường ngày, dù đêm trước bác có lộ ra những dấu hiệu mệt mỏi. Có thể là trong đêm, bác đã chuẩn bị sẵn cho những chuyện sắp xảy đến.

“Cháu có nói chuyện được với Naomi không?”

Bác hỏi vậy, song cả hai đều biết là cô ấy không nói được nữa. Tôi buộc lòng phải nghĩ bác thật là một người kỳ lạ.

“Bạn ấy không thể nói bằng lời, nhưng vẫn có thể giao tiếp qua ánh mắt. Naomi vẫn như vậy đấy ạ.”

Mắt bác dãn ra và trông bác thật bình tâm, nhưng tôi cũng có thể cảm nhận được đằng sau đó là một ánh mắt sắc xảo đang tìm hiểu tôi.

Bác bước đến bên cạnh và thủ thỉ nói khẽ:

“Cháu là Kitazawa, đúng không nhỉ? Bác cháu mình chưa có nhiều cơ hội để ngồi xuống nói chuyện với nhau, nhưng bác cảm kích khi cháu đã dành cho Naomi rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời như vậy. Bác không hiểu rõ về âm nhạc, nhưng bác hiểu được cháu là một người biết nghĩ. Con gái bác, Naomi, cũng vậy. Con bé thật may mắn khi đã gặp được cháu. Bác thật sự tin là vậy.”

Bác nhẹ thở dài. Rồi bác quay đầu sang bên cạnh, đôi mắt lơ đãng lướt dọc hành lang trong lúc nói tiếp:

“Vợ bác cũng là kiểu người hay nghĩ. Bọn bác được giới thiệu thông qua một người bạn chung, nhưng trên thực tế cuộc gặp gỡ đó giống như một buổi mai mối hơn. Bác dành hầu hết thời gian ở phòng thí nghiệm kể từ hồi đại học nên chẳng có mấy cơ hội để quen biết với phái nữ.

Bạn bác chắc cũng thấy ngán ngẩm thay cho bác vào cái tuổi ấy, thế nên đã thu xếp để bác có thể gặp mẹ Naomi. Bác gái cũng là một người không quá cởi mở nên vẫn chưa lập gia đình cho dù đã quá cái tuổi mà phụ nữ thường kết hôn. Lần đầu gặp gỡ, bác đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của bác ấy. Bác không thể hiểu tại sao một người phụ nữ xinh đẹp như thế lại chưa lấy chồng. Gặp rồi bác mới hiểu.

Tính khí bác ấy hay lo lắng, và lại còn thường xuyên khép kín với tất cả mọi người nữa. Cho đến bây giờ, bác vẫn chưa hiểu rõ vì sao bác ấy lại chọn bác làm chồng. Có lẽ vì bác ấy nghĩ bác vô hại bởi lúc nào bác cũng chỉ nghĩ đến việc nghiên cứu, thực tế ra là cũng có rất nhiều ngày bác phải ở lại phòng thí nghiệm qua đêm nên không dành thời gian ở nhà mấy.

Bọn bác chưa bao giờ thực sự bỏ thời gian ra để ngồi xuống nói chuyện với nhau. Bác thấy thì thay vì thấy cô đơn, bác ấy lại có được niềm vui khi có thời gian ở một mình. Đơn giản là thế. Là một người tỉ mỉ trong việc vệ sinh nên các công việc trong nhà được bác ấy thực hiện với sự hoàn hảo.

Cuộc hôn nhân của bọn bác không có vấn đề gì đặc biệt, nhưng hai người không có cùng chung một sở thích. Nói thật là đã có những lúc bác tự hỏi tại sao ban đầu hai bác lại lấy nhau. Bác đã từng lo rằng sẽ mất cả đời mà không thể nhìn thấu được vào trái tim của bác ấy…”

Bác nhìn về một nơi nào đó rất xa, trên gương mặt thoáng hiện lên một niềm đau đớn trong khoảnh khắc. Nhưng khi quay lại phía tôi, một nụ cười đã nở và trông bác an lòng.

“Nhưng thời gian đã xoa dịu lo lắng ấy. Sức khỏe của vợ bác không được tốt, nên các bác sĩ đã thông báo rằng rất có thể bác ấy sẽ không bao giờ sinh con được, nhưng bằng một điều thần kỳ, Naomi đã xuất hiện trên đời. Naomi là một đứa trẻ biết nghĩ. Bác phải nói thật rằng cho đến lúc ấy, bác không thể nào hiểu nổi những người có tính cách như vậy.

Nhưng Naomi cũng thừa hưởng từ bác thái độ vui vẻ và hồn nhiên. Nhờ những đức tính ấy mà cả hai cùng chia sẻ, bác đã hiểu nó nhiều, và cùng với thời gian, bác đã bắt đầu cảm nhận được những phần khác trong tính cách của nó nữa. Và qua Naomi mà dần dần bác đã hiểu được vợ mình hơn.

Trong mười lăm năm mà hai bác có Naomi đã là mười lăm năm trên cả tuyệt vời. Bác thành thật tin rằng hạnh phúc này sẽ còn đi theo nó đến tuổi trưởng thành, kết hôn và có con, nhưng thực tế không phải vậy. Khi bác sĩ phát hiện ra căn bệnh, bác đã bị sốc, và bác tiếc cho nó.

Cứ nghĩ đến việc Naomi chỉ mới sống được mười lăm năm trên thế gian này, tâm trí bác lại dày vò khổ sở và không thể tập trung vào công việc. Nhưng sáu tháng trở lại đây, bác đã bình tĩnh lại một chút. Dù bác có oán trách cái thực tại này đến đâu thì cũng không thay đổi được gì. Và cho dù nói thế này nghe sẽ có phần dửng dưng, song đúng là chúng ta vẫn sẽ phải sống sau khi Naomi đã rời bỏ thế giới này.

Bác đã nghĩ về mình và người vợ. Có những lúc bác lo rằng nếu người là cầu nối giữa bác với vợ là Naomi qua đời, hai bác sẽ lại quay về sống như cái cách trước khi con bé chào đời.”

Nét mặt bác sa sầm lại trong chốc lát khi nhìn tôi. Rồi bác gật mạnh hai cái như tự nhủ với chính bản thân: “Nhưng không cần lo như vậy. Bác không còn là bác hồi trẻ nữa. Bác nhận thấy trong mấy ngày gần đây, vợ bác đang sắp sửa bị khủng hoảng tinh thần.

Nhưng con người của bác hiện giờ đã hiểu cho bác ấy. Chính là nhờ Naomi. Bác chắc chắn rằng cùng với thời gian, đau đớn của vợ bác sẽ được xoa dịu. Và bác thực sự tin rằng chỉ cần bác hiểu cho bác ấy, bác ấy cũng sẽ hiểu cho bác. Nếu cháu có thắc mắc tại sao lại như vậy, đó là vì hai bác đều mang chung một nỗi đau. Hai bác sẽ sống để xoa dịu nỗi đau của người kia.

Có lẽ nhiều năm sau này, hai bác vẫn sẽ nhắc đến Naomi. Những ký ức của cả hai về đứa con gái sẽ là đủ để ràng buộc hai bác trong cuộc đời này. Bác rất biết ơn Naomi, cả số phận đã trao cho bác một người con gái như Naomi nữa. Chỉ mới nửa năm trước bác đã nguyền rủa số phận, nhưng bây giờ, bác cảm thấy mình đã có thể trân trọng nó.”

Bác trút ra một tiếng thở dài và cười với tôi. Nụ cười đó thật đẹp. Bạn chỉ có thể thấy nó một hoặc hai lần trong đời. Nước mắt đã chảy trước khi tôi kịp nhận ra.

Tôi cũng có những ký ức về Naomi. Tôi hiểu tâm trạng của bác ấy, cho dù chỉ là chút ít. Tôi tự hỏi liệu cảm xúc ấy có phản chiếu trên khuôn mặt tôi. Cha Naomi đang ngắm nhìn tôi chăm chú cũng vội quay mặt đi; tôi cũng đã thấy những giọt nước trên khóe mắt bác.

“Xin lỗi vì đã làm cháu phát chán với câu chuyện về bác với vợ. Chẳng là bác có linh cảm rằng cháu sẽ hiểu, nên bác không đừng được.”

Bác nắm chặt lấy tay tôi và tôi cũng nắm lại. Chưa có bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ nắm tay với một người lớn như thế.

Tôi tạm biệt cha của Naomi và đi về phía lối ra. Tetsuya vẫn chưa quay lại. Tôi chẳng nghĩ là cậu ta vẫn còn ở quán cà phê tán gẫu với bọn con gái. Trước mặt họ cậu ta phô ra bộ mặt vui vẻ, nhưng tận sâu trong thâm tâm, cậu ta đang đau đớn. Tôi hiểu cậu ta là người luôn ép mình phải vui vẻ trong những lúc buồn đau.

Căn phòng chờ của bệnh nhân ngoại khoa trở nên đông đúc vào cuối khung giờ thăm bệnh buổi chiều. Tôi nhìn ra Tetsuya giữa đám người ấy.

Đến lúc ngắm kỹ cậu ta, tôi đã bị rúng động.

Tetsuya không nhận ra là có người đang nhìn mình, bởi nét mặt cậu tối sầm. Giống như có một ánh đèn sân khấu đang chiếu lên Tetsuya. Giữa đám đông chỉ có mình cậu là nổi bật. Cậu ta đứng đó. Tôi và Tetsuya có chung những kỷ niệm. Chỉ có cậu là người hiểu tôi đang cảm thấy như thế nào, và tôi cũng vậy. Tôi cứ thế đứng ngắm cậu ta chăm chú.

Sáng hôm sau, vừa bước vào lớp, Funabashi bỗng từ đâu xuất hiện:

“Ê, biết gì chưa! Tao sẽ được học cấp ba!”

Hắn trông hớn hở, cái thằng Funabashi của ngày hôm qua dường như chưa hề tồn tại. Higashiyama cũng đứng gần đấy. Tôi đoán Funabashi cũng vừa mới báo tin vui cho nó xong.

Higashiyama giải thích: “Có vẻ như Tetsuya đã thu xếp mọi chuyện.”

“Tetsuya?”

Tôi quay sang Funabashi. Trong một giây, sự chần chừ lướt ngang qua vẻ mặt hắn.

“Thằng đấy đặt ra điều kiện là nó sẽ chỉ nhập học trường nào chấp nhận cả hai bọn tao, cuối cùng chỉ có đúng một trường là đồng ý. Nhưng hình như trường đó không phải là lựa chọn ưu tiên của nó. Tao thấy không phải về chuyện đó.”

Hắn gục đầu và chùng vai xuống. Higashiyama vỗ lên lưng hắn bảo: “Không phải lo. Tetsuya có quan tâm nó đi học trường nào đâu. Trường tư thì đúng sẽ là lựa chọn tốt hơn, nhưng đằng nào nó cũng không bận tâm về chuyện học đại học. Nó đang cần tìm một ngôi trường cần có nó, nên trường nào bất chấp các điều kiện để chiêu mộ nó sẽ là lựa chọn ưu tiên của nó rồi.”

Tôi kể với Tetsuya về Funabashi chỉ mới hai ngày trước đây. Có khi nào cậu ta đã dành cả buổi chiều và buổi tối để gọi đến các trường từ bệnh viện. Đúng là một người khi đã quyết định điều gì thì sẽ hành động luôn không nghĩ ngợi. Tối hôm qua khi gặp nhau cậu ta cũng chẳng nói một lời về chuyện này. Hẳn cậu ta còn là một người như vậy nữa.

“Kitazawa! Này, Kitazawa!”

Cô Miyazaka chặn tôi lại trong hành lang. Tôi còn chẳng nhận ra là mình vừa đi qua mặt cô giáo.

“Làm sao thế, Kitazawa?”

Trông cô có vẻ ngạc nhiên.

“Làm sao là làm sao ạ? Trông em lạ lắm à?”

“À không, không có gì lạ cả… có điều trông em mặt mày rạng rỡ quá!”

Đến lượt tôi phải ngạc nhiên. Không thể nào thế được. Sáng nay tôi vừa nhận được tin Naomi đã rơi vào hôn mê. Tetsuya ở lại trong viện, còn tôi thì đến trường. Tôi nghĩ rằng cậu ta có quyền như thế vì đã biết Naomi từ lâu.

Cho dù vậy đi nữa, tôi không thể chịu nổi cảnh phải ở lại đây thêm một giây nào nữa, nên đã quyết định đi về sớm và đang chạy dọc hành lang. Có thể trong mắt cô giáo cái vẻ rạng rỡ ấy là do tôi đang vội.

Thấy tôi không nói gì, cô nhìn tôi chăm chú và đưa ra nhận xét: “Dạo này thấy em chững chạc lên nhiều rồi đấy. Cô đoán là em đã ra quyết định về chuyện thi cử rồi hả?”

Đúng là thế. Đêm hôm kia, mẹ tôi đã đồng ý để tôi thi vào một nhạc viện. Tôi giải thích ngắn gọn như thế.

“Thật không? Nghe vậy cũng mừng.”

Song tâm trí tôi đang không quan tâm tới việc đó lúc này. Tôi không nán lại trò chuyện, nhanh hết sức có thể bỏ ra khỏi sân trường.

Lúc tôi xuống xe buýt, bầu trời mùa thu trong vắt sáng đến mức chói mắt. Tôi gần như chạy đến phòng cô ấy. Có đến cả một hàng người đứng trong hành lang; họ đều là họ hàng Naomi. Có vài người tôi nhận ra, nên tôi gật đầu chào họ trước khi đi vào phòng.

Bên trong thậm chí còn đông hơn nữa. Có một bác sĩ cùng với vài người y tá đang theo dõi tình trạng của cô ấy. Naomi vẫn đang nằm trong buồng ô xy, nối với chiếc máy to bằng những sợi dây và ống dẫn dài. Thêm vào đó là một cỗ máy đo nhịp tim của cô ấy. Có cảm giác như cỗ máy ấy là thứ đang khiến cho tim cô ấy hoạt động chứ không phải ngược lại.

Một bàn tay vươn qua đám đông và nắm lấy tay tôi. Tôi bị kéo vào trong rừng người. Đó là Tetsuya, kéo tôi đi đến chỗ cô ấy. Tôi đứng ngay cạnh giường và nhìn về Naomi, người đang nằm ngửa với đôi mắt nhắm. Lớp nhựa trong suốt của buồng ô xy có hơi nước đọng lại, thế nên trông như người cô ấy đang khuất sau một tấm màn. Naomi không hề cử động.

Ngăn giữa chúng tôi là một bức tường không thể phá bỏ. Cho dù có cố với đến thì cũng không thể chạm tới được cô ấy… tôi cảm thấy vậy.

Tôi không rõ bao nhiêu giây phút đã trôi qua, nhưng bầu không khí trong phòng bỗng nhiên nhẹ bẫng đi. Chiếc máy tiếp tục cho thấy nhịp tim của cô, nhưng đó chỉ là một nhịp đập điện tử phát ra từ chính cái máy. Cha Naomi gục đầu xuống và thì thầm điều gì đó với bác sĩ.

Vị bác sĩ cũng cúi xuống nói điều gì đó. Tôi nghe có tiếng khóc thút thít. Mẹ Naomi đang bám vào cạnh giường nấc nghẹn. Cha cô bặm môi lại song bác không khóc.

Cặp mắt của Tetsuya cũng đỏ ngầu, song cậu ta cố kìm nén. Lần lượt, các công tắc máy bị đóng lại, và cuối cùng, nhịp tim trên màn hình tắt phụt.

Chúng tôi đều bỏ ra khỏi căn phòng. Tiếng ồn rộ lên trong hành lang. Cha Naomi đang đi một vòng tiếp những người họ hàng. Có lẽ sắp tới sẽ là một quãng thời gian bận rộn với việc ma chay. Tetsuya cùng tôi sánh bước bên nhau dọc hành lang trong im lặng.

Bấy giờ là ban đêm. Cánh cửa trước đã đóng. Chúng tôi ra khỏi bệnh viện qua cửa sau. Ánh đèn thành phố trông nhòe nhoẹt. Cả hai chậm rãi đi trên tuyến đường của xe buýt.

“Kitazawa,” cậu ta nói sau khi chúng tôi đã đi được một khoảng.

Tôi nhìn qua phía cậu ta. Mắt cậu ta dán chặt về một nơi xa xăm phía trước.

“Phải sống, nghe chưa?”

Tetsuya gằn giọng.

“Ừ, nghe rồi,” tôi đáp.

Tiếp sau đó, chúng tôi tiếp tục bước thẳng trên con đường ban đêm vắng bóng người.

Bình luận (0)Facebook